14.11.16

Vấn đề biến đổi khí hậu: Trump có một khả năng gây tác hại hạn chế

VẤN ĐỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU: TRUMP CÓ MỘT KHẢ NĂNG GÂY TÁC HẠI HẠN CHẾ

Bài phỏng vấn của ANTOINE DE RAVIGNAN
Ứng cử viên tổng thống Trump trong một chuyến tham quan tại một công ty luyện kim Alumisource, Pennsylvania, vào tháng 6 năm 2016. ©HILARY SWIFT/THE NEW YORK TIMES-REDUX-REA
MICHEL COLOMBIER
Giám đốc, Viện Phát triển bền vững và quan hệ quốc tế (Iddri)
Việc bầu Donald Trump, vào ngày 08 tháng 11, làm tổng thống của Hoa Kỳ rõ ràng là một tin rất xấu đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng không nên phóng đại khả năng gây tác hại của vị tổng thống hoài nghi về biến đổi khí hậu này. Thế giới sẽ tiếp tục tiến lên mà không cần có ông ấy, kể cả ở Mỹ, như lời giải thích của Michel Colombier, giám đốc khoa học của viện Iddri (Viện Phát triển bền vững và quan hệ quốc tế).
Michel Colombier
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã hứa sẽ rút khỏi Thỏa thuận quốc tế Paris về biến đổi khí hậu. Giờ đây khi đã đắc cử, liệu nước Mỹ có rút khỏi thỏa thuận đã được người tiền nhiệm của ông phê chuẩn không?
Các quy định tại Điều 28 của Thỏa thuận Paris rất rõ. Việc rút khỏi thỏa thuận có thể được trình lên Liên Hợp Quốc trong thời hạn sớm nhất là ba năm sau ngày có hiệu lực, có nghĩa là ngày 04 tháng 11 năm 2019. Và việc rút khỏi thỏa thuận chỉ có hiệu lực một năm sau ngày nộp thông báo. Điều này dẫn chúng ta đến ngày bầu cử tổng thống kế tiếp của Mỹ. Vì vậy, việc Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Paris [về biến đổi khí hậu], nếu có, về nguyên tắc không diễn ra một sớm một chiều mà phải đợi đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Điều thú vị nhân đây là được nghe vị tổng thống mới nói rằng ông muốn "giải phóng" nước Mỹ khỏi thỏa thuận này: trong thực tế hiệp định hoàn toàn không mang tính ràng buộc, khi nó dựa vào những cam kết tự nguyện của các quốc gia gia nhập thỏa thuận.
Việc Trump đắc cử có thể làm thay đổi điều gì trong những cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đang diễn ra và những cam kết của các quốc gia khác?
Hoa Kỳ cho tới giờ vẫn là một thành viên của Thỏa thuận Paris và do đó có quyền tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan đến việc triển khai các quy định của thỏa thuận. Còn quá sớm để biết được liệu họ sẽ ngăn cản việc thực thi thỏa thuận một cách có hệ thống hay sẽ làm điều đó một cách kín đáo. Điều này cũng phụ thuộc vào các đội ngũ giúp việc cho Donald Trump, nhưng chưa được thành lập. Để củng cố nhiệm kỳ tổng thống của mình, không loại trừ khả năng ông ấy sẽ thỏa hiệp với những người ôn hòa hơn trong đảng Cộng hòa.
Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận, cho dù là có gây thiệt hại lớn đi nữa, sẽ không cản trở toàn bộ quá trình các cuộc đàm phán quốc tế
Ngoài vấn đề này, điều quan trọng là xác định rằng, so với Nghị định thư Kyoto (chết yểu), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trước cú sốc của việc một tác nhân then chốt như Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận bền vững hơn nhiều. Nghị định thư Kyoto được quan niệm như là một cuộc đàm phán về việc cắt giảm khí thải nhà kính giữa các quốc gia thành viên nhằm tiến tới đạt được một mục tiêu cắt giảm toàn cầu. Tuy nhiên, việc Hoa Kỳ từ chối tham gia đã làm mất đi mọi ý nghĩa của thỏa thuận này, nó đã trở nên không có hiệu lực từ sự không tham gia nói trên.
Ngược lại, Thỏa thuận Paris dựa trên một lôgic "từ dưới lên": mỗi quốc gia được tự do ấn định mức đóng góp của mình vào nỗ lực toàn cầu, không phụ thuộc vào những gì mà các nước khác làm. Cách tiếp cận này cho phép đạt được một thỏa thuận mà gần như tất cả các nước đã cam kết về vấn đề biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận, cho dù là có gây thiệt hại lớn đi nữa, sẽ không cản trở toàn bộ quá trình các cuộc đàm phán quốc tế. Điều này cũng không đặt lại vấn đề xem xét lại các cam kết của các quốc gia khác nhau. Trong thực tế, không có quốc gia thành viên nào – Trung Quốc, Liên minh châu Âu hay hầu hết các quốc gia – dự định xem xét lại các định hướng hạ thấp chỉ tiêu khí thải trong chính sách về biến đổi khí hậu của họ. Đặc biệt bởi vì họ cũng biết là họ có những lợi thế rút ra được từ quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng.
Thế còn diễn tiến của chính sách năng lượng nội địa của Hoa Kỳ?
Al Gore (1948-)
George W. Bush (1946-)
Khi G. W. Bush đánh bại Al Gore trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, giống như ngày hôm nay với Donald Trump, đã có một sự thất vọng lớn trên sân khấu biến đổi khí hậu quốc tế. Nhưng chúng ta cũng đã thấy vào thời điểm đó một sự chuyển động khá mạnh tại Hoa Kỳ ở cấp độ một số bang – California, các bang ở bờ Đông –, tại các thành thị, thậm chí trong một số lĩnh vực kinh tế, ủng hộ việc kiểm soát khí thải nhà kính và tiêu thụ nguồn năng lượng. Việc Hoa Kỳ cuối cùng rút khỏi Thỏa thuận Paris [về biến đổi khí hậu] không có nghĩa là thiếu hẳn sự tham gia của người Mỹ, mà thậm chí còn có nhiều tác nhân khác đông hơn và cam kết nhiều hơn so với những gì đã xảy ra vào thời kỳ đầu của những năm 2000. Không nên quên rằng các bang có những quyền lập pháp và tài chính quan trọng cho phép họ hoạt động ngoài khuôn khổ của thể chế liên bang.
Việc Hoa Kỳ cuối cùng rút khỏi Thỏa thuận Paris [về biến đổi khí hậu] không có nghĩa là thiếu hẵn sự tham gia của người Mỹ
Tất nhiên, sự biến mất của Đạo luật năng lượng sạch của Tổng thống Obama, một biện pháp hàng đầu của chính phủ liên bang trong việc áp đặt việc phi carbon hóa ngành điện là một thất bại, nhưng chúng ta cũng sống trong một đất nước mà Washington không thể quyết định tất cả mọi thứ. Việc các bang, các thành thị và các tác nhân phi nhà nước có tiếp tục nắm lấy hay không ngọn đuốc của cuộc đấu tranh chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu sẽ là yếu tố quyết định cho tương lai. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là Thỏa thuận Paris không chỉ là một thỏa thuận giữa các quốc gia với nhau. Nó còn liên quan đến các vùng, các tỉnh hoặc bang, các cộng đồng và các tác nhân phi nhà nước khác. Chính điểm này làm cho nó mang tính bền vững hơn khi một nước lớn rút khỏi thỏa thuận.
Liệu việc chính phủ liên bang chống lại những cam kết tiến hóa của rất nhiều bang dù sao có phải là một điều mang tính khập khiểng không?
Chắc chắn là có. Nhưng hãy tưởng tượng nếu Hillary Clinton thắng cử. Trước một Hạ viện và một Thượng viện thuộc phe Cộng hòa, trước một Tòa án tối cao đã từng cản trở Đạo luật năng lượng sạch (Clean Power Act), thì liệu bà ấy có triển khai thành công không? Chúng ta đã thấy mức độ những khó khăn mà Obama phải đương đầu để làm chuyển động những vấn đề này. Vả lại, cần phải tương đối hóa tầm quan trọng của các cam kết của Obama trong việc cắt giảm khí thải: các cam kết này tương ứng một phần với diễn tiến lịch sử của chúng, mà việc thay thế nguồn năng lượng khí đá phiến bằng than đá hẳn là đã tạo điều kiện, và phần khác vào sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo luôn có tính cạnh tranh hơn và vào hiệu quả của các nguồn năng lượng gắn với sự tiến bộ công nghệ. Những động thái này sẽ không bị phá vỡ bởi sự xuất hiện của một vị tổng thống mới.
Sẽ có một sự phân hóa trong nội bộ Hoa Kỳ giữa những bang muốn tiến lên và những bang khác
Hệ quả của tình trạng bế tắc này ở cấp liên bang – dù sao đi nữa cũng là di sản của một tổng thống thuộc đảng Dân chủ – sẽ có một sự phân hóa trong nội bộ Hoa Kỳ giữa những tiểu bang muốn tiến lên và những tiểu bang khác. Bang California, như chúng ta đã thấy, với các quyền lập pháp và ngân sách của họ, đã tiến hành một chính sách đầy tham vọng, độc lập với chính sách của chính phủ liên bang[1]. Chính sách của các bang chủ động cũng ảnh hưởng đến các bang khác: ví dụ, việc California đòi hỏi các nhà cung cấp điện đáp ứng một phần nào đó các nguồn năng lượng tái tạo cũng được áp dụng cho các nhà máy điện của Texas xuất khẩu qua California. Những tương tác này có thể thúc đẩy các bang thiếu năng động phải chuyển mình, nhưng cũng có thể dẫn đến những tình huống xung đột cần đến một sự phân xử của chính phủ liên bang, dẫn đến việc mở lại cuộc tranh luận chính trị ở cấp này, cho dù Washington có muốn hay không.
Antoine Ravignan là phó trưởng ban biên tập tại Alternatives Economiques, phụ trách các mục về môi trường. Ông là nhà báo tại Alternatives Economiques  tại Alternatives Internationales từ năm 2001. Ông đã theo học ngành triết và đã từng làm người soạn thảo và biên tập cho các tổ chức NGO về vấn đề phát triển. Ông đặc biệt quan tâm đến các thách thức về môi trường sinh thái của địa phương và trên toàn cầu (biến đổi khí hậu, các chính sách năng lượng...) và các vấn đề phát triển ở phương Nam (nông nghiệp, y tế, giáo dục, di cư...).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Climat: Trump a un pouvoir de nuisance limité, AlterEcoPlus, 09/11/2016.




[1] Một lượng cắt giảm 40% khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990. California có nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới.

Print Friendly and PDF