23.6.20

Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho ta biết được những gì về Trung Quốc và thế giới?

CUỘC KHỦNG HOẢNG COVID-19 CHO TA BIẾT DƯỢC NHỮNG GÌ VỀ TRUNG QUỐC VA THẾ GIỚI?

Phỏng vấn Alice EKMAN[1] do Pierre VERLUISE[2] thực hiện


Đâu là những ý tưởng sai lầm về Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình? Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã nêu bật những điểm nào về bản chất của chế độ Trung Quốc? Cơn đại dịch này cho ta biết những gì về sự cạnh tranh giữa các tác nhân? Làm sao so sánh chiến lược của Mỹ và Trung Quốc? Cuộc cạnh tranh công nghệ sẽ diễn tiến như thế nào? Các nước khác sẽ phải đối phó với những thách thức chiến lược nào trong những năm sắp tới?
Trên là những câu hỏi mà Alice Ekman sẽ trả lời một cách rõ ràng nhân dịp sự xuất bản cuốn sách mới của bà “Rouge vif. L’idéal communiste chinois (Đỏ thắm. Lý tưởng cộng sản của Trung quốc)”, NXB L’Observatoire. Phỏng vấn được Pierre Verluise thực hiện cho Diploweb.com.
* * *
Alice Ekman là một nhà phân tích về Châu Á ở Viện Nghiên Cứu của Liên Minh Châu Âu về các vấn đề an ninh (EUISS).
Pierre Verluise (P. V.): Đâu là những ý tưởng sai lầm về Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình?
Alice Ekman (A. E.): Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng Trung Quốc đã sang trang chủ nghĩa cộng sản từ thời điểm cải cách và mở cửa được Đặng Tiểu Bình khởi xướng từ năm 1978. Trước hết, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) đã không ngừng khẳng định theo chủ nghĩa cộng sản từ năm 1949, và Tập Cận Bình cũng đã khẳng định điều này một cách mạnh mẽ từ khi được bầu vào chức tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) váo tháng 11 năm 2012, còn mạnh hơn cả người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào (2002-2012). Sau nữa, sự khẳng định này không chỉ mang tính tu từ, nó được đi kèm với những quyết định có những hậu quả cụ thể trên xã hội Trung Quốc - từ sự củng cố việc giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lê tại các trường đại học cho đến sự thành lập các chi bộ đảng ngày càng nhiều tại các công ty tư nhân. Sau cùng là sự thừa nhận di sản của Lênin và Mao của Trung Quốc là điều cần thiết để hiểu được sự cấu trúc hóa, vận hành và các phương pháp của hệ thống chính trị hiện nay. Đó chắc hẳn là một hệ thống lai tạp, một sự hỗn hợp độc nhất của nhiều nguồn ảnh hưởng và thành tố (thuộc thời đế chế, liên xô, maoít, dân tộc chủ nghĩa, v.v.). Tuy vậy, phần của các ảnh hưởng “đỏ” trong sự hỗn hợp này không được xem thường, vì nó tiếp tục tác động mạnh mẽ trên các quyết định của các chính sách nội bộ và ngoại giao. Tính thực dụng vẫn hiện hữu trong nội bộ ĐCSTQ, đặc biệt trong sự thực thi cụ thể những quyết định, cùng tồn tại với cái khung ý thức hệ vốn định hình trước hết các quyết định này. Điều này không cản trở điều kia.
Pierre Verluise (1961-)
Nói chung, vai trò của Đảng đã được củng cố một cách mạnh mẽ trong 8 năm vừa rồi, rất lâu trước sự xuất hiện của coronavirus. Những động cơ của sự củng cố này mang tính lịch sử lẫn chính trị: sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 vẫn còn là một phản kiểu mẫu đối với ĐCSTQ. Tập Cận Bình coi việc duy trì một đảng mạnh là cần thiết để tránh một sự sụp đổ như vậy. Sự đổi mới đỏ có thể được xem như là một chiến lược sống còn, được chủ tịch Trung Quốc triển khai ở thời điểm mà tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhưng không phải chỉ là thế: động cơ ý thức hệ vẫn mạnh, nếu tính đến hệ thống đào tạo và thăng tiến của thành phần tinh hoa của đảng vốn luôn luôn thừa nhận tầm quan trọng lớn của chủ nghĩa Mác-Lê và sự “trong sáng ý thức hệ”. Tái khẳng định bản sắc cộng sản còn được giải thích bởi sự củng cố của quy chế cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh thế giới năm 2008-2009, với kết quả là các tương quan lực lượng mới. Tập Cận Bình không ngần ngại nêu bật một cách rõ ràng “ưu thế của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản”, sự cần thiết đối với Trung Quốc phải có một sự tự tin lớn hơn, và trước hết là sự tự tin vào chế độ chính trị của mình. Sự định vị chiến lược này còn thể hiện qua chiến lược truyền thông quốc tế được Trung Quốc triển khai hiện nay, trong khuôn khổ của cuộc khủng hoảng COVID-19.
P. V.: Cuộc khủng hoảng COVID-19 nếu bật những gì về bản chất của chế độ của Trung Quốc?
A. E.: Cuộc khủng hoảng COVID-19 nhắc lại cho chúng ta một cách cụ thể sự hiện diện khắp nơi của ĐCS ở tất cả các cấp của xã hội, kể cả ở các bệnh viện, các đại học, các trường học, các phức hợp nhà ở … ĐCSTQ có 90 triệu đảng viên và tiếp tục tuyển mộ - ngay cả trong nhân viên y tế trong cuộc khủng hoảng.
Hệ thống giám sát xã hội và chính trị, vốn được định hình dưới thời Mao (1949-1976), vẫn được sử dụng trong những tháng vừa rồi, và còn được củng cố sau cuộc khủng hoảng. Các tổ dân phố được dùng để thu thập thông tin, giám sát các hành vi. Chúng đã được huy động rất nhiều trong cuộc “chiến tranh nhân dân” chống lại virus. Dù tương lai cá nhân của các lãnh đạo và các cuộc khủng hoảng mà họ có thể sẽ phải đối phó là như thế nào đi nữa, rất ít có khả năng Đảng sẽ nhanh chóng sụp đổ, khi tính đến mạng lưới địa lý dày đặc dựa trên những phương tiện - vừa mang tính con người và công nghệ - rất quan trọng. Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã khuyến khích sự củng cố của sự “kiểm soát lẫn nhau” giữa các cá nhân ở tất cả các cấp độ của xã hội, song song với sự phát triển của các công nghệ.
Năm 2021 sẽ là năm kỷ niệm 100 năm của ĐCSTQ, sẽ được cử hành một cách rộng rãi khắp nơi trong nước, còn hơn cả kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của Marx vào tháng 5 năm 2018 hay của 70 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào mùa thu năm 2019 vốn đã là rất ấn tượng. Nhân dịp này, ĐCSTQ sẽ không ngần ngại truyền thông về “thắng lợi” của mình chống lại COVID-19, về khả năng phục hồi của nền kinh tế, so với những “thất bại” giả định của các nước khác - mặc dù thực tế phức tạp hơn nhiều.
P. V.: Với sự kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh và sự sụp đổ của khối Sô Viết (1991), Francis Fukuyama đã gợi lên ý tưởng về “hồi kết của lịch sử” để đánh dấu thắng lợi của chủ nghĩa tự do trên chủ nghĩa cộng sản, sự mong muốn của Trung Quốc thiên về cái “Đỏ thắm” phải chăng có thể được diễn giải như là câu trả lời cho quan niệm tự do chủ nghĩa?    
Francis Fukuyama (1952-)
A. E.: Đúng vậy, Trung Quốc của Tập Cận Bình muốn chúng tỏ cho thế giới rằng lý tưởng cộng sản đã không biến mất đi với Liên Xô. Chủ tịch Trung Quốc vốn chủ trương một thuyết mác xít công nghệ thuộc một thể loại mới, hiện đại và được xét lại, tự xem mình như là người canh tân chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Điều này có thể bị xem như là lỗi thời, nhưng đây chính là mục tiêu mà chủ tịch Trung Quốc biểu lộ một cách thẳng thừng trước các thành viên của Ủy Ban Trung Ương trong một cuộc họp kín ngay từ năm 2013. ĐCSTQ xem rằng Trung Quốc hiện nay chỉ mới ở “giai đoạn sơ cấp của chủ nghĩa xã hội”, và cần phải tiếp tục hướng tới chủ nghĩa cộng sản, một lý tưởng mà không chỉ Trung Quốc, nhưng còn là toàn bộ nhân loại phải hướng tới. Quan niệm đặc biệt này về lịch sử bắt nguồn từ các luận điểm của Marx (1818-1883). Một cách cụ thể, khi đứng trước các người đối thoại nước ngoài, nền ngoại giao Trung Quốc không có một diễn ngôn mác xít theo nghĩ hẹp của từ này, mà chỉ giới thiệu hệ thống cai trị của Trung Quốc như là một sự lựa chọn có thể đứng vững, và còn hơn các hệ thống chính trị khác, trước tiên là các hệ thống Mỹ và Châu Âu. Trung Quốc càng ngày càng tự định vị, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, như là một “mẫu mực” để theo, một “giải pháp” cho thế giới.
Ở Vũ Hán, quyền lực chính trị đã khẳng định lại ưu thế đối với quyền lực khoa học
P. V.: Cuộc khủng hoảng COVID-19 cho ta biết những gì về sự cạnh tranh giữa các tác nhân - ở nhiều cấp độ, từ Vũ Hán cho đến Châu Á?
A. E.: Ở Vũ Hán, quyền lực chính trị đã khẳng định lại ưu thế của mình đối với quyền lực khoa học. Bà giám đốc khoa cấp cứu ở bệnh viện trung tâm của thành phố là người phát hiện sự xuất hiện đầu tiên của virus cùng với các đồng nghiệp khác đã bị cả văn phòng thanh tra kỷ luật của chính bệnh viện - một cơ quan nội bộ của đảng - và ủy ban y tế của thành phố Vũ Hán khiển trách nặng nề. Ở Trung Quốc, một số lớn các định chế đều có một sự lãnh đạo hai đầu, chứ không chỉ ở các bệnh viện mà thôi. Chẳng hạn ở các trường đại học, vừa có một sự lãnh đạo khoa học và một sự lãnh đạo chính trị đại diện cho đảng cộng sản. Từ khi thời đại Tập Cận Bình bắt đầu, hệ thống thứ bậc đã được củng cố: lãnh đạo chính trị giám sát và hợp thức hóa các đề nghị và các hành vi của lãnh đạo khoa học - còn hơn cả dưới thời kỳ Hồ Cẩm Đào.
Ở cấp địa phương, các sự căng thẳng vẫn còn rất mạnh. Theo tôi, Đài Loan là điểm kết tinh mạnh nhất các sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngay từ những tuần đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19, vấn đề Đài Loan đã trở lại phía trước trường chính trị vì ít nhất ba lý do: sự quản lý cuộc khủng hoảng trên đảo - được vài người đánh giá như là mẫu mực, thậm chí còn là một phản kiểu mẫu đối với cách quản lý ở CHNDTH -, sự tham gia của Đài Loan vào “ngoại giao khẩu trang” với những vụ gởi khẩu trang quan trọng (kể cả đến Châu Âu), sự vắng mặt bị ép buộc của Đài Loan ở Tổ Chức Y Tế Thế Giới không phải chỉ là mới đây nhưng được cuộc khủng hoảng nhắc lại đối với rộng rãi công chúng.
Đối với Bắc Kinh, sự đại canh tân của quốc gia Trung Quốc mà Tập Cận Bình mong muốn phải thông qua Hồng Kông và cả Đài Loan. Đối với Hồng Kông thì mọi chuyện đã kết thúc trên nguyên tắc. Tuy những căng thẳng vẫn còn rất sâu sắc, và trong tương lai Bắc Kinh muốn đi xa hơn nữa trong sự sáp nhập chính trị và lập pháp của lãnh thổ này. Đài Loan được Bắc Kinh xem như là ưu tiên quốc gia, một sự nghịch thường phải được sửa đổi trong trung và dài hạn - rất ít có khả năng giải pháp quân sự được Trung Quốc dành ưu tiên trong ngắn hạn, đặc biệt vì sự hiện diện quân sự của Mỹ trong vùng vẫn còn rất mạnh, nhưng các căng thẳng vẫn rất gay gắt tren eo biển và một sự cố có thể trở thành một cuộc xung đột trong vùng và quốc tế một cách rất nhanh chóng. Lập trường của Bắc Kinh và Washington hoàn toàn đối lập với nhau trên vấn đề này, cũng như trên nhiều vấn đề khác trong vùng: các căng thẳng ở vùng biển Đông - gắn với sự xác định ranh giới của không gian biển chiến lược của Trung Quốc -, tương lai của Bắc Hàn nơi mà Trung Quốc chống đối mọi sự thay đổi chế độ.
P. V.: Còn ở bên ngoài Châu Á thì như thế nào?
A. E.: Trên thế giới, sự cạnh tranh giữa các hệ thống cai trị vốn đã có từ nhiều năm nay, được củng cố. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã không gây ra một sự xét lại hay nhìn lại chính mình. Ngược lại, truyền thông chính thức của Trung Quốc đã biểu dương hiệu quả giả định của cách quản lý cuộc khủng hoảng của Trung Quốc và nhấn mạnh đến những yếu kém giả định của các nước được xem là thuộc “Phương Tây”. Vấn đề vẫn là phải phóng chiếu hình ảnh của một Trung Quốc mẫu mực.
Đây là một sự cạnh tranh gay gắt giữa các hệ thống chính trị, và cả giữa các cường quốc và, theo tôi, vẫn rất mở. Ít có khả năng là sau cuộc khủng hoảng một thế giới hậu Phương Tây bị Trung Quốc thống trị nổi lên, cũng như ít có khả năng, ngược lại, Trung Quốc sẽ bị hoàn toàn cô lập. Trung Quốc cùng lúc gây sự khó chịu cho một số nước ngày càng lớn vì nhiều lý do khác nhau (vì sự thiếu thông tin về con virus, vì những hậu quả về con người và tài chánh đối với thế giới, vì chiến lược truyền thông về chính sách hỗ trợ của Trung Quốc, chẳng hạn) nhưng cùng lúc tiếp tục duy trì những quan hệ tốt với nhiều nước khác. Khi cuộc khủng hoảng kết thúc, “câu lạc bộ những nước bạn của Trung Quốc” - theo thuật ngữ chính thức của Trung Quốc - có thể sẽ bị thu hẹp phần nào, nhưng sẽ vững chắc hơn. Đó là những nước ủng hộ trung thành, thậm chí là không thể lung lay, Trung Quốc, đặc biệt trong các tổ chức quốc tế. Đó là những nước biểu lộ một “tình bạn chắc như thép” - theo từ ngữ chính thức của Trung Quốc mới xuất hiện được vài tuần, và bao gồm Pakistan, Serbia và Campuchia.
Nhưng cùng lúc Trung Quốc chắc sẽ không tạo ra được sự đồng thuận xung quanh họ trong các tổ chức quốc tế - hoạt động tích cực của họ sẽ bị soi xét bởi một số nước ngày càng nhiều - đặc biệt các nước Châu Âu - nhất là từ khi ảnh hưởng của Trung Quốc bị tranh luận ở Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các tổ chức khác của hệ thống của Liên Hiệp Quốc.
Những sự rạn nứt giữa các nước ủng hộ các sáng kiến và lập trường của Trung Quôc và các nước khác, có nguy cơ được củng cố trong các tổ chức quốc tế. Trên phương diện này, mối quan hệ Trung Quốc-Nga đáng được theo dõi, trong khi hai nước này đã xích lại gần nhau trong sáu năm vừa rồi. Mặc dù Bắc Kinh và Moscow không đồng ý trên mọi vấn đề, sự chia sẻ một sự oán giận đối với Washington và những đồng minh, và một mong muốn tái cấu trúc sự cai trị thế giới làm cho họ xích lại gần nhau.
P. V.: Theo Bà thì sự cạnh tranh giữa các cực này sẽ tiến triển như thế nào?
A. E.: Sự cạnh tranh này sẽ rất gay gắt và cũng rất mơ hồ. Sẽ không có hai khối được phân định rõ ràng và khép kín, như thời chiến tranh lạnh - mặc dù mức độ của sự căng thẳng có thể cũng sẽ cao như vậy - mà là hai “cực” có lỗ hổng, mà chu vi sẽ không ngừng tiến hóa. Sự mơ hồ này được Trung Quốc nuôi dưỡng và Trung Quốc sẽ không tìm cách - ít nhiều - ký kết các hiệp ước liên minh trong những năm sắp tới, hình thức hóa và làm sáng tỏ một “khối”. Đó không phải là lợi ích của Trung Quốc. Hẳn là Trung Quốc đã xúi một số nước không phải là ít ký kết những “hiệp định khung” về “những con đường tơ lụa mới”, nhưng đó là những hiệp định được diễn đạt với những từ rất chung, về một dự án vốn cũng không được xác định rõ ràng và không ngừng tiến hóa. “Những con đường tơ lụa mới” vừa là những dự án hạ tầng cơ sở, nhưng vừa là một nhãn hiệu chung tạo điều kiện để Trung Quốc có thể tập hợp một số nước xung quanh những ưu tiên của mình, một nền tảng tương tác song và đa phương, chủ đề chung của một diễn đàn mà Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh hai năm một lần…. Tư cách “thành viên” của “những con đường tơ lụa mới” cũng không được xác định rõ ràng: Trung Quốc có vẻ xem đó như là một thẻ (khách hàng) trung thành để cám ơn các nước đã gia nhập với một vài ưu đãi, một vài tiếp cận ưu đãi (vào hệ thống vệ tinh Beidou, vài công nghệ, vài chương trình đào tạo chẳng hạn), với việc dành một vài chỗ ưu đãi (sự chiếu cố đặc biệt tại các diễn đàn lớn được Trung Quốc tổ chức, sự tiếp cận ưu tiên cho các lãnh đạo …). Như vậy, tất cả các nước đều có thể là thành viên, kể cả những đối tác không phải là truyền thống của Trung Quốc, những nước đồng minh của Mỹ, các tổ chức quốc tế. Danh sách các thành viên của những con đường tơ lụa mới không ngừng tiến hóa.
Trung Quốc sẽ tìm cách tự định vị như là nước đã hành động trước để kiểm soát cuộc khủng hoảng này nay đã trở thành khủng hoảng thế giới.
Dù sao đi nữa, một hoạt động tích cực mạnh lên của nền ngoại giao của Trung Quốc được dự kiến trong những tháng sắp tới: củng cố sự tham gia và sự đóng góp tài chánh vào các tổ chức quốc tế - trước hết là vào hệ thống của Liên Hiệp Quốc -, hoạt động tích cực trong các BRICS (tổ chức quy tụ Brazil, Nga/Russia, Ấn Độ/India, Trung Quốc/China và South Africa/Nam Phi, tức là các nước đang phát triển mạnh và ở trong tư thế cạnh tranh với các nước Phương Tây - ND), trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải (OCS), trong G20, liên tục xúc tiến những con đường tơ lụa mới trong những lãnh vực gắn với cuộc khủng hoảng (y tế, logistic, thương mại điện tử, công nghệ, v.v.), xúc tiến những chuẩn mực mới, các chuyến thăm chính thức các nước đối tác bị tác động mạnh nhất, diễn đàn khu vực và theo chủ đề … Trung Quốc sẽ tìm cách tự định vị như là nước đã hành động trước để kiểm soát cuộc khủng hoảng này nay đã trở thành khủng hoảng thế giới.
Một trong những điểm mạnh của chính sách ngoại giao của Trung Quốc hiện nay là sự tích cực trong mọi lãnh vực và quyết tâm chính trị - đặc biệt dưới thời Tập Cận Bình - để thực hiện “canh tân quốc gia Trung Quốc”, để tái cấu trúc sự cai trị thế giới có lợi cho mình. Tất nhiên Trung Quốc không chỉ là sức mạnh. Có những yếu kém nội bộ, chẳng hạn như sự xuất hiện của một thứ sợ hãi làm tê liệt ngay trong ĐCSTQ. Trong công việc hằng ngày, các chiến dịch chỉnh huấn ý thức hệ các cán bộ của Đảng, các khóa học tập tư tưởng Tập Cận Bình, được giới thiệu như là một nhà tư tưởng mác xít lớn, các buổi phê bình và tự phê bình giữa đồng nghiệp đều là những hoạt động tốn thời giờ trong vài định chế (các bộ, các đại học, các phương tiện truyền thông, v.v.) đến ni các cán bộ thừa nhận có ít thời gian hơn dành cho công việc chuyên môn của mình. Thêm vào đó là áp lực của thành tích được lượng hóa, sự kiểm soát lẫn nhau, sự sợ bị tố cáo, trở thành đối tượng của một cuộc điều tra của Ủy Ban Kiểm Soát Kỷ Luật Trung Ương, vốn sẽ tạo nên một sự tê liệt tương đối của guồng máy hành chánh. Trong khuôn khổ của những chiến dịch chỉnh huấn mà ông đã tung ra trong hai năm vừa rồi, chủ tịch Trung Quốc đã nói đến việc “nạo xương để loại bỏ nọc độc”, “quay ngược lưỡi dao vào chính mình”. Trong tình huống này thì chắc chắn là sự mạo hiểm dám làm, sự sáng tạo cá nhân sẽ ở mức tối thiểu.
Nhưng từ đó mà coi rằng nền ngoại giao của Trung Quốc không còn có hiệu quả hay mất đi sức cạnh tranh, thì quả là đơn giản hóa vấn đề: từ nay, Trung Quốc có hệ thống mạng lưới ngoại giao lớn nhất trên thế giới (bao gồm các cơ quan đại diện ngoại giao - tòa đại sứ và lãnh sự - ở nước ngoài), hơn Mỹ và Pháp. Ảnh hưởng của nó trong các tổ chức và diễn đàn đa phương đã được củng cố một cách mạnh mẽ trong thập niên vừa rồi, và nó có khả năng xúc tiến các ưu tiên và các lợi ích của mình với một sự tích cực làm cho các nền ngoại giao khác bị bất ngờ. Ngay cả khi nếu ngân sách của nó bị giảm - đây không phải là trường hợp hiện nay - trong khuôn khổ của sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng coronavirus gây ra, mạng lưới ngoại giao của Trung Quốc vẫn tiếp tục là một trong những mạng lưới rộng lớn và kinh nghiệm nhất, ít nhất là trong một thời gian nữa.
P. V.: Trong sự cạnh tranh này, bà so sánh các chiến lược của Mỹ và Trung quốc như thế nào?
A. E.: Là “nước thách thức”, với tư cách là cường quốc mong muốn tái cấu trúc trật tự hiện hành do các nước Phương Tây “lãnh đạo” - mà theo Trung Quốc là không chính đáng -, Trung Quốc nhân bội các sáng kiến mới. Trung Quốc đề xuất những sáng kiến của mình cho tất cả các nước - kể cả những nước đồng minh và đối tác của Mỹ. Điều này tạo ra sự bực bội ở Washington và thường trở thành nguồn gốc của nhiều căng thẳng xuyên Đại Tây Dương thường hay tái diễn. Các phản ứng và những cảnh cáo của Washington đôi khi bị vài đồng minh và đối tác của họ cảm nhận rất xấu vì những nước này có cảm nhận bị coi thường và bị đặt dưới áp lực.
Trong khi Trung Quốc duy trì một sự mơ hồ chiến lược về phạm vi của cái được gọi là “câu lạc bộ bạn bè”, về phía mình, Mỹ trông chờ các đồng minh làm sáng tỏ lập trường của họ đối với Trung Quốc, và trong một vài trường hợp họ phải dứt khoát và chính thức từ chối các sáng kiến và các đề nghị của Trung Quốc (hiệp định khung về những con đường tơ lụa mới, gia nhập Ngân Hàng Đầu Tư Châu Á vào các hạ tầng cơ sở - BAII - được thành lập năm 2014, mạng lưới 5G do Hoa Vi đề nghị mới đây…). Những sự khác nhau này trong cách tiếp cận giữa Bắc Kinh và Washington - một bên thì nuôi dưỡng sự mơ hồ, bên kia thì muốn làm sáng tỏ - sẽ tiếp tục tồn tại trong những năm sắp tới: rất ít có khả năng Trung Quốc ngưng những “đề nghị” cho số đông, cũng như ít có khả năng Mỹ sẽ uyển chuyển hay hòa giải hơn đối với các đề nghị này. Sự chênh lệch này có thể có lợi cho Trung Quốc, nếu không được tính đến Mỹ trong sự phân tích chiến lược ngay từ bây giờ.
Trong cuộc chơi này, Trung Quốc rốt cuộc có thể được một số nước xem như là một cường quốc tiến bộ, hiện đại muốn thay đổi sự vật, và Mỹ như là một cường quốc trì trệ, muốn duy trì trật tự hiện nay, thậm chí cả trật tự lạc hậu của quá khứ. Tất nhiên, thực tại là khác, phức tạp hơn nhiều, nhưng sự cảm nhận cũng quan trọng … nhất là trong giai đoạn của cuộc khủng hoảng COVID-19 khi mà một số câu hỏi cơ bản về trật tự của thế giới được đặt ra, về sự vận hành và hiệu quả của các tổ chức quốc tế đứng trước các cuộc khủng hoảng thế giới, về tiến triển của toàn cầu hóa. Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra những câu hỏi này để xúc tiến các sáng kiến đa phương của họ, để tự định vị như là một nước đưa ra những đề nghị, làm sự vật thay đổi, để dẫn dắt ra khỏi cuộc khủng hoảng.
P. V.: Trong cuốn “Rouge vif (Đỏ thắm)”, Bà có đề cập đến tư thế thượng phong của ĐCSTQ. Sự thù địch với Phương Tây có thể dẫn đến đâu?
A. E.: Sự thù địch của ĐCSTQ đối với Phương Tây có thể dẫn đến việc lăng nhục. Người ta đã thấy một sự cứng rắn lên rõ ràng của các tương quan lực lượng giữa các Nhà nước - đôi khi đè nặng lên các công ty và các cá nhân -, một sự củng cố bạo lực thông qua lời nói, ngoại giao, … và trước hết một quan hệ “ăn miếng trả miếng” có hệ thông đối với Washington. Sự xuất hiện của những cực luôn tiến hóa hơn là những cực cố định có thể làm cho ta nghĩ rằng sự cạnh tranh ít mang tính đối đầu hơn. Nhưng không phải vậy: cạnh tranh đã dữ dội rồi - và hiện nay không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ dịu đi.
Truyền thông ngoại giao của Trung Quốc cũng mang tính tiến công hơn. Trung Quốc của Tập Cận Bình căn bản cho rằng những người “Phương Tây” không có quyền áp đặt các phương pháp, các bài học của họ, mà, ngược lại, nay Trung Quốc cũng không ngần ngại dạy cho họ những bài học. Chủ tịch có tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc quy chiếu và vượt qua Phương Tây vốn đã xác định các quy tắc của cuộc chơi từ quá lâu rồi, đặc biệt trong các tổ chức đa phương. Sự oán giận Phương Tây tiềm ẩn trong giới tinh hoa của Đảng (thường hơn cả trong dân chúng), nó nằm trong tiến trình giáo dục truyền thống - luôn nhấn mạnh đến “nỗi nhục” mà Trung quốc đã phải gánh chịu trong thời kì chiến tranh nha phiến và các hiệp ước bất bình đẳng vào thế kỷ XIX - và những năm vừa qua trở thành rõ ràng hơn. Trên quan điểm của Đảng, tất cả các cuộc khủng hoảng trên thế giới đều do Mỹ và các đồng minh của họ gây ra: vùng biển Đông, Đài loan, các cuộc “cách mạng màu” hay Hồng Kông nơi mà các sinh viên bị các tác nhân nước ngoài thao túng. Tập Cận Bình thường hay nhắc tới những “lực lượng Phương Tây thù nghịch” muốn gây sự bất ổn, phê bình hay hạ thấp Đảng. Trong bối cảnh này, các thuyết âm mưu được củng cố và truyền thông chính thức mang tính tiến công hơn.
Trong mọi tình huống, tình trạng của các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh và Washington không cho thấy, trong ngắn hay dài hạn, bất cứ sự hòa dịu của các căng thẳng Trung Quốc-Mỹ vốn rất sâu sắc và bắt đầu được mở rộng sang nhiều lãnh vực mới. Những tranh chấp là về thương mại, công nghệ, tiềm tàng pháp lý (với sự nhân bội ở Mỹ của các lời kêu gọi tấn công Trung quốc trước tòa án và buộc Trung Quốc phải trả giá về những thiệt hại do đại dịch gây ra)… Những căng thẳng cũng là về lý thuyết và về các chuẩn mực. Thách thức quan trọng nhất đối với nền ngoại giao Trung Quốc trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc là sự tái xác định các chuẩn mực và các định nghĩa. Trung Quốc nổ lực tái định nghĩa khái niệm quyền con người, đặc biệt để đảo ngược sự phê bình. Khi Trung Quốc đề cập đến Internet hay không gian mạng trong các cuộc họp đa phương, là dựa trên quan niệm của họ vốn nhấn mạnh đến chủ quyền của các quốc gia. Trung Quốc sử dụng cùng các ý niệm với Mỹ hay Liên Minh Châu Âu, nhưng những ý niệm này không được định nghĩa giống nhau. Và nhiều chính phủ ủng hộ các lập trường của Bắc Kinh, vì họ cũng đứng trên cùng một lập trường chính trị, hay đơn giản hơn là đối với họ các từ ngữ được Trung Quốc sự dụng có vẻ đồng thuận hơn.       
Thật ra, vượt qua một sự hòa hợp, bề ngoài, các phần mềm hoàn toàn không giống nhau ở Bắc Kinh và ở Washington. Các phương thức đào tạo, các sách và các quy chiếu lý thuyết, các cảm nhận về nhau của các người nắm quyền quyết định khác nhau rất nhiều, sự oán giận lẫn nhau sâu sắc đến nỗi tôi không nghĩ rằng còn có một ngôn ngữ chung, đặc biệt từ khi Tập Cận Bình xúc tiến sự canh tân đỏ vào năm 2012. Rất nhiều nhân vật chính trị ở cả hai bên không có ý muốn - và trong vài trường hợp không có khả năng - để có thể đặt mình vào vị trí của bên kia, để hiểu được cách nhìn hay tư duy của phía bên kia.
P. V.: Bà thấy sự cạnh tranh công nghệ sẽ diễn tiến như thế nào?
A. E.: Sự tranh đua xung quanh hệ thống 5G, trường hợp của Hoa Vi, chỉ là phần nhô lên của tảng băng. Rất nhiều khả năng là các căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington sẽ lan rộng sang nhiều công nghệ khác chứa đựng vấn đề về tính an toàn của các dữ liệu hay về chủ quyền kỹ thuật số, mà Trung Quốc có được thế cạnh tranh, thậm chí còn giành được ưu thế ở phạm vi thế giới. Những căng thẳng gay gắt giữa Washington và các đồng minh xung quanh hệ thống 5G chắc hẳn sẽ lan rộng sang các thiết bị giám sát bằng truyền hình, nhận diện, máy bay nhỏ, các “trung tâm dữ liệu”, các blockchain, trong số nhiều công nghệ khác nữa …. Trung Quốc có thể sẽ tăng cường khả năng sáng tạo và tính cạnh tranh trên phạm vi thế giới trong các công nghệ này được xác định như là những ưu tiên trong kế hoạch phục hồi kinh tế được thông báo vào cuối tháng 3 để đối đầu với cuộc khủng hoảng COVID-19. Mặc dù chính quyền trung ương vẫn chưa thông báo số liệu, Viện Hàn Lâm về các công nghệ thông tin và truyền thông của Trung Quốc (CAICT) ước tính vào đầu tháng 5 rằng đất nước sẽ phải bỏ ra tổng cộng - chi tiêu công và tư - gần 750 tỷ yuan (khoảng 97 tỷ Euro) trong năm nay cho sự phát triển các hạ tầng cơ sở truyền thông mới trong đó khoảng phân nửa cho các mạng, và trước hết là các mạng 5G.           
Sự mở rộng lãnh vực cạnh tranh công nghệ được nhận thấy từ gần một năm nay, khi chính phủ Mỹ dần dần kéo dài danh sách đen của những công nghệ của Trung quốc mà họ cho là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia, và khi Trung Quốc thông báo ngay từ tháng 5 năm 2019 rằng họ sẽ đáp lại với một danh sách đen của họ về các công ty nước ngoài. Trong danh sách đen các công ty nước ngoài do chính phủ Mỹ thiết lập, những công ty mà các công ty Mỹ bị cấm chuyển giao công nghệ, phần mềm và các thiết bị khác của họ, ngoài Hoa Vi còn có nhiều công ty công nghệ khác mà những sản phẩm là thành tố của những thiết kế kiến trúc của “thành phố thông minh”, như: Megvii, một công ty mới khởi nghiệp trong lãnh vưc nhận diên khuôn mặt; Hikvision cung cấp các camera giám sát, cũng là công ty đầu đàn trong lãnh vực này; Sugon chế tạo các máy chủ và các máy tính cực mạnh; Chengdu Haiguang Microelectronics Technology chế tạo các bộ phận vi điện tử … Tất cả các công ty này đều có khả năng theo đuổi chiến lược hiện nay của Hoa Vi, tức là xây dựng một chính sách nghiên cứu và phát triển đầy tham vọng, có thể giúp họ, trong dài hạn, không còn phụ thuộc vào các sản phẩm và các dịch vụ của Mỹ, và nói chung của các công ty nước ngoài. Nếu chiến lược này thành công, nó sễ dẫn đến một sự tách biệt công nghệ sâu sắc, với những cực trong nước sử dụng song song các công nghệ khác nhau, mà sự tương thích sẽ không còn được bảo đảm. Sự tách biệt công nghệ đã được cụ thể hóa rõ ràng trên lãnh thổ của Mỹ từ hơn một năm nay: các định chế đã bị yêu cầu tháo gỡ trong mùa hè các camera giám sát chế tạo ở Trung Quốc để phù hợp với lệnh cấm do Quốc Hội áp đặt năm 2018, và để chống lại điều bị coi như là một nguy cơ gián điệp có lợi cho Bắc Kinh.
Những nước không có tầm nhìn chiến lược về vị trí của họ trên thế giới, về cách tổ chức thế giới, về sự điều hành thế giới, về sự đa phương sẽ sớm bị hướng dẫn - hay sẽ sớm bị vượt qua - bởi các nước có một ý thức rõ ràng về mục đích của họ.
P. V.: Trong bối cảnh đó, đâu là những thách thức chiến lược mà các nước thứ ba (ngoài Mỹ và Trung Quốc) sẽ phải đối phó trong những năm tới?
A. E.: Tôi thấy ít nhất có ba loại thách thức trong bối cảnh của sự tranh đua kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước hết là một thách thức trong lãnh vực hoạch định chiến lược: những nước không có tầm nhìn chiến lược về vị trí của họ trên thế giới, về cách tổ chức thế giới, về sự điều hành thế giới, về sự đa phương sẽ sớm bị hướng dẫn - hay sẽ sớm bị vượt qua - bởi các nước có một ý thức rõ ràng về mục đích của họ. Về phía mình, Trung Quốc có một chiến lược tái cấu trúc sự cai trị đầy tham vọng và được thể hiện qua các hoạt động cụ thể. Tất nhiên, trước hết, sự tương quan lực lượng giữa các cường quốc sẽ tiến hóa trong những năm tới tùy vào sự nhanh chóng mà họ có để xúc tiến sự phục hồi nền kinh tế quốc gia, trên phương diện so sánh. Nhưng có những yếu tố khác cũng phải được tính đến: tầm nhìn chiến lược, sự quyết tâm chính trị, sự năng động ngoại giao. Tất cả những yếu tố này không hoàn toàn gắn liền với tình trạng của nền kinh tế.
Sự hoạch định chiến lược này là cần thiết trên vấn đề cải cách sự điều hành thế giới, và cả trên nhiều thách thức khác, và trước hết là các vấn đề công nghệ. Khi tính đến khả năng lớn về sự tách biệt công nghệ đã nêu trên, các nước không có tầm nhìn chiến lược rõ ràng để có thể bảo đảm sự tự chủ công nghệ của họ sẽ đơn giản mất nó, hay sẽ mất đi những gì còn lại của sự tự chủ này.
Sau đó, đó là một thách thức về mặt phương pháp luận. Không phải chỉ cần có một tầm nhìn chiến lược rõ ràng: làm sao đáp lại một cách cụ thể một Trung Quốc không ngừng đề xuất các sáng tạo, công nghệ, khái niệm, hiệp định khung mới … và một nước Mỹ vốn sẽ không ngừng chống đối các sáng kiến đó một cách trực tiếp, và đòi hỏi các đồng minh của họ phải hành động như vậy. Câu hỏi được đặt ra ngay từ bây giờ rất đơn giản và trung tâm đối với tất cả các nước hy vọng sẽ không phải trả cái giá về những thiệt hại gián tiếp của sự tranh đua giữa Washington và Bắc Kinh.
Sau cùng, sự thách thức về mặt truyền thông cũng không nên bị coi thường, trong một cuộc chiến truyền thông bao quanh sự cạnh tranh hiện nay giữa các mô hình cai trị. Hơn bao giờ hết, không cần chỉ có một tầm nhìn chiến lược, một phương pháp, mà còn phải có một chiến lược truyền thông có khả năng hỗ trợ chúng. Các nền ngoại giao phải ngày càng có khả năng truyền thông về những sáng kiến của họ, chống lại diễn ngôn của các nền ngoại giao khác về sự yếu kém giả định của mô hình cai trị của họ, tránh sự tái xác định các ý tưởng và các khái niệm rất quan trọng đối với họ trong các tổ chức quốc tế. Cả một chương trình.
Alice Ekman, “Đỏ thắm. Lý tưởng cộng sản của Trung Quốc (Rouge vif. L’idéal communiste chinois)”, Éditions de l’Observatoire, 2020.

“Trung Quốc không còn là cộng sản nữa”: tiếng đồn đã lan tràn, như là một  điều hiển nhiên. Nhưng phải chăng đó là sự hiểu lầm lớn nhất của thời đại của chúng ta?
Bất chấp sự mở cửa kinh tế năm 1978, các biện pháp quốc tế hóa các công ty Nhà nước, sự thiết lập quan hệ ngoại giao với các cường quốc Phương Tây, Trung Quốc vẫn tiếp tục trung thành với những nguồn gốc đỏ của họ. “Chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng mà tất cả chúng ta đều phải hướng tới”, đó là điều mà hiện nay các cán bộ của Đảng vẫn khẳng định.
Được củng cố với việc Tập Cận Bình lên nắm quyền lực năm 2013, ĐCSTQ thâm nhập vào tất cả các tầng của xã hội: chính trị và kinh tế, đương nhiên, nhưng cả văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, xã hội hay tôn giáo, và có tham vọng mở rộng ảnh hưởng này trên bình diện quốc tế.
Đã phải mất bảy năm quan sát và hơn 400 cuộc phỏng vấn do Alice Ekman thực hiện với các cán bộ cao cấp của Đảng và các công chức, nhà ngoại giao, đại diện các công ty, nhà nghiên cứu và sinh viên mới có thể hiểu được Trung Quốc hiện đại, sự vận hành, tiến hóa và chiến lược cường quốc của họ, trong một bối cảnh nguy hiểm của các căng thẳng với Mỹ và sự xích lại gần Nga. Vì, khi mà lý tưởng tự do ngày càng bị tranh cãi, nay Trung Quốc tìm cách khẳng định mình như là một cường quốc quy chiếu, một “giải pháp” cho thế giới, như Tập Cận Bình đã từng tuyên bố, để một ngày nào đó đạt tới “sự kết thúc dứt điểm của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản”.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Que nous apprend la crise de la COVID-19 sur la Chine et le monde?”, La revue géopolitique, 17.5.2020.




Chú thích:

[1] Alice EKMAN, được xem như là một chuyên gia hàng đầu của Châu Âu về Trung Quốc, là một nhà phân tích về Châu Á ở European Union Institute for Security Studies (EUISS - Viện Nghiên Cứu của Liên Minh Châu Âu về các vấn đề an ninh), phó giáo sư ở Sciences Po. Bà mới cho xuất bản cuốn Rouge vif. L’idéal communiste chinois (Đỏ thắm. Lý tưởng cộng sản của Trung Quốc) (NXB Observatoire, 2020). Bà cũng là chủ biên của cuốn La Chine dans le monde (Trung Quốc trên thế giới) (NXB của CNRS, 2018).

[2] Pierre VERLUISE, tiến sĩ địa-chính trị, là người thành lập DIPLOWEB.com, tác giả, đồng tác giả hay chủ biên của 30 cuốn sách.

Print Friendly and PDF