19.11.16

"Ba điều dối trá" về tài chính



"Ba điều dối trá" về tài chính
Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, cho rằng "các thị trường chỉ tự cân bằng trong sách giáo khoa mà thôi”. 2014 ẢNH: PRENSA INTERNACIONAL/ZUMA/REA
Sự thật xuất phát từ miệng của các quan chức ngân hàng trung ương. Trong một bài phát biểu vào ngày 21 tháng 9, 2015 Mark Carney, thống đốc hiện nay của Ngân hàng Trung ương Anh, đã nêu bật điều mà ông gọi là "ba điều dối trá" của nền tài chính hiện đại: làm cho người ta tin rằng có thể nợ nần vô hạn mà không rủi ro; nói rằng các thị trường tự cân bằng với nhau; khẳng định rằng các thị trường mang tính đạo đức. Đó quả là một quả bom nổ từ bên kia bờ biển Măng-sơ chống lại những gì được giảng dạy tại Đại học Harvard hoặc được Bruxelles (nơi có trụ sở của EU – ND) hay Bercy (nơi có trụ sở của Bộ tài chính Pháp – ND) lặp đi lặp lại.
Điều dối trá thứ nhất: "Lần này thì khác"
Điều ngạc nhiên là Carney mở đầu bài phát biểu bằng việc ca ngợi chính sách tiền tệ của nước Anh vào những năm 1970 và 1980, được ông đánh giá là "có trách nhiệm về mặt dân chủ" và "có hiệu quả cao" trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng đó là để ngay lập tức chỉ ra rằng "những đổi mới ấy không mang lại một sự ổn định kinh tế vĩ mô bền vững. Mà còn ngược lại đằng khác”.
Thật vậy, dưới mặt nước yên lặng của sự ổn định giá cả (giá cả hàng hóa và dịch vụ, chứ không phải giá cả tài sản), là sự gầm gừ của con quái vật nợ nần, đã sầm sầm thức dậy vào năm 2008. Nguyên nhân là vấn đề nhân khẩu học, và cả "sự trì trệ về tiền lương thực tế của tầng lớp trung lưu (mà bản thân nó xuất phát từ công nghệ tiên tiến và toàn cầu hóa)", ngoài ra vấn đề nợ nần cũng được hỗ trợ bởi sự đổi mới tài chính và sự dồi dào của tiền tiết kiệm.
"Các thị trường chỉ tự cân bằng trong sách giáo khoa mà thôi. Trong thực tế, con người là phi duy lý"
Đặc biệt – và chính điều dối trá nằm ở đây, Carney nói – "sự dễ dãi của các cá nhân và các thể chế, được nuôi dưỡng trong một thời gian dài ổn định về kinh tế vĩ mô và gia tăng giá cả các tài sản, đã làm cho người ta tin rằng không nên day dứt về vấn đề nợ nần là điều hợp lý".
Theo Carney, cho dù không nhất thiết phải theo quan điểm trên, một khi cuộc khủng hoảng đã xảy ra, các nhà hoạch định chính sách "đã nhanh chóng từ bỏ các ý tưởng được phát triển trong thời kỳ Đại điều độ" để "học lại các bài học của thời kỳ Đại suy thoái (1930)”.
Tuy nhiên, ông lo ngại rằng Trung Quốc cũng đang ngồi trên những núi nợ (từ nay đã đạt gần đến 200% GDP)...
Điều dối trá thứ hai: "thị trường luôn ở trạng thái cân bằng"
Đây là huyền thoại trung tâm của kinh tế học đương đại: theo đó, "quy luật" cung cầu, hệ quả không thể tránh khỏi của "sự tự do cạnh tranh", được coi là để đảm bảo sự cân bằng của lượng cung cầu, và như vậy cho phép sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả nhất có thể.
"Các nhà hoạch định chính sách đã bị cuốn hút bởi huyền thoại theo đó nền tài chính có thể tự điều tiết và tự sửa sai"
Như Carney đã nói, "các nhà hoạch định chính sách đã bị cuốn hút bởi huyền thoại theo đó nền tài chính có thể tự điều tiết và tự sửa sai một cách tự nhiên". Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, thay vì hình ảnh yên tâm của sự cân bằng, là sự mất cân bằng trên mọi thị trường, bất luận là thị trường hàng hóa, thị trường lao động hay thị trường tài sản.
John M. Keynes (1883-1946)
Và khi nói rằng các thị trường luôn tự cân bằng được có hai hậu quả nguy hiểm.
Đầu tiên, người ta khó mà phát hiện các hiện tượng bong bóng, bởi vì giá cả được cho ​​là "đúng", xa rời với sự vận hành thực của các thị trường tài chính (như mô tả của Carney khi viện dẫn trực tiếp đến "cuộc thi sắc đẹp" của Keynes, xem ra một số quan chức ngân hàng trung ương cũng biết đọc sách hay!). Ngoài ra, bất kỳ sự bất ổn nào vì thế được gán cho nguyên nhân biến dạng của thị trường hoặc tính bất toàn của thị trường, dẫn đến việc phải "tạo ra những thị trường mới" để giải quyết tạm thời những thiếu sót của các thị trường cũ – điều mà Carney gọi là "tiến triển mà không ngừng lùi bước".
"Khi tồn tại sự không hoàn hảo (có nghĩa là luôn luôn tồn tại), thì việc bổ sung thêm các thị trường đôi khi có thể làm cho mọi việc tồi tệ hơn"
Tuy nhiên, Carney nhấn mạnh, "các thị trường chỉ tự cân bằng trong sách giáo khoa mà thôi. Trong thực tế, con người là phi duy lý, các nền kinh tế không hoàn hảo và chính ngay trạng thái của tự nhiên [có nghĩa là tình hình kinh tế thực – BBT] là không thể biết được". Từ thực tế đó, "khi tồn tại sự không hoàn hảo (có nghĩa là luôn luôn tồn tại), thì việc bổ sung thêm các thị trường đôi khi có thể làm cho mọi việc tồi tệ hơn" – như đã chỉ ra ví dụ về các tín dụng phái sinh, đã làm gia tăng thay vì phân chia rủi ro như đã hứa.
Frank Knight (1885-1972)
Sau đó, Carney phân tích đền thờ kinh tế học, mô hình Arrow-Debreu, mà các giả định của thị trường đầy đủ (có nghĩa là những thị trường có thể dự đoán được mọi trạng thái trong tương lai) là, theo lời của ông, "điều phi lý về mặt mô tả thế giới thực". Từ bỏ truyền thống tân cổ điển, Carney quay trở lại với Frank Knight và khái niệm "bất trắc" của ông ấy với hệ quả là các cá nhân thực hiện sự lựa chọn của họ theo một "tí chút có vẻ là kiến ​​thc”, bản thân tâm trạng của những người tham gia thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi "bản năng động vật" của Keynes.
Điều dối trá thứ ba: "các thị trường mang tính đạo đức"
Tất nhiên, Carney không quên đề cập đến nhiều phẩm chất của thị trường, nguồn gốc của sự thịnh vượng, tăng trưởng và các công cụ quản lý rủi ro. Nhưng, ông lưu ý rằng "nếu để tự bản thân các thị trường vận động, thì chúng có thể có khuynh hướng thái quá và lạm dụng”.
Carney muốn "xây dựng lại các thị trường công bằng và hiệu quả", mang tính "chuyên nghiệp và cởi mở"
Đặc biệt là trường hợp của các thị trường tài chính, nơi mà "các giá trị trở nên trừu tượng và tương đối" và "đám đông có thể lấn át sự chính trực của cá nhân”. Để vận hành, các thị trường cần có "sự đồng thuận của xã hội"; tuy nhiên, sự đồng thuận này bị đặt lại vấn đề bởi những vụ bê bối gần đây (Libor, Forex, vv).
Để khôi phục lại niềm tin này, Carney muốn "xây dựng lại các thị trường công bằng và hiệu quả", mang tính "chuyên nghiệp và cởi mở", chứ không phải "những thị trường phi chính thức và vận hành như các câu lạc bộ”. Tuy nhiên, điều này giả định rằng "tất cả các tác nhân của thị trường, công cũng như tư, phải hiểu được trách nhiệm của mình đối với hệ thống trong một thể thống nhất”.
Một vài điều dối trá thật
Đối với Carney, ngày nay người ta dễ chống lại những điều dối trá nói trên hơn là trong quá khứ.
Để đáp lại điều dối trá đầu tiên (khẳng định những thành công của sự đổi mới tài chính), ông cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh có những "quyền hạn rất lớn" để thúc đẩy sự ổn định tài chính. Ngân hàng Trung ương Anh đã yêu cầu tăng mức vốn của các ngân hàng và thắt chặt các điều kiện cung cấp các tín dụng bất động sản. Như vậy, hiện tượng "quá lớn để sụp đổ" (nghĩa vụ hỗ trợ các định chế tài chính lớn đang gặp khó khăn, bằng tiền của người nộp thuế) phải giảm, nhờ việc loại bỏ các khoản trợ cấp công tiềm ẩn và hoạt động cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Carney kêu gọi sự nâng cao trách nhiệm của các cá nhân và doanh nghiệp, và áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với những người gian lận
Đối với điều dối trá thứ hai (về khả năng tự cân bằng của các thị trường), người ta đã tiến hành nhiều chính sách cải cách để gỡ rối các sản phẩm phái sinh phức tạp, và từ nay Ngân hàng (Trung ương) đã sẵn sàng để hành động như là "người làm nên thị trường cuối cùng" trong trường hợp cần thiết.
Để đáp lại điều dối trá thứ ba (chiều kích mạo xưng về tính đạo đức của các thị trường), Carney cho rằng những thay đổi đã diễn ra trong các chính sách tiền lương và đãi ngộ, hoặc trong việc làm rõ trách nhiệm của các nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, ông lưu ý, "cần phải làm nhiều hơn nữa" (phew!).
Và Carney kêu gọi sự nâng cao trách nhiệm của các cá nhân và doanh nghiệp, và áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với những người gian lận.
Hơn nữa, để cuộc tranh luận được tiếp diễn, Ngân hàng (Trung ương) Anh đã tổ chức một diễn đàn, nơi mà mọi người có thể gửi các đề xuất cải cách của mình để xây dựng những thị trường "xứng đáng để xã hội chấp nhận và làm củng cố vốn xã hội”.
Trọng lượng của niềm tin
Jean-Claude Trichet (1942-)
Đọc xong bài phát biểu của Mark Carney, người ta kinh ngạc trước những phê phán đối với những gì đang được giảng dạy tại các trường đại học "tốt nhất" thế giới, hay đối với các nguyên tắc hướng dẫn chính các cơ sở nền tảng của Liên minh châu Âu. Đọc bài phát biểu của một thống đốc ngân hàng trung ương, được viết dựa trên một cách đọc cấp tiến về Keynes hay về Knight và cho rằng mô hình Arrow-Debreu là phi lý, khác xa với diễn ngôn của Jean-Claude Trichet (nguyên Thống đốc ECB – ND) và sự "giảm phát cạnh tranh" mang tính tàn phá của ông ấy...
Tuy nhiên, chúng ta sẽ ít bị thuyết phục bởi những thay đổi trong chính sách điều tiết về tài chính kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra vào năm 2008. Để khôi phục lại nền tài chính và rút ra những kết luận về mặt kinh tế chính trị từ những cách đọc lành mạnh được viện dẫn ở trên, chúng ta sẽ cần một sự thay đổi về chính trị và trí tuệ với cường độ lớn, một điều không dễ diễn ra.
Phó giáo sư về kinh tế tại Đại học Paris 8 Saint-Denis
Gilles Raveaud

Gilles Raveaud là Phó giáo sư về kinh tế tại Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Đại học Paris 8 Saint-Denis. Ông là tác giả của cuốn La dispute des économistesSự tranh cãi của các nhà kinh tế học (NXB Le Bord de l'eau, 2013) và đóng góp vào các tác phẩm Petit bréviaire des idées reçues en économieSách gối đầu giường về những ý tưởng trong kinh tế học (NXB La Découverte, 2004) và Douze économistes contre le projet de constitution européenneMười hai nhà kinh tế học chống lại dự thảo Hiến pháp châu Âu (NXB L'Harmattan, 2005). Ông làm hậu tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ) từ năm 2005 đến năm 2007.
Ông là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Kinh tế học Chính trị của Pháp (AFEP), nơi ông đặc biệt phụ trách các vấn đề về giảng dạy, và là thành viên ban biên tập của tạp chí L’Économie Politique (Kinh tế Chính trị).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les “trois mensonges” de la finance, Altereco Plus, 28/09/2015
Print Friendly and PDF