6.6.21

Sự sụp đổ của đồng Bitcoin: tội phạm mạng và mức tiêu thụ điện năng quá mức, mặt ẩn của tiền mã hoá

SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐỒNG BITCOIN: TỘI PHẠM MẠNG VÀ MỨC TIÊU THỤ ĐIỆN NĂNG QUÁ MỨC, MẶT ẨN CỦA TIỀN MÃ HOÁ

Ngày 21 tháng 5 năm 2021

Donia Trabelsi

Phó Giáo sư về Tài chính, Trường Kinh doanh thuộc Học viện Institut Mines-Télécom (IMT)

Michel Berne

Nhà kinh tế, Giám đốc nghiên cứu (đã nghỉ hưu), Trường Kinh doanh thuộc Học viện Institut Mines-Télécom (IMT)

Sondes Mbarek

Phó Giáo sư về Tài chính, Trường Kinh doanh thuộc Học viện Institut Mines-Télécom (IMT)

Mức độ phổ biến của tiền mã hoá không ngừng tăng lên, trong số đó đặc biệt là đồng Bitcoin nổi tiếng nhất. Karen Bleier/AFP

-20% đối với đồng dogecoin, - 19% đối với đồng ethereum, - 22% đối với đồng definity, công nghệ blockchain, với tham vọng vô bờ bến, thế mà lần huy động gần đây từng được coi như là một khởi đầu nhanh như chớp: hôm thứ Tư, ngày 19 tháng 5, sẽ được ghi nhận là ngày xảy ra sự sụp đổ nghiêm trọng của tiền mã hoá. Trong số đó, đồng Bitcoin, được biết đến nhiều nhất, đã giới hạn thiệt hại ở mức 8,5% ($ 39.587) sau khi đã giảm -30% trong ngày. Nó đã mất 39% giá trị so với giá trị kỷ lục đạt được vào tháng Tư.

Elon Musk, từ một thần tượng, đã trở thành kẻ tội đồ trên thị trường tiền mã hoá. Odd Andersen/AFP

Ngày nay, rất ít đồng mã hoá, trong số 5.000 đồng coin có thể thống kê được, có được một mức tăng trưởng cao. Những lần mới ra đời nhất? Đồng “FuckElon” hoặc đồng coin “StopElon”, tên gọi của chúng nói rất nhiều về danh tính của người chịu trách nhiệm cho đợt giảm giá lần này mà trên thực tế, đã bắt đầu từ hơn một tuần qua.

Cựu thần tượng của thế giới tiền mã hoá, Elon Musk, nhà lãnh đạo mang tính biểu tượng của công ty ô-tô Tesla, từ nay có vẻ như bị các thị trường [tiền mã hoá] coi là một Judas [kẻ phản bội] mới. Thậm chí, những người sáng lập đồng coin “StopElon” còn tuyên bố có tham vọng làm tăng giá đồng mã hoá mới của họ với mục đích mua lại các cổ phiếu [của công ty] Tesla và trục xuất [Elon Musk] khỏi vai trò lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, mức giảm giá tương đối nhỏ của đồng Bitcoin dường như có thể được giải thích bởi các tín hiệu trấn an từ nó.

Vào tuần trước, Elon Musk đã châm ngòi nổ, khi thông báo sẽ không còn nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin khi mua xe của Tesla, trong khi vào tháng 3, ông đã tuyên bố theo hướng ngược lại. Ông thậm chí còn ám chỉ Tesla có thể bán lại toàn bộ số đồng Bitcoin của họ. Vào đầu tháng 5, với tư cách là khách mời của chương trình truyền hình hài Saturday Night Live [SNL], ông đã làm cho đồng dogecoin lao dốc, một đồng tiền mà ông vừa ủng hộ, khi nói từ “lừa bịp” trong một clip ngắn.

Lý do được đưa ra? Tính độc hại của tiền mã hoá đối với hành tinh, các giao dịch sử dụng tiền mã hoá đòi hỏi một mức tiêu thụ điện rất cao. Tiền mã hoá là một ý tưởng hay ở nhiều cấp độ và chúng tôi tin vào tương lai đầy hứa hẹn này, nhưng không nên thực hiện điều đó khi bắt môi trường phải trả giá cao”, theo tuyên bố của người đồng thời thực hiện các dự án vũ trụ của SpaceX.

Trung Quốc dường như cũng đóng một vai trò nào đó trong các sự kiện của ngày thứ Tư hôm đó. Thực vậy, trong khi đang trên đà tung ra đồng nhân dân tệ số hoá, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố cấm các định chế tài chính sử dụng tiền mã hoá. Nhà phân tích Fawad Razaqzada của công ty môi giới trực tuyến Thinkmarkets, vào ngày hôm qua, đã bình luận: “Sau sự trở mặt của Tesla, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm vết thương khi tuyên bố tiền ảo không nên và không thể được sử dụng trên thị trường, bởi vì đó không phải là tiền thực”.

Giá đồng bitcoin đã tăng lên trong những tháng gần đây.

Biểu đồ tăng giá bằng đồng US$ của đồng bitcoin, từ tháng 1 năm 2011

Nếu có thể đặt vấn đề về tầm ảnh hưởng của một người duy nhất lên giá các tài sản đó, những tài sản mà từ một năm nay đã biết đến một thời kỳ tạm lặng sóng gió ấn tượng, thì những tuyên bố mới nhất và sự trở mặt của người đó, ít nhất, đặt ra vấn đề về đạo đức đối với các tài sản đó. Công trình của chúng tôi chỉ ra cho thấy có ít nhất hai loại vấn đề.

Thị trường Darknet và Mã độc “tống tiền” [Ransomware]

Câu hỏi về đạo đức của tiền mã hoá gắn chặt với bản chất và sự vận hành của các tài sản đó. Thật vậy, tiền ảo không liên kết với bất kỳ cơ quan hoặc định chế chính phủ nào hết. Hệ thống đồng Bitcoin thậm chí còn được thiết kế, một cách rõ ràng, để tránh phụ thuộc vào các thực thể trung gian truyền thống đáng tin, chẳng hạn như ngân hàng, và thoát khỏi sự giám sát của ngân hàng trung ương. Do đó, về nguyên tắc, giá trị của tiền ảo phụ thuộc hoàn toàn vào sự tín nhiệm và tính trung thực của người dùng, cũng như vào tính an toàn của một thuật toán có khả năng theo dõi tất cả các giao dịch.

Tuy nhiên, do tính ẩn danh, thiếu các quy định nghiêm ngặt và thiếu cơ sở hạ tầng, tiền mã hoá cũng có khả năng thu hút những nhóm người tìm cách sử dụng chúng theo cách gian lận. Vả lại, những quan ngại về mặt điều tiết quản lý liên quan đặc biệt đến việc sử dụng chúng trong các hoạt động giao dịch bất hợp pháp (ma túy, vi phạm bản quyền và trộm cắp, nội dung khiêu dâm bất hợp pháp), các cuộc tấn công mạng, khả năng tài trợ khủng bố, rửa tiền và trốn thuế.

Như vậy, các hoạt động giao dịch bất hợp pháp chiếm không dưới 46% các giao dịch bằng đồng Bitcoin trong giai đoạn 2009-2017, trị giá xấp xỉ 76 tỷ US$ mỗi năm trong giai đoạn này, tức tương đương với quy mô các thị trường buôn bán ma túy bất hợp pháp của Mỹ và châu Âu. Tính đến tháng 4 năm 2017, khoảng 27 triệu người tham gia thị trường tiền Bitcoin đều sử dụng chủ yếu vì các mục đích bất hợp pháp.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về tội phạm mạng liên quan đến việc sử dụng tiền mã hoá ngày nay vẫn là thị trường chợ đen trực tuyến Silk Road (“Con đường tơ lụa”). Trên thị trường chợ đen trực tuyến chuyên buôn bán ma túy, darknet, người ta chỉ có thể truy cập được internet bằng những giao thức đặc biệt, việc thanh toán chỉ được thực hiện bằng tiền mã hoá.

Vào năm 2019, 8% các yêu cầu hỗ trợ từ các chuyên gia và được gửi đến trang mạng www.cybermalveillance.gouv.fr đều liên quan đến mã độc tống tiền [Ransomware]. Báo cáo của Ủy ban Thông tin Thượng viện số 613 (2019-2020) của Bà Sophie JOISSAINS và Ông Jacques BIGOT, được soạn thảo thay mặt Ủy ban Các vấn đề về Châu Âu và Ủy ban Pháp luật, lưu hồ sơ ngày 9 tháng 7 năm 2020

Năm 2014, vào lúc mà giá đồng Bitcoin vào khoảng 150 US$, việc FBI bắt giữ hơn 4 triệu US$ tiền Bitcoin trên thị trường chợ đen trực tuyến Silk Road (Con đường tơ lụa) đã cho thấy quy mô của vấn đề mà các cơ quan điều tiết phải đối mặt. FBI, sau đó, đã ước tính số tiền này tương đương với gần 5% tổng giá trị kinh tế của đồng Bitcoin.

Tiền mã hoá cũng tạo điều kiện cho việc lan truyền các cuộc tấn công của mã độc tống tiền [ransomware], một phần mềm độc hại chặn quyền các công ty truy cập vào chính dữ liệu của họ và chỉ mở khóa [mã độc đó] khi nhận được tiền chuộc bằng tiền mã hoá. Một nghiên cứu được các nhà nghiên cứu của Google thực hiện đã tiết lộ rằng các nạn nhân đã trả hơn 25 triệu US$ tiền chuộc từ năm 2015 đến năm 2016. Ở Pháp, theo một báo cáo của Thượng viện được đệ trình vào tháng 7 năm 2020, các mã độc tống tiền này liên quan đến 8% các yêu cầu hỗ trợ từ các chuyên gia trên trang web cybermalveillance.gouv.fr,3% các yêu cầu hỗ trợ từ các cá nhân.

Tài sản thâm dụng năng lượng

Các loại tiền mã hoá chính sử dụng một lượng điện năng rất lớn để “đào” tiền, có nghĩa là mức điện năng mà các máy tính hoạt động để tạo ra tiền và xác thực các giao dịch. Thật vậy, hai loại tiền ảo chính, đồng Bitcoin và đồng ethereum, đòi hỏi những tính toán phức tạp và tiêu tốn năng lượng cực kỳ cao.

Đối với đồng Bitcoin, theo trang mạng Digiconomist, mức tiêu thụ năng lượng cao nhất là từ 60 đến 73 TWh vào tháng 10 năm 2018. Trên cơ sở tính toán theo năm, thì vào giữa tháng 4 năm 2021, các con số này đã xấp xỉ từ 50 đến 120 TWh, tức nhiều hơn mức tiêu thụ năng lượng của một quốc gia như Kazakhstan. Các con số này thậm chí còn ấn tượng hơn khi tính trên mỗi giao dịch: vào ngày 6 tháng 5 năm 2019, con số đó là 432 KWh và hơn 1000 KWh vào giữa tháng 4 năm 2021, tức là mức tiêu thụ điện hàng năm của một studio rộng 30m² ở Pháp.

Thường có một so sánh phổ biến khác với hệ thống thanh toán điện tử Visa, vốn đòi hỏi một mức tiêu thụ năng lượng trên dưới 300.000 lần ít hơn so với mức tiêu thụ năng lượng của đồng Bitcoin cho mỗi giao dịch. Không thể lấy các con số để có một so sánh mang tính tuyệt đối, nhưng các con số đó minh họa khá rõ các giao dịch bằng đồng Bitcoin tiêu tốn năng lượng cực kỳ cao so với các giao dịch điện tử thông thường.

Làm thế nào để đạt được sự cân bằng?

Có nhiều giải pháp để giảm chi phí và tác động về mặt năng lượng của đồng Bitcoin, chẳng hạn như sử dụng năng lượng xanh hoặc tăng hiệu quả năng lượng của các máy tính chuyên dụng đào và khai thác đồng tiền.

Tiền mã hoá: các vấn đề về đạo đức và môi trường (FNEGE Médias, tháng 7 năm 2020).

Tuy nhiên, công nghệ tin học vẫn cần cải tiến nhiều hơn nữa theo hướng đó. Trên hết, mức thù lao của những người đào tiền để mở khóa các đồng Bitcoin kế tiếp và xác thực các giao dịch, được cho là sẽ giảm trong tương lai, buộc họ phải tiêu tốn năng lượng nhiều hơn nữa để đảm bảo một mức thu nhập như trước.

Những người khởi xướng công nghệ này tin rằng sự sáng tạo đổi mới, mà đại diện là đồng Bitcoin, sẽ thúc đẩy một thị trường toàn cầu tự do và kết nối thế giới về mặt tài chính. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, vẫn rất khó để tìm ra sự cân bằng giữa việc thúc đẩy một công nghệ tiên tiến với việc ngăn chặn tội phạm và tác động môi trường.

Giới thiệu tác giả

Donia Trabelsi

Donia Trabelsi

Donia Trabelsi là Phó giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Học viện Institut Mines-Télécom, và là thành viên của phòng thí nghiệm nghiên cứu LITEM. Sau bằng Thạc sĩ 2 nghiên cứu về Tài chính Thị trường, bà lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne về chủ đề vốn mạo hiểm. Các lĩnh vực nghiên cứu của Donia Trabelsi thuộc lĩnh vực thị trường tài chính và tài chính doanh nghiệp, và tập trung chủ yếu vào lãnh vực tài trợ đổi mới, vốn mạo hiểm và huy động vốn từ cộng đồng. Bà là tác giả cuốn Le capital risque de la levée de fonds au désinvestissement [Vốn mạo hiểm từ việc huy động quỹ đến thoái vốn], NXB ISTE éditions, và gần đây là khách mời biên tập cho số đặc biệt “Crowdfunding: la Finance autre? [Huy động vốn từ cộng đồng: một ngành tài chính khác]” của tạp chí Revue Française de Gestion.

Michel Berne
Sondes Mbarek
Michel Berne

Nhà kinh tế, Giám đốc nghiên cứu (đã nghỉ hưu), Trường Kinh doanh thuộc Học viện Institut Mines-Télécom.

Sondes Mbarek

Phó Giáo sư giàu kinh nghiệm về Tài chính Doanh nghiệp, với quá trình làm việc lâu năm trong ngành giáo dục đại học. Bà có chuyên môn sâu về Tài chính Doanh nghiệp, Hoạch định Chiến lược, Nghiên cứu và Ngôn ngữ Anh. Chuyên gia tài chính giỏi, với bằng Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, Quản trị Doanh nghiệp từ Đại học Paris Dauphine. Lãnh vực nghiên cứu của bà bao gồm nhiều chủ đề như huy động vốn từ cộng đồng, quản trị doanh nghiệp, giới và hiệu quả hoạt động của công ty, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, v.v..

Tuyên bố công khai

Các tác giả không làm việc cho, tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kì công ty hoặc tổ chức nào hưởng lợi từ bài viết này, và tuyên bố không có bất cứ mối quan hệ phụ thuộc nào khác ngoài những công việc mang tính học thuật.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Krach du Bitcoin : cybercriminalité et surconsommation d’électricité, la face cachée des cryptomonnaies, The Conversation, ngày 21/05/2021.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF