5.10.22

Hồng Kông: giải phẫu một sự biến mất, sự ra đời một Nhà nước cảnh sát (2/2)

HỒNG KÔNG: GIẢI PHẪU MỘT SỰ BIẾN MẤT, SỰ RA ĐỜI MỘT NHÀ NƯỚC CẢNH SÁT (2/2)

David Bartel

Jimmy Lai, người sáng lập Apple Daily, tờ báo ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, bị cảnh sát còng tay và áp giải vào ngày 12 tháng 12 năm 2020 tại Hồng Kông. (Nguồn: Vision Times)

Phần tiếp theo và phần cuối của bài viết soi sáng này đã được tờ The Economist đăng ngày 1 tháng 7 để “kỷ niệm” 25 năm ngày Hồng Kông được trao trả về đất nước mẹ, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Không có ký tên tác giả, bài viết để cho những nhân vật lỗi lạc của những diễn biến gần đây nhất lên tiếng. Từ tỷ phú Jimmy Lai (Lê Trí Anh, đang ở tù) đến nhà Hán học Perry Link (bị cấm ở Trung Quốc), cho đến nhà tài phiệt Desmund Shum (lưu vong sang Hoa Kỳ), bài viết giúp hiểu rõ tầm quan trọng của Hồng Kông đối với chính quyền Trung Quốc, ngay từ khi chuẩn bị các cuộc đàm phán về việc trao trả Hồng Kông vào năm 1984. Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan đủ hiếm để trang Asialyst dịch lại và xuất bản. Đây là phần thứ hai.

Mời đọc, phần đầu bản dịch của chúng tôi. Các phụ đề trong bài này không phải của tác giả

“GIỮ LẠI HỒNG KÔNG NHƯNG KHÔNG GIỮ LẠI NGƯỜI HỒNG KÔNG”

Hầu hết tất cả các nhà dân chủ lỗi lạc của Hồng Kông hiện nay đều đang ở tù hoặc sống lưu vong. Cấu trúc các “nghề nghiệp, nhà thờ, báo chí, tổ chức từ thiện và công chức” mà Lord Patten đã vinh danh khi trao trả Hồng Kông đã bị phá hủy. Một Ủy ban An ninh Quốc gia[1], được sao chép theo đối tác của nó ở Trung Quốc đại lục, nổi lên chễm chệ trên phần còn lại của chính quyền Hồng Kông. Vào ngày 1 tháng 7, kỷ niệm 25 năm ngày trao trả Hồng Kông, một cựu sĩ quan cảnh sát và cục trưởng an ninh, John Lee (Lý Gia Siêu [Li Jiachao],李家超, sinh năm 1957), tuyên thệ nhậm chức Đặc khu trưởng, người đầu tiên xuất thân từ một cơ quan an ninh. Vào năm 2019, ông giám sát dự luật dẫn độ. Sau khi áp đặt Luật An ninh Quốc gia vào năm 2020, vai trò thư ký Cục An ninh đã giúp ông trở thành một tác nhân chính trong sự suy tàn của thành phố. Ông đã được chọn từ một danh sách các ứng cử viên do Đảng lựa chọn, mặc dù bị khắp nơi trên lãnh thổ ghét bỏ.

Ngân sách của Sở cảnh sát Hồng Kông đã tăng 45% trong năm năm qua và lực lượng cảnh sát đã được tăng quyền hạn, cho phép họ nhắm đến các mục tiêu là người dân và các tổ chức, mà không có bất kỳ sự kiểm soát nào của cơ quan tư pháp. Gần 200 người đã bị bắt theo luật an ninh quốc gia, vốn thậm chí có một điều khoản chống việc nộp tiền bảo lãnh để được tự do tạm thời.

Tất nhiên, một trong số những người bị nhắm đến là Jimmy Lai, người đã quyên góp số tiền bán áo phông cho sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Những lời chỉ trích liên tục của ông đối với Đảng đã buộc ông phải đóng cửa chuỗi các cửa hàng kinh doanh quần áo của ông ở Trung Quốc. Sau đó, ông quay sang ngành xuất bản và sáng lập tờ nhật báo Apple Daily. Trong những năm 2000, tờ báo này trở thành ấn phẩm ủng hộ dân chủ có ảnh hưởng lớn nhất trên lãnh thổ. Tuy thế, theo thời gian, các tập đoàn lớn đã ngừng mua các không gian quảng cáo của tờ báo, do lo sợ bị đóng cửa thị trường Trung Quốc. Các nhà báo được Đảng hậu thuẫn đã săn lùng các tin tầm phào để làm mất uy tín Jimmy Lai. Truyền thông ủng hộ Bắc Kinh túc trực bên ngoài nhà ông, đe dọa gia đình ông, chụp ảnh những khách đến thăm ông. Họ cố phóng hỏa nhà ông, và thậm chí cố ám sát ông. Next Digital, công ty mẹ của tờ báo, là mục tiêu thường xuyên các cuộc tấn công máy tính. Jimmy Lai ngày càng nổi tiếng.

Mark Clifford

Vào năm 2019, Đảng đã phái em gái ông từ Trung Quốc với một thông điệp lạnh lùng: nếu ông không đóng cửa tờ báo, họ sẽ tống giam con trai bà ấy, cháu trai của ông, vào tù. Jimmy Lai từ chối, và bị loại khỏi gia phả, một gia phả lâu đời với 28 thế hệ. Ông bị bắt vào tháng 8 năm 2020. Các tài khoản ngân hàng của ông và của tờ báo đều bị phong tỏa. Do không có khả năng trả lương cho đội ngũ cộng tác, hoặc các hóa đơn tiền điện, các giám đốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa tờ báo[2], theo Mark Clifford, nhà báo chính luận, cựu thành viên Hội đồng Quản trị của Next Digital. Jimmy Lai hiện đang ở tù, bị cáo buộc nhiều tội danh. Là người Công giáo sùng đạo, ông cầu nguyện mỗi ngày. Gia đình và bạn bè ông nói, những lá thư ông gửi cho họ cho biết sức khỏe ông khá tốt.

Tất cả các phương tiện truyền thông lớn ủng hộ dân chủ khác ở Hồng Kông đều đã bị đóng cửa. Trong số các tờ báo quan trọng có các tờ Ta Kung PaoWen Wei Po – mà từ nay Đảng sử dụng như là các cơ quan được ủy nhiệm để giúp Đảng điều hành thành phố. Các nhà dân chủ đã học cách đọc các tờ báo đó một cách cẩn thận. Nếu trở thành một trong những mục tiêu của các tờ báo đó, thì bạn có thể trông đợi ai đó đến gõ cửa nhà bạn vào lúc nửa đêm.

Một văn hóa sợ hãi và tố cáo đã bao trùm các cơ quan công, các trường học, các tòa án và các trường đại học. Những giáo viên nào quá thẳng thắn đều bị tước bằng hành nghề. Nhiều người khác đã nhận được cảnh báo, sau khi bị tố cáo nặc danh vì đã nói ra những điều không được nói. Những tội danh bị cáo buộc luôn được diễn tả bằng những thuật ngữ mơ hồ, khuyến khích những ai muốn tránh một số phận bi thảm cần phải chăm lo tốt mọi mặt đời sống mình, vốn có thể khiến Đảng không đồng tình.

Cách tiếp cận này đã được biết đến, vốn đã hình thành từ rất lâu. Perry Link, một nhà nhà Hán học nổi tiếng người Mỹ – hiện đã bị cấm lưu trú – đã đưa ra một phân tích bây giờ vẫn còn xác đáng:

“Ngày nay, cơ quan kiểm duyệt của Đảng Cộng sản trông ít giống một con hổ ăn thịt người hay một con rồng phun lửa, mà giống một con trăn nước khổng lồ cuộn tròn trong một chiếc đèn chùm hơn. Bình thường, con trăn không động đậy. Nó không cần phải làm điều đó. Nó không cảm thấy cần phải nói rõ về những điều cấm kỵ của nó. Thông điệp thầm lặng bất biến của nó là: ‘Bạn quyết định chính bản thân mình’. Sau đó, thông thường nhất, mỗi người trong cái bóng của mình sẽ thực hiện những điều chỉnh lớn và nhỏ – một cách hoàn toàn khá ‘tự nhiên’. Liên Xô, nơi mà khái niệm ‘kỹ sư tâm hồn’ của Stalin xuất hiện lần đầu tiên, trên thực tế khác xa với những gì mà người cộng sản Trung Quốc đạt được về mặt thao túng tâm lý.”

Hãy ngẩng đầu ở Hồng Kông và nhìn xem, con rắn đang ở đó. Giới chức trách đã thiết lập một đường dây ẩn danh cho phép người Hồng Kông tố cáo lẫn nhau. Đã có hơn 250.000 báo cáo như thế được ghi nhận trong hai năm qua.

Giới học giả từ các đại học nổi tiếng thế giới của thành phố đã ngừng nghiên cứu các chủ đề mà Đảng cho là nhạy cảm: Đài Loan, tôn giáo ở Trung Quốc đại lục, dư luận ở Hồng Kông... Một học giả ở Hồng Kông nói, “Chúng tôi nhìn các học giả của Trung Quốc đại lục và thấy được tương lai của chúng tôi. Để sống sót, chúng tôi sẽ phải trở thành người phát ngôn cho chính phủ. Nếu bạn có một tính thẳng thắn nào đó, thì chính quyền sẽ tấn công bạn thông qua các tờ báo của họ.” Vào tháng 4 năm 2022, Peter Baehr, một học giả đã nghỉ hưu, người đã công tác tại Đại học Lingnan [Lĩnh Nam] ở Hồng Kông trong 21 năm, đã viết rằng “các quan chức cấp cao của trường đại học là những động lực chính của sự đàn áp. […] Họ là những kẻ cơ hội và người hay xoay chiều, hơn là nhà hoạt động phong trào và nhà tiên phong. Chính tham vọng hơn là ý thức hệ đã thúc đẩy họ.” Những kẻ cơ hội tầm thường như thế giờ đây đang hiện diện rải rác khắp nơi ở Hồng Kông theo cùng một loại.

Ngành nghề pháp lý có sức thuyết phục một thời đã bị vô hiệu hóa. Paul Harris, cựu chủ tịch Hiệp hội đoàn luật sư Hồng Kông, bị báo chí thân Bắc Kinh tấn công, đã bỏ trốn khỏi thành phố sau khi bị lực lượng cảnh sát thuộc cục an ninh quốc gia thẩm vấn. Các luật sư biết rằng họ có nguy cơ làm hỏng mối quan hệ kinh doanh với các công ty ở đại lục nếu lên tiếng. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách là chủ tịch mới của đoàn luật sư, Victor Dawes cho biết tổ chức này sẽ không bàn luận về các vấn đề chính trị. Ông ấy muốn nói rằng đoàn luật sư sẽ không chống lại chính quyền.

Giới chức trách đã sử dụng các chiến thuật tương tự, cùng với các luật thời thuộc địa, để kiềm chế các giáo viên, các nhân viên công tác xã hội và các tổ chức công đoàn. Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài (FCC) của Hồng Kông đã đình chỉ việc trao giải thưởng hàng năm về nhân quyền và báo chí của mình, chỉ vài ngày trước khi công bố danh sách những người được giải thưởng vào tháng Tư. “Các phóng viên giỏi biết đâu là lằn ranh đỏ […]. Một số phóng viên có thể coi đây là sự tự kiểm duyệt. Tôi gọi đó là lẽ thường,” Keith Richburg, chủ tịch câu lạc bộ, đã viết. Con trăn ở bên trên đã phát ra một tiếng rít hài lòng.

Một số lượng kỷ lục các công chức đã từ chức và số lượng người nộp đơn ứng tuyển mới đã giảm 30% vào năm 2021. Vào tháng 4, sau khi nhận thấy ngày càng khó tuyển người Hồng Kông, lực lượng cảnh sát đã bỏ yêu cầu theo đó những người ứng tuyển phải sống tại thành phố trong vòng ít nhất bảy năm. Sở Tư pháp đã nhanh chóng thăng chức các công tố viên, những người đã làm việc trong các vụ án cấp cao chống lại người biểu tình. Với nỗ lực nâng cao uy tín của nghề luật sư cho chính quyền, từ nay các công tố viên được phép sử dụng chức danh “Luật sư cấp cao”, một thuật ngữ trước đây chỉ dành cho những luật sư giỏi nhất của thành phố.

Vào năm 2021, hơn 100.000 người Hồng Kông đã nộp đơn xin thị thực người thuộc quốc tịch Anh (ở hải ngoại, hay công dân Anh ở hải ngoại – BNO), và nếu được cấp, sẽ cho phép họ sinh sống ở Anh. Số lượng người nộp đơn này có nhiều khả năng tăng lên. Nhiều người Hồng Kông khác đã chuyển đến Úc, Canada và Đài Loan. Đồng thời, các chính sách mới của chính quyền đã làm cho việc di cư từ Đại lục trở nên dễ dàng hơn. Đối với những thanh niên đầy tham vọng ở đại lục, thông thạo tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông và tiếng Anh, tương lai ở Hồng Kông đầy hứa hẹn hơn bao giờ hết. Vào năm 2019, các cán bộ Đảng ở Hồng Kông đã nhận lệnh nghiên cứu một bài báo mô tả một chính sách được gọi là “giữ lại Hồng Kông nhưng không giữ lại người Hồng Kông” (liugang buliuren, Lưu cảng Bất lưu nhân, 留港不留人).

Nhiều người trong số những người ở lại Hồng Kông đắm mình trong nền văn hóa đại chúng, một xu hướng cũng được quan sát thấy ở lục địa sau năm 1989. Những bài hát với nội dung chia tay nhau đã trở thành những giai điệu phổ biến nhất trong thành phố. Mirror, một ban nhạc nam tại địa phương, đã trở nên nổi tiếng vào năm 2020. Thay vì hát những bản tình ca theo lối truyền thống, lời bài hát của họ nói về việc chăm sóc bản thân. Một người hâm mộ nói, “Bạn không thể phản đối. Bạn không thể hát những bài hát có nội dung phản đối, thế là bạn phải nghe nhạc của Mirror.”

Natalie Wong, một nữ nhân viên ngân hàng và là một người mẹ gia đình, đã lên Instagram để theo dõi Keung To (Khương Đào, 姜濤, sinh năm 1999), một trong những thành viên của ban nhạc Mirror. Bà cho rằng hầu hết các ca sĩ nổi tiếng ở Hồng Kông đều thoả hiệp vì muốn kiếm tiền ở Trung Quốc. Bà Wong (không phải tên thật của bà) trích dẫn trường hợp của Eason Chan (Trần Dịch Tấn, 陳奕迅, sinh năm 1974), một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Hồng Kông, người đã cắt đứt mối quan hệ với Adidas sau khi thương hiệu đồ thể thao này tuyên bố sẽ không sử dụng sản phẩm bông của Tân Cương. Một số người hâm mộ xem ban nhạc Mirror là người ủng hộ dân chủ, dù ban nhạc đã không nói rõ điều đó. Nhưng ban nhạc mang lại cho người Hồng Kông một điều gì đó để đoàn kết và tận hưởng. Bà Wong nói: “Ca sĩ Trần Dịch Tấn là người rất chân thực. Đây là một phẩm chất thiếu vắng ngày nay ở Hồng Kông, một xã hội đầy rẫy thói đạo đức giả và sự ngờ vực.” Bà nói, phương châm của anh ấy truyền cảm hứng cho bà: “Bạn có một ước mơ, bạn phải bảo vệ nó.” Đó không phải là theo đuổi ước mơ của mình, tay trong tay với người khác, cho đến khi tận thế. Chỉ cần bảo vệ ước mơ của mình thôi.

“HỌ CÓ THỂ CHO BẠN MỌI THỨ, TRỪ DÂN CHỦ”

Cường Thế Công (強世功, sinh năm 1967), một trí thức có ảnh hưởng lớn, từng làm việc tại Văn phòng Liên lạc, tiền đồn của Đảng ở Hồng Kông, từ năm 2004 đến năm 2008[3], đã viết: “Người ta hiếm khi hiểu rõ Hồng Kông theo quan điểm của Trung Quốc. Thay vào đó, người ta hiểu Hồng Kông theo quan điểm của phương Tây, hoặc theo quan điểm của Hồng Kông, hoặc sử dụng Hồng Kông để hiểu về Trung Quốc.” Hóa ra ông đã nói đúng. Để hiểu cách thức mà Đảng đã nghiền nát Hồng Kông theo cách mà họ đã làm, thay vì không nên làm như thế, hoặc là làm sớm hơn, yếu tố Trung Quốc trong câu chuyện là điều không thể thiếu – và giúp hiểu thêm cách thức tiến hành cuộc đàn áp đã có thể trở nên hiệu quả như thế.

Việc Trung Quốc đưa ra nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” xuất hiện vào thời điểm mà Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] cho rằng một Hồng Kông thịnh vượng sau cuộc trao trả sẽ là một nguồn tư bản, thương mại và chuyên môn quý giá. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tình hình này, điều cần thiết là Hồng Kông, dù được quản lý hợp pháp [de jure] theo một hệ thống khác, nhưng trên thực tế [de facto] phải liên kết với các lợi ích của Đảng. Do đó, rất lâu trước khi bắt đầu trao trả Hồng Kông, ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch rộng lớn và đầy tham vọng nhằm bí mật nắm quyền kiểm soát các thành phần chủ chốt của chính quyền Hồng Kông, trong khi vẫn kết nạp Đảng các giới tinh hoa của thành phố.

Christine Loh (1956-)

Trong cuốn sách của mình, Underground Front [Mặt trận ngầm], Christine Loh (Lục Cung Huệ, 陸恭蕙, sinh năm 1956), một quan chức chính quyền Hồng Kông trong những năm 2010, trích dẫn một ước tính theo đó 83.000 quan chức đại lục đã vào Hồng Kông dưới những tên gọi vay mượn và những danh tính giả từ năm 1983, khi bắt đầu các cuộc đàm phán về việc trao trả Hồng Kông, và khi việc trao trả cuối cùng được thực hiện vào năm 1997[4]. Sau bảy năm ở Hồng Kông, những kẻ thâm nhập đã hội đủ điều kiện để trở thành thường trú nhân, điều này cho phép họ có quyền đăng ký làm việc ở các cơ quan dịch vụ dân sự của Hồng Kông. Ông Trình Tường đã nói với chúng tôi rằng, khi đó Đảng ưu tiên cho việc thâm nhập vào các cơ quan như cảnh sát, hải quan và nhập cư, để đảm bảo quyền kiểm soát thành phố một cách hiệu quả. Như vậy, phản ứng đối với các cuộc biểu tình năm 2019 đã được chuẩn bị trong nhiều năm.

Trong nhiều thập kỷ trước, Đảng đã tạo ra một bộ phận cơ quan ngầm để làm việc cùng với những người ủng hộ Đảng, những người không phải là thành viên trực tiếp của Đảng. Đó là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất[5], nơi tiếp tục rèn luyện các cá nhân và tổ chức trên khắp thế giới. Các học giả và doanh nhân có cảm tình với Đảng đã quay sang cơ quan đó để được tiếp cận những thứ do Đảng kiểm soát, chẳng hạn như các tài liệu nghiên cứu và các ảnh chụp với các quan chức cấp cao. Chủ tịch Mao đã gọi Mặt trận Thống nhất là “vũ khí thần kỳ” của Đảng.

Tiến sĩ Chung Kim-wah (Zhong Jianhua, 鍾劍華, sinh năm 1960), một nhà nghiên cứu về khoa học xã hội tại Đại học Bách khoa Hồng Kông và là tác giả các bài bình luận thời sự cho các tờ báo của thành phố, là một trong những mục tiêu đó. Năm 1997, ông mua một căn hộ ở Quảng Châu, nơi ông thích dành những ngày cuối tuần ở đó để đọc sách và suy nghĩ. Một quan chức của Đại lục, người mà Tiến sĩ Chung nghi ngờ là thành viên thuộc Mặt trận Thống nhất, thường xuyên mời ông uống trà hoặc uống bia. Khi quan chức này biết Tiến sĩ Chung yêu bóng đá, người này đã đưa Tiến sĩ đi xem các trận cầu bóng đá tại một quán bar thể thao. Nhiều người Hồng Kông đều có những câu chuyện tương tự về nỗ lực xây dựng và duy trì các mối quan hệ và trao đổi thông tin.

Chung Kim-wah (1960-)

Các tổ chức xã hội dân sự, vốn tuân thủ các quy tắc, có thể xin tiền của Mặt trận Thống nhất trước và sau thời điểm trao trả Hồng Kông. Đối với mỗi tổ chức công đoàn hoặc tờ báo thân dân chủ, Đảng đảm bảo hậu thuẫn một tổ chức công đoàn hoặc một tờ báo thân Bắc Kinh tương đương, bằng cách tổ chức tương đương đó nếu cần. Đây là một trong những lý do vì sao con số ấn tượng các tổ chức xã hội dân sự mà thành phố tự hào ngày nay không thể được coi như là dấu hiệu của một xã hội dân sự mạnh mẽ. Nhiều tổ chức đó chỉ đơn thuần tồn tại như là một bình phong pháp lý cho các hoạt động ngầm của Đảng, tự giới thiệu như là các hiệp hội cựu sinh viên, các phòng thương mại và các nhóm du lịch. “Không phải tất cả các tổ chức này đều là một chi bộ của Đảng, nhưng phần lớn trong số đó đều là của Đảng,” theo lời của ông Trình Tường, người đã được tiếp cận để gia nhập Đảng. Ông đã từ chối. “Đây là một trong những cách mà Đảng đã thâm nhập vào Hồng Kông.”

Các thành viên của Đảng, ban đầu, đã cố gắng vun đắp mối quan hệ với các nhóm dân chủ. Các thành viên của phong trào thường là những đối tác có thiện chí. Như nhiều nhà lập pháp trước đây đã chứng thực, họ cho rằng việc mở một kênh liên lạc với cơ quan an ninh của Nhà nước có thể là điều hữu ích. Và nhiều người cho rằng một vài cuộc họp mặt thân mật ít có khả năng làm thay đổi ý kiến của bất kỳ ai. Nhưng họ đã giúp cho Đảng có được một hiểu biết sâu sắc về Hồng Kông và, cuối cùng, gây ảnh hưởng lên rất nhiều nhà lãnh đạo của Hồng Kông.

Nhìn lại, chúng tôi thấy mình rất ngây thơ,” theo lời thừa nhận của một nhà lập pháp trước đây. Nhiều nhà dân chủ đã được mời đến các bữa ăn tối và các cuộc họp ở Bắc Kinh, nơi mà các quan chức của Đảng đã cho họ tiền bạc, cung phụng họ phụ nữ hoặc tiến cử họ vào các vị trí quyền lực, để đổi lấy sự hợp tác và thông tin của họ. Lee Wing-tat (Lý Vĩnh Đạt, 李永達, sinh năm 1950), một cựu lãnh đạo của Đảng Dân chủ hiện đang sống ở Anh, cho biết: “Họ có thể cung cấp cho bạn mọi thứ, ngoại trừ nền dân chủ.” Ông nói vì thế đã có rất nhiều chính trị gia ủng hộ dân chủ đã được kết nạp Đảng.

Lee Wing-tat (1950-)

Một cách rõ ràng để gây ảnh hưởng đến công tác quản trị là tăng cường những tiếng nói ủng hộ Trung Quốc trong giới tinh hoa kinh tế, mà nhiều người trong số đó đã từng giữ những chức vụ chính quyền dưới chế độ cai trị của Anh, và đã tiếp tục làm những chức vụ đó sau khi trao trả Hồng Kông. Hứa Gia Truân (許家屯, 1916-2016), người đại diện chính của Trung Quốc tại Hồng Kông từ năm 1983 đến năm 1990, thời điểm mà với tư cách là một người phản đối cuộc đàn áp ở Thiên An Môn, đã chạy trốn sang Mỹ, đã viết: “Chúng tôi được lệnh cản trở các hoạt động kinh doanh của người Anh, củng cố các hoạt động kinh doanh của người Trung Quốc, tập hợp các đầu tư của Đài Loan và của cộng đồng Hoa kiều.”

Trong mười lăm năm đầu tiên sau khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, khoản đầu tư này có vẻ như chỉ có một tác động hạn chế đến công tác quản trị thành phố. Nhưng việc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đã đánh dấu một sự thay đổi, dẫn đến việc Đảng sử dụng quyền lực của Đảng ở Hồng Kông theo một cách khá trực tiếp hơn nhiều.

Sự bùng nổ kinh tế, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, có hệ quả là Trung Quốc cần ít vốn hơn, ít chuyên môn hơn và ít các mối quan hệ kết nối hơn của Hồng Kông. Là người đứng đầu nhóm chính trị của Đảng tại Hồng Kông từ năm 2007, Tập đã coi giới tài phiệt của thành phố là những người kiêu ngạo và có đặc quyền. Những bữa tiệc tối, nơi mà giới này thể hiện sự tự mãn của họ (và vẫn mang lại những cơ hội kinh doanh béo bở) trở nên hiếm hoi và ít phô trương. Đảng nay đòi hỏi nhiều hơn.

Desmond Shum

Desmond Shum (Thẩm Đống, 沈棟), một cựu tài phiệt, người từ nay đang sống ở phương Tây, đã nói: “Tôi cảm thấy các đinh vít đang siết lại. Họ liên tục yêu cầu chúng tôi làm nhiều việc hơn nữa, quyên góp nhiều tiền hơn nữa.” Điều này bao gồm việc công khai vận động và bỏ phiếu cho các lợi ích của Đảng trong thành phố. Trong cuốn Red Roulette [Bánh xe đỏ], cuốn hồi ký mà Thẩm Đống đã xuất bản vào năm 2021, ông đã viết: “Tất cả chúng tôi đều được yêu cầu tạo điều kiện để Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử ở Hồng Kông. Điều làm tôi ngạc nhiên là không ai trong chúng tôi dám công khai nói rằng, ‘Đây là điều mà tôi đã làm và điều đó đã sai’. Điều này cho thấy chúng tôi sợ Đảng và những hậu quả có thể xảy ra khi nói không và khi nói ra điều gì đó đến mức nào.”[6]

Tập Cận Bình đã phát động một công cuộc đổi mới hệ thống an ninh quốc gia. Không giống như ở phương Tây, nơi mối quan tâm về an ninh quốc gia tập trung vào các mối đe dọa từ bên ngoài, ở Trung Quốc, mối quan tâm đó bao gồm tất cả các mối đe dọa đối với sự kiểm soát quyền lực của Đảng. Trong bối cảnh đàn áp rõ ràng hơn dưới triều đại của Tập, Hồng Kông ngày càng ít được xem như là một động lực cho sự tăng trưởng, và ngày càng được xem như là một cơ sở cho sự lật đổ.

Khi các cuộc biểu tình nổ ra vào năm 2019, Đảng đã nhanh chóng bắt đầu sử dụng các mối quan hệ được nuôi dưỡng cẩn thận với xã hội dân sự ở Hồng Kông như một vũ khí. Tiến sĩ Chung đã bị chặn lại ở biên giới trong khi cố gắng đến Quảng Châu. Bạn của ông ở quán bar thể thao đã đến thăm ông ở Hồng Kông, gợi ý là ông ta có thể giải quyết được vấn đề. Tiến sĩ Chung thổ lộ: “Nhưng chỉ khi nào tôi ngừng viết cho tờ Apple Daily.” Ông ấy đã từ chối. Có rất nhiều câu chuyện về nghệ thuật và cách thức mà Đảng tìm ra những điểm nhạy cảm của hàng nghìn người dân Hồng Kông.

Lý Gia Thành (1928-)

Việc gây áp lực lên giới lãnh đạo doanh nghiệp đôi khi được thực hiện một cách công khai. Khi Li Ka-shing (Lý Gia Thành 李嘉誠, sinh năm 1928), nhà tài phiệt giàu nhất Hồng Kông, đã kêu gọi chính quyền và người biểu tình kiềm chế vào năm 2019, Đảng và những người thân tín của họ đã gọi vị tỷ phú 91 tuổi này là “vua gián”. Ông đã hiểu được thông điệp. Kể từ đó trở đi, các tỷ phú khác của Hồng Kông đã công khai tán thành sự phản ứng gay gắt của chính quyền đối với các yêu cầu của người biểu tình. Mọi người đều đã nhìn thấy điều gì đã xảy ra với Jimmy Lai.

Lý Gia Siêu (1957-)

Các thương hiệu lớn cũng đã đầu hàng. Năm 2019, John Slosar, chủ tịch hãng hàng không Cathay Pacific, đã bảo vệ quyền biểu tình của nhân viên. “Chúng tôi không mơ được nói với họ những gì họ phải nghĩ về bất cứ điều gì.” Đảng đã dọa loại các máy bay của hãng Cathay ra khỏi không phận Trung Quốc. John Slosar đã buộc phải từ chức. Người kế nhiệm ông, Patrick Healy, đã nhiệt tình tham gia cuộc bầu cử giả tưởng của Lý Gia Siêu, nhà lãnh đạo mới của thành phố.

Tất cả những điều này giải thích vì sao cộng đồng doanh nghiệp của thành phố đã không phản đối, khi Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông. Các công ty lớn nhất như HSBC, Standard Chartered, Swire và Jardine Matheson đều đã đưa ra các tuyên bố ủng hộ luật này. HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu về tài sản, đã đóng băng tài khoản của các chính trị gia ủng hộ dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự. Bốn công ty kế toán thuộc Big Four – Deloitte, EY, KPMG và PwC – đều chạy quảng cáo trên các tờ báo thân Bắc Kinh để chúc mừng Lý Gia Siêu trở thành Đặc khu trưởng thành phố.

Với luật [an ninh quốc gia] mới này và với sự hậu thuẫn của cảnh sát Hồng Kông, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc và Mặt trận Thống nhất bắt đầu sử dụng các nhân vật trung gian để đưa ra những lời đe dọa cá nhân chống lại các nhà lãnh đạo mà họ đã quan tâm đôi khi từ rất lâu, theo các cuộc phỏng vấn với sáu người, vốn đã có mối liên hệ trực tiếp với các nhân vật trung gian có liên quan. Đôi khi lời cảnh báo đến từ một cuộc gọi điện bí ẩn, đôi khi từ một người quen lâu năm, ở nhà thờ. Sự chậm trễ hoặc trì hoãn sẽ dẫn đến các cuộc bắt giữ. “Một trong những đồng nghiệp của tôi đã được cảnh báo: ‘Tốt hơn là ông nên nhanh chóng rời khỏi Hồng Kông.’ Nhưng, ông ấy đã phớt lờ lời cảnh báo này. Bây giờ ông ấy đang ngồi tù,” theo lời của một cựu đại biểu quốc hội.

Tiến sĩ Chung, một người hâm mộ bóng đá, tham gia các cuộc điều tra, dù đã nghỉ hưu vào năm 2020. Ông đã bị cảnh sát thẩm vấn hai lần và phải hứng chịu “những lời đe dọa từ các cơ quan quyền lực. Tuy nhiên, cho đến khi một người bạn của ông, một giáo sư khác đã nghỉ hưu, bị bỏ tù, ông mới nhận ra rằng ông không thể chịu đựng nổi cảnh cha mẹ già ông “chỉ có thể gặp tôi khi đến thăm tôi trong tù.” Vào tháng 4, ông bỏ trốn đến Anh, nơi các nhân vật trung gian vẫn tiếp tục liên lạc với ông.

Từ quan điểm của Trung Quốc, Hồng Kông không chỉ nhìn thấy các chiến thuật hợp tác và đe dọa, được phát triển để tiếp quản quyền lực một cách nhẹ nhàng hơn, phục vụ cho một cuộc tiếp quản quyền lực một cách quyết liệt nhiều hơn. Hồng Kông cũng đã chứng kiến Trung Quốc hoàn thiện các phương pháp kết hợp các công ty và các học giả, thâm nhập vào các định chế như trường đại học và các định chế tài trợ cho việc tuyên truyền ủng hộ Đảng trên các phương tiện truyền thông xã hội, cho phép phục vụ nhiều mục đích. Ông Trình Tường, người đầu tiên đã cảnh báo về mối đe dọa mà Đảng đã gây ra khi thời điểm trao trả Hồng Kông đến gần, cho biết: “Tôi đã thấy điều sắp đến. Nhưng không có một ai chịu lắng nghe.” Ngày nay, nhu cầu lắng nghe vẫn trở nên cấp thiết ở mọi nơi trên thế giới, những nơi mà Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng của họ.

Nhưng ở Hồng Kông, không còn nhiều thứ để nghe. Chỉ còn là tiếng xe điện chạy và tiếng các búa khoan, các giao dịch và cuộc trò chuyện hàng ngày – và một điệp khúc của bài hát Beneath Lion Rock, được ban nhạc Mirror phát hành gần đây. Một số người xem bản ghi âm đó như là một ví dụ khác về sự hợp tác, với việc chính quyền làm hỏng bét một điều gì đó từng có ý nghĩa thực sự. Một số người khác thì chỉ biết thưởng thức giai điệu của bài hát.

Bài báo được đăng trên tờ The Economist, do David Bartel dịch từ tiếng Anh

Thông tin về tác giả

David Bartel

David Bartel

David Bartel, nhà nghiên cứu độc lập, sống ở Hồng Kông từ mười năm nay. Đỗ bằng tiến sĩ vào năm 2017 tại EHESS [Trường Cao học Khoa học Xã hội], luận án của ông viết về đề tài Khai sáng của Trung Quốc trong thế kỷ XX và cấu hình lại đương đại của phong trào. Ông đặc biệt quan tâm đến các liên kết giữa lịch sử, chính trị và ngôn ngữ. Sự kết hợp các diễn ngôn lý thuyết hậu hiện đại và hậu thuộc địa – ở Trung Quốc và các nơi khác – qua các thuật hùng biện mang tính dân tộc chủ nghĩa, và sự xóa bỏ văn hóa nhân danh văn hóa là những chủ đề trung tâm trong các nghiên cứu của ông.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Hong Kong : anatomie d’une disparition, naissance d’un État policier (2/2), Asialyst, ngày 10/09/2022

----

Bài có liên quan




Chú thích:

[1] 維護 國家 安全 委員會, weihu guojia anquan weiyuanhui.

[2] Mark Clifford, Today Hong Kong, Tomorrow the World: What China’s Crackdown Reveals About its Plans to End Freedom Everywhere [Hôm nay là Hồng Kông, ngày mai sẽ là Thế giới: Sự sụp đổ của Trung Quốc tiết lộ điều gì về kế hoạch đặt dấu chấm hết đối với quyền tự do ở khắp nơi], ST. Martin’s Press, New York, 2022, tr. 234-235.

[3] Jiang Shigong, China’s Hong Kong – A Political & Cultural Perspective [Quan điểm chính trị và văn hóa của Hồng Kông Trung Quốc], Springer, Singapore, 2017.

[4] Christine Loh, Underground Front: The Chinese Communist Party in Hong Kong [Mặt trận ngầm: Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông], HKU Press, Hong Kong, 2018 (tái bản lần thứ 2), tr. 45.

[5] Zhonggong zhongyang tongyi zhanxian Gongzuobu, 中共中央統一戰線工作部.

[6] Desmond Shum [Thẩm Đống], Red Roulette – An Insider’s Story of Wealth, Power, Corruption, and Vengeance in Today’s China [Bánh xe đỏ – Câu chuyện của một người trong cuộc về của cải, quyền lực, tham nhũng và báo thù ở Trung Quốc ngày nay], Scribner, New York và London, 2021, pp. 249-250 (epub).

Print Friendly and PDF