THUNG LŨNG SILICON, CỘT TRỤ CUỐI CÙNG CỦA MÔ HÌNH MỸ
Với cuộc khủng hoảng y tế, các đại gia công nghệ đã gia tăng sự thống trị của họ lên một nền kinh tế Mỹ trong cảnh đình đốn.
Trụ sở chính công ty Apple ở Cupertino, California, ngày 28 tháng 4 năm 2017. JUSTIN SULLIVAN / AFP
Trước hiện tượng trên, Aaron Levie, một trong những nhân vật ở Thung lũng Silicon, đã rất ngạc nhiên hồi đầu tháng Năm. “Năm 2020, người ta tiếp tục nói về những gì sẽ thay đổi thế giới vào năm 2000: hội nghị qua truyền hình, không sử dụng giấy, thương mại trực tuyến. Sự khác biệt là bây giờ ‘có một đòi hỏi phải làm điều đó’”, theo lời của CEO của Box, một công ty phần mềm phi vật thể hóa, người đã chứng kiến nhu cầu của các dịch vụ trên đám mây (Cloud) bùng nổ. “Và cuối cùng thì công nghệ đã sẵn sàng”, ông kết luận.
Theo một cách nào đó, Thung lũng Silicon đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của virus. Ngay từ những ca lây nhiễm đầu tiên, họ đã cho nhân viên làm việc ở nhà. Hai tháng rưỡi sau, họ là cột trụ cuối cùng - cùng với đồng đô-la - của một mô hình Mỹ bị lung lay.
Không còn nỗi sợ nghiện màn hình; các mạng xã hội đã đánh bóng lại hình ảnh của họ. Một cuộc khảo sát được các tổ chức Knight Foundation và Gallup công bố vào ngày 10 tháng 3 cho thấy, đối với 47% người Mỹ, các công ty công nghệ đã tạo ra “nhiều vấn đề hơn những gì họ đã giải quyết” (chỉ có 15% số người được hỏi nói ngược lại). Nhưng, kể từ khi có lệnh cách ly [kiểm dịch], người ta lại ủng hộ họ. Màn hình, đó là các buổi “apero visio [nhậu qua màn hình]”, “story-time [giờ đọc truyện]” với cảnh những ông bà [nội ngoại] bị cấm đến thăm viếng, sự khuếch đại giọng nói của các nhân viên điều dưỡng hơn là giọng nói của những kẻ gây hấn. “Phải chăng Internet đã tốt đẹp trở lại?”, tờ New York Times đã tự hỏi như vậy vào ngày 1 tháng Tư.
Satya Nadella (1967-) |
Sundar Pichai (1972-) |
Từ công ty Netfix đến Amazon, những gã khổng lồ của ngành công nghệ đã gia tăng sự thống trị của họ lên nền kinh tế. Đại dịch không chỉ chứng minh họ đúng, mà quá trình chuyển tiếp còn tăng tốc. Không có gì chắc chắn rằng người tiêu dùng sẽ quay trở lại các trung tâm thương mại hoặc các tổ hợp chiếu phim. Theo một cuộc khảo sát của Harris Poll, sáu mươi tám phần trăm người được hỏi nói rằng họ sẽ tránh các chuyến đi du lịch không cần thiết, thậm chí trong thời kỳ hậu virus. Các thay đổi sẽ rất “có ý nghĩa và lâu dài”, theo dự kiến của Sundar Pichai, CEO của Google.
Sự cứu rỗi của Facebook
Trong quý đầu tiên, GAFAM [Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft] đã công bố các khoản lợi nhuận (10,8 tỷ US$ cho Microsoft, +22%, 4,9 tỷ US$ cho Facebook, +102%), có ý nghĩa lớn hơn cả việc trấn an các nhà đầu tư, trong khi các ngành năng lượng hoặc giao thông thì sụp đổ. Amazon đã tuyển 175.000 nhân viên. Doanh thu tăng 26% trong ba tháng. Classroom [lớp học], nền tảng giáo dục của Google, đã chứng kiến lượng người dùng tăng gấp đôi kể từ đầu tháng Ba. “Chúng tôi vừa chứng kiến hai năm chuyển đổi kỹ thuật số trong vòng hai tháng”, theo nhận xét của Satya Nadella, CEO của Microsoft, khi trình bày các số liệu hoạt động kinh doanh của quý.
Jack Dorsey (1976-) |
Jair Bolsonaro (1955-) |
Đối với Facebook, đại dịch là một cơ hội cứu rỗi. Ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg, đột nhiên tìm thấy lý lẽ mang tính lý thuyết để hỗ trợ cho những gì ông từ chối trong các vấn đề chính trị, nhân danh quyền tự do ngôn luận: rút một số nội dung [của người dùng] khỏi nền tảng (đồng thời, đã gia tăng động thái củng cố quyền lực của mình lên một hội đồng quản trị bị lung lay trước khi xảy ra dịch bệnh). Facebook và Twitter đã kiểm duyệt [nội dung bài đăng của] Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, khuyến cáo sử dụng thuốc hydroxychloroquine để điều trị [dịch bệnh], một sự kiện lần đầu tiên xảy ra đối với một nguyên thủ quốc gia. Về phần mình, Jack Dorsey, CEO của Twitter, đã cam kết hỗ trợ một phần tư tài sản của mình - 1 tỷ US$ cổ phần của Square, công ty thanh toán của ông - cho cuộc chiến chống lại virus Covid-19.
Nhưng không có ai phô trương chiến thắng ở Thung lũng Silicon. Các dự án phát hành chứng khoán công khai lần đầu đều bị hoãn lại. Các nhà đầu tư mạo hiểm đều thoái lui. Một số nhân vật kỳ lân lịch sử, như Uber (cắt giảm 3.700 việc làm) hoặc Airbnb (cắt giảm 1.900 người, tức 25% biên chế), chứng kiến mô hình của mình bị tấn công bởi sự dừng đi lại gần như hoàn toàn. Các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực chăm sóc y tế kỹ thuật số, giao nhận thực phẩm, giáo dục từ xa và trò chơi thì hoạt động tốt. Nhưng chỉ trong vài tuần, đã có hơn 6.000 nhân viên trong ngành công nghệ bị mất việc, theo một ước tính của tờ New York Times.
Sự hăng hái chống độc quyền
Hiện tượng tập trung quyền lực có nguy cơ còn gia tăng thêm, khi mà Big Tech [các đại gia ngành công nghệ] đã kiểm soát việc thu thập và lưu trữ dữ liệu, khoa học robot, trí tuệ nhân tạo, quảng cáo và thương mại. Sáu tháng trước các cuộc bầu cử, sự hăng hái chống độc quyền của một số đại biểu Quốc hội - thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa - càng được củng cố. Nhưng hiếm có chuyên gia nào tin rằng GAFAM phải đối mặt với nguy cơ bị tháo dỡ thực sự, khi mà nền kinh tế càng gia tăng sự phụ thuộc vào các công cụ của họ.
Kara Swisher (1962-) |
Thung lũng Silicon mơ đến việc thay đổi thế giới. Họ mơ cứu vãn nước Mỹ khỏi virus. Apple và Google đang cùng nghiên cứu một hệ thống truy vết trên điện thoại thông minh, sẽ bắt đầu được giới thiệu vào giữa tháng Năm. Theo các chuyên gia, cần phải có 60% lượt người tự nguyện tải xuống để đảm bảo một hiệu quả nhất định. Các cuộc khảo sát ban đầu cho thấy niềm tin chưa trở lại, ngay cả khi các công ty đã đảm bảo rằng dữ liệu sẽ vẫn được lưu trữ trên thiết bị của người dùng. Các đại gia Big Tech chưa trả giá hết cho những điều thái quá của những năm hành xử quá đáng. Trên tờ New York Times, nữ bình luận viên thời sự Kara Swisher, một tham chiếu ở Thung lũng Silicon, lưu ý rằng các công ty công nghệ vẫn “thắt chặt sự chi phối của họ lên đời sống chúng ta”. Trong thời kỳ hậu virus, bà lo rằng sự thống trị của họ còn “đáng sợ” hơn nữa.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch