11.3.23

Truyện tranh: từ Việt Nam đến tha hương, và trở về

L'ASIE DESSINÉE - VẼ CHÂU Á -

TRUYỆN TRANH: TỪ VIỆT NAM ĐẾN THA HƯƠNG, VÀ TRỞ VỀ

Tác giả: Patrick de Jacquelot

Ba tập truyện tranh tuyệt vời khám phá lịch sử hiện đại của Việt Nam và những mối liên hệ phức tạp của những thành viên trong cộng đồng tha hương với quê hương của họ.

Tháng 12 vừa rồi (2022), L’Asie dessinée  - Vẽ Châu Á - đã trình bày một tiểu thuyết bằng tranh xuất sắc, 40 người đàn ông và 12 khẩu súng, nói về chiến tranh Việt Nam qua câu chuyện của một thanh niên bị bắt buộc tham gia đội quân cộng sản. Với Sống[1], vẫn là chiến tranh Việt Nam nhìn từ phía cộng sản. Nhưng với một câu chuyện - thật - hoàn toàn khác. Đó là câu chuyện của Linh, một phụ nữ trẻ tự nguyện theo cha mình vào chiến khu để chiến đấu chống Mỹ. Hơn cả việc sử dụng súng máy, ở đó Linh học… làm điện ảnh, vì cô được phân công về đơn vị sản xuất phim tuyên truyền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Nhờ vậy, khi chiến tranh chấm dứt cô được gửi đi học điện ảnh ở Moskva, trước khi trở thành một đạo diễn nổi tiếng ở Việt Nam.

Chi tiết trang bìa truyện tranh Sống, cốt truyện: Hải Anh, tranh vẽ: Pauline Guitton, Ankama xuất bản và tài trợ

Câu chuyện cá nhân của cô xuất hiện dần dần, theo dòng những cuộc trò chuyện của cô với con gái mình, Hải Anh, người viết cốt truyện cho tập tranh. Bởi vì Sống trước tiên là gợi lại mối liên hệ giữa một người mẹ và con gái của mình vốn có nhiều điều chia cắt họ: Linh sống ở Việt Nam, chồng và con gái cô sống ở Pháp. Linh chưa bao giờ học tiếng Pháp, tiếng Việt của Hải Anh còn ngập ngừng. Chiến tranh, thời khắc quyết định trong đời sống của Linh, dường như rất xa với con gái của cô.

Lần theo những lời tâm sự mà cuối cùng Linh đã thổ lộ, con gái của Linh phát hiện cuộc sống khó khăn mà mẹ mình trải qua trong chiến khu khi cô còn là một thiếu nữ. Sở dĩ Linh đi theo cha mình đến với các chiến sĩ cộng sản, không phải vì lý tưởng mà là để trốn khỏi mẹ cô. Sự hội nhập của cô vào các nhóm Việt Cộng đã không dễ dàng: nguồn gốc tiểu tư sản của cô liên tục bị trách cứ, và người thiếu nữ trẻ đã đi qua cuộc chiến với sự chịu đựng một nỗi cô độc lớn. Theo dòng những hoài niệm được Linh tiết lộ dần, ta khám phá ra cuộc sống có phần kỳ lạ của một toán làm điện ảnh trong lòng chiến tranh du kích, với phòng dựng phim dã chiến đào ngầm dưới đất trong rừng già để lưu giữ những cuộn phim trong an toàn. Một cuộc sống khắc nghiệt, hẳn là như vậy, nhưng nó đã cho Linh phát hiện ra rằng cô sẵn sàng chịu khổ vì những vì những lý tưởng lớn: độc lập của đất nước và điện ảnh!

_________

Đọc thêm: Le “Best of” L’Asie dessinée, les vint-cinq meilleures BD chroniquées depuis 2016 - 25 truyện tranh hay nhất được ghi nhận từ 2016 -

_________

Song song với câu chuyện riêng của Linh là diễn biến các mối quan hệ giữa mẹ và con gái đã được khắc họa lại trong tập truyện này. Sự cởi mở dần dần đối với nhau giữa hai người phụ nữ không dễ dàng giao tiếp này thường diễn ra chung quanh hoạt động ẩm thực - những bữa ăn hay khi họ cùng làm bếp – một tác nhân chính yếu trong giao tiếp như mọi người đã biết! Những bức họa tươi mát của Pauline Guitton, người bạn thân lâu ngày của người kể chuyện, nêu bật giá trị của câu chuyện lôi cuốn và khá cảm động này.

Trang bìa tập truyện tranh Taï Dam - Thái Đen-, cốt truyện và tranh: Joël Alessandra, Steinkis xuất bản và tài trợ.

Trong những trang cuối của tập truyện Sống, sau khi đã phần nào quen thuộc với Việt Nam, bằng cách khám phá đất nước này thông qua cuộc đời của mẹ mình, cuối cùng Hải Anh đã về sống ở đó. Trong truyện Taï Dam[2], cũng là một sự trở về nguồn của một phụ nữ Việt Nam sống tại Pháp. Trong tập truyện tranh này, tác giả của truyện tranh, Joël Alessandra, kể câu chuyện của người bạn gái Marijah, một nữ họa sĩ. Cô ấy được cha mẹ người Việt đem đến Pháp lúc cô được một tuổi rưỡi. Về nguồn gốc của mình, cô hầu như không biết gì – hoặc có thể là cô không muốn biết gì hết – ngoài việc gia đình cô thuộc về một dân tộc ở miền Bắc Việt Nam, người Taï Dam, hay còn gọi là Thái Đen.

Chính là do Joël nài nỉ mà cha mẹ của Marijah kể với đôi bạn này câu chuyện của dân tộc họ, về nguồn gốc quý tộc của gia đình họ. Đến nỗi người phụ nữ trẻ đã vượt qua nỗi e sợ ý nghĩ thâm nhập vào cộng đồng quê quán của mình như một du khách, cuối cùng đã chấp nhận ý tưởng làm một chuyến du lịch đến hiện trường. Sau đó câu chuyện kể về hành trình của họ giữa Thái Lan, Lào và Việt Nam, những nước có người Thái Đen sống phân tán. Với Marijah và Joël, chúng ta cùng khám phá nhóm dân tộc này, lối cư trú tiêu biểu, những phong tục của họ. Trước chuyến du lịch người phụ nữ trẻ tự nhận rằng mình là người Pháp thuần túy, nay cô nhận ra rằng cô thạo tiếng Thái Đen mà cô đã học trong thời thơ ấu nhiều hơn cô tưởng, và phát hiện những điều cô có chung với cộng đồng cô xuất thân. Chuyến du lịch còn giúp cô gặp gỡ nhiều thành viên của gia đình cô còn ở lại Việt Nam. Bị ngắt quãng giữa những tản mạn về lịch sử thời thuộc địa Pháp, Điện Biên Phủ hay việc những người cộng sản chiếm chính quyền ở Lào năm 1973, chuyến trở về nguồn này của nữ nghệ sĩ được khắc họa thành những hình ảnh rất đẹp bởi người bạn đời của cô, anh đã hòa quyện một cách sinh động truyện tranh truyền thống và ký sự du lịch.

Hình bìa của truyện tranh The magic fish - Con cá kỳ diệu -, cốt truyện và tranh vẽ: Trung Lê Nguyễn, Ankama xuất bản và tài trợ.

Tập truyện tranh thứ ba của tuyển tập Việt Nam, The magic fish[3]Con cá kỳ diệu – đã được phát hành vào giữa năm ngoái (2022). Câu chuyện tập trung vào mối liến hệ giữa Tiến, một thiếu niên Mỹ mới lớn, và mẹ anh, một người Việt di tản. Để nâng cao trình độ sử dụng ngôn ngữ, người này đọc cho người kia những câu chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của họ: Tiến đọc tiếng Anh, mẹ Tiến đọc tiếng Việt. Theo dòng câu chuyện, nhiều phiên bản về Cô bé Lọ lem trộn lẫn với đời thực (một buổi khiêu vũ ở trường của Tiến). Người mẹ khó vượt qua những sang chấn của đời tha hương, những ký ức về cuộc trốn chạy với những người vượt biên, các trại cải tạo… Người con trai có những ray rứt sâu kín: cậu không biết làm sao để công khai xu hướng tình dục (coming out) với cha mẹ mình, ngay cả không thể tìm ra ngôn từ tiếng Việt để diễn đạt khái niệm gay (đồng tính nam). Dù sao, dần dần qua trung gian các truyện kể, sự thông hiểu đã được thiết lập. Một câu chuyện giàu xúc cảm, được yểm trợ bởi những hình vẽ tươi sáng.

VÀ ĐÂY NỮA…

Hình trang bìa tập truyện tranh Reimp’, tập 7, cốt truyện và tranh vẽ: Naoko Mazda, Glénat Manga xuất bản và tài trợ.

L’Asie dessinée đã nhiều lần nói đến truyện tranh Nhật Bản (manga) dễ thương Réimp’ mô tả từ bên trong sự vận hành của kỹ nghệ sản xuất manga (ví dụ xem chú thích của chúng tôi về các tập 3 và 4). Các tập 5, 6 và 7[4] mới được phát hành trong những tháng gần đây. Ở đó, bên cạnh những thứ khác, ta đối diện với một loạt những người sáng tạo ra các manga (mangakas) vĩ cuồng, loạn thần kinh hoặc trầm cảm, và với những nỗ lực không ngừng của các nhà xuất bản phải đảm nhiệm một luồng sản xuất ổn định trong một nền công nghiệp mà áp lực thật là tàn nhẫn. Luôn bổ ích cho những ai quan tâm đến hiện tượng các truyện tranh Nhật Bản manga.

Patrick De Jacquelot

Vài nét về tác giả

Patrick de Jacquelot là một nhà báo. Từ 2008 đến 2015, ông là phóng viên thường trú tại New Delhi của các nhật báo kinh tế La Tribune (trong hai năm) và Les Echos (trong năm năm), phụ trách các chủ đề như kinh tế, kinh doanh, chiến lược các doanh nghiệp Pháp tại Ấn Độ, đời sống chính trị và ngoại giao, v.v.. Ông cũng đã thực hiện nhiều phóng sự tại Ấn Độ và tại các nước lân cận như Bangladesh, Sri Lanka hay Bhutan cho hai nhật báo này cũng như cho tạp chí tam cá nguyệt Chine Plus. Với Asialyst, ông viết về Ấn Độ và vùng, và phụ trách thời luận L’Asie dessinée tập trung vào các truyện tranh về châu Á.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “BD: du Vietnam à l’exil et au retour”, Asialyst, 25.02.2023, cập nhật 1.3.2023.

----

Bài nên tham khảo




Chú thích:

[1] Kịch bản: Hải Anh, tranh vẽ: Pauline Guitton, 192 trang, Ankama, 24,90 euro.

[2] “Taï Dam” - Thái Đen -, cốt truyện và tranh: Joël Alessandra, 154 trang, Steinkis xuất bản, 23 euro.

[3] “The magic fish” - Con cá kỳ diệu -, cốt truyện và tranh vẽ: Trung Lê Nguyễn, 248 trang, Ankama xuất bản, 19,95 euro.

[4] Reimp’, tập 5,6 và7”, cốt truyện và tranh vẽ: NaokoMazda, khoảng 200 trang, Glénat Manga xuất bản.

Print Friendly and PDF