11.11.16

Chương trình kinh tế của Donald Trump theo bảy chủ đề chính



CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ CỦA DONALD TRUMP THEO BẢY CHỦ ĐỀ CHÍNH

Một số đề xuất của ứng cử viên Donald Trump đi ngược lại lợi ích của các doanh nghiệp. Liệu Tổng thống có triển khai các đề xuất đó không? ©DAMON WINTER/THE NEW YORK TIMES-REDUX-REA
Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Vì vậy cần phải xem kỹ những gì ông đã tuyên bố về mặt kinh tế trong chiến dịch của ông. Có thể tóm tắt chương trình kinh tế của ông trong một vài biện pháp chủ lực lớn được coi là sẽ xác định tương lai của nước Mỹ.
1/ Thuế thấp hơn
Thuế là một trong những chủ đề chính của chiến dịch tranh cử. Về điểm này, Trump nhắm đến việc cắt giảm 4.400 tỷ USD tiền thuế trong mười năm, tương đương với 6% tổng mức thu thuế mỗi năm. Tất cả người dân Mỹ sẽ hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế với số lượng các khung thuế suất giảm từ 7 đến 3 (12-25-33%). Hơn nữa, ngành giáo dục trẻ em sẽ được hỗ trợ giảm thuế. Những người giàu nhất là những người hưởng lợi nhiều nhất với việc giảm thuế suất cận biên với khung cao nhất (từ 39,6% xuống 33%), cũng như với việc hủy bỏ thuế suất thừa kế mà cho đến nay chỉ khi thừa hưởng gia tài hơn 5 triệu USD mới bị đánh thuế. Nước Mỹ của Trump có khả năng trở thành một đất nước bất bình đẳng hơn nữa.
Nước Mỹ của Trump có khả năng trở thành một đất nước bất bình đẳng hơn nữa
Về phía các doanh nghiệp, vị tổng thống mới muốn cắt giảm thuế lợi tức từ 35% xuống 15% đối với tất cả các doanh nghiệp. Ông cũng hứa với những doanh nghiệp nào có giữ lại một phần lợi tức của họ ở nước ngoài, đặc biệt ở các thiên đường thuế, nếu chuyển các khoản lợi tức đó về nước sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 10%. Chi phí cho một sự cắt giảm thuế như vậy sẽ vào khoảng 1.500 tỷ USD.
2/ Chi nhiều hơn cho các dự án kết cấu hạ tầng
Donald Trump đã công bố một kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng lên đến 1.000 tỷ USD trong mười năm. Những doanh nghiệp tư nhân nào tham gia vào các dự án đó sẽ được giảm thuế. Các dự án này sẽ được tài trợ bằng nguồn vốn tư nhân, lên đến 85% các khoản vay. Điều chắc chắn là Hoa Kỳ hiện nay cần đến một nỗ lực như vậy trong lĩnh vực này để có thể khởi động kể từ năm 2017 và mang lại một sự hỗ trợ cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế.
Vị ứng cử viên tổng thống đã hứa rằng chính sách tài khóa của ông, cuối cùng, sẽ mang tính trung lập nhờ vào 1.800 tỷ USD doanh thu bổ sung từ sự tăng trưởng thêm do việc cắt giảm thuế, và thêm 1.800 tỷ USD nữa nhờ vào các biện pháp khác thúc đẩy nền kinh tế. Toàn bộ việc này sẽ đi kèm với việc cắt giảm 800 tỷ USD chi tiêu công, trong đó có việc cắt giảm số lượng công chức (nhưng bao gồm việc gia tăng các khoản chi tiêu quốc phòng từ 3% GDP lên 6,5%).
Một kế hoạch thúc đẩy kinh tế lên đến 1.000 tỷ USD
Florence Pisani
Nếu có được đúng 4.400 tỷ USD cắt giảm thuế như hứa hẹn cho các hộ gia đình, thì chi phí của việc cắt giảm thuế doanh nghiệp chưa được tính vào. Hơn nữa, theo tính toán của Florence Pisani, một chuyên gia về kinh tế Mỹ tại Candriam, thì nền kinh tế Mỹ phải tăng trưởng trung bình 3,5% trong 10 năm tới để đạt được kết quả này, một điều có vẻ không chắc chắn lắm. Thay vào đó, các kế hoạch tài khóa của Trump cuối cùng sẽ dẫn đến một sự gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ của Hoa Kỳ. Một tình huống chấp nhận được nếu sự tăng trưởng kinh tế đáp ứng được yêu cầu, còn nếu không thì sẽ là một nguy cơ gia tăng nợ.
3/ Chấm dứt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Donald Trump đã hứa ngăn chặn kế hoạch về biến đổi khí hậu của người tiền nhiệm, đặc biệt nhắm đến việc giảm bớt hoạt động năng lượng liên quan đến than đá (một biện pháp bị Tòa án tối cao ngăn chặn) để ngược lại phục hồi các dự án đầu tư trong ngành khai thác than, cũng như dầu khí ngoài khơi.
Các quy định điều tiết về môi trường sẽ được xem xét lại
Các quy định điều tiết về môi trường sẽ được xem xét lại. Donald Trump muốn Hoa Kỳ rút khỏi sự tham gia của Hiệp định Paris, một kết quả của COP 21. Đồng thời, trong chiến dịch của mình, ông cũng gợi ý phục hồi dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL giữa Canada và Hoa Kỳ.
4/ Hoạt động thương mại quốc tế ít hơn
Một chủ đề lớn khác của chiến dịch đề cập đến vấn đề thương mại quốc tế. Đối với Trump, đây là một trong những nguyên nhân của các vấn đề công ăn việc làm tại Hoa Kỳ. Vị ứng cử viên tổng thống đã tuyên bố muốn lên án Trung Quốc vì sự thao túng tỷ giá hối đoái của họ và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc (lên đến 45%) và của Mexico (lên đến 35%) để tạo thuận lợi cho việc mua sắm các sản phẩm nội địa.
Ông cũng đồng thời tuyên bố chấm dứt các hiệp định thương mại lớn: ông muốn đàm phán lại hiệp định NAFTA với Canada và Mexico, hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương với các nước châu Á. Và điều không nghi ngờ khác là hiệp định TAFTA (Transatlantic Free Trade Association – Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương) cũng sẽ chết yểu trong bối cảnh này.
Như vậy, Hoa Kỳ có thể đóng góp vào các tác lực hiện nay theo hướng của một chính sách phi toàn cầu hóa. Nhưng các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ chắc sẽ phải lên tiếng.
5/ Người nhập cư ít hơn
Những đề xuất mang tính triệt để của vị ứng cử viên tổng thống không đủ lực để vận động lá phiếu của các cử tri là người nhập cư. Ông muốn trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp và xây một bức tường ngăn trên biên giới với Mexico. Ông cũng muốn tăng cường những hạn chế liên quan đến việc tiếp nhận những người nhập cư hợp pháp.
Có khả năng là các doanh nhân Mỹ, những người sử dụng lực lượng lao động này, sẽ chuyển thông điệp cho vị tổng thống mới là không nên quá mạnh tay đối với vấn đề này.
6/ Một chế độ bảo hiểm y tế tư nhân
Vị tổng thống mới đã tuyên bố muốn loại bỏ kế hoạch chăm sóc y tế của tổng thống Obama (Obama Care), có nghĩa là một chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc được 20 triệu người Mỹ thụ hưởng trong những năm gần đây.
Ông muốn thay thế nó bằng những chế độ bảo hiểm y tế tư nhân được nhà nước trợ cấp và khuyến khích người dân mở các tài khoản tiết kiệm y tế cá nhân.
7/ Xem xét lại chính sách điều tiết tài chính
Vị ứng cử viên tổng thống đã cho thấy rõ mong muốn xem xét lại chính sách điều tiết tài chính mới phát sinh từ cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, đến nay ông không cho biết cụ thể chi tiết đối với vấn đề này, ngoài một quan điểm chung nhắm đến việc giải phóng nền tài chính khỏi mọi sự kiểm soát của nhà nước. Những định chế tài chính đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la để tuân thủ các chuẩn mực mới và tăng vốn tự có thêm hàng chục tỷ đô la đang trông chờ những sự chỉnh đốn hơn là một cuộc cách mạng mới.
Điều không nghi ngờ là vị Tổng thống mới sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh của các dân biểu đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn càng nhiều càng tốt các quyền hạn của Cơ quan mới về bảo vệ tài chính người tiêu dùng, một cơ quan có khả năng hạn chế quyền lực của các ngân hàng chủ nợ trong các giao dịch với những khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ của họ. Các dân biểu này muốn đóng khung các đặc quyền của cơ quan trên một cách nghiêm túc, hoặc thậm chí xóa bỏ nó, lập luận rằng sự kiểm soát của Cơ quan [bảo vệ tài chính người tiêu dùng] sẽ cản trở các ngân hàng địa phương cấp các khoản tín dụng bất động sản và cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng trung ương trong một môi trường thù địch
Janet Yellen (1946-)
Một đường lối khác được đề cập là việc thiết lập sự kiểm soát chính trị chặt chẽ hơn lên ngân hàng trung ương. Sẽ có hai vị thống đốc ngân hàng mới được bổ nhiệm và điều không nghi ngờ là vị Tổng thống mới sẽ bổ nhiệm những người thân tín của ông. Vì vậy, Chủ tịch [Cục dự trữ liên bang] Janet Yellen sẽ gặp khó khăn trong một môi trường chính trị thù địch với định chế của bà và việc kéo dài thêm nhiệm kỳ của bà vào tháng 2 năm 2018 từ nay có vẻ là điều cực kỳ không chắc chắn.
Tổng thống Donald Trump có một đa số tuyệt đối tại Hạ viện và Thượng viện, một điều chưa từng xảy ra tại Hoa Kỳ kể từ năm 1928. Do đó, ông có tất cả không gian chính trị cần thiết để triển khai các chương trình của ông. Có nhiều khả năng những người ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa, những người đã từ chối liên minh với Trump, sẽ thay đổi quan điểm hoặc sẽ phải nhún nhường.
Một số đề xuất của ứng cử viên tổng thống đi ngược lại lợi ích của các doanh nghiệp
Tỷ lệ đa số tại Thượng viện sẽ cho phép Trump bổ nhiệm thành viên còn thiếu của Tòa án tối cao, chắc chắn cũng sẽ là một người bảo thủ, cho phép thực hiện tất cả những thay đổi khả dĩ. Tuy nhiên, một số đề xuất của vị ứng cử viên tổng thống đi ngược lại lợi ích của các doanh nghiệp và cần phải theo dõi sát sự chuyển động và ảnh hưởng chính trị của các thế lực kinh tế tư nhân.
Những cuộc bổ nhiệm đầu tiên vào các chức danh chủ chốt của chính phủ và những tháng đầu tiên của năm 2017 sẽ nói lên mức độ mà Tổng thống muốn trung thành với ứng cử viên.
Christian Chavagneux

Christian Chavagneux là cây bút viết xã luận của AlterEcoPlusAlternatives Économiques. Ông cũng từng là trưởng ban biên tập của L’économie politique trong 15 năm, một tạp chí mà ông đã tham gia vào năm 1999 trong Scop Alternatives Économiques.
Đỗ bằng Tiến sĩ Kinh tế và tốt nghiệp trường London School of Economics, ông là một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề kinh tế vĩ mô, toàn cầu hóa, đặc biệt là về các thiên đường thuế và sự điều tiết các ngân hàng và tài chính, những chủ đề mà ông đã viết trong nhiều cuốn sách. Ông đã nhận được Giải thưởng dành cho tác phẩm tài chính hay nhất vào năm 2012. Cuốn sách mới nhất của ông, đồng tác giả với Thierry Philipponnat có tựa đề là La capture: où l'on verra comment les intérêts financiers ont pris le pas sur l'intérêt général [Sự vay bắt: nơi sẽ biết được làm thế nào các lợi ích tài chính được ưu tiên hơn các lợi ích công cộng và làm thế nào để kết thúc tình hình này] (NXB La découverte, 2014). Ông là thành viên ban biên tập của tạp chí Esprit.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF