15.6.21

Đại dịch Covid-19 là một con thiên nga trắng

ĐẠI DỊCH COVID-19 LÀ MỘT CON THIÊN NGA TRẮNG

Đại dịch sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Ngay từ tháng 3 năm 2020, Nicholas Taleb đã nhắc lại điều này. Phân tích của ông về việc quản lý các kế hoạch cứu trợ cho lĩnh vực hàng không ở Hoa Kỳ vào lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng tạo điều kiện để tiếp tục suy nghĩ, thì châu Âu đang chuẩn bị triển khai kế hoạch phục hồi của họ.

Tác giả: Mark Spitznagel, Nassim Nicholas Taleb

Người dịch: Lucas Gourlet

Chính phủ Mỹ đang hành động để cứu vãn các hãng hàng không – Boeing và các hãng khác bị ảnh hưởng tương tự bởi cuộc khủng hoảng y tế[*]. Mặc dù chúng tôi đã nhấn mạnh, một cách rõ ràng đến việc cần phải cứu vãn các hãng này, thì có thể sẽ có những vấn đề đặt ra về đạo đức, kinh tế và cấu trúc liên kết với cách thức được chọn để thực hiện điều đó. Nếu nghiên cứu lịch sử các gói cứu trợ liên quan đến sự phá sản kinh tế, thì chắc chắn những vấn đề như trên sẽ xuất hiện.

Timothy Geithner (1961-)

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, nếu các gói cứu trợ các ngân hàng (và nhất là giới chủ ngân hàng) đã có thể diễn ra, thì đó là nhờ Timothy Geithner, khi đó là Bộ trưởng Tài chính, người đã đấu tranh cho giới lãnh đạo ngân hàng, chống lại Quốc hội và một số thành viên khác của chính quyền Obama. Giới chủ ngân hàng, những người chưa bao giờ mất nhiều tiền đến thế trong lịch sử hoạt động ngân hàng, đã nhận được khoản tiền thưởng lớn nhất trong lịch sử chưa đầy hai năm sau đó, vào năm 2010. Điều đáng ngờ là Geithner đã thừa hưởng một chức vụ được trả lương rất cao trong ngành tài chính chỉ vài năm sau đó.

Gói cứu trợ đó là một trường hợp trắng trợn của chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp, và là phần thưởng cho một ngành công nghiệp mà giới lãnh đạo đã bị người nộp thuế nắm thốp. Sự bất đối xứng (rủi ro đạo đức), và cái chúng tôi gọi là “tính tuỳ chọn” đối với giới chủ ngân hàng, có thể được diễn đạt theo cách thức như sau: nếu [đồng xu] ngửa thì giới chủ ngân hàng thắng, nếu xấp thì người đóng thuế thua. Hơn nữa điều đó không tính đến chính sách nới lỏng định lượng, vốn đã từng thổi phòng giá trị các tài sản và làm tăng sự bất bình đẳng bằng cách làm lợi cho giới siêu giàu. Đừng quên rằng các gói cứu trợ ngân hàng đi kèm với việc in tiền, khiến mức lương của tầng lớp trung lưu giảm xuống so với giá trị các tài sản – chẳng hạn như các căn hộ sang trọng ở Thành phố New York.

Nếu được cứu, đó là một tiện ích công cộng

Đầu tiên, không nên nhầm lẫn các hãng hàng không, với tư cách là một công ty hữu hình, với cấu trúc tài chính có liên quan. Cũng không nên nhầm lẫn số phận của những người làm việc ở các hãng hàng không với tình trạng thất nghiệp của đồng bào chúng ta, một điều có thể được bù đắp trực tiếp, chứ không phải gián tiếp, với những gì còn lại của các gói trợ cấp doanh nghiệp. Chúng ta nên học hỏi từ nhiệm kỳ của Geithner rằng việc cứu trợ người dân trên cơ sở nhu cầu của họ không giống với việc cứu trợ các doanh nghiệp trên cơ sở nhu cầu của chúng ta.

Do đó, việc cứu vãn một hãng hàng không không đồng nghĩa với việc trợ cấp các cổ đông và giới điều hành của hãng được trả lương rất cao, và làm tăng thêm rủi ro đạo đức trong xã hội; do thực tế giải cứu các hãng hàng không cho thấy vai trò hữu ích của các hãng này. Nếu xã hội thấy các hãng hàng không cần thiết đến với tư cách là hãng, thì tại sao giới quản lý các hãng lại có quyền lựa chọn? Liệu giới công chức có được hưởng một chính sách tiền thưởng hay không? Cần mở rộng cùng lập luận này chống lại việc cứu trợ gián tiếp bằng các nguồn vốn dự trữ, chẳng hạn như các quỹ phòng hộ và các chiến lược đầu tư vô tận, vốn rất dễ tiếp cận với các tài sản đó. Họ không hề có một chiến lược giảm thiểu rủi ro trung thực nào khác, ngoài sự phụ thuộc một cách ngây ngô và được đào tạo về các gói cứu trợ hoặc về cái được gọi, trong chuyên môn, là “điều mà Chính phủ đã quyết”.

Thứ hai, các doanh nghiệp này đã gây áp lực để có được các gói cứu trợ, rồi cuối cùng cũng có được từ các chính phủ thông qua các nhóm vận động hành lang của họ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra đối với một cửa hàng ăn uống nhỏ ở góc phố? Đối với người hướng dẫn du lịch độc lập? Đối với người huấn luyện cá nhân? Đối với người làm dịch vụ đấm bóp? Đối với người thợ cắt tóc? Đối với người bán xúc xích [hot-dog] sống bằng nghề du lịch ở các bậc thang của bảo tàng Met? Các nhóm người này không có đủ tiền để làm vận động hành lang và sẽ luôn bị phớt lờ.

Vật đệm chứ không phải nợ

Mark Spitznagel (1971-)

Nassim Nicholas Taleb (1960-)

Thứ ba, như chúng tôi đã nói ngay từ năm 2006, các doanh nghiệp cần có một vùng đệm để đối phó với sự bất trắc; chứ không phải là cần nợ (có nghĩa là công cụ giảm sốc ngược), mà cần các vật đệm. Mẹ thiên nhiên đã ban cho chúng ta hai quả thận trong khi chúng ta chỉ cần một quả. Tại sao như vậy? Vì sự không lường trước. Chúng ta không cần phải lường trước những sự kiện bất lợi cụ thể để biết rằng vật đệm là thứ cần thiết để giảm sốc. Điều này dẫn chúng ta đến vấn đề mua lại nợ. Tại sao chúng ta phải chi tiền đóng thuế để cứu trợ những doanh nghiệp đã chi tiền của họ (và thậm chí thường là tiền đi vay để tạo ra số tiền đó) để mua lại chính những cổ phiếu của họ (để các ông/bà tổng giám đốc có quyền lựa chọn), thay vì thành lập một quỹ dự trữ để dự phòng cho những ngày làm ăn tồi tệ? Các gói cứu trợ đó chỉ trừng phạt những người đã hành động một cách bảo thủ và gây hại cho họ về lâu dài, làm lợi cho những kẻ ngu và những kẻ chỉ biết thu lợi.

Đây không phải là một con thiên nga đen

Một số người khác cho rằng đại dịch là một “thiên nga đen”, tức là một sự kiện bất ngờ và không được chuẩn bị trước để đối phó nên có thể có thể tha thứ được. Cuốn sách mà họ thường trích dẫn là cuốn The Black Swan [Thiên nga đen] (do một trong các tác giả viết). Nếu đã đọc cuốn sách này, thì họ sẽ biết rằng một đại dịch toàn cầu như vậy đã được miêu tả, một cách rõ ràng trong cuốn sách như một con thiên nga trắng: một điều gì đó cuối cùng sẽ xảy ra, một cách chắc chắn. Một đại dịch gay gắt như vậy là điều không thể tránh khỏi, là kết quả của cấu trúc của thế giới hiện đại, và các hậu quả kinh tế của nó sẽ phức tạp hơn do sự gia tăng kết nối và tối ưu hóa quá mức. Trên thực tế, chính phủ Singapore – mà trong quá khứ chúng tôi đã tư vấn – đã chuẩn bị cho một tình huống như vậy với một kế hoạch cụ thể được vạch ra ngay từ năm 2010.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: La pandémie de Covid-19 était un cygne blanc, Le Grand Continent, ngày 14/01/2021.




Chú thích:

[*] Bài viết này, ban đầu, đã được đăng trên blog của Nassim Nicholas Taleb, Incerto, vào tháng 3 năm 2020.

Print Friendly and PDF