1.10.17

Cournot Antoine Augustin, 1801-1877


Antoine-Augustin Cournot (1801-1877)

COURNOT ANTOINE AUGUSTIN, 1801-1877

Ông mong muốn trở thành triết gia, người ta tưởng rằng ông là nhà toán học lớn, nhưng ông đã để lại ảnh hưởng sâu sắc trong kinh tế học. Sinh tại Gray năm 1801, là sinh viên trong ngôi trường Đại học sư phạm (phố Ulm – ND) bị xáo động bởi những tư tưởng tự do, tác giả của một luận án về vật lí được chú ý. Cournot quan tâm sát đến lí thuyết xác suất vừa mới ra đời, khơi dậy ở Poisson, người đã giúp ông được bổ nhiệm làm giáo sư ở Lyon, hi vọng có được một môn đồ. Sự ngẫu nhiên của một bản dịch khiến ông suy nghĩ đến “lao động của máy móc” và, bằng suy luận tương tự, đến năng suất của lao động con người, một điều kéo ông đến gần với rất nhiều bạn đồng môn vốn thường dễ dàng tự xem mình như những kĩ sư về cái xã hội.
Vả lại tác phẩm Recherches sur les principes mathématiques de la théorie des richesses của ông mở đầu bằng cách quy chiếu rõ ràng về cách nhìn cải cách này. Khai mở việc sử dụng chặt chẽ toán học trong kinh tế học, tác phẩm đánh dấu một cuộc cách mạng trong bộ môn này. Cournot phát triển một lí thuyết giá cả tuỳ theo các cấu trúc thị trường, mà ông xác lập một phân loại. Các kết quả thu được tiếp tục được giảng dạy trong kinh tế học vi mô. Các “đường phản ứng” nổi tiếng của ông, mô tả hành vi của hai người cạnh tranh, sẽ giữ một vai trò có tính quyết định trong lí thuyết trò chơi ... một thế kỉ sau.


Nản lòng vì sách của mình không có tiếng vang, Cournot quay trở lại với phép tính xác suất và viết cuốn Exposition de la théorie des chances et des probabilités (1843), một tác phẩm tham chiếu trong suốt một thế kỉ. Bị những hướng khác quyến rũ, ông tiến hành một sự nghiệp thanh tra giáo dục đại học, đồng thời theo đuổi đam mê của ông là triết học. Tác phẩm Essai sur les fondements de nos connaissances et sur les caractères de la critique philosophique (1851) đề xuất một quan niệm độc đáo về các quá trình nhận thức, pha trộn những nhận định về tính cộng dồn của tri thức và những phân tích về động thái nội tại của các khoa học. Thiên hướng của ông khi mô tả lịch sử một cách hoành tráng nảy nở trong cuốn Considérations sur la marche des idées et des évènements dans les temps modernes (1872), với những đoạn viết đẹp đượm màu bi quan về sự nối tiếp nhau của các nền văn minh.

Gần như mù nhưng không vì thế mà ông ngưng theo dõi thời sự khoa học, với sự trợ giúp của một người đọc tài liệu. Cuốn Matérialisme, vitalisme, rationalisme (1875) là một suy tư sâu sắc về những phương pháp của sinh học và của các khoa học vật lí. Sinh thời của Cournot, các tác phẩm này không có mấy tiếng vang. Ảnh hưởng của ông là sau khi ông qua đời và ngay cả ngày nay có lẽ tầm quan trọng của các tác phẩm trên chưa được đánh giá đúng.
· Oeuvres complètes, Paris, Vrin, 1973-1984, 10 vol.
Caillot E., La philosophie biologique de Cournot, Paris, Rivière, 1960. – Leroux, R., Cournot sociologue, Paris, PUF, 2004. – Ménard C., La formation d’une rationalité économique: A.-A. Cournot, Paris, Flammarion, 1978. – Robinet A. & Brun J. Dir., A. Cournot. Études pour le centenaire de la mort de Cournot, Paris, Vrin, 1978. – Vatin F., Économie politique et économie naturelle chez Antoine-Augustin Cournot, Paris, NXB PUF, 1998.  
Claude MÉNARD
Giáo sư các khoa học kinh tế Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne
® Ngẫu nhiên; Lao động
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire d’histoire et philosophie des sciences, Dominique Lecourt chủ biên, Paris, NXB PUF, 1999.
* * *

Cournot Antoine Augustin, 1801-1877

Sinh ở Gray và mất ở Paris, Cournot học lớp chuẩn bị thi tuyển vào trường Đại học sư phạm về khoa học. Ông trúng tuyển năm 1821, nhưng năm sau trường đóng cửa. Ông vào làm gia sư trong gia đình thống chế Gouvion Saint-Cyr đến năm 1833 và trợ giúp thống chế viết hồi kí. Đồng thời ông trình luận án về toán học năm 1829 và kể từ 1833 bắt đầu sự nghiệp hàn lâm, giáo sư đại học Lyon năm 1834, rồi từ 1835 viện trưởng Viện Đại học Grenoble và giáo sư phân khoa khoa học tự nhiên. Năm 1836 ông trở thành thanh tra bộ giáo dục và từ đó khởi đầu sự nghiệp công chức cấp cao: chủ tịch ban giám khảo kì thi thạc sĩ toán và viện trưởng Viện Đại học Dijon từ 1856 đến 1861.


Những tác phẩm đầu của ông là về kinh tế toán, Recherches sur les principes mathématiques de la théorie des richesses (Những nghiên cứu về các nguyên lí toán học của lí thuyết của cải) ([1838] 1980) và về xác suất, Exposition de la théorie des chances et des probabilités (Trình bày lí thuyết cơ may và xác suất) ([1843] 1984). Bước vào tuổi ngũ tuần, ông công bố, từ 1851 đến 1972, ba tác phẩm cơ bản Essai sur les fondements de nos connaissances et sur les caractères de la critique philosophique (Tiểu luận về những nền tảng của tri thức và những đặc tính của phê phán triết học) ([1851] 1975), Traité de l'enchaînement des idées fondamentales dans les sciences et dans l’histoire (Chuyên luận về sự liên kết các ý tưởng cơ bản trong các khoa học và trong sử học) ([1861] 1982), Considérations sur la marche des idées et des évènements dans les temps modernes (Cân nhắc về bước tiến triển của những ý tưởng và sự kiện trong thời hiện đại) ([1872] 1973) . Rồi năm 1875, trong Matérialisme, vitalisme, rationalisme (Duy vật, duy sinh và duy lí) ông trình bày triết lí của ông về tự nhiên và, vào năm 1877 trong Principes de la théorie des richesses, ông trình bày lại, dưới dạng không kĩ thuật, các công trình kinh tế của mình. Là thanh tra giáo dục và viện trưởng ông ghi lại những suy nghĩ về giáo dục trong Des institutions d’instruction publique en France (Về các định chế giáo dục công ở Pháp) ([1864] 1977).
Trong các công trình về các khoa học và sử học, Cournot đề cập đến nhiều vấn đề mà ngày nay vẫn còn được các nhà xã hội học quan tâm. Là người sáng lập kinh trắc học, Cournot phát triển những mô hình toán học đầu tiên sau này sẽ trở thành lí thuyết trò chơi không hợp tác, định nghĩa điều ngày nay được gọi là cân bằng Cournot-Nash và, khi làm viện trưởng viện đại học Dijon xác lập một tập những nghiên cứu thống kê đầu tiên về giáo dục công trong một viện đại học.
Adolphe Quetelet (1796-1874)

Ông nhấn mạnh là, tuy không nghi ngờ nguyên lí nhân quả, một vấn đề ngày nay vẫn được các nhà xã hội học quan tâm, nhưng chỉ làm rõ “tính độc lập của những nguyên nhân cùng hội tụ về” (Exposition, trang 55 và 282) và như thế soi sáng sự khác biệt giữa những “nguyên nhân ngẫu nhiên” và “nguyên nhân đều đặn”. Chính vào lúc thống kê được sử dụng trong các “khoa học đạo đức”, Cournot phê phán Con người trung bình của Quetelet, chỉ ra rằng “còn lâu mới là một điển hình của chủng loại, đơn giản là không thể có con người này” (nt., trang 144). Cuối cùng, ông dự cảm là “nếu cơ học thuần lí là một trong những đại lộ đưa chúng ta vào kinh tế thế giới” thì lí thuyết các tổ hợp (xác suất) trong tương lai sẽ mở cho chúng ta “đường đi về những hướng tiếp cận đa dạng hơn” (Considérations, trang 182) và sẽ là một chìa khoá mạnh hơn để đi sâu vào các quy trình của tự nhiên.
J.-B. Bossuet (1627-1704)

Cournot quan tâm đặc biệt đến lịch sử. Lấy cảm hứng từ Discours sur l’histoire universelle của Bossuet, ông nhận xét là, li lai những mối quan tâm, lịch sử có cùng một cấu trúc với điều mà ngày nay ta gọi là các trò chơi chiến lược: nếu các trò chơi gợi ý dạng của lịch sử thì lịch sử không thể có một “công thức khoa học” (Essai, trang 375); nếu ta trở ngược về thời gian, ta không thể tái hiện những tình thế ban đầu để từ đó triển khai các kịch bản nhân quả. Do vậy, tiên đoán là dễ dàng hơn là nói lại quá khứ.
Để hiểu rằng lịch sử vẫn kháng cự lại việc công thức hoá khoa học, chỉ cần xem xét các thể chế và kiểu hành động. Một sự phân đôi là cần thiết: “Thể chế cai quản là một chuyện, một định chế hành chính là một chuyện khác” (Institutions, trang 334). “Hành chính chỉ là một “khoa học ứng dụng vào cơ chế xã hội” (nt., trang 334). Hành chính xây dựng, sửa chữa, có khả năng cải tiến và có những chuyên gia. Nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề vì hầu hết các thể chế ngoài chiều kích hành chính còn chiều kích chính trị. Ứng với các khác biệt của các thể chế là những phương thức hành động khác nhau. Trong mỗi tình hình đặc thù, điều quan trọng là tách bạch các tác nhân và những động cơ cần tác động.
Quyết định hành chính và quyết định chính trị là tiêu biểu cho sự đối lập tổng quát hơn chi phối hành động con người và sự liên kết các sự vật: trong cả hai trường hợp, nguyên nhân đều đặn và nguyên nhân ngẫu nhiên đều đan xen nhau. Lí thuyết các cơ may giúp làm rõ những gì có tính quy luật và những gì có tính đặc thù. Khi mà sự lặp lại những biến cố là có thể, như trong các trò chơi may rủi, thì ý niệm xác suất có một ý nghĩa toán học rõ ràng; ngược lại khi phải ra quyết định trong một môi trường không biết hay thường thay đổi ta gặp phải “những xác suất không quy về được việc đếm các cơ may” (Exposition, trang 288-289). Đó là đa số các trường hợp: do đó, bằng một đánh giá chủ quan, phải gán một xác suất ít nhiều tuỳ tiện cho biến cố (được chờ đợi hay đáng quan ngại) và sau đó để cho xác suất này biến thiên tuỳ theo những thông tin nhận được qua kinh nghiệm, theo những phép tính mà bản thân chúng có tính chặt chẽ (ví dụ, xác suất có điều kiện, nguyên lí Bayes). Bằng cách này, việc tìm kiếm các nguyên nhân và phép tính xác suất củng cố mối liên hệ lẫn nhau.
Charles Darwin (1809-1882)
Tính đến các công trình của Ch. Darwin, Cournot nhận xét là con người hoàn toàn không đánh mất phẩm giá khi tự xem là thoát thai từ “một chất liệu cũ và sống động, nhiều lần được nhào nặn qua dòng chảy dài của thời gian” với điều kiện hiểu rằng “sự sinh thành không phải là một phả hệ” và “cây phả hệ bị gián đoạn khi một sự hun đúc kì diệu của chủng loại là cần thiết” (Matérialisme, trang 104). Đối với ông, trật tự nhân học nằm trong trật tự sinh học, nhưng không thu về trật tự này. Trong thực tế, tự nhiên không là một không gian liên tục mà có nhiều trật tự: “thế giới vật lí [...] giống như một giàn giáo chống đỡ thế giới của tổ chức sự sống. Giữa hai thế giới này có những quan hệ liên kết và giao thoa mật thiết hơn là những quan hệ cấy ghép và lắp ráp" (Matérialisme, trang 53). Hơn nữa Cournot nhận xét là con người có thể chế tạo những sản phẩm và phát minh những quá trình nhân tạo lồng vào các sinh thể và quá trình tự nhiên. Điều này là có thể vì có sự tương tự giữa những thao tác của tự nhiên và những hành động của con người. Trong một số trường hợp, con người có thể tái tạo những gì tự nhiên đã làm và, trong số những kiến tạo tri thức này, phân biệt những kiến tạo vốn chỉ là những hình ảnh nhất quán và những kiến tạo có giá trị tiêu biểu.
Như vậy, ông đặt ra một câu hỏi cơ bản có tính khoa học luận: “có cách nào để tách bạch điều gì [...] thuộc về bản chất của các sự vật bên ngoài và điều gì thuộc về vị thế, môi trường, cấu trúc của các cơ quan, tóm lại thuộc về sự cấu thành giác tính của chúng ta, như là kết quả của những quy luật tất yếu, của những khả năng bẩm sinh hay thói quen sở đắc" (Matérialisme, trang 199).
Thomas Kuhn (1922-1996)

Vừa khẳng định là có cho câu hỏi trên, Cournot, gần một thế kỉ trước Kuhn, Cournot phát triển một lí thuyết đáng chú ý về các cuộc cách mạng khoa học (Cournot, 1872). Để một cuộc cách mạng khoa học nổ ra, phải có những phản bác lí thuyết không thể vượt qua được trong khuôn khổ của khoa học hiện tồn, làm lung lay từ bên trong khoa học này và khi cuộc khủng hoảng được giải quyết bằng việc xây dựng lại các khái niệm, giả thiết và phương thức của kinh nghiệm (điều mà Cournot gọi là “chìa khoá” (Considérations, trang 174). Từ Ptolémée đến Copernic, đã không có cuộc “cách mạng” nào: “có sự thay thế một giả thiết hình học bằng một giả thiết hình học khác, song cơ học thiên văn, lí thuyết những lực tạo ra các chuyển động của các thiên thể chưa được đề cập đến, ngoại trừ những ước đoán chẳng có gì là khoa học [...] (nt., trang 91). Thế mà các cuộc cách mạng khoa học không xuất phát từ những ý tưởng siêu hình.
Cournot tạo cho chúng ta thói quen nghĩ rằng trong vũ trụ ta sống, ngẫu nhiên có một vị trí khách quan, được thừa nhận. Nguyên do học các biến cố là khả thể, nhưng nhân quả hiếm khi là tuyến tính. Do tự nhiên được hợp thành từ nhiều trật tự gắn kết với nhau nhưng khác nhau, nên nhiều biến cố trong lịch sử con người hay lịch sử tự nhiên xảy ra ở giao diện của những “thế giới nhỏ” vốn trước đó tách biệt và sau cùng gặp nhau. Và hơn thế nữa khi con người hiện đại đã trở thành một tác nhân tự nhiên. Qua đó, Cournot hiện ra như một nhà tư tưởng của một thế giới mở và phức hợp. Ông có một nhận thức sắc bén, trong suy tư của ông về hành động và xác suất, về điều gì là lặp lại được và điều gì là đặc thù: từ đó ông có một quan niệm sâu sắc về xác suất chủ quan.
Cuối cùng, nhà xã hội học về giáo dục sẽ tìm thấy trong những suy tư của nhà thực hành này một chất liệu phong phú về các định chế, chính sách giáo dục, các điều kiện của giáo dục công cộng trong một xã hội đang phát triển.
· Oeuvres complètes, Paris, Vrin, 1973-1984, 10 vol.
Brun J., Robinet A. (ed.), A. Cournot. Études pour le centenaire de sa mort (1877-1977) Actes de la table ronde (Dijon-Gray), Economica, 1978. – Leroux, R., Cournot sociologue, Paris, PUF, 2004. – Martin T., Probabilités et critique philosophique selon Cournot, Paris, Vrin, 1996. – Saint-Sernin, B., Paris, Vrin, 1998. – Vatin F., Économie politique et économie naturelle chez Antoine-Augustin Cournot, Paris, NXB PUF, 1998.   
Bertrand SAINT-SERNIN
Đại học Paris-Sorbonne (Paris IV)
® Kinh tế học và xã hội học; Toán học xã hội; Tiến bộ
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Dictionnaire de la pensée sociologique, Massimo Borlandi, Raymond Boudon, Mohamed Cherkaoui và Bernard Valade đồng chủ biên, Paris, NXB PUF, 2005.
Print Friendly and PDF