27.6.21

Giới khoa học báo động nhưng giới chính trị không làm gì cả... Có thật đơn giản vậy không?

GIỚI KHOA HỌC BÁO ĐỘNG NHƯNG GIỚI CHÍNH TRỊ KHÔNG LÀM GÌ CẢ… CÓ THẬT ĐƠN GIẢN VẬY KHÔNG?

Tác giả: Sélim Louafi[*]

Tháng mười năm 2015, chủ tịch của GIEC, Hoesung Lee (người đầu tiên bên trái) gặp gỡ tổng thống François Hollande tại điện Élysée. ERIC FEFERBERG/POOL/AFP

Với đại dịch Covid-19, nghiên cứu khoa học đã được đẩy lên mặt tiền của quang cảnh truyền thông. Tuy nhiên động tác này không mới; nó đi theo con đường đã được mở ra từ bốn mươi năm nay, đặc biệt là đối với những thách thức về môi trường.

Dù đó là những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu hay đa dạng sinh học – được đặc trưng bởi những mức độ rất cao về sự phức tạp và những điều không chắc chắn về mặt khoa học và bởi những bất đồng sâu sắc về các giá trị và lợi ích giữa các tác nhân -, khoa học vẫn được yêu cầu rất mạnh để giúp xác định các vấn đề, xây dựng các giải pháp hay đánh giá các chính sách đang được thực hiện.

Tầm vóc chính trị của nghiên cứu

Không có tuần nào mà không có một nghiên cứu mới nhắc nhở chúng ta về sự nghiêm trọng của các thách thức về môi trường. Song song đó, lại xác nhận một thực tế thường quá rõ ràng khi cần chuyển những báo cáo đầy lo lắng này thành những hành động chính trị mạnh mẽ: không có gì xảy ra cả!

Giới chính trị thường bị trách cứ, còn bản thân giới khoa học thì như thế nào? Và phải chăng vấn đề không hành động cũng xuất phát từ khoa học và từ khó khăn của nó khi phải suy nghĩ một cách thích hợp về các chiều kích chính trị của các đối tượng và các cách thực hành việc tạo ra tri thức?

Ở đây chúng ta trở lại với một vài ý tưởng rập khuôn vốn tồn tại bền bỉ và đã ngăn cản không cho thấy những mối quan hệ thường phức tạp giữa khoa học và chính trị.

Định kiến 1: Đó là lỗi của chính trị

Khoa học có mặt để tạo ra các tri thức khách quan và trung lập, mà giới chính trị có thể sử dụng để quyết định trên cơ sở được thông tin tốt nhất.

Đó là ý tưởng rập khuôn phổ biến nhất. Hệ quả của nó đã được biết rất rõ: nếu không có quyết định nào cả, thì đó là lỗi của giới chính trị thiếu tham vọng hay thiếu can đảm, để thúc đẩy những lợi ích đã được thiết lập và thoát ra khỏi logic ngắn hạn.

Theo cách nhìn này, khoa học đạt được sự khả tín bằng cách tránh xa chính trị càng nhiều càng tốt. Trước tiên là thiết lập một sự đồng thuận giữa các nhà khoa học trước khi trình bày cho những người ra quyết định.

Các chẩn đoán từ những đồng thuận này nhằm mục đích tác động lên giới chính trị như một “cú sốc điện”. Rủi thay ta phải xác nhận rằng những tác động của nó biến mất cũng nhanh chóng như khi nó xuất hiện.

Trong lĩnh vực chiến đấu chống lại sự suy thoái của đa dạng sinh học, IPBES (Diễn đàn chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái) đã xuất trình gần mười báo cáo từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 2012 mà vấn đề này vẫn không được đưa vào chương trình nghị sự chính trị một cách cụ thể và đủ tham vọng.

Định kiến 2: Phẫn nộ với chính sách của các chuyên gia

Giới chính trị có tiếng nói đầu tiên và tiếng nói sau cùng: họ chất vấn các nhà khoa học, lấy quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng.

Cách tiếp cận kỹ trị này thường bị chê bai, nhưng khủng hoảng Covid, ít nhất là trong giai đoạn đầu, đã khơi lại quan điểm về một nền khoa học phục vụ cho quyết định chính trị.

Mặt khác, trong những cuộc thương thuyết quốc tế về môi trường, ý tưởng rập khuôn này vẫn là một hệ quy chiếu mạnh để bảo đảm tính ưu tiên của những gì được cho là chính đáng hay không chính đáng để hội nhập vào một tiến trình ra quyết định. Khoa học được yêu cầu sản xuất ra những tri thức thích đáng về mặt chính trị, nhưng nó không thể chỉ đạo các quyết định cần lấy. Khẩu hiệu này tạo nên câu thần chú luôn luôn đầy quyền lực bên trong IPBES hay GIEC (Groupe d'experts intergouvernemental sur l'évolution du climat – Nhóm chuyên gia liên chính phủ về diễn biến của khí hậu).

Định kiến 3: Mỗi người đều dùng người khác

Chính trị biến khoa học thành công cụ để chính đáng hóa các quyết định đã được lấy. Ngược lại, khoa học đẩy mạnh một số chủ đề để thu hút sự chú ý đến chúng và để đạt được tài trợ.

Lối nhìn cay độc này về mối quan hệ giữa khoa học và chính trị rất được nhiều người chia sẻ. Vụ tai tiếng Climategate vào tháng 11 năm 2009, khi các nhà nghiên cứu của Climatic Research Unit (Phòng Nghiên cứu khí hậu) ở Anh bị cáo buộc đã ngụy tạo các dữ liệu để tăng cường nhận định về tác động của hoạt động con người lên biến đổi khí hậu, đã gây nên rối ren đến tận bên trong Nhóm chuyên gia liên chính phủ về diễn biến của khí hậu -GIEC.

Những hoạt động công cụ hóa như vậy có thể hiện hữu, tuy nhiên chúng không phổ biến đối với toàn bộ các mối quan hệ giữa khoa học và chính trị, với sự xem thường các thách thức cơ bản đã được phân tích cặn kẽ hay những qui trình được thiết lập để tránh những lệch hướng như vậy (các tuyên bố lợi ích, công bố các dữ liệu trên các bài báo, v.v.).

Xa hơn các định kiến: các mối quan hệ chồng chéo, sáng tạo và năng động hơn nhiều

Hai ý tưởng rập khuôn đầu tiên cùng chia sẻ một cách nhìn về chính trị và khoa học như thuộc về hai thế giới riêng biệt. Logic phân định ranh giới này nhắm đến tự phòng ngừa đối với định kiến thứ 3, bằng cách khẳng định một sự phân biệt rõ ràng giữa quyền lực chính trị và quyền lực khoa học.

Tuy nhiên, khi xem xét những kiến thức về các vấn đề khí hậu và đa dạng sinh học quan trọng đến cỡ nào cho sự vận hành dân chủ và sự trưởng thành của các thế hệ tương lai, thì một sự phân ranh như vậy có đáng được mong muốn không? Nó có thực tế không so với các cách thực hành của các nhà khoa học và các nhà chính trị? Chúng ta sẽ có lợi không khi suy nghĩ liên quan đến giao diện chứ không phải phân ranh?

Việc trả lời những câu hỏi này đòi hỏi thừa nhận rằng các mối quan hệ giữa hai thế giới này là chồng chéo và năng động mà không nhất thiết dẫn đến một sự “chính trị hóa” hay “công cụ hóa” nền khoa học.

Ở điểm giao diện

Nhiều công trìnhcam kết nghề nghiệp của chúng tôi với giao diện này đã tạo điều kiện cho chúng tôi nhận diện một loạt những chồng chéo giữa hai lĩnh vực khoa học và chính trị.

Trước tiên, như trường hợp IPBES đã nêu ra, không hiếm những trường hợp cùng một người mà mang hai tư cách, nhà khoa học và nhà chính trị, vào những thời điểm khác nhau trong sự nghiệp của họ, thậm chí là tùy theo hoàn cảnh.

Những đan chéo này cũng được tìm thấy trong nội dung của tri thức được tạo ra. Khi IPBES soạn thảo một đánh giá toàn bộ đa dạng sinh học, đi xa hơn các vấn đề nhịp độ biến mất của các giống loài hay tính mỏng manh của một số hệ sinh thái, họ phát ra một chẩn đoán chính trị về cách phát triển của các xã hội chúng ta.

Đọc thêm: Báo cáo của IPBES về đa dạng sinh học: Không còn là lúc cho những biện pháp nửa vời

Cũng như vậy với những cách thực hành tạo ra tri thức: Khi một nhóm các nhà sinh học quyết định nghiên cứu thực trạng của đa dạng sinh học ở một vùng lãnh thổ nhất định nào đó, họ phải tiến đến thương lượng với rất nhiều tác nhân phi học thuật, các điều kiện tiếp cận lãnh thổ ấy, các điều kiện lấy các thực thể sinh học, chia sẻ kết quả, v.v..

Trên bình diện các giá trị cũng vậy, những sự gặp gỡ (giữa khoa học và chính trị - ND) là thường xuyên. Xa với lằn vạch đỏ thường được gợi ra liên quan đến vấn đề các giá trị xa lạ với khoa học, công trình của các sử gia, triết gia hay các nhà xã hội học về các khoa học tràn đầy các lý lẽ chỉ ra rằng không nằm ở việc thừa nhận sự tồn tại của các giá trị như thế (nhận thức, đạo đức, xã hội) mà nằm nhiều hơn ở việc xác định phạm vi của chúng trong việc tạo ra sản phẩm khoa học – đặc biệt là trong hai giai đoạn mấu chốt: diễn giải các dữ liệu và những quyết định về tầm ảnh hưởng của các kết quả.

Cuối cùng, liên quan đến tính mục đích, hãy lưu ý rằng các chức năng của khoa học và của chính trị không đến nỗi khác nhau: cả hai lĩnh vực này, với cách giải thích cao quý nhất, đều hoàn thành cùng một chức năng xã hội hướng đến giảm bớt sự phân mảnh thế giới bằng cách tạo ra một tinh thần chung phục vụ cho hành động tập thể.

Một mối quan hệ được tái lập

Chừng nào các định kiến còn tồn tại dai dẳng thì nghiên cứu khó có khả năng chất vấn, trình bày rõ và tính đến nhiều hơn các yếu tố chính trị mang tính quyết định kết hợp với các mục tiêu, các cách thực hành cũng như với các chuẩn mực và tính mục đích của nó.

Công việc suy ngẫm này, từ cấp độ cá nhân cho đến cấp độ các cơ quan khoa học, không thể chỉ giới hạn vào một việc đơn giản là báo động hay cam kết, như cách thực hiện truyền thống của các ủy ban đạo đức chẳng hạn.

Đọc thêm: Và nếu ta tìm kiếm khác đi? Biện hộ cho một khoa học về sự bền vững

Sélim Louafi

Thông qua sự từ chối dành độc quyền cho một số ngành đối với các đối tượng (ví dụ đa dạng sinh học chỉ dành cho các nhà sinh thái hay nghiên cứu biến đổi gen chỉ dành cho các nhà nghiên cứu di truyền) và một sự thay đổi vị thế, mà hoạt động nghiên cứu, theo một phương pháp thực hành mang tính thực dụng, được thiết kế như một cuộc điều tra tập thể và hợp tác với sự mở rộng đến các tác nhân phi học thuật đang bị tác động hay có liên quan bởi các thách thức đang được xử lý (tính xuyên ngành).

Đó là, bằng cách đặt việc rèn luyện tập thể vào trung tâm của mối quan hệ được tái lập với những thành phần của xã hội để tạo ra những tri thức mới về hành động có khả năng thiết lập một mối quan hệ hiệu quả hơn giữa thế giới nghiên cứu và thế giới ra quyết định.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Les scientifiques alertent mais les politiques ne font rien... Est-ce vraiment si simple?”, The Conversation, 25.4.2021




Chú thích:

[*] Nhà nghiên cứu về khoa học chính trị, phụ tá giám đốc Viện AGAP (Genetic improvement and adaptation of plants) - CIRAD (Centre de coopération internationale en recherche agronomique pour le développement - Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển).
Sélim Louafi nhận tài trợ của Quỹ Agropolis, thuộc Ủy ban châu Âu và FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc). Ông từng là thành viên của Ủy ban kinh tế, đạo đức và xã hội của Hội đồng cấp cao Công nghệ sinh học và của nhóm Hội thảo quốc tế về đánh giá ngoài của IPBES (The Intergovernmental Science-Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services – Diễn đàn Khoa học và Chính sách liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái).

Print Friendly and PDF