3.6.20

Liệu Virus Corona có làm cho các xã hội trở nên công bằng hơn không?

LIỆU VIRUS CORONA CÓ LÀM CHO CÁC XÃ HỘI TRỞ NÊN CÔNG BẰNG HƠN KHÔNG? THOMAS PIKETTY THĂM DÒ VIỄN CẢNH
Laura Spinney
Các kinh tế gia thảo luận tác động của đại dịch lên các nền kinh tế, các xã hội và toàn cầu hóa.
Thomas Piketty: “Để đưa xã hội tiến tới sự bình đẳng cần phải có sự biến chuyển lớn về xã hội và chính trị.” Hình: Joel Saget/AFP/Getty Images
Kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty là tác giả cuốn sách bán chạy nhất có tựa đề Capital in the Twenty-First Century (Tư Bản trong Thế Kỷ 21 - xuất bản năm 2013) và cuốn sách tiếp nối có tựa đề Capital and Ideology (Tư Bản và Hệ Tư Tưởng - xuất bản năm 2019), một tác phẩm khái lược 1000 năm lịch sử của sự bất bình đẳng.
Khi trao đổi với Guardian, ông cho biết ông đã suy nghĩ về những thời cơ mà trận đại dịch này có thể thúc đẩy xây dựng các xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn.
Hậu quả của trận dịch này so với các trận dịch trong lịch sử là như thế nào?


Con số ước lượng tổng số ca tử vong do trận đại dịch này theo mô hình bi quan nhất - tức là không có bất cứ sự can thiệp nào - có thể lên đến 40 triệu ca trên toàn cầu. Con số này bằng 1/3 số ca tử vong do đại dịch cúm 1918, đã điều chỉnh theo quy mô dân số. Nhưng điều thiếu sót trong các mô hình là sự bất bình đẳng - có nghĩa là tác động của đại dịch lên các tầng lớp xã hội là không giống nhau, và quan trọng hơn là thực tế này cũng diễn ra giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Đại dịch cúm 1918 cho thấy trong khi dân số Mỹ và Châu Âu giảm từ 0,5% đến 1%, ở Ấn Độ là 6%. Điều gây sửng sốt về trận đại dịch này là nó đang phô bày tình trạng bất bình đẳng cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta cũng đang phải đối mặt với sự ác liệt của tình trạng bất bình đẳng, vì việc chấp hành lệnh đóng cửa đối với người sống trong một căn hộ rộng lớn khác với người vô gia cư.
Có phải các xã hội phương tây hiện bất bình đẳng hơn so với năm 1918?
Mức độ bất bình đẳng chúng ta thấy ngày nay là rất, rất thấp hơn tình trạng cách đây một thế kỷ. Ở một mức độ nhất định, sự tiến bộ này là điều tôi muốn chia sẻ. Tôi là một người lạc quan. Câu chuyện tôi kể là câu chuyện của sự học hỏi, tiến bộ trong dài hạn. Sự tiến bộ đó diễn ra vì các tiến trình vận động về chính trị và tri thức thiết lập hệ thống an sinh xã hội và hệ thống thuế lũy tiến, và chuyển đổi hệ thống quyền sở hữu của chúng ta. Ở thế kỷ 19, quyền sở hữu là bất khả xâm phạm, nhưng dần dần không còn là quyền tối thượng nữa. Ngày nay người chủ, người lao động, người tiêu dùng và chính phủ có các quyền cân bằng hơn nhiều. Điều này thể hiện sự biến chuyển hoàn toàn trong nhận thức của chúng ta về quyền sở hữu, và nó được kết hợp với khả năng tiếp cận y tế và giáo dục ngày càng cao.
Nhưng bất bình đẳng hiện trầm trọng hơn những năm 1980. Vì vậy, sự điều chỉnh là cần thiết?
Vâng. Câu trả lời đúng cho cuộc khủng hoảng này là hồi sinh nhà nước xã hội ở phương bắc, và đẩy mạnh sự phát triển của nhà nước xã hội ở phương nam. Nhà nước xã hội mới này sẽ đòi hỏi một hệ thống thuế công bằng hơn và hình thành van điều tiết tài chính quốc tế tạo điều kiện cho nhà nước xã hội đưa các công ty lớn nhất và giàu có nhất vào trong hệ thống. Cơ chế vốn lưu thông tự do hiện tại được thiết lập vào những năm 1980 và 1990 dưới tác động của các nước giàu - đặc biệt là Châu Âu - khuyến khích các tỷ phú và các công ty đa quốc gia trốn thuế. Cơ chế này cản trở các nước nghèo xây dựng một hệ thống thuế công bằng, vì vậy làm giảm khả năng xây dựng nhà nước xã hội của họ.
Trong cuốn Capital and Ideology ông mô tả làm thế nào các cú sốc như chiến tranh và đại dịch có thể tạo ra sự điều chỉnh như nói trên. Có thể nào tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng thậm chí có thể khơi mào những cú sốc như vậy - nói cách khác, bất bình đẳng tự điều chỉnh trong dài hạn?
Vâng, tôi nghĩ cũng có thể. Trong cuốn sách tôi đã chỉ rõ rằng hai cuộc thế chiến cốt yếu là kết quả của tình trạng bất bình đẳng vốn tồn tại trong các xã hội Châu Âu trước thế chiến thứ nhất - bất bình đẳng bên trong mỗi nước và giữa các nước, do việc tích tụ tài sản thuộc địa. Bất bình đẳng không có tính bền vững, và nó khiến cho các xã hội đó thay đổi hoàn toàn, mỗi nơi mỗi khác - như thế chiến thứ nhất, các cuộc cách mạng Nga, đại dịch 1918. Trận đại dịch đày ải thành phần nghèo khổ của xã hội, vì họ bị hạn chế tiếp cận y tế, và chiến tranh làm cho dịch bệnh càng tồi tệ. Kết quả của những cú sốc dồn dập đè nén lên sự bất bình đẳng trong hơn nửa thế kỷ qua.
Ví dụ chính ông đưa ra trong cuốn sách, minh họa cho việc một trận đại dịch có thể dẫn đến sự điều chỉnh, là đại dịch Black Death (Cái chết đen) ở thế kỷ 14. Điều gì đã xảy ra sau đó?
Từ lâu đã có lý thuyết cho rằng chế độ nông nô kết thúc ít nhiều là do hậu quả của trận đại dịch Cái chết đen. Với hơn 50% dân số bị xóa sổ ở một số vùng, lao động trở nên khan hiếm và người lao động vì vậy mà có thể đạt được các quyền và địa vị tốt hơn cho chính họ, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Ở một số nơi, Cái chết đen hóa ra lại củng cố thêm cho chế độ nông nô. Chính vì lao động khan hiếm, nên lao động càng có giá trị đối với địa chủ và do đó họ càng có động lực áp đặt chế độ nông nô.
Điểm mấu chốt, cũng có liên quan đến hiện tại, là những cú sốc mạnh như đại dịch, chiến tranh hay khủng hoảng tài chính có tác động đến xã hội, nhưng bản chất của tác động đó phụ thuộc vào các lý thuyết của con người về lịch sử, xã hội, cân bằng quyền lực - tựu trung là hệ tư tưởng - vốn mỗi nơi mỗi khác. Để đưa xã hội tiến tới sự bình đẳng cần phải có sự biến chuyển lớn về xã hội và chính trị.
Liệu trận đại dịch này có thể đưa chúng ta đến loại chủ nghĩa xã hội có sự tham gia (participatory socialism) mà ông đề xuất không?
Marine Le Pen (1968-)
Còn quá sớm để đưa ra nhận định này, chính vì các trận dịch có thể có những tác động trái ngược nhau lên sự vận động chính trị và tư duy. Tôi nghĩ, ở mức độ khiêm tốn nhất, trận đại dịch sẽ gia tăng tính chính đáng của đầu tư công vào chăm sóc sức khỏe. Nhưng nó cũng có tác động hoàn toàn khác. Ví dụ như trong lịch sử, các trận đại dịch đã kích động sự bài ngoại và các quốc gia chuyển sang hướng nội. Ở Pháp, chính trị gia cực hữu Marine Le Pen nói rằng chúng ta không nên gấp rút quay trở lại cơ chế tự do đi lại trong khối EU. Đặc biệt là nếu số ca tử vong ở Châu Âu là rất cao, so với các vùng khác, thì có nguy cơ phát biểu chống Châu Âu của Trump và Le Pen có thể được ủng hộ.
Thế còn nợ công, vốn tăng cao do trận đại dịch, thì như thế nào - liệu các chính phủ có bị buộc phải hành động để kiềm chế nợ công không?
Vâng, có thể. Khi nợ công tăng quá cao, như trường hợp các nước Châu Âu và Mỹ, bạn cần phải tìm giải pháp phi chính thống vì trả nợ công đơn giản là gây bất ổn và chậm chạp. Chúng ta có rất nhiều ví dụ về vấn đề này trong lịch sử. Vào thế kỷ 19, khi nước Anh phải trả nợ công từ thời Napoleon, chính phủ chủ yếu đánh thuế tầng lớp thu nhập trung bình và thấp để trả cho những người nắm giữ trái phiếu thuộc tầng lớp thu nhập cao. Chính phủ Anh thực hiện được giải pháp đó vì, vào khoảng đầu thế kỷ 19, chỉ có người giàu mới được bỏ phiếu bầu.
Ngày nay, tôi không nghĩ chúng ta có thể chọn giải pháp như vậy... Mặt khác, sau thế chiến thứ hai, Đức và Nhật có giải pháp khác và theo tôi là tốt hơn. Họ đánh thuế người giàu tạm thời. Giải pháp này rất hiệu quả vì các chính phủ này có thể bắt đầu tái thiết từ giữa những năm 1950 và không mắc nợ công. Cái khó ló cái khôn. Ví dụ, để cứu Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu sẽ cần gánh nợ nhiều hơn cho các quốc gia thành viên. Chúng ta chờ xem.
“Đó là lối suy diễn thiếu căn cứ về tương lai - luận điệu cổ điển của những người bảo thủ từ xưa tới giờ” - Thomas Piketty
Vậy trận đại dịch có thể chuyển hóa EU?
Chúng ta không nên dựa vào khủng hoảng để giải quyết các vấn đề cần giải quyết, nhưng nó có thể là một cú hích để thay đổi. EU đã bắt đầu phân rã cùng với sự kiện Brexit. Lập luận cho rằng người nghèo là những người theo chủ nghĩa dân tộc để giải thích sự kiện Brexit là lập luận kém cỏi. Vấn đề nằm ở chỗ nếu bạn có thương mại tự do và một đồng tiền chung mà không có các mục tiêu xã hội, bạn sẽ rơi vào tình trạng sự lưu chuyển vốn tự do mang lại lợi ích cho những công dân giàu có nhất, đi lại dễ dàng nhất, và bạn xa rời tầng lớp thu nhập trung bình và thấp. Nếu bạn muốn duy trì sự lưu chuyển tự do, thì sự lưu chuyển phải gắn chặt với hệ thống thuế chung và các chính sách xã hội chung, bao gồm đầu tư chung vào y tế và giáo dục. Lịch sử cũng cho chúng ta nhiều bài học về vấn đề này. Xây dựng nhà nước phúc lợi bên trong một quốc gia đã là một thách thức lớn. Nó đòi hỏi người giàu và người nghèo tiến tới một thỏa thuận và đấu tranh chính trị. Thực hiện việc này ở tầm xuyên quốc gia theo tôi là khả thi, nhưng có lẽ cần thực hiện trong một nhóm nhỏ các quốc gia trước tiên. Các nước khác có thể tham gia sau nếu họ có niềm tin vào hệ tư tưởng đó. Tôi hy vọng việc này có thể được thực thi mà không phá vỡ khối EU hiện tại, và tôi hy vọng nước Anh cuối cùng sẽ quay trở lại.
Người ta bàn về vấn đề phi toàn cầu hóa sau cuộc khủng hoảng này. Liệu điều đó có xảy ra không?
Laura Spinney (1971-)

Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra ở một số lĩnh vực chiến lược, như trang thiết bị y tế, chỉ vì chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho trận đại dịch kế tiếp. Có nhiều việc cần phải được thực thi để phi toàn cầu hóa diễn ra trên diện rộng. Hiện tại, lựa chọn hệ tư tưởng của chúng ta là thuế quan 0% cho thương mại quốc tế, vì chúng ta sợ rằng nếu chúng ta tăng thuế quan thì sẽ tăng đến mức nào mới dừng lại? Tương tự như thảo luận về phân phối của cải ở thế kỷ 19. Người ta thích bảo vệ cả sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong vấn đề sở hữu của cải - thậm chí là sở hữu nô lệ - hơn là chấp nhận sự phân chia, vì họ lo ngại rằng một khi được thả lỏng thì sẽ dẫn đến tình trạng truất hữu toàn bộ tài sản. Đó là lối suy diễn thiếu căn cứ về tương lai - luận điệu cổ điển của những người bảo thủ từ xưa tới giờ. Ngày nay, tôi nghĩ chúng ta phải thoát khỏi tư duy phi thuế quan, giá như chi trả cho các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậuđại dịch, nhưng điều này có nghĩa là chúng ta phải có sáng kiến mới biện giải mức thuế quan tối đa là bao nhiêu. Và một lần nữa, như lịch sử đã cho chúng ta thấy, không bao giờ có chỉ duy nhất một giải pháp.
Về tác giả:
Laura Spinney là phóng viên chuyên viết về khoa học và là một tác giả. Cuốn sách mới nhất của cô có tựa đề Pale Rider: The Spanish Flu of 1918 and How it Changed the World (Tử Thần: Cúm Tây Ban Nha 1918 và Trận Đại Dịch Đã Thay Đổi Thế Giới Như Thế Nào).
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Print Friendly and PDF