29.3.23

ChatGPT: (lại thêm) một “cuộc cách mạng nhân học”?

CHATGPT: (LẠI THÊM) MỘT “CUỘC CÁCH MẠNG NHÂN HỌC”?

Lionel Obadia

Giáo sư Nhân Học Xã Hội và Văn Hóa. Đại học Lumière Lyon 2

Kể từ khi phiên bản “Trò chuyện/Chat” của trí tuệ nhân tạo (AI) GPT, có khả năng bắt chước quá trình sản xuất trí thức của con người, đã được đưa lên mạng, sự sôi động xung quanh các công nghệ này đã làm sống lại ý niệm “cuộc cách mạng nhân học”.

Tuy nhiên, vượt lên ChatGPT, điều mà chúng ta quan sát được là mỗi tiến bộ mới trong cái gọi là công nghệ “đột phá” trên thực tế là một phần của chứng mê công nghệ nước đôi này, bị cám dỗ bởi chủ nghĩa hoài nghi công nghệ, dao động giữa sự kinh ngạc thán phục và sự rùng mình khi đối mặt với những tiến bộ nhanh chóng và ấn tượng trong tin học và điều khiển học.

Kể từ Deep Blue, siêu máy tính, chiến thắng trước con người trong cờ vua, giọng điệu đã được thiết lập: đây là một “bước ngoặt trong lịch sử nhân loại” đang diễn ra.

______________________________

Đọc thêm: Y a-t-il de l’intelligence dans l’intelligence artificielle? (Có bất kỳ sự thông minh nào trong trí tuệ nhân tạo không?)

______________________________

Vô số thiết bị tin học

Những kỳ tích toán học và công nghệ mới nhất đã tạo ra sự đại chúng hóa nhanh chóng của cái được gọi là “trí tuệ nhân tạo”, thuật ngữ mà các chuyên gia như Luc Julia hoặc Jean-Louis Dessalle tranh cãi vì thực ra cái “trí thông minh” này chỉ được thể hiện trong vô số các thiết bị máy tính.

Như vậy, chúng ta tìm thấy một mớ hỗn độn các thuật toán giúp việc ra quyết định, đặc biệt là về mặt pháp lý (CaseLaw Analytics), nhận dạng khuôn mặt như FaceNet, sáng tác âm nhạc với thuật toán với Jukedeck, tạo ra hình ảnh dựa trên văn bản với Dall E 2, công cụ đàm thoại di động (Siri), tự đông hóa thông minh căn nhà cung cấp thông tin về đồ vật trong tủ lạnh, robot hình người có khả năng bắt đầu và duy trì một cuộc trò chuyện… người ta nghĩ đến Sofia nổi tiếng hiện nay, đi từ chương trình TV đến hội nghị, hay Ameca mà cử chỉ và biểu cảm không ngừng thể hiện giới hạn của con người.

Robot hình người Ameca

Trí tưởng tượng không giới hạn

Việc đại chúng hóa các công nghệ và việc chúng ồ ạt xâm nhập vào các xã hội đương đại chắc chắn là rất đáng chú ý và tạo ấn tượng về một làn sóng công nghệ hóa và số hóa môi trường của con người không thể kìm nén được.

Gilles Babinet (1967-)
Frédéric Worms (1964-)

Xu hướng này nuôi dưỡng một trí tưởng tượng không kiềm chế nhất thiết phải tự cho mình là sự đoạn tuyệt với quá khứ, từ đó nảy sinh ra tư tưởng thời thượng về một “cuộc cách mạng” với những điểm nhấn siêu nhân học. Như vậy, chúng ta đang ở buổi “bình minh” của một nhân loại “mới” bị cuốn vào một “kỷ nguyên” công nghệ mới. Hơn nữa, đây là một câu chuyện quên đi nhiều thất bại của các công nghệ nói trên.

“Cuộc cách mạng của AI” hay “cuộc cách mạng kỹ thuật số” có phải là một cuộc cách mạng nhân học không? Thật kỳ lạ, chính những doanh nhân như Gilles Babinet, những nhà sử học thành công như Yuval Noah Harari, những triết gia như Frédéric Worms lại là những người chiếm lấy thuật ngữ này (với những thuật ngữ ít nhiều chính xác).

Yuval Noah Harari (1976-)

Người đầu tiên mạnh mẽ khẳng định rằng đây đúng là trường hợp như vậy. Người thứ hai, với cuốn sách Homo Deus của mình, đã đặt cuộc cách mạng này trong một mô hình dài hạn của lịch sử loài người với nguy cơ đơn giản hóa quá mức làm mờ ranh giới giữa cách đọc lịch sử hồi tưởng và trí tưởng tượng về tương lai.

Cuối cùng, người thứ ba, với sự dè dặt hơn, ít nhất là đã nhấn mạnh về sự thích đáng của những câu hỏi về chiều sâu của các biến đổi đang diễn ra.

Chúng ta lấy làm tiếc rằng các nhà nhân học lại ít được huy động trong cuộc tranh luận chủ yếu liên quan đến ngành học mà danh nghĩa bị sử dụng một cách quá đáng, với một vài ngoại lệ. Emmanuel Grimaud đã chiếm lấy vấn đề thiết yếu về bản chất của AI so với các đặc điểm của nhân loại ngày càng bị đặt vấn đề về những điều gì tạo nên tính độc đáo của mình.

Pascal Picq, đã nắm bắt vấn đề ở một thể loại rất khác, vì nhà cổ sinh vật học không ngần ngại rời bỏ khuôn khổ nghiêm ngặt của khoa học về quá trình hình thành con người (sự tiến hóa của loài người). Ông đặt cuộc cách mạng kỹ thuật số trong thời gian dài của sự tiến hóa của loài người và chống lại bất kỳ sự thu gọn về mặt trí tuệ, thúc giục chúng ta suy nghĩ về sự phức tạp của các dạng thông minh của động vật và của các dạng thông minh nhân tạo.

Đặt vấn đề về chính khái niệm đột phá/đoạn tuyệt

Claude Levi-Strauss (1908-2009)

Do tiến trình chuyên môn hóa về mặt tri thức, các nhà nhân học vốn quen với thời gian lâu dài và có xu hướng xem xét các tính liên tục hơn là các sự đoạn tuyệt/đột phá (thường được công bố một cách vội vàng) trong lĩnh vực của xã hội và các thay đổi văn hóa, có mọi lý do để thận trọng.

Trước hết, bởi vì không phải mọi thay đổi công nghệ đều kéo theo một thay đổi lớn về văn hóa. Theo Claude Lévi-Strauss, đặc biệt trong cuốn Chủng tộc và Lịch sử/Race et Histoire (1955), thuật ngữ này có lẽ nên được dành riêng cho một hiện tượng có khả năng biến đổi sâu sắc (về mặt cấu trúc) trong lĩnh vực tư tưởng và tổ chức xã hội.

Đây là trường hợp của việc thuần hóa lửa và các loại động vật, tiến trình định cư và nông nghiệp vào thời đại đồ đá mới, vốn không phải tất cả đều là phát minh (từ hư không) mà thường là những đổi mới theo nghĩa nhân học của thuật ngữ này: sự cải tiến của một kỹ thuật đã từng được con người phát triển. Và theo nghĩa này, AI và nhiều công nghệ kỹ thuật số xứng đáng với thuật ngữ đổi mới hơn là phát minh.

Lễ hội quanh đống lửa trong thời kỳ đồ đá. Tranh của Viktor Vasnetsov (chi tiết), 1883. Viktor Vasnetsov/Wikimedia

Theo nghĩa này, nhà triết học Michel Serres đã gợi lên một “cuộc cách mạng thứ ba để đánh giá sự ra đời của thế giới kỹ thuật số, sau chữ viết và thuật in ấn. Như vậy, ông lặp lại tư tưởng của Jack Goody, người giải thích rằng lý lẽ họa hình đã biến hóa lý lẽ truyền khu, cấu trúc tư duy và sự giao tiếp của con người trong nhiều thiên niên kỷ. Nói cách khác, đây sẽ không phải là lần duy nhất, mà ngược lại, khi nhân loại phải đối mặt với sự điều chỉnh lại cách suy nghĩ sau một sự thay đổi của kỹ thuật.

Cách mạng nào?

Adrienne Mayor (1946-)

Như vậy, con Người Số Hóa/Homo Numericus là một cuộc cách mạng, như người ta khẳng định đây đó với sức mạnh của niềm tin rằng hiện tại giải thích mọi thứ?

Nếu chúng ta theo nhà sử học Adrienne Mayor, các nền văn minh thời Cổ đại đã tưởng tượng và thậm chí bắt đầu triển khai các công nghệ hiện đang chiếm hàng đầu, theo cách phôi thai đối với AI hoặc hoàn thiện hơn đối với robot. Cuốn Thần Thánh và Robot/God and Robots của bà đã lật tẩy những cách đọc một phần và một chiều/phiến diện về một lịch sử nguyên khối và mới xảy ra.

Bức tranh của Pygmalion và Galate, trong Bảo tàng Louvre. Anne-Louis Girodet. Anne-Louis Girodet, Shonagon, Wikimedia

Bà đã thuật lại những câu chuyện về Talos, “người máy đầu tiên”, sau đó là cái nồi bất tử của Médée, các sự vay mượn của con người từ động vật và các vị thần để tăng quyền lực của họ, những bức tượng “sống” đầu tiên của Dédale và Pygmalion, việc tạo ra con người còn con người hơn nữa của Prométhée, máy tự động của Hephaistos, thực tế ảo đầu tiên được thể hiện bởi Pandore… Đối với Bà Mayor, cuộc cách mạng kỹ thuật số chỉ là hiện thực hóa trong hiện tại của các công nghệ cũ.

Như vậy, đó là một cuộc tái phát minh hơn là một cuộc cách mạng và những tác động ít sâu sắc hơn cái bên ngoài: máy móc đã có mặt ngay từ đầu trong trí tưởng tượng của con người đã mò mẫm (theo mọi nghĩa của từ này) để hiện thực hóa chúng.

Phải thừa nhận rằng các công nghệ hoàn toàn không giống hệt nhau – giữa các máy tự động của Hy Lạp và các cỗ máy hoạt động của Boston Dynamics, sự khác biệt thật sự là đáng kể và bất kỳ công nghệ nào trước tiên phải được đánh giá trong bối cảnh của nó – nhưng chúng đã tiếp nhận các hy vọng của nhân loại để được hỗ trợ, thậm chí được thay thế trong các nhiệm vụ th chất (đối với robot) và trí tuệ (đối với AI).

Người máy của Boston Dynamics.

Con người tiếp thu các công nghệ như thế nào?

Vậy cuộc cách mạng là nhân học hay công nghệ? Bài học của nhân học là xem xét cách con người thiết kế các công nghệ và cách các công nghệ này được các hệ thống xã hội và văn hóa tiếp thu.

Cuộc “cách mạng kỹ thuật số/révolution numérique ou révolution digitale” chắc hẳn đã tạo ra những biến đổi trong công nghệ, dù những biến đổi này không được thể hiện một cách máy móc trong những đột biến của các mô hình xử sự của con người. Những cách sử dụng mới xuất hiện, nhưng các mô hình xử sự có thể làm cho các kỹ thuật chuyển hướng, thay vì bị các kỹ thuật chuyển hướng.

Theo những chuyên gia phê phán nhất đối với AI và các công nghệ kỹ thuật số, vấn đề là xem xét tính độc đáo của từng công nghệ và tác dụng của nó: trong khi phản ứng xã hội đối với các công cụ đàm thoại có vẻ khá tích cực và ngay lập tức (chatbot dễ dàng được chấp nhận), thì trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật nhn dạng lại gây ra những sự lẩn tránh dựa trên các phản hệ thống tin học.

Theo Picq, chắc có lẽ chúng ta phải dành một số phận đặc biệt cho điện thoại thông minh, theo nghĩa là chúng kết hợp tính vật chất của máy tính xách tay và kỹ thuật điêu luyện của AI. Tuy nhiên, thiết bị đầu cuối này, một sự cô đọng của công nghệ, đã thay đổi các phương thức giao tiếp, đi kèm hoặc tạo ra những thay đổi trong sự di động của con người, trong mối quan hệ với kiến ​​thức, v.v. mà Pascal Picq muốn thiết lập như là đối tượng thực sự của “cuộc cách mạng” hiện tại, là sự chuyển hướng theo nghĩa nó trở thành một máy tính xách tay hơn là một điện thoại...

Nhân loại vui chơi và hù dọa lẫn nhau

Nói tóm lại, từ lửa, vũ khí, ma thuật – có lẽ là công nghệ đầu tiên để biến đổi thực tại của con người – tức là thực tế ảo đầu tiên trong lịch sử? – cho đến AI và các robot, nhân loại vừa vui chơi vừa sợ với những sáng tạo công nghệ, hữu ích hoặc là trò chơi của chính mình.

Đôi khi nhân loại lại thích thú thiết lập chúng như là những sinh vật (không nhất thiết chúng phải được nhân hóa) chẳng hạn như trong tư tưởng thần thoại đã miêu tả chúng. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh này khi có một số gian lận với ChatGPT chẳng hạn.

Thật vậy, con người là một sinh vật rất ưa thích trò chơi/ludisme, tức là, người thích trò chơi như nhà triết học Johann Huizinga đã khẳng định nhưng cũng sa vào chủ nghĩa Luddisme, một dạng sợ hãi do công nghệ gây ra (để quy chiếu về sự xung đột xã hội của thế kỷ 19 đã đối lập các nhà chế tạo với những người thợ thủ công, những người theo chủ nghĩa Luddisme lên án việc sử dụng máy móc).

Cám dỗ của sự sùng bái

Tuy nhiên, sự cám dỗ vẫn còn rất lớn để chấp nhận sự sùng bái mang tính trí thức của thuật ngữ “cách mạng”. Trong hầu hết các trường hợp, một cuộc cách mạng là một sự biến đổi về văn hóa hoặc xã hội-kỹ thuật mà tiền đề đã được quan sát và tác động được phỏng đoán nhưng chưa được quan sát.

Tuy nhiên, một cuộc cách mạng (ngoại trừ khi nó được quyết định ở cấp độ chính trị) được đo lường từ các yếu tố hồi cố chứ không phải từ các phép ngoại suy, khá ổn định trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng rất không đáng tin cậy trong lĩnh vực các khoa học về con người.

Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét những tiến bộ hiện tại trong Trí tuệ nhân tạo, không chỉ từ quan điểm của một thước đo công nghệ tuyến tính, như định luật Moore, mà về còn mặt tiếp thu văn hóa và sự chấp nhận công nghệ của xã hội, thì chắc hẳn, chúng ta nên nói (cùng với các nhà khoa học máy tính) về một sự tiến hóa hơn là một cuộc cách mạng nhân học.

Nhưng với cái giá phải trả là một sự đảo ngược lớn về trí tuệ: đó là chuyển từ tư tưởng lấy công nghệ làm trung tâm (vốn cho rằng chính công nghệ làm biến đổi xã hội) sang tư tưởng về các kỹ thuật lấy xã hội làm trung tâm (tức là quan điểm ngược lại). Như vậy, đó chỉ là một “cuộc cách mạng” nhỏ …?

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:ChatGPT: (encore) une ‘révolution anthropologique’?, The Conversation, 22.02.2023.

----

Bài có liên quan:

·   Tóm tắt do ChatGPT viết qua mặt các nhà khoa học

·   Vì sao người ta nói nhiều về Chat-GPT?

·   Tương lai nào cho các nhà sản xuất nội dung? Cuộc trò chuyện với... ChatGPT

·   ChatGPT được đưa vào danh sách tác giả trên các bài nghiên cứu: nhiều nhà khoa học không tán thành

·   ChatGPT sẽ làm chúng ta bớt cả tin không

·   ChatGPT: nghiên cứu của chúng tôi cho thấy AI có thể tạo ra các bài báo học thuật đủ tốt để đăng lên các tạp chí – cũng như có một số tạp chí đã cấm nó

·   ChatGPT: bạn, thù hay nhàm chán?

·   ChatGPT, một trí tuệ nhân tạo phát ngôn rất hay nhưng để làm gì?

·   ChatGPT có thể thay đổi cuộc chơi của các nhà tiếp thị, nhưng trước mắt trong ngắn hạn thì chưa thay thế con người được

·   ChatGPT và các “trí tuệ” nhân tạo: làm sao phát hiện thật giả?

·   ChatGPT: Chatbot có thể giúp chúng ta khám phá lại lịch sử phong phú của việc đối thoại

·   ChatGPT sẽ làm một cuộc đảo lộn mà giới học thuật đang cần?

·   AI sẽ thay đổi toán học như thế nào? Sự trỗi dậy của chatbot làm bật lên cuộc thảo luận

Print Friendly and PDF