7.8.15

Michio Morishima, Khổng Tử, Marx và thuyết tăng trưởng



Michio Morishima (1923-2004)
Michio Morishima, Khổng Tử, Marx và thuyết tăng trưởng
Là nhà kinh tế toán học, Michio Morishima đã đóng góp cho lý thuyết tăng trưởng bằng một phân tích trạng thái động. Nghiên cứu tổng hợp độc đáo của ông dung hòa tư tưởng của Marx và của Walras, được xem cho đến lúc đó là mang tính đối kháng.
Michio Morishima phê phán lý thuyết kinh tế hiện đại đã tự thu mình thành một bộ xương toán học.
Michio Morishima đã có những đóng góp lớn cho ngành kinh tế toán học, nhưng ông không chỉ giới hạn mối quan tâm của mình vào lĩnh vực duy nhất này. Vả chăng, ông phê phán lý thuyết kinh tế hiện đại đã tự thu mình thành một bộ xương toán học. Ông quan tâm đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác, như xã hội học, sử học, triết học, lịch sử văn hóa và lịch sử các tôn giáo. Tất cả những chiều kích đó của kiến ​​thức con người dường như đều cần thiết để hiểu được bản chất và sự phát triển của các nền kinh tế, "Vì vậy, để hiểu được lý thuyết kinh tế, thì việc quen thuộc với khung toán học của lý thuyết là chưa đủ, mà còn cần phải có một sự hiểu biết sâu sắc về các nền tảng xã hội, lịch sử và thể chế của lý thuyết đó" (The Economics of Industrial Society, 1984, trang 9).
Tất nhiên, là phải thông qua chính trị để có thể tác động đến tương lai của xã hội. Về lãnh vực này, Morishima đã có những ý kiến ​​dứt khoát khiến ông bị phê phán mạnh mẽ từ trong đất nước của ông. Ông lo ngại sự nổi lên của một cánh hữu cứng rắn và sự trỗi dậy của một chủ nghĩa quân phiệt đã từng đưa Nhật Bản đến thảm họa. Ông trách cứ các đồng nghiệp của ông, các nhà kinh tế và nhà trí thức khác, đã không trung thành với những nguyên tắc đạo đức mang dấu ấn của sự công bằng và hòa bình. Ông cũng phê phán không kém phần ác liệt Anh Quốc, đất nước mà ông đã trải qua ba mươi năm cuộc đời. Ông công kích mạnh mẽ chính phủ của bà Margaret Thatcher trong một cuốn sách xuất bản bằng tiếng Nhật.

Mô hình hóa sự tăng trưởng

Chính khi được điều động vào Hải quân Nhật Bản mà Morishima đã có dịp đọc cuốn Value and Capital (Giá trị và tư bản), của John Hicks, một tác phẩm có ảnh hưởng lớn được xuất bản năm 1939. Khi trở lại nghiên cứu, ông cống hiến sức lực vào việc phát triển và động hóa lý thuyết cân bằng chung mà Hicks cũng đã vay mượn từ Walras. Cuốn sách mà ông xuất bản bằng tiếng Nhật năm 1950 chỉ là phần một của một cuốn sách xuất bản bằng tiếng Anh năm 1996. Giữa hai thời điểm ấy, Morishima đã cống hiến nhiều cho lý thuyết tăng trưởng, lý thuyết cân bằng chung và phân tích liên ngành công nghiệp, và được ông tổng hợp một cách độc đáo.
Wassily Leontief (1906-1999)
Morishima phê phán Hicks và các lý thuyết cân bằng hiện đại về đặc điểm tĩnh tại của chúng. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa về thực chất mang tính năng động, như các nhà kinh tế cổ điển lớn đã hiểu như vậy; nó được xây dựng dựa trên sự tích lũy tư bản. Còn đối với các lý thuyết tăng trưởng hiện đại được phát triển tiếp theo mô hình của Harrod-Domar, Morishima phê phán đặc điểm tổng gộp của chúng. Chính từ Wassily Leontief mà ông đã vay mượn tầm nhìn về một nền kinh tế bao gồm vô số các ngành. Và chính từ John von Neumann, một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của thế kỷ XX, mà ông đã vay mượn mô hình về sự tăng trưởng cân bằng, "Tôi ghép John von Neumann với Walras để phát triển một loại lý thuyết mới về cân bằng chung. Có thể so sánh cuộc cách mạng của von Neumann được hoàn thành như thế trong kinh tế học động với cuộc cách mạng keynesian trong kinh tế học tĩnh tại" (Theory of Economic Growth - Lý thuyết tăng trưởng kinh tế, 1969, trang 5). Cần lưu ý rằng, trong mô hình tăng trưởng của Morishima, không có khái niệm bàn tay vô hình và tối ưu Pareto.

Marx và Walras, những đứa con sinh đôi của Ricardo

Trong các bài viết của Michio Morishima, người ta thấy xuất hiện rất nhiều lần một nhân vật mà sự hiện diện có thể làm cho độc giả ngạc nhiên, ít nhất là đối với đa số các nhà kinh tế: Karl Marx. Khi Morishima viết những bài viết đầu tiên về Marx, cuối những năm 1950, thì Marx hầu như không có chỗ đứng trong giới kinh tế học chính thống, chỉ trừ ở Nhật Bản. Vào thời điểm đó, Paul Samuelson mô tả Marx như là một nhân vật thứ yếu và tự học thuộc phái hậu Ricardo, một điều tương đối rộng lượng so với những tác giả khác đã xem ông như là một kẻ gây rối khi biến lý thuyết Ricardo thành một bộ máy chiến tranh chống lại giai cấp tư sản.
Von Neumann (1903-1957)
Morishima xem Marx là một trong những nhà tư tưởng kinh tế quan trọng nhất. Ông đã dành cho Marx hẳn một cuốn sách xuất bản năm 1973, có tiểu tựa là: Một lý thuyết đối ngẫu về giá trị và tăng trưởng. Dịch cuốn Tư bản qua ngôn ngữ toán học, dưới ánh sáng của các công trình của von Neumann và Leontief, Morishima xem Marx là một trong những người báo trước lý thuyết động hiện đại về sự cân bằng kinh tế chung. Ở vị thế này, Marx nên được coi là một trong những nhà kinh tế toán học đầu tiên, mặc dù trình độ toán học của ông không được cao lắm. Lý thuyết của Marx có thể được tích hợp trong một mô hình Marx-von Neumann (!), trong đó người ta đặc biệt thấy lại điều mà Morishima đã đặt tên là định lý marxian cơ bản: điều kiện cần và đủ để có được một tỷ suất lợi nhuận dương trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là phải bóc lột người lao động. Ông cho rằng có thể xác lập định lý này một cách độc lập với lý thuyết giá trị lao động, mà ông đề xuất loại bỏ.
Khi Marx viết cuốn Tư bản, thì Léon Walras xây dựng lý thuyết cân bằng chung, lý thuyết mà sẽ là mô thức chủ đạo của kinh tế học vi mô vào thế kỷ XX. Cả hai nhà tư tưởng trên thường được coi là mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, Morishima cho rằng có thể dung hòa các cách tiếp cận lý thuyết của họ. Họ là những nhà đồng sáng lập lý thuyết kinh tế toán học hiện đại. Ngoài ra, ông còn nhìn thấy một mối quan hệ gần gũi trong thực tế là cả hai đều đặt cơ sở cho chủ nghĩa xã hội khoa học của họ dựa trên một tầm nhìn về kinh tế. Do đó điều hết sức hợp lý là sau Marx, Morishima cũng dành riêng hẳn một cuốn sách viết về Walras: "Sau khi viết trong cuốn Kinh tế học Marx rằng người ta phải đặt Marx ngang hàng với Walras trong lịch sử kinh tế toán học, thì tôi đã gần như được thuyết phục phải viết một cuốn sách tương tự về Walras" (Walras’ Economics - Kinh tế học của Walras, 1979, trang 5).
Sự tương đồng chặt chẽ giữa Marx và Walras còn là do thực tế cả hai đều là người theo phái Ricardo. Một lần nữa, Morishima chĩa mũi đột phá vào một số định kiến thường cho rằng Walras là người đào huyệt chôn vùi lí thuyết Ricardo. Trong cuốn sách hoàn tất chân dung bộ ba nhà tư tưởng trong lịch sử tư tưởng kinh tế học, Morishima hình thức hóa lý thuyết của Ricardo, chỉ ra rằng Ricardo là nguồn cảm hứng đích thực của lý thuyết kinh tế hiện đại. Thật vậy, Ricardo là tác giả của mô hình đầu tiên về cân bằng chung của sự tăng trưởng kinh tế. Mô hình này đã cho ra đời hai nhánh chảy về Walras và Marx, để hội tụ lại vào thế kỷ XX với von Neumann.

Khổng Tử và vận mệnh của Nhật Bản

Trong khi, từ những năm 1970, tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu chậm lại, thì Nhật Bản dường như thoát khỏi tình trạng đình đốn và lạm phát và tiếp tục đà phát triển sau một cuộc chiến đã làm cho đất nước họ tan hoang. Trong một tác phẩm được xuất bản năm 1982, Morishima, lấy cảm hứng từ Weber, lấy giá trị đạo đức và tôn giáo để lý giải cho sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản, những đặc điểm cụ thể và sự thành công của họ. Cuộc cách mạng Minh Trị đã mang về công nghệ phương Tây trong khi vẫn giữ được tâm thế (ethos) Nhật Bản, dựa trên một nền tảng Nho giáo quân phiệt, dân tộc chủ nghĩa và gia trưởng, và một cấu trúc xã hội rất tôn ti trật tự[*]. Khác với chủ nghĩa tư bản phương Tây, việc chủ nghĩa tư bản Nhật Bản dựa trên các giá trị về sự hy sinh và lòng trung thành lý giải sự chăm chỉ lao động và lòng trung thành của người lao động được đảm bảo một việc làm suốt đời.
Tuy nhiên sự thành công của Nhật Bản cùng đi kèm với những chi phí rất cao cho con người, và đó là lý do tại sao Morishima đã đặt chữ thành công trong dấu ngoặc kép trong tên cuốn sách của ông Why has Japan “succeeded?” (Tại sao Nhật Bản "thành công?").
Với thời gian, sự hoài nghi của Morishima trước mô hình tăng trưởng của Nhật Bản đã trở thành một sự bi quan ngày càng sâu sắc. Năm 1999, ông xuất bản, bằng tiếng Nhật, một cuốn sách đã thành công lớn và cũng đã gây ra những tranh cãi lớn tại quê hương của ông. Ông cho là Nhật Bản đang bước vào thời kỳ suy tàn mà vào giữa thế kỷ XXI, sẽ trở thành một cường quốc kinh tế thứ ba, được đặc trưng bởi một sự sụp đổ về năng suất lao động và một sự suy giảm về chế độ phúc lợi cho người dân. Theo ông, thực trạng này là do nhiều yếu tố, bao gồm sự sụt giảm về dân số, chủ nghĩa tinh hoa, đạo đức lao động ngu ngốc. Ông quy trách nhiệm chính cho hệ thống giáo dục dựa trên những nền tảng thiếu tính nhân văn, đề cao việc thu thập nhiều bằng cấp các loại thay cho khả năng sáng tạo. Ông cũng phê phán hệ thống quản lý công nghiệp và tài chính của Nhật Bản. Và chính trên bình diện chính trị mà sự sụp đổ này sẽ diễn ra đầu tiên. Theo Morishima, chỉ có một con đường duy nhất để tránh được số phận đó là thành lập một liên minh Đông Bắc Á, bao gồm ngoài Nhật Bản, các nước khác như Trung Quốc, hai miền Triều Tiên và Đài Loan.
Vào cuối đời, Morishima nghiên cứu về lịch sử xã hội của sự phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa dựa trên các mô hình của Marx, Weber và Schumpeter.

Michio Morishima qua vài năm tháng

1923: sinh ngày 18 tháng 7 tại Osaka, Nhật Bản.
1943: đi nghĩa vụ quân sự trong lực lượng hải quân Nhật Bản.
1946: cử nhân kinh tế tại Đại học Kyoto.
1950: Théorie économique dynamique (Lý thuyết về động thái kinh tế) (bằng tiếng Nhật).
1950-1951: Giáo sư tại Đại học Kyoto.
1951-1969: Giáo sư tại Đại học Osaka.
1952: Consumer Behavior and Liquidity Preference (Hành vi tiêu dùng và ưa thích thanh khoản).
1956: An Analysis of the Capitalist Process of Reproduction (Một phân tích về quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa).
1956-1958: giảng dạy tại các trường đại học Oxford và Yale.
1960-1968: đồng giám đốc tạp chí International Economic Review.
1963-1964: Giảng dạy tại Oxford.
1964: Equilibrium, Stability and Growth. A Multi-Sectoral Analysis (Cân bằng, ổn định và tăng trưởng. Một phân tích đa ngành).
1965: chủ tịch Hiệp hội về kinh trắc học.
1968: di cư tới Anh.
1968-1970: giáo sư tại Đại học Essex.
1969: Theory of Economic Growth (Lý thuyết tăng trưởng kinh tế).
1970-1989: giáo sư tại trường London School of Economics.
1973: Marx’s Economics: A Dual Theory of Value and Growth (Kinh tế học của Marx: một lý thuyết đối ngẫu về giá trị và tăng trưởng).
1976: nhận Huân chương văn hóa của Nhật Bản (Bunka Kuncho, tương đương với giải thưởng Nobel). The Economic Theory of Modern Society (Lý thuyết kinh tế của xã hội hiện đại).
1977: Walras Economics: a Pure Theory of Capital and Money (Kinh tế học của Walras: một lý thuyết thuần túy về tư bản và tiền tệ), NXB Cambridge University Press.
1978: đồng tác giả với George Catephores, Value, Exploitation and Growth: Marx in the Light of Modern Economic Theory (Giá trị, bóc lột và tăng trưởng: Marx dưới ánh sáng của lý thuyết kinh tế hiện đại).
1981: được bầu làm thành viên của Viện hàn lâm Anh.
1982: Why has Japan “succeeded?” Western Technology and the Japanese Ethos (Tại sao Nhật Bản "thành công"? Công nghệ của phương Tây và tâm thế của người Nhật Bản).
1984: The Economic of Industrial Society (Kinh tế học của xã hội công nghiệp).
1989: Ricardo’s Economics: a General Equilibrium Theory of Distribution and Growth (Kinh tế học của Ricardo: Lý thuyết cân bằng chung về phân phối và tăng trưởng).
1992: Capital and Credit: a New Formulation of General Equilibrium Theory; Collaborative Development in Northeast Asia (Tư bản và tín dụng: một công thức mới của Lý thuyết cân bằng chung; Sự hợp tác phát triển ở các nước Đông Bắc Á).
1997-2002: Mémoires (Hồi ký).
1999: Pourquoi Japon s’écroulera-t-il? (Vì sao Nhật Bản sẽ sụp đổ?)
2000: Japan at a Deadlock (Nhật Bản vào thời điểm bế tắc).
2004: mất ngày 13 tháng 7 tại một bệnh viện ở Anh.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Morishima
   Dynamic Economic Theory, Cambridge University Press, 1996.
   Equilibrium, Stability and Growth. A Multi-Sectoral Analysis, Cambridge University Press, 1964.
   Theory of Economic Growth, Clarendon Press, 1969.
   Marx’s Economics: A Dual Theory of Value and Growth, Cambridge University Press, 1973.
   The Economic Theory of Modern Society, Cambridge University Press, 1976.
   L’économie walrasienne: une théorie pure du capital et de la monnaie, Economica, 1979.
   Valeur, exploitation et croissance. Marx à la lumière de la théorie économique contemporaine, avec George Catephores, Economica, 1981.
   The Economics of Industrial Society, Cambridge University Press, 1984.
   Capitalisme et confucianisme: l’éthique japonaise et la technologie occidentale, Flammarion, 1987.
   Capital and Credit: A New Formulation of General Equilibrium Theory, Cambridge University Press, 1992.
   Collaborative Development in Northeast Asia, Mcmillan, 1992.
   Mémoires (en japonais), Asahi Shimbun-sha, 3 volumes, 1997-2002.
   Japan at a Deadlock, Mcmillan, 2000.
Những tác phẩm viết về Morishima
   Putting Economics to Work: Volume in Honour of Michio Morishima, của Tony Atkinson (chủ biên), Suntory and Toyota International Centres for Economics and Related Disciplines.
   Michio Morishima and History: an Obituary, của Takashi Negishi, European Journal of the History of Economic Thought, septembre 2005.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Michio Morishima, Confucius, Marx et la croissance” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012




[*] Bản dịch tiếng Việt: Vì sao Nhật Bản thành công?, Công nghệ Tây phương và Nhật bản, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991 (ND).

Print Friendly and PDF