9.3.23

ChatGPT có thể thay đổi cuộc chơi của các nhà tiếp thị, nhưng trước mắt trong ngắn hạn thì chưa thay thế con người được

CHATGPT CÓ THỂ THAY ĐỔI CUỘC CHƠI CỦA CÁC NHÀ TIẾP THỊ, NHƯNG TRƯỚC MẮT TRONG NGẮN HẠN THÌ CHƯA THAY THẾ CON NGƯỜI ĐƯỢC

Xuất bản: 22 tháng 1 năm 2023 1:33 chiều theo giờ GMT

Chatbot AI mới có thể cách mạng hóa hoạt động tiếp thị của các doanh nghiệp (Shutterstock)

Việc phát hành chatbot ChatGPT vào tháng 11 năm 2022 gần đây đã tạo ra sự quan tâm đáng kể của công chúng. Về bản chất, ChatGPT là một chatbot vận hành bởi AI cho phép người dùng mô phỏng các cuộc trò chuyện như người với người bằng một AI.

GPT là viết tắt của Generative Pre-training Transformer, một mô hình xử lý ngôn ngữ được phát triển bởi công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI của Mỹ. Mô hình ngôn ngữ GPT sử dụng phương pháp học sâu [deep learning] để sinh ra các phản hồi giống con người. Học sâu là một nhánh của học máy [machine learning] liên quan đến việc đào luyện các mạng thần kinh nhân tạo nhằm bắt chước sự phức tạp của não người để tạo ra các phản ứng giống như người.

ChatGPT sở hữu giao diện thân thiện với người sử dụng, cho phép họ tương tác theo kiểu đàm thoại.

Đứng trước công nghệ mới này, các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đã thể hiện mối quan tâm lớn đến việc một đổi mới như thế có thể cách mạng hóa các chiến lược tiếp thị và trải nghiệm của khách hàng ra sao.

ChatGPT có gì đặc biệt?

Điều khiến ChatGPT khác biệt với các chatbot khác là kích thước tập dữ liệu của nó. Các chatbot thường được đào luyện trên một tập dữ liệu nhỏ được thiết kế theo phương pháp dựa trên quy tắc [rule-based] để trả lời các câu hỏi cụ thể và thực hiện một số nhiệm vụ nhất định.

Trong khi đó, ChatGPT được đào tạo trên một tập dữ liệu khổng lồ — 175 tỷ tham số và 570 gigabyte dữ liệu — và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong các lĩnh vực và ngành kinh doanh khác nhau. 570GB tương đương với hơn 385 triệu trang trên Microsoft Word.

Với lượng dữ liệu đó, ChatGPT có thể thực hiện các hoạt động khác nhau liên quan đến ngôn ngữ, bao gồm trả lời các câu hỏi trong các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, cung cấp câu trả lời bằng các ngôn ngữ khác nhau và sinh ra nội dung.

ChatGPT là một chatbot được OpenAI ra mắt vào tháng 11 năm 2022. (Shutterstock)

Bạn hay thù với các nhà tiếp thị?

Mặc dù ChatGPT có lẽ là công cụ tuyệt vời cho các nhà tiếp thị, điều quan trọng là phải hiểu các khả năng thực tế và những kỳ vọng của nó để tối đa hóa lợi ích.

Theo truyền thống, cùng với sự nổi lên của các công nghệ mới, người tiêu dùng có xu hướng trải qua chu kỳ cường điệu của Gartner. Về bản chất, chu kỳ Gartner giải thích quá trình mọi người trải qua khi áp dụng một công nghệ mới.

Chu kỳ bắt đầu với việc kích động đổi mới và đỉnh của các giai đoạn kích động ảo là khi người tiêu dùng hào hứng với công nghệ mới và các kỳ vọng bắt đầu thành hình. Sau đó, người tiêu dùng nhận ra những cạm bẫy của công nghệ, tạo ra khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế. Đây được gọi là đáy của sự vỡ mộng.

Tiếp theo đó là con dốc khai sáng khi người tiêu dùng bắt đầu hiểu về công nghệ và sử dụng nó một cách thích hợp và hợp lý hơn. Cuối cùng, công nghệ này được áp dụng rộng rãi và được dùng như dự tính ​​trong bình nguyên của giai đoạn ổn định năng suất.

Với sự phấn khích hiện tại của công chúng xung quanh ChatGPT, chúng ta dường như đã gần đạt đến đỉnh điểm của giai đoạn kích động ảo. Điều quan trọng đối với các nhà tiếp thị là đặt ra những kỳ vọng thực tế cho người tiêu dùng và điều hướng việc tích hợp ChatGPT để giảm thiểu tác động của giai đoạn vỡ mộng.

Khả năng của ChatGPT

Ở dạng hiện tại, ChatGPT không thể thay thế nhân tố con người trong tiếp thị, nhưng nó có thể hỗ trợ sáng tạo nội dung, nâng cao dịch vụ khách hàng, tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại và hỗ trợ phân tích dữ liệu.

Hỗ trợ tạo nội dung: Các nhà tiếp thị có thể sử dụng ChatGPT để nâng cao nội dung hiện có bằng cách sử dụng chatbot để chỉnh sửa tác phẩm bằng văn bản, đưa ra các đề xuất, tóm tắt ý tưởng và cải thiện tổng thể chất lượng đọc. Ngoài ra, ChatGPT có thể nâng cao chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) bằng cách kiểm tra các từ khóa và thẻ lý tưởng.

Nâng cao dịch vụ khách hàng: Các doanh nghiệp có thể đào luyện ChatGPT để trả lời các câu hỏi thường gặp và tương tác với khách hàng tựa như trò chuyện với người. Thay vì thay thế nhân tố con người, ChatGPT có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7. Điều này có thể tối ưu hóa các nguồn lực kinh doanh và tăng cường các quy trình nội bộ bằng cách giao các nhiệm vụ nhạy cảm và có tác động lớn cho con người. ChatGPT cũng có thể được đào luyện bằng các ngôn ngữ khác nhau, nâng cao hơn nữa trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng.

Điều quan trọng là phải hiểu các khả năng và kỳ vọng thực tế của các công nghệ mới và sắp thành hình. (Shutterstock)

Tự động hóa các tác vụ tiếp thị lặp đi lặp lại: Theo báo cáo năm 2015 của HubSpot, các nhà tiếp thị đã dành một lượng thời gian đáng kể cho các tác vụ lặp đi lặp lại, chẳng hạn như gửi email và tạo các bài đăng trên mạng xã hội. Dù một phần thách thức đó đã được giải quyết bằng phần mềm quản lý quan hệ khách hàng, ChatGPT có thể cải thiện vấn đề nhờ cung cấp lớp bổ sung để tăng tính cá nhân hóa khi tạo ra các nội dung sáng tạo.

Ngoài ra, ChatGPT có lẽ còn hữu ích trong các tác vụ khác, chẳng hạn như mô tả sản phẩm. Với quyền truy cập vào nguồn dữ liệu phong phú, ChatGPT có thể thường xuyên cập nhật và điều chỉnh các mô tả sản phẩm, cho phép các nhà tiếp thị tập trung vào các tác vụ có tác động cao hơn.

Hạn chế của ChatGPT

Mặc dù biên độ rộng lớn của các khả năng để nâng cao quy trình tiếp thị với ChatGPT thật hấp dẫn, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải biết được một số hạn chế chính và thời điểm cần hạn chế hoặc tránh sử dụng ChatGPT trong hoạt động kinh doanh.

Trí tuệ cảm xúc: ChatGPT cung cấp nội dung và phản hồi giống như người thật theo công nghệ hiện đại nhất tới thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là công cụ này chỉ “giống” con người. Tương tự như những thách thức truyền thống với chatbot, mức độ giống con người sẽ rất cần thiết để nâng cao quy trình và sáng tạo nội dung.

Các nhà tiếp thị có thể sử dụng ChatGPT để nâng cao trải nghiệm khách hàng, nhưng nếu không có con người để lo liệu phần mức độ liên quan, tính cách, trải nghiệm và kết nối cá nhân thì sẽ rất khó để tận dụng tối đa ChatGPT. Dựa vào ChatGPT để xây dựng kết nối và tương tác với khách hàng mà không có sự tham gia của con người có thể thu hẹp kết nối có ý nghĩa với khách hàng thay vì tăng cường kết nối đó.

Độ chính xác: Mặc dù nội dung tiếp thị có vẻ hợp lý nhưng điều quan trọng cần lưu ý là ChatGPT không phải là công cụ không có lỗi nên có thể đưa ra câu trả lời không chính xác và phi logic. Các nhà tiếp thị cần đánh giá và xác thực nội dung do ChatGPT tạo ra để tránh các lỗi có thể xảy ra và đảm bảo tính nhất quán với thông điệp và hình ảnh thương hiệu.

Tính sáng tạo: Việc dựa vào ChatGPT để sản xuất nội dung sáng tạo có thể phát sinh những thách thức ngắn hạn và dài hạn. ChatGPT thiếu kinh nghiệm sống của các cá nhân lẫn hiểu biết về sự phức tạp của bản chất con người. Việc phụ thuộc quá nhiều vào ChatGPT có thể hạn chế khả năng sáng tạo, vì vậy, ChatGPT nên được dùng để hỗ trợ lên ý tưởng và nâng cao nội dung hiện có trong khi vẫn dành chỗ cho sự sáng tạo của con người.

Con người là không thể thay thế

Mặc dù ChatGPT có tiềm năng nâng cao hiệu quả tiếp thị nhưng doanh nghiệp chỉ nên sử dụng công nghệ này như một công cụ hỗ trợ con người chứ không nên thay thế họ. ChatGPT có thể cung cấp nội dung sáng tạo và hỗ trợ lên ý tưởng nội dung. Tuy nhiên, nhân tố con người vẫn rất cần thiết để kiểm tra kết quả đầu ra và tạo ra các thông điệp tiếp thị phù hợp với chiến lược và tầm nhìn kinh doanh của công ty.

Một doanh nghiệp không có chiến lược tiếp thị mạnh mẽ trước khi tích hợp ChatGPT sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh. Tuy nhiên, với các chiến lược và kế hoạch tiếp thị phù hợp, ChatGPT có thể tăng cường và hỗ trợ hiệu quả cho các quy trình tiếp thị hiện tại.

Tác giả 

Omar H. Fares

Omar H. Fares

Giảng viên Trường Quản lý Bán lẻ Ted Rogers, Đại học Toronto Metropolitan

Tuyên bố công khai

Omar H. Fares không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: ChatGPT could be a game-changer for marketers, but it won’t replace humans any time soon, The Conversation, Jan 22, 2023.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF