27.3.20

Virus Corona: một hạt cát trong cỗ máy kinh tế thế giới?


VIRUS CORONA: MỘT HẠT CÁT TRONG CỖ MÁY KINH TẾ THẾ GIỚI?
Michel Fouquin Jean-Raphäel Chaponnière
Cuộc khủng hoảng y tế gắn với con virus Covid-19 đã làm nhiều ngành ở Trung Quốc ngừng sản xuất và đã lây nhiễm nền kinh tế toàn cầu.
Dịch virus Corona (Covid-19) là cú sốc lớn trong ngắn hạn cho nền kinh tế Trung Quốc. Khủng hoảng này cũng có thể có những hậu quả toàn cầu lâu dài trong dài hạn.
Cú sốc này diễn ra trong bối cảnh đầy bắt trắc về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, một đất nước mà thị phần xuất khẩu dẫm chân tại chỗ kể từ năm 2016. Đây là hệ quả vừa của sự gia tăng rất nhanh của chi phí lao động ở Trung Quốc (13% mỗi năm kể từ mười năm nay) vừa của những biện pháp bảo hộ của Hoa Kì từ năm 2018. Đồng thời tỉ phần của tiêu dùng nội địa trong GDP vẫn còn thấp trong lúc tỉ suất đầu tư lại cực cao.
Nói chung, trước cú sốc dịch tễ học dự báo trung bình của các viện kinh tế về một tăng trưởng 5,9% của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 có vẻ hợp lí nhưng cú sốc đặt tất cả các dự báo thành vấn đề. Nhất là có sự bất trắc rất cao về tính nghiêm trọng của cú sốc và về thống kê lây nhiễm hay tử vong.
Vùng “Detroit” của Trung Quốc
Những hậu quả đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể là như thế nào? Nằm ở tâm điểm của cơn dịch, Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc (4% GDP của Trung Quốc) và là ngã tư quan trọng nhất của đường sắt nước này. Vùng “Detroit” Trung Quốc với sản lượng xe ô tô bằng với sản xuất của Pháp cũng còn có tên là “thung lũng quang học” – một phần tư cáp quang của thế giới được sản xuất ở đây – và là một cực chính của nền điện tử thế giới. Việc mở cửa lại các nhà máy phụ thuộc vào sự đồng ý của chính quyền mà rất thận trọng đã kìm hãm sự phục hồi sau lễ Tết, đặc biệt là các dây chuyền lắp ráp trong các tỉnh phía tây.
Ngoài ngành sản xuất xe ô tô và điện tử, các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của các biện pháp phong toả quyết liệt là vận chuyển (4% GDP), quán ăn (đóng cửa McDo và KFC, một nửa trong số 4.292 cà phê Starbuck, v.v.), phân phối (Uniqlo, Muji, Ikea) và thương mại bán lẻ (7%). Tuy nhiên trong lĩnh vực này, việc bán trực tuyến có thể là một khả năng thay thế vì buôn bán trực tuyến chiếm 36% doanh thu, tức là cao hơn nhiều nước khác (như Pháp chỉ là 9%).
Thị trường bất động sản, vốn đã gặp khó khăn, cũng bị tác động, đặc biệt ở Vũ Hán, nơi giá cả là rất cao. Nhằm cố gắng giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng, ngân hàng trung ương People’s Bank of China đã bơm 171 tỉ đôla thanh khoản hôm 3 tháng giêng – đợt bơm tiền lớn nhất kể từ năm 2015 – và các giới chức điều tiết yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất hay tiếp tục cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp tục được vay.
Lây lan ra quốc tế
Đương nhiên là sự sụt giảm của cầu nội địa có những hiệu ứng quan trọng trên một số doanh nghiệp đa quốc gia có mặt sâu rộng ở Trung Quốc. Ví dụ, General Motors bán ở thị trường này gấp đôi số ô tô bán ở Mĩ. Và các công ti Đức cũng bán nhiều xe ở Trung Quốc hơn là ở châu Âu. Tương tự như vậy đối với Toyota hay Nissan. Ngược lại, các doanh nghiệp Pháp, không có mặt ở Trung Quốc và châu Á bằng, ít bị ảnh hưởng hơn.
Ngoài sự sụt giảm của cầu ở Trung Quốc kênh lan truyền thứ nhất cuộc khủng hoảng dịch tễ học ra nền kinh tế quốc tế là du lịch. Theo Tổ chức du lịch thế giới, năm 2018, 150 triệu người Trung Quốc đi thăm thế giới đã tiêu 277 tỉ đôla. Các biện pháp phong toả làm giảm mạnh các trao đổi này, mà châu Á, với Thái Lan đứng đầu, là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Kênh lan truyền thứ hai là sự sụt giảm mạnh của cầu của Trung Quốc về nguyên vật liệu và ảnh hưởng tức thì đến giá giá dầu lửa, giá đồng, giá sắt, ...
Cuối cùng “công xưởng của thế giới” là Trung Quốc giữ vị trí trung tâm trong các chuỗi giá trị. Những ngành bị ảnh hưởng nhất là những ngành quản lí theo kiểu just in time với Trung Quốc là nguồn cung ứng chính, bất luận tỉ phần đóng góp vào giá trị gia tăng của sản phẩm là bao nhiêu. Cuộc khủng hoảng tác động đến sản xuất ô tô (Huyndai và Toyota đã tuyên bố ngưng sản xuất một phần ở Hàn Quốc và Nhật) và nhất là các ngành công nghệ cao, bắt đầu là ngành viễn thông. Hôm 9.2, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Foxconn, doanh nghiệp Đài Loan thống trị việc lắp ráp, không tiếp tục sản xuất. Một quyết định trực tiếp ảnh hưởng đến Huawei, Apple và Amazon.
Nhân dân giận dữ
Ngoài những hậu quả kinh tế và dù chính quyền có những biện pháp ở quy mô lớn để kìm hãm nạn dịch thì nó cũng bộc lộ một thực tế không mấy vẻ vang cho Trung Quốc: theo Tổ chức y tế thế giới, hệ thống y tế của nước này đứng hàng thứ 144 (đứng sau Bờ Biển Ngà). Việc thiếu những bác sĩ đa khoa (5% trên tổng số bác sĩ trong khi trung bình của các nước OECD là 23%) đã gây nên việc đổ dồn về các bệnh viện với nguy cơ lan truyền dịch. Mặt khác hàng trăm triệu tin nhắn nhân cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên phát hiện virus và bị công an cáo buộc là phát tán tin đồn, minh chứng cho sự giận dữ của dân chúng chống lại hệ thống chính trị. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Rút ra được những kết luận kinh tế nào từ những cơn dịch đã xuất hiện trước đây ở Trung Quốc? Theo những ước lượng của Bloomberg và Nomura, dịch SARS đã làm cho GDP Trung Quốc giảm 2% trong quý đầu của năm 2003, nhưng kể từ quý hai nền kinh tế đã trỗi dậy mạnh mẽ và tăng trưởng cả năm là 10%, đặc biệt nhờ sự bùng nổ của xuất khẩu. Tuy nhiên cơn sốc do cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra chắc chắn là lớn hơn rất nhiều: trong vòng hai tháng, số người bị nhiễm lớn gấp năm lần số bị nhiễm SARS, và xuất khẩu không còn là động lực của nền kinh tế nữa.
Jean-Raphaël Chaponnière
Michel Fouquin
Tác động tâm lí trên dân số Trung Quốc và sự thận trọng cần thiết của chính quyền cho thấy là sự hồi phục sẽ rất khiêm tốn vào quý hai trong lúc nửa năm sau chỉ có thể cho phép bắt lại tăng trưởng một phần nào. Còn Stanley Morgan ước lượng tăng trưởng của thế giới có thể giảm 0,5%, nếu đến giữa tháng tư chưa đạt đến đỉnh điểm.
Một phiên bản đầy đủ hơn của bài viết này sắp được đưa lên blog của Cepii (Trung tâm nghiên cứu tương lai và thông tin quốc tế).
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:Coronavirus: un grain de sable dans l’économie mondiale?”, Alternatives Economiques, 25.02.2020
Print Friendly and PDF