22.10.22

Thiếu xăng: Bài học từ các công trình của những người nhận giải Nobel kinh tế năm 2022

THIẾU XĂNG: BÀI HỌC TỪ CÁC CÔNG TRÌNH CỦA NHỮNG NGƯỜI NHẬN GIẢI NOBEL KINH TẾ NĂM 2022

Florian Léon

Trước những tin tức đáng báo động, nhiều người lái xe ô-tô đã lường trước khả năng các trạm xăng không thể phục vụ hết mọi người, nên đã đổ xô đi đổ xăng, cho dù nhu cầu của họ có giới hạn. Alain Jocard/AFP

Trong hơn một tuần qua, những người lái xe ô-tô ở Pháp đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, tiếp sau các cuộc đình công tại nhiều nhà máy lọc dầu. Thời sự tuần qua cũng đã làm nổi bật, theo một cách khiêm tốn hơn, việc trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để vinh danh Alfred Nobel cho ba nhà kinh tế người Mỹ vì các công trình nghiên cứu về ngân hàng và sự ổn định tài chính.

Tuy hai sự kiện trên, một cách tiên nghiệm, không có điểm chung nào nhưng các công trình nghiên cứu của Douglas Diamond và Philip Dybvig, những người cùng nhận giải với Ben Bernanke, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng giúp soi sáng, một cách thú vị, tình hình hiện tại ở nước Pháp.

Năm 1983, Diamond và Dybvig đã viết một bài báo có tính tạo lập nền tảng, giúp hiểu được lý do tồn tại của các ngân hàng đồng thời là nguồn gốc của tính mong manh của chúng. Sự tồn tại của ngân hàng được giải thích bởi vai trò trung gian giữa người gửi tiền tiết kiệm và người đi vay. Người gửi tiền tiết kiệm tìm cách gửi tiền tiết kiệm vào các khoản đầu tư an toàn và có thanh khoản, có nghĩa là sẵn có vào mọi lúc. Còn người đi vay cần có vốn, được huy động trong thời gian đủ dài để đầu tư.

Douglas W. Diamond (1953-)
Philip H. Dybvig (1955-)

Trong trường hợp không có ngân hàng, thì không thể chuyển được số tiền được tiết kiệm này cho người đi vay, do tính chất thời gian khác nhau. Các ngân hàng đảm bảo vai trò trung gian này bằng cách kêu gọi gửi tiền tiết kiệm có sẵn trong ngắn hạn để cho vay trong dài hạn. Khi thực hiện sự chuyển đổi kỳ hạn thanh toán này, các ngân hàng góp phần vào đầu tư và như thế vào hoạt động kinh tế.

Diamond và Dybvig đã nêu bật vai trò trung gian này cũng là điều khiến cho hoạt động của các ngân hàng, về thực chất, trở nên mong manh. Về mặt cấu trúc, các ngân hàng đều ở vị thế thiếu thanh khoản, do một phần tiền gửi tiết kiệm không có sẵn trong ngắn hạn vì đã được cho vay trong dài hạn. Thông thường, tình huống này không gây ra vấn đề gì. Chỉ có một phần nhỏ trong tổng số tiền gửi tiết kiệm được rút ra hàng ngày. Do đó, các ngân hàng không bị buộc phải xử lý tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền.

Những lời tiên tri tự ứng nghiệm

Diamond và Dybvig quan tâm đến các tình huống đổ xô rút tiền mặt, trong đó nhiều người gửi tiền tiết kiệm sẽ muốn rút tiền tiết kiệm cùng một lúc, khiến cho các ngân hàng, và thậm chí cả hệ thống ngân hàng, gặp khó khăn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự hoảng loạn ngân hàng này, từ sự nghi ngờ khả năng thanh toán của một ngân hàng, cho đến các quyết định chính trị, như ở Síp vào năm 2013 khi chính phủ muốn đánh thuế tiền gửi.

Điểm thú vị trong phân tích của Diamond và Dybvig là đã chỉ ra rằng, ngay cả khi việc rút tiền, ban đầu, chỉ liên quan đến một lượng hạn chế người gửi tiền tiết kiệm, nhưng họ có thể khiến toàn bộ người gửi tiền đổ xô đi rút tiền do các lời tiên tri tự ứng nghiệm và sự thiếu phối hợp. Giả sử có một bộ phận người gửi tiền tiết kiệm quyết định muốn rút tiền gửi. Nếu những người gửi tiền khác bắt đầu nghi ngờ khả năng của ngân hàng trong việc đáp ứng các yêu cầu rút tiền, thì việc họ rút tiền gửi là điều hợp lý. Nếu những người gửi tiền này đến quá muộn, thì họ sẽ không thể rút được tiền gửi nữa, do nguyên tắc rút tiền là phải xếp hàng và chờ đến lượt của mình (ai đến trước được phục vụ trước).

Kể từ lúc đó, mọi người gửi tiền sẽ đổ xô đến ngân hàng để rút tiền gửi. Ngân hàng sẽ không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu này, và sẽ phải đối mặt với tình cảnh thiếu thanh khoản, thậm chí có thể chuyển thành rủi ro mất khả năng thanh toán (nếu ngân hàng phải bán gấp tài sản để có được khả năng thanh khoản). Có nhiều khả năng hiện tượng này sẽ nhanh chóng lây lan sang các ngân hàng khác, chẳng hạn nếu người gửi tiền có tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau và sẽ rút tiền gửi ở các ngân hàng khác đó.

Mặc dù mô hình này rất đơn giản, nhưng nó làm sáng tỏ một phần tình trạng thiếu nhiên liệu hiện nay. Sự thiếu hụt [nhiên liệu] được giải thích chủ yếu là do các cuộc đình công, đã làm ảnh hưởng đến nhiều nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, các cuộc đình công không giải thích được sự thiếu hụt được quan sát thấy ở nhiều trạm xăng, đặc biệt ở những khu vực mà ban đầu không được nhà máy lọc dầu đã đóng cửa phục vụ. Một giải thích cho sự thiếu hụt [nhiên liệu] nằm ở hiện tượng các lời tiên tri tự ứng nghiệm, được cập nhật trong mô hình của Diamond và Dybvig.

Giống như trường hợp của các ngân hàng, các trạm xăng chỉ có một lượng xăng hạn chế và nguyên tắc được áp dụng là xếp hàng và chờ đến lượt của mình. Trước những tin tức đáng báo động, nhiều người lái xe ô-tô đã lường trước khả năng các trạm xăng không thể phục vụ hết mọi người. Họ đã đổ xô đi đổ xăng, dù cho nhu cầu của họ có giới hạn, làm cạn kiệt các kho dự trữ xăng dầu và tạo ra tình trạng thiếu hàng trên thực tế.

Giải pháp của các nhà “Nobel”…

Sẽ là điều hữu ích nếu đẩy sự tương đồng đi xa hơn một chút khi nghiên cứu các giải pháp đã được Diamond và Dybvig đề xuất (hoặc bị bỏ qua), để xem có thể áp dụng chúng như thế nào vào trường hợp thiếu nhiên liệu. Hai nhà kinh tế đã đề xuất hai giải pháp để chống lại tình trạng đổ xô rút tiền ngân hàng.

Giải pháp thứ nhất là một hệ thống bảo hiểm, cho phép mỗi công dân được bảo hiểm khoản tiền gửi tiết kiệm của mình trong trường hợp ngân hàng phá sản (100.000 euro đối với mỗi ngân hàng và mỗi người gửi tiền trong Liên minh châu Âu). Mục tiêu của hệ thống bảo hiểm này có tính phòng ngừa trên hết, ngăn chặn một sự hoảng loạn, nhưng tỏ ra vô dụng ngay sau khi cuộc khủng hoảng trở thành hiện thực.

Giải pháp thứ hai hữu ích hơn trong trường hợp hoảng loạn. Nó bao gồm việc ngăn chặn các tác nhân rút tiền vượt quá một ngưỡng nào đó. Trên thực tế, giải pháp này có dạng một mức trần số tiền được rút. Một giải pháp tương tự đã được áp dụng ở một số trạm xăng, bằng cách hạn chế mức tối đa cho mỗi lần đổ xăng hoặc cấm đổ xăng vào các bình/can phụ. Rủi ro khi đó là người lái xe ô-tô sẽ càng “hoảng loạn” và lượng người đến đổ xăng càng tăng gấp bội.

Một giải pháp gần hơn với mô hình của Diamond và Dybvig sẽ là việc triển khai các “phiếu nhiên liệu”, sẽ được cấp cho mỗi người lái xe ô-tô hoặc phương tiện, và có thể được điều chỉnh theo từng hoạt động (ưu tiên hay không ưu tiên), thậm chí có khả năng được trao đổi [các phiếu nhiên liệu]. Giải pháp này, về mặt lý thuyết, có lẽ hấp dẫn, nhưng về mặt kỹ thuật thì vẫn rất khó triển khai trong một thời gian ngắn như vậy.

... và những giải pháp khác

Có một điều cũng thú vị khi nghiên cứu các giải pháp không được Diamond và Dybvig xem xét. Trong phân tích của các tác giả, họ đã bỏ qua vai trò của việc tạo ra tiền (đó là một hạn chế trong mô hình của họ). Đối mặt với các cuộc khủng hoảng thanh khoản, ngân hàng trung ương có thể bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng, để cung cấp oxy cho các ngân hàng.

Đối với xăng dầu, chính phủ đã bắt đầu dùng đến các nguồn dự trữ chiến lược để làm giảm bớt tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, sự tương đồng với hệ thống ngân hàng cũng có các giới hạn. Không giống như tiền của ngân hàng trung ương, nhiên liệu không được tạo ra từ hư vô [ex nihilo]. Vì thế, giải pháp này hàm ý việc giảm các nguồn dự trữ [nhiên liệu] này có nguy cơ dẫn đến tình trạng càng thiếu thốn, nếu cuộc khủng hoảng kéo dài.

Cuối cùng, sẽ là điều hữu ích nếu tự hỏi vì sao các nhà kinh tế không nghĩ đến việc điều tiết bằng giá cả. Một giải pháp cho cả hai vấn đề sẽ là việc sửa đổi phương thức phân bổ nguồn lực, theo nguyên tắc giá cả hơn là theo nguyên tắc phân phối hạn mức (xếp hàng và chờ đến lượt mình). Nói một cách cụ thể, các ngân hàng có thể tính phí rút tiền tương ứng với số tiền được rút hoặc tính phí trên giá nhiên liệu.

Vả lại rõ ràng là giá xăng ở các trạm xăng đã tăng lên, kể từ khi tình trạng thiếu hụt bắt đầu xảy ra, đặc biệt ở những khu vực căng thẳng nhất.

Giải pháp này có hai hạn chế chính. Một mặt, việc tăng giá có thể có tác động như một quả bom, về mặt chính trị, trong tình hình lạm phát hiện nay. Lựa chọn này quy lại là ưu tiên cho những người giàu nhất với nguy cơ là làm gia tăng căng thẳng và nguồn gốc của vấn đề. Mặt khác, có thể nghi ngờ sự điều tiết bằng giá cả là công cụ tốt nhất trong tình huống hoảng loạn, khi các động lực kinh tế mất tính hiệu quả.

Florian Léon

Có thể sử dụng trải nghiệm sống để dự đoán các cuộc khủng hoảng trong tương lai, nhằm hạn chế càng nhanh càng tốt các hiện tượng dự kiến tự ứng nghiệm, vốn nằm ở trung tâm các khó khăn hiện tại.

Tác giả

Nhà nghiên cứu tại Quỹ vì Học thuật và Nghiên cứu về Phát triển Quốc tế, Tổ chức Đại học của cộng đồng Pháp ngữ (AUF)

Tuyên bố công khai

Florian Léon là thành viên của Quỹ vì Học thuật và Nghiên cứu về Phát triển Quốc tế (được công nhận là quỹ hoạt động vì lợi ích công cộng).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Pénurie d’essence : ce que nous enseignent les travaux des prix “Nobel” d’économie de 2022, The Conversation, ngày 19/10/2022

Print Friendly and PDF