10.6.20

Virus corona ở Đài Loan: Màn 2 của tiến trình “giải toàn cầu hóa theo kiểu Trung Hoa”

VIRUS CORONA Ở ĐÀI LOAN: MÀN 2 CỦA TIẾN TRÌNH “GIẢI TOÀN CẦU HÓA THEO KIỂU TRUNG HOA”
Bà Tổng thống Tsai Ing-wen [Thái Anh Văn] của Đài Loan tại Đài Bắc, vào ngày 24/4/2020. (Nguồn: Iowa Public Radio)
Hai nước đã hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ: Đài Loan và Việt Nam. Thế mà, cũng chính hai nước đó đã quản lý cuộc khủng hoảng virus corona ở châu Á một cách tốt nhất. Mặc dù có chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau, họ có chung một một sự nghi ngờ rất lớn đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ngày càng được cảm nhận là một mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia. Đây là hai quốc gia Đông Á đi đầu trong tiến trình “giải toàn cầu hóa kiểu Trung hoa, theo lời của nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise trên diễn đàn này. Tức một sự tách rời khỏi Trung Quốc, điều có vẻ như bất khả về mặt quan hệ công nghiệp cũng như là tất yếu về mặt quan hệ chính trị: sự thần phục vào ngành công nghiệp Made in China [Sản xuất tại Trung Quốc] đã trở thành con ngựa thành Troy trong một trật tự toàn cầu kiểu Trung hoaphi tự do.
Sau khi ngăn chặn thành công con virus phát sinh từ Trung Quốc đại lục, nhờ vào việc nhanh chóng hạn chế các chuyến bay và đóng cửa sớm biên giới, tiếp sau là việc kiểm tra khi hành khách đến các sân bay và tiến hành cách ly có chọn lọc (các trường hợp trở về từ những nước có nguy cơ lây nhiễm dịch, người dân từng có tiếp xúc với một trường hợp được xác nhận có nhiễm bệnh thông qua hệ thống định vị sự di chuyển của người mắc bệnh, v.v.), Đài Loan, trong thời gian tới, phải đối mặt với việc nhập khẩu virus từ các kiều bào trở về nước từ Châu Âu và Hoa Kỳ (đọc bài viết của chúng tôi). Làn sóng đầu tiên phản ánh sự tiếp xúc của đất nước với Trung Quốc: nó đã gây ra khoảng 50 ca viêm phổi Vũ Hán hay virus COVID-19 và 2 ca tử vong. Làn sóng thứ hai phản ánh sự tiếp xúc của đất nước với thế giới: kết quả là có hơn 350 ca lây nhiễm và thêm 4 ca tử vong. Minh họa cho điểm này, hành trình của một hạm đội hải quân hướng đến một đồng minh ở Thái Bình Dương (đảo quốc Palau) đã dẫn đến sự xuất hiện của một ổ dịch trong số các thủy thủ trên chiến hạm Bàn Thạch (磐石), với 36 ca lây nhiễm được xác định.
Người ta cho rằng sau 20 ngày mà không có ca nhiễm nào, thì đất nước đó đã xóa được đại dịch trên đất nước mình: đó là trường hợp ở Đài Loan kể từ hôm thứ Bảy ngày 2 tháng 5. Do đó, vấn đề bây giờ đối với Đài Loan là việc đất nước tái hòa nhập vào dòng chảy lưu thông của thế giới. Khía cạnh địa chính trị của việc mở cửa lại biên giới của nhiều quốc gia khác nhau sẽ là điều rất quan trọng cần theo dõi. Khía cạnh địa chính trị và tình hình y tế gợi ý một sự mở cửa lại có cân nhắc gắn với những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có quan hệ đối tác và ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như Việt Nam, Hồng Kông hoặc New Zealand.
Vì thế, chúng ta có thể nói một cách chính đáng rằng Đài Loan đã thành công trong việc quản lý virus Covid-19. Không có cách ly tập thể, không có trường học hoặc trường đại học nào phải đóng cửa: ba ca lây nhiễm ở địa phương - liên quan đến các học sinh ở một trường trung học và sinh viên ở hai trường đại học - đã khiến các cơ sở này chuyển sang học trực tuyến trong hai tuần. Khi thế giới phải tự giam mình, thì cuộc sống ở Đài Loan hầu như không thay đổi - ngoại trừ việc đeo khẩu trang đã trở thành bắt buộc trên tàu điện ngầm, và một số cuộc tập hợp công chúng lớn đã bị hủy bỏ, trong số đó có lễ nhậm chức chính thức của bà Tsai Ing-wen [Thái Anh Văn], tổng thống nước Cộng hòa Trung Hoa [Đài Loan]. Ngoại trừ các ngành du lịch và giải trí, nền kinh tế Đài Loan vẫn tiếp tục hoạt động. Trong khi IMF dự báo mức giảm GDP của Đài Loan là 4%, thì Bộ trưởng Bộ Kinh tế [Đài Loan] lại tuyên bố một mức tăng trưởng từ 1 đến 1,5%. Trên thực tế, Đài Loan là quốc gia, so với GDP của nước này, đã chọn kế hoạch phục hồi nền kinh tế thời hậu Covid ở mức cao nhất, trên cơ sở là một trong những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh.
Bản đồ họa phong tỏa dịch bệnh ở châu Á-Thái Bình Dương: biểu đồ các quốc gia châu Á theo kế hoạch phục hồi kinh tế so với GDP (trục tung) và mức giảm sản xuất tính theo % của GDP (trục hoành). (Nguồn: Oxford Economics / Haver Analytics)

BÀI HỌC NÀO CHO ĐÀI LOAN VÀ THẾ GIỚI ngày HÔM NAY?

Jacinda Ardern (1980-)
Michael Baker
Đối với Đài Loan, đó là điều rõ ràng: tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy công chúng rất hài lòng với sự quản lý của chính phủ của bà Thái Anh Văn trong cuộc chiến chống virus Covid-19. Theo một bài báo của Forbes, thu hút được nhiều sự chú ý, những quốc gia xử lý khủng hoảng tốt nhất là những quốc gia do phụ nữ đứng đầu, đứng đầu bà Thái Anh Văn và bà Jacinda Ardern - New Zealand có 1.470 ca lây nhiễm và 18 ca tử vong. Câu chuyện rất hay, nhưng chúng tôi là người thực dụng hơn: sự thành công chung của các nước đó xuất phát từ việc họ làm theo những khuyến nghị tương tự, theo lời của Michael Baker, nhà dịch tễ học tại Đại học Otago của New Zealand, cụ thể là không nghe theo WHO, đóng cửa biên giới và hạn chế các chuyến bay sớm nhất để ngăn chặn đại dịch. Hệ quả ở Đài Loan là rất rõ: một sự ngờ vực đối với Trung Quốc được thể hiện bởi 76% dân số, sự gia tăng cảm giác mình thuộc về Đài Loan lên đến 58% và mong muốn độc lập được chia sẻ bởi một phần ba số người được hỏi.
Rất nhiều tờ báo trên thế giới đã nói về mô hình Đài Loan trong cuộc chiến chống Covid-19, đặc biệt là các tờ Foreign Policy hoặc TimeNhưng một thành công như thế về chăm sóc y tế không thể tách rời khỏi cơ sở địa chính trị.
Các nhà quan sát kinh tế đã ghi nhận có hai quốc gia đã biết tận dụng cuộc xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc: Đài Loan và Việt Nam. Tuy nhiên, quốc gia nào đã quản lý tốt nhất cuộc khủng hoảng Covid-19 trong khu vực? Câu trả lời cũng vậy: Đài Loan và Việt Nam.
Đây không phải là kết quả của một sự ngẫu nhiên hay một sự trùng hợp may mắn. Dù các bộ máy và thể chế chính trị của hai nước khác nhau hoàn toàn, Đài Loan và Việt Nam có điểm chung là sự nghi ngờ rất lớn đối với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày càng được cảm nhận là một mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia. Đây là hai quốc gia ở Đông Á đi đầu trong cái được tôi gọi là tiến trình “giải toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc, cụ thể là tách khỏiTrung Quốc, điều có vẻ như bất khả về mặt quan hệ công nghiệp cũng như là tất yếu về mặt quan hệ chính trị: sự thần phục vào ngành công nghiệp Made in China [Sản xuất tại Trung Quốc] đã trở thành con ngựa thành Troy trong một trật tự toàn cầu kiểu trung hoaphi tự do.
Cả Đài Loan và Việt Nam đều đã biết tận dụng sự thành công trong việc quản lý chống lại Covid-19 để tăng cường quyền lực mềm của họ và, trong trường hợp của Đài Loan, để tìm lại một vị thế quốc tế có thể chưa từng thấy kể từ khi nước Cộng hòa Trung Hoa mất ghế tại Liên Hợp Quốc. Ngược lại, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tỏ ra hung hăng trong giao tiếp với các nhà ngoại giao không còn mặc cảm - mà thái độ phản ngoại giao ở các nước chủ nhà chắc chắn sẽ đảm bảo một sự thăng tiến nhanh ở Trung Quốc - và từ nay [Trung Quốc] đang ở thế thủ - từ chối cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus, điều có vẻ là cần thiết, nhưng cũng từ chối luôn việc cam kết phát triển vắc-xin thành một sản phẩm công cộng toàn cầu.
“LIÊN MINH TRÀ SỮA toàn châu á”
Thêm vào đó là một sự kiện khác, không liên quan gì tới Covid-19 nhưng lại củng cố các xu hướng địa chính trị hiện hành: liên minh hợp tình huống giữa những người dùng Internet của Đài Loan, Thái Lan và Hồng Kông để bảo vệ người mẫu hàng đầu Thái Lan Weeraya Sukaram, hay còn gọi là New [Mới]”, bạn gái của nam diễn viên Vachirawit Chiva-aree, hay còn gọi là Bright [Sáng]”. Người mẫu đã bị người dùng Internet Trung Quốc tấn công vì đã gợi ý một sự khác biệt giữa Trung Quốc và Đài Loan. Điều đó đã dẫn đến việc sản sinh một trào lưu” (“meme”) lan truyền trên Internet nêu bật quyền lực mềm được các nước trà sữachia sẻ. Sau khi biên tập viên của tờ Thời báo Hoàn cầu mô tả Úc là miếng kẹo cao su dính dưới đế giàycủa Trung Quốc, thì một số người dùng Internet đã đề xuất đưa đất nước Châu Đại Dương vào liên minh. Một số người khác thì vẽ ra bản đồ một liên minh trà sữa” toàn châu Á, xung quanh các trung tâm phản kháng chủ nghĩa đế quốc dưới chuẩn của Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ]: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ và Mông Cổ, và bao gồm cả người dân Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng.
Bản đồ Liên minh trà sữa toàn châu Á, được người dùng Internet vẽ ra để đáp lại lời cáo buộc của Trung Quốc đối với Úc: tức những trung tâm phản kháng “chủ nghĩa đế quốc dưới chuẩn” của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ và Mông Cổ, và bao gồm cả người dân Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng.
Tất nhiên là có một phần trò chơi trong cái meme Internet lan truyền này, nhưng thực tế là bằng cách phản đối người dùng Internet Trung Quốc, người dùng Internet Thái Lan cũng ít nhiều, một cách gián tiếp, chỉ trích chế độ chuyên quyền của nhóm đảo chính cầm quyền ở Bangkok, và làm điều này qua tên tuổi của Đài Loan. Trong khi đối với người Hồng Kông, đảo quốc đã trở thành một từ đồng nghĩa với một thế giới tự do nói tiếng Hoa thì liệu nó cũng có thể trở thành một từ đồng nghĩa với một thế giới tự do châu Á cho những dân tộc khác trong khu vực hay không?
Từ quan điểm nói trên, tình hình hiện tại không chỉ củng cố chính sách của bà Thái Anh Văn về mối quan hệ với Trung Quốc đại lục ở cấp độ kinh tế - tái định vị và tái đầu tư về Đài Loan - và ở cấp độ chính trị - gia tăng của sự cảm nhận về bản sắc Đài Loan - mà còn cả chính sách hướng Nam của bà.
Nếu Covid-19 làm thế giới thay đổi cái nhìn về Đài Loan, thì nó cũng giúp chúng ta đọc Đài Loan khác hơn là qua lăng kính nhị nguyên độc lậphoặc thôn tính, được xác định đối với Trung Quốc. Với sự dân chủ hóa đảo quốc vào những năm 1990, điều cần thiết, về mặt lý thuyết, là phải hỗ trợ phong trào bằng cách chỉ ra tính đặc thù về văn hóa, ngôn ngữ, chính trị-xã hội của Đài Loan. Tuy nhiên, ngày nay, có vẻ như điều cốt tử là nhấn mạnh đến tính thế giới của Đài Loan: không phải là tính độc đáo so với Trung Quốc nữa mà là tính bình thường so với Bắc Kinh - mà chế độ [Trung Quốc] ngày càng phản không tưởng, khi ĐCSTQ ngày càng muốn tự thiết lập thành mô hình quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh này, tự thân ý tưởng về một thuộc tính Trung Hoa của Đài Loan sẽ có một nghĩa hoàn toàn khác: không còn Trung hoa hóa Đài Loan mà là Đài Loan hóa Trung Quốc. Khi khẳng định Đài Loan chỉ có thể tự dân chủ hóa do không là hoặc không còn là Trung hoa, thì liệu có nguy cơ rơi vào thuyết chính trị về văn hoá hay không? Trở lại với tự sự Đông phương luận về một Trung Quốc mà bản chất là chuyên chế chăng? Một tự sự củng cố trong thực tế quyền hành của Đảng trên đất nước này. Giữa Đài Loan và Trung Quốc, vấn đề không chỉ là vấn đề lãnh thổ, mà còn là hai mô hình của tiến trình toàn cầu hóa: Đài Loan chỉ cho Trung Quốc và thế giới thấy rằng một tiến trình toàn cầu hóa theo kiểu Trung Hoa” khác là điều khả thi.
Giới thiệu tác giả
Jean-Yves Heurtebise
Jean-Yves Heurtebise, Tiến sĩ Triết học của Đại học Aix-Marseille, là phó giáo sư tại Đại học Công giáo FuJen (Đài Bắc, Đài Loan). Ông cũng là thành viên liên kết của CEFC (Trung tâm nghiên cứu của Pháp về nước Trung Quốc đương đại, Hồng Kông) và là đồng tổng biên tập tạp chí Monde Chinois Nouvelle Asie [Thế giới Trung Hoa-châu Á mới]. Ông đã xuất bản hơn năm mươi bài báo trong những cuốn sách đồng tác giả (Routledge, Imperial College Press, Wiley-Blackwell, v.v.) hoặc những tạp chí học thuật (Journal of Chinese Philosophy [Tạp chí Triết học Trung Quốc], Frontiers of Philosophy in China [Biên giới triết học ở Trung Quốc], Sustainability [Bền vững], v.v.). Lĩnh vực nghiên cứu của ông là các mối quan hệ liên văn hóa giữa châu Âu và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF