LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ LÔ-GIC HỌC? NGHỆ THUẬT SUY LUẬN (1942)
Tác giả: Bertrand Russell*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
|
Bertrand Russell (1872-1970) |
Đây là bài thứ hai trong loạt bài của Bertrand Russell đã đăng trong tủ sách “Làm Thế Nào Để = How To Series” của nhà xuất bản Haldeman-Julius. Để bản dịch dễ đọc hơn, chúng tôi đã thêm vào đây nhiều tiểu tựa và chú thích không có trong nguyên bản. Một số chú thích có thể được tìm lại sau này, dưới dạng được triển khai thêm, ở các phụ lục liên quan trong phần Phụ Lục.
*
Lô-gic học có thể được định nghĩa là nghệ thuật suy luận. Mọi người đều biết rút ra kết luận; theo nghĩa rộng, ngay cả động vật cũng có khả năng này. Nhưng sự suy luận của phần lớn người đời là cẩu thả và vội vàng; kinh nghiệm tiếp theo cho thấy là họ sai. Lô-gic học nhằm tránh những suy luận không đáng tin cậy như vậy; nó tương tự như loại quy tắc về chứng cớ trong luật pháp. Thường thì sự suy luận không có khả năng đem lại sự chắc chắn, nhưng nó có thể cung cấp một mức độ xác suất đủ cao để một người có lý trí dựa trên nó mà hành động. Quy tắc suy luận xác suất là phần khó nhất, song cũng là hữu ích nhất, trong lô-gic học.
|
Aristote (384-322 BC) |
Trên thực tế, lô-gic học hầu như đã được phát minh chỉ bởi Aristotelês (384-322 tCn). Không ai nghi ngờ uy quyền của ông ta suốt hai nghìn năm. Ngay cho đến nay, mọi nhà giáo trong các cơ sở giáo dục Ki-tô giáo đều không được phép thừa nhận rằng thứ lô-gic học mang tên ông có nhiều nhược hay khuyết điểm, và bất kỳ người ngoại đạo nào phê phán nó đều phải hứng chịu sự thù địch cay đắng của Giáo Hội La Mã. Có lần tôi đã mạo hiểm làm như vậy trên đài phát thanh, và tổ chức mời tôi phát biểu đã bị tràn ngập bởi những thư và lời phản đối việc phát sóng một học thuyết dị giáo như vậy. Tuy nhiên, sự tôn trọng quá mức Aristotelês không chỉ giới hạn vào các tổ chức Ki-tô giáo. Trong hầu hết các đại học, kẻ mới bắt đầu học lô-gic vẫn được dạy về tam đoạn luận, thứ lô-gic vừa phức tạp vừa vô ích, và là một trở ngại cho sự hiểu biết lô-gic học lành mạnh. Nếu bạn muốn trở thành nhà luận lý học, xin có lời khuyên sau mà tôi tin không phải là một sự đôn đốc quá mạnh, và đấy chính là: ĐỪNG học môn lô-gic hình thức truyền thống nữa. Vào thời Aristotelês, nó là một nỗ lực đáng ca ngợi, nhưng thiên văn học của Klaudios Ptolemaios (khg 100-170)* cũng thế. Trái lại, ngày nay mà còn dạy thứ lô-gic này, hay thứ thiên văn kia, chỉ biểu thị một lòng chuộng cổ lố bịch. I – HAI THỨ LÔ-GIC
Có hai thứ lô-gic, diễn dịch và quy nạp. Một suy luận diễn dịch, nếu nó được vận dụng đúng đắn, sẽ đưa ra kết luận cũng chắc chắn như ở các tiên đề, trong khi một suy luận quy nạp, ngay cả khi nó tuân theo tất cả các quy tắc của lô-gic, cũng chỉ đưa ra kết luận là xác suất xảy ra, ngay cả khi các tiên đề được coi là chắc chắn.
I.1 - Lô-gic diễn dịch
I.1.a - Các hình thức diễn dịch
Lô-gic diễn dịch là hữu ích khi những tiên đề tổng quát đã được biết, và cũng có ích khi các tiên đề chỉ được giả định để xét xem hệ quả của chúng có phù hợp (đúng) với kinh nghiệm hay không. Ví dụ lớn nhất về lô-gic diễn dịch là toán học thuần túy. Trong toán học thuần túy, ta bắt đầu bằng các nguyên lý chung, và từ chúng rút ra những suy luận. Mỗi khi tính toán, bạn đều sử dụng phép diễn dịch; các quy tắc số học được giả định là không thể bị nghi ngờ, và bạn áp dụng chúng vào các con số đặc thù biểu thị cho chi tiêu của bạn. Toán học thuần túy là một lĩnh vực tri thức rộng lớn; ngay cả những nhà toán học vĩ đại nhất cũng chỉ biết một mảng nhỏ của nó. Phần lớn của toán học thuần túy đều có những tiện ích thiết thực nhất, về hàng hải, kỹ thuật, trong chiến tranh, và ở nhiều ngành công nghiệp hiện đại. Nhưng mỗi khi được sử dụng một cách thực tiễn, nó luôn luôn cần được phối hợp với loại tiên đề đã đạt được bằng phép quy nạp. Chừng nào còn là toán học thuần túy, nó chỉ là một trò chơi, như trò giải các ván cờ; nó khác với thứ trò chơi như vậy ở chỗ có những ứng dụng thực tế.
Toán học không phải là ví dụ duy nhất của lô-gic diễn dịch, dù là cái quan trọng nhất. Một ví dụ khác là luật. Tôi không có ý nói chuyện lập pháp, nơi mà vấn đề là luật phải như thế nào. Tôi chỉ nói tới công việc của tòa án, nơi người ta chỉ quan tâm tới câu hỏi luật là gì. Pháp luật, như được ban hành, đề ra các nguyên tắc chung, và tòa án phải áp dụng chúng vào những hoàn cảnh đặc thù. Đôi khi lô-gic của nó rất đơn giản: kẻ giết người phải chịu án tử hình, người này là kẻ giết người, do đó người này phải lãnh án tử hình. Nhưng trong nhiều trường hợp phức tạp hơn, như nơi các vụ gian lận tài chính tinh vi, có thể rất khó mà rút ra những suy luận diễn dịch cần thiết từ tập hợp luật hiện hành; nếu kẻ lừa đảo đủ khôn khéo, có thể là không có điều luật nào áp dụng được cho trường hợp của hắn ta.
|
Thánh Augustinus (354-430) |
|
Thánh Paulus (3-69) |
Một bộ môn diễn dịch khác là thần học. Từ quan điểm lô-gic, nó giống với trường hợp của luật một cách sít sao; luật thành văn có ý nghĩa như thế nào đối với luật gia, thì kinh điển cũng có ý nghĩa như thế đối với nhà thần học. Đôi khi điều mà suy luận thuần túy có thể thực hiện thật là đáng ngạc nhiên. Từ Thư gởi các tín hữu tại Rô-ma của Thánh Paulus (3-69)[1], Thánh Augustinus (354-430)[2] suy ra rằng trẻ con không rửa tội sẽ phải xuống địa ngục, và điều khiến người đời được lên thiên đàng không phải là đức hạnh. Lập luận có giá trị, và tôi tin rằng kết luận đã tiềm ẩn trong những gì Thánh Paulus nói, dù tôi tự hỏi rằng vị Sứ đồ đã thực sự ý thức được những điều chúng bao hàm hay không, bởi nếu có, hẳn ông đã phải tự đề phòng trước những điều ấy. Dù cốt yếu là diễn dịch, lập luận của luật gia và của nhà thần học hiếm khi có hình thức lô-gic nghiêm ngặt, và thường mang một số cân nhắc thực nghiệm trên những tiên đề tổng quát của chúng. Khi khái quát hóa đến cùng, mọi lập luận diễn dịch thuần túy đều thuộc lĩnh vực toán học thuần túy. Trên thực tế, không thể nào phân biệt đâu là toán học thuần túy và đâu là lô-gic diễn dịch.
Tôi không có ý nói rằng mọi lập luận diễn dịch đều thuộc về toán học thuần túy. Điều này sẽ không đúng, bởi vì lập luận có thể được áp dụng vào thứ nguyên liệu nằm ngoài toán học thuần túy. Thử lấy tam đoạn luận cổ điển: “Mọi người đều chết, Sokratês là người, do đó, Sokratês phải chết”. Ở đây, “Sokratês”, “con người”, và “chết” được biết đến qua kinh nghiệm trần gian của ta; chúng không có tính phổ quát mà lô-gic học và toán học đòi hỏi. Các nguyên tắc lô-gic thuần túy tương ứng là: “dù A và B và C là gì, nếu tất cả các A đều là B, và C là A, thì C là B”. Tương tự, “2 quả táo và 2 quả táo là 4 quả táo” không phải là một mệnh đề số học, vì nó đòi hỏi sự quen thuộc với quả táo. Nó được suy ra từ mệnh đề số học “2 với 2 là 4”. Chỉ những mệnh đề phổ quát như vậy thuộc về lô-gic học hoặc toán học; và khi nào chúng ta tự giới hạn vào loại mệnh đề phổ quát như vậy, ta sẽ thấy rằng không có khác biệt nào giữa toán học với lô-gic suy diễn. Chúng chỉ là cùng một bộ môn, ở đấy lô-gic diễn dịch, như thường được hiểu, là phần trước; và toán học thuần túy, như thường được hiểu, là phần sau.
I.1.b – Lợi ích của lô-gic diễn dịch
Bạn có thể học được gì bằng cách diễn dịch? Nếu đã đủ thông minh, có lẽ bạn chẳng học được gì thêm. Ta hãy thử lấy một ví dụ từ số học. Ngay khi vừa thuộc bảng cửu chương, bạn đã có phương tiện nhân bất kỳ hai con số nào, 24657 và 35746 chẳng hạn. Chỉ cần áp dụng các quy tắc là bạn tìm ra nó. Nhưng nếu bạn giỏi tính toán, bạn sẽ “thấy” ngay câu trả lời, giống như bạn “thấy” 2 với 2 là 4 vậy. Tuy nhiên, ngay cả kẻ giỏi tính toán cũng không thể “thấy” được giải đáp khi tổng số trở thành khó khăn quá một mức nào đó. Trên thực tế, khi luận cứ (đối số) hơi phức tạp một chút, ta chỉ có thể đạt tới kết luận bằng một quy trình diễn dịch. Nhưng cũng đúng là mọi kết luận mà diễn dịch có thể cung cấp, trong một nghĩa nào đó, đều đã được chứa sẵn trong các tiên đề, cho dù ta chỉ có thể suy ra những gì được chứa trong tiên đề thông qua quá trình tính toán.
Ích lợi của lô-gic diễn dịch là rất lớn, song cũng rất hạn chế. Nó không nói cho bạn biết phải tin cái gì, mà chỉ nói với bạn rằng, nếu bạn tin A, thì bạn phải tin B. Nếu bạn tin luật hấp dẫn, thì bạn phải tin những gì mà các nhà thiên văn nói cho bạn biết về sự chuyển động của các hành tinh. Nếu bạn tin rằng mọi người đều bình đẳng, thì bạn phải chống chế độ nô lệ, và ủng hộ quyền đầu phiếu của phụ nữ – con người phải mất một thế kỷ để thực hiện suy diễn đặc biệt này. Nếu bạn tin toàn bộ Kinh Thánh là sự thật, bạn phải tin rằng thỏ là loài nhai lại.[3] Diễn dịch nói cho bạn biết cái gì sẽ (tất yếu) theo sau tiên đề, nhưng nó không nói cho bạn biết tiên đề của bạn là đúng hay sai. Tuy nhiên, lô-gic diễn dịch có thể cho bạn khả năng biết rằng tiên đề của bạn là sai. Có khi hệ quả của các tiên đề của bạn có thể bị chứng minh là sai (bác bỏ), và trong trường hợp này, các tiên đề của bạn, không nhiều thì ít, cũng phải sai. Trong nỗ lực cải đạo người Zulu [Nam Phi] của ông, Giám mục John Colenso[4] dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ của họ. Họ đọc nó với tâm trí cởi mở, nhưng đến đoạn khẳng định thỏ là loài nhai lại, họ cho ông biết rằng điều này không đúng. Là người ham đọc sách, tuy không biết thói quen của thỏ rừng, ông nghe theo sự thúc đẩy của người Zulu, quan sát một con thỏ và nhận thấy rằng họ nói đúng. Ông đâm ra “nghi hoặc”, và điều này khiến hàng giáo phẩm cắt lương của ông. Khi một lý thuyết khoa học được đề xuất, người ta suy ra những hệ quả có thể quan sát được của nó, và nếu bất kỳ một cái nào trong số đó hóa ra là sai, thì lý thuyết này phải bị bác bỏ. Đôi khi một lý thuyết có thể hóa ra là tự mâu thuẫn, theo nghĩa là sau khi giả sử các tiên đề là đúng, một lập luận diễn dịch sẽ chỉ ra là nó sai; đấy là phép phản chứng (reductio ad absurdum), và trong trường hợp này, diễn dịch thường là một yếu tố hữu ích cho sự phản bác.
Diễn dịch có vai trò tích cực hơn như một yếu tố trong phép quy nạp; ở đây nó giúp ta chứng minh rằng các lý thuyết có thể là đúng. Nhưng tôi sẽ nói thêm về điều này sau.
Đối với Aristotelês và các nhà kinh viện, lô-gic diễn dịch là tam đoạn luận. Tam đoạn luận là một lập luận có hai tiên đề, trong đó ít nhất một cái phải là phổ quát, và một kết luận được rút ra từ chúng. Nó liên quan tới loại quan hệ giữa các tập hợp (nhóm): cho hai nhóm A và B, A có thể là một phần của B, A có thể hoàn toàn nằm ngoài B, A có thể gối lên B, hay một phần của A nằm ngoài B. Tam đoạn luận rút ra một quan hệ giữa A và C từ các mối quan hệ giữa A và B, và giữa B và C. Chẳng hạn: nếu A nằm trong B, và B nằm ngoài C, thì A nằm ngoài C. Nếu một số yếu tố của A nằm trong B, và toàn bộ B nằm trong C, thì một số yếu tố của A nằm trong C. Và cứ như thế. Rất nhiều lập luận suy diễn không thuộc loại này; trong thực tế, toán học là diễn dịch, nhưng nó hiếm khi chứa tam đoạn luận. Tuy nhiên, các nhà lô-gic học truyền thống chưa bao giờ nhận thấy điều này. Họ cũng chưa hề nhận thấy có nhiều loại diễn dịch còn đơn giản hơn so với tam đoạn luận – trừ trong trường hợp gọi là “suy luận tức thì (immediate inferences)”, như “nếu John là cha đẻ của James, thì James là con trai của John”. Lý thuyết hiện đại về diễn dịch chỉ đạt đến các quan hệ nhóm sau khi vượt qua một số lượng lớn những khám phá đơn giản hơn về mặt lô-gic. Cần phải lưu ý là, trong lô-gic học, cái đơn giản nhất không hề đồng nghĩa với cái mà người mới bắt đầu tưởng là dễ nhất.
I.2 - Lô-gic quy nạp
|
David Hume (1711-1776) |
Bây giờ tôi nói đến lô-gic quy nạp, hữu ích hơn so với diễn dịch, tuy nó đặt ra những khó khăn lớn hơn nhiều. Trong thực tế, triết lý của quy nạp còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, vốn là những chướng tai gai mắt từ thời của Hume đến nay. Tuy nhiên, nếu bạn muốn sử dụng lô-gic quy nạp một cách thành thạo, có một kỹ thuật nhất định để học. Không ai nghi ngờ là nó “chạy” (work); điều khó khăn là giải thích tại sao nó “chạy”.
I.2.a – Một hành vi thói quen động vật
Nhìn dưới góc độ tâm lý, quy nạp bắt đầu từ một xu hướng động vật. Khi con vật có kinh nghiệm về một cách thức nào đấy mà một số sự việc đã diễn ra, nó sẽ hành xử như thể luôn luôn chờ đợi rằng lần tới sự việc cũng sẽ xảy ra cùng một cách thức. Nếu bạn thường xuyên lái xe ngựa của bạn trên một tuyến đường nào đó, nó sẽ tự động chạy vào tuyến đường này nếu bạn để nó một mình, và làm sao cho nó theo một con đường khác có thể là điều khá khó khăn. Về điểm này, con ngựa khác với xe có động cơ, bởi vì xe tự động không bao giờ biết bạn thường đi tuyến đường nào. Nhưng thú nuôi biết thời điểm nào chúng được cho ăn, và chờ đợi thức ăn từ những người thường cho chúng ăn. Tất nhiên, loại sự kiện này không phải là một tin tưởng đã được công thức hóa trong con vật mà chỉ là một hành vi thói quen không hơn không kém. Tuy nhiên, nếu con vật có thể được dạy nói, nó sẽ diễn đạt thói quen thành lời, và sẽ nói đại khái như “tất nhiên ông (bà) đó sẽ cho tôi ăn, ông (bà) ấy luôn luôn làm thế mà”. Kẻ mọi rợ có thể và vẫn thường nói như vậy, cả trẻ con nữa.
Thật ra, một lượng lớn những tin tưởng hàng ngày của chúng ta đều đơn thuần dựa trên loại quy luật của thói quen động vật này, dù khoa học có thể cho chúng một số cơ sở tri thức. Ta chờ đợi mặt trời mọc ngày mai, bởi vì mặt trời đã luôn luôn mọc. Khi ta sắp ăn một quả táo, ta hy vọng nó có vị như một quả táo chứ không như thịt bò, bởi vì táo luôn luôn có vị của táo. Nếu bạn nhìn thấy một nửa của con ngựa đang tiến tới từ góc phố, bạn chờ đợi thấy nửa kia của con ngựa chứ không phải của con bò, bởi vì bạn chưa bao giờ nhìn thấy một sinh vật mà nửa trước giống như ngựa và nửa sau lại giống bò. Những kỳ vọng này không đến từ trí tuệ; bạn đâu có kiểm tra dữ liệu trước tiên rồi sau mới đạt tới kết luận. Nếu bạn ngã và chờ đợi một vết sưng, bạn không suy diễn qua một lập luận về tác động của vật rơi với mặt đất cứng; chờ đợi của bạn, mặc dù nó có thể được gây ra bởi các vết sưng trước đó, không hề được suy ra từ chúng, trong bất kỳ ý nghĩa lô-gic nào. Có vẻ như kinh nghiệm có thể được lưu giữ trong cơ thể, và có khả năng dẫn đến những chờ đợi mang tính sinh lý hơn là tính trí tuệ. Trong các trường hợp nêu trên, ở đâu bạn nhìn thấy một nửa của con ngựa, có thể bạn không có sự chờ đợi ý thức nào về cái nửa kia, nhưng nếu cái nửa kia hóa ra lại là của con bò, thì bạn sẽ trải nghiệm một cú sốc bất ngờ dữ dội, điều đó cho thấy rằng sự chờ đợi này luôn luôn có mặt, cho dù nằm dưới mức độ của ý thức.
Lô-gic quy nạp là một thử nghiệm biện minh cho xu hướng động vật này, trong chừng mực là nó có thể được biện minh. Nó không thể được biện minh hoàn toàn, bởi vì nói cho cùng, điều bất ngờ vẫn đôi khi xảy ra. Một con gà có thể đã được một người nào đó nuôi ăn suốt đời, và đâm ra trông ngóng ông ta cho thức ăn một cách đầy tin cậy; bỗng một ngày kia ông ta bẻ cổ nó thay vì cho ăn. Nếu suy diễn quy nạp của con gà ít thô thiển hơn thì tốt hơn cho nó. Lô-gic quy nạp nhằm chỉ cho bạn biết loại suy luận quy nạp nào là ít có khả năng dẫn bạn đến chỗ phải gánh chịu sự vỡ mộng bi thảm của con gà hơn cả. Ngay cả ở trường hợp tốt nhất, hầu như bạn không bao giờ có thể chắc chắn rằng một suy diễn quy nạp sẽ được chứng minh là đúng đắn, tuy vẫn luôn luôn có những cách thức nhờ chúng bạn có thể giảm thiểu xác suất sai lầm đến vô tận, cho đến khi bạn đạt tới cái điểm mà mọi người có lý trí đều nhìn nhận kết luận như đã được xác lập đủ cho mục đích của hành động. Có thể đánh giá rằng toàn bộ lý thuyết về quy nạp là tiêu cực. Kẻ mọi rợ làm ra những quy nạp hoàn toàn thiếu thận trọng; người văn minh chưa biết phương pháp khoa học vẫn có thể đưa ra những quy nạp cẩu thả; nhưng người đã học lô-gic quy nạp chỉ cho phép mình chấp nhận một số quy nạp ở đấy ông ta cảm thấy có xu hướng động vật thôi. Tại sao ông ta tự cho phép mình công nhận số quy nạp ít ỏi này còn là một câu hỏi chưa sáng tỏ; nhưng các lý do khiến ông kiêng tránh những quy nạp khác thì đã khá xác định.
I.2.b – Các hình thức quy nạp
Hình thức quy nạp sơ đẳng nhất là “liệt kê đơn thuần”. Nó nói rằng: trong mọi trường hợp tôi biết, A luôn luôn được B theo sau (hay đi kèm); cho nên có xác suất là cái A mà tôi sắp bắt gặp sẽ được B theo sau (hay đi kèm), và một cách nào đó có xác suất thấp hơn, A luôn luôn được B theo sau (hay đi kèm). Cơ thể của chúng ta, và cơ thể của động vật, đã được cấu tạo sao cho, trừ phi tự kiềm chế có chủ ý, ta sẽ luôn luôn hành động như thể chúng ta tin tưởng vào giá trị của phép quy nạp bằng liệt kê đơn thuần, tuy rằng hành động như vậy thỉnh thoảng cũng khiến ta sai lầm, như đã thấy. Đêm đã luôn luôn tiếp nối ngày, vì vậy chúng ta chờ đợi một cách tự nhiên rằng đêm sẽ luôn luôn tiếp theo ngày, nhưng một số nhà thiên văn học nói rằng, với thời gian, sự ma sát do thủy triều tạo ra sẽ khiến cho trái đất luôn luôn quay cùng một mặt về phía mặt trời, và rồi đêm sẽ không còn tiếp nối ngày nữa. Có lần, một triết gia Khắc Kỷ* kia được vua Ai Cập Ptolemaios (368-283 tCn) mời dùng bữa tối. Để đùa, nhà vua đưa tặng ông một quả lựu bằng sáp, và ông ta đã bất cẩn cắn vào. Ông chữa thẹn bằng tin tưởng quy nạp phổ thông sau: “cái gì giống như trái lựu sẽ có vị của quả lựu”. Nếu bạn đưa cho kẻ man rợ một cái hộp đựng bông vụ (gyrostat), y sẽ nghĩ rằng nó bị bỏ bùa, vì y không thể làm nó quay. Phù thủy và ma thuật là những ý niệm thuận tiện để giải thích bay biến những quy nạp sai trật.
Cuối cùng, chúng ta không thể thoát khỏi loại quy nạp liệt kê đơn thuần, nhưng ta có thể khiến nó mạnh mẽ hơn vô cùng nhờ những quy luật tổng quát. Bằng cách này, mọi thứ trở thành một trường hợp của một sự khái quát hóa rộng lớn hơn nhiều, so với điều lúc đầu đã tạo ra sự tin tưởng vào phép quy nạp của chúng ta. Sự khái quát hóa rộng lớn hơn này có thể cho ta khả năng biết khi nào quy nạp gốc sẽ thất bại, và có thể cho ta thấy sự có mặt của tính đều đặn ở nơi thoạt nhìn không hề có. Thử lấy sự tin tưởng rằng mặt trời sẽ mọc ngày mai chẳng hạn. Ở người nguyên thủy, niềm tin này không có căn cứ lô-gic nào cả, mặc dù nó có nguyên nhân; nguyên nhân ấy là những kinh nghiệm riêng của anh ta về ngày nối tiếp đêm, và chứng từ của các trưởng lão rằng, từ ký ức và truyền thống xa xưa nhất, nó vốn luôn luôn xảy ra như thế. Suy tư biến những nguyên nhân này thành căn cứ, nhưng khoa học cung cấp những cơ sở mới còn vững mạnh hơn nhiều. Mặt trời mọc bởi vì Trái đất xoay quanh nó; những quy luật cai quản sự xoay quanh này là định luật của động học; và quy luật của động học được xác định bởi sự quan sát mọi hiện tượng hữu quan, trên mặt đất hoặc nơi các tầng trời. Như vậy, vì tính khái quát lớn hơn của chúng, những định luật này được xác nhận bởi nhiều trường hợp hơn cả những lần mặt trời mọc. Thế nhưng tự thân những quy luật này vẫn là được chấp nhận trên cơ sở của loại quy nạp liệt kê đơn thuần. Cái hơn thiết yếu duy nhất chỉ là những trường hợp được liệt kê lớn hơn nhiều, so với loại khái quát hóa phụ thuộc từ đấy chúng ta đã bắt đầu.
I.2.c – Quy luật tổng quát
Quá trình chúng ta đang xem xét tùy thuộc vào sự khám phá ra những quy luật tổng quát, và quy luật tổng quát không thể được phát hiện trừ phi chúng tồn tại. Ta có thể tưởng tượng ra một vũ trụ không có quy luật nói chung, hoặc ít ra không có quy luật nào đơn giản đủ cho chúng ta khám phá. Hiển nhiên là chúng ta không thể còn sống trong một vũ trụ như vậy. Thú vật đều sử dụng quy luật tổng quát sau: “cái gì có mùi thơm là ngon”. Điều này có ngoại lệ, nhờ vậy ta mới đầu độc chuột và kiến được. Nhưng trừ phi những ngoại lệ này thực sự là ngoại lệ, súc vật sẽ không thể quyết định ăn cái gì, hoặc nếu chúng cứ quyết định ăn, chúng sẽ chết vì bị nhiễm độc cũng thường như khi ăn. Nhờ sự trợ giúp của kính hiển vi, chúng ta đã đạt được nhiều quy luật tổng quát tốt hơn, và biết vất bỏ loại sữa có mùi thơm song có vi trùng lao. Nhưng nếu không có quy luật tổng quát, thì ngày mai bất kỳ thứ sữa không gây bệnh lao nào cũng có thể làm cho ta mắc bệnh. Nếu không có những quy luật tổng quát, sẽ không có cách khả thi nào để biết phải làm gì.
Đúng là trên các mục tiêu thực tiễn, chúng ta có thể xoay xở với những quy luật tổng quát thường là đúng; thực phẩm đôi khi khiến chúng ta ngộ độc, nhưng đấy là điều dù sao vẫn xảy ra. Thực ra, khoa học khẳng định đã khám phá ra những quy luật tổng quát luôn luôn đúng, và không có lý do gì để nghi ngờ rằng loại quy luật này tồn tại, cho dù chúng có đích xác là những quy luật mà khoa học hiện đang tin như thế hay không. Phương pháp khoa học cơ bản là một phương pháp nhằm khám phá ra những quy luật. Giả sử có loại quy luật tổng quát, hãy thử xét xem chúng ta làm thế nào để phát hiện ra chúng.
Nguyên tắc liệt kê đơn giản của chúng ta xem xét trường hợp một sự kiện A nào đó luôn luôn được một sự kiện B khác nối tiếp hay đi kèm. Tự nó, đây không phải là một cơ sở tốt cho quy nạp. Kẻ thất học ở Trung Quốc tin rằng nguyệt thực được gây ra khi con Thiên Cẩu thử đớp mặt trăng. Vì vậy, khi xảy ra nguyệt thực, họ ra khỏi nhà và đánh cồng chiêng inh ỏi, để làm cho con vật trên trời nguy hiểm này sợ mà bỏ đi. Có lần tôi đã chứng kiến nguyệt thực và nghe tiếng cồng chiêng điếc tai ở Changsha. Chắc chắn là một lúc sau nguyệt thực dừng lại; và đây chính là một kinh nghiệm đã có từ bao đời tại Trung Quốc. Vậy thì tại sao, chúng ta lại không tin rằng tiếng cồng chiêng đã giúp xua đuổi nguyệt thực? Tất nhiên, vì ta có bằng chứng hiển nhiên về những lần nguyệt thực không nhìn thấy ở Trung Quốc, nhưng đấy chỉ là may mắn thuần túy; nếu sự mê tín của người Trung Quốc là phổ quát, sự hiển nhiên này sẽ không tồn tại.
Bằng chứng cho một quy luật tổng quát là hiển nhiên hơn khi cả A và B đều là những lượng đo đếm được, và người ta thấy rằng càng có nhiều A thì cũng càng có nhiều B hơn. Lửa càng nóng, thì ấm nước đun càng mau sôi. Sự kiện này được đặt tên là nguyên lý “biến thiên đồng thời”. Nhiều chuyên gia thời tiết tự xưng nghĩ rằng khí hậu biến đổi theo tuần trăng, nhưng sự quan sát cẩn thận cho thấy rằng điều này không đúng. Mặt khác, đúng là thủy triều biến thiên theo tuần trăng: con nước lên ngay sau khi trăng mọc và trăng tròn, và con nước xuống ngay sau quý đầu tiên và quý thứ ba. Như vậy, rõ ràng là có một quy luật kết nối mặt trăng với thủy triều.
Hoặc lấy một thí dụ khác nữa, quy luật theo đó vật thể nở ra khi nhiệt độ tăng chẳng hạn. Quy luật này thực sự nói gì? Chúng ta thường nghĩ về nhiệt độ một cách không khoa học, như cái làm cho ta cảm thấy nóng hay lạnh, nhưng điều này chỉ đúng một cách đại khái. Một ngày bình thường với nhiệt kế chỉ 70o F sẽ cho ta cảm tưởng nóng hơn một ngày có gió với nhiệt kế ở 80o F. Vì vậy mà ta xác định nhiệt độ bằng nhiệt kế chứ không phải bằng cảm giác. Sau đó, chúng ta thấy rằng mọi vật thể, trừ nước ở gần điểm đóng băng, đều chiếm nhiều không gian ở nhiệt độ cao hơn là ở nhiệt độ thấp. Khi nhiều cuộc thí nghiệm đều xác nhận sự kiện này, chúng ta không còn có thể xem đấy là một trùng hợp ngẫu nhiên nữa, và tự cho phép mình tin rằng, về điểm này, có một quy luật tổng quát.
Cái ví dụ đã gây ấn tượng lớn nhất trên giới khoa học là luật hấp dẫn. Newton đã phát hiện ra rằng mỗi hành tinh đều có, ở mỗi lúc, một gia tốc về phía mặt trời, và cho mọi hành tinh, nó biến thiên như bình phương của khoảng cách từ mặt trời. Một quy luật kiểu này tập hợp lại với nhau, không chỉ những dữ liệu quá khứ hiện thực, mà cả một số lượng vô hạn các dữ liệu tương lai có thể thu thập được. Nếu chúng đều “chạy” như cái quy luật đã khiến chúng ta chờ đợi, thì ta sẽ sớm được thuyết phục rằng cái quy luật đó phải đúng, ít ra trong giới hạn của các sai số trong quan sát.
I.2.d – Phép quy nạp, tính xác suất và khả năng dự đoán
Quy nạp được kết nối với xác suất, không chỉ trong ý nghĩa là cái kết luận của một suy diễn quy nạp không bao giờ vượt quá tính xác suất, nhưng còn ở nhiều nghĩa khác nữa. Ví dụ: nếu một giả thuyết, phù hợp với mọi sự kiện đã biết, dẫn bạn tới dự đoán một điều gì đó hầu như có rất ít xác suất xảy ra, thế nhưng dự đoán của bạn lại xảy ra, thì hiện thực này làm cho giả thuyết của bạn có vẻ có xác suất cao là đúng. Giả sử tôi muốn đạt được sự công nhận như một nhà tiên tri thời tiết. Nếu, trong tháng Bảy, tôi nói “ngày mai sẽ có một cơn giông bão sấm sét”, và sau đó có bão tố sấm sét thật, có thể bạn bè của tôi sẽ cho đấy là một phỏng đoán may mắn thôi. Thế nhưng, nếu vào tháng Giêng, tôi lại nói “mai này sẽ có một cơn bão với một trận tuyết rơi”, và sau đó chúng đều xảy ra, chắc hẳn là họ sẽ bị ấn tượng hơn. Nếu tôi nói “ngày mai Hitler sẽ đọc một diễn từ đầy khoa trương”, và lời tiên tri của tôi trở thành sự thật, sẽ chẳng còn ai ngạc nhiên nhiều nữa. Bây giờ, nếu tôi lại nói “mai này Hitler sẽ từ bỏ vị trí Führer của mình rồi đi khất thực như thầy tăng”, và sau đó chuyện này xảy ra thật, thì hoặc năng lực tiên tri của tôi sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ trên mọi người, hoặc họ sẽ nghĩ rằng tôi đã được Đức Quốc xã tín nhiệm nhiều hơn là lẽ thường. Lời tiên tri của bạn càng ít có xác suất xảy ra, thì giả thuyết của bạn càng được xác nhận, khi điều bạn dự đoán xảy ra thật.
Trong mọi khoa học tiên tiến, các quy luật đều thuộc loại luật định lượng, và chúng cho phép ta đưa ra những dự đoán chính xác – nghĩa là chính xác như các dụng cụ đo lường của ta có khả năng xác nhận. Nhưng ngoài một số định luật khoa học, thì bất cứ lời tiên tri định lượng chính xác nào cũng cực kỳ ít có khả năng là đúng thực. Hãy minh họa bằng một ví dụ. Giả sử tôi nói “người đàn ông ta gặp tiếp theo sẽ nặng giữa 59 và 77 kí”, bạn sẽ nói “có thể lắm, bởi vì hầu hết đàn ông đều cân nặng cỡ đó”. Và nếu hóa ra tôi đã đoán đúng, thì bạn sẽ nói “Tốt thôi, nhưng bạn đã không mạo hiểm lắm”. Nếu tôi nói ông ta sẽ nặng giữa 67 và 69 kí, và trọng lượng của ông ta đúng như thế, thì có vẻ là đáng nể hơn một chút. Nhưng giả sử tôi nói “Ông ta sẽ cân nặng 68000 kí”, và nếu khi sử dụng cái bàn cân tốt nhất chúng ta có thể tìm ra trong một phòng thí nghiệm vật lý, và thấy đấy đúng là trọng lượng của ông ta như nó có thể xác định được, thì bạn sẽ hỏi làm thế nào tôi có thể biết được. Ngày nay, những dự đoán khoa học nói chung đều thuộc loại này. Chúng tiên đoán chính xác thời gian nhật thực từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, vị trí chính xác của Sao Mộc (Jupiter) vào một thời điểm nào đó, v.v.. Nếu ta hiểu từ “chính xác” một cách nghiêm ngặt, thì điều này quả là phi thường đến mức hầu như không thể tin nổi; ngay cả khi ta chấp nhận một giới hạn sai số trong quan sát, nó cũng thật là đáng kinh ngạc.
|
John Couch Adams (1819-1892) |
|
Le Verrier (1811-1877) |
Việc phát hiện ra Sao Hải Vương (Neptune) là một kỳ công loại này, khiến công chúng dành cho các nhà thiên văn học một sự tôn trọng lớn lao. Do Sao Thiên Vương không di chuyển hoàn toàn như nó phải cư xử, hai nhà thiên văn, [John Couch] Adams (1819-1892)* và [Urbain Jean Joseph] Le Verrier (1811-1877)*, quy hành vi bất thường này cho [ảnh hưởng của] một hành tinh chưa ai biết, và bắt đầu tính toán vị trí của nó. Và khi tìm kiếm hành tinh ấy, người ta nhìn thấy nó ngay tại nơi họ đã chỉ định. Điều đã khiến cho biến cố này gây ấn tượng mạnh là, ngoài những tính toán của Adams và Le Verrier, có rất ít xác suất là một hành tinh còn có thể được tìm thấy ở một nơi nào đó.
|
Albert Einstein (1879-1955) |
Tuy nhiên, dù ngoạn mục tới đâu, một tiên đoán cũng không hề là kết luận dứt khoát. Điều thường xảy ra là, hai giả thuyết hoàn toàn khác nhau lại có cùng những hệ quả, xét trên một phạm vi rộng; và trong trường hợp này, khi các hậu quả được xác nhận, nó vẫn không cho phép ta lựa chọn giữa hai giả thuyết. Định luật của Einstein về lực hấp dẫn rất khác với định luật cùng tên của Newton, về mặt triết lý cũng như lô-gic, thế nhưng các hệ quả quan sát được của chúng hầu như là giống hệt nhau.
Trong một trường hợp như vậy, điều thiết yếu là phải tìm cho ra một cái gì đó mà các hệ quả liên quan quan sát được của hai giả thuyết sẽ khác nhau; nếu các hệ quả xảy ra chỉ phù hợp với một giả thuyết mà thôi, thì giả thuyết đó sẽ tạm trấn giữ lĩnh vực này.[5] Đây là điều đã xảy ra trong những quan sát nhật thực nổi tiếng năm 1919. Các nhà vật lý theo Newton sẵn sàng thừa nhận rằng những tia sáng từ các ngôi sao, hầu như đứng cùng một hàng với Mặt trời, sẽ chịu một độ lệch có thể tính được nào đó do lực hấp dẫn của Mặt trời, nhưng Einstein nói rằng chúng sẽ chịu một độ lệch lớn gấp đôi như thế. Tiên đoán của ông hóa ra là đúng, và do đó, sự tu chỉnh định luật Newton của ông đã được chấp nhận. Thế nhưng định luật của Einstein cũng chỉ có một độ hiển nhiên cao hơn định luật của Newton từng có đôi chút thôi, và một sự thay đổi đi xa hơn có thể sẽ được thấy là cần thiết bất kỳ lúc nào. Đấy chính là đặc trưng của khoa học: sự chắc chắn quyết đoán không bao giờ được tìm kiếm, mà cũng chẳng đời nào đạt được. Một trong những khó khăn quan trọng và lớn nhất về phương pháp quy nạp là sự phát hiện ra những loại suy (analogies) hiệu quả, và vấn đề liên quan là sự phân tích một hiện tượng phức tạp thành các yếu tố có thể được nghiên cứu riêng biệt. Loại suy hiệu quả là thứ loại suy cho thấy một sự tương tự trong quan hệ nhân quả, và nhà nghiên cứu phải bắt đầu bằng cách phỏng đoán nguyên nhân của nó. Nếu động đất là do các cơn thịnh nộ của Thượng Đế, thì những hiện tượng tương tự – dịch hạch, đói kém, sao chổi – cũng có cùng nguyên do: thời Trung cổ, người ta tin như vậy. Nhưng một nhà nghiên cứu hiện đại sẽ nhìn thấy những cái tương tự khác. Tôi nhớ đã đọc về một nhà vật lý từng sống một thời gian ở Tokyo, và vì vậy, rất quan tâm đến các cuộc động đất. Sau khi triển khai một lý thuyết toán học liên quan tới chúng, ông áp dụng nó vào loại chấn động của đường ray xe lửa, điều đã khiến các công ty đường sắt lấy làm phiền. Để lấy một minh họa khác, đối với chúng ta chẳng hạn, sự tương tự giữa cú sét đánh và tia điện bật là điều hiển nhiên; nhưng trong mắt người Trung cổ thì nguyên nhân khiến một người bị sét đánh có thể là cuộc sống tội lỗi của ông ta. Khi nghiên cứu giông bão sấm sét, người hiện đại tự hỏi: “trạng thái nào của khí quyển có mặt khi xảy ra giông bão sấm sét, và vắng mặt vào những lúc khác”? Khi đã đoán ra giải đáp cho một câu hỏi như vậy, ông ta sẽ cố gắng tạo ra những điều kiện tương đương trong quy mô nhỏ của phòng thí nghiệm, hay, nếu điều này là khả thi, tìm cho ra một hiện tượng tự nhiên khác tương tự với cái ông đang nghiên cứu trong các đặc tính mà ông cho là thiết yếu. Và chỉ có kết quả mới có thể cho thấy là ông đã dự đoán đúng hoặc sai.
I.3 – Vai trò của hai thứ lô-gic trong khoa học
Mục đích của lô-gic quy nạp là để suy ra các định luật tổng quát từ những trường hợp cá biệt. Lô-gic diễn dịch làm điều trái ngược; nó bắt đầu từ những tiên đề tổng quát, và vì vậy phải đối mặt với câu hỏi: làm thế nào chúng ta biết được những tiên đế ấy? Trong toán học thuần túy, đây là câu trả lời: sở dĩ chúng ta biết được chúng, là bởi vì chúng hoàn toàn là câu chữ. Mệnh đề “hai cộng hai là bốn” cũng giống như mệnh đề “Có ba chân ở một cái kiềng ba chân”. Ta không cần phải xác minh điều này bằng sự quan sát, bởi vì nó không phải là một định luật của tự nhiên, mà là một quyết định của chính chúng ta về cách thức ta sẽ sử dụng ngôn từ như thế nào. Đấy là lý do tại sao toán học thuần túy lại có thể phát triển mà không cần tới cả quan sát lẫn thí nghiệm.
Thế nhưng bên ngoài lô-gic và toán học thuần túy, thì vấn đề mà các tiên đề tổng quát đặt ra lại không hề dễ giải quyết. Một lần nữa, thử lấy lại, từ kho tam đoạn luận của lô-gic hình thức truyền thống: “Mọi người đều chết, Sokratês là người, Sokratês phải chết”. Làm thế nào bạn biết được rằng mọi người đều chết? Bạn biết nó bằng lý luận quy nạp, và như mọi thứ được biết bằng lý luận quy nạp, bạn chỉ biết là nó có xác suất xảy ra rất cao, nhưng không phải là chắc chắn. Tự nó, “mọi người đều chết” là câu kết của một lập luận, trong đó các tiên đề là: A đã chết, B đã chết, C đã chết, và cứ như thế. Vì tất cả những người hiện đang sống đều chưa chết, bạn sẽ phải khuôn định các tiên đề của bạn sao cho lượng dân số đang tồn tại sẽ không phải là một luận cứ trái ngược với kết luận của bạn. Giả định rằng không có trường hợp được ghi nhận nào về một người từng sống tới 150 năm tuổi, bạn có thể lấy “A, B, C, ... đều không sống tới 150 năm” làm tiên đề. Điều này không có ngoại lệ nào được biết cả. Nên bạn có thể tiếp tục biện luận: “Như vậy, có xác suất cao là mọi người đều chết trước khi được 150 tuổi”, và sau đó bạn có thể suy diễn về trường hợp Sokratês (mà chúng ta giả định là đang còn sống). Nhưng đây là một đường vòng ngu ngốc. Nếu các tiên đề của bạn khiến cho mệnh đề tổng quát có xác suất cao, thì nó còn làm cho mệnh đề về Sokratês có xác suất cao hơn đáng kể; bởi vì nếu chỉ có rất ít ngoại lệ hiếm hoi, thì khó có khả năng là Sokratês sẽ là một trong các ngoại lệ đó, thế nhưng mệnh đề tổng quát của bạn sẽ là sai. Tốt hơn nên nói: “Trong tất cả các trường hợp được ghi nhận, mọi người đều đã chết trước khi lên tới 150 tuổi; vì vậy có xác suất cao là điều đó sẽ xảy ra trong trường hợp này”.
Tuy nhiên, đây là một luận cứ liệt kê đơn thuần, và như ta thấy, những luận cứ tương tự có thể được làm cho mạnh hơn bởi sự phát hiện ra các định luật tổng quát, chúng khiến cho trường hợp cá biệt của ta trở thành một ví dụ của một sự tổng quát hóa rộng hơn nhiều. Thay vì tự giới hạn trong phạm vi con người, chúng ta có thể xem xét tất cả mọi động vật và thực vật đa bào. Chúng ta còn có thể đi xa hơn nữa, và xem xét các nguyên nhân đã khiến cho các hợp chất hóa học thay đổi những thành phần hóa học của chúng. Đây là lý do khiến cho sự truy tìm những định luật tổng quát là quan trọng đến như vậy. Chúng cho ta một sự chắc chắn lớn hơn, không phải bằng cách thay thế lô-gic quy nạp bằng lô-gic suy diễn, mà bằng cách tạo ra một cơ sở rộng hơn cho những liệt kê cơ bản, và mọi lập luận quy nạp đều tùy thuộc vào cơ sở này.
Sự sử dụng quan trọng nhất của lô-gic suy diễn là trong việc suy ra các hệ quả của những giả thuyết phải được kiểm tra bằng quan sát hay thí nghiệm. Nếu một giả thuyết là đúng, mọi hệ quả được suy diễn của nó đều là đúng; nếu nó sai, một số hệ quả của nó vẫn có thể là đúng, nhưng một số khác là sai. Do đó, nếu tất cả những hệ quả mà chúng ta có thể kiểm tra hóa ra đều lần lượt là đúng, thì có nhiều xác suất là giả thuyết ấy là đúng hay gần đúng. Sự rút ra những hệ quả thường liên quan tới phần toán học rất khó khăn, và đấy là lý do khiến cho toán học có tầm quan trọng như vậy trong việc khám phá ra những quy luật tổng quát. Khi các định luật được chấp nhận như đã được thiết lập xong, toán học là quan trọng trong việc rút ra những hệ quả, và những hệ quả này bây giờ được chấp nhận là đúng. Thường thì có lý do để chấp nhận hệ quả trước khi làm thí nghiệm là điều thiết yếu. Nếu phải xây một cây cầu đường sắt chẳng hạn, hẳn chúng ta sẽ không muốn phải chờ đến khi một đoàn tàu đi qua nó trước khi biết rằng nó là ổn định. Trong trường hợp này, chúng ta tự tin dựa lên những định luật tổng quát đã được suy ra bằng phép quy nạp từ các thí nghiệm trước đó. Có một vài khả năng là phép quy nạp sai lầm, nhưng điều này còn ít rủi ro hơn những tình cờ nguy hiểm khác mà cuộc sống thực tế phơi bày – ví dụ, sự tính toán gian lận của nhà thầu xây dựng cầu.
|
Thomas Aquinas (1225-1274) |
Từ thời Pythagoras cho đến khi khoa học hiện đại nổi lên trong thế kỷ thứ XVII, ví dụ của toán học đã đánh lừa giới học giả về cách thức chúng ta đạt được tri thức, và về thứ lô-gic hữu ích nhất. Người ta nghĩ rằng chúng ta biết các tiên đề tổng quát nhờ trực quan, nhờ huyền khải của thần linh, hoặc nhờ hồi tưởng từ một kiếp trước. Nếu sự thực là như vậy, thì tất cả mọi thứ mà chúng ta phải suy đoán đều có thể được suy ra bằng phép diễn dịch. Đây không hoàn toàn là quan điểm của Aristotelês, người đã để lại cho phép quy nạp một chỗ đứng; nhưng nó lại là quan điểm của Thomas Aquinas (1225-1274)[6], cho mọi nội dung và mục đích. Tất nhiên, hậu quả là sự quan sát chỉ còn đóng một vai trò phụ thuộc trong việc tiếp thu tri thức. Aristotelês đã tuyên bố, trên cơ sở tôn giáo rõ ràng, rằng tất cả mọi thứ trên trời đều là không thể bị hủy hoại, trừ phi nó ở dưới mặt trăng. Điều này khiến cho việc tìm ra một lý thuyết chính xác về thiên thạch và các vì sao mới là không thể làm được. Những người đã quan sát thấy rằng lý thuyết xưa là sai đều bị cho là kẻ xấu ác, và những sự kiện mà họ báo cáo đều bị bỏ qua. Sự nhấn mạnh quá đáng trên phép diễn dịch, do bị trói chặt vào niềm tin về tính hiển nhiên của các nguyên lý tổng quát, là một trong những lý do của tình trạng vô sinh khoa học thời Trung cổ. Và tất nhiên, nó cũng gắn liền với cái đặc tính chủ yếu là diễn dịch của thần học, và với quan điểm tôn giáo chung đương thời. II – KHOA HỌC HIỆN ĐẠI VÀ TÍNH XÁC SUẤT
Trong những gì đã trình bày, có lẽ độc giả đều nhận thấy sự đề cập thường xuyên đến tính xác suất. Đây là đặc trưng của lô-gic học hiện đại, như nét tương phản với lô-gic học thời Cổ đại và thời Trung cổ. Nhà lô-gic học hiện đại nhận ra rằng mọi tri thức của chúng ta đều chỉ có tính xác suất, ở một mức độ cao hơn hoặc thấp hơn, chứ không phải là chắc chắn và không thể nghi ngờ, như các triết gia và các nhà thần học đã từng nghĩ. Ông ta không hề thấy bối rối nhiều bởi sự kiện là các suy luận quy nạp chỉ cho những kết luận của chúng một xác suất xảy ra, bởi ông ta không trông đợi bất cứ điều gì khác tốt hơn. Nhưng ông ta sẽ thấy bối rối nếu có lý do để nghi ngờ rằng phép quy nạp thậm chí còn có thể không đưa ra được một xác suất xảy ra nào cho kết luận.
Như vậy, có hai vấn đề trong lô-gic học hiện đại mà tầm quan trọng được cho là lớn hơn nhiều so với bộ môn này ở các thời đại trước. Vấn đề đầu tiên là về bản chất của tính xác suất, và vấn đề thứ hai là về giá trị của phép quy nạp. Tôi sẽ lần lượt nói đôi lời về mỗi vấn đề.
II.1 – Xác suất xác định và Xác suất không xác định
Có hai loại xác suất, chúng có thể được gọi là xác định và không xác định. Xác suất xác định là loại được đề cập đến trong lý thuyết xác suất toán học; nó liên quan tới các trò như ném xúc xắc và tung đồng xu. Vấn đề nảy sinh mỗi khi có một số khả năng xảy ra mà chúng ta không có lý do gì để trông đợi cái này hơn là cái kia. Nếu bạn tung một đồng xu lên, nó phải rơi xuống với mặt sấp hoặc mặt ngửa, nhưng mặt nào cũng có khả năng rơi ra ngang với mặt kia. Vì vậy, cơ hội của mỗi mặt là một nửa, một được xem là đại diện cho sự chắc chắn. Tương tự, nếu bạn ném một con xúc xắc xuống, có sáu mặt có thể lăn ra, và bạn không có cơ sở nào để nghĩ rằng mặt này có nhiều khả năng hơn mặt khác, vì vậy cơ hội xuất hiện của mỗi mặt là một phần sáu. Cách sử dụng tính xác suất của các công ty bảo hiểm trong kinh doanh thuộc loại này. Họ không biết công trình xây dựng nào sẽ bị cháy, nhưng họ biết tỷ lệ nhà cửa bị cháy trong một năm trung bình là bao nhiêu phần trăm. Họ không biết một người cụ thể nào đó có thể sống bao lâu, nhưng họ biết kỳ vọng sống trung bình, ở bất kỳ độ tuổi nào, là bao nhiêu phần trăm. Trong tất cả những trường hợp như vậy, bản thân ước tính xác suất không còn đơn thuần là điều có khả năng xảy ra nữa, trừ phi trong cái nghĩa là mọi tri thức đều chỉ là cái có thể. Ước tính của một xác suất có thể tự nó có một mức độ chắc chắn rất cao. Nếu đấy không phải là trường hợp, thì tất cả các công ty bảo hiểm đều sẽ phá sản hết.
Nhiều nỗ lực vất vả đã được thực hiện để đặt tính xác suất của một quy nạp dưới tiêu đề này, nhưng có lý do để nghĩ rằng tất cả mọi nỗ lực ấy đều là những nguỵ lý. Tính xác suất mà phép quy nạp mang lại có vẻ luôn luôn thuộc vào loại không xác định. Bây giờ là lúc phải giải thích loại này. Nói rằng mọi tri thức của con người đều có thể sai là điều cố nhiên. Nhưng tính có thể sai cũng rõ ràng là có nhiều mức độ. Nếu tôi nói rằng Đức Phật sống vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, thì khả năng sai hiển nhiên là rất lớn. Nếu tôi nói rằng Caesar đã bị ám sát, thì rủi ro sai là thấp hơn. Nếu tôi nói rằng một cuộc chiến tranh lớn đang diễn ra hiện nay[7], thì khả năng sai là ít đến nỗi chỉ một triết gia hay một nhà lô-gic học mới thừa nhận sự tồn tại của nó. Các ví dụ trên liên quan tới những sự kiện lịch sử, nhưng về loại quy luật khoa học cũng có một bậc thang mức độ tương tự. Một số được thừa nhận chỉ như những giả thuyết mà chẳng ai có thể đặt vào đấy một sự tin cậy nghiêm túc nếu không có thêm bằng chứng hiển nhiên, trong khi những định luật khác thì có vẻ chắc chắn đến mức mà các nhà khoa học không còn giữ một sự nghi ngờ quan trọng nào nữa về tính chân lý của chúng trên thực tế. (Khi nói “chân lý”, tôi muốn nói “sự thật gần đúng”, bởi vì mỗi quy luật đều phải chấp nhận một số điều chỉnh nhỏ.) Cái thứ khiến chúng ta phân biệt giữa điều ta tin một cách vững chắc, và điều ta chỉ ít nhiều có xu hướng nhìn nhận này không thể được gọi là xác suất, nếu từ này được hiểu như trong các lý thuyết toán học về xác suất. Ở đây, tốt hơn nên nói là mức độ đáng hoài nghi hoặc mức độ đáng tin cậy. Đây là một quan niệm mơ hồ hơn cái mà tôi đã gọi là “xác suất xác định”, nhưng nó cũng là một quan niệm quan trọng hơn. Hãy thử minh họa bằng một ví dụ. Nếu bạn ở trong một hội thẩm đoàn được triệu tập nhằm xét xử một vụ án giết người, và vị thẩm phán cho bạn biết rằng bạn phải đưa ra phán quyết “có tội” nếu không thể có nghi ngờ hợp lý nào là kẻ bị cáo buộc đã thực sự phạm tội. Nếu bạn từng học lô-gic, bạn có thể hỏi vị thẩm phán rằng ở mức độ nào thì sự nghi ngờ là “hợp lý”, nhưng trừ phi ông ấy chưa từng học lô-gic, ông ta sẽ không thể cung cấp cho bạn một câu trả lời dứt khoát. Ông ấy không thể nói “có nghi ngờ hợp lý nếu lợi thế cho phán quyết về tội ác của nghi can [nếu tỷ lệ tin rằng nghi can có tội] là ít hơn 100 chọi 1”, vì không có phương tiện nào để tính cái lợi thế (the odds) đó. Không thể nào có một loạt phiên tòa cùng với những dữ liệu để xét xem bản án là đúng hay sai hoàn toàn giống nhau. Ấy vậy mà, trừ một ít ngoại lệ, mỗi hội thẩm đoàn đều đạt tới một phán quyết, thường là với một mức độ tin tưởng đáng kể vào tính chân chính của nó.
Chính cái khái niệm khá mơ hồ này đã được gợi ra khi ta nói rằng mọi tri thức của chúng ta đều để ngỏ cho việc xét lại. Câu hỏi về mức độ nghi ngờ nào là “hợp lý” tùy thuộc vào mục đích của bạn. Có thể có nghi ngờ hợp lý từ quan điểm của một triết gia hay nhà lô-gic học, khi không có nghi ngờ hợp lý nào cả từ quan điểm của một hội thẩm viên. Theo quan điểm của nhà lô-gic học, điều quan trọng là việc quyết định về mức độ đáng tin của các mệnh đề khác nhau. Về vấn đề này, sẽ có một cách đo lường nào đó để nhất trí với nhau. Hầu hết mọi người sẽ đặt loại mệnh đề như “2 với 2 là 4” vào vị trí cao nhất, cảm thấy chúng đáng nghi ngờ hầu như sẽ là một trường hợp bệnh lý. Các mệnh đề về những gì chúng ta đang trải nghiệm tại thời điểm này, chẳng hạn như “Tôi cảm thấy nóng” hoặc “Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn”, nếu được diễn giải cẩn thận, sẽ có một vị trí rất cao trên thứ bậc so sánh về sự chắc chắn. Những kỷ niệm sống động mới xảy ra ít đáng tin cậy hơn, nhưng trở nên hầu như chắc chắn nếu chúng được xác nhận bởi một số người khác. Một số biến cố lịch sử và sự kiện địa lý không hề bị nghi ngờ bởi người có lý trí nào, như sự tồn tại của Napoleon trong quá khứ, và sự tồn tại của ngọn Everest hiện nay chẳng hạn. Chỉ hơi ít chắc chắn hơn một chút là Trái đất hình tròn và các hành tinh xoay quanh Mặt trời theo một quỹ đạo hình ê-lip. Về tất cả những điều này, tôi phát biểu không phải như triết gia, mà như một người diễn giải thứ thông kiến đã được giảng dạy.
II.2 – Khoa học hiện đại, tính xác suất và phép quy nạp
Bây giờ, nếu trong tư cách nhà lô-gic học, bạn tự hỏi bản chất của sự hiển nhiên cho những tin tưởng không chắc chắn trên lý thuyết mà chỉ có tiềm năng thôi, như về Napoleon và núi Everest chẳng hạn, bạn sẽ thấy rằng, trong mọi trường hợp, sự kiện chỉ hiển nhiên nếu nguyên lý quy nạp được chấp nhận dưới một số hình thức nào đấy. Tại sao ta tin vào sự tồn tại của Napoleon? Bởi vì có bằng chứng. Tại sao ta tin vào bằng chứng? Bởi vì chúng ta nghĩ rằng khó lòng mà một số người độc lập với nhau, lại có thể cùng bịa đặt ra một câu chuyện giống hệt nhau. Vì sao? Bởi vì kinh nghiệm cho ta thấy rằng kẻ nói láo thường không nhất trí trừ phi họ đang cùng dựng lên một âm mưu. Cuối cùng, chúng ta phải đạt tới một điểm, ở đấy ta sử dụng kinh nghiệm về cái đã biết như cơ sở để suy đoán cái chưa biết, và thứ suy diễn này chỉ có giá trị nếu phép quy nạp có giá trị.
II.2.a – Những nỗ lực đặt nền cho phương pháp quy nạp
|
Pierre-Simon Laplace (1749-1827) |
Laplace nghĩ rằng thứ xác suất bao hàm trong một suy luận quy nạp thuộc loại xác định, và có thể được đo bằng số. Ông đưa ra một nguyên tắc, từ đấy có thể suy ra rằng nếu bạn đến một ngôi làng của xứ Wales chẳng hạn, rồi hỏi tên người đàn ông đầu tiên bạn gặp, và nếu ông ta trả lời “Williams”, thì đánh cuộc 2 chọi 1 là người bạn gặp tiếp theo cũng sẽ được gọi là Williams. Nếu tên của người sau cũng đúng như vậy, thì đánh cuộc 3 chọi 1 là người kế tiếp cũng sẽ mang tên này, và cứ như thế: nếu 100 người đầu tiên được gọi là Williams, thì tỷ lệ để người thứ 101 có tên là Williams sẽ là 101 chọi 1. Nếu nguyên tắc này là đúng, thì những quy nạp khoa học - đặc biệt là khi dựa trên các định luật ở đấy chúng được kết hợp với nhau thành một quy nạp rộng lớn - sẽ có những tỷ lệ thuận cao đến nỗi không một ai cần phải bận tâm về rủi ro sai lầm của chúng trên thực tế nữa. Tuy nhiên, điều không may là trong lập luận của Laplace có nhiều ngụy lý, do đó, ngày nay nó đã bị bác bỏ. Cho dù điều này là khả thi đi nữa, chúng ta cũng không dễ gì đạt được một ước tính bằng số về xác suất xảy ra của những quy nạp. Hume, người tự cho phép mình nghi ngờ mọi thứ, đã nghi ngờ ngay chính cái nguyên tắc quy nạp. Từ thời ông, các nhà lô-gic học đã viết rất nhiều về vấn đề này, nhưng không giải quyết nổi. Nói chung, có ba khả năng. Thứ nhất, nguyên tắc này là có thể chứng minh được. Thứ hai, mặc dù không thể được chứng minh, nó có thể được chấp nhận là tự nó đã hiển nhiên. Thứ ba, nó có thể bị bác bỏ như một thói quen động vật không thể có biện minh hợp lý. Tất cả ba khả năng này đều gặp phản biện.
Những nỗ lực để chứng minh nguyên tắc [quy nạp], chẳng hạn như quan điểm của Laplace, đều đã gãy đổ. Và đối với bất cứ ai quen thuộc với việc cân nhắc xem điều gì có thể được suy ra từ điều gì khác chăng, thì có vẻ như xác suất để tìm ra một chứng minh là quá thấp, trừ phi ta chấp nhận một số nguyên tắc khác, chẳng hạn như sự thống trị của các định luật, nhưng sự chấp nhận này cũng đòi hỏi phải được chứng minh không kém gì nguyên tắc kia. Mặc dù chúng ta không thể phán một cách giáo điều rằng ta sẽ không bao giờ tìm ra một bằng chứng, khả năng này phải được xem là rất nhỏ.
Chúng ta có thể nói rằng nguyên tắc này là “tự nó hiển nhiên” chăng? Trước hết, mệnh đề này có nghĩa gì là điều cũng chưa rõ ràng. Người ta có thể nói rằng một điều gì đó là hiển nhiên đối với bạn, khi bạn không thể không tin nó; nhưng trong trường hợp này cái “tự nó hiển nhiên” có thể là sai. Từng là “tự nó hiển nhiên” khẳng định rằng không thể có người sống ở hai cực [của Trái đất], bởi vì họ sẽ rơi ra. Chúng ta có thể tăng cường định nghĩa về “tự nó hiển nhiên” bằng cách nói rằng một điều gì đó là “tự nó hiển nhiên” khi không ai còn có thể nghi ngờ nó nữa, dù đã cố thử hết sức. Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa này, ta phải nói rằng nguyên tắc [quy nạp] là không “tự nó hiển nhiên”, bởi vì Hume đã nghi ngờ nó thành công. Có một tình huống kỳ quặc về các suy luận quy nạp, đó là đối với một đầu óc không suy nghĩ thì cái kết luận của nó là không thể còn nghi ngờ gì được, trong khi nếu được xác định một cách hình thức thì sự suy luận này có vẻ còn phải để ngỏ cho việc xét lại. Để trở lại với một ví dụ ở phần trước: kinh nghiệm của bạn về quả táo khiến bạn trông đợi một cách tự tin rằng quả táo mà bạn sắp ăn này sẽ có vị như quả táo chứ không giống như vị của miếng thịt bò. Nhà lô-gic quy nạp sẽ cố gắng biến điều này thành một luận cứ: “Vì vài trái táo trước nếm giống vị táo, nên trái này cũng vậy”. Nhưng trên thực tế, quả táo cũ có lẽ không có trong suy nghĩ của bạn. Nguyên nhân gây ra kỳ vọng về quả táo này nằm trong sinh lý của bạn, chứ không có căn cứ trong suy nghĩ của bạn. Khi nhà lô-gic học cố gắng tìm căn cứ, ông ta cũng nỗ lực làm suy yếu sự tự tin của bạn; ông ta nói với bạn rằng quả táo này chỉ có thể sẽ không có vị như miếng thịt bò. Tới đây, bạn có thể sẽ la lên: “Xéo đi chỗ khác hết đi! Các nhà lô-gic học chỉ cố gắng làm tôi bối rối về những chuyện mà ai cũng biết một cách hoàn hảo”. Nhưng những gì mọi người biết, hoặc nghĩ rằng mình biết, đều là những kết luận của quy nạp, chứ không phải là sự kết nối của chúng với các tiên đề. Chính thân xác hơn là lý trí đã làm cái công việc kết nối các tiên đề vào kết luận trong một quy nạp. Thử nghiệm xử lý quy nạp như một nguyên tắc tự nó hiển nhiên, vì vậy, có vẻ như cũng đã gãy đổ.
Liệu chúng ta sẽ phải đồng ý với người hoài nghi chăng, và nói “Vất hết quy nạp đi! Nó là một mê tín, và tôi không muốn có một quy nạp nào cả”? Người hoài nghi có thể trả lời hầu hết những phản biện mà bạn thấy có thể đưa ra để chống lại anh ta. Bạn có thể nói: “Ít nhất ông cũng phải thừa nhận rằng quy nạp có tác dụng”. Và người hoài nghi sẽ trả lời: “Chắc ông muốn nói đã từng có tác dụng, bởi vì chỉ chính quy nạp mới có thể bảo đảm với ta rằng, cái đã từng có tác dụng sẽ tiếp tục có tác dụng”. Có lẽ ngày mai đá sẽ là chất dinh dưỡng và bánh mì là chất độc, mặt trời sẽ lạnh và mặt trăng nóng. Nguyên nhân của sự không tin của ta về các khả năng đó là thói quen động vật của chúng ta; nhưng những thói quen này cũng có thể thay đổi, và chúng ta có thể sẽ bất ngờ bắt đầu trông đợi điều trái ngược với mọi thứ chúng ta mong đợi hiện nay.
II.2.b – Giá trị của khoa học
|
Hans Reichenbach (1891-1953) |
Về luận cứ này, giáo sư Hans Reichenbach (1891-1953)[8], người có thẩm quyền lớn về xác suất, đã đưa ra một hình thức trả lời. Đại khái, ông ta nói như sau: nếu quy nạp có giá trị, thì có thể có khoa học; nếu nó không có giá trị, thì không thể có khoa học, bởi vì ta không thể tưởng tượng ra một nguyên tắc nào khác có khả năng thay thế nó. Vì vậy, tốt hơn bạn nên hành động trên giả định rằng quy nạp là có giá trị, bởi nếu không thì bạn không có lý do gì để làm điều này thay vì điều kia. Câu trả lời này không phải là một ngụy lý, nhưng tôi không thể nói rằng tôi thấy thỏa mãn với nó. Tôi hy vọng và ít nhiều tin tưởng rằng, với thời gian, chúng ta sẽ tìm ra một câu trả lời thỏa đáng hơn. Nếu bạn trở thành nhà lô-gic học, không chừng chính bạn sẽ là người tìm ra câu trả lời tốt hơn đó. Tôi không biết liệu sự hữu ích của lô-gic học đã trở nên hiển nhiên qua suốt những gì đã được trình bày chưa, nhưng trong trường hợp chưa, chúng ta có thể kết thúc đề tài này bằng một vài từ. Tất cả chúng ta đều thường xuyên đưa ra hoặc chấp nhận những suy luận, và trong số này nhiều suy luận thật ra không có giá trị, mặc dù chúng có vẻ thuyết phục ngay từ đầu. Khi chúng ta hành động dựa trên một kết luận không có giá trị, ta có thể sẽ thất bại, không đạt được mục đích. Trong chính trị học và kinh tế học, hầu hết các lập luận đều là ngụy lý. Vào thế kỷ thứ IV, Tây Ban Nha đã bị phá sản vì chấp nhận một luận cứ cho rằng dân chúng nên giữ vàng ở nhà. Tôi sẽ không nhắc đến những luận điệu gần đây hơn, vì ngại bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp chính trị. Tuy nhiên, tôi sẽ nói như sau: khi cuộc chiến tranh hiện nay chấm dứt[7], việc xây dựng lại sẽ đòi hỏi rất nhiều suy nghĩ sáng suốt, và những ngụy lý sẽ là một trở ngại rất lớn cho các biện pháp đáng được mong muốn của nhà nước, nhất là khi chúng được phổ biến rộng rãi. Hiện nay là lĩnh vực phục tùng lô-gic học hơn là chính trị, khoa học đã đạt được những thành công vĩ đại; nếu chúng ta muốn đạt được những thành tựu tương tự ở các bộ phận khác của đời sống xã hội, thì điều thiết yếu là con người phải học cách suy nghĩ hợp với lô-gic nhiều hơn, và ít giống những tên nô lệ của định kiến và đam mê hơn. Có thể một hy vọng như vậy là không tưởng; tuy nhiên, cũng rất có thể là những bài học từ kinh nghiệm sẽ có khả năng làm cho sự bám víu vào những tín điều phi lý đầy rẫy trong thế giới hiện đại trở nên lỏng lẻo hơn. Bertrand Russell
How to Become a Logician?
The Art of Drawing Inferences
Totowa, N. J.: Littlefield, Adam and Co.,
1974, tr. 37-76.
Chú thích:
[1] Paulus hay Saulus thành Tarsus. Tiếng Việt: Phaolô hay Saolô, Thánh Phaolô, Thánh Phaolồ Tông đồ, Sứ đồ Phaolô, Thánh Bảo-lộc hay Sao-lộc.↩
[2] Aurelius Augustinus Hipponensis (La-tinh), Augoustinos Hippônos (Hy Lạp). Tiếng Việt: Augustinô thành Hippo, Thánh Augustinô hay Thánh Âu Tinh.↩
[3] Xem giải thích ngay ở đoạn dưới.↩
[4] John William Colenso (1814-1883): Giám mục Anh giáo đầu tiên ở Natal (Nam Phi), đồng thời cũng là nhà toán học, thần học, và hoạt động xã hội.↩
[5] Francis Bacon gọi loại thí nghiệm này là những instances of the fingerpost (Pháp: exemples de la croix). Fingerpost là cột chỉ đường đặt ở các ngả nhiều đường đi, gồm có một cột đứng trên gắn các tấm bảng hình ngón tay chỉ hướng phải đi (fingerpost), nhìn chung giống như một thập giá (croix).↩
[6] Thomas Aquinas (La-tinh, Anh), Tommaso d'Aquino (Ý), Thomas d'Aquin (Pháp), Tôma Aquinô, Tômat Đa Canh (Việt) là tu sĩ (linh mục dòng Đa Minh), nhà thần học và triết học người Ý.↩
[7] Xin nhắc lại là loạt bài này đã được viết vào năm 1942.↩
[8] Hans Reichenbach (1891-1953) là giáo sư và triết gia khoa học người Đức, thành viên của trường phái kinh nghiệm lô-gic. Tác phẩm tiêu biểu (tiếng Anh): The theory of relativity and a priori knowledge (1965); Axiomatization of the theory of relativity (1969); From Copernicus to Einstein (1942); The Philosophy of Space and Time (1957); Atom and cosmos (1932); The theory of probability (1949); Experience and prediction (1938); Philosophic Foundations of Quantum Mechanics (1944); Philosophy and physics (1948); The Rise of Scientific Philosophy (1951); The Direction of Time (1956); Modern philosophy of science (1959); Selected writings, 1909-1953 (1978); Hans Reichenbach, logical empiricist (1979).↩