3.3.23

ChatGPT, một trí tuệ nhân tạo phát ngôn rất hay nhưng để làm gì?

CHATGPT, MỘT TRÍ TUỆ NHÂN TẠO PHÁT NGÔN RẤT HAY… NHƯNG ĐỂ LÀM GÌ?

Tác giả: Thierry Poibeau[*]

ChatGPT là một trí tuệ nhân tạo có khả năng bút đàm một cách rất tự nhiên, điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi. studiostoks, shutterstock

ChatGPT chiếm lĩnh hàng đầu các sự kiện kể từ khi nó được tung ra ngày 30 tháng 11 năm 2022, do những tính năng đáng kinh ngạc của nó, nhất là để đối thoại và trả lời một cách tự nhiên và thực tế các câu hỏi, dù là phức tạp.

Khi ta bắt đầu lấy một ít khoảng cách đối với công cụ này thì các câu hỏi được đặt ra: đâu là những giới hạn hiện nay và sau này của ChatGPT, và những thị trường tiềm năng của loại hệ thống này là gì?

ChatGPT, một “kẻ giết Google”? Không hẳn thế…

ChatGPT thường được mô tả như một hệ thống cạnh tranh trong tương lai với Google, thậm chí như là một “kẻ hủy diệt Google” đối với phần công cụ tìm kiếm: cho dù công cụ đôi lúc tạo ra những câu trả lời kỳ cục, thậm chí hoàn toàn sai, thì nó cũng trả lời một cách trực tiếp và không chỉ đề nghị một danh sách các tài liệu được sắp đặt, như công cụ tìm kiếm của Google.

Chắc chắn có một mối nguy tiềm tàng quan trọng đối với Google, có thể đe dọa vị trí hầu như độc quyền của Google về các công cụ tìm kiếm. Đặc biệt là Microsoft (công ty đầu tư chính vào OpenAI, được ưu tiên tiếp cận công nghệ tiên tiến) đang làm việc để tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của họ, với hy vọng sẽ vượt hơn Google. Tuy nhiên có nhiều điều không chắc chắn liên quan đến một viễn cảnh như vậy. Những yêu cầu trong các công cụ tìm kiếm thường được cấu thành bởi một vài từ, thậm chí là chỉ một từ, chẳng hạn như một sự kiện hay danh tính của một nhân vật. Hiện nay, ChatGPT gợi ra sự tò mò của một công chúng yêu thích công nghệ, nhưng điều này rất khác với cách sử dụng truyền thống một công cụ tìm kiếm của đông đảo công chúng.

_______

Đọc thêm: ChatGPT: pourquoi tout le monde en parle? (Tại sao mọi người nói về nó?)

_______

Ta cũng có thể hình dung rằng có thể tiếp cận ChatGPT qua một giao diện âm thanh, điều này tránh khỏi phải đánh máy lời yêu cầu. Nhưng những hệ thống như Alexa của Amazon đã gặp nhiều khó khăn để thiết lập, và chỉ khu trú trong một số cách dùng rõ ràng và hạn chế (hỏi thông tin lịch chiếu phim, thời tiết…). Cách đây 10 năm, Alexa được xem như tương lai của xã hội tiêu dùng Mỹ, nhưng ngày nay hơi bị bỏ rơi, vì Amazon chưa bao giờ thu được tiền quảng cáo từ công cụ này, nghĩa là làm cho nó sinh lợi về mặt kinh tế.

ChatGPT có thể thành công ở nơi mà Alexa đã thất bại một phần không?

Những khuôn khổ sử dụng khác?

Tất nhiên, tương lai của ChatGPT sẽ không phải chỉ tóm lược vào tìm kiếm thông tin. Có rất nhiều tình huống khác mà người ta cần tạo ra văn bản: tạo ra những bức thư mẫu, bản tóm tắt, văn bản quảng cáo…

ChatGPT cũng là một công cụ hỗ trợ việc viết lách. Ta đã thấy nhiều cách dùng khác nhau: đề nghị ChatGPT để bắt đầu từ vài đoạn văn có thể gợi cảm hứng và tránh nỗi sợ hãi trước trang giấy trắng; xem những điểm nào công cụ nêu bật về một vấn đề đặc biệt (để kiểm chứng xem chúng có tương ứng hay không với điều mà chính chúng ta sẽ nói); hỏi những gợi ý dàn bài về một vấn đề đặc thù nào đó. ChatGPT không phải là một công cụ thần diệu và không thể biết người sử dụng nghĩ gì trong đầu, do đó đối với việc viết một tài liệu phức tạp thì nó chỉ là một sự hỗ trợ mà thôi.

Tất nhiên ta có thể nghĩ ra những cách sử dụng đặt ra nhiều vấn đề hơn và báo chí đã công bố nhiều bài báo liên quan đến sử dụng ChatGPT trong giảng dạy chẳng hạn, với những nỗi lo sợ, có cơ sở hoặc không. Như vậy, ta có thể hình dung sinh viên làm bài tập nhờ vào ChatGPT, nhưng cả giảng viên cũng dùng công cụ này để viết các nhận xét, đánh giá của mình, hay các nhà nghiên cứu viết ra những bài báo khoa học một cách bán tự động. Báo chí đăng rất nhiều bài báo về sinh viên, nhưng không chỉ có sinh viên mới sử dụng loại công nghệ có phần gây vấn đề này.

Tất nhiên cũng đúng lúc để đặt những câu hỏi, nhưng công nghệ vẫn còn đó và sẽ không biến mất. Như vậy, có lẽ điều quan trọng nhất là nói về nó, đào tạo học sinh và sinh viên về việc sử dụng các công cụ này, để giải thích lợi ích và những hạn chế của chúng, và thảo luận về vị trí mà nó cần có trong đào tạo.

Cuối cùng, ở mức cao nhất của khung các sử dụng gây vấn đề, tất nhiên ta nghĩ đến việc sản xuất các tin giả: những thông tin sai lệch sau đó có thể được phát tán với số lượng lớn theo kiểu sản xuất công nghiệp.

_______

Đọc thêm: Peut-on détecter des fake news automatiquement? (Ta có thể phát hiện những tin giả một cách tự động không?)

_______

Không nên phóng đại những nguy hiểm này, nhưng chúng là có thật. Cho dù những công cụ dò tìm văn bản do ChatGPT sản xuất bắt đầu xuất hiện, chắc chắn là chúng không hoàn hảo, vì các văn bản được tạo ra là quá đa dạng và quá hiện thực nên khó được nhận biết 100% bởi một hệ thống… trừ phi bởi chính công ty OpenAI, tất nhiên!

Những giới hạn của ChatGPT: khi ChatGPT “gây ảo giác”

Khối lượng các tương tác với ChatGPT từ khi nó được tung ra cho công chúng rộng rãi ngày 30 tháng 11 đã cho phép nhận diện môt số giới hạn của nó.

Nói chung ChatGPT cung cấp những câu trả lời nghiêm túc, thường là đáng kinh ngạc… nhưng nếu ta hỏi nó về những lĩnh vực mà nó không thành thạo, thậm chí người ta tạo ra một câu hỏi bề ngoài có vẻ nghiêm chỉnh nhưng thực ra là phi lý (ví dụ về những sự việc hay những người vốn không tồn tại), hệ thống đưa ra những câu trả lời bề ngoài cũng nghiêm chỉnh, nhưng thực ra hoàn toàn phi lý hay được bịa ra.

_______

Đọc thêm: Beau parleur comme une IA (Nói hay như trí tuệ nhân tạo)

_______

Có rất nhiều ví dụ trên Twitter: ChatGPT đề nghị những tài liệu tham khảo khoa học không tồn tại, những lời giải thích mù mờ, thậm chí một chứng minh cho rằng -4 = -5. Đây sẽ là một tài nguyên phong phú, nếu ChatGPT chỉ đơn thuần là một công cụ dùng để tạo ra những câu chuyện, những phóng tác hay những bài văn nhại.

Nhưng điều mà công chúng chờ đợi trước tiên là những câu trả lời xác thực đối với những câu hỏi thực, hay không trả lời trong trường hợp ngược lại (nếu hệ thống không thể tìm ra câu trả lời, hay đó là một câu hỏi phi lý). Đó là điểm yếu chính của công cụ, cũng có thể là trở ngại chính khi muốn biến nó thành công cụ tìm kiếm cạnh tranh với Google như ta đã thấy.

Vì lý do này, một hội nghị như ICML (International Conference on Machine Learning) đã cấm các nhà nghiên cứu nộp những bài báo được viết ra một phần với ChatGPT. Stackoverflow, một nền tảng trao đổi giữa những lập trình viên, cũng đã cấm những câu trả lời do ChatGPT tạo ra, vì sợ bị tràn ngập bởi hàng loạt những câu trả lời được tạo ra một cách tự động (và một phần là sai).

Điều này là do hệ thống không có “mô hình thế giới”. Nói cách khác, nó không biết cái gì là thật, nó có thể tạo ra những điều phi lý, những thông tin sai lệch, bịa ra hoàn toàn một số điều với sự vững tin của một người nói dối chuyên nghiệp. Đó là điều mà ta gọi là “ảo giác”, tưởng như lúc đó ChatGPT thấy những yếu tố tưởng tượng (thực ra, ta không thể thực sự nói rằng hệ thống nói láo, trong chừng mực nó không có mô hình sự thật).

Điều này đặc biệt đúng khi chính câu hỏi không hướng về thực tại, trong trường hợp đó hệ thống sẽ bịa ra: trong nghĩa này, GPT không phải là một nhà báo, cũng không phải là người uyên bác, mà chỉ là một người kể chuyện.

Rất có lý do để đoan chắc rằng OpenAI sẽ cố gắng cung cấp trong những phiên bản tương lai một hệ thống tránh được sự tưởng tượng khi bối cảnh không sẵn sàng, nhờ vào sự phân tích tinh tế câu hỏi được nêu ra, hay thêm vào những kiến thức được đã được công nhận (như Amazon đã làm với Alexa hay Google với sơ đồ tri thức (knowledge graph) của mình, rất đơn giản là một cơ sở tri thức).

Một cách chính xác là Google thông qua công ty con của nó là Deepmind, hiện nay đang tiến hành trên một mô hình tương tự như ChatGPT gọi là Sparrow, bằng cách tăng cường độ tin cậy của hệ thống. Ví dụ, đó là vấn đề hệ thống cung cấp một danh sách các nguồn tài liệu mà nó dựa vào để cung cấp một câu trả lời.

Những thách thức cho ngày mai

Hạn chế khác của hệ thống này là nó dựa trên các dữ liệu (nói chung là toàn bộ các văn bản có sẵn trên Internet) cho đến giữa năm 2021 và những dữ liệu của nó không được trực tiếp cập nhật. Hiển nhiên đó là một vấn đề, ChatGPT không thể trả lời một cách thỏa đáng những câu hỏi về thời sự, mà đó lại là một khía cạnh đặc biệt quan trọng.

Như vậy, một cách logic, việc liên tục cập nhật mô hình là một trong những mục đích của OpenAI, điều này chẳng có gì phải che giấu. Xem xét lại một mô hình, huấn luyện lại nó “từ số không” (from scratch) là một tiến trình dài và tốn kém, có thể thách thức hàng ngàn bộ xử lý GPU (Graphics Processing Unit) hay TPU (Tensor Processing Unit) trong nhiều tuần hay nhiều tháng, điều này không theo cùng nhịp với tính nhanh chóng của thời sự. Như vậy, đổi mới lớn sắp tới sẽ gồm những hệ thống có khả năng tự cập nhật cụ thể hơn theo thời gian thực (hay gần như vậy), và chắc hẳn điều này sẽ xảy ra sớm.

Nhưng rõ ràng thách thức chính là khả năng được chấp nhận. Ta đã thấy điều đó: cuộc thảo luận đã được khởi động về ảnh hưởng của hệ thống này đối với giáo dục. Một cách toàn diện hơn, ví dụ nếu một hệ thống như ChatGPT được tích hợp vào một phần mềm như Word, ta sẽ đặt câu hỏi ai kiểm soát những điều được tạo ra. Con đường thật chật hẹp giữa các hệ thống trí tuệ nhân tạo không được kiểm soát đủ và có khả năng tạo ra những nội dung kỳ thị chủng tộc hay chống đồng tính luyến ái, và những hệ thống quá cứng nhắc cấm tạo ra một số nội dung.

Thierry Poibeau

Để kết luận, và như một ngạn ngữ dân gian đã nói: khó nêu ra những tiên đoán, nhất là khi chúng liên quan đến tương lai. Có nhiều ẩn số chung quanh những công nghệ kiểu như ChatGPT: những viễn cảnh của các công cụ như vậy khá gây chóng mặt, có thể có một tác động sâu sắc đến xã hội, nhưng đồng thời tiềm năng thực và tiềm năng thương mại phải thông qua thử thách của thế giới thực.

Có điều chắc chắn là những xáo trộn hiện nay phải thúc đẩy sự phát triển của các viện, trường (trong nội bộ các trường đại học, cũng như thông qua các tổ chức hay hiệp hội có khả năng tiếp cận với đông đảo công chúng) tạo điu kiện cho một suy ngẫm rộng rãi và cởi mở về những công nghệ này, liên quan đến tất cả các tác nhân của xã hội, vì chính toàn bộ xã hội đã bị tác động, mà bằng chứng là sự quan tâm hiện nay đối với ChatGPT.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:ChatGPT, une IA qui parle très bien... mais pourquoi faire?”, The Conversation, 20.01.2023.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] DR CNRS, École normale supérieure (ENS) – PSL

Print Friendly and PDF