13.8.15

Kinh tế học được dùng vào việc gì?


Alan Kirman (1939-)

Kinh tế học được dùng vào việc gì?

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đưa những bất cập của kinh tế học vĩ mô thành một sự kiện khắc nghiệt. Chuyên mục này cho rằng quan niệm hẹp về kinh tế học vĩ mô như là một hệ thống cân bằng là có vấn đề. Các nhà kinh tế nên từ bỏ các lý thuyết cố hữu và hiểu kinh tế học vĩ mô như là một môn học tự tổ chức. Tôi đề xuất một số gợi ý chi tiết về những ý tưởng thay thế, phản ánh tốt hơn bằng chứng thực nghiệm, để các nhà kinh tế có thể giảng dạy cho sinh viên sau này.
Câu hỏi đơn giản được nêu lên trong một hội thảo gần đây do Diane Coyle tổ chức tại Ngân hàng [trung ương -ND] Anh là công tác giảng dạy kinh tế học đã - hoặc nên - được sửa đổi đến mức nào dưới ánh sáng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay? Câu trả lời đơn giản là ngành kinh tế học không chắc sẽ thay đổi. Tại sao các nhà kinh tế sẵn sàng từ bỏ phần lớn vốn con người của họ, khó khăn lắm mới tồn tại được trong hơn hai thế kỷ qua? Đối với các nhà kinh tế học vĩ mô nói riêng, họ được gợi ý rằng việc điều chỉnh các mô hình hiện hữu phải xem xét đến những “ma sát” hoặc “sự không hoàn hảo” là đủ để giải thích sự diễn tiến hiện tại của nền kinh tế thế giới. Ý tưởng là một khi sinh viên hiểu được những vấn đề cơ bản, thì có thể giới thiệu cho họ các điều chỉnh trên.

Một bước ngoặt trong kinh tế học

Paul Seabright (1958-)
Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế khác như bản thân tôi cảm thấy rằng chúng ta đã tới một bước ngoặt trong kinh tế học, cần phải thay đổi triệt để cách thức chúng ta nhận thức và mô hình hóa nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng là một cơ hội thuận lợi để điều tra các cách tiếp cận mới một cách cẩn thận. Paul Seabright nhận định hoàn toàn đúng, các nhà kinh tế có xu hướng mô tả thiếu chính xác công trình của họ như là một sự cải thiện ổn định và liên tục các mô hình trong khi, trên thực tế, họ lại có xu hướng theo đuổi một thực tế thực nghiệm vốn thay đổi rất nhanh giống như mô hình của họ. Tôi còn đi xa hơn nữa, thay vì có những tiến bộ vững chắc hướng tới việc giải thích các hiện tượng kinh tế, các nhà kinh tế chuyên nghiệp lại tự nhốt mình vào trong một tầm nhìn hẹp về nền kinh tế. Chúng ta liên tục thiết kế những mô hình ngày càng phức tạp hơn bên trong tầm nhìn đó cho đến khi, như Bob Solow nói, "người nông dân không am tường tự hỏi mình đang ở trên hành tinh nào" (Solow 2006).
Trong chuyên mục này, tôi sẽ phác thảo nhanh một số vấn đề mà ngành kinh tế học đối mặt; những vấn đề đã được trưng ra trong bối cảnh khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng hiện nay. Sau đó, tôi sẽ trở lại với những gì mà chúng ta nên cố giảng dạy cho sinh viên về kinh tế học.

Những quan điểm cố hữu về lý thuyết và thực tế

Ảnh minh họa của Rick Billings
Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu minh họa cho thái độ điển hình của các nhà kinh tế. Về cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, ông nói:
"Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là một cái gì đó mà người ta đã nói đến nhiều năm trước và sau đó không nói nữa: đồng euro giống như con ong ruồi. Đây là một điều bí ẩn của tự nhiên bởi vì nó không nên bay, nhưng thực tế nó lại bay. Vậy, đồng euro là con ong ruồi bay rất giỏi trong nhiều năm. Và bây giờ - và tôi nghĩ mọi người cũng hỏi "làm thế nào được?" - có lẽ có một cái gì đó trong khí quyển, trong không khí, khiến cho con ong ruồi bay. Bây giờ cái gì đó trong không khí đã thay đổi, và chúng ta biết đó là điều gì sau cuộc khủng hoảng tài chính. Con ong ruồi sẽ phải chuyển thành một con ong thật. Và đó là những gì nó đang làm" (Draghi 2012)
Mario Draghi (1947-)
Điều mà Draghi nói là, theo các mô hình kinh tế của chúng ta, khu vực đồng Euro không nên bay. Các nhà côn trùng học (những người nghiên cứu côn trùng) xưa với các mô hình đơn giản hơn đi đến kết luận rằng con ong ruồi không nên có khả năng bay. Phản ứng của họ sau này là nghĩ lại về các mô hình của họ dưới ánh sáng của những bằng chứng không thể chối cãi. Tuy nhiên, bản năng của nhà kinh tế là nỗ lực điều chỉnh thực tế để phù hợp với một mô hình đã được xây dựng trên một lý thuyết lâu đời. Đáng tiếc, bản thân lý thuyết đúng đắn trên lại dựa vào những nền tảng không vững chắc.

Lý thuyết kinh tế có thể lầm đường lạc lối

Mọi sinh viên về kinh tế học đều đối mặt với mô hình của những cá nhân tối ưu hóa trong thế biệt lập, những người thực hiện sự lựa chọn của mình trong những giới hạn do thị trường áp đặt. Bằng cách này hay cách khác, các tiên đề về tính duy lý áp đặt lên cá nhân đó lại không mang tính thuyết phục, đặc biệt đối với các sinh viên năm thứ nhất. Nhưng sinh viên được bảo rằng mục đích của bài tập là cho thấy có một sự cân bằng, một điểm mà giá cả sẽ làm cho tất cả các thị trường đều đồng thời cân bằng. Và, ngoài ra, sinh viên cũng được dạy rằng một trạng thái cân bằng như vậy có những đặc tính phúc lợi đáng mong muốn. Quan trọng hơn, sinh viên được bảo rằng kể từ những năm 1970 người ta đã chứng minh được là cho dù một hệ thống giá cân bằng như vậy có thể tồn tại, nhưng chúng ta không thể chỉ ra nền kinh tế có đạt được trạng thái cân bằng đó không, cũng như trạng thái cân bằng đó có phải là duy nhất không.
Sau đó, sinh viên chuyển sang kinh tế học vĩ mô và được nghe nói rằng nền kinh tế tổng hợp hay thị trường hoạt động giống như cá nhân trung bình mà sinh viên vừa được học. Sinh viên không được bảo rằng các mô hình tổng quát trên thật ra phản ánh thực tế một cách rất kém. Đối với nhà kinh tế học vĩ mô, đây là một ân huệ khi mà bây giờ ông ta có thể phân tích những phân bổ tổng gộp trong một nền kinh tế như thể chúng là kết quả của những lựa chọn duy lý của một cá nhân. Sinh viên có thể thấy điều này càng khó nuốt hơn khi thấy rằng các sở thích, lựa chọn và dự báo của con người thường bị ảnh hưởng bởi những người tham gia khác trong nền kinh tế. Sinh viên phải mất một thời gian dài để chấp nhận ý tưởng cho rằng có thể đồng hóa được những lựa chọn của nền kinh tế với những lựa chọn của một cá nhân.

Một sự lựa chọn gây bối rối cho các nhà kinh tế học vĩ mô

Các nhà kinh tế học vĩ mô đang đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt: hoặc từ bỏ ý tưởng cho rằng có thể theo đuổi phân tích kinh tế học vĩ mô trong khi vẫn đưa ra những giả định về cá nhân cô lập, bỏ qua sự tương tác; hoặc né tránh mọi vấn đề cơ bản bằng cách giả định rằng nền kinh tế luôn ở trong trạng thái cân bằng, né luôn câu hỏi làm thế nào để đạt được trạng thái cân bằng đó.

Sốc ngoại sinh? Hay là một hệ thống tự tổ chức?

Như vậy các nhà kinh tế học vĩ mô lo về một điều gì đó có vẻ như nghịch lý, đối với người ngoại đạo. Làm thế nào nền kinh tế trải qua các biến động hay chu kỳ mà vẫn giữ được trạng thái cân bằng? Ý tưởng cơ bản về kinh tế học vĩ mô, tất nhiên, là nền kinh tế đang ở trong một trạng thái ổn định và thỉnh thoảng vấp phải những cú sốc ngoại sinh. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn mâu thuẫn với ý tưởng cho rằng các nhà kinh tế có thể đối mặt với một hệ thống tự tổ chức, thỉnh thoảng có những thay đổi đột ngột và lớn.
Có hai lý do tại sao cách giải thích cuối tốt hơn cách giải thích đầu. Thứ nhất, sẽ rất khó tìm ra những sự kiện quan trọng để hướng sự chú ý nhằm giải thích những bước ngoặt lớn trong sự phát triển của các nền kinh tế. Thứ hai, tư tưởng cho rằng nền kinh tế đang trên con đường cân bằng nhưng thỉnh thoảng bị vùi dập bởi những cơn bão bất ngờ, không vượt qua được điều mà Bob Solow gọi là “kiểm định thử mùi". Trích lời của Willem Buiter (2009),
"Những ai trong chúng ta lo lắng về sự bất trắc nội sinh phát sinh từ sự tương tác của những người có tính duy lý hạn chế tham gia thị trường không thể nhưng làm cho chúng ta phân vân về sự khẳng định của các mô hình chính thống cho rằng mọi sự bất trắc đều mang tính ngoại sinh và cộng dồn."

Một số gợi ý về công tác giảng dạy

Cần phải có một tư duy mới:
• Chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phối hợp, thay vì tính hiệu quả, như là vấn đề chính của các nền kinh tế hiện đại. Việc nhấn mạnh đến nhân tố sau đã làm chúng ta sao nhãng sự chú ý đến nhân tố trước.
• Chúng ta nên chấm dứt nhấn mạnh đến ý tưởng cho rằng tổng gộp các lựa chọn và hành động của những con người trực tiếp tương tác với nhau có thể được nắm bắt chỉ thông qua việc xem tổng gộp ấy như thể đó là các lựa chọn và hành động của một người đại diện cho vô số người khác. Khoảng cách giữa hành vi vi mô và hành vi vĩ mô là điều đáng lo ngại.
• Chúng ta nên thừa nhận rằng một số các đặc điểm của các tổng gộp này được gây ra bởi bản thân sự các tổng gộp ấy. Phản ứng liên tục của tổng gộp có thể là kết quả của các cá nhân có những lựa chọn đơn giản, nhị phân và không liên tục. Đối với nhiều hiện tượng, nên suy nghĩ thực tế hơn là mỗi cá nhân đều có một ngưỡng - khiến họ phản ứng - chứ không phải là phản ứng theo cách nhẹ nhàng, từng bước đối với những thay đổi trong môi trường. Cournot từng có ý tưởng trên và thật đáng tiếc là chúng ta đã quên nó đi. Thật vậy, bản thân tổng gộp cũng có thể có những ngưỡng làm cho nó phản ứng lại. Khi có đủ lượng người đưa ra một sự lựa chọn cụ thể, thì toàn bộ xã hội có thể chuyển động theo. Khi lượng người quá nhỏ, thì sẽ không có chuyển động như thế. Chỉ cần nghĩ đến kết quả bầu cử là đủ hiểu điều này.
• Tất cả sinh viên đều buộc phải thu thập dữ liệu riêng của họ về một số hiện tượng kinh tế ít nhất một lần trong quá trình học tập. Qua đó, họ sẽ có được cảm giác về tầm quan trọng của các thể chế và về sự tương tác giữa các tác nhân và hệ quả của nó. Có lẽ, tốt nhất, điều này sẽ khôi phục lại sự nhiệt tình của họ đối với kinh tế học!

Một số cách sử dụng lý thuyết truyền thống

Điều này có phải là chúng ta nên ngưng dạy lý thuyết kinh tế “chuẩn” cho sinh viên không? Chắc chắn là không. Nếu làm như vậy, sinh viên sẽ không thể theo kịp các cuộc tranh luận kinh tế hiện nay. Như Max Planck đã nói, "Vật lý học không phải là khám phá ra các quy luật tự nhiên chi phối vũ trụ, đó là cái mà các nhà vật lý hiện đang làm". Cho đến nay, kinh tế học chuẩn là cái mà các nhà kinh tế đang làm. Nhưng điều chúng ta nợ sinh viên là đã không chỉ ra những khó khăn đối với cấu trúc và các giả định trong lý thuyết của chúng ta. Cho dù chúng ta vẫn còn xa với một sự chuyển đổi hệ chuẩn, trong dài hạn hệ chuẩn chắc chắn tất sẽ phải thay đổi. Tất cả chúng ta phải nhớ rằng tư tưởng kinh tế hiện nay một ngày nào đó sẽ được giảng dạy như là lịch sử tư tưởng kinh tế.

Tài liệu tham khảo

   Buiter, W (2009), “The unfortunate uselessness of most ‘state of the art’ academic monetary economics”, Financial Times online, 3 March.
   Coyle, D (2012) “What’s the use of economics? Introduction to the Vox debate”, VoxEu.org, 19 September.
   Davies, H (2012), “Economics in Denial”, Project Syndicate, 22 August.
   Solow, R (2006), “Reflections on the Survey” in Colander, D., The Making of an Economist. Princeton, Princeton University Press.
Alan Kirman
Giáo sư danh dự tại Đại học Universite Paul Cezanne ở Aix-en Provence, Giám đốc nghiên cứu tại trường Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales (EHESS), và là thành viên của viện Institut Universitaire de France.
Alan Kirman
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “What’s the use of economics?” của Alan Kirman trong VoxEU.org ngày 29 tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF