21.3.23

ChatGPT sẽ làm một cuộc đảo lộn mà giới học thuật đang cần?

CHATGPT SẼ LÀM MỘT CUỘC ĐẢO LỘN MÀ GIỚI HỌC THUẬT ĐANG CẦN?

Xuất bản: 1 tháng 3 năm 2023 4:08 chiều theo giờ GMT

Rốt cục, ChatGPT có thể là công cụ công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn giáo dục đại học không? Shutterstock

Chưa đầy một tuần sau khi Open AI phát hành ChatGPT, Giám đốc điều hành Sam Altman thông báo chatbot đã vượt một triệu người dùng. Đến ngày 13 tháng 1 năm 2023, từ khóa “ChatGPT” trên tìm kiếm Google toàn thế giới đã đạt mức điểm phổ biến là 92 và Microsoft đã đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI kể từ đó.

Hiện tại, chatbot này đã đạt giới hạn công suất và không còn khả dụng do quá tải máy chủ, nhưng OpenAI gần đây đã thông báo về dịch vụ đăng ký 20 đô la mỗi tháng mà họ sẽ thử nghiệm cho những người đang nằm trong danh sách chờ.

ChatGPT Plus đã có mặt tại Việt Nam từ ngày 11/2/2023

Như hầu hết chúng ta đều biết, ChatGPT là một công cụ văn bản dựa trên trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ngôn ngữ tự nhiên và phản hồi giống con người với một mức độ chính xác nhất định.

Công cụ mới này – và, quan trọng là các cuộc trò chuyện xoay quanh nó – đang gây sốt trên toàn thế giới. Ý kiến thì vô vàn.

Một số người sẵn sàng hoàn toàn chấp nhận chatbot, dẫn lý do là ChatGPT có hiệu quả cao trong việc tạo văn bản như email hoặc thông cáo báo chí về mặt thời gian, tiền bạc lẫn tài nguyên. Ví dụ: sử dụng ChatGPT để tạo thư chấp nhận (hoặc từ chối) có thể giảm thời gian thường tiêu tốn cho công việc này từ 30 phút xuống còn 5 phút. Điều này khá là ngoạn mục, đặc biệt với những ai thấy các nhiệm vụ như vậy ngốn thời gian và tẻ nhạt. Tuy nhiên, những người khác nhìn thấy khởi đầu cho sự kết thúc của tính độc đáo và sáng tạo của con người trong cách mà công cụ này sử dụng một lượng lớn dữ liệu phổ biến hiện có.

Thông tin sai lệch là một thiếu sót khác của ChatGPT vì nó rút lấy như nhau mà không phân biệt dữ liệu từ các nguồn đáng tin cậy và không đáng tin cậy. Ngoài ra, ChatGPT không thể trích dẫn các tài liệu tham khảo mà nó sử dụng để thực hiện các tác vụ được yêu cầu và đôi khi (nhiều lần) nó thậm chí còn bịa ra toàn bộ câu trả lời, dù nghe rất trôi chảy và thuyết phục.

Những người say mê và những người lo ngại

Công nghệ mới này có tác động trực tiếp đến giáo dục đại học – và chắc chắn đã khiến các lớp học phải lên tiếng. Các ý kiến ​​xung quanh việc sử dụng công cụ này trong giới học thuật được phân chia rõ ràng giữa những người say mê (đặc biệt là sinh viên) và những người lo ngại (cụ thể là giáo sư).

Các giáo sư lo sợ (và đúng như vậy) rằng việc sử dụng công cụ này sẽ mở ra cơ hội cho gian lận và đạo văn, trong khi sinh viên coi đó là công nghệ được chờ đợi từ lâu, thứ sẽ giúp họ viết bài tập trễ hạn, thực hiện các bài tập viết mã code phức tạp và thậm chí có thể đạt điểm cao trong các kỳ thi. Toàn thể giáo sư đại học cảm thấy không thoải mái, và hóa ra một số sinh viên cũng vậy.

Tất cả hoạt động và cuộc tranh luận xung quanh việc đưa ChatGPT (hoặc không đưa) vào giới học thuật này cho thấy rằng con chatbot đang tạo ra cải cách mà ngành giáo dục đại học đã cần từ lâu, và thậm chí có thể đã khao khát từ lâu. Công nghệ mới, vấn đề cũ, cùng một cuộc tranh luận.

Teaching in a Digital Age - A.W. Bates

Về mặt lịch sử, công nghệ luôn ảnh hưởng đến giáo dục theo nhiều hướng quan trọng và luôn có người ủng hộ lẫn phản đối. Trong cuốn sách của mình, Dạy học trong Kỷ nguyên số, A.W. Bates viết rằng “những tranh luận về vai trò của công nghệ trong giáo dục đã có từ ít nhất 2.500 năm trước.” Giao tiếp bằng văn bản là một trong những công cụ tuyệt vời nhất giúp kiến ​​thức dễ tiếp cận hơn và cho phép mở rộng giáo dục trên toàn thế giới. Đặc biệt ở châu Âu, điều này trùng khớp với việc phát minh ra máy in vào thế kỷ 15.

Trớ trêu thay, Socrates, nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp, lại không phải là người ủng hộ mạnh mẽ các văn bản viết và không tin rằng viết lách là một phương tiện hiệu quả để truyền đạt kiến ​​thức. Vào giữa những năm 1990, nhờ sự phát triển của các hệ thống quản lý học tập dựa trên web mà việc học tập dựa trên Internet đã được hiện thực hóa, một bước đột phá công nghệ khác giúp MOOCs trở nên khả thi, thách thức mô hình giáo dục truyền thống và dẫn tới các cuộc tranh luận vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Rốt cục, ChatGPT có thể là công cụ công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn giáo dục đại học không?

Những thách thức trong giáo dục đại học

Bên cạnh phúc lợi của sinh viên và tính bền vững của khu trường học, chuyển đổi kỹ thuật số là một trong những thách thức lớn nhất mà giáo dục đại học phải đối mặt – và với ChatGPT, những thách thức đó thậm chí còn lớn hơn.

Chắc chắn sẽ có nhiều người phản đối ChatGPT, nhiều nghiên cứu và điều tra nỗ lực tìm kiếm các phương pháp không chỉ giúp phát hiện việc sử dụng ChatGPT mà còn ngăn việc đưa chatbot này vào giáo dục đại học. Như thể việc ngăn chặn là hoàn toàn khả thi.

Cho dù chấp nhận hay chống lại ChatGPT, không thể phủ nhận rằng công cụ mới này một lần nữa đã phơi bày sự mong manh và dễ bị tổn thương của các hệ thống giáo dục đại học của chúng ta. Christian Terwiesch, Đồng Giám đốc Viện Mack, đã kiểm tra khả năng của ChatGPT trong khóa học Quản lý Vận hành của chương trình MBA Wharton và nhận thấy rằng công cụ công nghệ này sẽ nhận được điểm từ B đến B- trong bài kiểm tra. Một kết quả khá đáng lo ngại. Theo Terwiesch, kết quả này có nhiều ý nghĩa đối với giáo dục đại học về kinh doanh, bao gồm nhu cầu cải thiện tính sáng tạo và năng suất trong giảng dạy, đồng thời thay đổi các chính sách thi cử và chương trình giảng dạy hiện tại.

Thay đổi tư duy

Chẳng phải đã đến lúc chúng ta xem xét lại chương trình giảng dạy, tiêu chí đánh giá cũng như các công cụ học tập và giảng dạy hay sao? Dành chỗ cho công nghệ mới này rất có thể là cái cớ mà chúng ta cần, như Christian Terwiesch chỉ ra. Nếu các hệ thống đánh giá được xem xét lại để chúng không phải dựa trên vô số bài tập, hàng loạt bài kiểm tra và số thành phẩm cuối phải bàn giao nhiều không đếm xuể, thì chắc chắn sẽ còn thừa khoảng trống trong chương trình giảng dạy và tạo thời gian trong lớp (và ngoài lớp học) cho một điều gì đó mới mẻ.

Nhưng câu hỏi biến thành: khoảng trống và thời gian để làm gì? Bước tiếp theo này phải được xem xét cẩn thận, bởi vì nếu sử dụng một cách khôn ngoan thì đây là sẽ là cơ hội “ngàn vàng” cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta không chỉ phải hỏi điều gì sẽ xảy ra với các lớp viết mã và lập trình của mình nếu chúng ta suy nghĩ lại về hệ thống đánh giá của mình nhờ vào sự gia nhập của ChatGPT (dưới bất kỳ hình thức nào), mà còn: chúng ta muốn điều gì xảy ra? Và những khóa học tập trung vào kỹ năng viết và giao tiếp thì sao? Chúng có nên bị loại bỏ hoàn toàn khỏi các chương trình giáo dục của chúng ta không? Chỉ cần nghĩ về một sự thay đổi như vậy cũng đủ làm người ta khó chịu.

Đây là kiểu trò chuyện đã nổ ra nhờ ChatGPT. Cuối cùng thì chúng ta cũng đang đặt ra vấn đề lớn về giáo dục đại học.

Như Mollick đã chỉ ra, ChatGPT rất có thể là dấu hiệu báo trước một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tích hợp giữa người và máy. Nếu đúng như vậy, giáo dục là điểm khởi đầu hợp lý và không thể tránh khỏi.

Vậy thì, điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì cấm sử dụng ChatGPT trong các bài tiểu luận, bài tập và bài kiểm tra, học sinh được phép – không đúng, là bị bắt buộc – sử dụng công cụ kỹ thuật số, sau đó dành thời gian phân tích kỹ càng đầu ra, phác thảo quy trình suy nghĩ và xác định điểm mạnh và điểm yếu của nó? Điều gì sẽ xảy ra nếu nhiệm vụ thực sự không còn là cung cấp câu trả lời cho một câu hỏi hoặc giải pháp cho một vấn đề mà là phân tích cách tạo ra câu trả lời đó?

Sự thay đổi trong lối tư duy xung quanh các bài tập có thể giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và phân tích của họ.

Chúng ta có thể coi ChatGPT là đòn giáng mạnh nhất vào hệ thống giáo dục của mình hoặc là tia sáng sẽ thay đổi nền giáo dục theo hướng tốt hơn. Tôi nghĩ rằng cả con người và công nghệ sẽ đưa ra cùng một câu trả lời cho câu hỏi này.

Tác giả

Rafif Srour Daher

Rafif Srour Daher

Phó Trưởng khoa, Giáo sư, Đại học IE

Tuyên bố công khai

Rafif Srour Daher không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Will ChatGPT be the disrupter academia needs?, The Conversation, Mar 1, 2023.

-----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF