20.6.21

Marx và Lịch sử thế giới

MARX VÀ LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Bài viết nằm trong tạp chí International Review of Social History [Đánh giá quốc tế về lịch sử xã hội] • số ra Tháng 2 năm 2018

Michael R. Krätke

Đại học Lancaster

© 2018 Internationaal Instituut voor Sociale Geschiedenis

THÔNG TIN CHUNG

Marx và lịch sử thế giới

MICHAEL R. KRÄTKE

Khoa Xã hội học, Bowland North, Đại học Lancaster, Lancaster, Vương quốc Anh LA1 4YN

E-mail: m.kraetke@lancaster.ac.uk

Karl Marx (1818-1883)
Friedrich Engels (1820-1895)

TÓM TẮT: Vào năm 1881-1882, Marx đã tiến hành các nghiên cứu lịch sử mở rộng, bao gồm phần lớn của những gì mà sau đó được gọi là “lịch sử thế giới”. Bốn quyển sổ ghi chép lớn với trích đoạn từ các tác phẩm của chủ yếu hai nhà sử học hàng đầu trong thời đại của ông là Schlosser và Botta, vốn phần lớn vẫn chưa được công bố. Trong bài viết này, các nghiên cứu cuối cùng của Marx về diễn trình lịch sử thế giới được đặt trong bối cảnh: các nghiên cứu lịch sử trước đó của Marx và công trình đang thực hiện nhưng chưa hoàn tất của ông về việc phê phán kinh tế chính trị. Phạm vi và độ sâu của các ghi chép của ông thực là đáng kinh ngạc vượt xa khỏi lịch sử châu Âu và thực tế là bao hàm cả nhiều phần khác của thế giới. Việc tập trung vào các nghiên cứu này của Marx ủng hộ sự giải thích trong bài viết này: tác giả của bộ Tư bản bị thu hút bởi quá trình hình thành lâu dài của các nhà nước hiện đại cũng như hệ thống các nhà nước châu Âu, một trong những điều kiện tiên quyết quan trọng của sự phát triển chủ nghĩa tư bản hiện đại ở châu Âu.

“Toàn bộ lịch sử cần phải được nghiên cứu lại theo một cách khác!” Friedrich Engels (1890)[1]

C. G. G. Botta (1766–1837)
F. C. Schlosser (1776–1861)

Marx được xem là người (đồng) sáng lập của cái gọi là “quan niệm duy vật về lịch sử”; dù ông đã không sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa duy vật lịch sử”. Không thể phác thảo về một “lý thuyết lịch sử” như vậy, hay chính xác hơn, một lý thuyết về “quá trình lịch sử thế giới” mà không nghiên cứu chi tiết về lịch sử, mà không có một sự hiểu biết chính xác về khối lượng khổng lồ, hỗn độn của “các sự kiện”, của các tài liệu, của tất cả các loại tư liệu bị sót được tái khám phá, về các truyền thống, về lịch sử được ghi chép (và do đó từng được diễn giải). Đối với các khoa học xã hội, chủ đề nghiên cứu là toàn bộ lịch sử loài người và đi kèm với điều kiện vật chất. Do đó, mọi khoa học xã hội chính là khoa học “lịch sử và xã hội”. Trong bản thảo rời rạc của cuốn Hệ tư tưởng Đức (German Ideology), đoạn sau đây đã khẳng định ngắn gọn, có tính cương lĩnh (và không rõ ràng lắm): “Chúng ta chỉ biết có một khoa học duy nhất, đó là khoa học về lịch sử”.[2] Từ lập trường ban đầu này, không chỉ Marx mà cả Engels “đều không bao giờ rời xa […] về bản chất” khỏi điều này.[3]

MARX NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Vào năm 1880, một lần nữa Marx định hình những ý định về mặt lý thuyết của mình: ông muốn “chuẩn bị con đường cho chủ nghĩa xã hội duy vật và phê phán, mà chỉ qua đó có thể làm cho sự phát triển hiện thực lịch sử của nền sản xuất xã hội trở nên tường minh”.[4] Marx không bao giờ rời khỏi ý tưởng này. Mục tiêu đã có và vẫn luôn được duy trì là mang lại cho phong trào xã hội chủ nghĩa một nền tảng khoa học xã hội vững chắc thay vì là một triết lý chính trị.

Ngay sau đó, vào những năm 1881/1882, Marx đã ghi đầy cả bốn quyển sổ về các giai đoạn của lịch sử thế giới.[5] Có bốn quyển sổ hoặc các tập ghi chép khổ A5 tiêu chuẩn của Đức, với bìa đính bằng đá cẩm thạch và viền vải đen, các trang được kẻ bằng các đường kẻ nhỏ có màu xanh da trời. Engels đã cung cấp những quyển sổ ghi chép có tiêu đề được viết bằng tay trên nhãn dán hình chữ nhật:

Trích dẫn Biên niên sử I: từ khoảng năm 96 đến khoảng năm 1320

Trích dẫn Biên niên sử II: từ khoảng năm 1300 đến năm 1470

Trích dẫn Biên niên sử III: từ khoảng năm 1470 đến năm 1580

Trích dẫn Biên niên sử IV: từ khoảng năm 1580 đến khoảng năm 1648.

Được bảo tồn trong Marx-Engels-Nachlass (Di sản Marx – Engels) tại Học viện Lịch sử Xã hội Quốc tế Amsterdam[6], bốn quyển sổ ghi chép được viết bằng chữ viết tay của Marx (được viết với một thứ chữ viết gãy gọn và do vậy tương đối dễ đọc). Các trích đoạn và thỉnh thoảng cùng với những lời bình luận vốn là đặc trưng trong phong cách làm việc của ông [Karl Marx]. Ông đã viết bằng một hỗn hợp các ngôn ngữ, những quyển sổ ghi chép bao gồm chủ yếu là tiếng Đức cùng với tiếng Anh, tiếng Latinh, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và thậm chí có một số là tiếng Nga. Phần lớn các trích đoạn và ghi chép này vẫn còn chưa được xuất bản, nhưng có nghĩa là chúng có mặt trong tập thứ tư của Marx-Engels-Gesamausgabe (trong bộ MEGA2 – Tập IV/29).

Georg L. Kriegk (1805–1878)

Những trích đoạn này nói về các tác phẩm của hai nhà sử học đương thời: Histoire des Peuples d'Italie (Lịch sử nhân dân Ý) của Carlo Giuseppe Guglielmo Botta, được xuất bản 3 tập ở Paris vào năm 1825 và Weltgeschichte für das deutsche Volk (Lịch sử thế giới cho nhân dân Đức) của Friedrich Christoph Schlosser, ban đầu được xuất bản 6 tập và cuối cùng là 18 tập từ năm 1844 đến năm 1857 tại Frankfurt am Main. Quyển sổ đầu tiên chứa các trích dẫn từ cuốn sách của Botta, ba quyển sổ sau trích ra từ tác phẩm của Schlosser. Trong số các sử gia Đức, Schlosser là một tác giả rất thành công, làm việc từ năm 1817 như là một giáo sư lịch sử tại Đại học Heidelberg. Với 9 chương trong Weltgeschichte zusammenhängender Erzählung (Trình bày mạch lạc về Lịch sử Thế giới) có mặt giữa những năm 1815 và 1824 tại Frankfurt am Main thì Schlosser đã bắt đầu cho một nỗ lực đầy tham vọng của ông cho một cái nhìn tổng quan đầy đủ về tất cả các sự kiện lịch sử đã qua. Phiên bản 18 tập về lịch sử thế giới của ông [Schlosser], lưu hành cho đến tận Thế chiến Thứ nhất ở Đức đã có tổng cộng 27 ấn bản và phần lớn đã được biên soạn từ tác phẩm và bài giảng ban đầu của ông bởi người học trò là Georg Ludwig Kriegk.[7] Có thể nói rằng, như một người theo dõi sát sao tư liệu học thuật của Đức thì Marx đã nhận thức được rằng ông đang đối mặt với nhà sử học ngôi sao trong thời kỳ của mình – là Schlosser, một nhà nghiên cứu đã đề cao một quan niệm hoàn toàn lý tưởng về lịch sử trong đó nền đạo đức và các ý niệm đóng một vai trò nổi bật, và là một cây viết không hề né tránh những giá trị mang tính chủ quan khắc nghiệt.[8] Marx đã biết đến và sử dụng tác phẩm của Schlosser trước khi cho ra đời các Trích dẫn Biên niên sử. Điều này có thể được nhìn thấy trước tiên bằng một sự tham chiếu ngắn và thân thiện với Schlosser trong các nghiên cứu của Marx nhằm chuẩn bị cho chương bàn về sự Phê phán của Dühring về Lịch sử Kinh tế Quốc gia và Xã hội Chủ nghĩa (Dühring’s Kritische Geschichte der Nationalökonomie und Sozialismus), mà Engels đã tiếp nhận trong tác phẩm Chống Dühring (Anti-Dühring) của mình. Phản ứng trước những lời nhận xét kiêu căng, ngạo mạn của Dühring về David Hume, Marx đã đề cập đến trong những ghi chú của ông “ông lão ngay thẳng Schlosser, người đã nhiệt thành với Hume”. Ví dụ thứ hai có thể được nhìn thấy trong một bản thảo sau của chương này, nơi mà Marx đã khẳng định về những gì mà “ông lão Schlosser tốt bụng” đã bàn về Hume[9]. Do đó, Marx đã viết trong một văn bản dành cho độc giả Đức – những người không hề hoặc chỉ một phần là liên quan đến hàn lâm – về một nhân cách nổi tiếng và có khả năng nổi tiếng nhất. Schlosser, tác giả của những quyển sách được xem là “sách gia truyền’’ được nhiều người đọc, được biết đến đối với những tầng lớp được đào tạo và đối với tất cả những người đang khao khát tri thức.

Botta, người đã nghiên cứu y học và đã hành nghề như một bác sĩ phẫu thuật quân đội, một người dứt khoát ủng hộ cuộc Cách mạng Pháp và về sau là một người ủng hộ Bonaparte, đã viết một lịch sử về Chiến tranh Độc lập của Hoa Kỳ và nhiều tác phẩm khác nhau về lịch sử nước Ý. Tác phẩm đầu tiên của ông về lịch sử Italia, Storia d'Italia dal 1798 al 1814 (Lịch sử Italia từ 1798 đến 1814 – xuất bản tại Paris, 1824) được in thành 5 tập, sau đó là tác phẩm Histoire des peuples d'Italie (Lịch sử nhân dân Italia), mà Marx đã trích dẫn, và sau đó là mười tập liên tiếp của Storia d'Italia continuata da quella del Guicciardini dal 1534 sino al 1789 (Lịch sử Italia tiếp nối từ Guicciardini năm 1534 đến năm 1789 - xuất bản tại Paris, 1832). Bản sao của Histoire des peuples d’Italie của Botta được tìm thấy trong thư viện của Marx bao gồm rất nhiều chú thích bên lề.[10] Giờ đây rõ ràng là Marx đã sở hữu một bản Weltgeschichte của Schlosser để sử dụng tại nhà. Thư viện của Marx hoặc “có lẽ là thư viện của Marx”, như cách nó được gọi tên trong phần thư mục có chú thích trong bản kê khai được phát hiện cũng còn bao gồm tác phẩm Weltgeschichte für das deutsche Volk của Schlosser và thực tế là ấn bản 6 tập trong bản in lần thứ hai không sửa đổi đã có mặt ở Frankfurt am Main từ năm 1846 – 1848[11]. Hơn nữa, Marx dường như đã thừa kế 19 tập Weltgeschichte của Schlosser từ người bạn quá cố của ông là Wilhelm Wolff vào năm 1864.[12]

Wolfgang Harich (1923–1995)

Vào những năm 1950, Wolfgang Harich đã khởi tạo một bộ sưu tập các bản văn kinh điển về lịch sử Đức – trong đó Marx, Engels, Lenin và Stalin là những văn bản kinh điển. Tập thứ tư của ấn bản Harich bao gồm các đoạn văn đã được chọn từ các trích đoạn Schlosser của Marx, chủ yếu từ quyển vở thứ tư, xoay quanh về “Lịch sử Đức”.[13] Những đoạn được chọn từ trích đoạn của Marx (từ quyển sổ ghi chép thứ III và IV), bao gồm khoảng ít hơn một phần sáu trong đó là về các sự kiện và số liệu trong lịch sử Đức của thế kỷ 16 và nửa đầu thế kỷ 17. Chúng liên quan đến những cuộc đấu tranh chính trị và quyền lực, sự trỗi dậy và sụp đổ của các nhà cầm quyền lớn và nhỏ, cũng như những động thái vĩ mô và vi mô của nhà nước. Pháp luật, hành chính, cải cách lớn và nhỏ, chiến tranh, hòa bình, thương mại, và sự trỗi dậy và sụp đổ của các triều đại cũng được chú ý đến, cũng như nền tảng của sự trỗi dậy và sụp đổ các quốc gia và đế chế. Marx xem xét về ngoại giao, các hiệp ước, các tư liệu quan trọng, và trên hết, tôn giáo, trong đó Giáo hội là một quyền lực chính trị trên thế giới, cho đến phong trào Cải Cách và phản Cải Cách. Theo chính lời của Marx, các đoạn văn được chọn liên quan đến “cuộc đấu tranh giữa giới tư bản và nhà vua”. Tóm lại, chúng liên quan đến quá trình hình thành lâu dài và phức tạp của hình thái nhà nước ở châu Âu.[14] Ngay cả khi Marx thỉnh thoảng, bằng cách thức tham chiếu và dấu ngoặc đơn, chỉ ra đến những sự phát triển về sau hay trước đó hoặc về các biến cố trước đó thì các trích đoạn này vẫn được cấu trúc rõ ràng và theo thứ tự thời gian. Trong những phần đã được xuất bản trong ấn bản của Harich, chỉ có một vài nhận xét do chính tay Marx viết. Marx đôi khi chỉnh sửa những lỗi dữ kiện của Schlosser. Ở đâu mà Marx đã nhận xét thì ông cũng hoặc tóm lược lại những sự phát triển phức tạp (thí dụ như những sự phát triển thích đáng về mặt kinh tế và nghiêm trọng về mặt chính trị, những dữ kiện về kinh tế mà ông coi là tiền đề cho sự phát triển hơn nữa về chính trị, hoặc là bối cảnh cho những xung đột chính trị) hoặc là ông chỉ ra các sự kiện đơn cử, nổi bật và giải thích chúng theo cách riêng của mình.

NHỮNG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ CỦA MARX – TỪ NĂM 1843 ĐẾN NĂM 1882[15]

Các trích dẫn từ Schlosser chỉ là các trích dẫn sau cùng trong một danh sách dài các nghiên cứu sơ bộ và các nghiên cứu về quá trình lịch sử thế giới mà Marx đã theo đuổi từ năm 1843 cho đến những năm cuối đời của ông. Những nghiên cứu này – mà faute de mieux (cực chẳng đã) chúng ta gọi là “lịch sử” – là có mối gắn kết chặt chẽ với sự tiến triển của các nghiên cứu của ông về kinh tế. Những nghiên cứu toàn diện của Marx về lịch sử châu Âu và bên ngoài châu Âu cũng như thực tế là về toàn bộ lịch sử, từ lịch sử chính trị, pháp lý, kinh tế và xã hội cho đến lịch sử văn hóa, cũng như lịch sử công nghệ và khoa học, hình thành nên nền tảng để từ đó ông thiết lập các phân tích kinh tế chính trị của ông về chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Tại trường Trung học ở Trier, Marx ham thích những bài học về lịch sử. Tại Bonn và Berlin, ông nghiên cứu luật pháp và đã lắng nghe nhiều bài giảng về lịch sử pháp luật thời kỳ La Mã, thời trung cổ và hiện đại. Là một nhà báo trẻ, Marx nhanh chóng nhận ra rằng kiến thức của ông về các sự kiện kinh tế và xã hội là không đủ để tham gia vào bất kỳ cuộc tranh luận nghiêm túc nào về các vấn đề kinh tế hiện tại. Ông đã cố gắng khắc phục nhược điểm này thông qua sự đam mê nghiên cứu. Marx đã tự học trong lĩnh vực lịch sử kinh tế và xã hội, cũng như về kinh tế chính trị. Tuy nhiên, trường hợp về lĩnh vực lịch sử pháp luật thì không. Các nghiên cứu trong trường đại học của Marx chỉ được ghi chép một cách rời rạc – vài đoạn trích mà ông đã làm trong những ngày còn theo học đã được lưu giữ lại. Trong khi các trích đoạn về lịch sử nghệ thuật vẫn còn thì những trích dẫn về lịch sử pháp luật và các chủ đề khác bị thiếu sót.[16] Marx bắt đầu nghiên cứu về kinh tế chính trị vào mùa đông 1843/1844, trước tiên là vật lộn với các lý thuyết gia lớn của các trường phái Pháp và Anh. Ông chỉ biết đến trường phái Anh từ các tác phẩm của Hegel hoặc qua những cái tên như Say, Smith, Ricardo, Mac – Culloch, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Friedrich Engels. Vào tháng 9 năm 1846, ông bắt đầu nghiên cứu và trích dẫn tác phẩm lịch sử kinh tế hoành tráng của Gustav von Gülich, Geschichtliche Darstellung des Handels, der Gewerbe und des Ackerbaus der bedeutendsten handeltreibenden Staaten [Trình bày có tính lịch sử về giao thương, thương mại và nông nghiệp tại các quốc gia giao thương quan trọng nhất] xuất hiện ở Jena từ năm 1830 đến 1845 trong 5 tập. Cuốn sách của Gülich là tác phẩm tiêu chuẩn trong thời của Marx, tất cả những người có học thức đều đã đọc và sử dụng nó – bao gồm cả thành viên hội đồng tư pháp Goethe ở Weimar.[17] Marx đã theo đuổi việc nghiên cứu độc lập của ông về lịch sử kinh tế, tài chính và xã hội từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1847. Gülich luôn sẵn sàng trao cho ông nền tảng đáng tin cậy để từ đó ông có thể tiếp tục công việc.[18]

Marx liên tục đào sâu vào nghiên cứu về lịch sử chính trị cả trước thời kỳ này cũng như sau, ban đầu với nghiên cứu về lịch sử Pháp hiện đại ở Kreuznach và Paris. Trước khi từ bỏ kế hoạch viết “lịch sử của hội nghị quốc gia” ở Kreuznach, từ tháng 7 năm 1843 trở đi, ông chủ yếu bị lôi kéo vào lịch sử Pháp và các nước châu Âu khác.[19] Đó không phải ngẫu nhiên mà Marx đã viện đến sự phổ biến rộng rãi của công trình được ca ngợi là chuẩn mực của thời kỳ này: Geschichte der europäischen Staaten [Lịch sử Nhà nước Châu Âu], được biên soạn từ năm 1819 đến năm 1830 bởi giáo sư lịch sử Göttingen Arnold Hermann Ludwig Heeren và nhà địa lý Friedrich August Ukert ở thành phố Gotha. Từ bộ sưu tập này, Marx đã nghiên cứu Geschichte von Frankreich [Lịch sử các nhà nước châu Âu] của Alexander Schmidt, Geschichte Schwedens [Lịch sử Thuỵ Điển] của Erik Geijer, Geschichte von England [Lịch sử nước Anh] của Johann Martin Lappenberg, Geschichte Frankreichs im Revolutionszeitalter [Lịch sử nước Pháp trong thời đại cách mạng] bởi Wilhelm Wachsmuth, và Geschichte der Teutschen [Lịch sử người Đức] của Johann Christian Pfister. Hơn nữa, có những cuốn sách và bài viết về lịch sử Pháp, Anh, Ba Lan và Đức, thậm chí là có một đoạn trích ngắn từ Histoire de la république de Venise [Lịch sử nước Cộng hòa Venice] của Pierre Darus.[20]

Trong những năm 1850 khi lưu vong tại London, Marx đã tiếp tục việc nghiên cứu lịch sử của mình. Trích đoạn từ các tác phẩm của các nhà kinh tế học người Anh và Pháp trước đây đã chiếm đa số trong Những ghi chép từ London bắt đầu từ năm 1850 và tiếp tục cho đến năm 1853. Tuy nhiên, Marx cũng đã làm sâu sắc thêm kiến thức về lịch sử tiền tệ của ông bằng việc nghiên cứu một số tác phẩm cũ hơn và gần đây hơn về chủ đề này: đặc biệt, cuốn Histoire de la monnaie [Lịch sử tiền tệ] năm 1819 của Germain Garnier, là một tác phẩm chuẩn mực lúc đương thời, cũng như cuốn sách của William Jacobs 1831 về lịch sử kim loại quý và các tác phẩm khác của các tác giả này về lịch sử nông nghiệp. Marx đã nghiên cứu chuyên sâu vào tác phẩm 4 tập của tác giả kinh điển August Böckh, Die Staatshaushaltung der Athener [Quốc khố của người Athen], cũng như hai tác phẩm lớn của nhà sử học kinh tế hàng đầu người Đức Johann Georg Büsch: về chủ đề lịch sử tiền tệ và tài chính và lịch sử giao thương. Ngoài ra, Marx đã phân tích toàn bộ các tác giả người Anh về lịch sử nợ công ở nước Anh và về hệ thống ngân hàng Anh.[21] Hơn nữa, Marx đã tiếp tục đọc và trích đoạn từ các tác phẩm của Heeren: đó là Handbuch der Geschichte des Europäischen Staatensystems und seiner Colonien [Cẩm nang về lịch sử hệ thống nhà nước châu Âu và thuộc địa của nó], ông sử dụng ấn bản thứ ba xuất bản ở Gottburg vào năm 1819 và Ideen über die Politik, den Verkehr und den Handel der alten Völker [Những ý tưởng về chính trị, giao thông và giao thương của các dân tộc trước kia]. Từ tác phẩm sau [của Heeren], Marx chỉ trích ra phần đầu tiên nói về các quốc gia châu Á.[22] Đồng thời, Marx đã nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm của người Anh về lịch sử thuộc địa. Năm 1851, ông đã khám phá ra sử gia Karl Dietrich Hüllmann ở Bonn, và đã đọc và trích dẫn từ ông ta các tác phẩm bao gồm Städtewesen des Mittelalters [Các đô thị thời Trung cổ] (bốn tập 1826 – 1829), Geschichte des Ursprungs der Stände in Deutschland [Lịch sử về nguồn gốc của các tầng lớp ở Đức](3 tập, 1806–1808), và Deutsche Finanzgeschichte des Mittelalters [Lịch sử tài chính của nước Đức thời Trung cổ] (1805).[23]

Các trích đoạn bổ sung về lịch sử phổ quát được tiếp tục vào năm 1852: từ Allgemeiner Culturgeschichte [Lịch sử văn hoá tổng quát] của Wilhelm Wachsmuth được xuất bản từ năm 1850–1852 và Europäischer Sittengeschichte [Lịch sử đạo đức châu Âu] của ông từ năm 1831–1839, cũng như một đoạn trích ngắn từ Gustav Klemms trong Allgemeiner Kultur Geschichte der Menschheit [Lịch sử văn hoá tổng quát của nhân loại] được xuất bản vào năm 1842–1853 và một một đoạn trích ngắn nữa từ tập thứ ba của Heeren, trong tác phẩm De la politique et du commerce des peuples de l’antiquité (phiên bản tiếng Pháp của Heeren's Ideen über Politik, den Verkehr und den Handel der vornehmsten Volker der alten Welt [đã nêu ở trên – ND] xuất bản lần đầu năm 1793–1796).[24] Trong những năm sau đó, Marx đã nghiên cứu lịch sử Ấn Độ, đọc và trích dẫn từ The Principles of Asiatic Monarchies [Những nguyên lý của các chế độ quân chủ Á châu] của Robert Patton từ năm 1801 và lại tiếp tục đọc Europäische Sittengeschichte [đã nêu – ND] của Wachsmuth một lần nữa.[25] Marx cũng đã tiến hành các nghiên cứu một cách sâu rộng về lịch sử của Tây Ban Nha cho loạt bài viết của ông về các sự kiện thực tế ở Tây Ban Nha.[26]

Từ tháng 9 năm 1853 đến tháng 7 năm 1854, Marx đã cho ra đời đến bốn cuốn vở ghi chép cho thấy mối bận tâm sâu rộng của ông với lĩnh vực ngoại giao, nói cách khác đó chính là với chính trị đối ngoại hay là các mối quan hệ giữa các quốc gia châu Âu.[27] Một lần nữa, Marx đã có một tác phẩm chuẩn mực trong tay, cụ thể là tác phẩm Grundriss einer diplomatischen Geschichte der europäischen Staatshändel und Friedensschlüsse seit dem Ende des 15. Jahrhunderts bis zum Frieden von Amiens [Sơ thảo về một lịch sử giao thương của nhà nước châu Âu và các thoả thuận hòa bình từ cuối thế kỷ 15 đến bản Hiệp ước Amiens] của Georg Friedrich von Martens đã được xuất bản từ năm 1807. Tác phẩm chính của Martens là Recueil des principaux traité, de Paix, de Trêve, de Neutralité [Toàn tập các bản Hiệp ước liên minh, hòa bình, Đình chiến, Trung lập] (bắt đầu từ năm 1791, và đã được tiếp tục với nhiều lần hoàn thiện), trong đó tác giả với tư cách là giáo sư về luật tự nhiên và luật quốc tế tại Gottingen, thì ông là người đã xác lập nên khoa học thực chứng hiện đại của pháp luật quốc tế. Marx có thể biết đến và sử dụng tác phẩm này, nhưng chỉ lấy ra từ nó những trích đoạn ngắn. Đoạn trích dài mà Marx trích từ Grundriss của Martens là về lịch sử của các cuộc chiến tranh và xung đột giữa các quốc gia châu Âu từ năm 1477 cho đến giữa thế kỷ 18. Đặc biệt cần thiết cho Marx, như có thể thấy trong các trích đoạn chi tiết của ông, là các hiệp ước hòa bình vĩ đại: Hòa ước Westfalia năm 1648, Hòa ước Ryswijk năm 1687, Hòa ước Utrecht năm 1713, Hiệp ước Vienna năm 1738 và cuối cùng, Hiệp ước Aachen năm 1748, đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Kế vị của Áo. Marx liên tục đưa ra một đánh giá toàn diện ngắn gọn về tình trạng thực tế của hệ thống nhà nước châu Âu tại một số thời điểm nhất định (nghĩa là vào cuối thế kỷ 15 và vào khoảng các năm 1600, 1660, 1700 và 1740). Đối với ông, đây rõ ràng là một cách để xác định đường lối phát triển rộng khắp của các nền chính trị chủ đạo của châu Âu, trong số các khuôn mặt chính có liên quan, cũng như sự phát triển của các quốc gia riêng lẻ và những liên minh nhất thời của họ. Tất nhiên, ông xem Nga và Đế chế Ottoman là những quốc gia đóng vai trò lớn trong chính trị châu Âu.[28]

Gustav Struve (1805–1870)

Lần đầu tiên, trong một trong số những quyển vở ghi chép và các trích đoạn vào những năm 1850 sau đây, có thể tìm thấy các trích đoạn này so sánh được với các trích đoạn mà Marx đã thực hin đối với các tác phẩm của Schlosser. Bắt đầu từ năm 1854 và tiếp tục trong những năm tiếp theo, trong những quyển vở này, Marx đã trích dẫn theo thứ tự thời gian từ cuốn Weltgeschichte [Lịch sử thế giới] gồm 9 tập của Gustav Struve, xuất hiện từ năm 1853 đến 1864. Các đoạn trích ngắn, chỉ sáu trang bằng chữ viết của Marx, nhưng rất súc tích bao gồm giai đoạn từ năm 1133 đến 1806. Chỉ có một vài điểm liên quan đến các sự kiện chính trị quan trọng là được ghi lại.[29]

Năm 1856, Marx lần đầu tiên đọc và trích đoạn một tác phẩm của Friedrich Christoph Schlosser, Geschichte des 18. und des 19. Jahrhunderts [Lịch sử thế kỷ 18 và 19] – và từ bản dịch tiếng Anh, đã xuất bản trong 8 tập từ năm 1843 đến 1852. Đoạn trích là tương đối ngắn – chỉ mười trang viết tay – chỉ có một vài sự kiện chính từ giai đoạn mà Schlosser đã mô tả được ghi lại trong các tiêu đề ngắn gọn.[30] Trong cùng một quyển vở có chứa các trích đoạn, có nhiều ghi chú và trích đoạn về lịch sử của Anh, Nga, các nước phía bắc và các dân tộc. Marx đã mở rộng những nghiên cứu này đến lịch sử của Đế quốc Áo-Hung và các quốc gia trong khu vực Danube.[31] với nhiều trích đoạn về lịch sử của Nga, Thụy Điển, Anh, Pháp và một lần nữa là lịch sử nước Anh. Trong quyển vở năm 1857, lại có một ghi chú ngắn khác về Schlosser – Marx đã chép lại những phán đoán của ông về vai trò lịch sử của Napoleon – và một đoạn trích từ Geschichte der Deutschen [Lịch sử nước Đức] của John George August Worth (1842 – 1845, 4 tập).[32]

Từ năm 1860 đến 1861, Marx trở lại nghiên cứu về lịch sử Anh, Ba Lan và Nga. Có một đoạn trích tương đối dài trong cùng một quyển vở trích đoạn có tựa đề “Biên niên về Lịch sử các quốc gia châu Âu”, có độ dài ít nhất 20 trang. Biên niên ngắn này bao gồm các sự kiện lớn xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1510 đến 1856. Các nguồn chính của các đoạn trích dường như là từ Geschichte des Europäischen Staatensystems und seiner Kolonien [đã nêu] của Heeren xuất bản vào năm 1809 (ấn bản thứ 5 vào năm 1830).[33] Marx đã không tiếp tục việc nghiên cứu lịch sử của mình cho đến năm 1868 – 1869, ông đã tiếp tục công việc của mình trên các bản thảo kinh tế còn dang dở sau khi xuất bản tập I của bộ Tư bản. Điều khá đáng chú ý là ông đồng thời đắm mình một lần nữa vào các nghiên cứu về lịch sử sở hữu tư nhân và thực sự phát hiện ra một chuyên gia mới trong lĩnh vực này. Cùng với Engels ông tình cờ tìm thấy các công trình của Georg von Maurer. Luật gia và nhà sử học pháp lý Georg Ludwig Konrad von Maurer giảng dạy ở Munich, đối với ông, đã trở thành tác giả có uy tính nhất cho việc nghiên cứu lịch sử các mối quan hệ về sở hữu tư nhân đất đai ở Đức. Vào mùa đông năm 1868/1869, Marx đã bắt đầu với tác phẩm Einleitung zur Geschichte der Mark-, Hof-, Dorf und Stadt-Verfassung und öffentlichen Gewalt [Dẫn nhập vào một lịch sử Thị trường, Nhà ở, Làng mạc và Thể chế nhà nước và Cơ quan công quyền] của Maurer được xuất bản từ năm 1854 và sau đó tiếp tục công việc trong những cuốn vở tay tiếp theo của mình.[34] Năm 1869, đến lượt tác phẩm Vergleichende Statistik von Europa [Thống kê so sánh từ châu Âu] được xuất bản vào năm 1865 của Maurer lại rơi vào tay Marx. Ông đã thực hiện các trích đoạn một cách chi tiết (hơn 60 trang bằng chữ viết tay nhỏ bé của mình); đồng thời, ông tiếp tục nghiên cứu về Ireland.[35] Trong những năm tiếp theo, khá mạnh mẽ từ năm 1875 đến 1888, ông đã thực hiện một nỗ lực tuyệt vời khác: điền vào một số cuốn sách trích đoạn về lịch sử Nga, đặc biệt là lịch sử nông nghiệp Nga. Rất miệt mài, trong những năm tiếp theo từ 1875 đến 1888, ông lại có một một nỗ lực tuyệt vời khác: làm đầy những quyển vở ghi chép bằng các trích đoạn về lịch sử Nga, đặc biệt là về lịch sử nông nghiệp Nga. Marx đã nghiên cứu ba tác phẩm quan trọng, lần lượt từng tác phẩm, của giáo sư lịch sử Bonn, Karl Dietrich Hüllmann: từ Handelsgeschichte der Griechen [Lịch sử thương mại của Hy Lạp] năm 1839, đến Geschichte des byzantinischen Handels [Lịch sử giao thương của Byzantine] năm 1808, và tác phẩm Deutsche Finanzgeschichte des Mittelalters [Lịch sử tài chính của người Đức vào thời kỳ Trung cổ] được xuất bản vào năm 1805. Những trích đoạn này đã lấp đầy toàn bộ quyển vở ghi chép.[36] Các trích đoạn phong phú của ông từ tác phẩm Geschichte der Markverfassung and Geschichte der Fronhöfe, der Bauerhöfe und der Hofverfassung in Deutschland [Lịch sử Thể chế Thị trường, Đất đai, Trang trại và Nhà ở tại nước Đức] của Maurer xuất bản năm 1862/1863 gần như đã lấp đầy 3 quyển vở.[37] Ngay lập tức sau đó, Marx đã ném mình vào nghiên cứu một tác phẩm khác của luật gia, nhà báo, và chính trị gia phái bảo thủ người Tây Ban Nha Francisco Cárdenas, đó là tác phẩm Espejo's Ensayo sobre la Historia de la Propriedad territorial en España [Tiểu luận về Lịch sử Sở hữu đất đai ở Tây Ban Nha], đã xuất bản 2 tập ở Madrid – tương ứng vào các năm 1873, 1875. Đoạn trích từ Cárdenas – được viết bằng hỗn hợp các thứ tiếng Đức, Anh và Tây Ban Nha – cũng rất dài, đến 2 quyển rưỡi.[38] Điều mà Marx chủ yếu quan tâm là mô tả của Cárdenas về các thể chế của chế độ phong kiến Tây Ban Nha, đã phát triển kinh qua một cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ chống lại các vương quốc của người Moor thông qua một loạt các cuộc chiếm đoạt đất đai bằng bạo lực và sự sắp xếp lại các vùng đất bị [tái] chinh phục. Trong cùng thời gian, ông đã nghiên cứu các bài viết bổ sung về lịch sử chế độ nông nô Nga, về luật Anglo-Saxon và trở lại thêm hai lần nữa với Hüllmann, là tác phẩm Deutsche Finanzgeschichte [Lịch sử tài chính Đức].[39] Lần theo các trích đoạn của ông từ Cárdenas vào năm 1878, Marx đã đọc và trích ra từ cuốn sách của luật sư người Ý (và chính trị gia) Stefano Jacini, La Proprietà Fondiaria e le Popolazioni Agricoli in Lombardia [Sở hữu đất đai và dân cư nông nghiệp ở vùng Lombardy] được xuất bản vào 1856.[40]

Để đào sâu kiến ​​thức về lịch sử Rome thời cổ đại, Marx đã có những nỗ lực mới trong những năm 1879 và 1880. Lần này, ông đã nghiên cứu các tác phẩm của một số tác giả người Đức, phân tích cuốn sách đầu tiên của nhà kinh tế học Karl Wilhelm, Bücher Die Aufstände der unfreien Arbeiter 142 – 143 v. Chr [Những quyển sách về cuộc nổi dậy của những người công nhân bần hàn] xuất bản tại Frankfurt am Main vào năm 1874 và Darstellung aus der Sittengeschichte in der Zeit von August bis zum Ausgang der Antonine [Trình bày từ lịch sử đạo đức trong thời kỳ từ August đến Antony] của Ludwig Friedländer xuất bản trong 3 tập từ năm 1862 đến 1871. Marx đã có những ghi chú và trích đoạn dài và chi tiết nhất từ tác phẩm 3 tập Römische Altertümer [La Mã cổ đại] của Ludwig Lange, tập đầu tiên xuất bản ở Berlin vào năm 1856. Cuối cùng, ông đã đọc và trích từ tác phẩm 2 tập đồ sộ của Rudolf von Jhering: Geist des römischen Rechts auf den Verschiedenen Stufenen [Tinh thần của luật La Mã ở các cấp độ khác nhau] xuất bản ở Leipzig vào năm 1852 – 1854. Những trích đoạn và ghi chú về lịch sử La Mã khá mênh mông (gồm 46 sáu trang viết nguệch ngoạc). Chúng nằm trong một quyển vở còn chứa nhiều ghi chép hơn dựa trên viêc đọc của ông trên nhiều nguồn khác nhau: về lịch sử Ấn Độ, Algeria và Trung và Nam Mỹ.[41] Các tác giả mà Marx đã đọc được công nhận trong thời đại của họ là các nhà sử học hoặc nhà luật học cổ đại tầm cỡ. Jhering là một đại diện chủ chốt của Trường phái Lịch sử về Pháp luật và là người tiên phong trong lĩnh vực xã hội học pháp luật. Trong tác phẩm trích đoạn dang dở của Marx, ông đã đặt vấn đề dựa trên lý luận về pháp luật của Jhering để chuyển sang xem xét pháp luật dưới góc độ lịch sử và xã hội, tránh xa luật học mang tính khái niệm.

Các trích đoạn của Marx tập trung vào tác phẩm của Lange, Altertümer và của Friedländer, Sittengeschichte. Ông chú ý vào những biến đổi trong tổ chức gia đình, luật hôn nhân và gia đình, đến luật sở hữu theo nghĩa rộng hơn, trong đó mối quan hệ giữa các cá nhân, gia đình và gia tộc hoặc bộ lạc của họ cũng đóng đóng một vai trò. Phác thảo nên trong những đoạn văn dài, Marx đã tóm tắt mô tả của Lange về quyền lực của người cha trong gia đình người La Mã đối với các thành viên trong gia đình: lên người vợ, con và cháu chắt, người lao động tự do, nô lệ, và người đầy tớ nam lẫn nữ, gia súc, nhà cửa và đất đai - do đó, tác động lên các yếu tố quan trọng của nền kinh tế gia đình La Mã trong bối cảnh đô thị và nông thôn. Sự phát triển của quyền sở hữu ở La Mã có mối liên hệ chặt chẽ và trực tiếp với quy mô và thành phần của nền kinh tế gia đình thành thị và nông thôn này, cả hai yếu tố trên đều phản ánh những thay đổi trong cấu trúc xã hội của xã hội cổ đại, cả hai đều chỉ ra những biến đổi một cách cơ bản trong nền kinh tế cổ đại.[42]

MARX NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

Những trích đoạn và ghi chú về quá trình lịch sử thế giới đã được thực hiện xen kẽ với công việc của Marx dành cho các bản thảo của hai tập sau của bộ Tư bản. Vào mùa hè năm 1881, ông đã ngừng làm việc với bản thảo cuối cùng dự kiến cho tập thứ 2; vào mùa hè năm 1882, công việc của ông lại bị gián đoạn với bản thảo cuối cùng cho tập thứ 3 như dự kiến, mà vẫn còn dang dở. Tại sao ông lại tiến hành các nghiên cứu sâu rộng về lịch sử thế giới vào thời điểm này, thay vì, như người ta có thể mong đợi, là tập trung hoàn toàn vào lịch sử kinh tế của chủ nghĩa tư bản? Chỉ có thể bằng cách xem xét các đoạn trích và ghi chú một cách chi tiết hơn thì người ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của những cái lạc đề và thừa thãi này của Marx khi về già.[43]

Rõ ràng là những quyển vở này không phải là về những khởi đầu cho việc nghiên cứu và cũng không chỉ đơn giản chỉ là một bộ sưu tập các tài liệu, bởi vì hầu hết những gì mà Marx đang đọc thì ông đều đã có hiểu biết từ trước, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Hoá ra vào năm 1881-1882 đây không phải là lần đầu ông làm việc với tiến trình lịch sử châu Âu và phi châu Âu. Điều này có thể được nhìn thấy thông qua sự sửa chữa thỉnh thoảng của ông đối với các sai sót về dữ kiện, đặc biệt là trong tác phẩm Weltgeschichte của Schlosser.[44] Do đó, nó chính là một nỗ lực mới trong việc tự hiểu và tự làm rõ; đó chính là về việc thực hiện những công việc sơ bộ để có thể dẫn đến một trình bày mới, một phần mở rộng hơn và/hoặc là sự khác biệt đi đối với “những nguyên tắc” mà Marx đã cho ra đời vào năm 1859 trong lời nói đầu của A Contribution to the Critique of Political Economy [Góp phần Phê phán khoa kinh tế chính trị]

Hình 1. Trái: bức ảnh cuối cùng của Karl Marx, được chụp bởi E. Dutertre ở Algiers vào ngày 28 tháng 4 năm 1882. Phải: một bức ảnh được ghép – trong thư từ trao đổi của Marx, ông nói rằng bức ảnh đã được chụp chỉ trong một thời gian ngắn trước khi ông đi đến tiệm cắt tóc để thợ cắt tóc và cạo râu và bức ảnh đã cho thấy ông có thể trông như thế nào sau chuyến viếng thăm đến người thợ cắt tóc. Ảnh trái: nằm trong Bộ Toàn tập IISH BG A9/383. Ảnh phải: không rõ chủ nhân và nguồn gốc.

Marx thường xuyên dõi theo những trình bày của Botta và Schlosser trong các đoạn trích, nhưng tất nhiên không phải là tất cả các chi tiết cụ thể. Marx thỉnh thoảng còn sửa lỗi cho cả các tác giả của mình, khôi phục lại dữ kiện hoặc đề cập đến các vấn đề mà Botta và Schlosser đã lờ đi hoặc bỏ qua, phân loại hoặc chỉ ra sai. Marx đã ghi lại theo thứ tự thời gian – đôi khi ông còn dự đoán đến tương lai và còn hồi tưởng lại khi khảo sát về lịch sử – các sự kiện, những nhân vật và hành động quan trọng của họ, nhưng những cái đó không chỉ là dành cho bản thân họ. Con người, gia đình, gia tộc và các triều đại rất quan trọng, vì nếu không có các tác nhân mang tính cá nhân và tập thể thì sẽ không có hành động lịch sử hay phong trào. Marx không bao giờ né tránh việc mang đến không gian cho những “nhân vật vĩ đại”, bởi vì có một số cá nhân là đặc biệt quan trọng hơn so với những người khác – ngay cả khi ông làm như vậy để cho thấy sự mâu thuẫn với những huyền thoại được xây dựng xung quanh những nhân vật trên. Trong các cuốn sách của Botta và Schlosser mà Marx đã trích dẫn, ông đã tìm thấy các bản toát yếu và tóm tắt, thứ tự và những đánh giá về các tài liệu mà phần lớn chúng đã được ông biết đến, và ở một mức độ nhất định cách giải thích kỳ quái về các tài liệu này. Những lời bình luận thưa thớt, một vài từ và những dấu gạch ở chỗ này và chỗ kia, một số đoạn viết ngắn đã cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về các đoạn trích trong bối cảnh của quá trình nghiên cứu của Marx. Marx vẫn là Marx. Ông không hề nghiên cứu cho vui, mà là theo đuổi sở thích nghiên cứu có xác định.

Phạm vi nghiên cứu lịch sử của Marx có trong đoạn trích năm 1881/1882 là rất đáng kinh ngạc: khởi điểm càng xa càng tốt, đi từ thời tiền sử và cho đến thời Hy Lạp và La Mã cổ đại sơ kỳ, đến thời cổ đại hậu kỳ, đến thời Trung cổ châu Âu, và cứ thế, cho đến thời hiện đại (nửa sau thế kỷ XIX). Marx không dành chỗ cho quan niệm lấy châu Âu làm trung tâm; ông không xem lịch sử thế giới là đồng nghĩa với lịch sử châu Âu, mặc dù hai nguồn mà ông trích dẫn, là Botta và Schlosser, có quan niệm ngược lại. Ông đã nghiên cứu lịch sử của vùng Tiểu Á, Cận Đông và Trung Đông, thế giới Islam giáo, Châu Mỹ và Châu Á (tập trung vào 3 trung tâm: Ấn Độ, Trung Quốc và Trung Á). Ông cũng nghiên cứu lịch sử của Bắc Phi. Ông bận tâm đến tất cả các khu vực ở châu Âu, từ phía Bắc (Scandinavia), đến phía Tây (Pháp, Anh, Đức), đến phía Nam (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Balkan) đến phía Đông (Đông Âu, bao gồm Nga). Ông đã nghiên cứu lịch sử thuộc địa của các cường quốc thực dân quan trọng nhất, và cũng nghiên cứu cả lịch sử của các quốc gia là thuộc địa của người châu Âu (Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Indonesia và Bắc Phi).

Martin Luther (1483–1546)
Thomas Müntzer (1489–1525)

Mối liên hệ giữa chính trị (tức là sự chỉ đạo và định hướng bởi nhà nước), thường là luật pháp và thậm chí các hoạt động quân sự với sự phát triển của công nghệ và kinh tế là điều dễ nhận ra. Những gì tác giả của quan điểm “duy vật” hoặc hiện thực của lịch sử mong đợi là không có gì hơn. Không có gì có thể được mong đợi nhiều hơn từ một tác giả “duy vật chủ nghĩa” hay là quan niệm hiện thực về lịch sử. Marx luôn dựa vào những nguồn cung cấp được thông tin về “hạ tầng” kinh tế, và – trên hết là các cách thức mà những lực lượng chính trị gây ảnh hưởng đến cái “hạ tầng” này, một cách có chủ ý hoặc vô tình làm biến đổi và định hình nên nó. Ông liên tục ghi chú một cách chi tiết về luật thuế, quản lý tài chính và tổ chức bộ máy của nhà nước, cũng như tổ chức hành chính lãnh thổ, tổ chức của nhà thờ, cơ cấu của tổ chức quân đội hoặc những cải cách về cơ cấu này. Những nhận xét rải rác mà Marx đưa ra trong văn bản đề cập đến vai trò lịch sử của từng cá nhân, như Martin Luther hay Thomas Müntzer, là những người được khuôn đúc thành những huyền thoại. Marx đã đọc theo một cách thức rằng ông đã chống lại Schlosser về bản chất, chống lại mối quan tâm chính của ông ta về những vấn đề trọng tâm và sự cường điệu cũng như về những tình huống cho hành động của nhà nước, và chống lại cái nhìn đạo đức hoá cái ác của ông ta về sức mạnh thực sự của cái Ác mà vẫn còn đang hiện diện sờ sờ. Marx hoàn toàn nhận thức được rằng Schlosser đã sử dụng một loại “lịch sử khai sáng” khá kỳ quái, mang tính “triết học” với dự định đưa ra những đánh giá mang tính đạo đức đề cao chủ quan tính đối với con người, hành động và sự kiện. Điều này định hình nên quan niệm của Schlosser về lịch sử. Do đó, việc tiếp cận đối với các tài liệu của Schlosser là ngây thơ. Ông ta đã đánh mất chính mình trong những đánh giá đạo đức của mình và tin tưởng vào quá trình tự nhiên và cần thiết của những điều trên. Do đó, ông ta nhìn thấy tiến bộ trên khắp mọi nơi ông ấy nhìn. Marx biết rằng ông không thể tin cậy vào những trình bày của Schlosser, cũng như về sau này ông đã nhấn mạnh đến “hiểu biết cơ bản về những cái đặc thù”.[45]

BỐN QUYỂN VỞ GHI CHÉP MANG LẠI NHỮNG GÌ?

Trong các trích đoạn từ quyển vở đầu tiên,[46] Marx đã bắt đầu với những trình bày của Botta nói về lịch sử Rome từ năm 97 trước Công nguyên. Do đó, ông trực tiếp tiếp tục những nghiên cứu trước đây về lịch sử La Mã từ năm 1879/1880 và bắt đầu từ đây, nhưng là với một trọng tâm khác: nền kinh tế chính trị và tổ chức của nhà nước La Mã trong thời kỳ đế quốc và sau đó là sự phát triển của Rome thời cổ đại. Marx nhấn mạnh rằng sự thống nhất của Đế chế La Mã, đặc biệt là trong khu vực lõi của nó quanh Địa Trung Hải trong nền thương mại lúc bấy giờ; ông mô tả thương mại trong thời kỳ đó giữa Rome và Ấn Độ, và các tuyến giao thương đi qua Ai Cập và Syria (với Palmyra là một trung tâm). Từ sự trình bày của Botta, Marx đã lưu ý các chi tiết về mặt chính trị – đó là hành chính, bộ máy quan lại, và bao giờ cũng luôn là quân sự – những sự tái tổ chức xuất hiện trong thời cổ đại hậu kỳ. Ông làm nổi bật lên về sự chia cắt đế chế thành một quốc gia La Mã ở phía tây và phía đông, về sự phát triển khác nhau cũng như là giống nhau phần lớn về các đặc điểm – ví dụ, sự phân chia một cách tiến bộ về lĩnh vực dân sự và quân sự (vốn không hề tồn tại ở thời kỳ đế quốc La Mã trước đây), cũng như sự độc lập ngày càng gia tăng của tổ chức nhà thờ với tư cách là một nhánh thứ ba của bộ máy nhà nước. Marx lần theo một cách chi tiết về việc xây dựng tổ chức hành chính dân sự và bên cạnh đó là tổ chức quân đội, để nắm bắt lấy bản chất của các quốc gia này.

Mối quan tâm đặc biệt đối với Marx là các chi tiết về hệ thống thuế và nhiều cuộc cải cách về thuế của hậu kỳ thời cổ đại. Ông hiểu biết rất rõ về “các cơ chế tài chính của nhà nước”, như Jean Bodin đã gọi chúng trong Six livres de la république [Sáu quyển sách bàn về nền cộng hòa].[47] Chỉ khi chính phủ biết nơi để tìm người nộp thuế tiềm năng và khối của cải phải chịu thuế của họ, thì mới có thể thực hiện một chính phủ mạnh mẽ với mức thuế nặng và hiệu quả. Ở Rome hậu kỳ thời cổ đại, lần đầu tiên một sổ đăng ký thuế toàn diện được thiết lập để thuế đất có thể được tính toán lại hàng năm. Đối với mục đích này, cần phải đăng ký chính xác trong đó mỗi lô đất và chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu tài sản của nó được liệt kê cũng như định giá công khai của tất cả các bất động sản trên cơ sở lợi tức hàng năm của họ. Chính quyền La Mã đã cố gắng sửa đổi sổ đăng ký thuế theo chu kỳ 15 năm (nghĩa là sổ đăng ký đất đai và việc đánh thuế của họ có thể thích ứng với các thời kỳ có sự thay đổi không liên tục).

Sự sụp đổ của Rome và là ví dụ điển hình của một cuộc thoái bộ lịch sử vĩ đại – sự suy tàn của một nền văn minh vĩ đại. Trong phần ghi chú của mình, Marx đã theo đuổi lịch sử về sự sụp đổ của Đế quốc La Mã ở phía Tây dưới áp lực đến từ các giai đoạn di cư liên tiếp của các bộ lạc German khác nhau, đã làm tan rã đế chế thành một loạt các vương quốc đối địch nhau. Sự phát triển của Đế quốc Byzantine ở Đế chế Đông La Mã hoàn toàn khác biệt so với trước đây, họ đã cố gắng tái chiếm lãnh thổ La Mã phương Tây hoặc chống lại áp lực của những kẻ man rợ. Tại Ý, nhờ sự suy giảm quyền lực của nhà nước La Mã phía Tây, giáo hoàng đã có được quyền lực chính trị và thẩm quyền đến từ sự chia cắt của quốc gia. Ý bị tách ra thành Vương quốc Lombardy và các khu vực do Byzantine kiểm soát, và cả hai quốc gia này “thay phiên nhau lường gạt”, như Marx đã nhận xét. Ngoài ra khi người bảo vệ chính của Ý là Đế quốc Byzantine càng bị suy yếu thì Đức Giáo hoàng càng phải tìm kiếm sự bảo vệ khỏi tay các lực lượng ngoại bang (không phải là người Ý). Marx còn cho biết thêm rằng “điều này sau đó đã trở thành phương pháp truyền thống của họ, hãy xem Machiavelli”.[48] Các giáo hoàng ngày càng bắt đầu cư xử như những quân vương thế tục, và do đó làm nảy sinh mâu thuẫn với các quân vương thế tục khác.

Marx sau đó đã theo dõi sự trỗi dậy của nước Pháp. Trong các trích đoạn của mình thì thời kỳ của Charlemagne đã chiếm một lượng không gian đáng kể. Điều khiến ông quan tâm không phải là con người của Charlemagne và hành động của ông ta mà là việc săn lùng các yếu tố của hệ thống phong kiến đã ​​nảy sinh trong thời kỳ này. Điều này lần đầu tiên xảy ra với người Lombard tại Ý, nơi mà “haut système féodal” [hệ thống phong kiến cao cấp] được hình thành với sự phân chia đất đai được sở hữu bởi những vị công tước được xem như là những tiểu vương. Charlemagne đã mở rộng hệ thống này bằng áp dụng nó vào tất cả các cấp của tổ chức hành chính và quân sự. Ông đã phát minh ra sự phân chia đất đai một cách chặt chẽ và với quy mô nhỏ hơn, ông còn phát minh ra tước hiệu, thứ bậc và các chức vụ mới, bá tước, hầu tước, v.v. và sự phân phối về đất đai giữa các chức vụ cấp dưới mới mẻ này. Ban đầu, nó chỉ là về mặt quản lý quân sự, quản lý dân sự và hệ thống tư pháp vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, do hậu quả đến từ tình trạng chiến tranh liên tiếp, các lãnh chúa phong kiến ​​đã chiếm lấy chức năng dân sự – chống lại những người tự do và thường dân, chống lại các yếu tố tự trị địa phương và chính quyền tự trị. Thông qua các lãnh chúa phong kiến ​​mới, Charlemagne đã gia tăng sự đàn áp các “hội đồng địa phương”: Chế độ nô lệ và thân phận nô lệ đã sát cánh bên nhau”, Marx bình luận.

Không ngừng tìm kiếm về phía trước và phía sau, khám phá những niên đại của các chủ đề từ Botta, và nghiên cứu các quốc gia và khu vực khác nhau bằng cách theo dõi sự phát triển đặt trong mối liên hệ với nhau của họ, Marx đã phát thảo sự phát triển của châu Âu vào thời trung cổ sơ kỳ. Như ông đã lưu ý trong ví dụ về Sicily, những người cai trị khác nhau, kế tiếp nhau đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và cấu trúc xã hội của hòn đảo. Ông mô tả chi tiết về triều đại của người Ả Rập đã trục xuất những người Byzantine cai trị trước đây, tái cấu trúc toàn bộ tổ chức hành chính và hệ thống pháp luật. Thứ tự của việc sở hữu và thừa kế được người Ả Rập du nhập vào hòn đảo, theo nhận xét của Marx, là tốt đến mức người Norman khi tiếp nối họ để trở thành kẻ chinh phục, đã không thay đổi điều gì cả. Marx mô tả hệ thống thuế mà người Ả Rập mang đến cho Sicily và sự phát triển của nông nghiệp và thương mại. Người Ả Rập đã thúc đẩy việc trồng ô liu là cây trồng chính (đã có từ thời tiền La Mã, ô liu là một mặt hàng quan trọng cho việc buôn bán đang mới phát triển ở Địa Trung Hải; thời La Mã, Sicily là vựa lúa của đế chế). Hơn nữa, người Ả Rập đã bãi bỏ lao động nô lệ trong nông nghiệp (họ không phải là nô lệ theo nghĩa như vậy), thay thế nô lệ bằng lao động tự do.

Lịch sử của Byzantium, theo trình bày của Botta, chỉ đóng vai trò của một thế lực bên ngoài, khiến Marx phải xem xét lịch sử của Đông Âu là được định hình bởi ảnh hưởng đến từ Byzantine. Ông mô tả thương mại giữa Đế quốc Byzantine và Kiev của Nga, bằng cách này họ đã đi vào lịch sử của Nga (ở phía bắc Varangian). Kitô giáo hóa Đông Âu và Kitô giáo hóa Nga, và vì vậy các nhà thờ Chính thống giáo Đông La Mã và Hy Lạp ở hầu hết các vùng của Đông Âu đã tiếp tục (và lâu dài) ảnh hưởng sau các cuộc chiến kéo dài giữa Bulgaria, Nga, Hungari, v.v. với Byzantine.

Sau cái chết của Charlemagne, sự tan rã của Đế quốc Frank đã cho phép so sánh sự phát triển lịch sử của các hệ thống phong kiến ​​ở cả Đức và Pháp, nhưng khuynh hướng và cách thức của mỗi bên thì đã trở nên khác nhau. Marx luôn theo dõi Ý, nơi đóng vai trò nòng cốt trong lịch sử của Đế chế Đức và Marx đã tóm tắt rằng, ở Pháp, quá trình mà các đại lãnh chúa phong kiến giành được độc lập ngày càng tăng và quyền tự trị chống lại chế độ quân chủ dễ dàng tiến xa hơn ở Đức. Nhưng cũng tại Đức, sau cái chết của nhà Carolus cuối cùng, một sự phá hủy quyền lực của quân chủ đã trỗi dậy. Khi một số đại công tước đã biến các lãnh địa của họ thành tài sản kế thừa của gia đình, nhiều lãnh thổ nh đã trở nên độc lập. Tuy nhiên, quyền lực trung ương đã cố gắng kìm các lãnh chúa phong kiến ​​dưới sự giám sát của các viên toàn quyền của hoàng gia. Các cuộc xâm lược của người Hung đã giúp chính quyền hoàng gia thực hiện một cú hích mới: không có kỵ binh hạng nặng và dễ triển khai, không có một chi phí lớn cố định và các thành phố kiên cố, thì không thể ngăn chặn được các kỵ binh từ phương đông.

Nhìn sang Ý (và Đức), Marx lưu ý đến sự độc lập và chuyển biến ngày càng gia tăng của các tổng giám mục và giám mục thành các lãnh chúa phong kiến lớn – “những vị tiểu vương”, những người chỉ chính thức phụ thuộc vào các hoàng đế Đức và các vị vua Ý. Các giám mục cai quản các thành phố, trong các thành phố của Ý, bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại hệ thống thống trị phong kiến ở một vùng đất mà tất cả các thế lực địa phương, khu vực và lãnh thổ đều cố gắng giành lấy sự độc lập. Tính cục bộ ngày càng tăng, các quốc gia nhỏ và nhỏ hơn nữa nảy nở, sự suy yếu và có thể đi đến việc giải thể các mối ràng buộc phong kiến của các chư hầu chiếm ưu thế ở khắp mọi nơi, họ được hưởng lợi và được thúc đẩy bởi sự đấu tranh liên tục của các đại lãnh chúa phong kiến và các cường quốc bên ngoài, là những thế lực có thể sẵn sàng quyết định thay đổi sự liên minh của họ.

Marx bị cuốn hút bởi sự trỗi dậy của các thành phố thương mại ở Ý, như Venice, Amalfi, Genova hoặc Pisa, do chúng ngày càng trở nên giàu có và thương mại ngày càng mở rộng, sự tham gia ngày càng tăng của chúng vào mạng lưới thương mại thế giới. Mặc dù trên danh nghĩa là lệ thuộc vào các hầu tước của Đế quốc Đức (ở Tuscany, Liguria) và các vị vua của Ý, nhưng điều này không ngăn cản chúng “khỏi những cuộc viễn chinh mạnh mẽ, đến Sicily, Corsica, Sardinia và cũng như những vùng đất xa xôi nhất nhân danh họ”. Chúng đã hành động như những vị tiểu chúa tể, “tự chính mình quyết định các hiệp ước chiến tranh và hòa bình (và thương mại)”. Chúng là “những thành phố tự trị, là cơ sở của nền tự do ở Ý”, như Marx đã viết. Các nước cộng hòa thành phố này dần dần giành được độc lập của mình: “Venice ngay từ đầu với tư cách là một đại thành quốc độc lập, Amalfi, nhưng đặc biệt là Pisa và Genova từng chút một làm tan rã mối quan hệ phong kiến; chúng được mệnh danh là những nền cộng hòa”, và “trên thực tế chúng đúng thật là vậy”. Ví dụ về các thành phố thương mại cảng và biển này, “những nước cộng hòa nhỏ này đã phản ứng với các thành phố trong nội địa” của Ý.[49] Marx thấy rõ tầm quan trọng của những hòn đảo có chủ quyền chính trị của chủ nghĩa tư bản thương nhân sơ khai trên đại dương của một nền kinh tế nông nghiệp phong kiến. Những thành phố như vậy đã làm nên các cuộc thám hiểm thương mại hàng hải thường xuyên và mạng lưới thương mại rộng khắp về mặt địa lý. Các nước cộng hòa thành thị như Amalfi, Genova, Venice và Pisa – trở nên giàu có nhờ vị trí và nền kinh tế đặc biệt của họ là trung tâm và là đầu mối của giao thương thương mại và giao thông hàng hải –có thể giúp chúng mua lấy sự độc lập; những thành thị trong nội địa như Bologna, Umbria và Tuscany đã noi theo. Các thành thị theo sau này đề xuất giao thương đường dài trên đất liền bằng việc phát triển nền sản xuất hàng hóa chuyên môn hoá cao cho nền thương mại thế giới, cũng như các hình thái tín dụng và tiền tệ thương mại đầu tiên (hối phiếu thương mại) (ít nhiều cùng lúc với các nước cộng hòa hàng hải). Chỉ trong phần lề của đoạn trích này, Marx mới chạm vào những cuộc đấu tranh gay gắt giữa các nước cộng hòa tư bản đang trỗi dậy, và đôi khi các liên minh thường xuyên bị thay đổi của họ đã xung đột chống lại và đôi khi là liên minh với các quân vương địa phương của họ, đôi khi liên minh với các quân vương để chống lại sự thống trị của triều đình hoặc giáo hoàng, và đôi khi lại liên minh với hoàng đế hoặc giáo hoàng để chống lại các quân vương. Trong những cuộc xung đột này, họ biến thành các quốc gia lãnh thổ tiền-hiện đại thay vì cố gắng giành quyền kiểm soát các tuyến đường giao thông quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Marx cũng không quan tâm đến vai trò tạm thời, đôi khi còn tồn tại lâu dài, của các liên minh giữa các nước cộng hòa thành thị này, mà họ đã ràng buộc với nhau trong đó và trong các “liên hiệp thành thị” lâu dài bền vững (như Liên minh Hansa sau này ở phía Bắc châu Âu), tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại các thế lực phong kiến lớn thời bấy giờ và thậm chí dám thách thức Hoàng đế Đức.[50]

Khi các nước cộng hòa thành thị nhanh chóng vươn lên trở thành những nhà băng và nhà tài chính thì họ là những hiện thân của tư bản tiền hiện đại chống lại các quân vương và toàn bộ trật tự phong kiến. Nhưng ở đây, Marx tuân theo niên đại lịch sử, và nhìn chúng (với Botta) theo hướng là sự phát triển của chế độ phong kiến. Ông nhìn vào các cuộc đấu tranh của các thế lực phong kiến (giữa giáo hội và thế tục) để giành lấy quyền lực tối cao ở Ý, trong đó các thành thị đóng vai trò là đồng minh, nhưng chỉ là đồng minh của các giám mục, các vị vua và công tước chứ không phải tự bản thân là các thế lực độc lập chống lại toàn bộ trật tự phong kiến. Quyền lực chính trị vẫn được phân chia trong một hệ thống trật tự chính thức mà chưa tìm thấy hình thái cụ thể của nó. Đây là lý do tại sao Marx đã đề cập và nhấn mạnh sự chuyển đổi dần dần sang một trật tự phong kiến ​​được khởi thảo và tuyên bố một cách hợp pháp bắt đầu bằng sắc lệnh năm 1037 của Konrad von Roncailles – “đạo luật phong kiến ​​lâu đời nhất được biết đến (về sự kế thừa phong kiến)”. Sắc lệnh này, ban đầu chỉ quy định về sự kế thừa của hệ thống phong kiến cấp dưới và đảm bảo sự kế thừa mang tính thế tập cho các chư hầu của các lãnh chúa thế tục và tinh thần lớn hơn, nó [sắc lệnh] đã được phát triển trong các giai đoạn tiếp theo trên cơ sở “nền tảng của luật phong kiến bằng văn bản. Đồng thời, như Marx đã thêm vào khi quy chiếu về Schlosser, nó tuyên bố về hòa bình của Thiên Chúa để chấm dứt sự tranh chấp truyền kiếp. Dưới sự đe dọa của hình phạt nghiêm khắc nhất của nhà thờ, Treuga Dei [Hòa bình và Đình chiến của Thiên chúa] ra đời - “Một thỏa thuận ngừng bắn từ tối Thứ tư đến sáng Thứ hai”: Đây là một bước tiến tới nền văn minh xã hội phong kiến trong thời trung cổ.[51]

Marx không quan tâm đến sự kế thừa của những người cai trị, những thăng trầm của những cuộc chiến tranh và các trận chiến. Ông tập trung vào sự thay đổi trong hình thái chính trị, lưu ý đến những đột phá lớn. Trong bối cảnh của sự thống trị phong kiến ​​ở Sicily và Vương quốc Naples thì người Norman là những người đầu tiên thành lập nghị viện, và họ cũng mang nghị viện đến cho vùng Normandy. Đó là một nghị viện của các quý tộc với hai viện hoặc hai hội đồng nhóm họp hai lần trong một năm để cân nhắc [Beratung] về các vấn đề chung, chia ra thành một “baronial bras (chambre) [viện các nhà quý tộc]” và một “bras ecclésiastique [viện các giáo sĩ]”. Về sau – một khi các thành phố trở nên giàu có, họ có thể tự mua lấy và trở nên tự do khỏi sự thống trị của các nam tước – khi đó một viện thứ ba được thành lập, “các bras (chambre) của các đại biểu từ các thành phố đã mua được tự do, được gọi là bras domanial”.[52] Ở Sicily, chúng được duy trì và thường xuyên được triệu tập, như Marx ghi chú.

Quyển vở trích đoạn đầu tiên này kết thúc với lịch sử của các cuộc thập tự chinh, mà Marx theo đuổi rất chi tiết. Tuy nhiên, trước khi nói đến vấn đề này, ông đã đề cập một cách sâu rộng đến sự phát triển của quyền lực chính trị nảy sinh sau cuộc chinh phục của Islam giáo ở Cận Đông, Trung Đông, Bắc Phi và Tiểu Á – đến tận Ba Tư và Ấn Độ. Trong đó, Marx đã đi xa hơn Botta, nhưng không hề đề cập đến những nguồn ông trích dẫn. Marx đã mô tả các Caliphate[*] của Baghdad, Mosul, v.v., phát sinh như một hình thái đế chế đặc thù trong các cuộc đấu tranh liên tục chống lại Byzantine. Những người cai trị các caliphate đã tổ chức caliphate thành nhiều tiểu vương quốc phong kiến ​​và phân tán đế chế mới thành “nhiều quốc gia nhỏ”. Theo cách này, cấu trúc của các vương quốc nhỏ cạnh tranh lẫn nhau và mang tính cục bộ đã được hình thành – các vương quốc này không phụ thuộc vào vị lãnh chúa tối thương nào cả – đây là điều mà những thủ lĩnh của các cuộc thập tự chinh đến từ châu Âu đã phải đối mặt ở vùng Tiểu Á và Trung Đông. Marx đã ghi lại những sự kiện chính của cuộc Thập tự chinh đầu tiên sau khi thành lập Vương quốc Jerusalem, là quốc gia phong kiến ​​châu Âu đầu tiên ở Cận Đông.[53] Để hiểu được vai trò của các thế lực phong kiến ​​châu Âu khác nhau đã cùng hợp lực trong các cuộc thập tự chinh, trước tiên Marx đã điều tra sự phát triển chính trị của các nhà nước phong kiến ​​ở Anh và Pháp – chỉ để nhanh chóng quay trở lại bản thân các cuộc thập tự chinh. Nhờ các cuộc thập tự chinh, các nước cộng hòa thành thị Ý đã trở nên giàu có và hùng mạnh khi họ kiểm soát hậu cần của các đạo quân lớn này trong các cuộc viễn chinh. Đối với Marx, đây là một lý do để phá vỡ thứ tự niên đại, để chèn vào một trình bày có tính toàn diện về Venice, và sự phát triển chính trị và kinh tế của nó từ thế kỷ 15 cho đến thời điểm của các cuộc thập tự chinh.

Các cuộc thập tự chinh đã kết thúc trong thất bại, nhưng vẫn tiếp tục ở châu Âu (ở miền nam nước Pháp, Ireland và Tây Ban Nha). Các cuộc chiến tranh của các quốc gia Islam giáo nhỏ, liên minh tạm thời với nhau vì các cuộc thập tự chinh, đã tiếp tục chiến đấu chống lại Byzantine và sau đó chống lại Đế chế Kitô giáo ở miền đông nam châu Âu. Các nhà nước phong kiến ​​ở Đông Âu đã dẫn đầu một cuộc thập tự chinh quy mô lớn nhằm chống lại cuộc xâm lược của Mông Cổ vào thế kỷ 13. Đây là lý do tại sao Marx đã ghi chú một cách chi tiết về nguồn gốc và sự phát triển của Đế quốc Mông Cổ. Marx rời châu Âu tới đây để đến với Trung Á, Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc dưới sự cai trị của Mông Cổ.

Vào đầu quyển vở thứ 2,[54] Marx trở về với châu Âu vào thời kỳ của các cuộc thập tự chinh cuối cùng (vào thế kỷ thứ 13) – đến Đức, Pháp và Ý. Ông đi sâu vào chi tiết cụ thể về vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Hohenstaufen, Frederick II, người đã có phần lớn thời gian ở Ý. Dung lượng không gian rộng lớn nhất được chiếm giữ bởi các ghi chép của Marx về sự phát triển kinh tế tại các nước cộng hòa thành thị của Ý vào cuối thế kỷ thứ 13. Hoàn toàn rõ ràng rằng Marx đã nhìn thấy sự khởi đầu của chủ nghĩa tư bản hiện đại ở đây: sự phát triển một cách có hệ thống đầu tiên của nền nông nghiệp trồng trọt, sự xuất hiện của một ngành khoa học nông nghiệp, sự khởi đầu của luật hàng hải (có sự tham gia của người xứ Catalan và người Ý), và nguồn gốc và sự khởi đầu của ngành ngân hàng hiện đại ở Ý. Không có gì ngạc nhiên khi chính người Ý “đã thực hiện nhiều động thái để tăng nguồn thu và các loại thuế của Kitô giáo tại khắp mọi nơi ở Rome và sau khi có số lượng vượt trội ở đó”, đó là thành phố thương mại của Ý mà bản thân họ “ưa thích việc áp thuế bằng hình thái hối phiếu thương mại”. Marx liệt kê toàn bộ một loạt các thành phố (Rome, Genova, Venice, Piacenza, Lucca, Bologna, Pistoia, Asti, Alba, Florence, Siena, Milan) thường điều hành một “ngân hàng chung” ở thành phố Montpellier mà tại đó sẽ thực hiện những thương vụ với vua Pháp và các nhà quý tộc khác. Trong ghi chú của mình, Marx ghi lại sự phát triển của các nước cộng hòa thương mại của Ý mà trong những thời điểm đó làm nảy sinh một sự phân công lao động nhất định. Các giao dịch tài chính được xúc tiến chủ yếu bởi các thành phố trong đất liền, trong khi các thành phố cảng, chẳng hạn như Genova và Venice, có “giao dịch quốc tế thực sự”,[55] dưới sự kiểm soát của họ với các khu thương mại trên khắp Địa Trung Hải, trên Biển Đen và Biển Đỏ. Từ Crimea, họ điều hành nền thương mại đường dài với Trung Quốc. Theo một cách rất chi tiết, Marx đã ghi lại sự phát triển chính trị của các nước cộng hòa thành thị riêng lẻ, đặc biệt là sự phát triển bên trong của Florence kết thúc bằng việc loại bỏ hoàn toàn tầng lớp quý tộc – sự phát triển này đã hấp dẫn ông. Sau Botta, Marx còn sử dụng Machiavelli làm nguồn tư liệu chính của mình để mô tả tiến trình của các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ ở Florence. Những cuộc xung đột tương tự cũng gây rúng động ở Pisa, Pistoia, Milan, Venice và Vicenza, trong đó luôn có bàn tay của giới quý tộc.

Trong quyển vở thứ 2, nhiều không gian được dành cho sự phát triển của nước Đức trong thế kỷ 14 và 15. Marx lưu ý đến các sự kiện chính và các nhân vật chính, bao gồm sự phát triển đặc thù của nước Áo từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 14 – bao giờ cũng phản ánh về sự phát triển đặc thù của Pháp trong cùng thời kỳ, nghĩa là từ năm 1300 đến năm 1470. Như trong quyển vở đầu tiên, Marx đã kết hợp các chi tiết về sự phát triển chính trị và pháp luật, về các cuộc chiến tranh và các chiến dịch, và về tổ chức hành chính với những thông tin về sự phát triển kinh tế và công nghệ. Tương tự như vậy, ông đã cố gắng xác định những hệ quả lớn của các sự kiện: sự phát triển lịch sử theo tuần tự trong mối liên hệ với Đức và Ý, Pháp và Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ngay cả khi ông lần dấu vết theo trình tự thời gian về các giai đoạn chính của cuộc Reconquista [Tái chinh phục] và sự suy tàn của Vương quốc của người Moor trên Bán đảo Iberia từ đầu đến cuối, thì ông vẫn quan tâm đến các hệ quả có tính lâu dài. Nền độc lập của Bồ Đào Nha là một sự kiện quan trọng bởi vì đất nước này nổi lên như một cường quốc về hải quân và thương buôn có định hướng ra bên ngoài nhắm đến châu Phi, và họ là những người tiên phong cho sự bành trướng của người châu Âu.

Marx đã theo đuổi hơn nữa, giống như trong quyển vở đầu tiên, về sự phát triển của các cấu trúc phong kiến ở Đức và Ý – và đặc biệt là sự phát triển của các thành phố Ý bây giờ mà giờ đây đã kết hợp lại thành các liên minh lần lượt chống lại hoàng đế Đức và chống lẫn nhau. Ông đã thu thập và lập lại trật tự đối với các sự kiện mà Schlosser đã cung cấp cho ông: về sự phát triển của nền thống trị phong kiến ở Byzantine, trong sự trỗi dậy của Đế chế Ottoman, và tại các caliphate của vùng Cận Đông và Bắc Phi. Lịch sử của Đế quốc Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn thành lập, sự bành trướng khổng lồ của họ thông qua chiến tranh và chinh phục, sự ổn định tạm thời và sự suy tàn của họ đã khiến Marx phải phản ánh về sự giới hạn của quyền lực chính trị trên các lãnh thổ rộng lớn. Đế quốc Mông Cổ đã cho thấy giới hạn của một cường quốc hoàn toàn nằm ở trên đất liền mà thiếu sự làm chủ đại dương. Đây chính xác là loại sức mạnh chính trị – quân sự mà các cấu trúc nhà nước nhỏ ở rìa Tây Âu đã trực tiếp xây dựng – Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh – trên nền tảng của sự thống trị hải quân, làm chủ các đế chế mới được xây dựng. Sự phát triển và mở rộng của Đế chế Ottoman, sự sụp đổ của Byzantine với cuộc chinh phạt Constantinople năm 1453, dịch chuyển các tuyến thương mại lớn của thế giới – từ Địa Trung Hải sang Đại Tây Dương, một sự thay đổi được cảm nhận đầu tiên bởi các nước cộng hòa hàng hải Ý Genova và Venice.[56]

Một tình trạng chiến tranh gần như liên tục ngự trị trong thời kỳ này ở Anh và ở Pháp: chiến tranh giữa những dòng họ quý tộc lớn chống lại nhau – đó là Chiến tranh Trăm năm liên quan đến những lãnh thổ của các vị vua Anh ở Pháp, Cuộc chiến Hoa hồng giữa các phe phái quý tộc đối đầu nhau ở Anh – cũng như các cuộc nội chiến vì chiếc vương miện với liên minh của các thành phố chống các hoàng tử và các vị hoàng tử liên minh với các thành phố chống lại các vị vua. Trong cuộc chiến kéo dài này, toàn bộ các quận, lãnh địa và các vương quốc đã trỗi dậy và lại biến mất. Bản thân Marx đã lưu ý đến sự trỗi dậy và sụp đổ của Burgundy với tư cách là một quốc gia độc lập giữa Pháp và Đức. Bài học được rút ra rất rõ ràng: các quốc gia và vương quốc không có vùng lãnh thổ hay biên giới tự nhiên, và không có người dân nào là thuộc về chúng, chúng có thể bị hủy diệt; các quốc gia phong kiến đấu tranh vì đất đai và con người, nguồn của cải trên lãnh thổ, vì các thành phố, và vì người giàu có trong các thành phố này. Còn có những cuộc đấu tranh giữa các thế lực chính trị với nhau: vua, hoàng tử, các vị quân vương tôn giáo và các thành phố – đã chiến đấu bằng cách thay đổi liên minh trong tất cả các phe nhóm có liên quan.

Các trích đoạn trong quyển vở thứ 3[57] liên quan đến khoảng thời gian xấp xỉ từ năm 1470 đến năm 1580. Marx bắt đầu bằng cuộc xung đột kéo dài của các cường quốc châu Âu đang lên và sự cạnh tranh của Pháp và Tây Ban Nha, các cuộc xung đột để chiếm ưu thế ở Ý, nơi bị chia rẽ giữa Giáo hội, các nước cộng hòa thành thị và các lãnh chúa địa phương, và việc không còn ai là bá chủ sau khi hoàng đế Đức thoái lui. Cuộc chiến tranh chinh phục của các nước cộng hòa thành thị của Ý mà các vị vua Pháp và Tây Ban Nha đã can dự vào giữa các phe đang xung đột với nhau, một bên tiến lên từ phía bắc, bên kia từ phía nam, chống lại liên minh của các giáo hoàng, thành phố, và đôi khi là cả vị hoàng đế Đức, đã làm thay đổi cục diện chính trị và tính chất của các nước cộng hòa thành thị. Các nước cộng hòa thành thị bảo vệ nền độc lập của họ khỏi các cường quốc lớn, các quyền tự do thành thị của họ, và do đó họ đã tận dụng cuộc so kè của các cường quốc, bằng việc thay đổi liên minh. Trong các ghi chú của mình, Marx vẽ một bức tranh về tình hình ở Florence trong thời kỳ Savonarola. Ông tập hợp rất nhiều chi tiết về cuộc đời của Savonarola, từ khởi đầu là một nhà thuyết giáo lang thang về sự ăn năn, cho đến khi ông trở thành người cai trị thực sự của Florence sau khi trục xuất nhà Medici vào năm 1494, cho đến khi thảm bại và bị xử tử vào năm 1498.

Savonarola chỉ là điềm báo cho phong trào cải cách sẽ ngự trị nước Đức và Pháp trong thế kỷ XVI. Marx thấy rõ đây là một cuộc cách mạng chính trị, xã hội, trí tuệ và đạo đức, và cùng với cuộc Phản Cải cách – tức là cuộc phản cách mạng – đã tạo ra, dẫn đến một sự biến đổi sang một trật tự chính trị, trong đó tầng lớp trung lưu, đặc biệt là giai cấp tư sản mới đang trỗi dậy, đang cố gắng khẳng định mình để chống lại các vị vua và hoàng tử bằng quyền lực kinh tế mới của tư bản, của nền thương mại thành thị và tư bản tài chính. Như Marx đã nhận xét:

Cuộc đấu tranh này của nền quân chủ chống lại tư bản đang áp đảo đã được nhân cách hóa bởi Venice, nó xảy ra trực tiếp trong thời kỳ mà toàn bộ [các lực lượng] chủ đạo khác đang hoạt động (châu Mỹ, v.v., những cuộc thám hiếm tìm vàng và bạc, những thuộc địa trong nội địa, các khó khăn về tài chính cho việc duy trì quân đội thường trực) để đưa chế độ quân chủ phong kiến đã bị mục ruỗng từ trong nguồn gốc của nó về dưới sự kiểm soát của nền kinh tế tư bản, và do đó là của giai cấp tư sản, mà điều này cũng sẽ diễn ra trong cuộc đấu tranh giữa chế độ giáo hoàng và cuộc Cải cách.[58]

Không chỉ các vị vua, mà các lãnh chúa phong kiến ở mọi cấp bậc cũng cảm nhận được sức mạnh mới từ tư bản và họ phải tự thích nghi bản thân với nó. Thông thường, Marx lưu ý các chi tiết về các hoạt động của các nam tước đứng đầu nhóm băng cướp có tổ chức – nghĩa là của giới quý tộc cấp thấp và những ai ủng hộ họ (như Franz von Sickingen, là nhân vật mà Lassalle đã nâng lên thành một anh hùng bi thảm trên sân khấu) – bằng cách mua lại những khoản nợ trong các thành phố từ các thương nhân và sau đó, bằng chiêu trò riêng, tức là thông qua trấn lột và cướp bóc, để đòi lại các khoản nợ của họ.

Trong quá trình diễn ra cuộc Cải cách ở Đức, sự phát triển của đạo Tin lành – với nhiều thỏa thuận hòa bình khác nhau cho đến giữa thế kỷ XVI và cuộc Chiến tranh Nông dân Đức vào năm 1524/1525 đã lên đến đỉnh điểm – đã trở nên khác biệt so với các nước láng giềng như ở Pháp và Hà Lan, tại quốc gia nơi mà sự phát triển của đạo Tin lành đã được xem như là các cuộc chiến tranh tôn giáo. Marx đã quen thuộc với cuộc Chiến tranh Nông dân Đức, có lẽ đến từ sự trình bày của Engel và nó được ghi chép lại một cách ngắn gọn trong một vài sự kiện chính. Do liên kết Thomas Müntzer[**] thành nhà vô sản đầu tiên ở Thüringen này là rất quan trọng đối với Marx nên ông đã được nhấn mạnh như một nhân vật đóng vai trò nòng cốt.

Nhà biên niên sử đương đại Sebastian Franck, người cố gắng để có cái nhìn không thiên vị về các sự kiện, ông cũng là tác giả đầu tiên về lịch sử thế giới và lịch sử phổ quát bằng ngôn ngữ Đức (mà không phải tiếng Latin). Theo Marx, ông xứng đáng với một bình luận sâu rộng. Martin Luther, ngược lại, lại xuất hiện với một bộ dạng tệ hại. Marx đã quở trách người anh hùng của cuộc Cải cách, “vị tu sĩ này đã làm cản trở mọi sự tiến bộ trong cuộc Cải cách,[59] và theo nghĩa này, ông đã bình luận về một số tác phẩm và hành động của Luther. Trong khi đó Schlosser lại thấy mọi thứ hoàn toàn khác. Trong một phần dài, Marx đã cố gắng tóm tắt những hệ quả của cuộc Cải cách – đặc biệt khi tính đến việc tổ chức lại nền chính trị vẫn còn mong manh của Đế quốc Đức.

Cuối cùng, Marx một lần nữa nhìn sang Anh quốc và theo dõi sự phát triển của chế độ quân chủ Anh thời Edward VI cho đến Mary Stuart và Elizabeth I. Trong một lược đồ, ông đã miêu tả các mối quan hệ gia đình phức tạp trong triều đại nước Anh. Ông cũng thấy rõ rằng các quốc gia hiện đại ban đầu là có sự thay đổi qua lại lẫn nhau giữa tài sản thuộc gia đình và các doanh nghiệp thuộc gia đình hoặc là giữa những gia đình quý tộc có mối quan hệ với nhau. Đương nhiên, Marx đã có mối quan tâm đặc biệt đến thời đại của Elizabeth, và ông như là người mà trong suốt cả cuộc đời đã tôn vinh Shakespeare và trong ngôi nhà của họ, một sự sùng bái Shakespeare thực sự đã rất thịnh hành.

Trong quyển vở thứ 4 và cũng là quyển cuối cùng,[60] Marx đã tiếp tục ghi chép của mình về diễn trình của cuộc chiến tranh tôn giáo ở châu Âu: đó là về giai đoạn thứ hai của Chiến tranh tôn giáo Pháp cho đến hiệp ước hòa bình của “vị minh quân” Henry IV; sự khởi đầu của cuộc đấu tranh vì tự do của Hà Lan chống lại sự thống trị của Tây Ban Nha; cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Anh cho đến khi kết thúc các cuộc hải chiến; sự phát triển của Scandinavia, Đông Âu và Đông Nam Châu Âu; các cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở Balkan và Hungary, đã giết chết cuộc Cải cách ở Áo và ở tất cả các khu vực thuộc miền nam châu Âu.

Tiếp ngay sau cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của các khu vực khác nhau ở châu Âu ngay là một trình bày chi tiết về quá trình và các sự kiện của cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu, Cuộc chiến tranh Ba Mươi năm, đã được khơi mào từ nước Đức. Nước Cộng hòa Hà Lan, không phải là một nước cộng hòa quý tộc, cũng không phải là cộng hòa nhân dân, mà là một nước cộng hòa tư sản đầu tiên, được cai trị bởi “Heren” (các “Heren” như họ cũng được gọi bằng cái tên này chính thức trong tiếng Hà Lan, họ vốn là giới thương nhân đô thị và tư bản tài chính) mà trên hết là họ đã giành được sự độc lập vào cuối cuộc chiến. Cộng hòa Hà Lan là nước tư bản phát triển nhất trong thế kỷ XVII. Marx đã ghi lại một số cuộc đổi mới mà chúng giải thích sự thành công về mặt kinh tế của nước cộng hòa. Ngược lại, Marx lưu ý các điều kiện của Đức ngay trước khi Chiến tranh Ba mươi năm bùng nổ vào năm 1618: sự chia rẽ về mặt chính trị, xã hội và kinh tế to lớn trong và giữa các vùng lãnh thổ của đế chế. Trong một bình luận dài về lịch sử của Scandinavia và Nga, Marx đã dành nhiều thời gian cho những gì mà ông làm dở dang trước đây: đó là Lịch sử nước Nga từ năm 862 được thể hiện trong bốn thời kỳ dài, cho đến đầu thế kỷ XVII.

Tiếp theo sau đó là trình bày chi tiết về diễn trình của cuộc chiến tranh từ năm 1618. Đối với Marx, đó là về những nền chính trị quốc tế chính, tức là vai trò của cường quốc Tin lành phía bắc như Thụy Điển và vai trò của đại cường quốc Công giáo là nước Pháp. Marx đi sâu vào chi tiết về sự phát triển nội tại của Pháp từ năm 1598 đến năm 1639 dưới nhiều chính phủ và thủ tướng khác nhau cho đến Đức Hồng y Richelieu. Các cải cách hành chính và quân sự lớn và nhỏ khiến ông quan tâm, và thông qua đó mà ở Pháp (và chỉ Pháp), một nhà nước đơn nhất tập trung đã được xây dựng. Những nền tảng cho các cường quốc chính trị châu Âu, mà các vị hồng y cai trị như Mazarin và Richelieu đã chủ trương thực hiện cũng là vì lợi ích của Giáo hội Công giáo mà họ đã thiết lập như một nhà nước giáo hội. Ở Đức, là nơi mà sự được mất là việc loại bỏ hoặc điều chỉnh những hệ quả từ cuộc Cải cách, với việc tước đoạt của cải của nhà thờ. “Như tất cả các nơi trong cuộc chiến tranh ba mươi năm: chiến tranh là nhắm vào chế độ sở hữu của Giáo hội!”[61]

Những trích đoạn này từ Schlosser đã đưa kết luận với các sự kiện dẫn đến Hòa ước Westfalen vào năm 1648: bản kế hoạch của người châu Âu cho nền hòa bình đã mở đầu cho thời kỳ chính trị quốc tế hiện đại. Marx đưa ra một cái nhìn tổng quan chi tiết về tiến trình đàm phán, bắt đầu từ năm 1639, về các đề xuất cho hòa bình và các kế hoạch chính trị khác nhau, bao gồm cả các tài liệu. Các giai đoạn cuối cùng cho đến khi hòa ước được ký kết, giai đoạn từ 1646 đến 1648, trong khoảng thời gian mà các phái đoàn của tất cả các bên liên quan đã đàm phán ở Osnabrück và Münster được Marx mô tả, theo từng tháng một, theo một thứ tự thời gian của các cuộc đàm phán. Sau đó, việc tái tạo chi tiết từng điều khoản của cả hai hiệp ước hòa bình một cách toàn diện: một cái được ký kết tại Osnabrück giữa Thụy Điển, vị hoàng đế với các tầng lớp trong triều đình Tin lành và một hiệp ước riêng biệt được ký kết ở Münster giữa Pháp và các cường quốc tham chiến còn lại. Cuối cùng, vào ngày 29 tháng 10 năm 1648, một thỏa thuận hòa bình chung giữa tất cả các bên liên quan đã được tuyên bố tại tòa thị chính ở Münster.

Marx vốn dĩ được đào tạo về luật, đã đề cập đến bản thỏa thuận trong ba phần. Thứ nhất, về Thụy Điển và các đồng minh và các điều khoản liên quan (về việc cắt đất, bồi thường, v.v.); thứ hai, về các điều khoản liên quan đến đức tin [Tôn giáo]. Ở đó, ông nhấn mạnh đến điều khoản quan trọng là “cuius regio, eius religio” [lãnh địa nào, tôn giáo đó]. Không có chính phủ nào cần phải khoan dung cho những công dân không thuộc về tôn giáo của họ; họ phải được có khoảng thời gian là 3 năm để di cư. Và, thứ ba, liên quan đến các điều khoản về sự hình thành của Đế chế Đức. Điều khoản quan trọng nhất: các vương công Đức, những người đã từng bị từ chối quyền định đoạt về các liên minh giữa họ với nhau và với các thế lực ngoại quốc, kể từ thời điểm đó trở đi, họ đã được trao cho quyền để thực hiện mà không cần bất kỳ sự xem xét nào từ hoàng đế hay đế chế. Tuy nhiên, các lợi ích và đặc quyền của đế chế chỉ được thừa nhận một cách hình thức với “việc có thể dễ dàng lách điều khoản quy định một liên minh như vậy không có điều gì chống lại hoàng đế và đế chế”. Do đó, “chủ quyền” của các vương công Đức đã được xác nhận, những người thấy mình được thăng tiến để trở thành những chủ nhân của các tiểu quốc độc lập.[62]

Ở trang cuối cùng, Marx một lần nữa trở lại với lịch sử nước Anh – trong giai đoạn từ cái chết của Elizabeth cho đến lễ đăng quang của Charles I. Ông kết thúc bằng một trình bày vắn tắt về thời tiền sử của cuộc Cách mạng Anh thế kỷ XVII, sau cuộc chiến tranh giải phóng Hà Lan, cuộc cách mạng “tư sản” lần thứ 2 của tính hiện đại.

Quyển vở cuối cùng này đã trực tiếp cho thấy một lần nữa về sức mạnh của Marx với tư cách là một nhà khoa học xã hội có nền tảng tốt về lịch sử đã dễ dàng đi lần lượt từ sự phát triển bên trong của các quốc gia cụ thể sang đến các nền chính trị lớn của châu Âu và mang tính quốc tế mà vẫn không quên những cơ sở kinh tế của cái toàn thể. Từ kết quả của cuộc Chiến tranh Ba Mươi năm, và thậm chí là sau đó, không hề có sự bá quyền một cách rõ ràng của thế lực này hay thế lực kia từ các cường quốc ở châu Âu. Nhưng Marx đã không để rời khỏi tầm nhìn của mình những thế lực sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tương lai, cường quốc lục địa đang trỗi dậy là Pháp và đối thủ sau này của Pháp là Anh. Đức Hồng Y Richelieu, người phát kiến ra khái niệm chính trị “Châu Âu”, một châu Âu Công giáo dưới sự bá quyền của Pháp, đã gây được Marx chú ý. Richelieu đã có một kế hoạch mà ông ta đã theo đuổi một cách khéo léo và kiên trì; ông ta là người chiến thắng thực sự trong Hòa ước Westfalen, là người đã phá vỡ Đế chế Đức như là một tác nhân chính trị trong hơn 100 năm.[63] Marx chắc chắn đã xem xét theo một phong cách phê phán “hệ thống Westphalia” – và ông đã không hề hình dung ý tưởng cho rằng nó là sự khởi đầu cho hệ thống các nhà nước mang tính quốc gia – dân tộc, một ý tưởng mà ngày nay vẫn còn rất phổ biến trong bộ môn khoa học chính trị quốc tế.

LỊCH SỬ THẾ GIỚI – ĐIỀU NÀY NGHĨA GÌ?

Đối với Marx, khái niệm lịch sử thế giới không chỉ là một môn sử luận, mà nó còn là một phạm trù lịch sử. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản hiện đại, lan rộng khắp châu Âu và các khu vực lân cận trên thế giới đã tạo nên một “thời đại” trong lịch sử thế giới. Và nó đã làm như vậy theo cái nghĩa được nhấn mạnh trong luận đề mà Marx và Engels ban đầu đã thiết lập trong các phác thảo phê phán có trong tác phẩm Hệ Tư tưởng Đức và sau đó là trong Tuyên ngôn Cộng sản: chỉ với chủ nghĩa tư bản hiện đại thì mới có thể thực sự có một lịch sử thế giới. Điều này là do chỉ có chủ nghĩa tư bản hiện đại mới tạo ra nền tảng vật chất cho một xã hội thế giới với thị trường thế giới, thương mại thế giới và tài chính thế giới cùng với sự phân công lao động mang tính quốc tế mới dần dần bao trùm tất cả các quốc gia, khu vực và châu lục. Nền kinh tế thế giới và chính trị thế giới được kết hợp rõ ràng trong lý thuyết chính trị của Marx và Engel. Chủ nghĩa tư bản được coi là một hệ thống kinh tế vốn có tính bành trướng, chủ yếu với tính chất không có điểm dừng của nó, do đó nó là một hệ thống thế giới. Các hình thái chính trị của nó, bắt đầu ở quy mô và phạm vi địa phương và khu vực, mở rộng sang các quốc gia có lãnh thổ rộng lớn hơn với các hệ thống pháp lý và cơ sở hạ tầng vật chất thống nhất, và cuối cùng vượt ra khỏi khuôn khổ của các nhà nước quốc gia – dân tộc và hệ thống nhà nước dựa trên quốc gia – dân tộc như tất cả các nhà nước “tư bản chủ nghĩa” bị chuyển hoá thành những hỗn hợp các nhà nước quốc gia – dân tộc và các đế quốc (nghĩa là mang tính đa quốc gia, thuộc địa).[64] Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện đại đầu tiên, cuộc khủng hoảng 1857/1858, đã khuyến khích cả Marx và Engels trong niềm tin rằng thị trường thế giới, nền kinh tế thế giới dưới sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, đã trở thành hiện thực. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thâm nhập vào toàn thế giới, do đó nó đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó. Nhưng sự phát triển của thị trường thế giới và nền kinh tế thế giới tư bản tiến triển rất không đồng đều. Ở một nơi trên thế giới, chủ nghĩa tư bản hiện đại có thể được nghiên cứu về sự trưởng thành của nó, trong khi ở một nơi khác trên thế giới nó vẫn chỉ mới xuất hiện hoặc chỉ đang trỗi dậy: “Chúng ta không thể phủ nhận điều này”, như Marx đã viết cho Engels vào tháng 10 năm 1858,

rằng xã hội tư sản đã trải qua lần thứ hai thế kỷ 16 của nó và tôi hy vọng rằng thế kỷ 16 sẽ là hồi chuông báo tử của nó, giống như lần đầu khi nó được đưa vào thế giới. Nhiệm vụ đúng đắn của một xã hội tư sản là thiết lập một thị trường thế giới ít nhất là trong phác thảo và thiết lập nên nền sản xuất dựa trên thị trường đó. Vì thế giới là hình tròn, việc thuộc địa hoá California và Úc và việc mở cửa của Trung Quốc và Nhật Bản dường như đã hoàn thành quá trình này.

Tuy nhiên, “nan đề” sau đây sẽ nảy sinh: nếu phương thức sản xuất tư bản và xã hội tư sản ở châu Âu đủ chín muồi để có thể vượt bỏ chúng, thì một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa “ở góc nhỏ của trái đất này” không “nhất thiết phải bị nghiền nát [... ] kể từ khi sự vận động của xã hội tư sản vẫn đang trên một cao điểm sang đến một khu vực rộng lớn hơn nhiều?”[65]

Trong các bản thảo mà chúng ta gọi là Hệ Tư tưởng Đức, diễn ngôn về lịch sử thế giới đã mang lại, trong mối liên đến Hegel và trực tiếp chống lại phái Hegel cánh tả, một hình thái mới – một chủ nghĩa duy vật triệt để.

Các khu vực riêng biệt ngày càng tác động lên nhau, ngày càng mở rộng trong quá trình phát triển này và sự cô lập ban đầu của các quốc gia riêng biệt ngày càng bị phá hủy bởi phương thức sản xuất tiên tiến, bởi sự giao lưu và bởi kết quả đến từ sự phân công lao động tự nhiên giữa các quốc gia khác nhau, thì lịch sử ngày càng trở thành lịch sử thế giới. Do đó, ví dụ, nếu ở Anh, một cỗ máy được phát minh sẽ tước đi vô số công nhân làm bánh mì ở Ấn Độ và Trung Quốc, và đảo ngược toàn bộ hình thái tồn tại của những đế chế này, phát minh này trở thành dữ kiện của lịch sử thế giới.[66]

Nền thương mại thế giới là ngành công nghiệp tiên phong, có quy mô lớn, sẽ là đòn bẩy của cuộc cách mạng này, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh toàn cầu và “lần đầu tiên, lịch sử thế giới đã được tạo ra trong chừng mực mà nó làm cho tất cả các quốc gia văn minh và mọi thành viên của chúng, trong việc thỏa mãn nhu cầu của họ, đều phụ thuộc vào toàn thế giới, do đó đi đến phá hủy sự độc quyền tự nhiên trước đây của các quốc gia riêng biệt”. Thị trường thế giới với tư cách là một “hình thái tự nhiên chính của sự hiệp đồng lịch sử – thế giới của các cá nhân” ràng buộc tất cả họ dưới một “hình thái phụ thuộc một cách toàn diện”[67] xuất hiện như một thế lực xa lạ và do đó vẫn sẽ không thể hiểu được xét như là lịch sử thế giới.

Chính xác luận điểm này được lặp lại trong Tuyên ngôn năm 1848: chủ nghĩa tư bản hiện đại, cùng với nền công nghiệp quy mô lớn, sản xuất cho thị trường thế giới, gửi các đại lý của nó đến “toàn cầu”. Nó tạo ra một “phương thức sản xuất và thương mại” mới của toàn cầu đi đến việc vượt bỏ sự cô lập trước đây của quốc gia và địa phương; nó phá hủy các hình thái trước đây của chính quyền quốc gia và khu vực bởi sự cạnh tranh toàn cầu và sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia, và buộc tất cả các quốc gia dưới ma thuật của thị trường thế giới, mà chu kỳ kinh tế có quyết định đến mọi bước đi của chúng.[68]

Một lần nữa, Marx nhấn mạnh quan niệm này trong một nhận xét ngẫu nhiên vào cuối Lời nói đầu được viết nhanh của mình vào tháng 8 năm 1857, như một lưu ý phụ sẽ được giải quyết sau: (Ảnh hưởng của phương tiện liên lạc. Lịch sử thế giới không luôn tồn tại: lịch sử xét như là lịch sử thế giới là một kết quả).[69] Việc đề cập đến các phương tiện giao tiếp ở đây không phải là ngẫu nhiên. Cáp ngầm đã được lắp đặt lần đầu tiên vào năm 1851. Năm 1857, tức là năm xảy ra cuộc khủng hoảng, những nỗ lực đầu tiên đã được thực hiện để đặt cáp xuyên Đại Tây Dương cho liên lạc điện báo giữa London và New York. Việc đó đã thành công một năm sau đó.

Ban đầu, phương thức sản xuất tư bản trong hình thái phát triển hoàn chỉnh của nó – nghĩa là chủ nghĩa tư bản công nghiệp – tạo nên một thị trường thế giới và nền kinh tế thế giới; nó cho phép và đòi hỏi lịch sử thế giới: có nghĩa đó là hành động chính trị trên quy mô thế giới. Các bản thảo nghiên cứu từ 1857/1858 chỉ chứa một vài luận điểm được phác thảo một cách đầy sinh khí cho đến lời kết này: Xu hướng tạo ra thị trường thế giới vốn hàm chứa một cách trực tiếp trong khái niệm về chính ngay tư bản; ban đầu, tư bản theo đuổi xu hướng mở rộng thị trường trên và qua tất cả các biên giới, để tạo ra các thị trường mới, và “để tuyên truyền” cho khắp nơi về phương thức sản xuất của mình. Chỉ có tư bản “là tạo ra xã hội tư sản và sự chiếm đoạt phổ biến về tự nhiên và hệ thống kết nối xã hội bởi các thành viên của xã hội.

Do sức ảnh hưởng mang tính văn minh hoá lớn lao của tư bản,[70] do sự sản xuất của nó trong một giai đoạn xã hội mà so với tất cả các giai đoạn trước đó dường như chỉ là sự phát triển mang tính cục bộ của nhân loại và sự sùng bái hoá tự nhiên. [...] Chính xu hướng này khiến cho tư bản vượt ra khỏi biên giới và định kiến quốc gia, cũng như vượt qua sự thỏa mãn truyền thống về nhu cầu hiện tại và tái sản xuất ra lối sống cũ trong cái giới hạn được thiết lập một cách lâu dài và được chấp nhận một cách mãn nguyện. Tư bản đang hủy diệt và liên tục cách mạng hóa tất cả những điều này, phá bỏ mọi rào cản cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, việc mở rộng phạm vi nhu cầu, chuyên biệt hoá nền sản xuất và sự bóc lột và trao đổi tất cả các lực lượng tự nhiên và tinh thần.[71]

VIỆC XÉT LẠI LỜI HƯỚNG DẪN – THỊ TRƯỜNG VÀ NHÀ NƯỚC: SỰ XUẤT HIỆN VÀ TRỖI DẬY CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI Ở CHÂU ÂU

Ngay từ ban đầu, từ năm 1844, Marx đã theo đuổi một dự án khác, phê phán về chính trị mà lúc khởi thuỷ được liên kết trực tiếp với phê phán nền kinh tế quốc dân (mà sau đó là kinh tế chính trị) chỉ để được trì hoãn nhường chỗ cho hướng phê phán thứ hai (nhưng không bao giờ bị từ bỏ). Trong nhiều tác phẩm sau này, Marx đã nhiều lần cố gắng phác họa ngắn gọn sự phát triển của các nhà nước ở châu Âu: trong Đấu tranh giai cấp ở Pháp vào năm 1850, trong cuốn Ngày 18 tháng sương mù của Louis Bonaparte năm 1852, trong loạt bài báo về thể chế nước Anh và chính trị nước Anh năm 1853/1854, trong loạt bài về Cách mạng Tây Ban Nha năm 1855, và về Lịch sử Ngoại giao vào thế kỷ 18 vào năm 1856/1857, cũng như trong Herr Vogt năm 1860 hay Nội chiến ở Pháp năm 1871.

Trong các bản phác thảo này, một sự kết nối các giai đoạn và hướng đi rõ ràng được đưa ra cho sự phát triển của châu Âu, từ sự cùng tồn tại một cách không ổn định của các nhà nước sơ khai hoặc các thế lực chính trị khác nhau có xu hướng chuyển hoá thành các nhà nước và tranh chấp với nhau trong cùng một lãnh thổ và phạm vi ảnh hưởng (các nhà nước phong kiến – một thuật ngữ mà Marx thường sử dụng – với một hệ thống thứ bậc “phong kiến” ít nhiều có sự khác biệt như các nước cộng hòa thành thị và các hiệp hội hoặc các liên minh thành thị, Nhà thờ Công giáo), qua sự hình thành các quốc gia lãnh thổ dưới một quyền lực mang tính tập trung hoặc quyền lực tối cao tập trung, để đi đến chế độ quân chủ tập quyền, và cuối cùng là chế độ quân chủ lập hiến và là hình thái hiện đại của một nước cộng hòa (mang tính tư sản). Do đó, Marx phác họa nên sự phát triển của nhà nước quốc gia – dân tộc từ những cố gắng nhưng liên tục bị thất bại bên trong các đế chế châu Âu (tiếp sau Đế chế La Mã đã đến việc thành lập hệ thống các nhà nước châu Âu), việc bảo vệ chúng khỏi các cuộc xâm lược từ các đế chế bên ngoài châu Âu dẫn đến việc thành lập một hệ thống chính trị châu Âu. Theo quan niệm của Marx, Pháp là vùng đất điển hình của sự phát triển nhà nước. Đối với ông, ở Pháp, ông nhìn thấy cả một xu hướng lâu dài đối với việc xây dựng và mở rộng một quyền lực nhà nước tập trung, chuyên biệt hoá, được tổ chức một cách quan liêu và được vận hành bởi các nhà chuyên nghiệp lẫn một chuỗi các thay đổi (đôi khi được Marx xem xét theo cách thức của Polybius, vận hành theo một chu kỳ) của nhà nước và các hình thái chính quyền hỗn hợp. Điểm cuối tất yếu mang tính lịch sử của sự phát triển hiện đại này là một nhà nước và lãnh thổ thống nhất được tổ chức tốt, được kiểm soát tập trung dưới hình thái một nước cộng hòa tư sản, với một chính phủ nghị viện và quyền bầu cử phổ thông. Marx đã nhiều lần mô tả trường hợp “điển hình” của người Pháp về sự phát triển của nhà nước Pháp.[72]

Ngay từ những năm 1850, Marx thấy rõ rằng nhiều quốc gia và khu vực ở châu Âu đã không phù hợp một cách chính xác với lược đồ này. Tây Ban Nha là một ví dụ. Trong phần đầu tiên của loạt bài viết về Cách mạng Tây Ban Nha, năm 1855 Marx đã so sánh sự phát triển nhà nước ở Tây Ban Nha với phần còn lại của châu Âu. Ở Tây Ban Nha, chế độ quân chủ tuyệt đối đã phát sinh trước tiên, nhưng không tập trung hóa, không có “sự thống nhất xã hội” bị áp xuống từ bên trên, và với các quyền và sự tự do chính trị của các thành phố và các đẳng cấp mà họ đã trở thành nạn nhân của sự phát triển nhà nước ở các nước châu Âu khác.[73] Một trường hợp đặc biệt khác, là sự phát triển của nhà nước Nga mà Marx đã mô tả đặc trưng trong loạt bài viết của ông về Lịch sử ngoại giao trong thế kỷ thứ mười tám vào năm 1856/1857. Ông giải thích sự hình thành đặc thù của nhà nước Nga trong lịch sử, từ cuộc đấu tranh kéo dài chống lại sự thống trị của Đế quốc Mông Cổ, như là một hình thái nhà nước sơ khai thuần tuý có tính chư hầu. Sự thống nhất của Nga dưới sự thống trị của Moscow – trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của người Mông Cổ và chống lại các nước cộng hòa thành thị Nga – đã giải thích hình thái đặc biệt của sự hình thành nhà nước hiện đại của Nga bắt đầu dưới triều đại của Peter Đại đế.[74] Đóng góp này đối với lịch sử chính trị của một trong những đại cường quốc, hoàn toàn dựa trên các nguồn tư liệu lịch sử, và các bài thuyết trình, như Marx nhấn mạnh, không phải là “với những suy xét chung, mà là bằng các dữ kiện”[75] và cung cấp “tài liệu mới cho một lịch sử mới”, thay vì là “những phản ánh mới về các tài liệu nổi tiếng”.[76] Thật vậy, đây sẽ là một thử nghiệm thực tế về quan niệm mới về lịch sử cùng với “những phát kiến về mặt lịch sử” – mà Marx rất lấy làm tự hào.[77]

Nhờ sự điều tra chuyên sâu về nền chính trị Anh, về vấn đề Ireland và nền chính trị thuộc địa của đế quốc, Marx nhanh chóng nhận ra rằng sự phát triển của nhà nước Anh hay Vương quốc Anh cũng không phù hợp với lược đồ này, mặc dù sự phát triển ban đầu của một nhà nước quốc gia trên đảo. Cuối cùng, có Đức, trong đó, phần lớn, vẫn phải trải qua sự phát triển nhà nước hiện đại của nó. Sau đó, là Hoa Kỳ, mà với Marx đã nhiều lần và có sự quan tâm sâu sắc: một nước cộng hòa tư sản có nguồn gốc châu Âu đã đi từ một cuộc cách mạng tư sản này sang cách mạng tư sản khác và thành lập một nhà nước dân chủ, nhưng không có một bộ máy nhà nước có thể so sánh với các nước châu Âu.

Trong các nghiên cứu lịch sử – chính trị, cũng như trong các nghiên cứu lịch sử – kinh tế chính trị của mình, Marx ngày càng ý thức về mối liên hệ giữa sự phát triển của nhà nước hiện đại – thậm chí là một hệ thống các nhà nước châu Âu – với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Quyền lực nhà nước không chỉ là “đòn bẩy” thúc đẩy sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại, không có sự phát triển của nhà nước thì không thể có được phương thức sản xuất tư bản. Không có nhà nước sẽ không có thị trường, không có thương mại, không có tiền tệ hay hệ thống tín dụng. Không có nhà nước sẽ không có hệ thống nhà máy, không có cả lao động làm thuê hiện đại (và chắc chắn cũng không có chế độ nô lệ hiện đại).

Dưới đây là một ví dụ ít được biết đến từ các bản thảo kinh tế của Marx. Trong phần của bản phác thảo đầu tiên của Góp phần Phê phán Khoa kinh tế chính trị (văn bản gốc, ngày nay gọi là Urtext), Marx đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa nhà nước hiện đại và sự phát triển của hệ thống tiền tệ hiện đại:

Chế độ quân chủ tuyệt đối, bản thân nó đã là một sản phẩm của sự phát triển của của cải tư sản đến một mức độ không tương thích với các điều kiện phong kiến ​​trước đây, đòi hỏi phải có vật ngang giá chung như một đòn bẩy vật chất – phù hợp với cái quyền lực chung thống nhất có khả năng tự phát huy tại tất cả các điểm lân cận – của sự giàu có ở dạng luôn sẵn sàng hoàn toàn độc lập với các quan hệ cá nhân, tự nhiên, địa phương cụ thể. Nó cần sự giàu có dưới dạng tiền tệ. Do đó, chế độ quân chủ tuyệt đối đang làm việc trên việc chuyển đổi tiền tệ thành phương tiện trao đổi và thanh toán phổ quát. Điều này chỉ có thể được thiết lập thông qua lưu thông bắt buộc, làm cho sản phẩm lưu thông theo giá trị của chúng.[78]

Ở đây, Marx mô tả một hình thái lịch sử của nhà nước hiện đại, chế độ quân chủ tuyệt đối, mà phương thức tồn tại kinh tế là sự phụ thuộc vào thuế và hành động chính trị đòi hỏi phải chuyển đổi tất cả các loại thuế thành thuế bằng tiền làm đòn bẩy cho sự phát triển của một hệ thống tiền tệ hiện đại vốn chỉ phù hợp với phương thức sản xuất tư bản. Đó là “kỷ nguyên của thời kỳ quân chủ tuyệt đối mới nổi”, trong đó nghệ thuật tài chính bao gồm việc biến tất cả các sản phẩm thành hàng hóa và tất cả hàng hóa thành tiền và thực sự, “bằng cưỡng bức” với sự tham gia toàn phần của quyền lực nhà nước. Với việc sử dụng toàn bộ quyền lực của nhà nước, tất cả các loại thuế có thể được chuyển đổi và thu thành/bằng tiền. Chính hình thái nhà nước trong thời đại đặc thù của nó ban đầu đã mang đến một trong những điều kiện tiên quyết của chủ nghĩa tư bản – vận hành sự lưu thông chung của hàng hóa và tiền tệ, một loại tiền đáp ứng tất cả các chức năng cần thiết của tiền tệ mọi lúc và mọi nơi.[79]

Để nắm bắt đầy đủ mối liên hệ này của sự phát triển nhà nước và tư bản, Marx đã xem xét điểm khó khăn nhất. Trong Tư bản, ông sẽ đưa ra những nền tảng, “tinh tuý” của lý thuyết phê phán của mình: “sự phát triển của phần tiếp theo”, có thể “dễ dàng được những người khác theo đuổi trên cơ sở những gì đã được cung cấp” – ngoại trừ vấn đề về “mối quan hệ giữa nhiều hình thái nhà nước và cơ cấu kinh tế khác nhau của xã hội.[80]

Các nghiên cứu chi tiết về sự phát triển ban đầu của chủ nghĩa tư bản ở Hoa Kỳ và ở Nga, được ông theo đuổi từ năm 1870, đã khuyến khích ông theo quan điểm rằng không có một chủ nghĩa tư bản lịch sử, không có một dòng phát triển tư bản duy nhất, mà có nhiều. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản như một hệ thống kinh tế và chính trị thế giới là một lịch sử phức tạp hơn so với dự đoán ban đầu của ông. Cả hai chủ nghĩa tư bản mới, của người Mỹ và người Nga, mà bản thân chúng đã phát triển trong mối liên hệ với các nhà nước, trong nhiều khía cạnh, đã không tương ứng với mô hình của Tây Âu. Chủ nghĩa tư bản Mỹ phát triển mạnh mẽ đến mức nó bắt đầu làm lu mờ mô hình cổ điển của chủ nghĩa tư bản công nghiệp, tức mô hình của nước Anh.[81]

Một số quan điểm hàng đầu chiếm ưu thế trong các nghiên cứu của Marx về lịch sử thế giới từ 1881/1882 xuất hiện trong việc sắp xếp các tài liệu và sự nhấn mạnh của ông. Điều này cũng đúng với cách ông đọc Botta và Schlosser, và cách ông tiếp cận đối với các kiến giải của họ trong các ghi chú của mình. Trọng tâm là dành cho sự phát triển của nhà nước hiện đại, nhưng được xem xét (theo quan niệm về lịch sử của Marx và Engel) như một quá trình có liên hệ đến sự phát triển của cả thương mại, nông nghiệp, khai khoáng, tài chính và không gian cơ sở hạ tầng. Nhiều sự chú ý được dành cho sự kết nối giữa nhà nước và pháp luật và tổ chức hành chính, cũng như mối liên hệ giữa mối liên hệ (tốt đẹp giữa lịch sử – điều kiện vật chất) của nhà nước và chiến tranh hoặc tổ chức quân sự và công nghệ.

Người ta chỉ có thể đoán điều này có thể có ý nghĩa gì đối với việc tái định hình có thể có trong “sự hướng dẫn” hay là “sự hướng dẫn cho việc nghiên cứu” có thể có về quan niệm “duy vật” lịch sử, như Marx đã từng trình bày nó vào năm 1859 (trong lời nói đầu của Góp phần Phê phán Khoa Kinh tế chính trị). Điều này rất rõ ràng: vào cuối quá trình nghiên cứu dài hơi, mà ông đã bắt đầu vào năm 1844, thì giờ đây vào năm 1881 – 1882, Marx đã biết rất rõ rằng không phải sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hay sự phát triển của nhà nước hiện đại có liên quan đến nó và được quy định bởi nó là một dòng chảy có một hướng duy nhất (phi tuyến tính) – không phải bao giờ cũng sẽ dẫn đến cùng một kết quả. Hệ quả cho việc bộ Tư bản hãy còn đang dở dang và chưa hoàn thành là ngày càng khó khăn hơn trong việc nắm bắt những gì là điển hình trong “trường hợp chung nhất”, hay “khái niệm” chung về chủ nghĩa tư bản hay sự phát triển của tư bản, “vì nó là ý niệm trung bình, như nó đã từng là thế”, như Marx vẫn tự tin xây dựng nên nó trong bản thảo cho tập thứ 3 vào năm 1864/1865[82]. Trường hợp chung và ý niệm trung bình ở đây đã dựa trên chủ nghĩa tư bản Tây Âu, như Marx đã thừa nhận vào những năm 1870.[83] Nhưng cái nhìn sâu sắc này không phải là giải pháp, mà nó chỉ là vấn đề một lần nữa đã trở nên rõ ràng: làm cách nào để một lý thuyết chung có thể được liên hệ với một “histoire raisonée” [lịch sử lý tính] của chủ nghĩa tư bản hiện đại?[84]

Engels, người đã tuyên bố rằng mình không có một câu châm ngôn nào, đã đưa ra một câu châm ngôn mà ông và Marx đã làm theo ngay khi họ thiết kế nên chương trình nghiên cứu cho “quan niệm duy vật về lịch sử”: “Toàn bộ lịch sử phải được nghiên cứu lại theo một cách khác”.[85] Điều này cũng đúng với lịch sử lâu dài và phức tạp của chủ nghĩa tư bản mà lý thuyết chung của Marx đã phải chứng minh.

Người dịch (bản tiếng Anh): Nathaniel Boyd

CÁC BẢN TÓM TẮT BẰNG TIẾNG PHÁP – ĐỨC – TÂY BAN NHA

Michael R. Krätke. Marx et l’histoire mondiale.

En 1881–1882, Marx entreprit de vastes études historiques, couvrant une grande partie de ce qui était alors connu comme “l’histoire mondiale”. Les quatre grands cahiers avec des extraits des travaux de (principalement) deux historiens renommés de son époque, Schlosser et Botta, sont en grande partie restés non publiés à ce jour. Dans cet article, les dernières études de Marx sur l’évolution de l’histoire mondiale sont placées dans leur contexte: les études historiques antérieures de Marx et son travail continu, mais inachevé sur la critique de l’économie politique. L’étendue de ses notes est étonnamment ample, allant bien au-delà de l’histoire européenne et couvrant de nombreuses autres parties du monde. L’accent mis par Marx dans ces études soutient l’interprétation proposée dans l’article: que l’auteur du “Capital” était fasciné par le long processus de la construction des états modernes et du système étatique européen, l’un des préalables essentiels à la montée du capitalisme moderne en Europe.

Người dịch phần tóm tắt ra tiếng Pháp: Christine Plard

Michael R. Krätke. Marx und die Weltgeschichte.

1881 und 1882 betrieb Marx umfassende historische Studien, die einen Großteil dessen abdeckten, was damals als “Weltgeschichte” bezeichnet wurde. Die vier umfassenden Notizhefte, in denen er (vor allem) aus den Werken der beiden füh renden Historiker seiner Zeit, Schlosser und Botta, exzerpierte, sind bis heute weit gehend unveröffentlicht geblieben. In dem Beitrag werden Marxens letzte Studien zum Verlauf der Weltgeschichte kontextualisiert: Sie werden in den Zusammenhang seiner früheren Studien sowie seiner fortlaufenden, jedoch unabgeschlossenen Arbeit an einer Kritik der politischen Ökonomie gestellt. Das Themenspektrum von Marxens Notizen ist erstaunlich breit. Es geht weit über die europäische Geschichte hinaus und umfasst auch die Entwicklung vieler anderer Erdteile. Der Fokus dieser Marxschen Studien stützt die im Beitrag vertretene These: dass nämlich der Autor des “Kapital” fasziniert war von dem langwierigen Entstehungsprozess moderner Staaten sowie des europäischen Staatensystems, handelte es sich dabei doch um eine wesentliche Vorbedingung für den Aufstieg des modernen Kapitalismus in Europa.

Người dịch phần tóm tắt ra tiếng Đức: Max Henninger

Michael R. Krätke. Marx y la Historia mundial.

En 1881-1882 Marx desarrolló una extensa labor de estudios históricos que cubrían una parte considerable de lo que por entonces venía a denominarse como « historia mundial’. Los cuatro voluminosos cuadernos de notas que reúnen extractos de los trabajos de (principalmente) dos de los más importantes historiadores de su tiempo, Schlosser y Botta, han permanecido sin ser publicados hasta hoy día. En este artículo los estudios elaborados por Marx sobre el devenir de la historia mundial se sitúan en su propio contexto: los estudios históricos previos del propio Marx y el inicio del desarrollo de su trabajo – por entonces todavía inacabado – sobre la crítica de la economía política. El ámbito y el alcance de sus anotaciones es sorprendentemente muy extenso, abarcando mucho más allá de la propia historia de Europa y teniendo en cuenta muchas otras partes del mundo. El objetivo de Marx en estos trabajos permite sostener la interpretación que se ofrece en este texto: que el autor de El capital estaba fascinado por el largo proceso de formación de los Estados modernos y por el sistema de estados europeos, uno de los prerrequisitos esenciales de la configuración del capitalismo moderno en Europa.

Người dịch phần tóm tắt ra tiếng Tây Ban Nha: Vicent Sanz Rozalén

Đinh Thái Xuân Huy dịch từ bản tiếng Anh

Nguồn: Marx and World History, Cambridge, Feb. 21, 2018.




Chú thích:

[1] Xem chú thích 85 bên dưới.

[2] Marx-Engels-Werke (henceforth: MEW) 3, p. 18. Đây là một biến thể trong văn bản. Câu trích dẫn thuộc về một đoạn đã được gạch bỏ trong bản thảo. Cf. MECW 5, tr. 28, phần chú thích.

[3] Alfred Schmidt, Geschichte und Struktur. Fragen einer marxistischen Historyik, (München 1971), p. 36 [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: bản dịch đã được sửa đổi]; cũng nên so sánh với Max Raphael, Zur Erkenntnistheorie der konkreten Dialektik, (Paris 1934), p. 11. Trong phiên bản tiếng Đức gốc của bài viết này, một đoạn dài hơn về quan niệm của Marx về lịch sử là một khoa học xã hội và mối quan hệ giữa nghiên cứu lịch sử của ông và dự án chủ yếu của cuộc đời ông, phê phán về kinh tế chính trị theo những gì tôi đã viết ở đây. Trong đoạn này, tôi có đặt vấn đề với một cách đọc triết học phổ biến hiện nay về bộ Tư bản của Marx, trong đó mọi thứ về “lịch sử” bị xem là lạc đề hoặc chỉ là minh họa thuần túy, hoặc tệ hơn là làm phổ thông và bình dân hóa một lập luận triết học. Theo quan điểm của tôi, Tư bản của Marx không bao giờ có thể được đọc như một luận thuyết triết học (về sự tha hóa, về bái vật hay phép biện chứng của các khái niệm). Thay vào đó, Marx liên quan đến “logic của chủ nghĩa tư bản”, và logic của sự phát triển của tư bản chủ nghĩa. Do đó, có một mối quan hệ nội tại rất chặt chẽ giữa các nghiên cứu của ông về các lý thuyết về kinh tế chính trị và các nghiên cứu về lịch sử kinh tế và xã hội mà ông theo đuổi trong suốt cuộc đời mình (x. Michael R. Krätke, Marx und die Weltgeschichte, trong: Beiträge zur Marx-Engels-Forschung, Neue Folge 2014/15, pp. 133–142).

[4] MEW 19, p. 229; MEGA2 I/25, p. 198; MECW 24, pp. 326f.

[5] hật vậy, trong cuộc kiểm tra lại vào năm 1934 cho Marx-Chronik của Marx [erneute Studien] về lịch sử La Mã từ mùa đông 1879/1880 đã được đề cập (xem Marx-Engels-Lenin-Institut Moskau, Karl Marx. Chronik seines Lebens in Einzeldaten. (Moscow, 1934), p. 375), nhưng những nghiên cứu và trích đoạn tiếp theo của ông về lịch sử thế giới thì không. Hal Draper đã đề cập đến chúng trong Marx-Engels Chronicle, đã chỉ ra chúng là “từ khoảng cuối năm 1881 đến cuối năm 1882” (Hal Draper, Marx-Engels Chronicle: A Day by Day Chronology of Marx – Engels's Life and Activity (New York, 1985), p. 220).

[6] Xem IISG Amsterdam, Marx-Engels-Nachlass (henceforth: IISG, MEN), Sign. B 108/B 157, B 109/B 158, B 110/B 159 và B 111/B 160.

[7] Xem Michael Gottlob, “Friedrich Christoph Schlosser (1776–1861): Weltgeschichte für das deutsche ROL, in Volker Reinhard (chủ biên), Hauptwerke der Geschichtsschreibung (Stuttgart, 1997), pp. 574–577. Tác phẩm của Schlosser từ Weltgeschichte cũng như Geschichte des 18. und 19. Jahrhunderts (1823) thành công hơn của ông đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Hà Lan và tiếng Tây Ban Nha.

[8] Schlosser đúng hơn là kiểu học giả người Đức tự mãn, không thể chiến thắng chủ nghĩa dân tộc đang chiếm ưu thế ở mọi nơi trong thời kỳ của ông. Về cuộc sống và tác phẩm của Schlosser, xem Michael Gottlob, Geschichtsschreibung zwischen Aufklärung und Historyismus. Johanna von Müller und Friedrich Christoph Schlosser (Frankfurt a. M., 1989).

[9] MEGA2 I/27, pp. 144 và 197. Trong văn bản được xuất bản của chương này, điều này đã trở thành một câu chuyện ngắn gọn hơn nữa của “ông già Schlosser tử tế” (p. 417) (MECW 25, trang 228; Những sự chuẩn bị cho việc nghiên cứu của Marx không được bao gồm trong MECW) [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: nhấn mạnh trong nguyên tác].

[10] Một bản sao của từ tác phẩm Histoire des peuples d hèItalie mà Marx sở hữu có thể được tìm thấy trong Danh mục các tác phẩm lấy từ Thư viện Marx-Engels; nó có mô tả như sau: “Trong 2 tập đầu tiên, có rất nhiều dấu hiệu và ghi chú từ bàn tay của ông (bằng bút chì màu xanh và cả mực) bằng tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp. Các ý kiến bên lề liên quan đến ngày tháng, sự kiện lịch sử và một số nhận xét bổ sung đánh giá chính cuốn sách.” (Bruno Kaiser et al., Ex libris Karl Marx und Friedrich Engels. Schicksal und Verzeichnis einer Bibliothek (Berlin, 1967), pp 36ff). Tuy nhiên, trong bản kiểm kê năm 1850 trong thư viện của Marx, do Roland Daniels lập ra, tuy nhiên, lại không có tài liệu tham khảo nào về Botta hay Schlosser có thể được tìm thấy, vì mãi về sau ông mới có được những cuốn sách đó.

[11] Xem (Die Bibliotheken von Karl Marx und Friedrich Engels. Annotiertes Verzeichnis des ermittelten Bestandes, trong MEGA2 IV/32, tr. 586. Botta từ Histoire des peuples d hèItalie được liệt kê một lần nữa trong đó (p. 158). MECW đã không đưa ra một danh sách các cuốn sách mà đã được đề cập đến trong các thư viện cá nhân của Marx, và Engels.

[12] Cf. Christian Gottfried Nees von Esenbeck và Carl Georg Althusen, Dokumentation zur Bibliothek von Wilhelm Wolff, in Beiträge zur Nachmärz-Forschung, Schriften aus dem Karl-Marx-Haus 47(Trier, 1994), pp. 193 and 230.

[13] Xem Marx-Engels-Lenin-Stalin. Zur deutschen Geschichte. Aus Werken, Schriften, Briefen. Trong drei Bänden, Besorgt vom Marx-Engels-Lenin-Stalin-Institut beim ZK der SED, Band I: Von der Frühzeit bis zum 18. Jahrhundert (Berlin, 1953). Wolfgang Harich là tên của biên tập viên.

[14] Do đó, không có gì là quá xa vời khi cho rằng Marx đã thấy quá trình hình thành nhà nước và sự hiện đại hóa nhà nước này trong mối liên hệ lịch sử trực tiếp với sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

[15] Hans-Peter Harstick đã đưa ra một mô tả đầy đủ và xuất sắc về phạm vi và ranh giới cho việc đọc của Marx của học bổng lịch sử trong Appendix I của mình cho ấn bản trích đoạn Marx của ông từ quyển sách của M. M. Kovalevskij bàn về sở hữu đất đai trong công xã. Ở đó, người ta có thể tìm thấy một danh sách đầy đủ các tác phẩm mà Marx đã đọc (cả trích đoạn cũng như với ghi chú bên lề) (x. Hans-Peter Harstick (chủ biên), Karl Marx über vorkapitalistische Produktion (Frankfurt [v.v.], 1977), pp. 233–263). Do đó, tôi sẽ chỉ đi sâu vào một số nghiên cứu của Marx trong giai đoạn được đề cập trong chừng mực vì chúng có liên quan đến sự hiểu biết về nghiên cứu (đổi mới) của ông về lịch sử thế giới vào những năm 1881–1882.

[16] Các ghi chú còn sót lại đã dẫn ra các nghiên cứu về lịch sử triết học và nghệ thuật của Marx ở Bonn và Berlin đã được xuất bản trong MEGA2 Band IV/1.

[17] Vào ngày 16 và 17 tháng 6 năm 1830, Johann Wolfgang von Goethe đã ghi chú trong nhật ký của mình: “Sau đó bắt đầu với việc đọc geschichtliche Darstellung des Handels của Gustav von Gülich […] Tôi đã ca ngợi Geschichte des Handels từ Gustav von Gülich [trong cuộc trò chuyện với Meyer] và đã nói với anh ta về khá nhiều điều từ cuốn sách”, (Goethes Werke, Herausgegeben im Auftrag der Grossherzogin Sophie von Sachsen, III Abtheilung, Goethes Tagebücher, 12 Band, 1829–1830 (Weimar, 1901), pp. 257, 258).

[18] Xem MEGA2 IV/6, p. 3–973. Theo như tôi có thể thấy, đoạn trích từ Gülich là đoạn trích dài nhất trong tất cả các đoạn trích còn sót lại về kinh tế chính trị bằng chữ viết tay của Marx. Ông dường như cũng đã sử dụng nó thường xuyên sau này (đối chiếu với Heinzpeter Thümmler, Gustav von Gülich und die Erarbeitung der Gülich-Exzerpte durch Karl Marx, Marx-Engels-Jahrbuch, 7 (1984), pp. 201–225).

[19] Những nghiên cứu này vẫn được đánh dấu theo kế hoạch, nhưng chưa bao giờ viết “phê phán về chính trị”, và xoay quanh các chủ đề chính của nó. Những gì Marx có trong đầu là một đề cương ngắn, được chia thành 11 chương hoặc phần. Một bản thảo đầu tiên về nội dung của cuốn sách được lên kế hoạch này đã được viết vào quyển vở tay năm 1844ff của ông, cùng một cuốn vở mà ông cũng đã viết ra những Luận cương về Feuerbach nổi tiếng hơn. Chủ đề bao quát của kế hoạch dự thảo này là về “nhà nước hiện đại”, sự khác biệt với “nhà nước cổ đại”, và do đó, là ví dụ chính được cung cấp từ sự phát triển của nhà nước ở Pháp. Thật vậy, điểm mấu chốt của Marx là về tình trạng của xã hội dân sự tư sản [bürgerliche Gesellschaft], vốn gắn liền với chính xã hội tư sản. Ông theo dõi quá trình “hình thành lịch sử” của nhà nước này từ khi bắt đầu, trước và trong cuộc Cách mạng Pháp, cho đến sự “vượt bỏ” cuối cùng của nó, cùng với sự “vượt bỏ” của xã hội tư sản. Sự nhấn mạnh của Marx là vào các thể chế cốt lõi của nhà nước hiện đại, về hiến pháp và các hình thái đa dạng trong đó có thể tổ chức nên kiểu “nhà nước đại diện” (xem Karl Marx, “Notizbuch aus den Jahren 1844–1847, trong MEGA2 IV/3, trang 11). Đối với bản dịch tiếng Anh cho bản kế hoạch chưa đặt tên của Marx cho công việc được lên kế hoạch về nhà nước hiện đại, trong đó ông lấy Pháp và cách mạng Pháp làm ví dụ điển hình, xem MECW 4, p. 666.

[20] Tất cả các quyển vở ghi chép về Kreuznach đã được xuất bản trong MEGA2 IV/2. Marx hẳn đã phải chấp nhận bộ toàn tập được biên tập bởi Heeren và Ukert vì nó phần lớn là phù hợp với sở thích nghiên cứu của ông. Như đã nêu trong Lời nói đầu của các biên tập viên, “lịch sử của người cai trị cũng như người bị trị được miêu tả mà không có sự ưu tiên cho tính đảng phái hay giai cấp, nhưng lại bắt nguồn từ chính các nguồn tư liệu. Nó sẽ cho thấy cách mà mỗi nhà nước sẽ trở thành như thế nào, […], cách mà hiến pháp được hình thành như thế nào, đẳng cấp thứ ba hình thành như thế nào, những gì xảy ra liên quan đến chính quyền và hệ thống tài chính và nền kinh tế quốc gia […]” (“Vorwort der Herausgeber”, ở Johann Christian Pfister, Geschichte der Teutschen. Nach den Quellen, Bd. 1 (Hamburg, 1829), p. Iv).

[21] Tất cả các trích đoạn được xuất bản trong MEGA2 IV/7.

[22] Xem MEGA2 IV/9, tr 502–15, 365–371, và 454–460. Mối quan tâm của Marx về Heeren là hoàn toàn có thể hiểu được vì vị giáo sư tại Gottingen là một trong những người đầu tiên kết nối lịch sử chính trị một cách có hệ thống với lịch sử kinh tế, tài chính và công nghệ. Heeren có thể được mô tả một cách thận trọng như một nhà tiên phong tư sản tốt về quan niệm kinh tế hoặc duy vật của lịch sử.

[23] Cf. IISG, MEN, Sign. B 60.

[24] Cf. Ibid., B 62 và 63.

[25] Cf. Ibid., B 63–66. Đồng thời, Marx nghiên cứu lịch sử Nga và lịch sử của các quốc gia Slavơ, lịch sử Hy Lạp và đặc biệt là lịch sử của Giáo hội Chính thống Hy Lạp và Nga, lịch sử của Ba Lan và Litva (xem Ibid., B 67 và 68).

[26] Những chi tiết này đã có mặt trong MEGA2 IV/12.

[27] Những trích đoạn này cũng đã được xuất bản trong MEGA2 IV/12.

[28] Cf. Ibid., pp. 65–87 và 260–300. Cf. also Volker Külow, “Marx’s Exzerpte aus Georg Friedrich von Martens’ Grundriss einer Diplomatischen Geschichte. Anmerkungen zum Platz der Göttinger Historyikerschule im historiographischen Schaffen von Karl Marx, Marx-Engels Forschungsberichte, 6 (1990), pp. 132–146.

[29] Cf. IISG, NAM, Sign. B 76a. Đồng thời, Marx tiếp tục nghiên cứu lịch sử của các đế chế phương bắc, lịch sử của các quốc gia Slavơ và lịch sử nước Anh.

[30] Cf. IISG, NAM, Sign. B 78.

[31] Cf. Ibid., B 80 và 82.

[32] Cf. Ibid., B 89.

[33] Cf. Ibid., B 96, trang 30–50.

[34] Cf. Ibid., Sign. B 111 và 112.

[35] Cf. Ibid., Sign. B 114, pp. 55–112 và B 115.

[36] Cf. Ibid., Sign. B 129.

[37] Cf. Ibid., Sign. B 133–135.

[38] Cf. Ibid., Sign. B 135 và 136.

[39] Cf. Ibid., Sign. B 146 và 148.

[40] Cf. Ibid., Sign. B 153.

[41] Cf. Ibid., Sign. B 140. Ngoài bốn trích đoạn về lịch sử La Mã, trong quyển vở còn có những trích đoạn khá lớn về lịch sử Indonesia.

[42] Những trích đoạn về lịch sử La Mã đã được xuất bản lần đầu tiên trong MEGA2 Band IV/27.

[43] Việc tái cấu trúc lại các đường xoắn ốc và sai lầm của quá trình nghiên cứu lâu dài của Marx – mà, trong trường hợp của ông, kéo dài hơn bốn mươi năm – không bao giờ có thể là một nỗ lực để hiểu những gì có thể xảy ra với tác giả trong suốt hành trình dài của mình. Sự tự nhận xét và tự đánh giá của ông trong thư từ của mình với người khác thường gây hiểu nhầm.

[44] Trong phần mô tả quyển vở ghi chép mà các biên tập viên của mục lục cho các bài báo của Marx-Engels tại IISG ở Amsterdam đã cung cấp, họ đã thêm nhận xét rằng các trích đoạn không chỉ xuất phát từ Weltgeschichte của Schlosser, mà còn từ “các nguồn khác”. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này là chính xác, trong chừng mực vì Marx đã có nhiều nghiên cứu lịch sử sâu rộng đằng sau đó. Do đó, ông thường có thể sửa các tường trình của Schererer, mà không có phần tham chiếu đến bất kỳ tài liệu nào khác hoặc bất kỳ sổ ghi chép nào trước đây của ông.

[45] Mặc dù là một minh giải của thể loại “triết học” về sử luận dựa trên các phán đoán có giá trị đề cao chủ quan tính, nhưng đôi khi Schlosser cũng đổi mới về phương pháp trong việc thu thập những dữ kiện có tính ám ảnh của mình. Ông là một trong những người đầu tiên sử dụng các lời tường trình mà được lấy từ các cuộc phỏng vấn. Ông đã tiến hành những việc này khi còn sống ở Paris và sử dụng chúng cho các chủ đề của mình trong Geschichte des 18. Jahrhunderts und des 19. bis zum Sturz des französischen Kaiserreichs (Heidelberg 1923) – đây là một phương pháp không được các nhà sử học sử dụng vào thời điểm đó. Xem thêm đánh giá đương đại về Schlosser với tư cách là một nhà sử học trong bối cảnh phát triển của khoa sử luận của Đức, và cũng xem thêm bước chuyển sang “thuyết duy sử” dưới sự ảnh hưởng của Leopold von Ranke (Ottokar Lorenz, Der Historyiker Friedrich Christoph Schlosser und die Geschichtsschreibung (Berlin, 1868); idem, “Die philosophische Geschichtsschreibung (Friedrich Christoph Schlosser), trong idem, Die Geschichtswissenschaft ở Hauptrichtungen und Aufgaben kritisch erorter, Band 1 (Berlin, 1886 – 1891), pp. 1 – 89.

[46] Xem IISG, MEN, Sign. B 108/B 157.

[47] Trong một loạt các tác phẩm, Marx đã thay đổi những ý tưởng cơ bản giản đơn này: “Sự tồn tại mang tính kinh tế của nhà nước là các khoản thuế” (Die moralisierende Kritik und die kritisierende Moral, trong MEW 4, p. 348; MECW 6, p. 328), “Các khoản thuế là nguồn sống của bộ máy quan liêu, quân đội, linh mục và tòa án, nói ngắn gọn là toàn bộ bộ máy quyền lực hành pháp (Der achtzehnte Brumaire des Louis Bonaparte, trong MEW 8, p. 202; MEGA2 I/11, p. 183; MECW 11, p. 191), “Thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy chính phủ và không có gì khác” (Randglossen zum Programm der deutschen Arbeitspartei, trong MEW 19, p. 30; MEGA2 I/25, p 23; MECW 24, p. 96).

[48] IISG, MEN, Sign. B 108/B 157, trang 65ff [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: nhấn mạnh trong nguyên tác].

[49] Ibid., P. 88 [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: nhấn mạnh trong nguyên tác].

[50] Chỉ trong quyển vở trích đoạn thứ 2 (IISG, MEN, Sign. B 109/158), liên minh các thành phố của Lombardy được ghi nhận là một trong những diễn viên chính trị trung tâm trong cuộc đấu tranh giành quyền tối cao đã tàn phá nước Ý trong nhiều thế kỷ.

[51] Ibid., pp. 95, 96 [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: nhấn mạnh trong nguyên tác].

[52] Ibid., pp. 111ff [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: nhấn mạnh trong nguyên tác].

[53] Tóm tắt của Marx làm nhớ lại một trong những nhận xét của Engel, trong lá thư của ông vào ngày 12 tháng 3 năm 1895 gửi cho Conrad Schmidt: “chế độ phong kiến, sau đó, đã bao giờ được phù hợp với khái niệm của nó không? Bắt đầu ở Vương quốc Tây Franks, được phát triển thêm ở Normandy bởi những người xâm lược Na Uy, và tiến lên một giai đoạn cao hơn ở Anh và miền nam nước Ý bởi người Pháp Norman, nó đến gần nhất với khái niệm của nó – ở Vương quốc phù du Jerusalem, một di tích trong đó, Assises de Jérusalem, là biểu hiện cổ điển nhất của trật tự phong kiến. Có phải thứ tự đó chỉ là sự hư cấu bởi vì chỉ riêng ở Palestine, nó đã đạt đến sự tồn tại ngắn ngủi ở dạng hoàn toàn cổ điển – và thậm chí sau đó chủ yếu là trên giấy?” (MEW 39, trang 433; MECW 50, p. 465).

[54] Xem IISG, MEN, Sign. B 109/B 158.

[55] Ibid., pp. 16ff, 34ff và 36ff.

[56] Sự thay đổi hướng và trọng tâm của thương mại thế giới, sự dịch chuyển các trung tâm của nó từ vùng này sang vùng khác là một chủ đề mà Marx và Engels đã tiếp cận trước đó trong sự tái hiện về tình hình của nền kinh tế thế giới tư bản được xuất bản năm 1850 trong Neuen Rheinischen Zeitung. Politisch-ökonomische Revue. Theo quan điểm của họ, số vàng được tìm thấy ở California vào năm 1848 đã lần thứ hai mang lại cho một “hướng đi mới” về thương mại thế giới – trọng tâm sẽ chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Cái mà “Vai trò được nhận lãnh của […] Genova và Venice trong thời Trung cổ, vai trò của London và Liverpool mang cho họ cho đến tận bây giờ – là trung tâm trị của thương mại thế giới – hiện đang được New York và San Francisco, San Juan de Nicaragua đảm nhận cùng với Leon, Chagres và Panama. Trọng lực của thương mại thế giới, là Ý vào thời Trung cổ, Anh thời hiện đại, thì hiện là nửa phía nam của bán đảo Bắc Mỹ. Ngành công nghiệp và thương mại của châu Âu cũ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để không rơi vào tình trạng suy tàn giống như ngành công nghiệp và thương mại của Ý kể từ thế kỷ XVI, nếu Anh và Pháp không trở thành Venice, Genova và Hà Lan của ngày nay. Trong một vài năm […] Thái Bình Dương sẽ có vai trò tương tự như Đại Tây Dương bây giờ và Địa Trung Hải như đã có từ thời Cổ đại và thời Trung cổ – đó là con đường cao tốc đại dương lớn của thương mại thế giới” (Karl Marx và Friedrich Engels: Revue [Tháng 1/Tháng 2 năm 1850], trong MEW 7, p. 221; MEGA2, pp. 218–219; MECW 10, p. 265).

[57] Xem IISG, MEN, Sign. B 110/B 159.

[58] Ibid., P. 86.

[59] Ibid., p. 113.

[60] Xem IISG, MEN, B 111/B 160.

[61] Ibid., P. 97 [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: nhấn mạnh trong nguyên tác].

[62] Hãy nhớ rằng, ngay từ năm 1853, Marx đã tiếp cận với các chi tiết của Hòa ước West – phalia. Ông đã làm vậy trong các trích đoạn của mình từ tác phẩm năm 1807 Grundrisse einer Diplomatischen Geschichte của Martens, nơi ông nắm bắt chi tiết của các phần riêng lẻ của hiệp ước được biết đến dưới tên Hòa ước Westfalen (xem MEGA2 IV/12, pp. 82 – 84).

[63] Về Richelieu, xem cuốn sách tuyệt vời của Jörg Wollenberg, Richelieu: Kircheninteresse und Staatsräson (Bielefeld, 1977).

[64] Về chủ đề phức tạp này, xem Michael R. Krätke, “World Politics and World Economics in Marx’s Thought, Public Lecture, Universiteit van Amsterdam (2008).

[65] Marx to Engels, 8 tháng 10 năm 1858, trong MEGA2 III/9, tr. 218; MECW 40, pp. 346, 347.

[66] XEM 3, pp. 45ff; MECW 5, pp. 50, 51.

[67] Ibid., pp 60 và 37 [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: nhấn mạnh trong nguyên tác]; MECW 5, pp. 73, 51.

[68] MEW 4, pp. 464 – 466 và 479; MECW 6, pp. 487–489, 503.

[69] MEW 42, pp. 43f; MEGA2, II/1. 1, p. 44; MECW 28, p. 46.

[70] [lưu ý của người dịch bản tiếng Anh: tiếng Anh trong nguyên tác].

[71] Ibid., pp. 321 và 323; MEGA2, II/1. 2, pp. 320 và 322; MECW 28, pp. 335, 336, 336. Thị trường thế giới đối với Marx là một phạm trù phân tích cụ thể, không chỉ là một thị trường lớn trên toàn thế giới, mà còn là hình thái phát triển của sự “lưu thông chung”, trong đó những sự lưu thông đa dạng nhất đã gặp gỡ và đi qua lẫn nhau. Theo đó, trên thị trường thế giới, tất cả các loại chủ nghĩa tư bản gặp nhau và tất cả các phương thức sản xuất còn tồn tại buộc phải tiếp xúc và trở thành một phần của nền kinh tế thế giới, bị chi phối bởi tư bản.

[72] Cf. Eightennth Brumaire trong MEW 8, pp. 150f và 196f; MEGA2 I/11, pp. 132f và 178f; MECW 11, pp. 139, 185, 186 và Civil War in France, trong MEW 17, pp. 515ff, 538ff và 591ff; MEGA2, pp. 36ff, 53ff, 100ff; MECW 22, pp. 483 – 485, 533 – 535 (bản thảo đầu tiên của Civil War in France không có trong phiên bản MECW).

[73] Xem MEW 10, pp. 434 – 442; MEGA2 I/13, pp. 417 – 421; MECW 13, pp. 392 – 399.

[74] Cf. Karl Marx, “Enthüllungen zur Geschichte der Diplomatie im 18. Jahrhundert, trong idem, Politische Schriften, vol. 2, được biên tập bởi Hans-Joachim Lieber (Stuttgart, 1960), pp. 727 – 832.

[75] Marx to Isaac Ironside, 21 tháng 6 năm 1856, trong MEW 29, p. 538; MEGA2, III/8, p. 9; MECW 40, p. 58.

[76] Marx to Charles Dobson Collet, 23 tháng 10 năm 1856, MEW 29, p. 542; MEGA2 III/8, p. 56; MECW 40, p. 76.

[77] Marx đã nói điều này rõ ràng trong những lá thư riêng của mình cho Engels và vợ; ông cũng bày tỏ ý định gửi các ấn phẩm “cho nhà sử học già Schlosser ở Đức” (Marx to Jenny Marx, 21 tháng 6 năm 1856, MEW 29, p. 536; MEGA2 III/8, p. 32; Marx to Engels, 12 tháng 2 1856, MEW 29, pp. 11ff; MECW 40, pp. 56, 8 – 12).

[78] MEGA2 II/2, p. 19f. Đoạn này không có trong MECW.

[79] Ibid., P. 20.

[80] Marx to Ludwig Kugelmann, 28 tháng 12 năm 1862, trong MEW 30, p 639; MEGA2 III/12, p. 296; MECW 41, p. 435. Đoạn văn này trong bức thư là mơ hồ, như với nhiều cách diễn đạt khác của Marx. Marx đã làm cường điệu lên một cách mạnh mẽ khi ông khẳng định, về cơ sở “các nguyên lý của khoa kinh tế chính trị học”, (là sự bóng gió nói đến Ricardo và Sismondi sẽ được phát hiện ra trong bức thư này, cũng như một số nhân vật khác) rằng mọi “phần”, nghĩa là tất cả những gì mà ông còn dang dở, có thể dễ dàng được những người khác hoàn thành, bởi chính những học trò của mình. Làm thế nào để giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề mở của phê bình Marxist về kinh tế mà vẫn còn gây tranh cãi cho đến ngày nay. Thứ hai, phân tích sự phát triển lịch sử thế giới của các quốc gia và các cấu trúc xã hội kinh tế là một lĩnh vực nghiên cứu mà Marx (mà không đề cập đến Engels, người đi theo những bước đi của ông, nhưng đã ra khỏi ông) chỉ mang lại một số bộ phận. Những người Marxist thời kỳ cổ điển (đặc biệt là phái Marxist Áo – Austromarxist) đã bổ sung nhiều đóng góp hữu ích cho việc kiểm tra mối quan hệ giữa các hình thái nhà nước và sự phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng các đại diện hiện tại cho một lý thuyết được cho “mang tính vật chất” về nhà nước thì đã hoàn toàn thất bại để làm điều đó.

[81] Như đã biết, Marx đã lên kế hoạch không lấy Anh, mà là Hoa Kỳ làm quốc gia kiểu mẫu cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa “điển hình” hay giai đoạn tiên tiến nhất của nó trong các phiên bản tương lai hoặc trong quá trình sửa đổi một cách chi tiết trong bộ Tư bản. Sự thay đổi trong mô hình này đã không diễn ra suôn sẻ, bởi vì nước Anh vẫn còn, không nghi ngờ gì, là đất nước kiểu mẫu của sự phát triển tư bản chủ nghĩa; Hoa Kỳ là quốc gia lần đầu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp được thực hiện trên diện rộng. Đối với sự phát triển của hệ thống tín dụng hiện đại, có một số mô hình đối thủ. Vào thời Marx, London vẫn là trung tâm của thị trường tài chính quốc tế, cũng như trung tâm tín dụng quốc tế và hệ thống tiền tệ. New York và Chicago là những người tiên phong cho sự phát triển hiện đại của thị trường chứng khoán (tương ứng là trao đổi chứng khoán và hàng hóa). Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn chưa có một hệ thống tiền tệ thống nhất vào những năm 1870. Cho đến năm 1913, Hoa Kỳ và các ngân hàng Mỹ vẫn không có ngân hàng trung ương ở cấp liên bang.

[82] MEW 25, pp. 152 và 839; MEGA2 II/15, pp. 144f và 805; MECW 37, pp. 142 và 818. Engels không thay đổi từ ngữ một cách chính xác trong các đoạn này của bản thảo gốc của Marx (xem MEGA2 II/4. 2, pp. 215 và 853). Tôi đã đưa ra một lời giải thích ngắn gọn về ý nghĩa cụ thể của khái niệm thường được trích dẫn của Marx về một “ý niệm trung bình” (đó là dịch theo nghĩa đen, nhưng không chính xác về cách mô tả của Marx về khái niệm “idealer Durchschnitt”), về chủ nghĩa tư bản và sự phát triển của nó trong đoạn đầu tiên trong bản tiếng Đức của bài báo này. Phiên bản tiếng Đức của bài viết này, mà đã bị lược đi ở đây, xem Krätke, “Marx und die Weltgeschichte”, p. 136.

[83] Ông biết rằng phương thức sản xuất tư bản, như ông đã trình bày nó trong bộ Tư bản, vào thời của ông chỉ tồn tại như một ngoại lệ, chỉ ở một vài nơi trên toàn cầu. Cuộc nói chuyện về phương thức sản xuất tư bản thống trị toàn bộ nền sản xuất xã hội và thâm nhập vào tất cả các liên hệ xã hội là vẫn còn xa lạ lúc bấy giờ. Những gì Marx bàn về các nhà kinh tế chính trị cổ điển vào năm 1847, rằng họ biết nhiều về tương lai của chủ nghĩa tư bản hơn là cái hiện tại của nó, điều này cũng đúng với chính Marx.

[84] Trong đoạn đầu tiên của Krätke, “Marx und die Weltgeschichte”, đã bị bỏ qua trong bản dịch này, tôi đã giải thích quan điểm của Marx về khái niệm “histoire raisonnée”.

[85] Engels to Conrad Schmidt, ngày 5 tháng 8 năm 1890 (MEW 37, p. 436; MECW 49, p. 8).

[*] Caliphate là một thể chế nhà nước Islam giáo đứng đầu bởi một lãnh tụ tôn giáo được gọi là caliph, đây là nhân vật lãnh đạo cả về mặt tôn giáo và chính trị, trong đó caliph có nghĩa là “người kế tục’’, ở đây được hiểu như là kế tục nhà tiên tri Muhamad. (ND)

[**] Thomas Müntzer (1489 – 1525), nhà thần học người Đức thời kỳ đầu của phong trào Cải cách, ông là người có quan điểm đối lập với cả Martin Luther và Giáo hội La Mã và là một trong những thủ lĩnh của cuộc nổi dậy của nông dân Đức lúc bấy giờ. (ND)

Print Friendly and PDF