8.6.20

Tiền ở đâu?

TIỀN Ở ĐÂU?
Phỏng vấn Gabriel Zucman, do tạp chí Regards croisés sur l’économie thực hiện
Gabriel Zucman là nhà kinh tế học tại Đại học Berkeley, nhà đồng sáng lập World Inequality Database [Cơ sở dữ liệu bất bình đẳng thế giới], chuyên gia về các vấn đề tái phân phối và tránh thuế. Các công trình của ông được thế giới ghi nhận và các ý tưởng của ông truyền cảm hứng cho nhiều tác nhân trong xã hội dân sự cũng như các nhân vật chính trị, và mở đường cho một xã hội công bằng hơn và bình đẳng hơn.
Ông đã nhận lời để Regards croisés sur l’économie, một tạp chí mà ông đã tham gia thành lập cách đây mười hai năm, có một cuộc phỏng vấn độc quyền nhằm trả lời cho câu hỏi Tiền ở đâu?
Regards croisés sur l’économie [RCE]: Chúng ta đang chứng kiến những biến đổi đương đại lớn nào trong việc tái phân phối tiền, giữa các công dân, giữa các nước, giữa các định chế và giữa các chính phủ, thưa ông?

Gabriel Zucman [GZ]: Sự thay đổi lớn, đó là sự gia tăng bất bình đẳng về tài sản, một hiện tượng mà chúng ta quan sát thấy ở hầu hết các nước theo một nhịp độ khác nhau, mạnh hơn và nhanh hơn ở Hoa Kỳ, chậm hơn một chút ở lục địa châu Âu, cực kỳ mạnh và cực kỳ nhanh ở một số nước cộng sản cũ như Nga hay Trung Quốc, những nước đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Đó là một sự rạn nứt cơ bản so với những thập kỷ thời hậu chiến khi mà những bất bình đẳng về di sản đã đạt đến một mức thấp lịch sử. Cụ thể, 1% những hộ gia đình giàu có nhất ở Hoa Kỳ sở hữu 40% tổng tài sản tư nhân, một mức gần như tương đương với mức được quan sát thấy vào đầu thế kỷ XX, khi mà họ chỉ sở hữu 20% tổng tài sản tư nhân vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Trong trường hợp của lục địa châu Âu, vấn đề không bi thảm bằng: ngày nay sự tập trung các di sản vẫn còn ở mức thấp so với mức được quan sát thấy cách đây một thế kỷ, trong Thời kỳ Tươi đẹp ở nước Pháp hoặc ở nước Anh thời nữ hoàng Victoria vào thế kỷ XVII. Tuy nhiên, chúng ta cũng quan sát thấy một xu hướng tăng cao trong cả hai trường hợp nói trên, và đó là thay đổi cơ bản đầu tiên.
Một thay đổi khác rất quan trọng, đó là sự thay đổi trong việc phân bổ giữa di sản nhà nước và di sản tư nhân. Nếu nhìn vào khối tài sản quốc gia của một nước cụ thể, chúng ta luôn có thể nói có một phần tài sản thuộc về Nhà nước và chính phủ, phần tài sản đó thuộc về gần như mọi người, như các công viên, các cơ sở hạ tầng, các bảo tàng và đôi khi cả các doanh nghiệp công cộng. Một số nước đã tiến khá xa trong nền kinh tế hỗn hợp, có nghĩa là thực tế Nhà nước sở hữu một số doanh nghiệp nhất định. Ví dụ đó là trường hợp của ngành sản xuất ô tô ở Pháp với hãng Renault trong thời hậu chiến. Tuy thế, cũng có một sự thay đổi vào đầu những năm 1980: tỷ lệ di sản nhà nước trong khối di sản quốc gia đã giảm xuống và như vậy, tỷ lệ di sản tư nhân đã tăng lên. Điều đó phản ánh vừa một quá trình tư nhân hóa và vừa một quá trình gia tăng nợ công, làm giảm khối tài sản thuần của nhà nước và làm tăng khối tài sản tư nhân. Lượng chứng khoán nợ được phát hành tương ứng, ví dụ, với lượng tiền trong tay của giới chủ sở hữu những trái phiếu kho bạc và các chứng khoán nợ nói chung.
Đó là hai biến đổi lớn, đã bắt đầu hình thành vào đầu những năm 1980, với những biến thể tùy theo các nước. Một trường hợp cực đoan là trường hợp của nước Nga Xô viết và sự chia tay với chủ nghĩa cộng sản, vào đầu những năm 1990: trong vòng khoảng hai mươi năm, nước Nga đi từ một nền kinh tế mà phần lớn các di sản chủ yếu là tài sản công sang một nền kinh tế mà di sản chủ yếu thuộc về tài sản tư nhân. Điều đó còn đi đôi với một sự gia tăng mạnh các bất bình đẳng về của cải, ban đầu vào những năm 1990 rồi đến những năm 2000 với sự bùng nổ dầu hỏa và sự tăng giá các nguyên liệu thô. Như vậy, có những khác biệt, nhưng bước ngoặt tương ứng với những gì đã xảy ra ở Hoa Kỳ và ở Vương quốc Anh, với việc các chính phủ bảo thủ lên nắm quyền, đôi khi còn được gọi là cuộc cách mạng bảo thủ, và nói một cách tổng quát hơn là thắng lợi của cái có thể được gọi là chủ nghĩa bảo căn thị trường, có nghĩa là ý tưởng cho rằng cách hiệu quả và đúng đắn duy nhất, cách chính đáng duy nhất về mặt kinh tế và đạo đức để tổ chức hoạt động kinh tế và thậm chí là đời sống xã hội, đó là thị trường. Một số nước đã tiến khá xa trong việc đưa vào thực tiễn hệ tư tưởng này, kéo theo việc Nhà nước phải từ bỏ quyền sở hữu tư bản, phải hạ thấp các thuế suất, và hạn chế sự điều tiết tài chính. Tất cả những điều đó có xu hướng dẫn đến một quá trình tập trung của cải.
RCE: Các nhà kinh tế có thể đóng vai trò gì trước hai xu hướng lớn này, thưa ông?
GZ: Có một vai trò, đó là nỗ lực tạo ra những thông tin cần thiết cho một cuộc tranh luận dân chủ, đặc biệt là những thông tin về sự phân bổ di sản, do các số liệu thống kê công, ở nhiều nước, còn rất nhiều lỗ hổng liên quan đến các vấn đề nói trên. Ngày nay, chúng ta có một tầm nhìn gần chính xác về sự phân bổ thu nhập, mặc dù chưa hoàn hảo, nhờ hầu hết các nước đều có thuế thu nhập, nhưng lại có rất ít nguồn dữ liệu về sự phân bổ các di sản. Có một nhu cầu xã hội rất cao để cố gắng lấp đầy khoảng trống đó và cố gắng lượng hóa mức độ và sự tiến hóa các bất bình đẳng về di sản. Do đó, các nhà kinh tế có thể có một vai trò hữu ích ở cấp độ này. World Inequality Database đã cố gắng thu thập các dữ liệu thống kê hài hoà về thu nhập và di sản, đặc biệt đã gặt hái được một thành công rất lớn. Ngoài ra, còn có công việc giải thích, bao gồm việc cố gắng tìm hiểu những thay đổi nào là quan trọng nhất trong diễn tiến của các bất bình đẳng, chẳng hạn như thuế suất, bãi bỏ các quy định tài chính, toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ, những biến đổi trên thị trường lao động, diễn biến của mức lương tối thiểu, sự phát triển quyền lực của các nghiệp đoàn, hoặc cách thức thực thi quyền lực ở các doanh nghiệp.
Do đó, vấn đề là hiểu rõ những chính sách công nào ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phân bổ của cải, và cố gắng tìm hiểu đâu là những tác lực dẫn đến sự bình đẳng nhiều hơn hoặc bất bình đẳng nhiều hơn, trong dài hạn. Ở cấp độ này, có hai dạng vấn đề lớn. Trong một thế giới không có chính phủ, chỉ có duy nhất nền kinh tế thị trường và các thị trường hoàn hảo, thì động lực tự phát của các di sản sẽ là gì và sự bất bình đẳng sẽ diễn ra như thế nào? Và các chính sách công làm thế nào để đảo lộn sự cân bằng này và có thể điều chỉnh sự phân bổ của cải, phát sinh từ nền kinh tế thị trường? Một lĩnh vực nghiên cứu thứ ba theo một quan điểm so sánh lịch sử. Đáng chú ý là chúng ta có thể học được rất nhiều điều khi so sánh các nước với nhau và các giai đoạn lịch sử, và xem điều gì là quan trọng nhất. Đó là cách tiếp cận vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế học, bởi phải kết hợp sử học, xã hội học và khoa học chính trị để hiểu được những thay đổi của các chính sách công.
Có một cách tiếp cận kinh tế, liên quan đến việc phát triển một mô hình lớn, tóm lược cách thức vận hành của nền kinh tế và làm thay đổi một số tham số và một số chính sách công để xem điều đó ảnh hưởng như thế nào đến sự phân bổ của cải. Đó là một cách tiếp cận khả thi, có căn cứ và lợi ích của nó. Ngoài ra còn có một cách tiếp cận toàn diện hơn, gần gũi hơn với các ngành khoa học xã hội, cố gắng tìm hiểu các thay đổi nói trên từ góc độ lịch sử, so sánh và quốc tế.
RCE: Trong số các nhân tố gây tranh cãi rất nhiều - quyền lực của các nghiệp đoàn, thay đổi công nghệ, toàn cầu hóa hoặc các chính sách công - thì nhân tố nào là quan trọng nhất nếu phải xếp theo hệ thống thứ bậc?
GZ: Đây là một câu hỏi khó, bởi vì trên thực tế tất cả các vấn đề đó đều gần như cùng lúc có những thay đổi nhỏ, có nghĩa là có những thay đổi cơ bản về mặt ý thức hệ, được phản ánh trong các chính sách công ở mọi cấp độ. Tuy nhiên, nếu vẫn cố gắng xem xét kỹ hơn sự tiến hóa lịch sử của bất bình đẳng, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng các chính sách thuế chắc chắn đã đóng một vai trò thiết yếu. Điều đặc biệt đáng chú ý là ở Hoa Kỳ, nơi mà bất bình đẳng đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác, thì những thay đổi về thuế là quan trọng nhất. Hoa Kỳ có một chính sách thuế mang tính tái phân phối rất cao trong giai đoạn thời hậu chiến, với các thuế suất cận biên đánh lên những nguồn thu nhập cao nhất vượt quá 90% trong nhiều năm, và sau đó đột ngột quay lại với một thuế suất cận biên cao hơn 28% mức thuế thu nhập, thấp hơn rất nhiều so với tất cả các nước phát triển khác, kể từ năm 1986. Ngược lại, Pháp chưa bao giờ có mức thuế cao đến 90% và cũng chưa bao giờ có mức thuế thấp đến 28%. Những nước nào có thuế suất cận biên trên thu nhập giảm nhiều nhất, cũng là những nước có tỷ lệ thu nhập và tỷ lệ di sản của 1% giới giàu nhất tăng nhiều nhất. Điều đó hàm ý một vai trò rất mạnh của các chính sách thuế.
Nói một cách tổng quát hơn, trong cuộc tranh luận này, có hai trường phái. Một trường phái các nhà kinh tế nhấn mạnh đến vai trò toàn cầu hóa và thay đổi công nghệ: thương mại quốc tế đã làm cho các tầng lớp lao động, ở những nước giàu, làm việc kém năng suất hơn, và đi cùng với vấn đề đó là sự gia tăng thay thế người lao động bằng máy móc nhiều hơn. Vì vậy, có những tác lực trừu tượng, mà chúng ta không thể làm được gì nhiều, làm gia tăng nhiều hơn nữa sự bất bình đẳng. Và một trường phái khác nhấn mạnh hơn vào vai trò của các chính sách công và đặc biệt - nhưng không chỉ có duy nhất - các chính sách thuế.
Rõ ràng có một một cái gì đó hơi đúng trong hai quan điểm nói trên: vấn đề là không thể nói toàn cầu hóa hoặc thuế khóa giải thích được mọi thứ. Như vậy, khi quan sát sự khác biệt về quỹ đạo của các nước, chúng ta thường nhanh chóng đi đến kết luận rằng điều quan trọng nhất là các chính sách công từng được triển khai ở mỗi nước. Sự bất bình đẳng, chẳng hạn, ở Pháp đã tăng ít hơn rất nhiều so với ở Hoa Kỳ, mặc dù Pháp cũng sử dụng nhiều máy điện toán và máy móc, và cũng mở cửa, nếu không muốn nói là nhiều hơn, với thương mại quốc tế so với Hoa Kỳ. Vì vậy, không thể nói đó là những tác lực giúp giải thích sự gia tăng bất bình đẳng lớn nhất ở Hoa Kỳ hoặc ở Vương quốc Anh. Các chính sách thuế, tiếp cận nền giáo dục đại học hoặc điều tiết thị trường lao động, là những chính sách quan trọng hơn. Ở Hoa Kỳ, cùng lúc với việc đánh thuế các thu nhập cao đã giảm đáng kể, thì việc tiếp cận với nền giáo dục đại học đã trở thành đắt đỏ hơn rất nhiều, các khoản nợ của sinh viên đã bùng nổ, tỷ lệ nghiệp đoàn hóa đã sụp đổ. Mức lương tối thiểu, từng ra đời ở Hoa Kỳ trước khi được thiết lập ở Pháp và từng cao hơn ở Pháp, đã giảm đáng kể ở Hoa Kỳ về mặt giá trị thực tế, trong khi nó đã tăng ở Pháp. Tất cả những thay đổi đó đều diễn ra cùng một lúc, và rõ ràng đóng một vai trò then chốt trong sự bùng nổ bất bình đẳng.
RCE: Vì thế, thật khó để giật dây khi mọi thứ đều có hiệu ứng gần giống nhau, có phải vậy không, thưa ông?
GZ: Vâng, sẽ rất khó để có một câu trả lời thật chính xác, như mong muốn của các nhà kinh tế, để nói rằng 10% các thay đổi phát sinh từ nhân tố này hay nhân tố khác. Tuy nhiên, ý tưởng chung cho rằng các chính sách công đóng vai trò hàng đầu trong sự phân bổ các nguồn lực có vẻ như là điều rõ ràng. Tuy thế, điều đó cũng không quá rõ, khi có một số hệ tư tưởng hoặc thế giới quan cho rằng chính phủ không thể làm được gì nhiều, bởi vì người dân sẽ thích nghi hành vi của họ theo cách hủy bỏ ảnh hưởng một sự can thiệp của nhà nước. Đối với tôi, diễn ngôn mang tính bảo thủ và chấp nhận thất bại này có vẻ không xác đáng hay chính đáng lắm khi xem xét kỹ các số liệu.
RCE: Một trong những lập luận khá phổ biến khi nói về sự gia tăng bất bình đẳng ngày càng cao là lập luận theo đó chừng nào đẩy lùi được nghèo khó, thì không cần thiết phải quan tâm đến bất bình đẳng. Xin ông cho biết ý kiến của mình đối với những người phản biện này?
GZ: Có rất nhiều câu trả lời. Có một câu trả lời cho rằng khi bất bình đẳng tăng lên, một cách cơ học, thì sự nghèo khó giảm chậm hơn mức mà nó có thể giảm: việc làm giảm bất bình đẳng, làm tăng thu nhập một cách công bằng hơn cho phép tất cả các nhóm xã hội chứng kiến thu nhập của mình tăng lên theo cùng nhịp độ, và do đó sẽ tiến nhanh hơn đến việc giảm nghèo. Tuy nhiên, đằng sau ý tưởng giảm nghèo toàn cầu, thường có ý tưởng ngấm ngầm cho rằng có thể người ta cần làm gia tăng sự bất bình đẳng để có một nền kinh tế hùng mạnh và năng động. Tuy thế, điều đó có vẻ như không có bao nhiêu cơ sở: chúng ta có thể có một nền kinh tế năng động hơn và thậm chí có thể tăng trưởng nhiều hơn, nếu bất bình đẳng ít hơn, đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giáo dục, y tế hoặc các cơ sở hạ tầng công cộng, cho phép một bộ phận đáng kể dân số thịnh vượng hơn.
Vấn đề là không thể phủ nhận rằng nạn nghèo khó toàn cầu đã giảm, điều này hoàn toàn đúng và rất quan trọng. Vấn đề đơn giản là tìm hiểu nguồn gốc của sự giảm thiểu đó. Có một quan điểm cho rằng sự giảm thiểu đó phát sinh từ các thị trường, từ thắng lợi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, và do đó tất cả những gì hướng tới sự điều tiết nhiều hơn chủ nghĩa tư bản toàn cầu chỉ có thể dẫn đến sự giảm nghèo. Có một quan điểm khác cho rằng sự giảm nghèo trên thế giới phát sinh từ sự đầu tư vào ngành giáo dục tiểu học và trung học, sự cải thiện các điều kiện vệ sinh, y tế và các cơ sở hạ tầng, và do đó là từ việc phát triển các Nhà nước đánh thuế. Nếu muốn tiếp tục giảm nghèo, thì điều cần thiết là giúp các Nhà nước thu thêm nhiều thuế hơn nữa để có thể có tiền đầu tư.
RCE: Một lập luận khác cho rằng, chính vì tình trạng dễ dãi ngày càng tăng để giới giàu nhất có thể trốn thuế, nên việc tăng thuế các thu nhập cao hoặc các di sản cao sẽ không hiệu quả và vô dụng. Xin ông cho biết ý kiến về chủ đề này và làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
GZ: Đây thực sự là một vấn đề rất nghiêm trọng. Trên thực tế, có hai vấn đề. Một mặt, đúng là có tình trạng dễ dãi hơn để các công ty đa quốc gia và các hộ gia đình có thu nhập cao phải trả tiền thuế ít hơn, bất luận bằng cách đầu tư ra nước ngoài, chuyển nhà máy sản xuất sang những nước có thuế suất thấp, hoặc sử dụng các cơ chế mới về tối ưu hóa thuế đã được toàn cầu hóa kích hoạt. Ví dụ, các công ty đa quốc gia có thể kiếm lợi nhuận ở Hoa Kỳ, nhưng ghi sổ lợi nhuận ở Ireland hoặc Bermuda, ngay cả khi chẳng có hoạt động sản xuất kinh doanh gì cả ở hai nước đó. Vì vậy, ngày nay, người ta rất dễ đăng kí lợi nhuận ở những nước có thuế suất thấp.
Vấn đề thứ hai là để đối phó với các hiện tượng nói trên - hiện tượng có thật và phải được định lượng - nhiều tác nhân đã quả quyết rằng sẽ là điều bất khả hoặc rất khó để đánh thuế các công ty đa quốc gia và các khối tài sản lớn, và do đó cần phải dừng lại hoàn toàn. Trong kinh tế học, quy tắc Ramsey nói rằng không nên đánh thuế những gì có tính co giãn. Nếu các công ty đa quốc gia hoặc các khối tài sản lớn có tính co giãn rất lớn, thì sẽ có nguy cơ cơ sở đánh thuế sẽ biến mất nếu đánh thuế nhiều hơn. Ngược lại, giới buôn bán nhỏ hoặc người lao động có thu nhập thấp có tính co giãn ít hơn: nếu bị đánh thuế nhiều hơn, họ sẽ không mở tài khoản ở Thụy Sĩ hoặc sẽ gửi lợi nhuận của họ đến Bermuda. Do đó, tốt hơn hết là nên đánh thuế họ nhiều hơn. Quan điểm này khá ấn tượng, nhưng chúng ta thấy ngay vấn đề từ quá trình này: nếu toàn cầu hóa kéo theo là đánh thuế ngày càng ít hơn đối với giới hưởng lợi nhiều nhất, và đánh thuế ngày càng nhiều hơn đối với giới hưởng lợi ít nhất, thì nó sẽ không bền vững cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Điều này nhất thiết sẽ dẫn đến ngõ cụt, dẫn đến phản ứng bảo hộ hoặc dân tộc chủ nghĩa, và cuối cùng là hồi kết của toàn cầu hóa và đóng cửa biên giới.
Vậy chúng ta có thể làm gì để có một toàn cầu hóa bền vững hơn? Vấn đề trên hết là đánh thuế nhiều hơn những người hưởng lợi nhiều nhất từ ​​toàn cầu hóa và đánh thuế ít hơn những người thua thiệt. Điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi về những gì chúng ta có thể làm để đạt được kiểu toàn cầu hóa đó. Có một cách tiếp cận lập luận rằng chúng ta phải hướng tới cơ chế liên bang nhiều hơn, bởi vì việc đánh thuế lên các khối tài sản lớn và các công ty đa quốc gia sẽ hiệu quả hơn ở cấp độ liên bang, điều đó là đúng: Liên minh châu Âu ở vị thế tốt nhất để đánh thuế các khối tài sản lớn và các tập đoàn đa quốc gia, hơn bất kỳ nước riêng biệt nào. Đây là một trong những lý do vì sao, ở Hoa Kỳ, có một thuế suất đánh lên các công ty ở cấp độ liên bang. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề về cách thức đạt được kết quả nói trên ở cấp độ Liên minh châu Âu, do những ách tắc về thể chế và quy tắc đồng thuận trong các vấn đề về thuế. Do đó, chúng ta phải đặt vấn đề là những thể chế nào của châu Âu sẽ giúp đạt được kết quả nói trên.
Một lĩnh vực suy ngẫm khác liên quan đến việc tự hỏi các nước có thể làm được những gì một cách đơn phương. Phạm vi hành động bị thu hẹp rất nhiều, nhưng không phải là hoàn toàn không có: có những nước, dù bị ách tắc hoàn toàn ở cấp độ châu Âu, nhưng vẫn có thể đánh thuế các công ty đa quốc gia. Ví dụ, Pháp có thể tính toán số tiền lãi chịu thuế của công ty Apple theo cách sau: nếu doanh thu toàn cầu của Apple tại Pháp là 10%, thì chúng ta có thể xem xét cho rằng 10% lợi nhuận toàn cầu của Apple được tạo ra ở Pháp, và từ đó, chính trên cơ sở này mà chúng ta sẽ đánh thuế. Đây là một biện pháp có thể được triển khai một cách đơn phương, cho phép một nước có thể tự bảo vệ trước mọi hình thức cạnh tranh giảm thuế [tax dumping]. Thuế suất này chỉ phụ thuộc vào khả năng sinh lời của các tập đoàn trong tổng thể, không phải là một cái gì đó mà họ có thể thao túng, và vào việc giữ chân các khách hàng của họ, thứ không thể gửi đến quần đảo Cayman hoặc Ireland. Điều này cho thấy có rất nhiều điều mà các nước có thể làm, một cách riêng biệt, để tiến tới một toàn cầu hóa bền vững hơn. Giải pháp liên bang rõ ràng là giải pháp luôn được ưa chuộng, nhưng nó vẫn là một trường suy ngẫm quan trọng, do có nguy cơ có phản ứng bảo hộ và những hậu quả nghiêm trọng nếu các dự án liên bang được triển khai quá chậm.
NCE: Nếu chính phủ các nước nhanh chóng triển khai các loại chính sách này, thì chúng ta có thể mong đợi điều gì về mặt hệ quả, đối với công dân và đối với xã hội? Số tiền bị cất giấu và trốn thuế là bao nhiêu? Liệu chúng ta có thể mong đợi điều gì từ những chính sách công như vậy?
GZ: Nếu chúng ta cố gắng định lượng các vấn đề một chút, thì có hai hình thái. Đầu tiên là việc các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận ra các thiên đường thuế. Ước tính có khoảng 40% lợi nhuận của các công ty đa quốc gia được đăng kí một cách giả tạo ở các thiên đường thuế. Điều này tương ứng với khoản lợi nhuận được các công ty tạo ra ở bên ngoài nước mà họ cư trú – chẳng hạn như công ty Apple ở ngoài nước Mỹ hoặc công ty Renault ở ngoài nước Pháp - được đăng kí ở những nước có mức thuế thấp hoặc bằng 0 như Ireland, Luxembourg, Singapore, Bermuda hoặc quần đảo Cayman. Con số đó chiếm khoảng 600 tỷ euro mỗi năm, được đánh thuế ở mức từ 0% đến 5% thay vì từ mức 25 đến 30%, một con số rất đáng kể.
Vấn đề khác là số tiền ẩn, ở các thiên đường thuế, chủ yếu thuộc sở hữu của các hộ gia đình giàu nhất. Trong một nghiên cứu gần đây, với các đồng nghiệp, bằng cách kết hợp các dữ liệu từ Hồ sơ Panama [Panama Papers] và các thông tin rò rỉ khác được ghép đôi với dữ liệu về các thu nhập và di sản ở Scandinavia, chúng tôi đã chỉ ra rằng phần lớn các tài sản ở hải ngoại không thuộc sở hữu của giới giàu có, mà là của giới siêu giàu, của những hộ gia đình có tài sản lớn hơn 50 triệu euro. Cụ thể hơn, trong trường hợp của nghiên cứu nói trên, chúng tôi thấy 80% các di sản ở hải ngoại thuộc về 0,1% các hộ gia đình giàu nhất và 50% thuộc về 0,01% giới giàu nhất.
Như vậy, 8% các di sản tài chính thế giới được giữ lại ở các thiên đường thuế, và nó mang tính cực kỳ tập trung. Tất cả các khoản tiền này không nhất thiết thoát khỏi sự kiểm tra của cơ quan thuế, đôi khi chúng được khai báo, đôi khi chúng bị ẩn, và đôi khi đó đơn giản là một hành động tránh thuế thuần túy. Vậy thì, giống như trong trường hợp các công ty đa quốc gia, các khoản tiền có liên quan là rất đáng kể. Vấn đề, thậm chí còn quan trọng hơn, là cuộc đua giảm thuế, mà các quy trình tối ưu hóa thuế này đã thúc đẩy: các nước đã giảm thuế suất rất nhiều. Ví dụ, Pháp gần đây đã loại bỏ thuế ISF [impôt de solidarité sur la fortune - thuế tương trợ trên tài sản] và áp dụng một thuế suất đồng nhất [flat tax] lên các thu nhập từ vốn, và các nước châu Âu khác cũng đã áp dụng những biện pháp tương tự, đáng chú ý là đánh thuế thu nhập từ vốn thấp hơn đánh thuế thu nhập từ lao động. Điều này có những hệ quả còn quan trọng hơn, bởi vì như vậy người ta quyết định giảm thuế cho toàn bộ các hộ gia đình giàu nhất, cho dù tất cả họ không phải đều trốn thuế hoặc tối ưu hóa gì cả. Cái giá phải trả còn quan trọng hơn nữa, ngay cả khi rất khó để định lượng. Rõ ràng vấn đề không chỉ là sự tổn thất đáng kể về doanh thu thuế, mà còn là tính bền vững của quy trình này, về cơ bản, là không chắc chắn.
RCE: Thế thì vì sao vẫn còn rất nhiều thiên đường thuế như vậy? Vì sao không có một áp lực chính trị nào đủ mạnh để buộc các thiên đường phải tăng thuế?
GZ: Đã có một số tiến bộ trên một số khía cạnh. Đôi khi có một quan điểm cho rằng không có điều gì xảy ra cả, một thuyết định mệnh theo đó giới tinh hoa chính trị không muốn thay đổi điều gì, điều này tương đối sai. Về vấn đề bí mật ngân hàng hoặc trao đổi tự động các thông tin ngân hàng và thuế giữa các nước, đã có những tiến bộ quan trọng trong những năm gần đây. Chẳng hạn, kể từ năm 2018, đã có một sự trao đổi tự động thông tin giữa các ngân hàng Thụy Sĩ, các ngân hàng của hầu hết các thiên đường thuế và các cơ quan thuế nước ngoài. Như vậy, một hình thái mới trong việc phối hợp và hợp tác quốc tế đã ra đời trong vài năm qua, điều mà, một thập kỷ trước, hầu hết mọi người đều cho là bất khả. Khi tôi bắt đầu viết luận án của tôi vào năm 2009, có vẻ như đó là một việc làm cần thiết, nhưng hầu hết các tác nhân chính trị và kinh tế vẫn coi đó là điều không tưởng và không khả thi. Cụ thể hơn, sự thay đổi đó xuất phát từ việc Hoa Kỳ đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính rất cụ thể đối với các định chế ngân hàng Thụy Sĩ và các tổ chức tài chính hải ngoại. Đặc biệt, Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp các mức thuế mới đối với tất cả các khoản thanh toán lãi và cổ tức phát sinh từ Hoa Kỳ trong trường hợp từ chối cung cấp thông tin. Dưới áp lực của mối đe dọa cụ thể này, các thiên đường thuế đã đồng ý hợp tác, và sau đó rất khó để từ chối hợp tác với Liên minh châu Âu. Như thế, các thiên đường thuế đã dần dần bắt đầu hợp tác với các nước thuộc OECD [Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế]. Điều này cho thấy mối đe dọa trừng phạt và áp lực quốc tế đóng một vai trò khá cơ bản. Các nước có quyền tự do lựa chọn các quyền và quy định của mình, nhưng nếu các lựa chọn đó có những ngoại ứng tiêu cực lên phần còn lại của thế giới, thì các nước khác có quyền chống lại và áp đặt các biện pháp trừng phạt, sao cho cái giá phải trả được nội hiện hóa, theo cách tương tự chúng ta nội hiện hóa cái giá của người gây ô nhiễm-người trả tiền ô nhiễm. Kể từ thời điểm tiến hành cách tiếp cận đó, thì sẽ rất khó để thay đổi ý kiến. Do đó, ví dụ về sự trao đổi các thông tin ngân hàng là khá thuyết phục.
Điều chưa làm được, đó là sự hài hòa hóa thuế suất đánh lên doanh nghiệp. Có quan điểm, vẫn còn chiếm ưu thế nhưng cuối cùng sẽ phải biến mất, đó là các nước có một quyền tuyệt đối trong việc áp đặt các mức thuế theo ý của họ và không được vượt qua hạn chế này, ngay cả khi chính sách thuế của các thiên đường thuế, về cơ bản, gây thiệt hại cho các nước khác. Ở đây, chúng ta đang nói về một hành vi trộm cắp thuần túy: ví dụ, lợi nhuận được đăng ký và đánh thuế ở Ireland, trong khi chúng được tạo ra ở các nước châu Âu khác. Không có lý do gì để các nước châu Âu khác thụ động và chấp nhận để một phần doanh thu thuế của mình bị đánh cắp. Do đó, gần như chắc chắn sẽ có một phản ứng vào một thời điểm nào đó. Có một nỗ lực rụt rè nhân cuộc khủng hoảng tài chính - khi Ireland cầu cứu IMF [Quỹ Tiền tệ Quốc tế] và ECB [Ngân hàng Trung ương Châu Âu] - để gây áp lực lên Ireland nhằm tăng thuế suất lên các doanh nghiệp. Ireland đã trả lời họ sẽ không bao giờ tăng thuế, vốn đang ở mức 12,5%, bởi làm như thế họ sẽ mất doanh thu về thuế. Trong một thời gian dài, tôi đã bối rối với câu trả lời này, nhưng trên thực tế với mức thuế đó, họ thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ, mà ngay cả khi áp dụng các mức thuế không đáng kể, họ có thể thu được nhiều hơn về doanh thu thuế so với tất cả các nước châu Âu khác. Những nước thu được doanh thu thuế nhiều nhất, tỷ lệ thuận với thu nhập quốc dân, bao gồm Malta, Ireland, Hồng Kông hoặc Luxembourg. Chừng nào chưa có một áp lực quốc tế, cùng với các biện pháp trừng phạt tài chính, thì sẽ không có tiến bộ. Sự trao đổi tự động thông tin là một trong những cách mà chúng ta có thể thấy có tiến bộ.
RCE: Đối mặt với tất cả các thách thức lớn đương đại nói trên, và cả thách thức về khí hậu, liệu của chúng ta đã đạt đến giới hạn của các hệ thống xã hội và thuế khoá hay chưa? Chúng ta có thể nghĩ đến mô hình xã hội và thuế khoá mới nào trong thế kỷ XXI, một mô hình đi đôi với vấn đề sinh thái?
GZ: Tôi nghĩ bài học lớn trong lịch sử thuế khoá là người ta chỉ chấp nhận đóng thuế nếu điều đó đi kèm với một tính luỹ tiến nào đó. Trong trường hợp cuộc khủng hoảng áo gi-lê vàng, việc áp dụng thuế carbon - chắc chắn là điều cần thiết cho tương lai của hành tinh - đi đôi với các hiệu ứng phân phối lại rất lớn, đặc biệt đè nặng lên các tầng lớp lao động và tầng lớp trung lưu. Thuế carbon chỉ có thể hiệu quả nếu nó được tích hợp vào một hệ thống thuế suất lũy tiến. Điều khiến thuế carbon không được lắng nghe và thậm chí còn gây tai tiếng, đó là nó xuất hiện sau khi thuế ISF bị bãi bỏ và sau khi thuế suất đồng nhất đánh lên các thu nhập từ vốn được áp dụng. Như thế, giới rất giàu, những người gây ô nhiễm rất nhiều, sẽ không bị đánh thuế, trong khi dân số còn lại sẽ bị đánh thuế nhiều hơn. Do đó, thách thức sinh thái liên quan mật thiết với thách thức thuế: thuế carbon có thể rất hiệu quả, nếu nó được tích hợp vào một chính sách thuế, có sự đóng góp vào việc chung của các nguồn thu nhập cao và các khối di sản cao.
Để tìm hiểu thêm:

Zucman Gabriel, "Introduction: Où est l’argent? [Lời giới thiệu: Tiền ở đâu?]", Regards croisés sur l'économie, 2019/1 (n° 24), tr. 10-17
Saez, E. , & Zucman, G. (2019). The triumph of injustice: How the rich dodge taxes and how to make them pay [Thắng lợi của sự bất công: Người giàu trốn thuế như thế nào và làm thế nào để bắt họ trả tiền thuế]. New York: WW Norton.
Zucman, G. (2013). La richesse cachée des nations [Của chìm của các nước]. Enquête sur les paradis fiscaux [Cuộc điều tra về các thiên đường thuế]. Seuil; La république des idées.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Où est l’argent?, Alternatives Economiques, ngày 23/01/2020.
Print Friendly and PDF