9.8.15

Một cuộc đàm luận với Amartya Sen

Amartya Sen (1933-)

Một cuộc đàm luận với Amartya Sen

Lý do ban đầu khiến tôi thực hiện các cuộc đàm luận với các kinh tế gia là nhằm đối chiếu cách hiểu của bản thân về công việc của họ (Klamer, 1983). Tuy nhiên, các cuộc đàm luận hóa ra đã tác động đến cách hiểu đó của tôi. Có vẻ như kinh tế học không những hữu ích và thách thức, mà còn khá thú vị. Đáng lẽ ra tôi phải dự đoán trước được điều này. Rốt cuộc, còn lý do nào khác khiến các kinh tế gia thường làm gián đoạn việc đọc những bài viết của nhau và tụ tập trong phòng làm việc, quán cà phê và phòng hội thảo để thảo luận về những điều họ đang trăn trở, ngoại trừ lý do họ có được lợi ích từ những cuộc thảo luận không chính thức này? Các cuộc đàm luận dường như hé lộ các chiều kích của diễn ngôn mà phần nào thiếu vắng trong kinh văn. Do vậy, tôi đã tìm ra một lý do hay hơn khiến tôi thực hiện các cuộc đàm luận với các kinh tế gia; ấy là, tìm hiểu ngụ ý của văn bản đằng sau nguyên bản viết.
Vào tháng 12/1985, tôi đã quyết định tận dụng cơ hội lưu lại Oxford và đàm luận cùng Amartya Sen, người thực hiện xuất sắc nhiều vai trò khác nhau như một triết gia trong số các kinh tế gia, một người tiên phong trong lý thuyết lựa chọn xã hội, một nhà phê bình đối với các giả định cơ bản trong lý thuyết phúc lợi và lựa chọn tân cổ điển, một kinh tế gia đã có nhiều đóng góp đáng kể cho lĩnh vực nghiên cứu về nạn đói và tình trạng nghèo khổ, một chuyên gia thống kê phát minh ra các phương pháp lượng hóa tình trạng nghèo khổ. Ông đã đảm nhiệm vai trò Chủ Tịch Hội Kinh Trắc và hiện là Chủ Tịch Hiệp Hội Quốc Tế Về Kinh Tế Học.

Đó là một ngày rét mướt, mù sương tháng 12/1985. Cánh cửa mà người nhân viên gác cổng của trường All Souls College chỉ cho chúng tôi (tôi đi cùng Rob Fisher đến từ trường Holy Cross College[2]) bị khóa nên chúng tôi đã đợi ngoài sân, tựa vào bức tường ắt hẳn là rất lâu đời. Mười phút sau Sen xuất hiện trong bộ dạng đang chạy vào trong sân, rối rít xin lỗi vì đến muộn. Chúng tôi đi lên phòng làm việc của ông, nó trông giống một căn hộ hơn, một căn hộ hết sức bừa bộn, với giấy tờ và sách vở chất chồng lên nhau và vương vãi khắp nơi. Chúng tôi phải dọn trống chiếc trường kỷ và hai chiếc ghế trước khi chúng tôi có thể ngồi xuống và chuyện trò.
Quá trình đào tạo
Ông trở nên hứng thú với kinh tế học như thế nào?
Đối với một người đến từ Ấn Độ thì đây không phải là câu hỏi khó. Các vấn đề kinh tế nhấn chìm chúng tôi xuống đáy sâu vực thẳm. Khi tôi lên chín, đất nước chúng tôi gánh chịu nạn đói Bengal (tác giả: khi đó là năm 1943.) Đó là một trải nghiệm rất khó phai: lượng nạn nhân bất ngờ vượt lên con số hàng triệu người – điều này dường như hoàn toàn không thể tìm thấy ở bất cứ đâu, lượng tử vong đạt đến con số đáng kinh ngạc. Theo dữ liệu thống kê chính thức, số người tử vong do nạn đói ước đạt mức từ 1 cho đến 1,5 triệu người. Sau này tôi đã ước lượng lại con số này và phát hiện ra rằng 3 triệu người mới sát với thực tế hơn. Dĩ nhiên là chúng ta đã không biết được các con số tuyệt đối, nhưng hậu quả nặng nề của thảm họa là rõ ràng ngay cả đối với một đứa trẻ. Tôi nhớ như in những cảnh tượng đau lòng khi hơn ba thập niên sau đó tôi nỗ lực thực hiện một phân tích kinh tế về các tiền đề nhân quả và các quá trình tiến triển của nạn đói.[3]
Ngay từ đầu, tôi đã cực kỳ quan tâm đến các vấn đề kinh tế – thật ra là không có lựa chọn nào khác. Nhưng khi còn là sinh viên, tôi cũng có hứng thú với khoa học, toán học, triết học và tiếng Phạn. Sau khi bắt đầu học đại học về các môn khoa học tự nhiên, tôi đã chuyển hướng sang kinh tế học tại trường Presidency College, Calcutta.
Sukhamoy Chakravarty (1934-1990)
Tại sao?
Có vẻ như kinh tế học không những hữu ích và thách thức, mà còn khá thú vị. Có nhiều người học kinh tế học tại Presidency mà tôi thấy rất lôi cuốn, như Sukhamoy Chakravarty - một trí tuệ đáng nể. Còn có những nhân vật khác nữa. Họ đều cực kỳ hứng thú với kinh tế học; hầu như họ cũng quan tâm đến chính trị, nghiêng về phía cánh tả, có xu hướng chiếm lĩnh thêm một cách đầy quyền lực ở một quốc gia như Ấn Độ. Do vậy mà tôi quan tâm đến cánh tả - tôi e rằng mình chỉ quan tâm đến mức độ học thuật không thôi - nhưng sự gắn bó của tôi với kinh tế học bao hàm niềm đam mê về xã hội, bên cạnh sự quyến rũ về trí tuệ.
Ông đang đề cập đến loại chính trị cánh tả nào?
Tôi chưa bao giờ tham gia vào bất cứ tổ chức chính trị nào. Nhưng Marx có ảnh hưởng đáng kể lên hầu hết sinh viên vùng Bangal học ở Calcutta, Dhaka và ở nơi khác. Tôi cũng rất chú ý đến Aristotle, Smith, Mill, và thậm chí là Bernard Shaw, nhưng Marx hiện diện thường xuyên trong các thảo luận và tranh luận của chúng tôi về chính trị.
Ông đã nghiên cứu loại kinh tế học nào vào thời điểm đó?
Có một chút hiện tượng tâm thần phân liệt về vấn đề này. Tại trường Presidency College, người ta giảng dạy loại kinh tế học được minh định hạn hẹp là kinh tế học chuẩn tân cổ điển. Tôi tin rằng, đây cũng là thực tế diễn ra trong bất kỳ trường đại học nào ở Ấn Độ vào thời điểm đó. Nhưng bên ngoài lớp học, chúng tôi thảo luận rất nhiều về chính trị và xã hội. Thảo luận về lịch sử và văn học cũng rất sôi nổi.
Kinh tế học tân cổ điển được giảng dạy cho chúng tôi có chất lượng không chỉ do được dạy rất hay – một trong những người thầy của tôi, Bhabatosh Datta, có lẽ là giảng viên kinh tế học giỏi nhất mà tôi từng gặp – mà còn bởi chúng tôi phải đọc nhiều tác phẩm kinh điển của kinh tế học tân cổ điển. Cuốn Principles (Principles of Economics – Các nguyên lý cơ bản của kinh tế học – ND) của Marshall là một trong những tác phẩm kinh tế học đầu tiên mà tôi đã đọc và cả cuốn Value and Capital (Giá trị và Tư bản) của Hicks. Chúng tôi được khuyến khích đọc những cuốn sách có tính thách thức; đa số trong chúng tôi đã đọc cuốn Foundations (Foundations of economic analysis – Các nền tảng của phân tích kinh tế – ND) của Samuelson trước cuốn Introduction (Introduction to Economics – Nhập môn kinh tế học – ND) của ông. Sau này tôi phản biện khá nhiều việc Samuelson sử dụng quan niệm hẹp về sự duy lý và những ý tưởng liên quan, nhưng đọc sách của ông rõ ràng là rất thích thú và bổ ích từ trí tuệ được chuôi rèn và thú vị của ông. Cũng có nhiều mối quan tâm lớn đối với những tác phẩm kinh điển cũ hơn của Smith, Ricardo, Mill và những tác giả khác. Sau khi tôi lấy bằng đại học, tôi đến Cambridge. Đó là năm 1953. Đi vào chi tiết, có một bước lùi trong kinh tế học mà tôi được yêu cầu nghiên cứu so với những gì tôi đã nghiên cứu ở Calcutta. Giải thích theo cách có thể hiểu được là do Cambridge tự hào – một cách chính đáng - về tài sử dụng khôn khéo lí lẽ thông thường, và cũng do giới trí thức Bengal đặc biệt dễ có xu hướng mắc bệnh trưởng thành sớm trước tuổi về mặt trí tuệ.
Ông học cùng với ai ở Cambridge?
Maurice Dobb[4]Piero Sraffa[5] là những người thầy của tôi tại trường Trinity College. Tôi cũng được biết Dennis Robertson[6] khá rõ, người cũng dạy ở trường Trinity College. Tôi đã gặp nhiều người trong số họ, và hẳn nhiên là cũng diện kiến các giảng viên ở nơi này nơi nọ trong trường đại học – như Berrill, Johnson, Silberston và những người khác. Vào năm thứ hai, tôi có làm các bài tiểu luận nộp cho Joan Robinson[7].
Họ có quan trọng đối với ông không?
Vâng, đặc biệt là Maurice Dobb vì như tôi đã nói ngoài kinh tế học tôi còn quan tâm đến chính trị. Ông ta là một học giả rất toàn diện trong lĩnh vực kinh tế chính trị. Ông là người theo trường phái marxist, nhưng hầu như cũng được biết đến rộng rãi ở các tư tưởng truyền thống khác. Ông là một trong những nhân vật ít giáo điều nhất mà người ta có thể nhắc đến. Ông đã khiến tôi cực kỳ hứng thú với những vấn đề cổ điển như động cơ ẩn sau các lý thuyết về giá trị.
Maurice Dobb (1900-1976)
Tôi cũng rất hứng thú với Piero Sraffa, không phải do các nghiên cứu kinh tế của ông, mà bản thân tôi cho rằng có đôi chút có tính quá kĩ trị và tẻ nhạt, mà là do những cuộc đàm luận của chúng tôi về bản chất của kinh tế học, triết học và chính trị. Ông ta là một trong những nhân vật thông minh tuyệt đỉnh mà tôi từng gặp, hết sức độc đáo và quan tâm đến hàng loạt vấn đề. Vì những lý do chưa hoàn toàn rõ ràng, ông đã giới hạn những công trình nghiên cứu kinh tế của mình trong những chủ đề khá hẹp và khá máy móc. Ông có những ý tưởng tuyệt vời đối với những chủ đề như tính duy lý, hành vi con người, vai trò của xã hội trong quá trình hình thành giá trị, vai trò của chính trị trong quá trình hình thành lý thuyết kinh tế, và v.v. Tôi không cho là ông đã chấp bút viết về những chủ đề này. Trò chuyện với ông về những chủ đề này thực sự là lý thú hơn là bàn về “Tái chuyển đổi kĩ thuật” (“double switching” hay “reswitching of techniques” – ND) và những phát minh mang tính kỹ thuật dường như là cơ sở tạo nên uy tín của ông trong kinh tế học. Sraffa chủ yếu nói về con người, nhưng đa phần là viết về hàng hóa.
Dennis Robertson (1890-1963
Và tiếp theo là Robertson cũng rất quan trọng. Ông đã đưa ra những lý do hợp lý và có tính phê phán để tỏ ra hoài nghi đối với chủ nghĩa hành vi, bao gồm cả ý niệm về sở thích hiển lộ mà sau này đã nắm giữ vai trò kiểm soát kinh tế học. Ý tưởng cho rằng chúng ta chỉ có thể hiểu được con người ở khía cạnh hành vi của họ, và sau đó là chỉ hiểu được hành vi phi ngôn ngữ của họ, không bao giờ thông qua đối thoại – “không trò chuyện, chỉ quan sát” – là rất xa lạ với thành tố marshallian của truyền thống Cambridge, một truyền thống mà tôi rất ngưỡng mộ. Người thừa kế tự nhiên của truyền thống Cambridge trong thời sinh viên của tôi là Dennis Robertson.
Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có thể trò chuyện và tranh luận với những nhân vật này về nhiều vấn đề khác nhau. Và dĩ nhiên là tôi cũng biết Joan Robinson. Bà đã hỗ trợ học thuật đặc biệt cho tôi ở năm thứ hai và sau này là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi, cùng với Amiya Dasgupta, một lý thuyết gia kinh tế học rất sâu sắc đến tuyệt vời,[8] người đầu tiên khai tâm cho tôi đi theo con đường kinh tế học ở Ấn Độ vào năm 1951.
Ông thấy làm việc với Joan Robinson như thế nào?
Joan Robinson (1903-1983)
Tôi tương tác với bà ấy rất tốt. Mặc dù bà có những điều rất thích và những điều cực ghét, và bà khá là không ưa những điều mà bản thân tôi cảm thấy rất hứng thú (ví dụ như kinh tế học phúc lợi), bà là một người tuyệt vời để trò chuyện về lĩnh vực nghiên cứu của bà. Bản thân tôi rất ngưỡng mộ bà. Nhưng đối với tôi, quan điểm kinh tế của bà không thuyết phục lắm. Kỳ lạ làm sao khi bà chính là người duy nhất thực sự cố gắng bền bỉ và tỉnh táo hòng làm tôi thay thổi định hướng nghiên cứu.
Tôi viết luận văn tiến sĩ về “The Choice of Techniques” (Sự lựa chọn các kỹ thuật),[9] một chủ đề mà bà công nhận là thích đáng, tuy nhiên tôi cũng đang trở nên hứng thú với kinh tế học phúc lợi, mà bà cho rằng vô nghĩa. Bà có cái nhìn về đạo đức của một con người theo chủ nghĩa thực chứng thuần túy, và không hứng thú với những tranh luận về sự thịnh vượng, phản biện xã hội và các đánh giá mang tính chuẩn tắc. Bà muốn lôi tôi ra khỏi “mớ rác rưởi có tính đạo đức”. Maurice Dobb động viên tôi nhiều hơn, và cởi mở hơn về mối quan tâm của tôi đối với các vấn đề đạo đức và kinh tế học phúc lợi. Ông không đồng tình khi tôi hăng hái nghiên cứu lý thuyết lựa chọn xã hội, nhưng ông cực kỳ khoan dung – luôn luôn sẵn sàng lắng nghe, tranh luận, phản hồi. Tôi nhớ lần bàn về cảm giác kỳ diệu mà tôi có được sau khi đọc tác phẩm Social Choice and Individual Values (Lựa Chọn Xã Hội và Các Giá Trị Cá Nhân) của Kenneth Arrow được xuất bản vài năm trước. Ông muốn đảm bảo rằng kết quả nghiên cứu của Arrow không “chỉ là đại số” (Sen đưa hai tay lên ra hiệu dấu ngoặc kép), và yêu cầu tôi viết những nội dung có liên quan dưới dạng phi hình thức hóa. Chúng tôi đã có những cuộc đàm luận hấp dẫn về chủ đề này, và tôi học được rất nhiều điều từ những câu hỏi đầy thách thức và từ sự nghiên cứu cẩn thận của Dobb.
Joan nghĩ rằng mối quan tâm của tôi đối với kinh tế học phúc lợi và lý thuyết lựa chọn xã hội phản ánh sự thất bại hiển nhiên trong việc nắm bắt được vấn đề nào thực sự là quan trọng. Lâu sau đó, khi tôi viết cuốn Collective Choice (Lựa Chọn Tập Thể),[10] bà đã viết cho tôi một lá thư khẳng định rằng tôi đã từng nói với bà là khi nào tôi viết xong quyển sách, tôi sẽ trở lại và nghiên cứu kinh tế học đúng nghĩa. Tất nhiên là tôi đã không nói bất cứ điều gì như thế, và ắt hẳn là bà đã ngoại suy phát biểu dĩ hòa vi quý nào đó của tôi. Bà đã hy vọng tôi trở lại nghiên cứu những chủ đề mà bà xem là kinh tế học đúng nghĩa. Đối với bà, chỉ có lý thuyết tư bản, lý thuyết tăng trưởng, lý thuyết phân phối thu nhập là những vấn đề trọng tâm.
Về kinh tế học phúc lợi
Điều gì khiến ông quan tâm đến định hướng nghiên cứu kinh tế học phúc lợi?
Vâng, hẳn nhiên đây là một chủ đề quan trọng. Và hầu như là không được chú ý đến theo cách của kinh tế học thực chứng vào thời điểm đó. Tôi cảm thấy cần thiết phải quay trở lại mối quan tâm truyền thống trong kinh tế học với phúc lợi con người và đánh giá xã hội. Niềm tin cơ bản này cũng được bồi đắp bởi sự hứng thú của bản thân đối với kinh tế học truyền thống và đối với căn nguyên của lý thuyết giá trị. Lúc đó tôi tin chắc rằng việc xem các lý thuyết giá trị – dù là lý thuyết giá trị lao động hay lý thuyết giá trị lợi ích – chỉ là ước lượng xấp xỉ để dự báo giá cả tương đối là mội sai lầm; người ta có thể sử dụng hiệu quả các lý thuyết giá trị để mô tả, diễn giải và tìm hiểu các đặc điểm của xã hội.
John Rawls (1921-2002)
Cũng có những yếu tố đánh giá mang tính chuẩn tắc trong cách nhìn của lý thuyết giá trị, giúp ước định thành tựu xã hội. Điều này rất dễ hiểu trong trường hợp lý thuyết giá trị lợi ích. Người ta có thể mở rộng bằng cách thoát ra khỏi cách diễn giải hạn hẹp mang yếu tố tâm lý về độ thỏa dụng để vươn tới các khái niệm cổ điển về giá trị sử dụng và thỏa mãn nhu cầu. Trong trường hợp lý thuyết giá trị lao động, ý niệm bóc lột gợi hứng cho người ta so sánh những gì đáng lẻ xảy ra – tất cả thành quả đền đáp nỗ lực của con người – với những gì đã thực sự xảy ra – hầu hết mang lại lợi ích cho những thành phần sở hữu nguồn lực phi con người. Có những vấn đề đạo đức gay go ngầm ẩn trong các phương pháp tiếp cận này, và các nhà kinh tế học chính trị theo trường phái cổ điển như Smith, Marx và Mill, chưa kể đến Aristotle, đã xem xét chúng một cách nghiêm túc, và gần đây các triết gia đạo đức thuộc nhiều trường phái khác nhau như Rawls, Nozick, Scanlon, Dworkin, Hare, Harsanyi và các nhân vật khác cũng thường thảo luận về chúng.
John Harsanyi (1920-2000)
Tôi tin rằng có một vấn đề khá lớn mà chúng ta cần khám phá. Các cách tiếp cận kinh tế học phúc lợi hiện hữu vào thời điểm đó bao gồm: thứ nhất, bác bỏ thực chứng; thứ hai, tách việc đánh giá phúc lợi ra khỏi kinh tế học phúc lợi – ví dụ như các kiểm định đền bù khiến cho các đánh giá chuẩn tắc cơ bản trở thành các khả năng có thể xảy ra, bất chấp thực trạng là tốt hay xấu; thứ ba, chỉ tập trung vào những sự so sánh không xung đột – kinh tế học phúc lợi Paretian vốn bị hạn chế do không phân tích các vấn đề phân phối; và thứ tư, nghiên cứu các hàm phúc lợi xã hội chúng ta có thể sử dụng mà không cần nhiều cơ sở thông tin, đặc biệt là không cần so sánh độ thỏa dụng giữa các cá nhân, hay không cần sử dụng bất cứ thông tin phi thỏa dụng nào – định lý bất khả của Arrow chỉ ra sự nghèo nàn về mặt thông tin của các khung phân tích kiểu như vậy. Tôi nghĩ rằng vấn đề thông tin rất là quan trọng, không chỉ để tránh các kết cục bất khả theo kiểu của Arrow, mà còn để tạo ra không gian phù hợp cho những khái niệm như công bằng, bình đẳng, tự do và thậm chí là hiệu quả. Nhưng bản thân tôi khi đó đã không hiểu được thấu đáo các vấn đề chính và đã không thể dồn sức theo đuổi chúng vào thời điểm đó. Theo kế hoạch nghiên cứu của tôi về vấn đề này, Dobb có vẻ là khá đồng tình; Sraffa có thái độ hoài nghi trong ôn hòa; Dennis Robertson lại cho rằng đó là vấn đề nhạy cảm để nghiên cứu, nhưng bản thân ông hiểu rõ rằng độ thỏa dụng cung cấp đầy đủ cơ sở cho kinh tế học phúc lợi. Joan Robinson nghĩ rằng đây hoàn toàn là một chủ đề nhàm chán. Khá lâu sau này tôi mới tìm cách quay trở lại với kinh tế học phúc lợi và nền tảng thông tin của lĩnh vực này.
Robert Nozick (1938-2002)
Nhiều việc ông làm mang tính phản biện những việc các kinh tế gia khác làm?
Vâng, mỗi nhà kinh tế không ít thì nhiều đóng vai trò phản biện cho các nhà kinh tế khác do đây là cách mà bạn đánh giá vị trí của mình – trong hệ tọa độ do những người khác hình thành nên. Nhưng thực tế là tôi đã chỉ trích tính hạn hẹp của kinh tế học hiện đại. Ý tôi muốn nói đến kinh tế học tân cổ điển, kinh tế học marxian thuần túy, kinh tế học tân keynesian thuần túy và v.v. cũng có tính hạn hẹp. Hầu hết các trường phái kinh tế học hiện đại hoàn toàn tập trung quá mức vào những vấn đề hạn hẹp, bỏ qua những lĩnh vực có tầm cỡ một mặt được quan sát thông qua các yếu tố chính trị học và xã hội học, mặt khác được quan sát thông qua các vấn đề triết học. Nhưng chính các vấn đề này thường là trọng tâm của các vấn đề kinh tế. Quan tâm đến những vấn đề này là một phần trong gia tài của chúng ta. Xét cho cùng, chủ đề của kinh tế học hiện đại, theo một nghĩa nào đó, được sáng lập bởi Adam Smith, vốn là một nhân vật có tầm nhìn vô cùng rộng lớn về kinh tế học.
Pierro Sraffa (1898-1983)
Smith là một hình mẫu hoàn toàn lý tưởng trong việc trao cho kinh tế học đúng vai trò của nó. Trong số các kinh tế gia cổ điển mà tôi thích đọc, đọc Smith là hứng thú hơn cả. Marx rất gần với cảnh giới đó. Người được xem là một nhân vật ưu việt, David Ricardo – các giáo sư hướng dẫn tôi là Piero Sraffa và Maurice Dobb đã dành trọn cuộc đời họ để hiệu chỉnh các nghiên cứu của ông – khiến tôi cảm thấy nhàm chán hơn cả khi đọc, mặc dù ông rất xuất sắc trong các phân tích thuần khiết của mình. Ông nghiên cứu khá hẹp, không thực sự xoáy sâu vào khía cạnh xã hội hay chính trị của kinh tế học. Tôi cảm thấy kỳ lạ là các kinh tế gia tân cổ điển và các kinh tế gia tân keynesians, vốn là hai phe đối lập nhau, lại có xu hướng đồng thuận với nhau về tầm quan trọng vô song của Ricardo. Ricardo là kinh tế gia đầu tiên có hướng nghiên cứu hẹp trong số các kinh tế chính trị gia cổ điển. Ông không nghiên cứu nhiều vấn đề, nhưng ông đánh giá một số vấn đề rất chặt chẽ. Đây là phương pháp tiếp cận đã mang lại nhiều thành tựu trong chuyên ngành của chúng ta, tuy nhiên phương pháp tiếp cận này cũng hạn hẹp và nói cho cùng là phản tác dụng. Bằng cách thu hẹp trọng tâm đáng kể – có thể là khá tùy tiện – những vấn đề gay go có thể trở nên rõ ràng một cách dễ chịu. Đơn cử là lý thuyết về tỷ suất lợi nhuận của lúa của Ricardo, sau này được Sraffa mở rộng thêm. Nhưng đây cũng là con đường khiến chúng ta không còn nhìn thấy được nhiều ảnh hưởng trọng yếu. Nói cho cùng, một nhà phân tích kinh tế phải tung hứng nhiều quả bóng, ngay cả khi có đôi chút vụng về, hơn là trưng ra màn trình diễn điêu luyện bậc thầy chỉ với một quả bóng nhỏ bé.
Về tính duy lý và Adam Smith
Ronald Dworkin (1931-2013)
Ông có đưa ra nhiều nhận định về giả định duy lý trong kinh tế học tân cổ điển. Ông có đồng ý rằng đó là một giả định nền tảng?
Vâng, tôi cho rằng đó là một giả định nền tảng. Không chỉ đối với kinh tế học tân cổ điển, mà còn cho cả các trường phái kinh tế học hiện đại khác. Dĩ nhiên, giả định “duy lý” chuẩn được xác định theo hai cách hoàn toàn khác nhau. Đôi lúc giả định duy lý được xác định là chạy theo tư lợi, đôi lúc lại được xem là hành vi nhất quán. Những người đứng về phía cách tiếp cận thứ nhất có vẻ thường dựa vào những nhận định của Adam Smith về khái niệm được gọi là con người kinh tế, nhưng lại không chú ý tới những tác phẩm khác của Adam Smith bao gồm cuốn The Theory of Moral Sentiment (Lý thuyết về tình cảm đạo đức), và, thực sự, một phần có nội dung tương thích trong cuốn The Wealth of Nations (Sự thịnh vượng của các quốc gia), trong các tác phẩm này Smith thể hiện cái nhìn bao quát hơn về động cơ của con người trong xã hội và đã không cho rằng chỉ có mục tiêu theo đuổi lợi ích cá nhân mới là duy lý.
Cách xác định sự duy lý thứ hai dựa trên ý tưởng – khá hiện đại – cho rằng duy lý chỉ là sự nhất quán nội tại trong các lựa chọn. Theo quan điểm này, bạn duy lý nếu bạn thực hiện các lựa chọn một cách nhất quán, ngay cả khi bạn vô tình lựa chọn ngược lại những gì bạn muốn và đánh giá cao! Nếu mẫu hình của tính nhất quán trong lựa chọn có mang những đặc điểm nhất định nào đó, mà chúng ta gọi là tính nhị nguyên của lựa chọn, thì chúng ta có thể biểu diễn hàm lựa chọn của cá nhân bằng một mối quan hệ hai ngôi; với một hệ thống giả định chặt chẽ hơn, mối quan hệ nhị nguyên sẽ là mối quan hệ thứ tự; với những giả định chặt chẽ hơn nữa, mối quan hệ thứ tự sẽ được biểu diễn bằng con số; và trong trường hợp này, mối quan hệ thứ tự sẽ mang những đặc tính bản số. Cấu trúc toán học rất gọn gàng và hữu dụng, và hẳn nhiên là có thể được sử dụng để đơn giản hóa các phân tích kinh tế trong nhiều bối cảnh, khi có giả định về hành vi duy lý. Nhưng tôi rất hoài nghi về tính thích đáng của cả hai cách nhìn nhận trên về sự duy lý.[11]
Thomas Scanlon (1940-)
Bài có tựa đề "Rational Fool's" (Những kẻ ngốc duy lý) (được in lại trong Sen, 1982) của ông đã phân tích rõ điều đó. Nhưng những người ủng hộ giả định duy lý vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng lối tư duy về hành vi kinh tế dưới dạng tối đa hóa hàm mục tiêu trong điều kiện các ràng buộc là có ý nghĩa. Và có phải như vậy không thưa ông?
Tôi cho rằng lối tư duy như vậy vừa có và vừa không có ý nghĩa. Một điểm cần được làm rõ là hành vi tối đa hóa hàm mục tiêu không dẫn đến sự tối đa hóa lợi ích cá nhân một cách rõ ràng. Hàm mục tiêu có thể hàm chứa những mục tiêu khác và các ràng buộc khác. Tôi cho rằng tư lợi thực sự là động cơ kích thích trọng yếu trong số nhiều động cơ khác của con người. Không ai phủ nhận điều đó, và dĩ nhiên, Adam Smith cũng nhìn nhận như vậy. Như ông đã viết, sự cẩn trọng, vốn bao hàm việc theo đuổi lợi ích cá nhân một cách khôn ngoan, là phẩm chất hữu ích nhất cho bản thân mỗi cá nhân, trong khi đó, ông cho rằng tính nhân văn, công bằng, bao dung và tinh thần cộng đồng là những phẩm chất hầu như mang lại lợi ích cho người khác – và tôi nghĩ rằng tôi đang sử dụng từ ngữ của ông ấy. Tôi cho rằng nhìn nhận chính xác vai trò mà chúng ta trao cho phần động cơ này của chúng ta, tức là việc theo đuổi lợi ích cá nhân một cách khôn ngoan, là điều quan trọng. Nói chung, nếu phần động cơ này đảm nhận một vai trò mà lại loại trừ tất cả các động cơ khác và tất cả các kiểu hành vi khác, thì chúng ta sẽ có một mô hình mô phỏng con người chắc chắn là không thể bao phủ được hết tính duy lý nói chung. Nếu con người có những mục tiêu và động cơ khác, vậy thì tại sao lý thuyết kinh tế lại buộc họ phải chạy theo lợi ích cá nhân? Có thể người ta thực sự muốn cổ xúy cho những mục tiêu vốn không đồng nhất với phúc lợi của họ, và họ không cảm nhận những mục tiêu đó như là lợi ích cá nhân của họ. Không có lý do gì giải thích tại sao con người không nên theo đuổi những mục tiêu khác. Ví dụ, nếu chúng ta muốn cổ xúy cho điều mà chúng ta nhìn nhận là lợi ích của một nhóm nào đó, chẳng hạn lợi ích của một gia đình, một cộng đồng, một lớp học, một đảng phái chính trị, một tổ chức xã hội, và thậm chí đánh đổi bằng sự hy sinh lợi ích cá nhân, thì có điều gì là phi lý trí trong việc theo đuổi mục tiêu đó một cách khôn ngoan chứ?
Hơn nữa, không có gì khẳng định rằng việc không ngừng theo đuổi lợi ích cá nhân là cách mô tả xác đáng hành vi thực sự của con người. Có hai vấn đề khác biệt như thế này: Hành vi duy lý là gì, và con người thực sự hành xử như thế nào? Dĩ nhiên, Milton Friedman cũng đặt câu hỏi là giả định nào về hành vi có thể giúp dự báo chính xác nhất? Đây là vấn đề quan trọng, mặc dù Friedman có một cái nhìn khá hạn hẹp về bản chất của kinh tế học khi chỉ tập trung vào khả năng dự báo. Dự báo chỉ là một trong những mục đích của lý thuyết kinh tế - có nhiều mục đích khác nữa, trong số đó có đánh giá, mô tả. Tuy nhiên, ngay cả ở phương diện dự báo, không có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng giả định tối đa hóa lợi ích cá nhân sẽ mang lại những kết quả dự báo chính xác nhất. Không có nhiều chứng cứ cho thấy rằng bạn sẽ dự báo chính xác bằng cách giả định con người luôn luôn tối đa hóa lợi ích và ngoài ra thì không còn mục tiêu nào khác. Nếu phải tìm nguyên nhân cho thành công về kinh tế của các quốc gia như Nhật Bản, quốc gia có cách hành xử mang đậm các chuẩn mực xã hội, thì chẳng giúp ích được gì cho việc dự báo khi chúng ta bỏ qua những chuẩn mực xã hội này và giả định rằng con người chỉ đơn thuần tối đa hóa lợi ích. Chẳng những mô tả tệ hại mà còn dự báo sai lầm nữa.
Chúng ta có thể kết hợp các động cơ khác mà ông đề cập vào các hàm mục tiêu?
Ở một mức độ nào đó là có thể, nhưng lại có nhiều vấn đề. Để tôi giải thích bằng cách phân biệt một số điều. Có ba cách khác nhau nhưng có liên quan với nhau để chúng ta là người tư lợi. (Ông ta chần chừ.) Tôi không chắc thuật ngữ nào trong số những thuật ngữ này là đúng. Vâng, thuật ngữ mà Adam Smith sử dụng – vị kỷ (self-love) – có lẽ là phù hợp nhất. Có ba thành tố của vị kỷ, có liên quan đến, theo thứ tự, phúc lợi cá nhân, mục tiêu cá nhân và lựa chọn cá nhân. Thành tố thứ nhất là phúc lợi của bạn được đặt làm trung tâm. Trong trường hợp này, phúc lợi của bạn chỉ phụ thuộc vào những gì bản thân bạn tiêu dùng và sở hữu: không có ngoại tác trong hàm phúc lợi cá nhân – sự sung túc của bạn không suy giảm nếu người khác chịu thiệt hại. Cũng không có sự ghen tị từ những người khác. Chúng ta có thể gọi thành tố vị kỷ này là lấy phúc lợi bản thân làm trung tâm (self-centered welfare). Thành tố này giới hạn cơ cấu phúc lợi cá nhân, nhưng bản thân không hiển lộ bất cứ thông tin gì về mục tiêu khả dĩ của bạn, hay các lựa chọn của bạn phụ thuộc vào điều gì.
Thành tố thứ hai có liên quan đến nội dung các mục tiêu của bạn. Thành tố này của vị kỷ bắt bạn phải chỉ tập trung vào việc thúc đẩy phúc lợi của riêng mình, bất chấp phúc lợi đó phụ thuộc vào cái gì. Liệu rằng phúc lợi đó chỉ phụ thuộc vào những gì bản thân bạn tiêu dùng không lại là một vấn đề khác, chính là vấn đề xác định thành tố thứ nhất. Thành tố thứ hai này – mục tiêu của phúc lợi bản thân (self-welfare goal) – chỉ nói về mục tiêu của riêng bạn chính là theo đuổi phúc lợi riêng của bạn. Thành tố thứ ba của vị kỷ - là thành tố khó làm rõ nhất – có liên quan đến các lựa chọn của bạn. Lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân (self-goal choice) đòi hỏi các lựa chọn của bạn phải dựa trên cơ sở tận dụng tất cả các công cụ trong tầm kiểm soát để theo đuổi các mục tiêu của bạn, không chú ý đến mục tiêu của những người khác mà bạn sống cùng, trừ khi những sản phẩm của họ có tác động trong chừng mực nhất định lên các mục tiêu của bạn. Lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân không gò ép mục tiêu của bạn, hay các nhân tố quyết định phúc lợi của bạn – chỉ khi lựa chọn của bạn hoàn toàn gắn chặt vào mục tiêu của bạn trong mỗi quyết định lựa chọn mà bạn thực hiện. Bạn có thể có bất cứ một trong ba thành tố này – lấy phúc lợi bản thân làm trung tâm, mục tiêu của phúc lợi bản thân, lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân – hay bất cứ sự kết hợp nào giữa chúng với nhau.
Đây là cấu trúc mà tôi đã cố gắng giải thích căn kẽ trong bài nghiên cứu "Goals, Commitment and Identity."[12] (Mục tiêu, cam kết và đặc điểm nhận diện). Khi bạn hội tụ đủ cả ba thành tố, bạn là người vị kỷ cực đoan. Rõ ràng là dạng vị kỷ cực đoan này được giả định là dạng chuẩn mực trong lý thuyết kinh tế học dòng chính, đơn cử như trong lý thuyết cân bằng tổng quát (general equilibrium) chuẩn. Bạn có thể loại hai thành tố đầu ra bằng cách thay đổi hàm mục tiêu, bổ sung thêm lòng trắc ẩn dành cho người khác – sự khổ đau hay hạnh phúc của người khác có thể ảnh hưởng đến phúc lợi của riêng bạn – và cam kết theo đuổi những mục tiêu khác ngoài mục tiêu tư lợi – trong trường hợp đó, mục tiêu của bạn sẽ không chỉ phụ thuộc vào sự sung túc của riêng bạn. Nhưng việc lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân không thể được tùy chỉnh theo cách này. Việc không lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân sẽ buộc bạn phải hành động ngược lại với hàm mục tiêu của chính mình ngay tức thì – cho dù hàm mục tiêu đó có dạng nào đi chăng nữa – có thể ở dạng hàm chứa mục tiêu và mục đích của người khác, hoặc có thể ở dạng theo đuổi chiến lược nào đó có lợi cho xã hội, giúp ích cho mục tiêu của tất cả mọi người.
Ý ông là đôi lúc chúng ta đưa ra quyết định lựa chọn mà kết quả lại mâu thuẫn với mục tiêu của chính mình có phải không?
Vâng, có thể nhưng không nhất thiết là như vậy. Ngay cả khi lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân bị vi phạm, chúng ta phải phân biệt các lý do khác nhau khiến chúng ta không lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân. Có thể là do những lý do xác đáng về mặt đạo đức khiến cho giá trị của lựa chọn không được đánh giá bởi kết quả của nó, một chủ thuyết được tranh luận mạnh mẽ bởi Bernard Williams và các triết gia khác. Một người sẽ bỏ qua cơ hội thúc đẩy mục tiêu cá nhân của mình vì một số giá trị đạo đức nào đó không được thể hiện trong hàm mục tiêu. Đây là một chủ đề thú vị và thực tế là tôi đã cố gắng nghiên cứu lập luận của luận điểm phi hệ quả về đạo đức.[13] Nhưng có một lập luận khác – hệ quả luận gián tiếp – mà chúng ta không được nhầm lẫn với một đạo đức học phi hệ quả luận. Theo lập luận về hệ quả gián tiếp, nguyên nhân cho việc đi chệch khỏi sự lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân có thể hoàn toàn căn cứ vào hệ quả của lựa chọn, nhưng vận dụng đến những lập luận có tính công cụ phức tạp hơn, bao gồm việc sử dụng các quy tắc xã hội. Nếu việc theo đuổi mục tiêu riêng của mình khiến cho tất cả mọi người đều không đạt được mục tiêu của bản thân, thì rõ ràng có một lập luận mang tính hệ quả luận của việc không theo đuổi mục tiêu riêng của bản thân trong mỗi hành động lựa chọn riêng biệt. Đây hẳn nhiên là một vấn đề cố hữu, và có liên quan đến trường hợp được gọi là quy tắc công lợi, mặc dù vấn đề có liên quan ở đây là việc sử dụng các quy tắc như công cụ, thay vì như các đánh giá, dựa trên độ thỏa dụng, vốn là một trường hợp rất đặc biệt. Ý tưởng chung là việc bác bỏ lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân – có nghĩa là kiềm chế không thực hiện một hành động nhất định nào đó giúp thúc đẩy tích cực mục tiêu của bản thân – có thể căn cứ trên lối tư duy hệ quả luận bằng khái niệm tương thuộc xã hội, và không được lẫn lộn điều này với việc bác bỏ lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân trên nền tảng của đạo đức học phi hệ quả luận. Trong khi việc phân tích các dạng thức trò chơi khiến chúng ta dễ dàng nhìn thấy được bản chất của vấn đề, hẳn nhiên chính là vấn đề từng được tranh luận một cách tổng quát từ rất lâu bởi Adam Smith và Immanuel Kant chẳng hạn.
 Ông gắn kết với Adam Smith bằng cách nào?
Từ Adam Smith, chúng ta có được phân tích rõ ràng về khả năng khi mục tiêu của những cá nhân khác nhau có phần tương thích và có phần mâu thuẫn nhau, đối với những người sinh sống trong cộng đồng xã hội thì việc đơn phương theo đuổi mục tiêu cá nhân có lẽ là việc làm không hợp lí. Điều này dẫn đến chủ đề hành vi dựa trên các chuẩn mực xã hội mà Adam Smith đặc biệt nhấn mạnh. Đây này … Tôi nên tìm đoạn này trong tác phẩm của Smith – tôi rất thích việc này (ông ta tìm đoạn văn), “Những quy tắc ứng xử chung, khi chúng được neo chặt trong suy nghĩ của chúng ta bằng phản xạ thói quen, rất hữu dụng trong việc điều chỉnh sự diễn giải sai lệch về vị kỷ có liên quan đến điều gì hợp lý và xác đáng để thực hiện trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta.” Ở đây, Smith muốn nắm bắt ý tưởng cho rằng trong một xã hội có những thứ hợp lý và xác đáng để thực hiện. Hành vi của chúng ta không chỉ dựa trên mục tiêu của chính chúng ta, mà còn căn cứ vào mục tiêu của những người khác. Mục tiêu cuối cùng chính là tất cả chúng ta tìm cách đạt được mục tiêu của riêng mình một cách tốt hơn. Sẽ không có ý nghĩa gì khi phát biểu rằng, “Nếu bạn đạt được loại thỏa hiệp này, vậy thì bất cứ điều gì bạn theo đuổi cũng chính là mục tiêu thực sự của bạn trong thực tế.” Không, ở đây lập luận có vận dụng sự chênh lệch mang tính công cụ xã hội so với việc đơn phương trực tiếp theo đuổi các mục tiêu của riêng mình trong thế biệt lập với xã hội. Bạn, cũng giống như những người khác, muốn theo đuổi mục tiêu của mình một cách hiệu quả hơn, nhưng bạn biết rằng những người khác cũng phấn đấu y như vậy, và bạn sẽ chen vào con đường của người khác. Trong trường hợp phụ thuộc lẫn nhau như trong tình huống Thế Lưỡng Nan Của Người Tù, mỗi người tù có thể gây ra tổn thất nhiều hơn cho mục tiêu của người tù kia so với lợi ích mà họ mang lại cho mục tiêu của chính mình nếu chỉ lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân. Trong bối cảnh đó, quy tắc phù hợp và xác đáng phải được tuân thủ, theo như Adam Smith viết, có thể dẫn đến sự nhìn nhận thích đáng mục tiêu của những người khác; nó có liên quan đến các chuẩn mực về đời sống trong một xã hội. Nó là vấn đề đời sống xã hội, quan hệ xã hội, hợp tác xã hội, thông qua việc chấp nhận sử dụng hành vi hợp lý và xác đáng như là công cụ.
David Kreps (1950-)
Thực ra, như chúng ta biết nhờ một số kết quả thực nghiệm của tình huống Thế Lưỡng Nan Của Người Tù, là người ta thường đi chệch khỏi mục tiêu hạn hẹp của cá nhân, ngay cả khi họ được chỉ bảo khác đi. Họ thường ghi nhận mối quan tâm và mục tiêu của những người khác trong trò chơi. Trong khi đó, có những lý thuyết rất thú vị phát triển bởi Axelrod, Kreps và những học giả khác, giải thích loại hành vi này thông qua tình huống Thế Lưỡng Nan Của Người Tù được lặp lại hữu hạn lần bằng cách đặt ra giả định về sự vô tri, ví dụ như không biết trò chơi sẽ lặp lại mấy lần, không biết những người chơi khác thực sự thích gì hơn, việc giải thích có thể nghiêng về hướng của Smith, bao gồm một lối tư duy tập thể khác biệt, hơn là bất cứ sự vô tri nào.
Ông có thể cho một vài ví dụ cụ thể không?
 Chúng ta không chỉ cạnh tranh với nhau; mà hầu như chúng ta còn có thể hợp tác với nhau là chủ yếu. Ví dụ, nếu nhân công trong một công xưởng chăm chăm theo đuổi các lợi ích hay các mục tiêu được cảm nhận một cách hẹp hòi, tôi không cho là bạn sẽ đạt được năng suất lao động thật cao. Nhiều hệ thống thành công hoàn toàn là vì con người có quy tắc ứng xử và có một số việc họ phải hoàn thành. Dĩ nhiên, điều này có thể bao gồm lòng trung thành, có ảnh hưởng đến các mục tiêu mà họ muốn thúc đẩy, và vì vậy chệch khỏi mục tiêu tư lợi, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Nhưng thêm vào đó, con người có thể không chăm chăm theo đuổi mục tiêu của riêng mình – bất luận họ là ai – và cũng còn có thể được dẫn dắt bởi việc thừa nhận các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau mang tính chiến lược – các công cụ của xã hội dưới dạng cầu của hành vi hợp lý và xác đáng. Điều này có liên quan đến việc nhận biết thực sự mục tiêu của những đối tượng khác, như của doanh nghiệp, của đồng nghiệp và thực tế cuộc sống trong những tình huống có sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội.
Tương tự, khi một tai nạn xảy ra hay khi một ai đó đang gặp nguy hiểm, bạn sẽ không tính toán để biết được rằng việc bạn ra tay giúp đỡ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thúc đẩy các mục tiêu của bạn. Bạn thực hiện một số việc nhất định ngay tức thì vì bạn tuân thủ theo những quy tắc ứng xử tích cực. Những quy tắc ứng xử này giúp người ta tin vào những gì mà họ kỳ vọng ở người khác. Do đó, lựa chọn nhằm mục tiêu cá nhân có thể bị bác bỏ, nhưng lại là một sự bác bỏ hữu ích. Các Quy tắc ứng xử có thể tạo ra một tình trạng ưu việt hơn cho tất cả mọi người. Các quy chuẩn được hình thành trong xã hội rất nhạy bén với các vấn đề công cụ xã hội.
Đương nhiên là con người không nhất thiết luôn ứng xử theo cách này. Và cách ứng xử như vậy cũng không phải là cách duy nhất để thấy được sự duy lý trong các bối cảnh tập thể. Nhưng đây là một cách để thấy được nhu cầu về lý trí, có liên quan đến điều có thể được gọi là lý trí xã hội. (Hiện tôi đang cố gắng viết một cuốn sách về chủ đề này). Các yêu cầu đối với tính duy lý trong lý luận mang tính thực tiễn là rất lớn, nhưng không nhất thiết phải là một tính duy lý đơn nhất. Có nhiều cách lý luận và có nhiều kết luận khả dĩ khác nhau phụ thuộc vào vấn đề nào được thực hiện một cách duy lý trong những tình huống này. Việc công nhận nhiều cách tiếp cận có thể chấp nhận được xoay quanh ý tưởng khái quát của sự duy lý là cực kỳ quan trọng.
Đây có phải là những yếu tố mới sẽ được đưa vào ngành kinh tế học không?
Đây không phải là những yếu tố mới. Ví dụ, Weber, Tawney và những học giả khác đã thảo luận về vai trò của giá trị trong sự xuất hiện thành công của chủ nghĩa tư bản. Đạo đức học được nhìn nhận là có góp phần cho sự thành công này. Hệ thống giá trị nào khiến cho chủ nghĩa tư bản thành công? Liệu rằng những phẩm chất đơn giản như sự trung thực, chất phác, giữ lời hứa và thực hiện đúng hợp đồng có giữ vai trò nào đó trong sự thành công của chủ nghĩa tư bản không, ngay cả khi những phẩm chất này có phần đi ngược lại với lợi ích trước mắt của một cá nhân? Đây là những câu hỏi xưa cũ. Chúng ta cần mở rộng những vấn đề như vậy để hiểu rõ hơn các vấn đề kinh tế hiện đại. Rất khó để lý giải về những thành công và những thất bại đa dạng trong sản xuất của các quốc gia khác nhau mà không đề cập đến sự khác biệt về các quy chuẩn ứng xử. Các quốc gia có một số kiểu quy chuẩn xã hội mạnh, như Nhật Bản, có được lợi thế đáng kể. Những vấn đề này có liên quan đến các phân tích mà Michio Morishima (1982), Ronald Dore (1983 và 1984) và các học giả khác trình bày gần đây, sử dụng những hiểu biết thực nghiệm sâu sắc rút ra từ các nghiên cứu về Nhật Bản và các nước khác.
 Nhiều nhà kinh tế tân cổ điển có thể trở nên căng thẳng vì tất cả những điều này. Nghe có vẻ thú vị nhưng chúng ta vận dụng chúng vào việc gì? Làm sao chúng ta có thể đưa những yếu tố đạo đức vào các mô hình của chúng ta?
Tôi nghĩ trước tiên bạn phải từ bỏ nhận thức nhất nguyên về một thứ tự đại diện cho, thứ nhất, quan điểm của bạn về tư lợi, thứ hai, mục tiêu của bạn, và thứ ba, lựa chọn của bạn. Tôi cho rằng hoàn toàn không có hy vọng gì về việc từ bỏ này. Trong bài nghiên cứu của tôi có tên “Rational Fools” (Những kẻ ngốc duy lý), mà bạn đã đề cập đến một cách rất tử tế, tôi đã cố gắng chỉ ra những hạn chế của một mô hình mà trong đó các chủ thể kinh tế không phân biệt được đâu là lợi ích của họ, đâu là mục tiêu và đâu là các cơ sở để lựa chọn.
Một cách giúp hình thành một sự chuyển hướng là đưa vào ít nhất ba mối quan hệ hai ngôi riêng biệt – nếu bạn phải triển khai dưới dạng quan hệ hai ngôi, dĩ nhiên là bạn không nhất thiết phải thực hiện như vậy, nhưng tôi sẽ không đào sâu vấn đề này ngay lúc này. Bạn có thể thắc mắc rằng các mối quan hệ hai ngôi riêng biệt này phản ứng với nhau như thế nào. Sự phản ứng có thể khác nhau. Bạn có thể kỳ vọng rằng sự phản ứng có thể khác biệt giữa nước Anh của bà Thatcher, vốn tập trung vào tư lợi và nước Nhật với các quy chuẩn ứng xử xã hội rất mạnh mẽ.
Công trình nghiên cứu mà bạn đã nhận thực hiện có nhiều khả năng được gọi là xã hội học. Nhưng công trình đó là kinh tế học vì cho đến rất gần đây người ta mới hiểu biết về kinh tế học. Adam Smith, Marx, Mill, ngay cả Edgeworth, Wicksell và Marshall đã xem những vấn đề loại này là những phần hoàn toàn chính đáng trong kinh tế học. Chỉ trong những năm gần đây người ta mới không xem loại nghiên cứu này là thuộc kinh tế học.
Tôi xin lấy một ví dụ. Bà Thatcher luôn nói về tầm quan trọng của việc tạo ra của cải, và bà xem đây là mục tiêu tốt nhất có thể được thực hiện tốt nhất thông qua quá trình theo đuổi lợi nhuận và lợi ích cá nhân. Nhưng rất có thể vấn đề tồn tại dai dẳng của nước Anh là họ có cơ cấu động cơ khuyến kích vô cùng hạn hẹp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của họ. Người Anh là những người phi thường trong bất cứ loại hình doanh nghiệp có quy mô nhỏ và độc lập nào mà giữa họ không có sự liên minh liên kết thành những nhóm lớn. Họ điều hành những quán rượu tuyệt nhất trên thế giới, với hai hoặc ba lao động, có thể là một gia đình. Không có nhiều hiện tượng trốn tránh công việc. Nhiều công việc hiệu quả. Ngược lại, bất cứ tình huống nào có liên quan đến các nhóm lớn hay làm việc tập thể, đòi hỏi sự thấu hiểu, cũng như là việc đáp ứng lợi ích và mục tiêu của nhau thì dường như sẽ phát sinh vấn đề. Đây là đặc điểm mà nước Nhật, hay nước Đức, hay thậm chí là Hoa Kỳ, vẫn có thể có lợi thế hơn, và bản chất các quy chuẩn xã hội và giáo dục đối với các mô thức hành vi là yếu tố quan trọng trong sự khác biệt này.
Liệu tôi hiểu rằng ông nói việc thúc đẩy mục tiêu tư lợi về kinh tế trong xã hội là một mối nguy có đúng không?
Vâng, ở đây có một số vấn đề cần được cân nhắc. Dĩ nhiên, một xã hội dựa trên động cơ tư lợi và không căn cứ vào giá trị hợp tác thì rất có thể là một xã hội ít hấp dẫn về mặt văn hóa, nhưng tôi không quan tâm đến vấn đề đó ở đây. Vấn đề có liên quan là hành vi như vậy có thể sản sinh ra một xã hội phi kinh tế.
Ronald Coase thường được trích dẫn trong những nghiên cứu nhằm bảo vệ cho tính hiệu quả của cơ chế thị trường. Nhưng nếu bạn nghiền ngẫm vấn đề này, thì một trong những định đề mà ông ta quan tâm chính là một doanh nghiệp sẽ tăng trưởng cho tới khi nào các ngoại tác được nội bộ hóa. Nếu hiện tại trong một doanh nghiệp bạn chỉ chăm chăm theo đuổi lợi ích và mục tiêu riêng của mình, nếu bạn cố gắng thoát bị trừng phạt vì phạm thật nhiều hành vi gian lận mà bạn có thể thực hiện được, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp đó sẽ gặp trục trặc nghiêm trọng. Các ngoại tác được nội bộ hóa là những vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, nhưng lại là những vấn đề khách quan đối với các cá nhân làm việc trong doanh nghiệp đó. Trong doanh nghiệp, vấn đề tồn tại là cách thức tổ chức doanh nghiệp nào là tốt nhất để giải quyết những mối quan hệ phụ thuộc chồng chéo này. Và đó hẳn nhiên là trọng tâm của việc tạo ra của cải. Không có gì bảo đảm rằng việc thúc đẩy mục tiêu tư lợi hạn hẹp dưới nhiều dạng thức khác nhau mà chúng ta đã thảo luận là có ích cho việc tạo ra của cải.
Các kinh tế gia công nghiệp đã có một số cuộc tranh luận về vấn đề này. Nhưng trong kinh văn kinh tế học vi mô tổng quát lại ít xuất hiện những vấn đề như vậy. Không có nhiều khám phá về những hệ quả của vấn đề này cho tính duy lý cũng như cho tính hiệu quả. Khi bạn trăn trở về vấn đề này, người ta lại cho rằng bạn phàn nàn rất tiêu cực. Vâng, tiêu cực chủ yếu là do việc xây dựng những mô hình đối chọn và trình bày những cách tiếp cận khác nhau các vấn đề hiệu quả vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Tôi cho rằng chúng tôi có một phần lỗi.
Còn nhiều việc phải thực hiện. Tôi rất hy vọng rằng kinh tế học sẽ phát triển theo hướng này. Phần lớn kinh tế học hàn lâm, vốn tạo được ấn tượng và hữu ích trên nhiều phương diện, cho rằng vấn đề cơ bản đã được tìm hiểu thấu đáo trong tình huống trung tâm; nó công nhận mô hình cân bằng tổng quát là thích đáng, khi mọi người chạy theo tư lợi với thị hiếu và công nghệ cho trước. Rồi thì bạn có thể khéo léo giới thiệu cạnh tranh không hoàn hảo, sự vô tri, sự bất trắc; bạn có thể đưa vào sự học hỏi, việc phát tín hiệu; bạn có thể phân tích các trạng thái động không cân bằng. Người ta giả định là lý thuyết cơ bản không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Do đó việc mở rộng lí thuyết này và các biến thể của nó hiện ra như sự củng cố thế trận vì đã giành thắng lợi trong cuộc chiến, và vùng đất cao nay đã được an toàn. Nhưng vùng đất cao lại không vững chắc chút nào. Thành phần cơ bản nhất của việc thiết lập mô hình như vậy, chính là động cơ của con người, vẫn chưa được giải quyết tốt. Một khi chúng ta cố gắng tìm hiểu vấn đề có tính thách thức về động cơ của con người, chúng ta đặt chân vào một trong các lãnh địa bị lãng quên trầm trọng nhất trong kinh tế học.
Tới thời điểm này trong cuộc đàm luận của chúng tôi, chúng tôi đã nghỉ giải lao theo kiểu trí thức Anh, chính là nghỉ uống trà chiều. Sen băn khoăn không biết chúng tôi có nên tiếp tục trong phòng họp chung cấp cao hay không,Rob Fisher đến từ trường Holy Cross College nơi mà người ta phục vụ trà chiều, nhưng chúng tôi chọn rượu vang và nước trong phòng làm việc của ông. Cuộc đàm luận của chúng tôi tiếp tục kéo dài đến mức nếu in ra toàn văn thì sẽ gấp ba lần độ dài của bản ghi chép này. Trong số những chủ đề khác, chúng tôi đã nói về nghiên cứu gần đây của ông về việc kết hợp giá trị của tự do lựa chọn trong việc đánh giá mức sống và sự sung túc, nỗ lực của ông trong việc thiết kế lại các phương pháp lượng hóa tình trạng nghèo khổ[1] và thu nhập quốc dân thực, Định lý bất khả của Arrow (“một kết cục đẹp ngỡ ngàng”), và yêu sách của ông yêu cầu số liệu thống kê về tình trạng sức khỏe và những chỉ báo tương tự khác nên là một phần căn bản trong cơ sở thông tin về phúc lợi kinh tế (“Một lần tôi đã cân 250 đứa trẻ đến từ hai ngôi làng ở Tây Bengal để kiểm tra xem tình trạng dinh dưỡng của chúng có liên quan đến thu nhập, giới tính, … hay không. Nếu có ai đó hỏi tôi đang làm gì, tôi ắt hẳn đã nói rằng tôi đang nghiên cứu kinh tế học phúc lợi.”).
Cách Sen nói chuyện không chỉ đặc trưng bởi sự nghiêm túc và đam mê hết mực đối với các ý tưởng, mà còn bởi sự khiêm tốn. Ông hầu như là sẵn sàng không tâng bốc các thành tựu của mình. Điều này được thấy khi tôi hỏi ông rằng ông đánh giá như thế nào về nghiên cứu của bản thân. Ông trả lời: “Có lẽ là nghiên cứu về nạn đói hay phương pháp lượng hóa tình trạng nghèo khổ và bất bình đẳng là hữu ích hơn cả,”. “Nhưng tôi hứng thú hơn với lý thuyết lựa chọn xã hội … thật không dễ dàng gì khi đánh giá chính sản phẩm của mình. Tôi thấy không thoải mái khi làm việc này. Nhìn lại tương tự như mở ra một vết thương cũ.” Theo ông thành tựu nào là xuất sắc nhất? “Chính là sáng tạo khác thường. Giống như Định lý bất khả của Arrow. Đó là một đóng góp choáng ngợp.”
Cuộc đàm luận của chúng tôi bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của một sinh viên đến để học phụ đạo hàng tuần. Lúc đó là 6:30 chiều.
Phụ bút
Sen đã trở thành Giáo sư Kinh tế học và Triết học tại trường Đại học Harvard vào mùa thu năm 1987, chẳng bao lâu sau ông có được vị trí Lamont University Professor.
Trong suốt quá trình chuẩn bị xuất bản nội dung cuộc đàm luận này, chúng tôi đã thảo luận về một bài phê bình của A. B. Atkinson về nghiên cứu của Sen đăng trên Tạp chí New York bình phẩm về sách. (Sen: “Ông ta hết sức tử tế, có lẽ quá tử tế. Ông không chỉ trích tôi nhiều” Bài phê bình khiến tôi băn khoăn về mối liên hệ giữa bài phê bình của Sen nhằm vào giả định duy lý và nghiên cứu của ông về lý thuyết lựa chọn xã hội. Tôi đã chất vấn ông điều này. Ông muốn được trả lời bằng văn bản, nguyên do là, theo cách ông nói, “Đây là một vấn đề quan trọng mà có lẽ là tôi không có cơ hội để thảo luận trong các bài viết của mình.”
Nội dung trả lời của ông như sau.
Thực tế là có một sự nối kết khá chặt chẽ. Một trong số các ứng dụng chính của việc phê bình khái niệm được gọi là giả định duy lý được sử dụng trong lý thuyết kinh tế học là nhằm công nhận sự cần thiết tồn tại nhiều mối quan hệ hai ngôi khác biệt trong việc giải thích những câu trả lời tương ứng của một cá nhân cho một hệ thống các câu hỏi khác nhau. Đáp án cho câu hỏi “Trạng thái x có phục vụ cho lợi ích của bạn tốt hơn trạng thái y hay không?” không nhất thiết phải tương tự như lời giải cho vấn đề “Theo quan điểm của bạn, trạng thái nào là tốt hơn cho xã hội?” Cũng có những câu hỏi khác đòi hỏi phải được xử lý khác biệt, như bản thân bạn sẽ chọn cái gì, bạn phải chọn cái gì và v.v. Trong nghiên cứu tiên phong của Kenneth Arrow thiết lập lĩnh vực mới về lý thuyết lựa chọn xã hội, Arrow đã mô tả thái độ của cá nhân dưới dạng “thứ tự sở thích,” và đã kiếm tìm một “thứ tự xã hội” như thể là kết quả của quá trình tổng gộp. Thực tế, đây là một dạng thức toán học rất hữu ích, nhưng việc diễn giải quá trình tổng gộp phải phụ thuộc vào vấn đề mà thứ tự sở thích cá nhân được cho là đại diện cho – vấn đề đó là lợi ích cá nhân, hay sự đánh giá về đạo đức, hay hành vi lựa chọn hay cái gì khác? Và tương tự, nó cũng phụ thuộc vào cách giải thích về thứ tự xã hội, là lựa chọn thể chế, đánh giá tổng gộp, quyết định quy hoạch hay cái gì khác? Trong cùng một dạng thức, cách tổng gộp n mối quan hệ hai ngôi của cá nhân thành một mối quan hệ hai ngôi của xã hội do Arrow thiết lập, có nhiều cách thí điểm khác nhau có thể được làm cho phù hợp, phụ thuộc vào việc lựa chọn cách giải thích nào. Tính hợp lý của một hệ thống các tiên đề cho trước có liên quan đến các quan hệ hai ngôi của cá nhân và của xã hội sẽ phụ thuộc vào cách giải thích cụ thể.
Dĩ nhiên, khá nhiều phân tích toán học có thể được thực hiện mà không cần bận tâm về cách diễn giải cụ thể nào, và thực sự một phần lớn trong nghiên cứu của tôi về lý thuyết lựa chọn xã hội, như việc giới thiệu các khái niệm tính bản số và tính có thể so sánh được, tìm kiếm những điều kiện cho tính bắc cầu của quy tắc đa số, nới lỏng yêu cầu về tính bắc cầu xã hội hay yêu cầu về tính hai ngôi xã hội và v.v. có liên quan đến những vấn đề phân tích tổng quát như vậy. Tuy nhiên, có những vấn đề khác mà việc diễn giải một cách chính xác là rất quan trọng. Tôi đã cố gắng lập luận rằng các tiên đề của Arrow có ý nghĩa hơn trong việc tổng gộp các đánh giá của cá nhân về đạo đức hay chính trị so với việc tổng gộp lợi ích, hay phúc lợi, của các cá nhân khác nhau, do bởi cần phải có một cấu trúc giàu thông tin hơn. Tôi cũng đã cố gắng phát triển một vài cấu trúc đối chọn, kết hợp các yếu tố như so sánh phúc lợi giữa các cá nhân với nhau, tự do cá nhân trong phạm vi an toàn của bản thân, sự thiếu thốn tương đối của một người so với những người khác. Trong các thử nghiệm này, nhiều sự phân biệt được thực hiện trong bối cảnh phê phán các giả định duy lý được sử dụng trong lý thuyết kinh tế trở nên đặc biệt thích đáng. Truyền thống đánh đồng nhiều khái niệm khác nhau một cách không chính đáng phải bị bác bỏ trước tiên để có thể kết hợp sự phong phú trong dạng thức lựa chọn xã hội. Do vậy, sự đa dạng trong các mối quan hệ tìm thấy trong một cấu trúc duy lý phong phú hơn chủ yếu là thích đáng cho việc diễn giải và sử dụng lý thuyết lựa chọn xã hội. Theo cách hiểu này, có mối liên hệ chặt chẽ giữa hai lĩnh vực nghiên cứu.
Arjo Klamer
Phó Giáo sư kinh tế học, thỉnh giảng tại trường Đại học Iowa, thành phố Iowa, Iowa
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Đọc thêm
Để trả lời câu hỏi của tôi, Sen đề nghị tham khảo thêm những tài liệu sau: James E. Foster, "On Economic Poverty: A Survey of Aggregate Measures," Advances in Econometrics, 1984, 3, 215–251, có nội dung bài phê bình nghiên cứu của Sen về phương pháp lượng hóa tình trạng nghèo khổ, và bài báo của Sen "Social Choice Theory," xuất hiện trong Handbook of Mathematical Economics (Cẩm nang Kinh tế toán), với Kenneth J. Arrow và Michael Intrilligator là chủ biên, số 3. (North Holland, Amsterdam, 1985.) Tuy nhiên, những tài liệu này đề cập đến các chủ đề không phải là giả định duy lí. Về chủ đề giả định duy lý, ông giới thiệu Albert Hirshman, "Against Parsimony: Three Ways of Complicating Some Categories of Economic Discourse" Economics and Philosophy, 1985, 1, 7–21.
Tài liệu tham khảo
Arrow, Kenneth J., "Why People Go Hungry?", New York Review of Books, July 15, 1982, 29.
Atkinson, A. B., "Original Sen", The New York Review of Books, October 22, 1987, 41–42.
Dore, R., "Goodwill and the Spirit of Market Capitalism", British Journal of Sociology, 1983, 34.
Dore, R., Authority and Benevolence: The Confucian Recipe for Industrial Success. The McCallum Lecture, Pembroke College, Oxford, 1984.
Klamer, Arjo, Conversations with Economists. Totowa: Rowman and Allanheld, 1983.
Morishima, M., Why Has Japan 'Succeeded'? Cambridge: Cambridge University Press, 1982. [bản dịch tiếng Việt: Vì sao Nhật Bản thành công? Công nghệ Tây phương và Nhật Bản, NXB Khoa học xã hội, 1991 - ND]
Sen, Amartya, Choice of Techniques: An Aspect of the Theory of Planned Economic Development, Oxford: Basil Blackwell, 1960.
Sen, Amartya, Collective Choice and Social Welfare. San Francisco: Holden-Day, 1970.
Sen, Amartya, Poverty and Famines: An Essay on Entitlement and Deprivation, New York: Oxford University Press, 1981.
Sen, Amartya, Choice, Welfare and Measurement. Cambridge: MIT Press, 1982.
Sen, Amartya, Resources, Values and Development. Cambridge: Harvard University Press, 1984.
Sen, Amartya, "Well-being, Agency and Freedom: The Dewey Lecture 1984", Journal of Philosophy, April 1985, 82, 169–221.
Sen, Amartya, The Standard of Living. (With contributions by John Muellbauer and others). Cambridge: Cambridge University Press, 1987a.
Sen, Amartya, On Ethics and Economics. London and New York: Basil Blackwell, 1987b.
Sen, Amartya, "Freedom of Choice: Concept and Content" European Economic Review, 1988.
Sen, Amartya and B. Williams, eds., Utilitarianism and Beyond. Cambridge: Cambridge University Press, 1982.
Solow, Robert M., "Relative Deprivation?" Partisan Review, 1982, 51.

Nguồn: A Conversation with Amartya Sen”, Journal of Economic Perspectives - Volume 3, Number 1 - Winter 1989 - Pages 135 -150




[1] Nhiều bài báo quan trọng của ông được tập hợp trong Sen (1982) và Sen (1984). Có lẽ cuốn sách nổi tiếng nhất của ông là Collective Choice and Social Welfare (Lựa chọn tập thể và Phúc lợi xã hội) (1970). Tác phẩm gần nhất của ông là On Ethics and Economics (Về Đạo đức và Kinh tế học) (1987).

[2] Chúng tôi cùng chuẩn bị cho cuộc đàm luận này và ông ta giữ vai trò chủ động trong cuộc thảo luận của chúng tôi về kinh tế học phúc lợi (không được ghi chép lại ở đây). Tôi nợ ông vì sự hỗ trợ về mặt tinh thần và tri thức của ông. Xin gửi lời cảm ơn đến ban biên tập của tạp chí này và trên hết là đến Sen.

[3] Xem Sen (1981) và các bài phê bình của Arrow (1982) và Solow (1982).

[4] Một nhà kinh tế chịu ảnh hưởng đáng kể bởi tư tưởng Marxist với các tác phẩm được biết đến nhiều nhất gồm Political Economy and Capitalism (Kinh tế chính trị và Chủ nghĩa tư bản) (London: Routledge, 1937) và Studies in the Development of Capitalism (Các nghiên cứu về Sự phát triển của Chủ nghĩa tư bản) (London: Routledge, 1946.) Sống từ 1900 đến 1976.

[5] Sraffa (1898–1963) đã viết cuốn Production of Commodities by Means of Commodities (Sản xuất hàng hóa bằng các phương tiện hàng hóa) (Cambridge: Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 1960), một tác phẩm giúp làm sống lại phương pháp tiếp cận cổ điển của lý thuyết giá trị. Ông cũng hiệu chỉnh các nghiên cứu của David Ricardo cùng với sự hợp tác của Dobb. Sự phấn khích mà Sen có được khi thảo luận với Sraffa được chia sẻ bởi những nhân vật khác như Ludwig Wittgenstein và John Maynard Keynes.

[6] Người mà lúc đầu là học trò, sau đó cộng tác và cuối cùng là phê bình Keynes. Sau khi bị lưu mờ bởi Lý thuyết tổng quát, ông ta không ít thì nhiều đã rút lui khỏi các cuộc tranh luận. Một công trình nghiên cứu chính của ông là Banking Policy and the Price Level (Chính sách ngân hàng và Mức giá) (London: P. S. King & Son, 1926). Sinh năm 1890, mất năm 1963.

[7] Joan Robinson (1903–1983) lần đầu tiên nổi danh khi mở rộng phân tích của Marshallian bổ sung thêm cạnh tranh không hoàn hảo. Bà cộng tác với John Maynard Keynes như là thành viên của tổ chức được gọi là "Cambridge Circus", (Rạp xiếc Cambridge) và sau này khởi xướng cuộc bút chiến Cambridge về hiệu lực của hàm sản xuất tổng hợp tân cổ điển.

[8] Dasgupta, người hiện nay đã 85 tuổi, đã viết nhiều bài báo quan trọng về lý thuyết phát triển - một số bài báo đó được tập hợp trong cuốn Planning and Economic Growth (Kế hoạch hóa và Tăng trưởng kinh tế) (London: Allen & Unwin, 1965) - và cũng đã viết về phương pháp luận trong kinh tế học, bao gồm một cuốn về lịch sử nguyên thủy các tư tưởng, Epochs of Economic Theory (Các thời kỳ của của lý thuyết kinh tế) (Oxford: Basil Blackwell, 1985).

[9] Sau này được xuất bản thành cuốn Sen (1960), tác phẩm được tái bản năm lần.

[10] Sen (1970).

[11] Sen đọc bài diễn văn nhậm chức chủ tịch, có tựa đề "Consistency" (Tính nhất quán) trước Hội Kinh Trắc về chủ đề này. Bài diễn văn sẽ được công bố trên tạp chí Econometrica.

[12] Cũng được thảo luận trong Sen (1987), xuất bản sau cuộc phỏng vấn này.

[13] Xem Sen (1985).

Print Friendly and PDF