3.10.22

Cuộc chiến ở Ukraine làm thay đổi nền khoa học thế giới theo bảy cách

CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE LÀM THAY ĐỔI NỀN KHOA HỌC THẾ GIỚI THEO BẢY CÁCH
Có thể nhận thấy những tác động lên nghiên cứu không chỉ bó hẹp tại Ukraine và Nga.

Nisha Gaind, Alison Abbott, Alexandra Witze, Elizabeth Gibney, Jeff Tollefson, Aisling Irwin & Richard Van Noorden

Những người sơ tán chạy trốn khỏi Irpin, phía tây bắc Kyiv, vào tháng Ba. Ảnh: Dimitar Dilkoff/AFP/Getty

Chỉ trong năm tháng, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và phá vỡ địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến cũng đang in dấu lên khoa học. Những tác động nặng nề nhất là tại Ukraine, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến ​​các cơ sở của mình bị đánh bom và đang phải đối mặt với biến động kèm những mối nguy cho sinh kế. Ở Nga, các nhà khoa học đang đấu tranh với các cuộc tẩy chay và trừng phạt nhằm đáp trả những hành động của đất nước họ. Rộng hơn, cuộc khủng hoảng tạo ra những rạn nứt về kinh tế và chính trị đã ảnh hưởng đến các nghiên cứu về vật lý, vũ trụ, khoa học khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng từ trước đó. Một cuộc xung đột kéo dài có thể thúc đẩy sự điều chỉnh đáng kể của các mô hình hợp tác khoa học.

Dưới đây là bảy cách cuộc chiến đã ảnh hưởng và có thể sẽ thay đổi việc nghiên cứu trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ tới.

Nghiên cứu của Ukraine trong khủng hoảng

Vào tháng 3, Olena Prysiazhna, một nhà vật lý plasma tại Đại học Quốc gia Taras Shevchenko của Kyiv, đã chạy khỏi cuộc xung đột ở Ukraine để tới Hà Lan. Kể từ đó, Prysiazhna, giống như nhiều nhà khoa học Ukraine, đã mất một thời gian đặc biệt dài để tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy – thường là thuyết trình trực tuyến cho những người đăng nhập từ các hầm trú bom. Cô đã chứng kiến ​​cảnh chiến tranh biến thành hiện thực mỗi ngày đối với nhiều nhà nghiên cứu. Prysiazhna nói: “Một trong những sinh viên của tôi nói rằng thành quả trước đây của anh ấy đã bị phá hủy.”

Kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2, ước tính có khoảng 4.900 dân thường đã chết ở Ukraine, khoảng 6.000 người bị thương và hơn 5,6 triệu người phải rời sang các nước ở châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất trong khu vực trong vòng một thế hệ. 6,3 triệu người khác đang phải di dời trong nước. Trong số những người bị ảnh hưởng có khoảng 95.000 nhà nghiên cứu: khoảng 1/4 trong số họ – 22.000 người – đã chạy trốn khỏi đất nước, ước tính bởi George Gamota, một nhà vật lý sinh ra ở Ukraine sống ở Hoa Kỳ, người đã giúp Ukraine phát triển hệ thống khoa học riêng sau khi quốc gia này giành độc lập khỏi Liên Xô năm 1991.

Thiệt hại cho khoa kinh tế tại Đại học Quốc gia Karazin, ở Kharkiv. Ảnh: Genya Savilov/AFP/Getty
Cuộc chiến đã phá hủy những gì từng là một hệ thống nghiên cứu hiện đại hóa chậm chạp đang bắt đầu hội nhập với các đối tác châu Âu. Nhiều trường đại học và trung tâm khoa học đã bị hư hại nặng – ví dụ như nguồn neutron của Viện Vật lý và Công nghệ Kharkiv đã bị đánh bom vào tháng 3 và tháng 6. Steve Binkley, phó giám đốc chính của Văn phòng Khoa học thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, khuyến khích các nhà tài trợ tiếp nhận các nhà khoa học bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột trong một lá thư hồi tháng 4.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ là một trong nhiều tổ chức đang hỗ trợ các nhà khoa học tị nạn Ukraine tiếp tục công việc của họ. Các quốc gia láng giềng như Ba Lan, nơi đã tiếp nhận hơn 1,2 triệu người tị nạn, là một trong những quốc gia hành động nhanh nhất: Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan đã hỗ trợ hàng trăm học giả Ukraine. Ba Lan hiện là đối tác nghiên cứu lớn nhất của Ukraine, đã vượt qua Nga vào năm 2019 (xem 'Mối quan hệ nghiên cứu quốc tế của Ukraine').
Nguồn: Scopus
Tại Ukraine, các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng không chỉ lo ngại về thiệt hại về người tức thời và những khủng hoảng sức khỏe do chiến tranh gây ra, mà còn về chấn thương kéo dài. Margaret Harris, người phát ngôn của nhóm Ukraine thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Nhiều ngôi nhà của người dân đã biến thành đống đổ nát. Nhu cầu được chăm sóc tâm lý triệt để sẽ tăng mạnh.

Hiện tại, Nga đã rút phần lớn lực lượng về phía đông Ukraine, đời sống – và việc nghiên cứu – đang phục hồi ở một số khu vực, bao gồm Lviv, Kyiv, Dnipro và Vinnytsia. Nhưng ở hầu như mọi nơi vẫn có cảnh báo không kích hàng đêm và bom đạn rơi bừa bãi. Nhiều người lo ngại rằng mùa đông sẽ kéo theo một cuộc tấn công quân sự mới của Nga, Oleksiy Kolezhuk, một nhà vật lý lý thuyết đã rời bỏ công việc của mình tại Đại học Quốc gia Taras Shevchenko của Kyiv vào tháng Một (trước cuộc xâm lược) để giảng dạy ở Hoa Kỳ và hiện được bổ nhiệm tạm thời ở Mainz, Đức. Ông nói, khoa học và giáo dục là những ưu tiên tương đối thấp, nhưng nhiều người hy vọng rằng việc tái thiết sau chiến tranh sẽ tạo cơ hội cho Ukraine thiết kế lại hệ thống khoa học và hội nhập chặt chẽ hơn với châu Âu và Hoa Kỳ. “Nếu chúng ta xây dựng lại, chúng tôi sẽ sử dụng cơ hội này để tạo ra sự thay đổi,” ông nói. “Nhưng không ai có thể đoán được khi nào nỗ lực này sẽ thực sự bắt đầu.

Nga trở thành kẻ ngoài cuộc

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Nga nói rằng phản ứng trước cuộc xâm lược đang khiến đất nước của họ bị loại khỏi nghiên cứu quốc tế và nhiều người đã rời đi để tìm kiếm những triển vọng tốt hơn ở những nơi khác. Các tổ chức châu Âu và Mỹ đã cắt đứt quan hệ với nền khoa học Nga, bao gồm cả việc hủy bỏ các dự án chung.

Loren Graham, một nhà sử học khoa học Hoa Kỳ tại Nga và là giáo sư danh dự tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge, người đã tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu Nga nói: “Mọi người thấy những hành động của Nga kinh tởm đến nỗi những khẩu hiệu thông thường về khoa học có tính toàn cầu, và sự hợp tác trong mọi hoàn cảnh giữa các nhà khoa học đã trở thành sáo rỗng.” Ông nói thêm: “Tinh thần của giới trí thức Nga rất thấp.”

Nhiều viện sĩ Nga đã ký các lá thư lên án chiến tranh, mặc dù các cơ quan chính thức, chẳng hạn như Liên minh Hiệu trưởng Nga (đại diện cho hàng trăm giám đốc hoặc hiệu trưởng các trường đại học Nga), đã ủng hộ cuộc xâm lược.

Các nhà nghiên cứu của Nga cho biết các lệnh trừng phạt hạn chế dịch chuyển hàng hóa và tiền bạc đang ảnh hưởng đến công việc trong phòng thí nghiệm. Một nhà khoa học đã rời nhiệm sở ở châu Âu sáu năm trước để xây dựng một phòng thí nghiệm ở St Petersburg nói rằng nguồn cung cấp thuốc thử và thiết bị quan trọng đã bị cắt, chuyện hợp tác với các đồng nghiệp phương Tây đang căng thẳng và hầu hết các nhà khoa học trẻ của ông ấy muốn rời đi. Ông ấy đang cố gắng giúp họ. “Quả là thảm họa”, một nhà khoa học yêu cầu giấu tên do ngại bị trả thù vì lí do chính trị cho biết. “Mọi người đều bị sốc.

Tổ chức khoa học của Nga hồi tháng 4 đã đề xuất các nhà khoa học có thể tìm kiếm “quan hệ đối tác tài trợ mới” với các quốc gia gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, là những nước chưa công khai cắt đứt liên kết nghiên cứu với họ. Graham cho rằng sự thay đổi đó là khả dĩ, nhưng các nhà nghiên cứu Nga vẫn hy vọng khôi phục mối liên hệ với các đồng nghiệp Mỹ và châu Âu (xem phần 'Mối quan hệ nghiên cứu quốc tế của Nga').

Nguồn: Scopus

Một số nhà khoa học dự đoán rằng việc các nhà nghiên cứu Nga bị cô lập thêm một thời gian nữa sẽ đẩy nền khoa học nước này lùi lại 10 hoặc 20 năm và gây ra tình trạng chảy máu chất xám nặng nề đối với các nhà khoa học trẻ. Robert Feidenhans'l, một nhà vật lý tia X tại Viện Niels Bohr thuộc Đại học Copenhagen cho biết, ngay cả khi Nga rút quân vào ngày mai, thì đã có quá nhiều thiệt hại cho các tổ chức khoa học đã cắt đứt quan hệ với nước đối tác, đặc biệt là cho các tổ chức đã ủng hộ cuộc chiến. Về triển vọng nối lại quan hệ, tôi không coi đây là một lựa chọn, ông nói.

Vật lý và không gian chịu tổn thất nặng nề

Nga nằm bên rìa hầu hết các mạng lưới khoa học quốc tế, nhờ đó các nước phương Tây dễ cắt đứt hợp tác hơn. Nhưng Nga lại đóng vai trò quan trọng trong một số nghiên cứu toàn cầu. Công trình nghiên cứu được tiến hành tại các cơ sở hạ tầng vật lý quy mô lớn, đặc biệt là ở châu Âu, có thể bị ảnh hưởng trong nhiều năm.

Nga trước nay nổi tiếng là một cường quốc vật lý, và vật lý từ lâu đã là trọng tâm của ngoại giao khoa học, với mối quan hệ Đông – Tây được duy trì suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhưng các tổ chức vật lý nằm trong số những mối quan hệ bị cắt đứt sau cuộc xâm lược. CERN, phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý hạt của châu Âu gần Geneva, Thụy Sĩ, đã đình chỉ các hợp tác và hợp đồng mới với những nhà khoa học và tổ chức thuộc Nga, đồng thời chấm dứt một số thỏa thuận hiện có với cả Nga lẫn đồng minh Belarus vốn kết thúc vào năm 2024 – vì vậy hầu hết các nhà khoa học thuộc các tổ chức của các quốc gia này sẽ không thể làm việc tại CERN nữa. Điều này cũng có thể làm gián đoạn các kế hoạch nâng cấp: Ví dụ, thử nghiệm ATLAS của CERN đang tìm kiếm các nhà cung cấp và tài trợ mới để trang trải 3% chi phí vật liệu mà các tổ chức của Nga dự kiến ​​sẽ cung cấp, phát ngôn viên của ATLAS, Andreas Hoecker cho biết. (Một trường hợp đặc biệt khác là ITER, dự án tổng hợp hạt nhân quốc tế có trụ sở tại miền nam nước Pháp: cơ cấu quản trị của ITER khiến các thành viên quốc tế dù muốn cũng không cách nào lật đổ được Nga.)

Sự đổ vỡ với Nga đã ảnh hưởng đến tài chính một số tổ chức. Chẳng hạn, tổ chức Laser điện tử tự do tia X (European X-ray Free-Electron Laser – XFEL) trị giá 1,25 tỷ euro (1,4 tỷ USD) của châu Âu đã hoãn quyền tiếp cận chùm năng lượng cao, vốn được các nhà nghiên cứu sử dụng để thăm dò các đặc tính của vật chất, của các nhà khoa học Nga. Feidenhans'l, chủ tịch hội đồng quản trị XFEL, cho biết Nga thường trả 26% chi phí vận hành, nhưng nước này chưa thanh toán đợt mới nhất – một khoảng thiếu hụt “đầy thách thức cần phải lấp đầy”. Và Cơ sở Nghiên cứu Antiproton và Ion (Facility for Antiproton and Ion Research – FAIR), một máy va chạm hạt trị giá 3,1 tỷ euro đang được xây dựng ở Darmstadt, Đức, có khả năng phải đối mặt với việc chậm trễ và chi phí phụ trội. FAIR đã đình chỉ hợp tác với các cơ quan nhà nước Nga và đang xem xét hợp tác với các tổ chức khác trong nước, bao gồm cả việc sử dụng các bộ phận do Nga sản xuất. Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và hệ lụy về chi phí, các phòng thí nghiệm châu Âu sẽ nhận thấy sự thiếu hụt về chuyên môn của Nga, đặc biệt là trong công nghệ máy gia tốc và các lĩnh vực liên quan.

Trong các dự án không gian, dự án ExoMars, sứ mệnh châu Âu – Nga trị giá 1,3 tỷ euro, đã bị ảnh hưởng đặc biệt. Dự án đã được thiết lập để phóng bằng một tên lửa của Nga vào cuối năm nay và sử dụng thiết bị hạ cánh do Nga thiết kế để đưa tàu thăm dò đầu tiên của châu Âu lên bề mặt sao Hỏa. Nhưng Cơ quan Vũ trụ châu Âu (European Space Agency – ESA) hiện đã chấm dứt hợp tác với Nga. ExoMars giờ đây có khả năng bị hoãn ít nhất là đến năm 2026 và thực tế hơn là năm 2028. ESA đang xem xét thiết kế thiết bị hạ cánh của riêng mình, có khả năng là với sự giúp đỡ từ NASA, nhưng tương lai của sứ mệnh (đã bị trì hoãn hai lần trước đó) phụ thuộc vào việc liệu các quốc gia thành viên của ESA sẽ trả đủ tiền để lo chi phí thiết kế lại và duy trì chiếc tàu thăm dò vốn đã sẵn sàng được phóng này thêm hàng năm trời nữa không.

Tàu thám hiểm ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, trong giai đoạn chuẩn bị ở Stevenage, Vương quốc Anh. Ảnh: Aaron Chown /PA/Alamy

Một lĩnh vực hiếm hoi nơi việc hợp tác quốc tế gần như vẫn đang tiếp diễn là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), tiền đồn quay quanh Trái Đất ra đời trong những năm 1990 khi còn quan hệ khoa học giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cũ và hiện được điều hành bởi các cơ quan vũ trụ của Hoa Kỳ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Trong khi người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga, Dmitry Rogozin đã đưa ra những lời đe dọa gây sóng gió về việc rút Nga khỏi danh sách; tuần trước, anh ta đã bị bãi nhiệm. Cũng trong nhiệm kỳ của anh ta, cơ quan này đã công bố bức ảnh các phi hành gia trên ISS cầm cờ của Luhansk và Donetsk, những vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng ở Ukraine. Tuy thế, các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ vẫn tiếp tục đến và đi từ ISS, kể cả trên các phương tiện vận tải của Nga, và nghiên cứu vẫn tiếp tục trên trạm không gian có kích thước bằng sân bóng đá này. (ISS được thiết kế để tạo sự tín nhiệm lẫn nhau, trong đó phần do NASA xây dựng cung cấp điện cho bộ phận phía Nga, và phần phía Nga thì có nhiệm vụ chính là nâng quỹ đạo định kỳ để ISS không bùng cháy vì khí quyển.)

Khoa học về Bắc Cực đổi hướng

Trong số các lĩnh vực hợp tác nổi tiếng nhất giữa các nhà khoa học ở Nga và các nơi khác là nghiên cứu về Bắc Cực, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn ít nhất ba lần so với mức trung bình toàn cầu và Nga chiếm khoảng một nửa diện tích quanh Bắc Cực.

Hội đồng Bắc Cực [Arctic Council], diễn đàn chính cho hợp tác địa chính trị Bắc Cực và do Nga hiện là chủ tịch, đã đình chỉ hoạt động chính thức vào đầu tháng Ba. Vào tháng Sáu, bảy trong số tám thành viên đã đồng ý tiếp tục hoạt động hạn chế mà không có Nga. Nhiều nhà nghiên cứu Bắc Cực, đặc biệt là ở châu Âu, đã phải tạm ngừng hợp tác với các nhà khoa học ở Nga do những hạn chế do các cơ quan hoặc tổ chức tài trợ của họ áp đặt. Một số thí nghiệm thực địa, bao gồm các nỗ lực theo dõi lớp băng vĩnh cửu tan băng và thay đổi cảnh quan cho những người chăn nuôi tuần lộc, đã chuyển hướng sang hoạt động ở Bắc Cực của Mỹ hoặc châu Âu, thay vì Bắc Cực của Nga.

Nga có chuyên môn về thu thập các mẫu băng vĩnh cửu như ảnh, tại Viện Melnikov Permafrost ở Yakutsk. Ảnh: Mladen Antonov/AFP/Getty

Một số công việc có thể được thực hiện từ xa, nhưng không phải tất cả. Các nhà nghiên cứu bên ngoài Nga có thể sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất để theo dõi nhiều khía cạnh của sự thay đổi toàn cầu, chẳng hạn như các vụ cháy rừng ở Siberia, từ xa. Nhưng họ thường cần các phép đo trên mặt đất để xác nhận độ chính xác của những gì vệ tinh đang quan sát – và những dữ liệu đó, thường do các nhà khoa học ở Nga thu thập, có thể sớm không còn được chia sẻ với các nhà khoa học không phải người Nga nữa.

Kim Holmén, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Địa cực Na Uy ở Tromsø cho biết: “Để nghiên cứu khí hậu Bắc Cực, chúng tôi cần dữ liệu từ toàn bộ Bắc Cực. Nếu không thể chia sẻ dữ liệu và số liệu đo đạc một cách tự do, chất lượng nghiên cứu sẽ giảm.”

Phản ứng với khí hậu bị gián đoạn

Nhìn rộng hơn, chiến tranh dường như có ảnh hưởng sâu rộng đến phản ứng của thế giới đối với biến đổi khí hậu. Cuộc chiến đã góp phần gây ra cú sốc năng lượng lớn nhất hàng thập kỷ qua, đẩy giá dầu khí lên cao và định hình lại hệ thống năng lượng toàn cầu. Điều đó có thể tạo hậu quả tích cực lẫn tiêu cực đối với việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Châu Âu đang phải vật lộn với việc phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, thứ khiến các nước này rơi vào tình thế khó xử khi đang trợ cấp cho cuộc xâm lược với hàng tỷ đô la tiền mua nhiên liệu hằng tháng. Liên minh châu Âu đã cấm nhập khẩu than và các nhiên liệu hóa thạch rắn khác từ Nga sau ngày 10 tháng 8; một biện pháp khác sẽ loại trừ hầu hết lượng dầu nhập khẩu từ Nga ngay cuối năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ đã mua phần lớn dầu Nga còn tồn đọng trên thị trường bởi các lệnh cấm vận của phương Tây, và Nga hiện đang xuất khẩu còn nhiều dầu hơn cả trước khi chiến tranh bắt đầu, theo Simone Tagliapietra, nhà kinh tế tại Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bruxelles.

Không rõ liệu châu Âu có thể tự từ bỏ khí đốt tự nhiên của Nga mà không gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng hay không. Châu Âu đã giảm một số mặt hàng nhập khẩu (xem 'nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu'), nhưng đó chủ yếu là do chính Nga đã giảm nguồn cung, Tagliapietra lưu ý: Nga đã cắt nguồn cung cấp cho hàng loạt quốc gia từ chối yêu cầu thanh toán năng lượng bằng đồng rúp đồng thời giảm lượng hàng vận chuyển đến Đức, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung cho Ý, Pháp và Áo.

Nguồn: Simone Tagliapietra, Bruegel
Trong ngắn hạn, nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng giá tăng cao và sự gia tăng những lo ngại về an ninh năng lượng có thể chuyển thành các khoản đầu tư và trợ cấp mới cho nhiên liệu hóa thạch và ít tiền hơn cho hầu hết mọi thứ khác. Ví dụ rõ ràng nhất là nhiệt điện than, đang được đẩy mạnh ở châu Âu khi Đức, Hà Lan và các quốc gia khác phải gồng mình trong một mùa đông mà không có nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên như thường lệ; điều này cũng có thể tạo những tác động trên toàn cầu, bao gồm cả các khoản đầu tư cho than ở những nơi như Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng đang cố gắng tận dụng tình thế này như một cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch bẩn sang năng lượng sạch; Đức, Ý, Hà Lan và Vương quốc Anh đều đã công bố kế hoạch tăng tốc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Ủy ban châu Âu đã trình bày kế hoạch nhằm nhanh chóng tách các nước EU khỏi nguồn năng lượng của Nga, bao gồm cách mở rộng quy mô năng lượng tái tạo và thúc đẩy sản xuất hydro. David Victor, một nhà khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego, nói: “Về lâu dài, tôi lạc quan một cách thận trọng rằng việc này có lợi.”

Nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên Klingenberg ở Berlin; Đức hy vọng sẽ tự chấm dứt được việc nhập khẩu năng lượng của Nga. Ảnh: Sean Gallup/Getty

Căng thẳng quốc tế cũng có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về công ước khí hậu của Liên Hợp Quốc. Có thể những lo lắng về an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế sẽ làm suy yếu sự hợp tác toàn cầu về các vấn đề liên quan đến khí hậu. Đó là một trong những kịch bản, SSP3, được phát triển cho đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Trong đó, các dự báo từ mô hình, được gọi là “sự cạnh tranh trong khu vực – con đường gập ghềnh”, xác định bởi chiến tranh thương mại và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, có xu hướng cho thấy thế giới đang vượt qua các mục tiêu khí hậu và chạm mức ấm lên khoảng 4 °C trong thế kỷ này.

Ngăn trở phát triển bền vững

Vào tháng 4, António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho rằng cuộc chiến có thể khiến 1/5 nhân loại – 1,7 tỷ người – rơi vào cảnh nghèo đói, cơ cực và đói kém chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Trước mắt là tình trạng mất an ninh lương thực, do gián đoạn xuất khẩu lương thực và nhiên liệu từ Ukraine và Nga cũng như lệnh cấm xuất khẩu của các quốc gia ở nơi khác khi họ giữ chặt nguồn dự trữ. Tuy nhiên, việc chuyển hướng ngân sách viện trợ và sự chú ý của toàn cầu đối với Ukraine, cùng với hành động tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, dường như cũng có khả năng làm suy yếu nguồn vốn phát triển.

Lúa mì đang được chế biến ở Odessa, Ukraine, vào giữa tháng 6 năm 2022; phần lớn lúa mì của Ukraine đã bị mắc kẹt trong các hầm chứa ở Odessa. Ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency/Getty

Nói rộng hơn, Guterres cho rằng các cuộc chiến tranh, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu hợp lại đang gây nguy hiểm cho tiến trình hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đồng thời cảnh báo về một “thập kỷ mất mát” cho sự phát triển của các nước nghèo.

Đó là một bức tranh ảm đạm đối với các nhà nghiên cứu làm việc về sức khỏe toàn cầu và phát triển bền vững. Adam Rogers, trước đây là cố vấn cấp cao của Chương trình Phát triển LHQ, và hiện là chuyên gia tư vấn độc lập về các vấn đề bền vững tại Washington DC cho biết: Tất cả các dấu hiệu đều hướng tới sự đảo ngược đáng kể trong hầu hết các chỉ số do cuộc xâm lược của Nga.

Nhưng cuộc khủng hoảng có thể mang lại sự chú ý mới cho các lĩnh vực nghiên cứu từng bị bỏ qua. Ví dụ, các nghiên cứu về việc sử dụng hiệu quả phân bón, và về các lựa chọn thay thế cho phân bón vô cơ, đột nhiên trở nên thịnh hành: vào tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố 'Thách thức Phân bón Toàn cầu', nhằm quyên góp tiền cho lĩnh vực này. Cũng như cú sốc về năng lượng, cuộc xâm lược Ukraine có thể khiến các nghiên cứu về an ninh lương thực nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Tái định hình khoa học toàn cầu?

Jon Agar, nhà nghiên cứu lịch sử khoa học và công nghệ tại Đại học College London, cho biết: Khoa học có tính quốc tế sâu sắc, bởi vì các nhà nghiên cứu công nhận tầm quan trọng của việc duy trì dòng kiến ​​thức tự do ngay cả khi có xung đột.

Nhưng chiến tranh có xu hướng thay đổi những ưu tiên đó, ông nói thêm, do các nhà khoa học thường tụ lại vì mục tiêu quốc gia. Chẳng hạn, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã dẫn đến sự chia rẽ lâu dài khiến khoa học châu Âu tổ chức lại thành hai phe, trong đó các nhà nghiên cứu Anh và Pháp ở một phe, Đức và Áo ở phe khác.

Các hợp tác quốc tế trong khoa học cuối cùng có xu hướng thuận theo liên kết địa chính trị. Vì vậy, sự chia rẽ ngoại giao lâu dài của phương Tây với Nga cũng có thể được phản ánh trong nghiên cứu, khi Nga chuyển sang hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc và Ấn Độ. Ý tưởng đó chỉ là suy luận, phần vì không chắc Trung Quốc đạt được nhiều ích lợi. Trong một bài báo chính sách vào tháng 7 về địa chính trị của khoa học toàn cầu, các nhà nghiên cứu từ các tổ chức bao gồm Trường Harvard Kennedy ở Cambridge, Massachusetts, kết luận rằng giới lãnh đạo của Trung Quốc sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc tối đa hóa hợp tác khoa học toàn cầu hơn là mạo hiểm chịu thiệt hại cho các mối quan hệ đối tác với phương Tây vì tham gia nghiên cứu song phương với Nga, một quốc gia có “vị trí yếu kém trong khoa học quốc tế” (xem go.nature.com/3nwduvb).

Kieron Flanagan, một nhà nghiên cứu chính sách-khoa học tại Đại học Manchester, Vương quốc Anh cho biết, việc Nga tẩy chay ập tới vào thời điểm nền khoa học toàn cầu đang căng thẳng. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đã thắt chặt kiểm soát đối với việc xuất khẩu các công nghệ quan trọng và đưa ra hướng dẫn chặt chẽ hơn về hợp tác quốc tế với một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi có thể phát hiện các động thái hướng tới chủ nghĩa bảo hộ [protectionism] hoặc chủ nghĩa công nghệ dân tộc [techno-nationalism] lớn hơn, điều này rõ ràng có thể có quan hệ mật thiết đến độ cởi mở của quốc gia trong hợp tác khoa học toàn cầu.” Nhưng Flanagan ngờ rằng vài biện pháp trong số này có lẽ hướng đến ý muốn kiểm soát các công nghệ tiên tiến hàng đầu hơn là thiếu mong muốn nghiên cứu toàn cầu.

Mặc dù vậy, một thế giới nơi địa chính trị bất ổn hơn và đầy các lệnh trừng phạt hẳn có thể làm chậm sự hợp tác xuyên biên giới. Nếu chiến tranh kéo dài, “Tôi mong sự hợp tác nghiên cứu sẽ được tổ chức lại,” Agar nói.

Nature 607, 440-443 (2022)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-01960-0

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Seven ways the war in Ukraine is changing global science, Nature, July 20, 2022.

Print Friendly and PDF