2.7.15

Bạn có biết một Piketty da đen không?



Roland Fryer (1977-)

Bạn có biết một Piketty da đen không?

Huy chương John Bates Clark, được trao hàng năm, tôn vinh các nhà kinh tế học Mỹ (hoặc làm việc tại Hoa Kỳ) dưới 40 tuổi có "đóng góp nhiều nhất cho tư tưởng và kiến ​​thc kinh tế."
Những năm gần đây, những nhà kinh tế học người Pháp như Emmanuel Saez (về thuế khóa và bất bình đẳng) và Esther Duflo (về kinh tế học phát triển) đã được trao (năm 2009 và 2010) "giải thưởng Nobel kinh tế của những người tuổi ba mươi" thường được xem là báo trước "Giải thưởng Nobel về kinh tế"[1] thực, do có nhiều người từng được giải Clark sau này đã được Ban hội thẩm của Ngân hàng Thụy Điển chọn trao giải Nobel kinh tế.
Tháng Tư năm nay, Roland Fryer của Đại học Harvard đã được trao giải thưởng Clark. Một sự vinh danh khá thú vị bởi nó cho ta biết về chủ đề mà Fryer là một chuyên gia (vấn đề người da đen ở Hoa Kỳ) và về cách thức vận hành của khoa học kinh tế đương đại.

Mở rộng lĩnh vực phân tích kinh tế

Nhận xét đầu tiên là chúng ta không còn ngạc nhiên khi thấy các nhà kinh tế học được tuyên dương vì những công trình của họ về những chủ đề như phân biệt chủng tộc (hoặc về việc là liệu có nên chi tiền mua màn chống muỗi hay không để chống lại bệnh sốt rét, như trường hợp gần đây với Pascaline Dupas (Stanford), người được Câu lạc bộ các nhà kinh tế học Pháp trao giải thưởng nhà kinh tế học trẻ tuổi nhất năm 2015).
Tại Hoa Kỳ, ngay cả cuộc thảo luận về những vấn đề chủng tộc cũng bị các nhà kinh tế học thống trị do họ đã chiếm lĩnh vị trí hàng đầu của các nhà xã hội học. Từ nay, chúng ta ngày càng hỏi nhiều các giáo sư kinh tế về cách thức giải quyết những vấn đề về sự thất bại trong giáo dục, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, hoặc tội phạm của những người da màu thiểu số.
Chính khía cạnh "người giải quyết vấn đề" ấy đặc trưng cho phương pháp tiếp cận của Fryer, một cách tiếp cận mà ông có thể triển khai dễ hơn nhờ có những số liệu thống kê về sắc tộc ở Hoa Kỳ, quốc gia mà không có vấn đề gì (ít nhất là bề ngoài) khi nói một người là "da đen" hay "da trắng" và là nơi mà một nhà nghiên cứu có thể viết rằng, ví dụ, kết quả khảo sát môn toán ở trẻ em da đen ở năm đầu học tiểu học thấp hơn 2% so với những trẻ em da trắng. Lãnh vực nghiên cứu đầu tiên của Roland Fryer quả nhiên là vấn đề giáo dục.

Tất cả đều diễn ra ở trường học

Steven Levitt (1967-)
Xem xét kết quả học vấn của trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau (từ 8 tháng tuổi đến 17 tuổi), Roland Fryer đã làm rõ (cùng với Steven Levitt) rằng sự chênh lệch về kết quả trong các bài kiểm tra là khá nhỏ ở năm đầu cuộc sống(!), để rồi được dần dần đào sâu sau đó.
Nhưng điều mấu chốt là phải tìm ra nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong học vấn, bởi vì chính những bất bình đẳng này giải thích bất bình đẳng xã hội trong tương lai. Nói cách khác, nếu người da đen tại Hoa Kỳ không giàu bằng người da trắng, thì trước hết đó là bởi vì họ học ít thành công hơn ở trường. Nhưng hiểu được nguồn gốc của sự thất bại mang tính tương đối này là điều khó, bởi vì chúng ta không thể quy nguồn gốc chỉ cho những sự khác biệt trong môi trường gia đình và trường học.
Tìm cách cung cấp giải pháp hơn là đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng được quan sát, Roland Fryer đã tiến hành những kiểm định ngẫu nhiên, dựa trên các cơ chế kích thích, tại hơn 200 trường học trong thành phố. Chẳng hạn, ông đã tiến hành phát tiền thưởng cho những học sinh nào đọc sách (ở Dallas) hoặc cho những học sinh có điểm cao (ở Chicago). Vô vọng! Kiểm định cho thấy, những kích thích bằng tiền không có tác dụng gì đến kết quả học tập. Thật vậy, có rất nhiều học sinh, tuy nhạy cảm với số tiền thưởng có thể nhận được, không có những nguồn lực (của cha mẹ, trường học, hoặc bạn bè đồng cấp) để có thể nhận được tiền thưởng.
Tất nhiên, chúng ta có thể cười khúc khích và nói rằng "kệ bọn người Mỹ đó, họ thực sự tin rằng tất cả mọi thứ đều có thể mua được! Rõ ràng là trả tiền cho những đứa trẻ thiệt thòi để chúng học hỏi là không đủ". Sự thật là vậy, nhưng có thật chắc không? Dù sao đi nữa, kết quả vẫn khá thú vị, bởi vì những diễn ngôn về "thanh niên chỉ quan tâm đến tiền thôi" có thể dễ dàng biện minh cho một kết quả ngược lại.
Một cách đối xứng, một thí nghiệm khác đã chỉ ra rằng những kích thích bằng tiền đối với giáo viên không có tác động gì đến thành tích học tập của học sinh.
Tuy nhiên, có một kết quả thú vị là nếu chúng ta thỏa thuận tiền thưởng cho giáo viên ngay lúc đầu cuộc thí nghiệm, rằng họ sẽ mất một phần hoặc toàn bộ số tiền thưởng nếu học sinh của họ thất bại, thì chúng ta thấy rằng kết quả học môn toán của học sinh khả quan hơn. Vì vậy điều này dường như cho thấy khả năng kiếm được nhiều tiền hơn không nhất thiết động viên giáo viên, nhưng nỗi lo mất tiền thưởng, thì có!
Nhưng điều được chứng thực là chính chất lượng của trường mới là yếu tố mang tính quyết định: khi học sinh được học trong một "charter school (trường bán công)", những trường tư này theo hợp đồng với chính quyền, miễn phí, nhưng có được một sự tự chủ về giáo dục rất rộng, thì kết quả học tập của học sinh được cải thiện đáng kể. Nói cách khác, chính môi trường mà học sinh đang học tập là yếu tố mang tính quyết định.
Cụ thể, có năm phương pháp thực hành giáo dục dường như đặc biệt hiệu quả: các giáo viên thường xuyên phản hồi cho học sinh; sử dụng dữ liệu để hướng dẫn công tác dạy trẻ; sử dụng rộng rãi phương pháp kèm cặp; dành nhiều thời gian hơn cho công tác giảng dạy; và những mong đợi kết quả học tập cao đối với học sinh. Không có gì mang tính cách mạng trong những kết quả trên, chỉ là việc xác nhận lại những gì chúng ta có thể cảm nhận.
Đáng tiếc, việc triển khai các phương pháp trên tại các trường có hoàn cảnh khó khăn lại có những hiệu ứng hạn chế: nếu kết quả môn toán có khá hơn (điều này rất quan trọng), thì kết quả ở môn đọc lại trì trệ. Có "một cái gì đó" dường như chống lại việc học tập hiệu quả. Có vẻ như chúng ta nên chuyển sang các yếu tố mang tính tập thể, văn hóa.

Từ chối "làm người da trắng" và ... thất bại

Nếu Fryer sử dụng ở mức độ cao nhất các kỹ thuật của kinh tế học thực nghiệm, dựa trên sự phân tích các kết quả có được từ các cá nhân bỏ qua tất cả các yếu tố về giai cấp hoặc tập thể, thì ông cũng không ngần ngại chuyển sang những giải thích mang tính xã hội hóa hơn, nếu có nhu cầu.
William Darity Jr. (1953-)
Cho dù ngay cả khi những giải thích ngây ngô của ông có thể làm cho một đọc giả của Bourdieu mỉm cười, thì Fryer cũng đã gây ra sự tranh cãi tại Hoa Kỳ khi phát triển giả thuyết cho rằng trẻ em da đen từ chối "làm người da trắng" (có nghĩa là phải học tập chăm chỉ) vì sợ bị bạn đồng cấp ruồng bỏ. Sự lý giải về "áp lực của bạn đồng cấp" mang tính khá truyền thống nhưng lại có "điều bất lợi", về mặt chính trị, đối với những người bảo vệ chính nghĩa của dân cư người da đen, vì như thế là quy một phần trách nhiệm của sự thất bại tương đối của trẻ em người da đen cho chính dân cư người da đen.
Do đó, William Darity Jr. đã phê phán Fryer là "phủ nhận ảnh hưởng của phân biệt chủng tộc" trong kết quả học tập của trẻ em da trắng, Darity cho thấy ông không chia sẻ "xu hướng đi tìm một lời giải thích dựa trên một loại rối loạn chức năng phát sinh từ tập thể" (được Stephen J. Dubner, phóng viên của tờ New York Times, trích dẫn).

Sau Piketty, Fryer

Thomas Piketty (1971-)
Fryer đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khác, về vấn đề quá trình phân loại hóa, hành động khẳng định[2], đo lường sự phân biệt chủng tộc, ảnh hưởng của dịch bệnh crack, hôn nhân giữa các chủng tộc, hay thậm chí chủ đề Ku Klux Klan!
Để tìm hiểu thêm về quỹ đạo phát triển khó tin của ông, từ một đứa trẻ sinh ra trong một bối cảnh bạo lực đến việc trở thành ngôi sao bóng rổ và bóng đá của Mỹ trước khi vào học tại một trường đại học uy tín nhất trên thế giới, chúng ta nên đọc chân dung hấp dẫn mà Stephen J. Dubner đã viết về ông. Chúng ta đặc biệt hiểu rằng, từng phải đối phó với bạo lực thời rất trẻ và từng một mình tự làm chủ cảm xúc của bản thân, Fryer đã tìm thấy ở môn toán học một công cụ “lạnh” để lĩnh hội thực tế cho phép ông giữ khoảng cách với đề tài nghiên cứu của mình mà vẫn nghiên cứu nó một cách chuyên sâu.
Stephen J. Dubner (1963-)
Như ông đã nói: "Cha tôi đánh tôi dữ lắm đến nỗi ông ấy đã làm cảm xúc của tôi thành một đòn bẩy. Tôi đã học cách làm nguôi chúng đi và khêu gợi chúng lên. Và đó là điều cần thiết khi nghiên cứu những vấn đề về chủng tộc".
Về mặt xã hội học về nhận thức, ta ghi nhận rằng việc bản thân là người da đen cho phép Fryer nêu lên những vấn đề mà các nhà nghiên cứu người da trắng không dám đặt ra, như Edward Glaeser (trích dẫn bởi Dubner) đã thừa nhận, nói rằng việc được làm việc với Fryer "tạo nên một hiệu ứng mang tính giải phóng".
(Chẳng hạn Fryer đã phát triển một giả thuyết khó tin theo đó, trong số những người nô lệ da đen, chính những người mà về mặt di truyền học, cơ thể có khả năng giữ lượng muối nhiều nhất, là những người có khả năng sống sót tốt nhất trong các thương vụ buôn bán nô lệ giữa ba châu lục, bởi vì điều đó cho phép cơ thể họ giữ được lượng nước. Tuy nhiên, hành trang di truyền học này, được truyền cho các thế hệ sau lại là điều bất lợi cho người da đen ngày nay, bởi vì trạng thái suy muối mạnh này dẫn đến những bệnh về tim mạch, mà theo Fryer, lý giải một phần tuổi thọ trung bình của dân cư người da đen ở Hoa Kỳ.)
Edward Glaeser (1967-)
Nói chung, cần lưu ý rằng Fryer sống trong một bối cảnh khá đặc biệt, trong một xã hội mà người ta lập luận (trong các thể chế thống trị của họ) bằng khái niệm chủng tộc; nơi cho phép tiến hành các cuộc thí nghiệm thực tế đối với học sinh; nơi mà các thể chế tư nhân giàu có tài trợ cho những nghiên cứu như vậy; nơi mà bản thân ông ta có không dưới bảy trợ lý nghiên cứu để thực hiện hiệu quả công trình nghiên cứu của mình; và nơi mà sự cấu trúc các lĩnh vực khoa học cho phép ông ta công bố các kết quả của mình trên những tạp chí lớn nhất.
Như vậy chúng ta chứng kiến, phải công nhận là bị mê hoặc, sự vận hành của cỗ máy này, một kiểu đối xứng với cỗ máy của Thomas Piketty. Cả hai người đều quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng, nhưng một người thì thiên về khoảng cách thành tích giữa "người da trắng" và "người da đen", trong khi người kia thì phân tích các quan hệ giữa thu nhập từ tư bản và thu nhập từ lao động. Một người thì đứng ở cấp độ cá thể, còn người kia thì đứng ở cấp độ kinh tế vĩ mô. Một người thì nhấn mạnh đến hành vi cá nhân, còn người kia thì nhấn mạnh đến các yếu tố quyết định trong dài hạn, v.v.
Không khó để nhìn ra ở đó những người đại diện cho hai truyền thống nghiên cứu, một nghiên cứu thì "theo kiểu Mỹ" hay "phương pháp luận cá thể", còn nghiên cứu kia thì "theo kiểu châu Âu" hay "tổng thể luận" hơn.
Gilles Raveaud
Nhưng đặc biệt hai nhà nghiên cứu trên đều có nhiều điểm chung, bắt đầu với Hoa Kỳ và cách thức tiến hành nghiên cứu ở đó. Cả hai nhà nghiên cứu – dù ở những mức độ khác nhau – đều thấy không cần thiết, hay phản hiệu quả, phải viện dẫn những phạm trù lớn của kinh tế học chính trị cổ điển, chẳng hạn như giai cấp xã hội.
Tất nhiên chúng ta có thể hối tiếc điều ấy và mong muốn có những công trình như vậy tiếp tục được tiến hành.
Nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta không thể nói rằng khoa học kinh tế đương đại không nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề về bất bình đẳng!
Gilles Raveaud
Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Paris 8 Saint-Denis
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Connaissez-vous le Piketty noir?”, Alterecoplus, 09/6/2015
--------
Bài có liên quan trên PTKT:




[1] Thực ra đó là "giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel". Không có giải thưởng Nobel kinh tế với nghĩa sát sao nhất.

[2] Affirmative action hay positive discrimination (còn được gọi là employment equity ở Canada, reservation ở Ấn Độ, positive action ở Anh, …) là những chính sách ưu đãi thành viên của những nhóm bị thiệt thòi do bị phân biệt đối xử (giới tính, sắc tộc, v.v.) (ND).

Print Friendly and PDF