24.6.21

Sự phi thực dân hoá bất khả thi của ngành khoa học xã hội Pháp?

SỰ PHI THỰC DÂN HÓA BẤT KHẢ THI CỦA NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI PHÁP?

Stéphane Dufoix[*]

Hình vẽ trên tường của họa sĩ Monkey Bird, ở đầu đường vào đại học Nanterre.

Sau cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia của tờ Journal du dimanche vào ngày 25 tháng 10, một diễn đàn quy tụ một trăm học giả trên Le Monde đã tiến hành việc bảo vệ nhận xét của vị bộ trưởng này về “chủ nghĩa cánh tả Hồi giáo (islamo-gauchisme)” nhưng cũng về nguy cơ được các hệ tư tưởng sau thể hiện:

“các ý thức hệ duy bản địa (indigénisme), thuần chủng tộc (racialisme) “phi thực dân (décoloniale)” (được chuyển từ các đại học ở Bắc Mỹ về), “rất hiện hữu” trong các trường đại học và “nuôi dưỡng sự căm thù “Người da trắng” và nước Pháp.”

Pierre-André Taguieff (1946-)
Stéphane Dufoix (1970-)

Nó giống như một điệp khúc nhàm chán lặp đi lặp lại. Trong hai năm qua, thường là vào mùa thu, một nhóm trí thức và học giả cho xuất bản trên một nhật báo hay một tạp chí một văn bản tập thể tố giác sự chi phối mà một tổ hợp chính trị và ý thức hệ không rõ ràng (lờ mờ), tự khoác cái áo hào nhoáng của khoa học, đã có thể áp đặt, trong những năm gần đây, trên đại học và rộng hơn trên thế giới trí thức.

Vào tháng 11 năm 2018, chính “chiến lược bá chủ của nhóm này đã bị tố cáo trong tạp chí Le Point. Vào tháng 12 năm 2019, trên tạp chí L'Express lần này và theo sự xúi giục của Pierre-André Taguieff, “những kẻ rao hàng bịp bợm thời hậu thực dân” đã bị chỉ trích vì nhìn thấy chủ nghĩa thực dân ở khắp mọi nơi và vì muốn tìm kiếm “sự đáng kính về mặt học thuật” trong Đại học Pháp.

Các sự đơn giản hóa chính trị, lịch sử và trí tuệ

Jean-Michel Blanquer (1964-)

Từ các văn bản khác nhau này, có ít nhất ba điểm chung có thể được rút ra gắn với “tổ hợp lờ mờ” này:

“một sự chi phối mang tính bá chủ”: “ma trận trí tuệ” (để sử dụng cách diễn đạt của bộ trưởng bộ giáo dục Jean-Michel Blanquer) được đề cập có lẽ đang thống trị trong ngành khoa học xã hội Pháp và sẽ chiếm lĩnh các trường đại học và trường lớn.

Như vậy, Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi vào tháng 8 năm 2020 khi danh sách “các bài nên đọc trong mùa hè được công bố trên tài khoản Instagram của mình, bao gồm một số tập trung vào vấn đề chống phân biệt chủng tộc và “đặc quyền của người da trắng” ở Hoa Kỳ.

Các sách được khuyên nên đọc trong mùa hè trên trang của Sciences Po, trong số những cuốn sách khác về cuộc đấu tranh cho sinh thái, xã hội và về đại dịch, cũng như về tiểu thuyết và văn học tiếng Anh. Sciences Po
Một số tờ báo sau đó đã quyết định đả kích sự lựa chọn này được xem, ngược lại, như là một sự quảng bá cho các nhóm chuyển tải các nhận xét “theo thuyết mâu thuẫn giữa các chủng tộc/racialisme” hoặc “phân biệt chủng tộc/racisme”. Trong số những tờ báo này, có Valeurs Actuelles, Figaro-étudiantMarianne.

một dự án chống phương Tây: ma trận này có sự cố kết riêng của nó, một sự đồng nhất mà đặc điểm là sự bản chất hóa các bản sắc, gán cho mọi thứ một giới tính, một chủng tộc, một dân tộc mỗi khi mà điều này giúp lên án những người da trắng, người Châu Âu hay người Phương Tây.

Một tư tưởng ngoại lai: nó đến từ “các làng đại học ở Bắc Mỹ”, những nơi thực sự cung cấp những tư tưởng theo thuyết duy bản chất theo đó các bản sắc gắn với các “cộng đồng” (về dân tộc, giới tính, tính dục, tôn giáo, chủng tộc, v.v.) dựa trên một mô hình “đa văn hóa”.

Eric Zemmour(1958-)

Trong số nhiều diễn đàn nêu lên những quan điểm này, một câu của nhà luận chiến Eric Zemmour tóm tắt tư tưởng ​​chung. Ông ta công kích cuốn sách Les impostures de l'universalisme (Những sự bịp bợm của thuyết phổ quát) của nhà hoạt động và học giả Louis-Georges Tin như một mô hình của “nền tảng của hệ tư tưởng (đến từ Mỹ) đang ngự trị hiện nay trong trường đại học Pháp.

Tuy nhiên, những thành kiến ​​và tư thế này, thường mang tính chất chiến đấu hơn là học thuật, che khuất một lịch sử tri thức lâu dài và phức tạp hơn.

Hiểu các từ hậu thực dân (post colonial), phi thực dân (décolonial)

Louis-Georges Tin (1974-)
Các từ “hậu thực dân” và “phi thực dân” lần lượt xuất hiện trong giới khoa học xã hội vào đầu những năm 1980 và đầu những năm 1990, chủ yếu ở Anh và Hoa Kỳ.

Chúng phản ánh một tư tưởng mà mục đích chủ yếu là thay đổi cách nhìn nhằm ghi nhận ưu thế của tư tưởng chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của thế giới phương Tây và đối lập nó với những cách nhìn khác.

Nếu từ đó, chúng đã có được sức mạnh học thuật đáng kể ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như ở Đức, chúng chủ yếu chiếm một vị trí truyền thông và chính trị ở Pháp, nhưng việc giảng dạy chúng vẫn còn rất hiếm. Việc này lại càng hiếm vì nó hầu như không phù hợp với tổ chức giáo dục đại học của Pháp vốn chủ yếu dựa trên các ngành ở Pháp, trong khi các nghiên cứu này chủ yếu có tính đa ngành và liên ngành.

Hơn nữa, chúng ta không thể đặt vào cùng một giỏ học thuật số lượng rất lớn và vô cùng đa dạng các nghiên cứu hậu thực dân đang được triển khai trên thế giới (đặc biệt nếu chúng ta nhìn ra ngoài nước Pháp).

Ranajit Guha (1922-)

Tương tự như vậy, một số phong trào liên quan có thể xây dựng cơ sở của tính chính đáng riêng của chúng trên sự khác biệt của chúng so với các trào lưu khác thường được coi là hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, các nghiên cứu phi thực dân được cấu trúc một cách có ý thức xung quanh việc bác bỏ các tham chiếu được coi là quá “phương Tây” của các nghiên cứu hậu thực dân.

Nhưng tất cả những trào lưu này đều nhắm tới sự lch tâm của tư tưởng và yêu cầu phải tính đến các nền văn hóa và tư tưởng dân gian. Chúng ta có thể nghĩ đến các Cultural studies (Nghiên cứu Văn hóa) Anh hoặc các Subaltern Studies (Nghiên cứu hạ đẳng) của Ấn Độ. Các người đứng đầu Subaltern Studies, ví dụ như Ranajit Guha, đã đề xuất phân tích những thời điểm của lịch sử Ấn Độ qua con mắt của những nhóm bị đặt bên lề xã hội nhất hoặc bị thống trị nhất như nông dân, tiện dân, phụ nữ, v.v., chống lại các câu chuyện “thực dân” hoặc “chủ nghĩa dân tộc” về cùng lịch sử này.

Đặc điểm của các trào lưu khác nhau mà chúng tôi đã đề cập ở trên là muốn thay đổi cách nhìn vào thực tế bằng cách làm cho nó phức tạp hơn, ít lấy Châu Âu làm trung tâm hơn, ít mang tính bá quyền và tinh hoa hơn.

Thuyết trình của nhà lý thuyết Gayatri Chakaborty Spivak, một người đứng đầu khác của PostcolonialSubaltern Studies, về ch đứng của khoa học xã hội.

Suy nghĩ khác về thế giới và những người sống trong đó

Như vậy, vấn đề của tính giao thoa, bị J. M. Blanquer phê phán, là một khái niệm giúp chúng ta có thể giải bản chất hóa (dé-essentialiser), tức là không rút gọn về một loại hình duy nhất, các cá nhân và nhóm mà chúng ta thảo luận /khảo sát.

Chính lập luận này được một tập hợp các tạp chí khoa học xã hội đề xuất trong một văn bản tập thể đăng trên Le Monde vào ngày 4 tháng 11 khi nhấn mạnh vào thực tế rằng nó “chính xác là một trong những công cụ quan trọng để giải bản chất hóa thế giới xã hội.

Từ trái sang phải: André Schaeffner, Jean Mouchet, Georges Henri Rivière, Michel Leiris, le baron Outomsky, Marcel Griaule, Éric Lutten, Jean Moufle, Gaston-Louis Roux, Marcel Larget.

Các thành viên của Phái đoàn Dân tộc học Dakar-Djibouti tại Bảo tàng Dân tộc học Trocadéro, tháng 5 năm 1931. Trong nhiều năm, có vẻ như đã có ước định rằng kiến ​​thức và “sự hiểu biết (sachant)” hoàn toàn thuộc về thế giới phương Tây. Charles Mallison/Wikimedia, CC BY-ND

Chính nhờ những khái niệm và những lý thuyết này mà đặc biệt ta có thể suy nghĩ khác về các hiện tượng phi thực dân hóa bằng cách không chỉ coi chúng là những hiện tượng giải phóng khỏi sự thống trị về chính trị, kinh tế và quân sự mà còn bằng cách hiểu chúng như là các quá trình dài hơn cũng đòi hỏi sự phi thực dân hóa của tâm trí.

Thật vậy, cái thực dân – như là một chế độ thống trị - luôn đòi hỏi, trong suốt thời gian chiếm đóng, sự hạ thấp giá trị, thậm chí là cả một công cuộc phá hủy các tri thức “bản địa” vì lợi ích của tri thức của người thực dân.

Nguồn gốc Bắc Mỹ mạo xưng

Không thể giới hạn các phương pháp tiếp cận bị chỉ trích trong các diễn đàn này vào nguồn gốc Bắc Mỹ (của chúng).

Như các tác giả của phản kiến ​​nghị “Hướng tới một kiến thức phê phán và giải phóng trong nghiên cứu và giáo dục đại học” nhấn mạnh:

“Lời buộc tội” này sẽ khiến chúng tôi mỉm cười nếu nó không ngụ ý rằng bất kỳ hình thức tư duy nào lấy cảm hứng và được nuôi dưỡng từ bên ngoài trên nguyên tắc sẽ bị nghi ngờ.

Nó cũng minh chứng cho sự thiếu kiến ​​thức lớn về cơ chế lưu thông quốc tế của các ý tưởng cũng như về tầm quan trọng rộng lớn của những công trình này gần như khắp thế giới.

Nhà tư tưởng và nhà sử học Achille Mbembé, mà các tác phẩm được lưu truyền khắp thế giới nói tiếng Pháp và Anglo-Saxon, trong cuộc gặp gỡ do Le Monde tổ chức tại Le Mans, 2018.

Régis Debray (1940-)
Làm thế nào để không thấy ở đó cũng có dấu vết của sự đối lập giữa “những người cộng hòa” và “những người dân chủ”, được Régis Debray dựng lên vào năm 1989 để đối lập những người cộng hòa ủng hộ phong trào Khai sáng và thuyết phổ quát, với những người dân chủ ủng hộ các thiểu số và mô hình của các cộng đồng.

Sự đối lập này đã cho phép những người theo chủ nghĩa tân cộng hòa của Pháp từ ba mươi năm nay đoàn kết xung quanh sự cần thiết đấu tranh chống lại chủ nghĩa chính thống Hồi giáo và bảo vệ các giá trị cộng hòa, để chống lại cái gọi là mô hình được gọi là “dân chủ” và “đa văn hóa” của Hoa Kỳ và từ đó, xây dựng Pháp như một khuôn mẫu của chủ nghĩa phổ quát, do đó kích hoạt lại chủ nghĩa chống Mỹ đã ăn sâu vào lịch sử.

Thoát khỏi mô hình nhị phân tại trường đại học

Tuyên ngôn 100 nhân vật đề xuất điều mà nhiều nhà nghiên cứu coi là sự giản lược và một sự ngả về một quan niệm về thế giới mang tính phân cực thiện/ác nguy hiểm, trái ngược với những gì mà chính khoa học xã hội bảo vệ: bất kỳ ai không lên tiếng chống lại chủ nghĩa được cho là “chủ nghĩa cánh tả Hồi giáo” đều bị xem như là người bảo vệ chủ nghĩa khủng bố hoặc ít nhất là người cổ vũ cho một xã hội bị chủng tộc hóa và dân tộc hóa.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu trong khoa học xã hội bác bỏ mô hình nhị phân này trong khi vẫn kiên quyết chống lại tất cả các thuyết bảo căn. Đây là cái giá phải trả cho sự tự do và sự cởi mở của khoa học.

Các tác giả của diễn đàn “Cuộc tấn công này vào tự do học thuật là một cuộc tấn công vào Nhà nước pháp quyền dân chủ”, đăng trên tờ Le Monde ngày 4 tháng 11 năm 2020, có lý khi nhấn mạnh vào sự phi lý phải coi “những kẻ khủng bố như đã được hướng dẫn bởi “các nghiên cứu phi thực dân” mà chính họ không biết sự tồn tại”.

Đúng là sự “bức tử tư tưởng” theo nghĩa mà nhà sử học và nhà chính trị học Achille Mbembé gắn cho từ này (“idéicide”), quá trình này thật sự ngụ ý một sự thiếu hiểu biết về các tác giả độc đáo - điều này không cấm ta phê phán các công trình của họ - của các trào lưu khác nhau trên, hoặc ít nhất là một sự miễn cưỡng thực sự để làm cho công chúng Pháp có thể dễ tiếp cận chúng, trên các kệ của các hiệu sách cũng như trên băng ghế của giảng đường.

Silvia Rivera, nhà nghiên cứu người Bolivia, tại hội thảo về toàn cầu hóa và các quyền bản địa ở miền bắc Chile, 2011. LizChezca/Wikimedia, CC BY

Nếu tên của Edward Saïd, Stuart Hall hoặc Paul Gilroy đã có được một sự phổ biến nhất định qua các bản dịch hoặc lời bình, thì đó không phải là trường hợp của bà Silvia Rivera Cusicanqui người Bolivia, Aníbal Quijano người Peru, Gloria Evangelina Anzaldúa người Mỹ, Walter Mignolo người Argentina hay Enrique Dussel người Mexico gốc Argentina để chỉ giới hạn trong các ví dụ từ lục địa Mỹ.

“Tinh thần bị giam cầm (captif)” và “tinh thần độc chiếm (captateur)”

Chúng ta có thể đi xa hơn một chút. Trong một bài báo xuất bản năm 1974 trên Revue Internationale des Sciences sociales (Tạp chí Khoa học Xã hội Quốc tế), nhà xã hội học người Malaysia Syed Hussein Alatas đã suy nghĩ về cách các sinh viên của ông ở Singapore thực tế là “những tinh thần bị giam cầm” trong các khái niệm và lý thuyết được thiết kế ở Phương Tây, và tái tạo chúng đến mức chính họ trở thành “những tinh thần độc chiếm” những “tinh thần bị giam cầm” trong tương lai.

Tính đa dạng: buổi diễn thuyết của nhà xã hội học Indonexia Syed Husein Alatas về các Tinh thần bị giam cầm, 2007

Điều gì đúng với một xã hội thuộc địa cũng đúng với một xã hội thực dân. Các hình thức kiến ​​thức, dạy học và học nghề được kế thừa từ lịch sử đế quốc của chúng ta đã không biến mất. Chúng vẫn còn hiện diện: là “những tinh thần bị giam cầm” trong truyền thuyết của chính chúng ta, chúng ta cũng là những “tinh thần thu hút” đối với những sinh viên của chúng ta bằng cách giới hạn chân trời của họ vào chân trời Pháp. Chúng ta cũng cần phải phi thực dân hóa các khoa học xã hội của chúng ta.

Sáng tạo một chủ nghĩa phổ quát khác

Ở đây cũng thế, từ đó cũng đáng sợ. Từ khi nào “phi thực dân hóa” đã trở thành một từ đáng ghê tởm? Từ khi nào nó đã không còn tương thích với các giá trị của khoa học? Nếu chủ nghĩa phổ quát khoa học không tính đến các thuộc tính văn hóa và xã hội của cả các cá nhân và cả các ý tưởng, thì làm sao nó có thể đồng thời đả kích các đại học Bắc Mỹ hoặc tố cáo lập trường “ý thức hệ của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội?

Anouar Abdel-Malek (1924-2012)

Alberto G. Ramos (1915-1982)
Ở đây, có một sự mâu thuẫn trong thực tế bởi vì những người bảo vệ chủ nghĩa phổ quát không làm những gì họ tuyên bố bảo vệ và họ không thừa nhận rằng có thể có nhiều định nghĩa về chủ nghĩa phổ quát, trong khi phần lớn các tác giả không phải là người phương Tây (Anouar Abdel-Malek, Alberto Guerreiro Ramos, Paulin Hountondji, v.v.), những người chỉ trích “sự bất công về mặt khoa học luận của sự thống trị của phương Tây đã không làm như vậy nhân danh một sự rút về bản sắc đơn giản của họ nhưng dưới danh nghĩa của một chủ nghĩa phổ quát khác cần được sáng tạo.
Paulin Hountondji (1942-)

Jean-François Bayart (1950-)
Hơn nữa, câu hỏi phức tạp về sự phi thực dân hóa khoa học xã hội ngụ ý nắm bắt hai khía cạnh mà một phiên bản triệt để của chủ nghĩa phổ quát không cho phép: khả năng “xác định (vị)” về mặt xã hội những gì các tác nhân xã hội nói và làm, cũng như sự cần thiết phải chứng minh kiến ​​thức tốt về lịch sử, như Jean-François Bayart gần đây đã nhắc lại trong việc tố cáo chủ nghĩa cánh tả Hồi giáo.

Năm 1976, Pierre Bourdieu suy nghĩ về cách mà quá khứ của “khoa học” thực dân đã tạo thành một trong những trở ngại khoa học luận chính đối với “sự phi thực dân hóa thực sự của khoa học xã hội trong một xã hội mới được phi thực dân hóa gần đây” và ông hoàn toàn không phải là người duy nhất sử dụng cách diễn đạt này vốn hoàn toàn không phải là đặc quyền của các phong trào chính trị gần đây.

Các cuộc biểu tình kêu gọi dỡ bỏ tượng Cecil Rhodes, Thủ tướng của Thuộc địa Cape ở Nam Phi từ năm 1890 đến năm 1896.

Một số chương trình phi thực dân hóa xã hội học, triết học hoặc nhân học hiện đang tồn tại - đặc biệt là kể từ khi có phong trào Rhodes Must Fall ở Nam Phi vào năm 2015 - ở một số nước châu Âu, đặc biệt là ở Anh - tại LSE (London School of Economics), tại SOAS (School of Oriental and African Studies), tại Oxford hoặc Cambridge - bằng cách cố gắng thẳng thắn đặt lên bàn những thách thức mà việc mở các tiến trình đào tạo đặt ra khiến chúng cởi mở hơn với các luồng tư tưởng không phải phương Tây, và những quy tắc nhằm mở rộng không gian tham chiếu đến các tác giả không phải phương Tây.

Trọng lượng phù hợp chính đáng của các từ

Trong một diễn đàn được Libération xuất bản vào ngày 26 tháng 10 năm 2020, Paul-André Taguieff viết:

“Những cuộc tranh cãi về từ ngữ không nên ngăn cản chúng ta nhìn thấy thực tế phũ phàng, đặc biệt là khi nó trái ngược với mong đợi của chúng ta hoặc xúc phạm thành kiến ​​của chúng ta.

Khủng bố là một thực tế không thể nào chịu đựng được. Còn ai phủ nhận điều này trong ngành khoa học xã hội Pháp? Không ai, không nghi ngờ gì. Nhưng từ ngữ không phải là không dính líu gì đến sự hiểu biết hoặc không thấu hiểu của chúng ta về những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Chúng không bao giờ có thể bị tịch thu nhân danh một tầm nhìn khoa học, trí tuệ và chính trị đơn giản và hầu như không biết gì về những tư tưởng mà nó đề cập. Để cảnh giác, chúng ta cần phải mở mắt và gỡ bỏ những tấm chắn tầm nhìn.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: L'impossible décolonisation des sciences sociales francaises, The Conversation, 10.11.2020

----

Những bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Stéphane Dufoix là Giáo sư Xã hội học tại Đại học Paris-Nanterre (phòng thí nghiệm Sophiapol) và là giáo sư tại Sciences-Po Paris.

Ông nghiên cứu lịch sử của các khái niệm và xã hội học lịch sử của khoa học xã hội. Ông chịu trách nhiệm về Hội thảo Xã hội học Toàn cầu tại Trường Đại học Nghiên cứu Toàn cầu.

Print Friendly and PDF