13.11.16

Sự lớn mạnh của các chủ nghĩa dân túy: cách giải thích kinh tế hay cách văn hóa?


SỰ LỚN MẠNH CỦA CÁC CHỦ NGHĨA DÂN TÚY: CÁCH GIẢI THÍCH KINH TẾ HAY CÁCH VĂN HÓA?

Christian Chavagneux

Poster Donald Trump, Iowa, Hoa kì. ©DAMON WINTER/The New York Times-REDUX-REA 
Từ Le Pen tới Brexit, từ Trump đến AfD ở Đức và trong nhiều nước khác nữa, các diễn ngôn dân túy lên như diều gặp gió và thu được phiếu trong các cuộc bầu cử. Cách giải thích được đề xuất là những người bị toàn cầu hóa và tiến bộ kĩ thuật loại bỏ cuối cùng đã nổi dậy. Đối với nhà xã hội học Ronald F. Inglehart và nhà khoa học chính trị Pippa Norris, còn phải tính đến những hiện tượng khác nữa. 

Chủ nghĩa dân túy: một định nghĩa


Theo hai tác giả trên, chủ nghĩa dân túy được đặc trưng bằng ba yếu tố chính. Trước hết là một triết lí bài tinh hoa. Theo định nghĩa, dân bao giờ cũng minh triết hơn các thành viên của các giới tinh hoa chính trị, kinh tế và trí thức. Như thế, về bản chất “dân” là một tập hợp đồng nhất, tốt và có phẩm hạnh.
Pippa Norris (1953-)
Ronald F. Inglehart (1934-)
Tiếp đó, chủ nghĩa dân túy mang dấu ấn của sự ưa thích các nhà lãnh đạo độc đoán. Quyền năng ma lực của một cá nhân duy nhất được xem là mô hình của tính hiệu quả chính trị. Trong việc thực thi quyền lực, những biểu hiện trực tiếp của ý chí các cá nhân như các cuộc điều tra và trưng cầu dân ý được ưa chuộng hơn là nền dân chủ đại diện. Cuối cùng, các nhà dân túy bày tỏ những tình cảm bài ngoại. Họ chống người nước ngoài và càng chống hơn nữa khi đó là những di dân. Sự đa văn hóa bị bác bỏ, ưu tiên người bản địa và đóng cửa biên giới được đưa lên hàng đầu.
Các động thái ở mỗi quốc gia đang vận động góp phần giải thích sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy trong mỗi nước. Nhưng việc hiện tượng này đang phát triển ở nhiều nơi trên hành tinh khuyến khích việc tìm hiểu những cách giải thích có tính tổng quát hơn.

Cách giải thích kinh tế

Ngày nay nguyên nhân thường được nêu nhất có tính kinh tế. Toàn cầu hóa và tiến bộ kĩ thuật cũng như tính bấp bênh ngày càng nhiều của công ăn việc làm và sự phát triển của những bất bình đẳng gạt sang bên đường một số người ngày càng đông. Số người này tin vào các diễn ngôn dân túy như là liệu pháp cho những vấn đề họ gặp phải.
Cách giải thích này có hiệu lực chăng về mặt thực nghiệm? Như vậy, những ai không có chuyên môn, thậm chí chuyên môn thấp, những ai thất nghiệp phải được tính là cử tri của các đảng dân túy. Trong thực tế, các nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố biện minh theo chiều hướng này.
Nhưng cách giải thích này vẫn chưa đủ thuyết phục. Các nước có thất nghiệp cao không nhất thiết là những nước dễ đón nhận chủ nghĩa dân túy hơn. Các xã hội bình đẳng nhất, ví dụ như Thụy Điển hay Đan Mạch, cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các kiểu đảng dân túy này.

Cách giải thích văn hóa

Do đó phải tìm những yếu tố khác và hai tác giả tin là đã tìm ra nguyên nhân và định vị các yếu tố này trong diễn tiến xã hội của những thập niên vừa qua.
Các xã hội mang đậm dấu ấn của việc các thế hệ trẻ ngày càng chấp nhận người nước ngoài và người di dân, sống cặp đôi và hôn nhân đồng tính, yêu sách bình đẳng nam-nữ, bảo vệ môi trường, ... Từ nay, chủ nghĩa dân túy được sự ủng hộ của giới đàn ông, da trắng, lớn tuổi, có những giá trị truyền thống bị tiến hóa xã hội xô đẩy.
Từ dữ liệu các giá trị của người châu Âu trong thời gian từ năm 2002 đến 2014, hai tác giả kết luận rằng nếu cách giải thích kinh tế có một vai trò nhất định cho đến cuối những năm 1980 thì từ thời điểm ấy nguyên nhân đầu tiên của sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy có nguồn gốc trong chiều kích văn hóa.
Như vậy, tuổi tác hiện ra như một yếu tố tốt để dự báo lá phiếu dân túy, của nam giới nhiều hơn là nữ giới, của những người mộ đạo nhiệt thành và của những “đa số sắc tộc” trong những nước khác nhau – nói chung là người da trắng – hơn là của những thiểu số. Ta cũng gặp lại bấy nhiêu dữ liệu trên trong trường hợp của Hoa Kì.
Như vậy sự phản ứng trước việc xét lại những giá trị cổ truyền chủ yếu là mảnh đất màu mở cho sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy. Hai tác giả cũng nhấn mạnh là cách giải thích kinh tế cũng có đóng góp vào việc giải thích hiện tượng đó, và cả hai cách giải thích củng cố cho nhau. Nhưng nhất là họ muốn cảnh báo chúng ta: giảm thiểu các bất bình đẳng có thể là không đủ để bẻ gãy sự ủng hộ các trào lưu dân túy hiện nay. Cần phải có những yếu tố khác nữa.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Montée des populismes: une explication économique ou culturelle”, Alterecoplus, 8.11.2016

----
Bài có liên quan trên PTKT:
Print Friendly and PDF