12.6.21

Các nước ‘không Covid’ bị mắc bẫy trong chiếc lồng vàng như thế nào

CÁC NƯỚC ‘KHÔNG COVID’ BỊ MẮC BẪY TRONG CHIẾC LỒNG VÀNG NHƯ THẾ NÀO

Ngày 06/06/2021

Khi đưa ra một bản tổng kết y tế mẫu mực, thì các nước ‘không Covid-19’ đang đối mặt với một sự bùng phát lây nhiễm, trong khi việc tiêm ngừa virus cho người dân họ đã bị tụt lại phía sau.

Tác giả: Quang Pham

Nhà báo, chuyên mục Khoa học và Môi trường

WILLIAM WEST VIA AFP. Một người qua đường trước tấm biển khuyến khích người dân ở nhà tại Melbourne vào ngày 28 tháng 5, trong khi thành phố trải qua một đợt phong tỏa mới.

CORONAVIRUS – Đó là gáo nước lạnh giội vào người dân Melbourne. Vào ngày 2 tháng 6 vừa qua, nhà chức trách đã thông báo gia hạn phong tỏa thêm bảy ngày ở thành phố lớn thứ hai của Úc. Trên thực tế, Úc đang đối mặt với một sự trỗi dậy trở lại của coronavirus, khi xuất hiện biến thể virus được gọi là biến thể Delta, hay biến thể Ấn Độ, trên lãnh thổ họ, một biến thể virus có khả năng lây nhiễm nhiều hơn. Thế mà, đất nước này lại là một trong những nước giỏi nhất trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Úc, giống như New Zealand, Đài Loan, Singapore, Việt Nam hoặc Trung Quốc, là những nước được gọi là ‘không Covid’, có nghĩa là áp dụng một chiến lược diệt trừ coronavirus, được một số nhà dịch tễ học coi là công thức chiến thắng để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng kể từ tháng 5, tất cả các nước này đã hứng chịu những “áp lực mạnh mẽ từ virus”, theo lời giải thích, cho trang Huffpost, của nhà dịch tễ học Antoine Flahault và giám đốc Viện Y tế Toàn cầu (ISG) tại Đại học Geneva, người ủng hộ việc áp dụng chiến lược ‘không Covid’. Với làn sóng virus mới hiện nay, chiến lược ‘không Covid’, từng được một số người cho là mẫu mực, dường như cũng bộc lộ những giới hạn của nó.

Chiến lược ‘không Covid’ đã tỏ ra hiệu quả ...

Thoạt nhìn, sự trỗi dậy này của coronavirus ở các nước ‘không Covid’ có thể gây ngạc nhiên. Bởi vì chiến lược ‘không Covid’ đó, cho đến nay, đã tỏ ra hiệu quả, đặc biệt ở các nước Châu Á Thái Bình Dương. Với chiến lược ‘không Covid’, Đài Loan có thể tự hào khi tổng cộng chỉ có 46 ca tử vong do Covid-19, nước có tỷ lệ tử vong thấp hơn gần 900 lần so với số ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận ở Pháp. Để đạt được những kết quả khả quan đó, họ đã triển khai các biện pháp quyết liệt để kiểm soát và loại bỏ virus.

Antoine Flahault (1960-)
“Nguyên lý là hành động từ rất sớm trong thời gian có dịch bệnh, ngay từ những ca lây nhiễm đầu tiên”, theo phân tích của Antoine Flahault, bằng cách thiết lập các điểm phong tỏa kiểm dịch bắt buộc, đóng cửa biên giới, truy soát các ca nhiễm bệnh và cách ly, một chính sách không khoan nhượng đối với coronavirus. Một số nước khác, như Nhật Bản, hướng tới việc áp dụng một chiến lược ‘không Covid’ mang tính “ít độc đoán hơn”, theo cách nói giảm nhẹ của nhà dịch tễ học, và chỉ có một mục tiêu là giảm thiểu tối đa sự lưu hành của coronavirus.

Các nước này đã được tôn vinh với bản tổng kết y tế của họ, nhưng tính khả thi của việc phổ cập hóa chiến lược ‘không Covid’ ở châu Âu vẫn đang được tranh luận. Thực vậy, chiến lược ‘không Covid’ đã được chứng minh là hiệu quả ở các quốc đảo hoặc các nước có điều kiện khí hậu thuận lợi, như ở Úc và New Zealand. Và “việc triển khai các biện pháp cực kỳ quyết liệt ở các nước dân chủ là điều rất khó”, theo lời của giáo sư François Balloux, người điều hành Viện di truyền học của trường Đại học London, khi được trang Huffpost liên hệ.

... cho đến khi virus quay trở lại

Và các biện pháp theo chủ trương của chiến lược ‘không Covid’ đã tỏ ra không đủ sức ngăn chặn một đợt bùng phát dịch bệnh mới từ những ca lây nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài. Như ở Đài Loan, nơi phi hành đoàn một hãng hàng không trở về từ Hoa Kỳ đã mang về biến thể virus “Alpha”, hay biến thể virus Anh, trên quốc đảo này. Vì lý do kinh tế, thời gian cách ly các phi công và tổ bay đã giảm xuống còn 3 ngày, dẫn đến việc xuất hiện ổ dịch tại khách sạn nơi họ đã lưu trú.

Như đài BBC đã đưa tin, ảo tưởng về cảm giác an toàn bởi một sự kiểm soát “chặt chẽ đối với bên ngoài, nhưng lỏng lẻo ở bên trong đã khiến các cơ quan y tế sở tại hạ thấp mức độ cảnh giác. Ở Úc, theo tiết lộ của Antoine Flahault, chính thông qua những khách sạn được sử dụng để cách ly và sự phá vỡ các quy định y tế, mà các vụ xâm nhập của virus đã diễn ra, một cách tình cờ.

Antoine Flahault nhắc lại rằng việc dịch bệnh tái phát ở các nước ‘không Covid’, mặc dù có quy mô đáng kể, tuy thế, vẫn thấp hơn so với châu Âu. Ông nhấn mạnh: “‘không Covid’ vẫn là một chiến lược chiến thắng.” Thực vậy, Đài Loan chỉ có từ 400 đến 500 ca lây nhiễm mỗi ngày so với hơn 8.000 ca lây nhiễm mỗi ngày ở Pháp.

Bẫy ‘không Covid’

Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng y tế hiện nay bộc lộ một sự bế tắc mang tính dài hạn: chiến lược ‘không Covid’ không tương thích với sự di chuyển tự do của con người và việc mở cửa biên giới”, theo phân tích của Giáo sư François Balloux.

“Chiến lược ‘không Covid’ thực sự là một trạng thái cân bằng không ổn định. Ngay cả khi loại bỏ được virus tại địa phương, vốn là điều rất khó, luôn có nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài”, theo nhận định của nhà dịch tễ học. Trừ phi có thể loại bỏ được virus trên toàn thế giới, chiến lược ‘không Covid’ chỉ có thể là một chiến lược mang tính chuyển tiếp.”

François Balloux
“Có một cái bẫy mà các nước ‘không Covid’ đã tự rơi vào, đó là việc đóng cửa biên giới. Tôi ủng hộ việc kiểm soát biên giới chứ không phải đóng cửa biên giới, bởi vì rất khó để thoát khỏi logic này”, nhà dịch tễ học Antoine Flahault bồi thêm.

Làm thế nào để các nước ‘không Covid’ có thể mở cửa lại biên giới của họ? Đối với François Balloux, điều đó diễn ra thông qua việc tiêm ngừa virus, giải pháp duy nhất mang đến khả năng miễn dịch cần thiết để kiểm soát dịch bệnh.

Giáo sư nói: “Việc thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế mang tính lâu dài là làm cho virus trở thành thành một bệnh thường xuyên mang tính địa phương, giống như bệnh cúm theo mùa, với tỷ lệ mắc bệnh tương đối vừa phải”. Với một chủng virus mang tính đặc hữu, thì con người miễn dịch thông qua việc tiêm ngừa virus. Khi bị phơi nhiễm lại với virus, thì họ sẽ có những triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

‘Không Covid’, không vắc-xin

Nhưng chính trên bình diện mức độ bao phủ tiêm ngừa virus, thì các nước ‘không Covid’ đang bị tụt hậu rất xa. Chỉ có 2% người dân Úc đã được tiêm hai liều vắc-xin, ở Đài Loan con số này là 1%. Nhật Bản, nước chỉ mới tiêm ngừa virus cho 8% người dân của họ, vừa mới cho phép sử dụng vắc-xin Moderna và AstraZeneca trên lãnh thổ họ, do các yêu cầu của quy trình phê chuẩn các sản phẩm y tế đòi hỏi các nghiên cứu lâm sàng bổ sung.

François Balloux nói: “Có một nhân tố tâm lý ở đây. Các nước châu Á và châu Đại Dương cảm thấy ít quan tâm hơn đến việc tiêm ngừa virus” vì cảm giác an toàn, vốn đã củng cố sự do dự đối với vắc-xin. Đối với Đài Loan, mong muốn “không phải cạnh tranh với các nước khác để có được vắc-xin khi cần ở những nước khác, cũng đóng một vai trò nhất định.

Nhưng từ nay, các nước ‘không Covid’ đang cố gắng bắt kịp [sự tụt hậu trong việc tiêm ngừa virus] bằng mọi giá. Vì thế, Úc đã đặt hàng mua 25 triệu liều vắc-xin từ nhà sản xuất Moderna. Về phía Đài Loan, họ đã đặt hàng mua hơn 30 triệu liều vắc-xin cho dân số 23 triệu người của họ. Tuy nhiên, nước này tuyên bố phải hứng chịu sự cản trở từ Trung Quốc trong nỗ lực mua vắc-xin của phòng thí nghiệm Pfizer của Đức.

Dù có chiến lược ‘không Covid’ hay không, tất cả các nước, từ nay, có vẻ như đều có chung một mục tiêu: kiểm soát dịch bệnh, tiêm ngừa virus cho toàn bộ người dân của mình và cuối cùng là mở cửa lại biên giới. Nhưng Antoine Flahault cảnh báo, “nếu chỉ tiêm ngừa virus ở châu Âu hoặc Hoa Kỳ thôi thì điều đó sẽ không hiệu quả, sẽ luôn có những biến thể virus mới có khả năng kháng vắc-xin. Nếu muốn thoát khỏi tình trạng nguy hiểm hiện nay, thì cần tiêm ngừa virus cho toàn hành tinh một cách khá nhanh. Đó là điều mà ta đã làm với bệnh bại liệt và bệnh sởi hoặc bệnh đậu mùa.”

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Comment les pays “zéro Covid” se sont retrouvés piégés dans une cage dorée, Huffington Post, ngày 06/06/2021.

Print Friendly and PDF