31.3.23

Tập Cận Bình đến Moscow: công việc kinh doanh trên hết, không đoạn tuyệt với phương Tây

TẬP CẬN BÌNH ĐẾN MOSCOW: CÔNG VIỆC KINH DOANH TRÊN HẾT, KHÔNG ĐOẠN TUYỆT VỚI PHƯƠNG TÂY

Pierre-Antoine Donnet

Vladimir Putin và Tập Cận Bình trong chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc ngày 20/3/2023. (Nguồn: Worldcrunch)

Chủ tịch Trung Quốc đã kết thúc chuyến thăm ba ngày cấp nhà nước tới Moscow vào hôm thứ Tư ngày 22 tháng 3, giữa cuộc chiến do Nga tiến hành chống lại Ukraine. Tập Cận Bình đã dành ưu tiên cho công việc kinh doanh trong khi cẩn thận không cụ thể hoá một liên minh thực sự giữa Trung Quốc và Nga. Nhân vật số một của Trung Quốc nhận thức rất rõ điều này: một sáng kiến như thế sẽ có tác động khiến phương Tây chống lại đất nước ông nhiều hơn nữa.

Trong cuộc họp báo một ngày trước đó, vào hôm thứ Ba ngày 21 tháng 3, Vladimir Putin nhắc lại mối liên hệ “không giới hạn” giữa Moscow và Bắc Kinh, công thức đánh dấu chuyến thăm Bắc Kinh của Putin vào ngày 4 tháng 2 năm 2022, chưa đầy ba tuần trước khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Tập Cận Bình đã cẩn thận không lặp lại công thức đó. Thay vào đó, ông nhấn mạnh đến một hợp đồng khổng lồ được ký kết giữa Trung Quốc và Nga, hơn bao giờ hết, trao cho Trung Quốc một lợi thế mà Trung Quốc sẽ thu được từ sự cô lập của Nga.

Chủ tịch Trung Quốc cũng không lặp lại sự công kích được đưa ra vào tuần trước khi cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh “kiềm chế” và “đàn áp” Trung Quốc. Trong suốt chuyến thăm bắt đầu từ thứ Hai ngày 20 tháng 3, ông Tập đã rất thận trọng trong các phát biểu của mình. Ông biết rõ rằng chuyến thăm Nga, lần đầu tiên kể từ bốn năm qua, sẽ được chính quyền Mỹ đặc biệt chú ý.

“KỶ NGUYÊN MỚI”

Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga, vốn là đối tượng của một phán quyết bắt giữ của Toà án Hình sự Quốc tế (ICC), đều đã nở nụ cười tươi và đương nhiên không quên nhắc lại việc coi nhau như là “những người bạn vĩ đại”. Đây là cuộc gặp lần thứ bốn mươi giữa hai nhà lãnh đạo.

Nhà lãnh đạo độc đoán của Điện Kremlin đã ca ngợi lập trường “cân bằng” của người láng giềng hùng mạnh về vấn đề Ukraine và nói rằng ông xem xét kế hoạch hòa bình của Trung Quốc “với sự tôn trọng”. Trung Quốc đòi hỏi một ảnh hưởng ngoại giao tương xứng với sức nặng của nền kinh tế, tự nhận lấy vai trò trung gian hòa giải và đã công bố, vào tháng trước, một tài liệu đặc biệt kêu gọi Moscow và Kiev dồn nỗ lực vào các cuộc đàm phán hòa bình. Khi bắt đầu cuộc gặp với Tập ở Điện Kremlin, vào hôm thứ Hai, Putin phát biểu: “Chúng tôi luôn sẵn sàng cho một quá trình đàm phán. Chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận về tất cả những vấn đề này, kể cả các sáng kiến của ngài, mà chúng tôi rất coi trọng. Tôi biết ngài […] có một lập trường đúng đắn và cân bằng về những vấn đề quốc tế cấp bách nhất.”

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc đã ca ngợi “mối quan hệ chặt chẽ” giữa Bắc Kinh và Moscow. Trong một bài báo đăng trên báo chí chính thức của Trung Quốc trước chuyến thăm, Tập Cận Bình đã trình bày chuyến đi của mình như một “hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”. Đối với Putin, người ngày càng bị phương Tây cô lập, chuyến thăm này là một luồng gió mới về mặt ngoại giao.

Hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố một cách cường điệu rằng mối quan hệ giữa hai nước đã bước vào “một kỷ nguyên mới”. Một công thức lấy trực tiếp từ “tư tưởng Tập Cận Bình”, vốn được khắc sâu trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc và áp đặt ở mọi cấp trong nước, đến tận trong các trại cải tạo ở Tân Cương: “Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Những người gièm pha coi đó trước hết là chủ nghĩa dân tộc độc đoán, không mặc cảm có tham vọng toàn cầu của người đứng đầu Trung Quốc số một, tự đặt mình vào vị thế đoạn tuyệt với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, từ Đặng Tiểu Bình đến Hồ Cẩm Đào. Việc khẩu hiệu trong thông cáo chung Trung-Nga bị chi phối bởi một dấu ấn ý thức hệ của Tập Cận Bình, vốn nói lên rất nhiều điều về sự tương quan lực lượng của Putin. Bắc Kinh và Moscow cũng thông báo đã ký kết một thỏa thuận kinh tế rộng lớn. Không ngạc nhiên khi cả hai nhà lãnh đạo đều lặp lại điệp khúc thường được tuyên bố là “tạo ra một trật tự thế giới mới” thông qua một “thế giới đa cực”. Nhưng bây giờ liệu ai có thể tin rằng bộ đôi Tập-Putin được hình thành trên cơ sở bình đẳng hay không?

Antony Blinken (1962-)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã không nhầm. Đối với ông, sự xích lại gần nhau trong mối quan hệ Nga-Trung giống như một “cuộc hôn nhân vụ lợi”. “Một phần vì họ có một thế giới quan rất khác so với chúng ta, họ đã tiến hành một cuộc hôn nhân vụ lợi. Tôi không chắc [cuộc hôn nhân] đó xuất phát từ niềm tin”, theo lời của Blinken trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào hôm thứ Tư. “Nga rõ ràng là đối tác thứ yếu trong mối quan hệ này. Tôi không chắc Nga hay Putin muốn hình thành một trật tự thế giới, mà đúng hơn là một sự mất trật tự thế giới”. Trước một ủy ban quốc hội khác vào sáng hôm thứ Tư, ngoại trưởng Mỹ đã chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn chưa “vượt qua lằn ranh đỏ” trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.

Ở một mức độ nào đó, cuộc họp tuần này [phía Trung Quốc] đã tính đến những cảnh báo của Mỹ đối với Trung Quốc về việc không ủng hộ Nga trong chiến tranh”, theo đánh giá của tập san phát hành hai tháng một kì của Mỹ, Foreign Policy, vào hôm thứ Năm ngày 23 tháng 3. “Ngoài vẻ khoa trương, cuộc họp lần này không mang lại nhiều kết quả. Điều đáng chú ý là bản thông cáo chung sau đó đã bỏ qua cụm từ “quan hệ đối tác không giới hạn””. Đối với tạp san trên, sự thiếu sót này dường như minh họa sự bối rối của Trung Quốc về cuộc chiến bất tận được tiến hành chống lại Ukraine. Quả thực, cũng có khả năng là giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn can dự quá nhiều với Nga, vào thời điểm mà nước này hứng chịu những thất bại trên chiến trường ở Ukraine và rất có thể sẽ thua cuộc. Do đó, điều khôn ngoan là giữ khoảng cách với Moscow.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều đồng ý với ý kiến này. Đối với François Godement, chuyên gia về Trung Quốc và là cố vấn của viện Institut Montaigne được tờ Le Monde trích dẫn vào hôm thứ Năm, “có một điều rõ ràng là Trung Quốc ủng hộ Nga và chia sẻ các luận điểm của Nga về nguồn gốc cuộc xung đột. Đây không phải là một thỏa thuận tình huống, mà là một mặt trận ngoại giao chung. Trung Quốc từ nay là cha đỡ đầu của Nga.”

PHẬN CHƯ HẦU

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã tiết lộ, vào hôm thứ Ba, rằng họ đã vận chuyển một lượng khí đốt “kỷ lục” vào ngày hôm trước, thông qua đường ống dẫn khí đốt xuyên biên giới “Power of Siberia [Sức mạnh Siberia]”. Putin đã khẳng định, thỏa thuận đã được “ký kết” giữa Trung Quốc và Nga về dự án đường ống dẫn khí đốt “Power of Siberia 2”. Vào chiều hôm thứ Ba, Tổng thống Nga đã đảm bảo với người đồng cấp Trung Quốc rằng Nga có thể đáp ứng “nhu cầu ngày càng tăng” của Trung Quốc về năng lượng, giữa lúc hydrocarbon [dầu hỏa] Nga bị phương Tây trừng phạt. Theo ông, mục tiêu là cung cấp cho Trung Quốc ít nhất 98 tỷ mét khối khí đốt và 100 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Nga từ nay đến năm 2030, mặc dù Nga đã quyết định giảm sản lượng 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho đến cuối Tháng sáu. “Sự hợp tác Nga-Trung có những khả năng và triển vọng thực sự không giới hạn”, Vladimir Putin đã thốt lên với Chủ tịch Tập Cận Bình, vào tối hôm thứ Ba, trong bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước, ca ngợi “bản chất đặc biệt các mối quan hệ Nga-Trung”.

Trên thực tế, Trung Quốc đã mua một lượng rất lớn hydrocarbon Nga với giá hời. Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thu được những lợi ích kinh tế và địa chiến lược quan trọng đáng kể từ tình hình mất cân bằng này, khi mà Moscow bị phụ thuộc khủng khiếp vào Bắc Kinh do bị cô lập trên trường thế giới. Bị cắt đứt phần lớn các mối quan hệ khỏi châu Âu kể từ cuộc tấn công chống lại Ukraine, Nga đã ồ ạt định hướng lại nền kinh tế của họ về phía Trung Quốc, với nguy cơ đứng chung với Trung Quốc trong một mối quan hệ “mất cân bằng” rất lớn và ở một vị thế yếu. Kể từ khi bắt đầu xâm lược lãnh thổ Ukraine, giao dịch thương mại Trung-Nga đã bùng nổ, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế và sự ra đi của nhiều công ty nước ngoài khỏi Nga. Kim ngạch thương mại song phương đạt 190 tỷ đô la vào năm ngoái, theo số liệu của hải quan Trung Quốc, một con số kỷ lục.

Elina Rybakova

Tỷ trọng đồng nhân dân tệ, trong ngoại hối, được sử dụng trong giao dịch ngoại thương của Nga cũng đã tăng vọt, từ 0,5% lên 16% trong một năm, và kéo theo, trong quá trình đó, sự sụt giảm ngoạn mục của đồng euro và đồng đô la trong xuất khẩu của Nga (48% từ nay). “Trung Quốc và Ấn Độ đã thay thế Liên minh châu Âu để trở thành thị trường xuất khẩu chính” đối với dầu Nga, mà “trong quý IV (2022), cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm hai phần ba tổng xuất khẩu dầu thô của Nga”, theo lời giải thích của các nhà kinh tế từ Hiệp hội các ngân hàng lớn và định chế tài chính thế giới (IIF). Elina Rybakova, một trong số các nhà kinh tế của IIF, đã nhận xét khi được hãng thông tấn AFP phỏng vấn: “Việc Nga xích lại gần với Trung Quốc là cực kỳ nguy kịch, bởi nước này không còn nhiều đối tác kinh tế tầm cỡ nữa”. Theo Sergueï Tsyplakov, một chuyên gia về các mối quan hệ kinh tế Nga-Trung tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, trong một năm, “người Trung Quốc đã chiếm lĩnh những ngóc ngách mà các công ty phương Tây đã bỏ trống trên thị trường Nga”, đặc biệt trong ngành sản xuất ô tô.

Theo một số chuyên gia, một khía cạnh khác của tình trạng chư hầu này của Nga với Trung Quốc là Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế để thúc đẩy các quân tốt của họ tại những khu vực mà theo truyền thống từng chịu nhiều ảnh hưởng của Nga, đặc biệt là vùng Trung Á. Theo Antoine Bondaz, một chuyên gia về ngoại giao Trung Quốc được AFP phỏng vấn, Bắc Kinh đang tìm cách, trong hồ sơ Ukraine, quảng bá một “hình ảnh như là nhân tố ổn định […], đặc biệt đối với các nước không thuộc phương Tây”, trong khi cố gắng “làm mất tính chính đáng các chế độ dân chủ”. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh và Moscow đã thực sự tự định vị như một đối trọng địa chính trị trước sức mạnh của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Nhưng ngoài những cân nhắc về địa chính trị, các vấn đề về kinh tế là trọng tâm các cuộc thảo luận vào hôm thứ Ba.

Hẳn là Tập Cận Bình đã mời người đồng cấp Nga thăm chính thức Bắc Kinh trong năm nay. Nhưng không có tiến triển nào về hồ sơ Ukraine, không hề có tiến triển nào bởi vì tổng thống Nga chưa bao giờ bày tỏ mong muốn đàm phán hòa bình. Về điểm này, chuyến thăm của người đồng cấp Trung Quốc vì thế là một thất bại, mặc dù đó không thực sự là một bất ngờ.

Vả lại, Hoa Kỳ đã không quên chỉ trích kế hoạch hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh vào hôm thứ Hai. “Thế giới không được để bị lừa bởi bất kỳ quyết định chiến thuật nào của Nga, được Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác hậu thuẫn, nhằm đóng băng cuộc xung đột theo điều kiện riêng của họ,” theo lời của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Antony Blinken, vào đêm trước chuyến đi của Tập Cận Bình.

Về phần mình, Kiev, tỏ ra thận trọng với người khổng lồ Trung Quốc, đã kêu gọi Tập Cận Bình, vào hôm thứ Hai, “sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Nga để nước này chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược”. Cùng ngày, như để biểu thị sự ủng hộ đối với Ukraine trước sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với Moscow, Liên minh châu Âu cho biết đã tháo khoán 2 tỷ euro để mua và chuyển giao đạn pháo cho quân đội Ukraine. Theo chân EU, Washington đã công bố một đợt viện trợ mới, trị giá 350 triệu đô la, và một lần nữa đảm bảo với Kiev sự hỗ trợ của Mỹ “đến chừng nào Ukraine còn cần”.

Vấn đề lớn vẫn là khả năng chuyển giao vũ khí của Trung Quốc cho Nga. Người Mỹ cáo buộc chính quyền Trung Quốc tính đến việc này, điều mà Trung Quốc cực lực phủ nhận. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc mạo hiểm làm điều đó, họ biết rất rõ rằng khi vượt qua lằn ranh đỏ, Trung Quốc sẽ ngay lập tức hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại và tài chính từ Hoa Kỳ cũng như có thể từ các đồng minh của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt như thế sẽ gây ra điều tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang trải qua một vùng xoáy lốc mạnh, kể từ hai năm qua. Theo các số liệu thống kê chính thức, GDP của Trung Quốc đã giảm đến độ mức tăng trưởng chỉ đạt 3% trong năm 2022, và theo các nhà quan sát thì con số có lẽ còn thấp hơn nữa.

Mức tăng trưởng này là kết quả tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong hơn 40 năm qua, và các dự báo cho năm 2023 cũng không mấy khả quan, mức tăng trưởng dự kiến ở Bắc Kinh là 5%. Đợt suy yếu kinh tế này, một phần do chính sách “không Covid” được áp dụng từ năm 2020 cho đến cuối năm ngoái, đã dẫn đến một tỷ lệ gia tăng thất nghiệp đáng kể, đặc biệt ở giới trẻ, lên tới khoảng 20%.

Đối với Bắc Kinh, sự rút chạy tán loạn của Nga ở Ukraine sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bởi vì khi đó Trung Quốc sẽ trở thành một nước chuyên quyền lớn cuối cùng. Hơn bao giờ hết, Đảng Cộng sản Trung Quốc thấy mình phải đối mặt với một lựa chọn nan giải: dứt khoát chọn phe chống phương Tây bằng cách hỗ trợ quân sự cho Nga trước mọi rủi ro có thể xảy ra, hoặc tiếp tục thể hiện vẻ ngoài trung lập trong cuộc xung đột Ukraine, và như vậy dung hoà quyền lợi đối lập của hai bên để trục lợi. Nhưng nếu giải pháp thứ nhất sẽ là điều thảm họa đối với nền kinh tế Trung Quốc, thì giải pháp thứ hai cũng khó có thể tốt hơn, bởi vì khi đồng thời thể hiện mình là một nước yêu chuộng hòa bình, thì cam kết này không còn lừa được nhiều người nữa, và liên minh chống Trung Quốc đang hình thành sẽ được củng cố trong những tháng tới.

ĐÀI LOAN Ở VỊ THẾ LÀM NỀN

Trong hậu cảnh chuyến thăm Moscow của Tập còn có vấn đề Đài Loan. Cả Moscow và Bắc Kinh đều tuyên bố rằng hòn đảo này là một phần “không thể chuyển nhượng” của Trung Quốc. Trong tuyên bố chung, Nga nói rằng họ “phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan và ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ”. Chính phủ Đài Loan, vào hôm hôm thứ Tư, đã lên án tuyên bố này, cáo buộc Nga “đã chịu khuất phục trước các yêu cầu của Trung Quốc”. “Bộ Ngoại giao [Đài Loan] long trọng phản đối và lên án mạnh mẽ chính phủ bành trướng độc đoán [của Trung Quốc] vốn tiếp tục đưa ra những tuyên bố sai trái trên trường quốc tế nhằm bôi nhọ và làm suy yếu chủ quyền của đất nước chúng tôi,” Đài Loan cho biết trong một thông cáo báo chí.

Fumio Kishida (1957-)

Trong một động thái mang tính biểu tượng cao, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào hôm thứ Ba. Kể từ khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945, chưa bao giờ có một người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đến một vùng chiến sự. Ngày càng lo lắng về cách hành xử hung hăng của nước láng giềng Trung Quốc rộng lớn và sự gia tăng căng thẳng khắc nghiệt xung quanh Đài Loan, mà Bắc Kinh coi là một tỉnh cần phải tái hợp trở lại dưới sự cai trị của Trung Quốc, chính Kishida, vào tháng 12 năm ngoái, đã tuyên bố tăng gấp đôi ngân sách quân sự của Nhật Bản, lên 2% GDP của Nhật Bản trong năm năm, một biện pháp cũng chưa từng có tiền lệ kể từ năm 1945.

Trước đó chưa đầy một tuần, người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa nước ông với Hàn Quốc sau 12 năm. Vào các ngày 16 và 17 [tháng 3], ông tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-youl tại Tokyo. Hai nước láng giềng, bị bất hoà bởi ký ức dai dẳng của Hàn Quốc về những hành động tàn bạo do quân đội Nhật Bản gây ra trên Bán đảo Triều Tiên cho đến khi kết thúc Thế Chiến II, đã cam kết khởi động lại các cuộc trao đổi ở cấp cao, các liên kết thương mại và trên hết là sự hợp tác an ninh.

Thế nên, Yoon đã biện hộ cho vấn đề trên rằng, để hai nước, “vốn chia sẻ các giá trị dân chủ, hợp tác với nhau về các vấn đề an ninh, kinh tế và các thách thức đối với hành tinh”. Về phần nước chủ nhà, Kishida đã so sánh sự cải thiện các mối quan hệ với sự nở rộ của hoa anh đào “vốn đã bắt đầu vào tuần này ở Tokyo, sau một mùa đông dài, giống như các mối quan hệ song phương của chúng ta”. Và Kishida cũng đã nhấn mạnh đến “sự cấp bách” cần phải tăng cường các trao đổi “trong môi trường an ninh hiện nay”, ngụ ý: Trung Quốc.

TRUNG Á Ở BẮC KINH

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bị cô lập hoàn toàn, còn lâu mới như thế. Điều này được chứng minh qua sự khôi phục quan hệ ngoại giao ngoạn mục giữa Iran và Ả-rập Xê-út, vốn đã trở nên khả thi nhờ vai trò hòa giải của Bắc Kinh. Ngoài ra, Tập Cận Bình cũng đã gửi lời mời các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á tham dự hội nghị thượng đỉnh “Trung Quốc-Trung Á” đầu tiên, vào tháng 5 tới, qua đó Bắc Kinh đã tăng cường dấu ấn của mình ở khu vực từng được cựu cường quốc là Nga bảo trợ và nay đang sa lầy ở Ukraine nên sự bảo trợ này bị tranh chấp. Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan đã được mời. Các nước chuyên quyền này tham gia vào sáng kiến “Con đường tơ lụa mới”, một dự án khổng lồ về cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt và cảng biển, do Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013.

Vì thế, Nga, vốn đã coi các nước ở Trung Á là vùng đệm của họ từ giữa thế kỷ XIX, nhận thấy vai trò của mình bị tranh chấp và các đồng minh truyền thống của mình bị Trung Quốc và các nước phương Tây dòm ngó. Xu hướng này đã tăng tốc kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, mặc dù Moscow vẫn duy trì các đòn bẩy gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Trong những tháng gần đây, ngoài Tập Cận Bình, các Tổng thống của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, đã đến thăm các nước ở vùng Trung Á.

Vào tháng 1 năm 2022, đã diễn ra một hội nghị cấp cao trực tuyến theo thể thức “5+1” do Tập tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Trung Á, sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong các bức điện gửi cho bốn nhà lãnh đạo đồng cấp, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước vùng Trung Á. Theo bức điện do hãng thông tấn chính thức Tajik Khovar công bố, Tập thậm chí còn nói rằng ông “nóng lòng thảo luận một kế hoạch vĩ đại cho sự phát triển các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước vùng Trung Á”.

Tuy nhiên, ảnh hưởng ngày càng tăng này của Trung Quốc không phải là không gây ra một sự sợ hãi và phản đối nhất định trong dân chúng, đặc biệt ở Kyrgyzstan và Kazakhstan. Vấn đề đất đai, món nợ ngày càng tăng đối với Bắc Kinh và sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương đối với người Duy Ngô Nhĩ – một nhóm dân tộc Hồi giáo cũng sống ở Trung Á – là những trở ngại chính.

Giới thiệu tác giả

Pierre-Antoine Donnet

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng mười lăm cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, nhà xuất bản Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif [Tây Tạng chết hay sống]”, nhà xuất bản Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại]”, nhà xuất bản Éditions de l’Aube vào năm 2021, thì vào cuối năm năm 2022, ông đã chủ biên một công trình tập thể có tựa là “Le Dossier chinoise [Hồ sơ Trung Quốc]” (nhà xuất bản Cherche Midi), và tiếp đó vào đầu năm 2023 cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste [Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát]” (nhà xuất bản Dawn).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Xi Jinping à Moscou : les affaires avant tout, pas de rupture avec l’Occident, Asialyst, ngày 24/03/2023.

Print Friendly and PDF