7.3.23

Nghiên cứu cho thấy, các học giả nữ có nhiều khả năng được bầu vào các hội khoa học danh tiếng của Hoa Kỳ hơn các đồng nghiệp nam

NGHIÊN CỨU CHO THẤY, CÁC HỌC GIẢ NỮ CÓ NHIỀU KHẢ NĂNG ĐƯỢC BẦU VÀO CÁC HỘI KHOA HỌC DANH TIẾNG CỦA HOA KỲ HƠN CÁC ĐỒNG NGHIỆP NAM

Những thành tích vượt trội và việc cân nhắc về bình đẳng giới trong tổng số thành viên viện hàn lâm có thể góp phần tạo nên sự khác biệt.

Natasha Gilbert

Kể từ năm 2019, 40% thành viên mới của hai viện hàn lâm Hoa Kỳ là phụ nữ. Ảnh: Getty

Các nhà nghiên cứu nữ về toán học, tâm lý học và kinh tế có khả năng được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NAS) hoặc Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ cao gấp 3-15 lần so với các đồng nghiệp nam có thành tích xuất bản và trích dẫn tương tự, một nghiên cứu cho hay.

Bài báo cho thấy, kể từ năm 2019, các nhà nghiên cứu nữ đã chiếm khoảng 40% lượng thành viên mới trong cả hai viện hàn lâm danh tiếng này[1]. Từ xưa đến nay, trong các lĩnh vực của mỗi viện hàn lâm, về cơ bản thì số lượng các nhà nghiên cứu nữ luôn ít hơn so với số nhà nghiên cứu nam. Trước những năm 1980, các thành viên nữ chiếm ít hơn 10% tổng số thành viên của viện hàn lâm trong tất cả các lĩnh vực khoa học.

NAS tư vấn cho quốc gia về các vấn đề khoa học và công nghệ, trong khi Viện hàn lâm Hoa Kỳ vinh danh sự xuất sắc trong nghiên cứu. Được bầu vào viện hàn lâm được coi là một trong những vinh dự cao nhất mà một nhà nghiên cứu có thể nhận được.

Tác giả chính của nghiên cứu David Card, nhà kinh tế tại Đại học California, Berkeley, nói rằng cú tăng vọt này dường như không phải do sự gia tăng tương đương về số lượng ứng cử viên nữ có tiềm năng đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên.

Marcia McNutt (1952-)
David Oxtoby (1951-)

Trong một tuyên bố với Nature, chủ tịch NAS Marcia McNutt cho biết NAS không dành một số vị trí cố định trong cuộc bầu chọn hằng năm cho các nhà khoa học nữ hoặc các nhà nghiên cứu ít được hiện diện khác. Thay vào đó, cô nói rằng những cải cách trong quy trình đề cử thành viên NAS đã khuyến khích một nhóm các nhà khoa học đa dạng hơn tham gia vào.

David Oxtoby, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, nói với Nature rằng thành viên nữ của viện đã tăng từ 44% lên tới 55% tổng số thành viên trong một số lĩnh vực nhất định kể từ năm 2018. Ông không đưa ra lý do cho sự gia tăng này.

Julia Lane, nhà kinh tế tại Đại học New York, người chuyên nghiên cứu về sự hiện diện của phụ nữ trong khoa học, chỉ ra rằng nghiên cứu này giả định các thành viên nam và nữ của viện hàn lâm phải đối mặt với những rào cản giống nhau trong việc được công bố và trích dẫn. Tuy nhiên, Lane cho biết, nghiên cứu – bao gồm cả nghiên cứu[2] của chính cô – cho thấy phụ nữ gặp nhiều rào cản hơn trong hoạt động khoa học so với các đồng nghiệp nam và ít có khả năng nhận được sự công nhận cho công trình của mình. Phát hiện này cho thấy rằng sự gia tăng số lượng nữ viện sĩ có thể là kết quả của thiên lệch kẻ sống sót – những phụ nữ vươn lên dẫn đầu lĩnh vực của mình và lọt vào nhóm ứng viên của viện hàn lâm có lẽ đã thành công hơn các ứng viên nam.

Card thừa nhận rằng nghiên cứu không xem xét những thành tích ngoài các công bố và trích dẫn, chẳng hạn như kinh nghiệm cố vấn hoặc biên tập tạp chí, vốn có thể giúp phân biệt các học giả nữ vượt trội. Ông nói, có thể việc xét thành viên của viện hàn lâm giờ đây đã tính đến những vai trò này nên làm tăng số lượng thành viên nữ. Card nói: “Nếu bạn kiểm soát các công bố và trích dẫn, phụ nữ có khả năng được nhận vào nhiều hơn một chút trong cả ba lĩnh vực” là toán học, kinh tế học và tâm lý học. Tuy nhiên, ông nói thêm, rõ ràng là các viện hàm lâm đang thúc đẩy bình đẳng giới trong các đề cử.

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-023-00501-7

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Female scholars more likely than male counterparts to be elected to prestigious US scientific societies, finds study, Nature, Feb 17, 2023.


Tài liệu tham khảo

[1] Card, D., DellaVigna, S., Funk, P. & Iriberri, N. Proc. Natl Acad. Sci. USA 120, e221242110 (2023).

Article Google Scholar 

[2] Ross, M. B. et al. Nature 608, 135-145 (2022).

Article PubMed Google Scholar

Print Friendly and PDF