17.3.23

ChatGPT: Chatbot có thể giúp chúng ta khám phá lại lịch sử phong phú của việc đối thoại

CHATGPT: CHATBOT CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA KHÁM PHÁ LẠI LỊCH SỬ PHONG PHÚ CỦA VIỆC ĐỐI THOẠI

Xuất bản: 24 tháng 1 năm 2023 7:51 chiều theo giờ GMT

Một bức hình về hai triết gia đang đối thoại do AI tạo ra. Các chatbot do AI điều khiển ngày nay dựa theo một lịch sử phong phú về đối thoại vốn bắt nguồn từ các triết gia Hy Lạp cổ đại. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận việc đối thoại giữa con người và AI một lần nữa. Với việc phát hành các chatbot tinh vi như ChatGPT của OpenAI, cuộc đối thoại hiệu quả giữa con người và AI đã trở nên thú vị và dễ tiếp cận đối với mọi người. Thậm chí là với sinh viên đang làm luận văn, điều này đã dẫn đến một số lo ngại về mặt học thuật.

Làm sao chúng ta biết liệu những gì mình đọc có được viết bởi AI hay không và tại sao điều đó lại quan trọng? Chúng ta đang phản hồi cho ai khi nhận xét về một bài luận hoặc bài báo? Bằng cách nhìn vào lịch sử triết học của đối thoại, chúng ta có thể tái định hình câu hỏi để xem ta có thể sử dụng những chatbot mới này trong quá trình học hỏi như thế nào.

AI có khả năng hơn

Mối liên hệ giữa AI với sự đối thoại đã được đề cập từ lâu. Vào năm 1950, nhà toán học người Anh Alan Turing đã đề xuất một “trò chơi bắt chước”, trong đó một thẩm phán tham gia vào một cuộc đối thoại được đánh máy với một AI giả làm con người như một cách để kiểm tra xem AI có thông minh hay không.

Vậy các chatbot AI ngày nay sẽ nói gì về cuộc đối thoại như vậy? Lex.page là một công cụ viết hỗ trợ AI có thể tạo văn bản hoặc trả lời câu hỏi. Đây là những gì AI được tích hợp trong Lex.page đã nói khi tôi hỏi nó về AI và đối thoại:

AI có liên quan đến đối thoại theo nhiều cách khác nhau. Chúng có thể được sử dụng để tạo các cuộc trò chuyện và tương tác tự nhiên giống con người với người dùng, cho phép máy tính và các thiết bị khác hiểu và phản hồi phù hợp với đầu vào của người dùng. Nó cũng có thể được sử dụng để phân tích và diễn giải dữ liệu hội thoại, giúp cải thiện dịch vụ khách hàng, phát hiện gian lận, v.v..

Điểm hấp dẫn của Bài kiểm tra Turing là nó tránh định nghĩa chính thức về trí thông minh và nó dựa trên một trong những tương tác tinh túy nhất của con người, đó là trò chuyện. Như Lex.page AI đã mô tả:

Trong cái gọi là “Thử nghiệm Turing”, một người sẽ trò chuyện với hai thực thể, một trong hai là máy và người này không biết đâu là máy. Nếu con người không thể phân biệt được sự khác biệt giữa máy móc và thực thể còn lại, thì xem như AI đã vượt qua Bài kiểm tra Turing.

Khi các chatbot trở nên tinh vi hơn, chúng sẽ mở ra những cơ hội mới cho sự đối thoại giữa con người và AI. (Shutterstock)

Trong nhiều thập kỷ, cuộc đối thoại giữa người và máy tính đã ở dạng dòng lệnh, qua đó bạn có thể chỉ huy hệ điều hành. Các ví dụ bao gồm ELIZA của Joseph Weizenbaum, ELIZA phản hồi như một nhà trị liệu, hỏi bạn nghĩ gì về bất cứ điều gì bạn đề cập.

Điều đã thay đổi bây giờ là sự phát triển của Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được đào tạo trên hàng tỷ trang chủ yếu được trích xuất từ web. Chúng vượt xa những cỗ máy biết đọc viết và có khả năng tổ chức một cuộc trò chuyện hoặc thậm chí tạo ra các bài tiểu luận ngắn về nhiều chủ đề.

Thử nghiệm Turing là một cách tuyệt vời để xem liệu một cỗ máy do AI điều khiển có thể đánh lừa con người bằng cách mạo danh họ hay không. Vào năm 2018, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai đã tiết lộ rằng Duplex, một trợ lý giọng nói, đã đặt được lịch hẹn làm tóc mà không bị phát hiện là AI.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc đối thoại với Mô hình ngôn ngữ cho các ứng dụng đối thoại (LaMDA) đã thuyết phục được kỹ sư Blake Lemoine của Google rằng AI có thể có tri giác và do đó đáng được xem xét về mặt đạo đức.

Như Lemoine đã nói, “Nếu tôi không biết chính xác nó là gì… tôi sẽ nghĩ đó là một đứa trẻ 7, 8 tuổi tình cờ biết vật lý.” Khi anh ấy mang bản ghi lên cấp trên, họ đã bác bỏ bằng chứng và khi Lemoine công khai những lo ngại về mặt đạo đức của mình, anh được cho nghỉ phép có lương.

Vậy tiếp theo là gì? Có lẽ chúng ta có thể nhìn lại cách đối thoại đã được thảo luận trong triết học.

Đối thoại trong triết học

Có một truyền thống lâu đời trong triết học là tư duy về các chủ đề khó bằng cách đối thoại. Đối thoại là một hệ chuẩn cho việc giảng dạy, tìm tòi và thể loại văn bản có thể đại diện cho cuộc trò chuyện khai sáng.
Phaedrus của Plato
(Penguin Random House)

Yến Hội Và Phaedrus - Platon

Trong các cuộc đối thoại của Plato và Xenophon, Socrates được thể hiện là đang thực hiện triết học thông qua đối thoại. Việc đặt câu hỏi và phản hồi lại các câu hỏi cho phép Plato và Xenophon vừa giải thích cách sử dụng đối thoại vừa trình bày các mô hình mà sau 2000 năm chúng ta vẫn đang học.

Trong cuốn sách của mình, Định nghĩa Đối thoại, tôi đã ghi lại vì sao đối thoại là một thể loại văn bản có độ phổ biến lên xuống theo sự thay đổi của văn hóa tìm tòi. Đối thoại cũng là một hình thức tương tác đã được lý thuyết hóa gần đây, bởi các học giả như Mikhail Bakhtin.

Vào thời của Plato và Xenophon, đối thoại là hình thức ưa thích của văn bản triết học. Trong các giai đoạn sau, các tác phẩm như Những đối thoại về tôn giáo tự nhiên (1779) của David Hume là một ngoại lệ. Chúng được viết như thế để bàn về các chủ đề tế nhị mà tác giả có thể muốn tránh đưa ra quan điểm rõ ràng.

Trong Phaedrus, Plato đối chiếu các bài diễn văn hoàn chỉnh với các đoạn đối thoại. Ông chỉ ra Socrates, bậc thầy của các bài diễn văn, sau lại biện hộ cho tính ưu việt của sự đối thoại. Một bài diễn văn, giống như các bài luận viết, không thể điều chỉnh cho hợp với người nghe hoặc người đọc. Trái lại, đối thoại thu hút người nghe theo cách mà các chatbot AI cũng có thể được điều chỉnh để làm được.

Và như Lex.page đã giải thích:

Trong miêu tả của Xenophon, Socrates sẽ đặt một loạt câu hỏi để rút ra những ý tưởng của người đối diện, và thường xoay chuyển cuộc trò chuyện để đưa ra một quan điểm đối lập nhằm xem xét luận cứ đó toàn diện hơn. Ông ấy cũng dùng phép biện chứng, tức việc thực hành tìm kiếm sự thật thông qua trao đổi ý tưởng.
Một chatbot AI trả lời câu hỏi về máy tính và sáng tạo. (Shutterstock)

Đối thoại thông suốt với máy móc

Giờ đây, với sự bùng nổ của chatbot, thời của đối thoại đã trở lại. Tôi gợi ý rằng chúng ta có thể tận dụng sự sẵn có của những cỗ máy huyên thuyên này.

Ví dụ: bạn có thể tương tác với giáo sư đạo đức mà tôi đã tạo bằng Character.AI. Character.AI là một dịch vụ cho phép người dùng tạo một nhân vật hư cấu, sau đó bạn và những người khác có thể tham gia vào cuộc trò chuyện với nhân vật này.

Người dùng có thể đặt câu hỏi cho giáo sư (hoặc các nhân vật khác) cũng như ghi lại cuộc đối thoại; điều mà họ không thể làm với bất kỳ quyển sách giáo khoa kiểu cũ nào. Tuy nhiên, người dùng không nên tin tất cả những gì giáo sư nói. Như trang Character.AI lưu ý, mọi thứ mà các nhân vật nói đều là bịa đặt. Có lẽ bạn có thể bắt nó thừa nhận rằng việc cố đánh lừa chúng ta bằng cách giả làm người là vô đạo đức, điều mà tôi không thể làm được.

Trong quá trình giảng dạy của mình, tôi yêu cầu sinh viên thử sử dụng các chatbot khác nhau này để tạo các cuộc đối thoại. Việc này đặt ra các câu hỏi xem có thể trông đợi gì ở một cuộc đối thoại và làm thế nào dùng nó để truyền đạt những ý tưởng. Nó đặt ra câu hỏi về cách bạn viết một đoạn hội thoại hiệu quả và cách đánh giá nó. Giờ đây, học sinh có lý do để đọc lại các đoạn hội thoại cổ xưa để xem chúng hoạt động hiệu quả như thế nào.

Nếu chúng ta lo lắng về đạo văn, tại sao không đào tạo sinh viên làm việc với các trợ lý viết AI và học cách suy nghĩ thông qua đối thoại? Chúng ta có thể dạy họ sử dụng chatbot để lấy ý tưởng, tạo ra các cách tiếp cận khác cho một chủ đề, nghiên cứu các câu hỏi và chỉnh sửa những gì họ nhận được thành một tổng thể mạch lạc.

Đồng thời, ta cũng phải dạy học sinh của mình cẩn thận và suy nghĩ cẩn trọng về việc tương tác với AI và đánh giá độ đáng tin của những gì chúng nói.

Bằng cách tư duy thông qua đối thoại, tất cả chúng ta có thể khám phá lại lịch sử phong phú và tiềm năng của hình thức tương tác này.

Tác giả

Geoffrey M Rockwell

Geoffrey M Rockwell

Giáo sư Triết học và Nhân văn Số, Đại học Alberta

Tuyên bố công khai

Geoffrey M Rockwell nhận tài trợ từ Đại học Alberta, Viện Trí tuệ Máy Alberta và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn của Canada.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: ChatGPT: Chatbots can help us rediscover the rich history of dialogue, The Conversation, Jan 24, 2023.

-----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF