19.3.23

Khí hậu, đa dạng sinh học, bất bình đẳng: tại sao Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia lại quan trọng đối với tương lai chúng ta

KHÍ HẬU, ĐA DẠNG SINH HỌC, BẤT BÌNH ĐẲNG: TẠI SAO TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA LẠI QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI TƯƠNG LAI CHÚNG TA

Hubert Testard

Phiên chuẩn bị cho hội nghị COP15 về đa dạng sinh học vào tháng 10 năm 2021. (Nguồn: CBD)

Môi trường, khí hậu, phát triển xã hội… Những thách thức rất to lớn đối với ba nước khổng lồ châu Á đang phát triển. Các thách thức này sẽ quyết định tương lai của ba nước đó, và phần lớn, quyết định tương lai của hành tinh.

Khi ký kết Nghị định thư Kyoto về cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu vào năm 1997, đã có thỏa thuận là chỉ có những nước phát triển mới có nghĩa vụ phải hành động. Trước tiên là bởi vì các nước phát triển có trách nhiệm lịch sử chính đối với sự biến đổi khí hậu. Kế đến là bởi vì cần có thời gian để các nước đang phát triển bắt kịp sự tăng trưởng kinh tế, trước khi ràng buộc họ [với trách nhiệm về sự biến đổi khí hậu]. Ngày nay, sự phân đôi này không còn khả thi nữa. Bất luận mức độ phát triển kinh tế của mỗi nước, hành tinh đã có những rủi ro đến mức cần phải có một hành động mạnh mẽ. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đều có một trách nhiệm đặc biệt, bởi vì ba nước này có một tác động toàn cầu rất nặng, cho hôm nay và cho mai sau, đối với sự biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học. Họ phải đồng thời giảm thiểu những thiệt hại về môi trường trong quá trình tăng trưởng kinh tế, và đạt được một sự hòa nhập xã hội tốt hơn mà sự phát triển kinh tế đó không đảm bảo.

KHÍ HẬU: TRUNG QUỐC, ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA XÁC ĐỊNH PHẦN LỚN TƯƠNG LAI CHÚNG TA

Năm 2021, ba nước khổng lồ châu Á chiếm 41,4% lượng khí thải CO2 trên thế giới, và năm 2018 (năm gần nhất có số liệu), chiếm 36% lượng khí thải nhà kính trên thế giới, theo cơ sở dữ liệu EDGAR của Liên minh châu Âu. Như một xu hướng, mức tăng lượng khí thải từ ba nước này, kể từ năm 2005, tương đương với mức tăng lượng khí thải trên thế giới (khoảng 7,7 gigaton), điều này có nghĩa là lượng khí thải CO2 trên thế giới đã không tăng trong 16 năm nếu không có mức tăng tích lũy lượng khí thải của Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Nguồn: Báo cáo EDGAR 2022, Liên minh Châu Âu

Chỉ riêng Trung Quốc thôi, đã chiếm một phần ba lượng khí thải trên thế giới và ba phần tư mức tăng lượng khí thải được ghi nhận từ ba nước nói trên. Lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc, từ nay, cao hơn đáng kể so với lượng khí thải bình quân đầu người của châu Âu, và vừa vượt qua lượng khí thải bình quân đầu người của Nhật Bản vào năm 2021. Lượng khí thải bình quân đầu người của Ấn Độ thấp hơn nhiều (1,9 tấn trên đầu người vào năm 2021), và lượng khí thải bình quân đầu người của Indonesia đang tiến gần đến 4 tấn trên đầu người, nếu tính đến nạn phá rừng và toàn bộ lượng khí nhà kính.

Trong 30 năm tới, trọng lượng tương đối của Ấn Độ sẽ tăng mạnh, với sự đảo ngược về đường cong phát thải của Ấn Độ, điều không được mong đợi trước năm 2040. Ngoài ra, Indonesia cũng đóng một vai trò rất quan trọng đối với rừng. Là nước có mật độ rừng nguyên sinh lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil, từ năm 2000 đến năm 2016, lượng khí thải CO2 của Indonesia chiếm một phần tư lượng khí thải CO2 trên thế giới liên quan đến nạn phá rừng và suy thoái đầm than bùn. Điều may mắn là bảng tổng kết tình hình của Indonesia đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, sau một lệnh gia hạn trồng mới rừng và nhiều biện pháp khác về quản lý rừng.

Kể từ năm 2020, ba nước nói trên đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, với một sự đảo ngược đường cong phát thải trước năm 2030 đối với Trung Quốc, vào năm 2030 đối với Indonesia, và đặc biệt là mức độ trung hòa carbon vào năm 2060 ở Trung Quốc và Indonesia, và vào năm 2070 đối với Ấn Độ. Tuy nhiên cần phải xác minh lại độ tin cậy của những cam kết nói trên. Trong ngắn hạn, cuộc chiến ở Ukraine đã đặt lên hàng đầu vấn đề an ninh năng lượng và sự phục hồi tiêu thụ than đá, thứ mà ba nước phụ thuộc một cách đặc biệt.

ĐA DẠNG SINH HỌC: TRUNG QUỐC DẪN ĐẦU CUỘC CHIẾN

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã vận động cho sự đa dạng sinh học. Họ đã chủ trì hội nghị COP15 về đa dạng sinh học, vào tháng 11 năm ngoái, tại Montreal, và đã thành công với sự đồng thuận về một kết quả được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Mục tiêu trọng tâm được thông qua tại hội nghị COP15 bao gồm việc đặt, từ nay đến năm 2030, 30% đất đai và đại dương dưới chế độ bảo vệ, trong đó có những khu vực phong phú nhất về đa dạng sinh học, trong khi mục tiêu được đặt ra mười năm trước đây tại hội nghị Aichi ở Nhật Bản chỉ giới hạn ở mức 17% đối với đất đai và 10% đối với đại dương.

Vị trí các nước khổng lồ châu Á trong thách thức đa dạng sinh học toàn cầu là rất đáng kể. “Chỉ số đa dạng sinh học toàn cầu (GBI)” do tổ chức phi chính phủ The Swiftest phát triển cho 201 nước trên thế giới vào năm 2022, dựa trên số lượng các chủng loại chim, các giống lưỡng cư, cá, động vật có vú, bò sát và thực vật của mỗi nước. Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đứng ở vị trí thứ hai, thứ tư và thứ tám trong bảng xếp hạng GBI của thế giới. Ngoài ra, một tổ chức phi chính phủ khác, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International), cũng đã xác lập một danh sách mười bảy nước có nền “siêu đa dạng sinh học”, mà ba nước khổng lồ châu Á nói trên cũng có mặt.

Về phần Đại học Yale ở Hoa Kỳ, họ đã cập nhật một cơ sở dữ liệu môi trường rộng lớn (“Chỉ số Hiệu suất Môi trường hay EPI) làm quy chiếu. Cơ sở dữ liệu này liệt kê những nỗ lực của mỗi nước để cải thiện chất lượng môi trường của nước mình. Chỉ số EPI bao gồm một chỉ báo cụ thể liên quan đến sự đa dạng sinh học mang tên “Đa dạng sinh học và môi trường sống (Biodiversity and habitat)”, trong đó liệt kê những hành động được tiến hành để bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Ba nước khổng lồ châu Á hiện đang đứng cuối bảng xếp hạng của Đại học Yale (Indonesia hạng 107, Ấn Độ hạng 148 và Trung Quốc hạng 172), điều này nhấn mạnh đến một áp lực to lớn giữa quy mô di sản sinh học của ba nước nói trên và cường độ thấp của những nỗ lực nhằm bảo tồn di sản sinh học đó.

Norman Myers (1934-2019)

Một chỉ báo thú vị khác là chỉ báo về những “điểm nóng đa dạng sinh học (biodiversity hotspots)”. Khái niệm này đã được nhà môi trường học người Anh Norman Myers phát minh vào năm 1990. Ý tưởng là nhận diện các khu vực có sự đa dạng sinh học cao, cùng lúc là đối tượng của các mối đe dọa nghiêm trọng. Để được gọi là “điểm nóng”, một khu vực địa lý cần phải có ít nhất 1.500 chủng loại thực vật, đồng thời đã mất đi ít nhất 70% thảm thực vật nguyên sinh. Theo định nghĩa này, thì đã có 36 “điểm nóng” được nhận diện trên thế giới, trong đó Ấn Độ có ba điểm nóng, Indonesia có hai điểm nóng và Trung Quốc có một điểm nóng.

Hội đồng liên chính phủ về khoa học chính trị về đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES), vào năm 2018, đã công bố một báo cáo đánh giá tình hình [đa dạng sinh học] ở châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo này cung cấp những viễn cảnh thú vị về sự phát triển [đa dạng sinh học] gần đây của lục địa. Báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt đối với các hệ sinh thái biển (rừng ngập mặn và rạn san hô), những rủi ro gắn với ngành nuôi trồng thủy sản (lục địa chiếm 90% sản lượng nuôi trồng thủy sản của thế giới) và nạn đánh bắt cá thái quá, đang đe dọa gần 40% các loài sinh vật biển và sông. Báo cáo cũng đề cập đến sự suy giảm mật độ che phủ rừng ở Đông Nam Á, vốn không chỉ giới hạn ở Indonesia, được bù đắp một phần bởi sự gia tăng diện tích rừng ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Nếu phóng chiếu vào tương lai, một nghiên cứu của Đại học Oxford, đã được công bố nhân dịp COP15, ước tính chỉ có 40% các nước châu Á – trong đó có Trung Quốc, nhưng không có Ấn Độ lẫn Indonesia – đã đạt đến ngưỡng bảo vệ [sự đa dạng sinh học] được đặt ra tại hội nghị Aichi vào năm 2020. Mức bảo vệ trung bình đất đai, ở Châu Á-Thái Bình Dương, vẫn ở mức 13,2%, và nghiên cứu ước tính sẽ có rất ít nước có khả năng đáp ứng mục tiêu bảo vệ 30% đất đai được đặt ra tại COP15, nếu các nước đó không đẩy nhanh tốc độ mở rộng các vùng đất cần được bảo vệ và không tăng cường các biện pháp kiểm soát sự bảo vệ này, vốn hiện nay còn thiếu rất nhiều. Trung Quốc, có lẽ là một trong số ít nước hiếm hoi, sẵn sàng triển khai các phương tiện pháp lý (chính sách duy ý chí về các công viên quốc gia), tài chính và công nghệ (giám sát bằng máy bay không người lái và sử dụng trí tuệ nhân tạo) để đảm bảo sự bảo vệ này.

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: ẤN ĐỘ LÀ VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI

Chúng ta còn nhớ bộ phim tài liệu Sous le dôme, enquête sur le brouillard chinois [Dưới mái vòm, cuộc điều tra về khí sương mù Trung Quốc], của đạo diễn Sài Tĩnh được trình chiếu vào tháng 2 năm 2015, vốn đã có hơn 150 triệu người dùng Internet Trung Quốc xem trong một ngày cuối tuần. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là nước bị tàn phá bởi tình trạng ô nhiễm không khí, vốn đã lan đến các thành phố lớn của Trung Quốc, và tình trạng ô nhiễm không khí này đã đạt đến mức không thể chịu đựng được đối với cuộc sống con người. Chính quyền Bắc Kinh, cuối cùng, đã có biện pháp đối phó với những rủi ro và sự phẫn nộ của người dân. Các chính sách mạnh tay đã được triển khai, tầm nhìn đã được cải thiện đáng kể, truyền thông đã có một mức độ minh bạch nhất định. Kết quả thu được là rất rõ, ngay cả khi Trung Quốc còn lâu mới tôn trọng các tiêu chuẩn an toàn liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành.

Vào thời điểm mà chất lượng không khí ở Trung Quốc đang được cải thiện, thì chất lượng không khí ở các thành phố của Ấn Độ vẫn ở mức rất cao, và Ấn Độ ngày nay đang giữ một kỷ lục đáng buồn: trong số ba mươi thành phố ô nhiễm nhất hành tinh, theo tổ chức IQAir vào năm 2021, thì đã có 21 thành phố thuộc Ấn Độ và một thành phố thuộc Trung Quốc (Hoà Điền ở Nội Mông). Ở Indonesia, các vấn đề ô nhiễm không khí chính đều tập trung ở đô thị Jakarta.

OECD đã cập nhật nhiều số liệu thống kê mang tính toàn cầu hơn theo từng nước về các hạt mịn hay PM 2.5, một chỉ báo được WHO coi là rất quan trọng đối với các nguy cơ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp và tim mạch.

Nguồn: OECD

Dữ liệu của OECD cho thấy rõ sự cải thiện được ghi nhận ở Trung Quốc kể từ năm 2013, cũng như sự khởi đầu của một quá trình cải thiện ở Ấn Độ, được nhấn mạnh vào năm 2020 do tác động của đại dịch, dẫn đến tình trạng phong tỏa dân số và một sự tụt giảm mạnh của ngành giao thông vận tải nội địa. Ở đây, người ta thêm vào nước Pháp để có một so sánh rõ hơn về cường độ, khi biết rằng ngưỡng an toàn của WHO từ nay đã giảm xuống còn 5 microgam trên mét khối, ngưỡng mà Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách rất xa mới đạt được.

Nếu so sánh các thủ đô với nhau, thì Delhi, với tỷ số trung bình 85 microgam trên mét khối vào năm 2021, là một trong những thành phố bị ô nhiễm không khí nặng nề nhất trên thế giới, vượt xa Jakarta (39,1) và Bắc Kinh (34,4). Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí càng quan trọng hơn khi tình trạng ô nhiễm không khí này có xu hướng trở nên tồi tệ hơn một cách tự nhiên do tác động của biến đổi khí hậu. Đây là một công trình rất lớn, đòi hỏi một sự huy động đáng kể các nguồn lực ở cả ba nước.

Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC: ẤN ĐỘ NGUY CẤP, TRUNG QUỐC TRONG TÌNH HUỐNG NGHIÊM TRỌNG

Châu Á-Thái Bình Dương là một lục địa đặc biệt dễ bị rủi ro về nguồn nước, bất luận đó là khả năng tiếp cận nguồn nước, xử lý nước hay rủi ro khí hậu (hạn hán và lũ lụt). Tài nguyên nước ngọt bình quân đầu người đã giảm mạnh, do tác động kép của tình trạng thời tiết nóng lên và sự gia tăng dân số.

Về khả năng tiếp cận nguồn nước, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng một nước bị rơi vào tình trạng “căng thẳng về nguồn nước” khi khả năng tiếp cận nguồn nước ngọt giảm xuống dưới mức 1700 mét khối trên đầu người mỗi năm. Ở mức dưới 1000 mét khối, thì đó là tình trạng khan hiếm nước. Dựa trên tiêu chí này, Indonesia có nguồn tài nguyên nước phong phú (với gần 7500 mét khối/năm/đầu người vào năm 2019) nhưng đang giảm một phần ba trong 30 năm qua. Trung Quốc đang tiến đến ngưỡng căng thẳng về nguồn nước, còn Ấn Độ từ nay đang ở rất gần với ngưỡng khan hiếm nước.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, FAO

Ngoài ra, Ấn Độ cũng có một lượng mưa định kỳ, xen kẽ giữa mùa hạn hán và gió mùa, một mức độ tiếp xúc lớn với nhiệt độ cực cao và, nói chung, một mức độ nhạy cảm rất lớn đối với sự biến đổi khí hậu. Ấn Độ cũng là nước đứng đầu về tiêu thụ nước trên thế giới với một nền nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tưới tiêu. Cuối cùng, Ấn Độ là một trong những nước quản lý nguồn nước tồi tệ nhất: bất chấp những nỗ lực gần đây của chính phủ của Modi, mức độ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt chỉ đáp ứng có một phần, mạng lưới làm sạch nguồn nước còn rất thiếu thốn (15% dân số vẫn không có nhà vệ sinh vào năm 2020), thủy lợi là lãnh vực quy kết nhiều lãng phí, tầng nước ngầm đã giảm mạnh, và nước thải thì được xử lý kém. Đã có hàng trăm ngàn người Ấn Độ chết mỗi năm vì các vấn đề liên quan đến vấn đề nước.

Trung Quốc có sự mất cân bằng đáng kể giữa các khu vực trong việc tiếp cận nguồn nước: 80% nguồn nước ngọt nằm ở phía nam và ở trung tâm đất nước, và phía bắc thì luôn ở trong tình trạng căng thẳng về nguồn nước về mặt cấu trúc, điều này đã chứng minh trong quá khứ qua việc xây dựng “Kênh đào vĩ đại” nối liền các vùng phía nam với phía bắc của đất nước. Mức độ ô nhiễm nguồn nước vẫn ở mức rất cao, bất chấp những cải thiện gần đây: con người chỉ tiếp xúc có hai phần ba lượng nước bề mặt ở mức đủ an toàn để sinh hoạt, và ba phần tư tầng nước ngầm đều bị ô nhiễm hoặc ô nhiễm rất nặng.

Tuy nhiên, chính sách quản lý nguồn nước của Trung Quốc được coi là có kế hoạch và có hiệu quả cao hơn so với Ấn Độ, đặc biệt về vấn đề làm sạch nguồn nước và chất lượng nguồn nước sinh hoạt, trong những năm gần đây. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phát triển một chỉ báo toàn cầu và phức tạp về “an ninh quốc gia về nguồn nước”, xếp hạng Trung Quốc vào một vị trí tương đối tốt trong số các nước đang phát triển ở Châu Á (với số điểm 72,7 trên 100), vượt xa Indonesia (61) và Ấn Độ (46,8).

BẤT BÌNH ĐẲNG: MỨC ĐỘ BẤT BÌNH ĐẲNG CỦA MỸ

Báo cáo về bất bình đẳng thế giới năm 2022 do Thomas Piketty điều phối đã làm sáng tỏ mức độ bất bình đẳng của các nước đang phát triển ở Châu Á ngày nay. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia có ngưỡng bất bình đẳng về thu nhập và gia sản rất cao, khiến họ bị xếp ngang với mức độ bất bình đẳng tương đương với Hoa Kỳ.

Nguồn: Báo cáo về Bất bình đẳng Thế giới năm 2022 của Piketty. Dữ liệu năm 2021.

Ấn Độ là nước có mức độ bất bình đẳng về thu nhập cao nhất, còn Trung Quốc thì dẫn đầu về mức độ bất bình đẳng về gia sản, gần như ngang bằng với Hoa Kỳ. Như một xu hướng, sự bất bình đẳng này đã ngừng gia tăng ở Trung Quốc và đang dao động ở Ấn Độ và Indonesia.

Ba nước-châu lục này cũng trải qua những bất bình đẳng rất lớn giữa các khu vực. Indonesia giữ kỷ lục về mức độ bất bình đẳng giữa các khu vực, với khoảng cách từ 1 đến 13 giữa mức thu nhập bình quân của người dân thuộc Quần đảo Sunda với mức thu nhập bình quân của người dân ở Jakarta. Mức độ bất bình đẳng giữa các khu vực của Ấn Độ cũng lớn gần như tương tự, với khoảng cách từ 1 đến 10 giữa Bihar và Sikkhim. Mức độ bất bình đẳng giữa các khu vực của Trung Quốc thì kém hơn, thu nhập của cư dân tỉnh Cam Túc thấp hơn năm lần so với cư dân ở Bắc Kinh. Mỗi nước đã triển khai các chính sách phân phối lại tiền thuế và tài trợ cho cơ sở hạ tầng để giảm thiểu khoảng cách giữa các khu vực, nhưng các động lực kinh tế vẫn không đến được các khu vực nghèo nhất và nhìn chung khoảng cách giữa các khu vực không giảm.

Loại bất bình đẳng thứ ba liên quan đến vấn đề dân số nông thôn và thành thị. Khoảng cách giữa hai nhóm dân cư này là rất lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ (với số nhân là 2,5 nghiêng về thu nhập của người dân thành thị), và thấp hơn ở Indonesia (số nhân là 1,7). Ngoài bản thân các mức thu nhập, các cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, xã hội và giáo dục cũng kém phát triển hơn rất nhiều ở khu vực nông thôn.

Còn có những bất bình đẳng khác nhưng khó định lượng hơn, như: giữa các nhóm tộc người, giữa các tôn giáo, và trong trường hợp của Ấn Độ là giữa các đẳng cấp. Vấn đề bất bình đẳng này càng rộng lớn hơn do các nguồn lực có hạn của Nhà nước để giải quyết vấn đề này và việc tái phân phối tiền thuế chỉ ở mức tối thiểu.

NHÀ NƯỚC PHÚC LỢI: NGUỒN LỰC NÀO?

Để đạt được một sự tăng trưởng cho mọi người, các nguồn lực sẵn có của các cơ quan hành chính công là những yếu tố then chốt, giống như đặc điểm phân phối lại hoặc không phân phối của các hệ thống thuế khóa.

Nếu căn cứ vào mức chi tiêu hoạt động của Nhà nước (không bao gồm đầu tư), đặc biệt về bảo trợ xã hội, chăm sóc y tế và giáo dục, thì mức chi tiêu công của Trung Quốc ở mức khá cao và gần bằng với mức chi tiêu công trung bình của các nước OECD trong khoảng 20 năm nay. Khoảng cách với Nhật Bản là vào khoảng ba điểm GDP. Ngược lại, mức chi tiêu công của Ấn Độ thấp hơn nhiều (11,4% GDP vào năm 2021) và của Indonesia thậm chí còn thấp hơn (9,1% GDP vào năm 2021).

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Về mặt tài khóa, mức tái phân phối là rất hạn chế. Chỉ một tỷ lệ nhỏ công dân trả thuế thu nhập (4% người nộp thuế ở Trung Quốc, 6% ở Ấn Độ và 13% ở Indonesia), ngoài ra với một mức thuế lũy tiến hạn chế. Chính các loại thuế tiêu dùng, đặc biệt là thuế GTGT, chiếm phần lớn tiền thuế của cá nhân.

Không có nước nào trong số ba nước nói trên có thuế thừa kế, thu nhập từ vốn tài chính bị đánh thuế rất ít hoặc không bị đánh thuế. Trung Quốc vẫn chưa triển khai thuế bất động sản. Nhìn chung, ba nước nói trên phải đối mặt với những thách thức cải cách thuế rất lớn để hỗ trợ sự tăng trưởng nguồn thu và chi tiêu công.

CHĂM SÓC Y TẾ: CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

Những hạn chế về ngân sách đã dẫn đến những hậu quả đặc biệt dễ thấy trong lĩnh vực chăm sóc y tế, một lĩnh vực hành động công mấu chốt đối với Trung Quốc và rất nhạy cảm đối với Ấn Độ và Indonesia, do dân số già đi và sự thiếu hụt các cơ sở hạ tầng hiện hữu. Về hai tiêu chí cấu thành mức chi tiêu chung cho chăm sóc y tế và phần tài trợ của khu vực công, khoảng cách so với các nước phát triển là rất đáng kể.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Nếu lấy Nhật Bản làm quy chiếu, thì chi tiêu cho chăm sóc y tế của Ấn Độ hoặc Indonesia, theo tỷ lệ GDP tương ứng, thấp hơn 30% mức chi tiêu của Nhật Bản, còn đối với Trung Quốc là khoảng 50%. Khoảng cách này tăng lên đáng kể nếu chỉ tập trung vào mức chi tiêu công cho chăm sóc y tế, bởi vì trong khi người Nhật chỉ trực tiếp chi trả 16% mức chi tiêu cho chăm sóc y tế, thì người Trung Quốc phải đóng góp khoảng 44%, người Indonesia khoảng một nửa và người Ấn Độ khoảng hai phần ba.

Các tiêu chí so sánh thông thường khác về cơ sở hạ tầng y tế – số giường bệnh, số giường chăm sóc đặc biệt, số bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, sự phân bố bệnh viện trên lãnh thổ – cũng cho thấy những kết quả tương tự. Ấn Độ và Indonesia phải đối mặt với sự một sự thiếu hụt rất lớn về cơ sở hạ tầng y tế. Trung Quốc là nước tiên tiến hơn, nhưng từ nay cũng phải đối mặt với sự gia tăng rất nhanh về tình trạng lão hóa dân số. Đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm những thiếu sót này. Đại dịch đã gây ra một nhận thức có thể tạo ra một động lực mới đối với các chính sách về chăm sóc y tế.

GIÁO DỤC: NHỮNG THÁCH THỨC NGÀY CÀNG MANG TÍNH ĐỊNH TÍNH

Một vấn đề lớn khác của sự phát triển xã hội, vấn đề giáo dục đang ở trong tình trạng ít đáng lo ngại hơn so với vấn đề chăm sóc y tế, ngay cả khi đại dịch, một lần nữa, đã gây ra một cú sốc tiêu cực, với một tỷ lệ đi học tụt giảm ở Ấn Độ và Indonesia, đặc biệt đối với trẻ em gái. Việc so sánh với Nhật Bản, lần này, đã tỏ ra khá thuận lợi cho ba nước khổng lồ châu Á về chi tiêu công cho giáo dục (ngay cả khi các nguồn có vẻ khá không đồng nhất liên quan đến Ấn Độ).

Nguồn: Ngân hàng Thế giới/Unesco

Một trong những lý do chính cho sự hội tụ này là nhân khẩu học. Trong khi ở Ấn Độ và Indonesia một phần tư dân số có độ tuổi dưới mười lăm tuổi, thì ở Trung Quốc tỷ lệ này đã giảm xuống là 17%, và ở Nhật Bản chỉ là 11%. Ví dụ, Unesco ước tính các nước đang phát triển ở châu Á nên tăng mức chi tiêu cho giáo dục lên trung bình 6% GDP để đáp ứng nhu cầu tổng thể. Trên các báo Ấn Độ hoặc Indonesia đầy ry các cuộc tranh luận tập trung một phần vào các vấn đề tài chính (cơ sở hạ tầng không thích đáng, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, và chi phí học tập) nhưng cũng tập trung ngày càng nhiều vào các vấn đề định tính: chất lượng giáo viên, chương trình giảng dạy và phương pháp đánh giá, chất lượng giáo dục so với lãnh vực công và khu vực tư nhân.

Một trong những kỳ thi so sánh quốc tế, được nói đến nhiều khi đánh giá thành tích học tập là PISA [Program for International Student Assessment], gây nhiều tranh cãi nhưng không thể tránh khỏi. Trung Quốc, như đã biết, đã đạt được những kết quả xuất sắc trong các kỳ thi PISA, đứng hạng nhất vào năm 2018 về ba tiêu chí đọc, toán học và khoa học (một phần vì chỉ có những tỉnh thành có thành tích học tập tốt nhất trong cả nước mới được tham gia kỳ thi). Ngược lại, Indonesia đứng ở vị trí thứ 72 trong số 79 nước tham gia. Về phần Ấn Độ, họ đã rút khỏi hệ thống kỳ thi PISA sau khi nước này đứng ở vị trí áp chót trong bảng xếp hạng vào năm 2009. Tuy nhiên, Ấn Độ đã quyết định tham gia trở lại các kỳ thi PISA vào năm ngoái. Sẽ phải mất một năm để tìm hiểu thêm về kết quả học tập hiện tại của các học sinh Ấn Độ.

Tám chỉ báo chính của sự phát triển bền vững, được đề cập trong bài viết này, còn lâu mới làm cạn kiệt lĩnh vực so sánh khả dĩ. Tuy nhiên, các chỉ báo đó có công nêu bật những thách thức to lớn mà ba nước khổng lồ châu Á phải đối mặt. Nếu triển vọng kinh tế cân bằng với một nước Trung Quốc ít hân hoan hơn, thì những hạn chế về khí hậu, môi trường và xã hội sẽ khiến cho con đường hướng tới thịnh vượng cho mọi người vẫn còn nhiều bấp bênh. Cuộc chiến vì sự phát triển bền vững do Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia dẫn đầu đáng được theo dõi chặt chẽ, bởi vì nó sẽ quyết định số phận của lục địa và một phần tương lai của chính chúng ta.

Thông tin về tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm cho các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Ông đang giảng dạy tám năm nay tại Trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po] về phân tích tương lai của châu Á. Ông là tác giả cuốn sách có tựa là “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, được Éditions de l’Aube xuất bản vào tháng 3 năm 2021, và ông đã viết bài cho số báo tháng 12 năm 2022 của tạp chí tam cá nguyệt “Revue économique et financière”, chuyên về các hậu quả kinh tế và tài chính của cuộc chiến ở Ukraine.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Climat, biodiversité, inégalités: pourquoi la Chine, l’Inde et l’Indonésie sont cruciales pour notre avenir, Asialyst, ngày 14/01/2023.

----

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF