2.6.21

Covid-19: một mình Trung Quốc cung cấp 70% liều vắc-xin cho các nước đang phát triển

COVID-19: MỘT MÌNH TRUNG QUỐC CUNG CẤP 70% LIỀU VẮC-XIN CHO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Hubert Testard

Vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn vào ngày 7 tháng 5 năm 2021. (Nguồn: CFR)

Ngày nay, với ba loại vắc-xin mà nước này xuất khẩu, Trung Quốc là nhà cung cấp [vắc-xin] hàng đầu cho các nước đang phát triển: với hơn 700 triệu liều đã hứa, và 231 triệu liều được cung cấp. Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới, ngày 21 tháng 5, là cơ hội để Tập Cận Bình nhắc lại đề xuất một năm trước đó về việc biến việc tiêm ngừa coronavirus thành “sản phẩm công cộng toàn cầu”. Tuy nhiên, mức đóng góp của Trung Quốc vào nỗ lực đa phương do WHO khởi xướng với chương trình Covax còn ở mức khiêm tốn. Trung Quốc vừa thông báo sẽ cung cấp cho chương trình Covax 10 triệu liều vắc-xin Sinopharm vừa được WHO phê chuẩn. Nhưng Trung Quốc không có đóng góp tài chính nào, trong khi các cam kết đóng góp tài chính của các nước phương Tây đã lên đến 9 tỷ US$. Thực ra, Châu Á nói chung đang chơi rất ít con bài đa phương, ngoại trừ Nhật Bản.

Thiết chế đa phương được triển khai để chống lại đại dịch dựa trên một kiến ​​trúc công-tư bao gồm một cơ chế khung, ACT (Access to COVID-19 Tools, cơ chế làm tăng tốc khả năng tiếp cận các công cụ ngừa Covid-19). Thiết chế này có bốn trụ cột: vắc-xin, liệu pháp, chẩn đoán và trang thiết bị bảo vệ. Trụ cột vắc-xin được gọi là Covax. Nó được đồng điều hành bởi WHO và GAVI [Global Alliance for Vaccines and Immunisation], Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng được thành lập vào năm 2006, với các đối tác chính là WHO, UNICEF, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Bill và Melinda Gates.

NGUỒN TÀI TRỢ ĐA PHƯƠNG CỦA CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY

Công cụ theo dõi nguồn tài trợ cho Covax, được WHO cập nhật, cung cấp một cái nhìn chính xác về những cam kết, từ các lãnh vực công và tư, trong việc phân phối vắc-xin, trên cơ sở đa phương, vì lợi ích của các nước đang phát triển. Trong số 9 tỷ US$ cam kết để phân phối vắc-xin, đã có 8,5 tỷ US$ đến từ các chính phủ. Ba quốc gia đóng góp quan trọng nhất là Hoa Kỳ (2,5 tỷ US$, với tuyên bố đóng góp thêm 1,5 tỷ US$), Đức (1,8 tỷ US$, tương đương với 55% mức đóng góp của Liên minh Châu Âu) và Vương quốc Anh (1 tỷ US$). Châu Âu và Bắc Mỹ chiếm 85% nguồn tài trợ cho Covax trên toàn cầu.

Châu Á-Thái Bình Dương hiện diện rất ít [trên công cụ theo dõi nguồn tài trợ cho Covax] và không có quốc gia lớn nào trong khu vực – Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia – có đóng góp tài chính. Chỉ có Nhật Bản (376 triệu US$), Úc và New Zealand xuất hiện trên bảng theo dõi nguồn tài trợ của WHO, cũng như đóng góp không đáng kể của Hàn Quốc và Singapore, lần lượt với 10 triệu và 5 triệu US$. Nhìn chung, mức đóng góp của châu Á-Thái Bình Dương chỉ cao hơn 5% một chút.

Về phía nguồn tài trợ tư nhân, trị giá khoảng 440 triệu US$, sự thống trị của các nước phương Tây thậm chí còn mạnh hơn. Không có công ty đa quốc gia lớn nào của Trung Quốc hoặc châu Á xuất hiện trong bảng kết toán của WHO, trong khi một mình Quỹ Bill và Melinda Gates đã cung cấp 40% các nguồn tài trợ này. Châu Á đang vận động nhiều hơn để sản xuất vắc-xin, như ví dụ của Hàn Quốc, quốc gia đang thành công trong việc đặt cược trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc-xin chính trên thế giới.

SAU KHI ẤN ĐỘ RÚT LUI, TRUNG QUỐC RẢNH TAY

Có thể tóm tắt tổng quát về mặt số học việc phân phối vắc-xin ngừa coronavirus trên toàn thế giới như sau: đã có 1,7 tỷ liều được tiêm, trong đó có 1 tỷ liều ở các nước đang phát triển và 700 triệu liều ở các nước phát triển vào hôm thứ Ba, ngày 25 tháng 5. Trong số 1 tỷ liều được phân phối cho các nước đang phát triển, Trung Quốc đã tiêm chủng cho hơn một phần ba dân số của họ (527 triệu liều) và xuất khẩu 250 triệu liều (300 triệu liều, theo lời của Tập Cận Bình) thông qua các công ty Sinovac, Sinopharm và Cansino. Ấn Độ ban đầu cũng có chính sách xuất khẩu đầy tham vọng dựa trên việc sản xuất theo giấy phép vắc-xin AstraZeneca, nhưng kể từ cuối tháng 3 và với sự bùng nổ đại dịch trở lại trên lãnh thổ họ, đất nước của thủ tướng Narendra Modi đã rút lui khỏi cuộc cạnh tranh quốc tế [về sản xuất vắc-xin] và tái tập trung vào việc giải quyết đại dịch cho người dân họ, làm cho Trung Quốc rảnh tay.

Ở giai đoạn này, kênh đa phương trong việc phổ biến vắc-xin [ngừa Covid-19] trở thành một mục tiêu thứ cấp. Chương trình Covax chỉ mới phân phối được 71 triệu liều, tính đến ngày 25 tháng 5, cho 125 quốc gia là đối tượng được hưởng, đó là những quốc gia có mức thu nhập thấp hoặc thu nhập trung bình, chiếm khoảng 15% số liều vắc-xin được sử dụng ở các quốc gia này.

Bảng thống kê dưới đây giúp có được một so sánh chính xác hơn về số lượng liều vắc-xin được Trung Quốc và chương trình Covax cung cấp. Các số liệu này dựa trên ba nguồn khác nhau: công cụ theo dõi vắc-xin của báo Financial Times về số liều vắc-xin đã được tiêm chủng, công cụ theo dõi vắc-xin Trung Quốc của Bridge Consulting Group về việc phân phối vắc-xin Trung Quốc ở các nước đang phát triển, và công cụ Reuters Factbox về việc phân phối vắc-xin của chương trình Covax.

Số lượng liều vắc xin ngừa Covid-19 được Trung Quốc và chương trình Covax cung cấp

Các nước đang phát triển theo khu vực trên thế giới

Số lượng liều vắc xin (triệu) do Covax cung cấp

(tính đến ngày 25/05/2021) *

Số lượng liều vắc xin (triệu) do Trung Quốc cung cấp

(tính đến ngày 21/05/2021) **

Số lượng liều vắc xin (triệu) đã được tiêm chủng

(tính đến ngày 25/05/2021) ***

Đông Âu ngoài EU, Thổ Nhĩ Kỳ và Caucasus

1,5

25,8

35

Châu Á-Thái Bình Dương

(trừ Trung Quốc và Ấn Độ)

16,4

113

73

Châu Phi

20,2

19

28

Trung Đông

1,4

-

6

Châu Mỹ La Tinh

13

68

141

TỔNG CỘNG

52,5

231

291

Nguồn:  Reuters, ngày 25/05/2021; **Bridge Consulting, ngày 21/05/2021; ***Financial Times, ngày 25/05/2021

Bảng so sánh số lượng liều vắc-xin ngừa Covid-19 được Trung Quốc và sáng kiến ​​Covax cung cấp, tính đến ngày 21 và ngày 25 tháng 5 năm 2021. (Thực hiện: Hubert Testard / Nguồn: Reuters, Bridge Consulting, Financial Times)

Một số nhận xét về bảng so sánh nói trên. Công cụ Reuters Factbox ghi nhận 52,5 triệu liều cho Covax theo từng quốc gia, trong khi Covax lại công bố con số tổng cộng là 71 triệu liều, chắc chắn bao gồm cả số liều vắc-xin sẽ được giao trong những tuần sắp tới. Nhìn chung, tốc độ chuyển giao vắc-xin của Covax bị chậm lại đáng kể, do sự rút lui của Ấn Độ, nhà cung cấp chính của họ.

Việc phân phối vắc-xin theo từng quốc gia và liều vắc-xin nhận được theo từng dân số không khớp nhau vì hai lý do. Ở một số quốc gia, có một khoảng cách khá lớn giữa số liều vắc-xin nhận được và số liều vắc-xin được phân phối cho người dân. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác có mức thu nhập trung bình đã đặt hàng mua trực tiếp với các nhà cung cấp phương Tây, điều này giải thích lý do vì sao ở châu Mỹ Latinh, tổng số liều vắc-xin nhận được cao hơn đáng kể so với tổng số liều vắc-xin nhận được từ Covax và Trung Quốc. Ví dụ, Chile đã nhận được 10 triệu liều vắc-xin Sinovac, 0,5 triệu liều từ Covax và 7 triệu liều được mua trực tiếp từ các nhà cung cấp phương Tây.

Số lượng liều vắc-xin mà Trung Quốc đã cung cấp chiếm một phần ba cam kết của các công ty Trung Quốc, lên tới tổng cộng 707 triệu liều cho năm 2021. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã viện trợ 20,8 triệu liều, tức một nỗ lực đóng góp tài chính trị giá vào khoảng 400 triệu US$.

CHÍNH SÁCH XUẤT KHẨU VÀ VIỆN TRỢ CÓ CHỌN LỌC

Trung Quốc đã nhắm đến một số quốc gia chủ chốt trong chính sách xuất khẩu vắc-xin của họ: Indonesia, Philippines, Pakistan và Thái Lan ở châu Á, Hungary và Serbia ở châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Tiểu Á, Ai Cập và Maroc ở châu Phi, Brazil, Mexico và Chile ở châu Mỹ Latinh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở Trung Đông. Họ đã biết kết hợp một số quốc gia nói trên với các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba cho vắc-xin của họ, giúp họ không phải chờ sự phê chuẩn của WHO để xuất khẩu ồ ạt. Mức viện trợ của Trung Quốc trong các đợt chuyển giao vắc-xin là rất nhỏ, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn đối với châu Á và châu Phi.

Tuy nhiên, sự phân bổ xuất khẩu vắc-xin của Trung Quốc, theo khu vực, cho thấy một mức vận động khá yếu đối với châu Phi trong giai đoạn này. Đây là châu lục duy nhất mà hành động đa phương của chương trình Covax ở mức ngang bằng với các vắc-xin Trung Quốc. Ngược lại, mức vận động đối với châu Á thì mạnh hơn nhiều, với một ngoại lệ lớn là Ấn Độ – một tình huống có thể làm thay đổi việc WHO phê chuẩn vắc xin của công ty Sinopharm và sắp tới là của công ty Sinovac –, và điều này còn ngoạn mục hơn ở châu Mỹ Latinh.

Vắc-xin Trung Quốc không phải là loại rẻ nhất – giá của chúng cao hơn rất nhiều so với vắc-xin của AstraZeneca và so với vắc-xin của Pfizer hoặc Moderna – và cũng chẳng phải là loại hiệu quả nhất – chúng có chất lượng tương đương với vắc-xin AstraZeneca và thấp hơn đáng kể so với vắc-xin mRNA [vắc-xin di truyền dựa trên công nghệ RNA thông tin, như của BioNtech hoặc Moderna – ND]. Nhưng Trung Quốc đã có vắc-xin rất nhanh, nhờ sự gần như biến mất của đại dịch ở Trung Quốc, và dựa vào một chính sách ngoại giao rất tích cực, liên kết giữa viện trợ với các hiệp định hợp tác và đồng sản xuất.

Các nhà cung cấp Trung Quốc, giống như AstraZeneca, có kế hoạch dựa vào một mạng lưới các trung tâm sản xuất để tăng nhanh năng lực thương mại hóa vắc-xin của họ trên quy mô toàn cầu. Đã có hàng chục đối tác công nghiệp ở các quốc gia chủ chốt – Brazil, Mexico, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập, Indonesia, Pakistan – sẵn sàng mang lại tiềm năng sản xuất bổ sung thêm vài trăm triệu liều vắc-xin ngay từ năm 2021, với việc Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho họ các thành phần dược hoạt tính, mà Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn trên thế giới.

Tính chọn lọc [trong chính sách] của Trung Quốc đôi khi có một bước ngoặt mang tính chính trị rất cao. Ngay khi vắc-xin của Sinopharm được WHO phê chuẩn, Trung Quốc đã tán tỉnh Đài Loan, mà chương trình tiêm chủng đang diễn tiến rất chậm, đồng thời lại ve vãn các nước Trung Mỹ hiện đang là những nước vẫn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao. Ngày 12/5, Tổng thống Honduras đã thông báo ý định mở văn phòng liên lạc thương mại với Bắc Kinh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua vắc-xin Trung Quốc. Để chống lại sự nhích lại gần hơn với Trung Quốc, Hoa Kỳ có vẻ như sẵn sàng ưu tiên phân phối 80 triệu liều vắc-xin dành cho các nước nghèo, theo tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cho những nước Trung Mỹ nào vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

TRẬN ĐẤU CHỈ MỚI BẮT ĐẦU

Nếu bức tranh phân phối vắc-xin toàn cầu hiện nay thuận lợi cho Trung Quốc, thì mọi thứ vẫn có thể thay đổi rất nhanh. Các nhà cung cấp vắc-xin chính của phương Tây đã tăng cường các thông báo, trong những tuần gần đây, kể từ khi ý tưởng chuyển giao bắt buộc quyền sở hữu trí tuệ được [tổng thống Hoa Kỳ] Joe Biden ủng hộ và khi điều đó đã trở thành một thách thức đàm phán ở WTO.

Công ty Pfizer, cho đến nay đã cung cấp 450 triệu liều vắc-xin chủ yếu cho các nước phát triển, tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới, đã công bố ý định cung cấp một tỷ liều vắc-xin với giá gốc cho các nước đang phát triển ngay trong năm nay, và hai tỷ liều vắc-xin trong vòng 18 tháng. AstraZeneca, công ty có số liều vắc-xin được chương trình Covax sử dụng phần lớn cho các đợt chuyển giao vắc-xin, tự tin có thể sản xuất ba tỷ liều vắc-xin trong năm nay, bằng cách dựa vào 15 quốc gia mà công ty có ký kết thỏa thuận sản xuất. Một tuyên bố có vẻ phi thực tế, khi xem lại những trục trặc của phòng thí nghiệm Anh-Thụy Điển này trong việc chuyển giao vắc-xin cho Liên minh Châu Âu. Về phần mình, hai công ty Trung Quốc Sinopharm và Sinovac ước tính năng lực sản xuất chung của họ ở mức ba tỷ liều vắc-xin cho năm 2021. Viện Huyết thanh của Ấn Độ, một nhà thầu phụ của AstraZeneca, tự thân cũng có năng lực sản xuất một tỷ liều vắc-xin. Nếu các thông báo nói trên thành hiện thực, thì thế giới sẽ không thiếu vắc-xin.

Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ở các nước phát triển vẫn đang diễn ra sôi nổi, nhưng tốc độ tiêm chủng đang tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Một số quốc gia châu Á đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc-xin, tuy có muộn, vì đại dịch từng ảnh hưởng ở mức độ vừa phải. Sự bùng nổ trở lại gần đây của đại dịch ở Malaysia, Thái Lan hoặc Nhật Bản đang dẫn đến một sự tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, vốn phải dựa nhiều vào vắc-xin của phương Tây, nếu có sẵn để cung cấp.

Cuộc tranh luận về quyền sở hữu trí tuệ, mà thách thức chính liên quan đến vắc-xin mRNA – cuộc cách mạng khoa học thực sự duy nhất vào lúc này –, vì thế có thể mất đi tính thời sự. Đây chắc chắn không phải là một điều xấu bởi vì, tùy vào khả năng đảm bảo việc mở rộng chương trình tiêm chủng vắc-xin với giá cả phải chăng, để không bỏ rơi bất kỳ quốc gia nào, thì sẽ là điều đáng tiếc nếu tái tạo lại lược đồ của ba mươi năm trước, khi mà khả năng sáng tạo đổi mới bắt đầu trong các phòng thí nghiệm ở các nước phương Tây lại tập trung việc sản xuất, công ăn việc làm và xuất khẩu vào các nước Châu Á đang phát triển.

Hubert Testard

Giới thiệu tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính cho ASEAN, trong 20 năm, ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Ông cũng đã tham gia soạn thảo nhiều chính sách của châu Âu, đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay là những cuộc đàm phán với các nước châu Á. Từ 4 năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, NXB Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, NXB Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp Đại học Ena và Sciences Po.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Covid-19 : en solo, la Chine fournit 70 % des vaccins pour les pays en développement, Asialyst, ngày 28/05/2021.

----

Những bài có liên quan:

Print Friendly and PDF