GIẢI NOBEL CHO BERNANKE VÀ DIAMOND VÀ DYBVIG
Từ khóa: Thời sự, Kinh tế học
Giải Nobel được trao cho Bernanke và Diamond và Dybvig vì công trình của họ về ngân hàng. Bernanke dường như là một sự lựa chọn rõ ràng. Ông ấy đã có giải thưởng nào chưa? Thật ra là chưa. Nhưng rất ít người có thêm cho mình một sự nghiệp học thuật lừng lẫy sau khi đã có một sự nghiệp lừng lẫy khác trong lĩnh vực chính sách công. Một vài nhà kinh tế học đã trở thành những chính trị gia nổi tiếng song thật khó tìm ra bất kỳ nhà kinh tế học nào lại có được sự nghiệp trong lĩnh vực chính sách công, sự nghiệp này bao gồm việc thực hiện, áp dụng và kiểm tra sự hiểu biết mà họ xây đắp trong học thuật.
Dĩ nhiên, Bernanke đã viết các bài nghiên cứu quan trọng về cuộc Đại Suy thoái, mà trong số đó, ủy ban Nobel đặc biệt chú ý đến bài nghiên cứu vào năm 1983 của ông về Các tác động phi tiền tệ từ cuộc khủng hoảng tài chính trong sự lan truyền cuộc Đại Suy thoái [Non-Monetary Effects of the Financial Crisis in the Propagation of the Great Depression], bài nghiên cứu này cho thấy rằng không chỉ sự suy giảm cung tiền (theo Friedman và Schwartz) mà sự sụt giảm của nguồn cung tín dụng cũng chính là vấn đề. Một cách diễn giải khác là làn sóng thất bại của các ngân hàng trong những năm 1930 đã làm giảm, theo một cách không thể cưỡng được, khả năng của nền kinh tế để sản xuất, và không thể khắc phục sự sụt giảm này chỉ bằng việc đơn giản là in thêm tiền. Như Tyler và tôi nhấn mạnh trong cuốn giáo trình của chúng tôi, Các nguyên tắc hiện đại [Modern Principles], các cú sốc danh nghĩa và thực tế thường đan xen lẫn nhau. Bernanke sau đó đã nổi tiếng trong việc đưa lối suy nghĩ này vào những hành động của mình với tư cách là người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang trong Cuộc khủng hoảng tài chính những năm 2008-2009. Bernanke tin điều quan trọng là việc phải giải cứu các ngân hàng và hệ thống ngân hàng trong bóng tối [shadow banks] không phải vì ông hàm ơn giới tài chính (ông không phải là người của Phố Wall) mà vì ông tin rằng các ngân hàng là một chiếc cầu quan trọng nối giữa những người tiết kiệm với những nhà đầu tư, và nếu sự kết nối đó bị phá vỡ, thì các hậu quả sẽ thực sự thảm khốc. Bernanke giải cứu các ngân hàng để cứu những chiếc cầu này.
Tôi cũng là người hâm mộ bài nghiên cứu thứ hai, một bài nghiên cứu ít nổi tiếng hơn cũng được Bernanke công bố vào năm 1983 (hiện tượng “năm thần diệu” [Annus Mirabilis paper]), Tính không thể đảo ngược, Tính bất trắc và Đầu tư theo chu kỳ [Irreversibility, Uncertainty, and Cyclical Investment]. Bernanke trong bài nghiên cứu này đã tiên phong trong lĩnh vực mà sau này trở thành sự phân tích đầu tư bằng những kĩ thuật quyền chọn cho việc lập kế hoạch vốn, tức là cách nghĩ về đầu tư như một quyền chọn, tương tự như một quyền chọn tài chính. Do đó, đầu tư có hai đặc điểm chính - bạn thường có thể đợi một chút để thu thập thêm thông tin trước khi đầu tư song một khi bạn đã ra quyết định, thì khoản đầu tư là chi phí chìm, tức là khoản đầu tư không thể đảo ngược được nữa. Hai đặc điểm này có những hệ quả quan trọng đối với các quyết định đầu tư và những chu kỳ kinh doanh rõ ràng. Đặc biệt, Bernanke đã cho thấy một điều đáng ngạc nhiên mà ông gọi là “nguyên tắc tin xấu” [the bad-news principle]. Nguyên tắc tin xấu nói rằng chỉ có mức độ nghiêm trọng dự kiến của tin xấu mới quan trọng đối với việc quyết định có nên đầu tư hay không, còn tin tốt hoàn toàn không quan trọng. Lý do bởi quyết định thực sự của nhà đầu tư là đầu tư ngay lập tức hay chờ đợi một chút để tìm hiểu thêm song điều khiến việc chờ đợi trở nên có giá trị không phải là khả năng có tin tốt mà là khả năng tránh được những sai lầm. Tránh sai lầm là điều mà các nhà đầu tư quan tâm đến sự chênh lệch này. Tiếp đó, điều này có nghĩa là việc tránh tin xấu - tạo ra sự sụt giảm của việc bảo hiểm [downside insurance] - có thể sinh ra sự gia tăng lớn về rủi ro vì nó có thể kích hoạt một làn sóng đầu tư. Bernanke cũng rút ra bài học này khi còn làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Alex Tabarrok (1966-) |
Tyler Cowen (1962-) |
Dĩ nhiên, một số lượng lớn tài liệu, gồm cả cuốn hồi ký của chính ông ấy, đã viết về Bernanke, còn tôi không nghĩ rằng mình có thể cho thêm nhiều vào dòng nước chảy xiết đó ngoài việc nhấn mạnh sự nhất quán đáng kể giữa việc nghĩ và làm của Bernanke từ trong giới học thuật cho đến lúc điều hành ngân hàng trung ương [tức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - ND].
Diamond và Dybvig chịu trách nhiệm về mô hình kinh điển hiện nay về ngân hàng. Bạn có thể đọc các bài viết sau của Tyler để biết thêm nhiều chi tiết về Bernanke và một cách giải thích về mô hình DD [Diamond và Dybvig].
Nguyễn Trần Trà Giang dịch
Nguyễn Việt Anh góp ý
Nguồn: The Nobel Prize Goes to Bernanke and Diamond and Dybvig, Marginal Revolution, Oct 10, 2022.