30.3.20

Tại sao chúng tôi lại đình công


TẠI SAO CHÚNG TÔI LẠI ĐÌNH CÔNG
Sau hơn một năm với những dự phóng khoa học không mấy tươi sáng và chủ nghĩa tích cực ngày càng lớn mạnh, cả các nhà lãnh đạo trên thế giới và công chúng đã gia tăng nhận thức về tính nghiêm trọng và cấp bách của khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên vẫn chẳng có hành động nào được thực hiện.
MADRID - Trong hơn một năm, trẻ em và thanh niên trên toàn thế giới đã và đang đình công vì khí hậu. Chúng tôi đã bắt đầu một phong trào vượt ra mọi sự kỳ vọng, hàng triệu người đã góp tiếng nói, và góp thân mình, vào công cuộc này. Chúng tôi hành động không phải bởi vì đó là giấc mơ của chúng tôi, mà vì không thấy ai hành động để cứu lấy tương lai của chúng tôi. Và mặc cho sự ủng hộ bằng miệng của những người lớn, trong đó có cả một số nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới, chúng tôi vẫn không thấy [hành động nào hết].
Greta Thunberg (2003-)
Luisa Neubauer (1996-)
Đình công không phải là một lựa chọn chúng tôi ưa thích; chúng tôi đình công vì không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi đã thấy nhiều hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra. Vô số cuộc đàm phán rùm beng nhưng rốt cuộc chẳng có sự cam kết nào từ các chính phủ trên thế giới – cũng chính các chính phủ cho phép những công ty nhiên liệu hóa thạch khai thác dầu và khí ga trọn đời, họ đốt tương lai của chúng tôi vì lợi nhuận của bản thân.
Các nhà chính trị và công ty nhiên liệu hóa thạch đã biết đến biến đổi khí hậu hàng thập kỷ nay. Nhưng những chính trị gia vẫn để những kẻ trục lợi tiếp tục khai thác tài nguyên trên hành tinh của chúng ta và phá hủy hệ sinh thái với mục đích kiếm lời nhanh chóng, điều này đe dọa chính sự tồn tại của chúng ta.
Angela Valenzuela
Đừng tin lời họ: các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Họ cảnh báo rằng hiện tại chúng ta ít có khả năng giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 oC so với thời tiền công nghiệp - cái ngưỡng mà nếu vượt qua nó thì sức tàn phá của biến đổi khí hậu sẽ là khủng khiếp nhất.
Tồi tệ hơn, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng lượng nhiên liệu hóa thạch chúng ta sẽ sản xuất vào năm 2030 nhiều hơn 120% so với mức đáng lẽ ra được phép để đảm bảo giới hạn 1,5°C. Sự tập trung của khí nhà kính làm khí hậu nóng lên trong không khí đã đạt đến mức cao kỷ lục và không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngay cả khi các quốc gia thực hiện cam kết cắt giảm khí thải hiện nay của họ, chúng ta cũng sẽ làm tăng 3,2°C.
Những người trẻ như chúng tôi phải hứng chịu [hậu quả] từ những sai lầm của các nhà lãnh đạo. Nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe của trẻ em. Chỉ trong tháng này, năm triệu mặt nạ đã được phát tới các trường học ở New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, bởi vì sương khói độc. Nhiên liệu hóa thạch đang bóp nghẹt cuộc sống của chúng tôi theo đúng nghĩa đen.
Khoa học đang khẩn thiết yêu cầu những hành động ngay tức khắc, còn các nhà lãnh đạo của chúng ta thì lại phớt lờ điều này. Vì vậy chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu.
Sau một năm đình công, tiếng nói của chúng tôi đã được lắng nghe. Chúng tôi đã được mời đến diễn thuyết tại các cơ quan quyền lực tối cao. Tại Liên Hợp Quốc, chúng tôi nói chuyện trong một căn phòng với toàn là các nhà lãnh đạo trên thế giới. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, chúng tôi gặp các thủ tướng chính phủ, tổng thống, và cả giáo hoàng. Chúng tôi đã dành hàng trăm giờ để tham gia vào các hội thảo và nói chuyện cùng các nhà báo và nhà làm phim. Chúng tôi đã được trao thưởng vì sự tích cực của mình.
Những nỗ lực của chúng tôi đã tạo ra sự chuyển biến đối với các cuộc đối thoại lớn hơn về vấn đề biến đổi khí hậu. Giờ đây người ta bàn luận nhiều hơn về cuộc khủng hoảng mà chúng tôi phải đối mặt, không phải bằng những lời thầm thì hay trong suy nghĩ, mà một cách công khai với ý thức về sự cấp bách. Các cuộc thăm dò ý kiến đã xác nhận sự thay đổi về nhận thức này. Một khảo sát gần đây cho thấy, trong số bảy trên tám nước tham gia, suy sụp khí hậu được xem là vấn đề quan trọng nhất mà thế giới phải đối mặt. Một khảo sát khác xác nhận rằng trẻ em đã dẫn đường trong việc nâng cao nhận thức [về khí hậu].
Cùng với sự thay đổi trong quan điểm của công chúng, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng nói rằng họ đã lắng nghe chúng tôi. Họ nói họ đồng ý với yêu cầu của chúng tôi về một hành động khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Nhưng họ chẳng làm gì cả. Khi họ đi đến Madrid tham dự phiên họp thường niên thứ 25 Hội nghị các bên (COP25) thuộc Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, chúng tôi sẽ vạch trần hành động đạo đức giả này.
Vào thứ sáu hai tuần nữa, chúng tôi sẽ lại xuống đường: trên toàn cầu vào ngày 29 tháng 11; tại Madrid, Santiago, và nhiều nơi khác vào ngày 6 tháng 12 - trong khi diễn ra hội nghị Liên Hợp Quốc về khí hậu. Học sinh, thanh niên, và người lớn trên toàn thế giới sẽ đứng cùng nhau, yêu cầu các nhà lãnh đạo phải hành động - không phải vì chúng tôi muốn họ làm thế, mà bởi vì khoa học yêu cầu họ làm thế.
Những hành động đó phải mạnh mẽ và trên phạm vi rộng. Rốt cuộc, khủng hoảng khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường. Nó là một cuộc khủng hoảng của quyền con người, của công lý, và của ý chí chính trị. Những hệ thống thuộc địa, phân biệt chủng tộc và phụ quyền của sự áp bức đã tạo ra và nuôi dưỡng nó. Chúng ta cần dỡ bỏ tất cả những thứ này. Các nhà lãnh đạo chính trị không thể trốn tránh trách nhiệm được nữa.
Có người nói rằng hội nghị tại Madrid không quá quan trọng; những quyết định lớn sẽ được đưa ra tại COP26 ở Glasgow vào năm tới. Chúng tôi không đồng ý. Như khoa học đã chỉ rõ, chúng ta không được bỏ phí một ngày nào.
Chúng tôi đã học được rằng, nếu chúng tôi không tiến lên, sẽ không ai làm cả. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục với những hồi trống đều đặn của các cuộc đình công, biểu tình, và nhiều hành động khác. Chúng tôi sẽ ngày càng lớn tiếng hơn nữa. Chúng tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để thuyết phục các nhà lãnh đạo chung sức với khoa học - rõ ràng ngay cả những đứa trẻ cũng hiểu điều đó.
Hành động tập thể có hiệu quả - chúng tôi đã chứng minh điều đó. Nhưng để thay đổi mọi thứ, chúng tôi cần mọi người [chung tay]. Mỗi người trong chúng ta phải tham gia vào phong trào phản kháng vì khí hậu. Chúng ta không thể chỉ nói rằng mình quan tâm, chúng ta phải thể hiện điều đó.
Hãy tham gia cùng chúng tôi. Tham gia vào những cuộc đình công về khí hậu sắp tới tại Madrid hoặc tại quê nhà của bạn. Hãy cho cộng đồng của bạn, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, và những nhà lãnh đạo chính trị thấy bạn sẽ không dung thứ cho việc ngồi yên trước biến đổi khí hậu thêm nữa. Với rất nhiều người đứng về phía chúng ta, chúng ta sẽ có cơ hội.
Và với những nhà lãnh đạo đang đi đến Madrid, thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: tất cả các thế hệ tương lai đang dõi theo các ngài. Hãy hành động cho xứng đáng.
Bài bình luận này cũng được ký bởi các nhà hoạt động xã hội Evan Meneses (Úc) và Hilda Flavia Nakabuye (Fridays for Future Uganda).
Nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển
Nhà hoạt động khí hậu người Đức
Điều phối viên của phong trào Thứ Sáu cho Tương Lai (Fridays for Future) ở Santiago.
Nguyễn Mai Hạ dịch
Nguồn:Why we strike again”, Project Syndicate, Nov 29, 2019
Print Friendly and PDF