THOMAS C. HOLT: “PHẢI LÙI VỀ NHỮNG NĂM 1850 ĐỂ TÌM THẤY MỘT SỐ ĐÔNG NGƯỜI DA TRẮNG BIỂU TÌNH ỦNG HỘ NGƯỜI DA ĐEN”
|
Thomas C. Holt (1942-) |
Toàn bộ các cuộc biểu tình được tổ chức tại Mỹ sau khi George Floyd bị cảnh sát giết tạo thành một biến cố lịch sử hàng đầu. Thật vậy, phải lùi về giữa thế kỷ XIX mới tìm thấy sự tham gia với tầm cỡ tương tự của người da trắng trong cuộc đấu tranh cho công bằng chủng tộc. Đó là phân tích của nhà sử học Thomas C. Holt, giáo sư ở Chicago, và là một trong những chuyên gia giỏi nhất về cộng đồng kiều dân người châu Phi ở Mỹ và về phong trào đòi các quyền công dân mà ông là người hoạt động tích cực trong những năm 1960.
Tháng sáu năm 1963, lúc đó đang là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Howard, Thomas Holt đến ở nhà cha mẹ ông vài ngày ở Danville, Virginia, trước khi đi New York với dự định làm việc trong mùa hè để kiếm tiền trả học phí. Một hôm, mẹ ông gọi ông nghe radio: người ta nghe những tiếng la hét, tiếng đấm đá, một phóng viên trực tiếp phát đi thông tin cảnh sát đàn áp dữ dội một cuộc biểu tình được tổ chức trước tòa án thành phố. Ngày hôm sau, chàng trai trẻ Tom tham gia một đoàn biểu tình mới, bị bắt và bị tù vài ngày. Ghé qua Danville trên đường đi đến thủ đô Liên bang để chuẩn bị tổ chức cuộc tuần hành lớn đi về Washington (March on Washington) vào tháng tám cùng năm (1963), Tiến sĩ Martin Luther King đã đồng ý dẫn đầu một cuộc biểu tình mới tại địa phương mà sau đó Tom Holt lại bị bắt và bị bỏ tù hai tuần. Gặp gỡ với King ở Danville rồi Washington và rộng hơn là những cuộc biểu tình mùa hè năm 1963 đánh dấu một bước ngoặt đối với Holt, mùa hè năm đó ông không đi New York làm việc mà tham gia Student Nonviolent Coordinating Committee (Ủy ban phối hợp sinh viên bất bạo động), và vào năm học mới ông đã chuyển từ học kỹ sư sang học văn chương. Ngày nay, Thomas C. Holt là giáo sư lịch sử Mỹ và Mỹ-Phi tại Đại học Chicago. Cựu chủ tịch Hội Lịch sử Mỹ, ông là một trong những người am hiểu nhất lịch sử cộng đồng di tản người châu Phi ở Mỹ và Jamaica. Đáng chú ý mới đây ông là tác giả của Children of Fire: A History of African Americans (Những đứa con của lửa: lịch sử của người Mỹ gốc châu Phi) và đang chuẩn bị một quyển sách về phong trào các quyền công dân. Ông chia sẻ với AOC quan điểm của ông về các cuộc biểu tình mang tính lịch sử sau cái chết của George Floyd, hiện nay vẫn còn tiếp diễn tại Mỹ và tại nhiều nước khác.
Ông có ngạc nhiên về qui mô rộng lớn của các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ sau khi George Floyd bị giết hại?
|
George Floyd (1973-2020) |
Có, nhưng là ngạc nhiên một cách thú vị. Trước đây có những cuộc biểu tình đa chủng tộc chống lại bất công xã hội, nhưng không rộng lớn và rải khắp nhiều nơi như chúng ta đã chứng kiến trong tuần qua. Trong quá khứ đã có những cuộc huy động quần chúng quốc tế chống lại những hành động bạo lực phân biệt chủng tộc tại Mỹ, ví dụ lúc xảy ra sự kiện Scotsboro Boys[1], Emmett Till[2] và những sự kiện khác nữa. Nhưng những tường thuật lịch sử mà tôi tiếp cận được gợi cho thấy những cuộc huy động quần chúng ấy thường là dưới dạng thư hoặc tuyên bố công khai và thỉnh thoảng có biểu tình trên đường phố, nhưng xét về sự tham gia của công dân bình thường và về phạm vi địa lý rộng lớn thì mức độ quan trọng không có gì so sánh được với những gì chúng ta chứng kiến trong những tuần qua. Ông có nhận xét gì về các cuộc huy động quần chúng này? Chúng đóng vai trò gì trong lịch sử lâu dài của việc bảo vệ các quyền của người Mỹ gốc châu Phi?
Thật là đặc biệt. Có lẽ phải lùi về những cuộc biểu tình chống chế độ nô lệ những năm 1850 để tìm thấy một số đông người da trắng và đa dạng như vậy đã biểu tình công khai ủng hộ công bằng chủng tộc cho người da đen. Và cũng có một sự khác biệt quan trọng giữa những gì đang xảy ra hôm nay với phần lớn những trường hợp lịch sử trước đây, đó là ở nước ngoài, người biểu tình chỉ ra những bất công tương tự trong chính nước họ hơn là xem sự thô bạo của cảnh sát và bất công chủng tộc chỉ đơn thuần là một vấn đề của nước Mỹ. Nếu điều này được xác nhận, ta có thể hài lòng về sự thừa nhận và cách xử lý vấn đề phân biệt chủng tộc của hoạt động cảnh sát tại Mỹ cũng như ở những nơi khác.
Và ông nghĩ gì về sự đáp trả của Donald Trump?
Ngớ ngẩn. Nhưng không ngạc nhiên. Nói vậy chứ chúng ta cũng nên biết ơn là không phải một người thuộc đảng Cộng Hòa với trí não lành mạnh hơn - nhưng không kém nguy hiểm - nắm chính quyền, vì khi xử lý tình hình tốt hơn người đó sẽ làm dịu cơn giận… Tất nhiên đây chỉ là khởi đầu, cánh hữu còn có thể thành công trong việc nêu tiếng xấu cho phong trào như họ đã làm được năm 1968. Nhưng không có gì chứng tỏ một chiến lược như vậy sẽ thành công lần này, mà có khi ngược lại, có nhiều chỉ báo cho thấy chiến lược đó sẽ thất bại. Không những các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc luôn cho thấy đa số ủng hộ những người biểu tình, mà một số tổ chức quan trọng của xã hội dân sự cũng bày tỏ sự ủng hộ của họ. Sự ủng hộ không chỉ xuất phát từ những tổ chức có xu hướng tự do tiến bộ như các đại học và các hiệp hội khoa học, mà cả các hội đoàn thương mại và những tổ chức bảo thủ, ví dụ như Nascar (cơ quan tổ chức các cuộc đua xe hơi - The National Association for Stock Car Auto Racing). Mặt khác, một số chính quyền địa phương đã có những biện pháp nhằm cải cách chính sách duy trì trật tự.
Một vài người, như David Theo Goldberg trong bản tin AOC, lo ngại về vai trò từ nay trở về sau của những phong trào cực hữu như Boogaloo[3] ở Mỹ. Ông nghĩ gì về nguy cơ của một cuộc nội chiến chủng tộc?
|
David Theo Goldberg (1952-) |
Ông ấy có theo dõi à? Trong lúc này các phong trào phản đối quá lớn, quá rộng nên các thành phần cực hữu trà trộn vào khó hy vọng gây được chút ảnh hưởng nhỏ nào, hơn nữa các thành phần cực hữu này có kiểu hoạt động rất đặc thù. Điều này không có nghĩa là họ không thể gây rối các cuộc biểu tình và tạo ra những vụ rắc rối. Một mối đe dọa quan trọng hơn đến từ việc dùng nhân viên nhà nước xâm nhập vào các nhóm tranh đấu, như trường hợp đã xảy ra với các hoạt động của Cointelpro[4] của FBI (United States Federal Bureau of Investigation) trong những năm 1960. Nhưng tôi nghi rằng họ không có đủ thì giờ để thực hiện những dự định như họ đã làm với Black Panthers (Đảng Báo đen) trong những năm 1960 và 1970. Ông có nghĩ rằng dịch Covid-19 đã đóng một vai trò trong các cuộc huy động quần chúng này và một lần nữa bộc lộ những bất bình đẳng đáng kinh ngạc mà xã hội Mỹ đang trải qua? Rất có thể. Nhưng nếu đúng như vậy, thì có lẽ nó chỉ đóng một vai trò thứ yếu. Cũng chỉ đơn giản là có thể người ta bị thôi thúc vì sự kiện này tiếp nối một loạt các cuộc giết hại do cảnh sát và nhân viên bảo vệ gây ra trong những tuần qua (và những năm qua). Hơn nữa, đối với tôi, có một điều dường như có tính quyết định hơn, đó là việc sát hại Floyd đã được nêu ra như cận cảnh của một cuốn phim trong đó sự dửng dưng đến độ lạnh lùng của kẻ giết người càng làm nổi bật hành động tàn bạo của y. Tôi không nhớ đã có những ấn tượng mạnh như vậy về những cuộc hành hình khác trong thế kỷ XXI hoặc XX. Phải lùi về những những năm 1890 và những tấm hình chụp cảnh hành hình vào đầu thế kỷ XX để thấy có gì tương tự như vụ sát hại George Floyd. Ngay cả với thân thể bị biến dạng của Emmett Till vào năm 1955, mặc dù rất kinh khủng, chúng ta vẫn phải tự mình hình dung ra sự sát hại và những kẻ thực hiện tội ác. Còn ở đây chúng ta chứng kiến diễn tiến của sự việc theo thời gian thật.
Từ nay Black Lives Matter (Mạng sống người da đen rất quan trọng) hiện ra như một khẩu hiệu và mốc quy chiếu chính nhưng cũng là một tổ chức rất khác với những hiệp hội lịch sử chống phân biệt chủng tộc trước đây. Ông thấy diễn tiến này như thế nào?
Phong trào Black Lives Matter đã được tạo lập bởi một thế hệ sinh ra sau phong trào đòi các quyền công dân, bởi nhiều người có thể đã lớn lên với suy nghĩ là loại bạo lực phân biệt chủng tộc như thế này đã từ lâu thuộc về quá khứ của nước Mỹ (Ngay cả khi họ lớn lên trong những thập kỷ chiến tranh giữa Mỹ và các dân tộc da màu ở nơi khác và một số người có thể đã chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực cảnh sát). Tuy nhiên, như các thế hệ trước, những phản ứng và yêu sách của họ phản ánh thế giới mà họ biết.
Mặt khác, cũng như trong quá khứ, có thể nhầm lẫn về thời điểm và về ngôn ngữ diễn đạt những yêu cầu có khi đem lại hậu quả trái ngược với điều mong muốn. Tất nhiên, có thể là những yêu cầu nhằm “không cung cấp ngân sách hoạt động” cho cảnh sát sẽ có hiệu ứng phản tác dụng. Nhưng như tôi đã lưu ý, tính chất việc sát hại George Floyd, những hình ảnh và sự lan truyền nhanh chóng, cũng như những phản ứng quá mức của những lực lượng phân biệt chủng tộc sau đó, tất cả những điều ấy làm phát sinh một sự ủng hộ rộng lớn hơn nhiều của quần chúng đối với phong trào Black Lives Matter, và từ đó có tiềm năng làm cho phong trào này phạm phải đánh giá sai lầm với mức độ lớn hơn so với các phong trào trước đây.
Việc bầu Barack Obama có ý nghĩa tượng trưng gì trong lịch sử của Mỹ, và tại sao nó không chấm dứt vấn đề phân biệt chủng tộc?
Bất kỳ ai đã nghiêm túc nghiên cứu lịch sử lâu dài của phân biệt chủng tộc tại Mỹ hoặc hệ thống chính trị xơ cứng của nó đều không thể tin rằng việc bầu một tổng thống da đen sẽ đưa đất nước đi vào giai đoạn “hậu phân biệt chủng tộc”. Không những tôi đã dính líu đến phong trào đòi các quyền công dân, mà từ năm 1966 đến 1968, tôi còn làm việc với tư cách nhân viên chính phủ để cố gắng thiết lập những chương trình chống nạn nghèo khó ở nông thôn. Vậy là tôi hoàn toàn có điều kiện để hiểu những trở ngại mà Obama dứt khoát phải đối mặt - như bất kỳ một người lãnh đạo nào có thiện chí - khi cố gắng thực hiện cả những cải cách nhỏ nhất. Hãy nhớ lại rằng đã phải cần 20 năm tồn tại của chính phủ thuộc đảng Dân chủ (1933 - 1953) để củng cố những cải cách của New Deal[5] (Chính sách kinh tế mới) chẳng hạn như bảo hiểm xã hội. Chính sách bảo hiểm y tế của tổng thống Johnson không được may mắn như vậy, nó luôn là đối tượng bị tấn công. Trong phong trào đòi quyển công dân những năm 1960, một trong những bài hát đấu tranh (freedom songs) có nhan đề là “Freedom is a constant struggle” (Tự do là một cuộc đấu tranh liên tục). Điều này cũng đúng với những thay đổi của xã hội theo hướng tiến bộ, đó là một cuộc đấu tranh thường trực. Có phải các sự việc rất khác nhau giữa các vùng của quốc gia và khác nhau như thế nào?
Vâng. Nước Mỹ được phân chia thành nhiều vùng khác nhau (thậm chí là những tiểu vùng) với lịch sử, dân số và kinh tế khác nhau, chúng đã hun đúc nên bối cảnh chủng tộc và xã hội một cách khác nhau. Ví dụ, trong những năm 1960, phong trào đòi các quyền công dân đã khởi đầu trong các khu đô thị của vùng phía bắc của miền Nam nước Mỹ (Upper South - ND) hơn là ở vùng sâu nông thôn phía nam (Deep South - ND) bởi vì động thái kinh tế và xã hội của phía bắc khiến vùng này trở thành mục tiêu tốt nhất cho các cuộc đấu tranh chống tách biệt chủng tộc trên xe buýt và ở các quầy bán thức ăn trưa. Và ngày nay, tiểu bang Virginia (thủ đô cũ của Liên minh miền Nam) nhạy bén hơn tiểu bang Mississippi nhiều trong việc chấp thuận những chính sách xã hội tiến bộ về mặt chủng tộc. Giữa lúc đó, vài tiểu bang ở Miền Tây vốn đã ủng hộ những chính sách như vậy trong những năm 1950 (ví dụ các tiểu bang Nam Dakota và Iowa) nay lại cuồng nhiệt ủng hộ Trump. Những tác nhân như di cư, diễn biến các nền kinh tế và sự già hóa dân số ảnh hưởng đến những biến đổi này. Ví dụ: tiểu bang California ngày nay rất hào phóng đã không phải là nơi sẵn sàng tiếp nhận những người da màu trong phần lớn thế kỷ XX.
Ngày nay những trí thức và nghệ sĩ người Mỹ gốc châu Phi có vai trò gì?
Trí thức và những người hoạt động văn hóa người Mỹ gốc châu Phi (một thuật ngữ bao gồm nhiều hình thức khác nhau của sản phẩm văn hóa) luôn luôn quan trọng đối với tinh thần và sự tự nhận thức của người Mỹ da đen, nhưng từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, họ đã chinh phục được một công chúng rộng lớn hơn, trong nước cũng như quốc tế. Với những công chúng này họ đã đem đến một hình ảnh gây ấn tượng mạnh về đời sống và hoài bão của người da đen. Có lẽ điều đặc biệt quan trọng là hình ảnh này không thuần nhất và cứng nhắc (ví dụ, Toni Morrison khác với Richard Wright, hay Miles Davis khác với Tupac).
Tình hình hiện tại sẽ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử sắp tới như thế nào? Vấn đề chủng tộc có thể trở thành một thách thức chính cho cuộc bầu cử không?
Những vấn đề chủng tộc hiển nhiên là một trong những thách thức, cũng như cách đây năm mươi năm hoặc hơn. Còn phải xem cách đặt các vấn đề này như thế nào, nhưng tất cả cho thấy bạo lực cảnh sát sẽ là chủ đề hàng đầu trong danh sách các chủ đề của bầu cử.
Ông nghĩ Trump sẽ làm như thế nào với cuộc bầu cử này?
Như ông ấy vẫn thường làm, bằng cách chia rẽ và kích động phân biệt chủng tộc.
Jo Biden sẽ phải làm gì?
Làm nhiều hơn những gì ông ấy đã làm. Đồng tình với những yêu sách phổ biến nhất của những người biểu tình (nghĩa là một cuộc cải cách cảnh sát một cách sâu sắc, nhưng không dùng khẩu hiệu “không cung cấp ngân sách hoạt động cho cảnh sát” vì nó rất dễ bị bóp méo). Tôi nghĩ rằng diễn văn của ông ấy ở Philadelphia đã đạt mục đích. Lập luận duy nhất của phe Cộng hòa là sự lờ mờ và đánh lạc hướng, không nên giúp họ làm điều đó. Ngược lại, phe Dân chủ phải tập trung vào thất bại của Trump và chiến thắng của họ ở Thượng Viện. Lúc đó họ có thể thúc đẩy Biden chấp nhận những chính sách tiến bộ hơn.
Một chính sách chủng tộc tiến bộ phải như thế nào? Cần có loại biện pháp nào để đấu tranh chống lại phân biệt đối xử?
Chương trình cải cách xã hội đã nằm ở trên bàn từ giữa những năm 1960, nếu không phải là trước đó. Lúc đó nó được trình bày với tên gọi “Chương trình Marshall cho các đô thị” hoặc “ngân sách của tự do”, chủ yếu nhắm đến nhiều loại đầu tư xã hội khác nhau ở cộng đồng để tạo ra những cơ hội về kinh tế. Chìa khóa, lúc đó cũng như hiện nay, không đơn giản chỉ là chấm dứt phân biệt đối với cá nhân, mà là tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người có một cuộc sống xứng đáng và thăng hoa.
Để kết thúc, vài câu về nước Pháp, vốn thích xem mô hình của mình là rất khác biệt, trong khi có vẻ như mọi thứ đều khá giống nhau trên nhiều phương diện. Ông biết rõ nước Pháp, ông thấy vấn đề chủng tộc ở đó như thế nào?
Vấn đề càng phức tạp hơn khi chính những đồng minh tiềm tàng của cánh tả thường phủ nhận những vết thương chủng tộc do những chính sách và thái độ mạo danh là trung lập. Cũng như tại Mỹ, người ta thường không muốn thấy những tác động dai dẳng của lịch sử chế độ nô lệ và của chủ nghĩa thực dân. Không chỉ là mù lòa về sự lâu bền của những di sản lịch sử của sự đối xử phân biệt chủng tộc, mà còn là về sự tái tạo những khác biệt này trong hiện tại. Phân biệt chủng tộc không biến mất chỉ vì lý do người ta không gọi đúng tên nó ra.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Chú thích:
[*] Phóng viên, giám đốc AOC (Bản tin điện tử Analyse-Opinion-Critique – Phân tích-Ý kiến-Phê bình - ND)↩
[1] The Scottsboro Boys là chín thanh niên người Mỹ gốc châu Phi, tuổi từ 13 đến 19, ở Alabama, bị buộc tội sai là đã hiếp dâm hai phụ nữ da trắng trên một chuyến tàu năm 1931. Mỗi thanh niên bị xét xử, bị kết án trong một vài ngày. Đây là một trường hợp phân biệt chủng tộc, một sự sai lầm của hệ thống tư pháp Mỹ. (Theo Wikipedia - ND)↩
[2] Emmett Louis Till (July 25, 1941 - August 28, 1955) là một thanh niên 14 tuổi người Mỹ gốc châu Phi, bị hành hình theo kiểu dành cho người da đen ở Mississippi năm 1955, sau khi bị kết tội huýt sáo một phụ nữ da trắng trong cửa hàng tạp hóa. Việc giết người tàn bạo và việc tha bổng những kẻ sát nhân đã thu hút sự quan tâm của công chúng trong lịch sử khủng bố tàn bạo đối với người Mỹ gốc châu Phi tại Mỹ. Về sau Till trở thành biểu tượng của phong trào đòi quyền công dân. (Theo Wikipedia - ND)↩
[3] Phong trào boogaloo, các thành viên của nó thường được gọi là boogaloo boys hay boogaloo bois, là một phong trào người Mỹ tổ chức lỏng lẻo cực hữu cực đoan. Các thành viên thường xác định mình là một dân quân tự do cá nhân, và nói rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc nội chiến thứ hai sắp tới của Mỹ, mà họ gọi là “boogaloo”. Việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ này từ cuối năm 2019 và các thành viên sử dụng thuật ngữ này (bao gồm các biến thể, để tránh các cuộc đàn áp của truyền thông xã hội), để chỉ các cuộc nổi dậy bạo lực chống lại chính phủ liên bang hoặc các đối thủ chính trị cánh tả. (Theo Wikipedia - ND)↩
[4] COINTELPRO (viết tắt của COunter INTELligence PROgram) (1956-1971) là một loạt những dự án ngầm và bất hợp pháp do FBI của Mỹ điều khiển nhằm theo dõi, xâm nhập, làm mất uy tín và phá vỡ các tổ chức chính trị của Mỹ. (Theo Wikipedia - ND)↩
[5] The New Deal: Chính sách kinh tế mới của Mỹ trong thời kỳ từ 1933 đến 1936; đây là một loạt chương trình kinh tế của Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhằm phục hồi kinh tế Hoa Kỳ sau thời kỳ Đại khủng hoảng. (Theo Wikipedia - ND)↩