6.11.16

Chủ nghĩa tư bản phải tiến hóa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu



Chủ nghĩa tư bản phải tiến hóa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu
Thời gian cho tư duy mới. (man in woods via http://www.shutterstock.com)
Có hai thái cực trong cuộc tranh luận về vai trò của chủ nghĩa tư bản trong vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Một mặt, một số người xem sự biến đổi khí hậu như là kết quả của một hệ thống thị trường tiêu thụ hoạt động tràn lan. Cuối cùng, kết quả là một lời kêu gọi thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một hệ thống mới, để sửa chữa những căn bệnh của chúng ta hiện nay, với các quy định điều tiết nhằm kiềm chế sự thái quá của thị trường.
Mặt khác, một số người vẫn tin vào một thị trường tự do để mang lại những giải pháp cần thiết cho các vấn đề xã hội của chúng ta. Trong trường hợp cực đoan hơn, một số người còn xem chính sách về khí hậu như là một cách để các chính quyền lớn hơn che đậy sự can thiệp của họ vào thị trường và làm giảm sự tự do cá nhân của công dân.
Giữa hai thái cực này, công chúng tiến hành cuộc tranh luận trên cơ sở nhị nguyên thông thường, giữa đen và trắng, theo định hướng xung đột, với hình thái phi năng suất và về cơ bản là không đúng. Một cuộc tranh luận như vậy làm dấy lên một sự ngờ vực ngày càng nhiều đối với chủ nghĩa tư bản.
Một cuộc khảo sát năm 2013 cho thấy chỉ có 54% người Mỹ có quan điểm tích cực về vấn đề này, và theo nhiều cách khác nhau cả hai phong trào Chiếm đóng (Occupy) và Đảng Trà (Tea Party) đều chia sẻ cùng một sự ngờ vực đối với các thể chế vĩ mô của xã hội chúng ta trong việc phục vụ mọi người một cách công bằng; một bên thì tập trung sự giận dữ vào chính phủ, còn bên kia thì nhắm vào các doanh nghiệp lớn, và cả hai đều không tin vào điều mà họ xem là một mối quan hệ ấm cúng giữa hai đối tượng này.
Khung trái ngược này còn nuôi dưỡng những cuộc chiến văn hóa đang diễn ra ở nước ta. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có khuynh hướng bảo thủ hoài nghi nhiều hơn về sự biến đổi khí hậu, một phần do niềm tin cho rằng điều này sẽ đòi hỏi việc kiểm soát hoạt động của ngành công nghiệp và thương mại, một tương lai mà họ không muốn. Thật vậy, nghiên cứu đã cho thấy một mối tương quan mạnh mẽ giữa hệ tư tưởng ủng hộ thị trường tự do và việc bác bỏ khoa học khí hậu. Ngược lại, những người có khuynh hướng tự do có nhiều khả năng tin tưởng hơn vào sự biến đổi khí hậu do, một phần, các giải pháp đối phó với sự biến đổi khí hậu phù hợp với sự oán giận đối với các hoạt động thương mại và công nghiệp và đối với sự thiệt hại mà chúng gây ra cho xã hội.
Khung nhị nguyên này che giấu những câu hỏi thực mà chúng ta phải đối mặt, đó là những gì chúng ta cần làm và làm thế nào để đạt được kết quả. Tuy nhiên, có những cuộc đàm luận nghiêm túc trong công tác giáo dục, nghiên cứu và thực hành quản trị về những bước tiếp theo trong sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản. Mục đích là nhằm phát triển một khái niệm phức tạp hơn về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội. Những cuộc thảo luận này đang được thúc đẩy không chỉ bởi sự biến đổi khí hậu, mà còn bởi những mối quan tâm lớn về cuộc khủng hoảng tài chính, sự bất bình đẳng thu nhập và các vấn đề xã hội nghiêm trọng khác.
Những góc cạnh thô kệch của thị trường
Yuval Levin (1977-)
Chủ nghĩa tư bản là một tập hợp các thể chế nhằm cấu trúc các hoạt động thương mại và quan hệ tương tác của chúng ta. Nó không phải, như một số người nghĩ, là một kiểu trạng thái tự nhiên tồn tại ngoài sự can thiệp của chính phủ. Nó được con người thiết kế để phục vụ cho con người và nó có thể tiến hóa để đáp ứng các nhu cầu của con người. Như Yuval Levin chỉ ra trên tạp chí National Affairs, ngay cả Adam Smith cũng lập luận rằng "các quy tắc của thị trường không tự làm ra luật hoặc mang tính rõ ràng một cách tự nhiên. Ngược lại, Smith lập luận rằng, thị trường là một thể chế công đòi hỏi các nhà làm luật phải ban hành các quy tắc, bởi vì họ là những người hiểu rõ hoạt động và lợi ích của thị trường".
Và, điều đáng chú ý, là chủ nghĩa tư bản đã khá thành công. Trong thế kỷ qua, dân số thế giới đã tăng gấp bốn, nền kinh tế thế giới đã tăng gấp 14 và thu nhập bình quân đầu người trên toàn cầu đã tăng gấp ba. Trong thời gian đó, tuổi thọ trung bình đã tăng gần hai phần ba, phần lớn nhờ vào những tiến bộ trong y học, chỗ ở, sản xuất lương thực và các tiện nghi khác được nền kinh tế thị trường cung cấp.
Một số người xem chủ nghĩa tư bản là nguyên nhân chính của sự suy thoái môi trường, xuất phát một phần từ các mối quan tâm ngày càng tăng về sự bất bình đẳng kinh tế và về các vấn đề xã hội khác. stephenmelkisethian/flickrCC BY-NC-ND
Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản khá dẻo dai để đáp ứng các nhu cầu của xã hội khi chúng xuất hiện. Qua thời gian, sự điều tiết đã được phát triển để giải quyết các vấn đề nổi lên như sức mạnh độc quyền, cấu kết, ấn định giá cả và một loạt những trở ngại khác trong việc thỏa mãn các nhu cầu của xã hội. Ngày nay, một trong những nhu cầu đó là đối phó với sự biến đổi khí hậu.
Anand Giridharadas (1981-)
Câu hỏi đặt ra không phải là liệu chủ nghĩa tư bản hiệu quả hay không hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nó có thể và sẽ tiến hóa để giải quyết những thách thức mới mà chúng ta đang đối mặt như là một xã hội. Hoặc, như Anand Giridharadas đã chỉ ra tại diễn đàn Aspen Action Forum, "Chúng ta nên khỏa lắp các góc cạnh thô kệch của chủ nghĩa tư bản và chia sẻ những trái ngọt thặng dư của nó, nhưng không bao giờ nên chất vấn hệ thống cơ bản."
Những góc cạnh thô kệch này cần được xem xét với các lý thuyết mà chúng ta đang sử dụng để hiểu và giảng dạy về thị trường. Ngoài ra, chúng ta cần xem lại những thước đo mà chúng ta sử dụng để đo lường kết quả, và những cách thức mà thị trường đã đi chệch hướng so với hình thái mong đợi.
Homo economicus (con người kinh tế)?
Để bắt đầu, có những câu hỏi nổi lên xung quanh các lý thuyết và mô hình cơ bản được sử dụng để thông hiểu, giải thích và thiết lập các chính sách cho thị trường. Có hai lý thuyết nhận được sự chú ý đáng kể là kinh tế học tân cổ điển và lý thuyết người ủy quyền-người đại diện. Cả hai lý thuyết hợp thành nền tảng của việc giáo dục và thực hành quản trị và được xây dựng trên cơ sở những sự đơn giản hóa cực đoan và đúng hơn là buồn thảm về con người, phần lớn không đáng tin cậy và được thúc đẩy bởi sự hám lợi, tham lam và ích kỷ.
Eric Beinhocker (1968-)
Nick Hanauer (1959-)
Liên quan đến kinh tế học tân cổ điển, Eric Beinhocker và Nick Hanauer giải thích:
"Các nhà kinh tế học hành vi đã tích lũy một núi bằng chứng cho thấy con người thực không hành xử như một người kinh tế duy lý. Các nhà kinh tế học thực nghiệm đã nêu lên những câu hỏi gây bối rối về sự tồn tại của lợi ích; và đó chính là vấn đề bởi vì từ lâu thiết kế này đã được các nhà kinh tế sử dụng để chỉ ra rằng thị trường tối đa hóa phúc lợi xã hội. Các nhà kinh tế học thực nghiệm đã nhận diện những bất thường cho thấy các thị trường tài chính không phải lúc nào cũng hiệu quả."
Liên quân đến lý thuyết người ủy quyền-người đại diện, Lynn Stout còn đi xa hơn khi nói rằng mô hình đơn giản là "sai". Vị giáo sư về doanh nghiệp và pháp luật này tại đại học Cornell lập luận rằng tiên đề trung tâm của lí thuyết rằng những người điều hành công ty (người đại diện) sẽ trốn tránh trách nhiệm hoặc thậm chí ăn cắp từ chủ sở hữu (người ủy quyền), do họ là những người làm việc còn các chủ sở hữu thì hưởng lợi – không nắm bắt được "thực tế của các công ty công thời hiện đại với hàng ngàn cổ đông, với rất nhiều người điều hành và một tá các giám đốc hoặc nhiều hơn."
Lynn Stout (1957-)
Paul Polman (1956-)
Kết quả nguy hại nhất của các mô hình này là ý tưởng cho rằng mục đích của doanh nghiệp là "kiếm tiền cho các cổ đông của mình." Đây là một ý tưởng khá mới mẻ đã bắt đầu hình thành trong doanh nghiệp, chỉ vào những năm 1970 và 1980, và giờ đây đã trở thành một giả định được mặc nhiên chấp nhận.
Nếu tôi hỏi bất kỳ một sinh viên trường kinh doanh nào (và có lẽ bất kỳ một người Mỹ nào) điền tiếp câu, "mục đích của công ty là..." thì họ sẽ lặp lại như vẹt là "kiếm tiền cho cổ đông." Nhưng đó không phải là điều mà một công ty làm và hầu hết các nhà điều hành đều sẽ nói như vậy. Các công ty biến các ý tưởng và đổi mới sáng tạo thành các sản phẩm và dịch vụ để phục vụ nhu cầu của một số phân khúc thị trường nào đó. Theo lời của Paul Polman, Giám đốc điều hành của Unilever, "doanh nghiệp tồn tại để phục vụ xã hội." Lợi nhuận là thước đo mức độ hoàn thành điều đó.
Vấn đề với khái niệm nguy hại nói trên, rằng mục đích duy nhất của doanh nghiệp là phục vụ các cổ đông, là nó dẫn đến nhiều kết quả không mong muốn khác. Ví dụ, nó dẫn đến việc tập trung ngày càng tăng vào doanh thu hàng quý và vào những biến động giá cổ phiếu ngắn hạn; nó giới hạn biên độ của tư duy chiến lược bằng cách làm giảm sự tập trung vào sự đầu tư dài hạn và hoạch định chiến lược; và nó chỉ khen thưởng loại cổ đông, theo lời của Lynn Stout, mang tính "thiển cận, cơ hội, sẵn sàng áp đặt các chi phí ngoại biên, và không quan tâm đến vấn đề đạo đức và phúc lợi của người khác."
Một cách tốt hơn để đo lường nền kinh tế
Nicholas Stern (1946-)
Ngoài sự thông hiểu của chúng ta về những gì thúc đẩy con người và các tổ chức trong phạm vi thị trường, đang có một sự quan tâm đang nổi lên về những thước đo hướng dẫn các kết quả của hành động đó. Một trong những thước đo đó là tỷ lệ chiết khấu. Nhà kinh tế Nicholas Stern dấy lên một cuộc tranh luận lành mạnh khi ông sử dụng một tỷ lệ chiết khấu thấp bất thường để tính toán các chi phí và lợi ích trong tương lai của việc giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu, cho rằng có một cấu thành đạo đức trong việc sử dụng thước đo này. Ví dụ, một tỷ lệ chiết khấu chung 5% sẽ dẫn đến một kết luận cho rằng tất cả mọi thứ đến 20 năm và ngoài 20 năm đều không còn giá trị. Khi đo lường việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu, liệu có một kết quả nào mà bất cứ ai – đặc biệt là bất cứ một ai có con cháu – sẽ xem xét đến vấn đề đạo đức không?
Adam Smith: rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi ông nắm bắt khái niệm về nền kinh tế tự do vào thế kỷ 18. surfstyle/flickr, CC BY
Một thước đo khác là tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một chỉ số kinh tế đứng đầu về sự tiến bộ kinh tế của quốc gia. Đây là một thước đo tất cả các giao dịch tài chính về sản phẩm và dịch vụ. Nhưng có một vấn đề là nó không thừa nhận (và cũng không đánh giá) sự phân biệt giữa những giao dịch nào làm tăng thêm và những giao dịch nào làm giảm bớt phúc lợi của một quốc gia. Mọi hoạt động mà trong đó có sự trao đổi tiền đều sẽ được ghi nhận như là một sự tăng trưởng GDP. GDP xem sự phục hồi từ các thảm họa thiên nhiên là lợi ích kinh tế; GDP tăng với các hoạt động gây ô nhiễm và sau đó một lần nữa tăng với công tác làm sạch ô nhiễm; và nó xem mọi hoạt động làm cạn kiệt nguồn vốn tự nhiên là thu nhập, thậm chí khi sự khấu hao các tài sản đó có thể làm hạn chế sự tăng trưởng trong tương lai.
Vấn đề thứ hai đối với GDP là nó hoàn toàn không phải là một thước đo gắn với phúc lợi con người. Thay vào đó, nó dựa trên giả định ngầm cho rằng càng có nhiều tiền và của cải, thì chúng ta càng giàu có khá giả. Nhưng điều này đang bị nhiều công trình nghiên cứu thách thức.
Amartya Sen (1933-)
Joseph Stiglitz (1943-)
Kết quả là, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thành lập một ủy ban, đứng đầu là Joseph StiglitzAmartya Sen (cả hai đều là những người từng đoạt giải Nobel), để xem xét những đối chọn cho GDP. Báo cáo của họ khuyến nghị một sự thay đổi về trọng tâm kinh tế từ chỉ đơn giản do lường một nền sản xuất hàng hoá tiến đến một thước đo rộng hơn về phúc lợi tổng thể, sẽ bao gồm các chuyên mục như y tế, giáo dục và an toàn. Báo cáo cũng kêu gọi tập trung nhiều hơn vào những hiệu ứng xã hội của sự bất bình đẳng thu nhập, những cách thức mới để đo lường tác động kinh tế của tính bền vững và những cách thức đưa vào giá trị của cải để chuyển giao cho thế hệ tiếp theo. Tương tự như vậy, nhà vua nước Bhutan đã phát triển một đối chọn GDP được gọi là tổng hạnh phúc quốc gia, là một hỗn hợp các chỉ số liên quan nhiều và trực tiếp đến phúc lợi con người hơn là đến các thước đo bằng tiền tệ.
Mark Trexler
Auden Schendler
Hình thái chủ nghĩa tư bản ngày nay đã tiến hóa qua nhiều thế kỷ để phản ánh những nhu cầu ngày càng tăng, nhưng nó cũng bị biến dạng bởi những lợi ích cá nhân. Yuval Levin chỉ ra rằng một số tính năng đạo đức quan trọng của kinh tế chính trị học của Adam Smith đã bị thoái hóa trong thời gian gần đây, đáng chú ý nhất bởi "một sự cấu kết ngày càng tăng giữa chính phủ và các tập đoàn doanh nghiệp lớn". Vấn đề này đã trở nên sống động nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính và các chính sách thất bại trước và sau sự kiện bước ngoặt đó. Đáp án, theo Auden Schendler và Mark Trexler, thuộc về các "giải pháp về chính sách" và các "doanh nghiệp phải ủng hộ các giải pháp đó".
Naomi Klein (1970-)
Chúng ta không bao giờ có thể xóa sạch để làm mới
Làm thế nào để có được những giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu? Hãy đối mặt với nó. Lắp đặt những bóng đèn LED hiệu quả, lái chiếc Tesla chiếc xe ô tô chạy bằng điện mới nhất và tái chế lại chất thải là những hoạt động đáng ngưỡng mộ và mong muốn. Nhưng các hoạt động đó không giải quyết vấn đề khí hậu bằng cách giảm lượng phát thải tập thể đến một mức độ cần thiết. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi phải thay đổi một cách có hệ thống. Vì thế, một số người lập luận việc tạo ra một hệ thống mới để thay thế chủ nghĩa tư bản. Ví dụ, Naomi Klein kêu gọi "băm nhỏ hệ tư tưởng thị trường tự do đã thống trị nền kinh tế toàn cầu trong hơn ba thập kỷ".
Bill McKibben (1960-)
Martin Luther King (1929-1968)
Klein đang thực thi một công việc có giá trị với lời kêu gọi hành động cực đoan của bà. Giống như Bill McKibben và phong trào 350.org của ông ấy, bà giúp tạo ra một cuộc đàm luận về tính chất trọng đại của những thách thức trước chúng ta qua điều được gọi là "hiệu ứng cánh cấp tiến."
Tất cả các thành viên và ý tưởng của một phong trào xã hội được xem trong thế tương phản với những người và ý tưởng khác, và các quan điểm cực đoan có thể làm cho những ý tưởng và tổ chức khác có vẻ hợp lý hơn so với các phong trào chống đối. Ví dụ, khi Martin Luther King Jr lần đầu bắt đầu nói về thông điệp của ông, thì phần lớn người Mỹ da trắng coi đó là điều quá cấp tiến. Nhưng khi Malcolm X tham gia vào cuộc tranh luận, ông kéo cánh cấp tiến ra xa hơn và làm cho thông điệp của King xem ra có vẻ ôn hòa hơn khi so sánh. Nắm bắt được tâm lý này, Russell Train, quản trị viên thứ hai của EPA, đã từng châm biếm, "Cảm ơn Chúa vì [nhà môi trường học] Dave Brower; ông ấy làm cho công việc của chúng ta và tất cả và những người còn lại dễ dàng và hợp lý".
Abner Doubleday (1819-1893)
Malcolm X (1925-1965)
Nhưng bản chất của sự thay đổi xã hội không bao giờ cho phép chúng ta xóa sạch làm mới, biến các tuyên bố bao quát vì một sự thay đổi triệt để trở thành hấp dẫn. Mỗi tập hợp thể chế mà xã hội được cấu trúc đều tiến hóa từ một số tập hợp các cấu trúc đã có trước đây. Stephen Jay Gould nhấn mạnh đến điểm này trong bài tiểu luận của ông "The Creation Myths of Cooperstown (Các huyền thoại về việc thành lập Cooperstown)", khi ông chỉ ra rằng Abner Doubleday đã không phát minh ra bóng chày ở Cooperstown New York vào năm 1839. Trên thực tế, ông chỉ ra rằng, "không ai phát minh ra bóng chày ở bất cứ thời điểm nào hay trong bất cứ hoàn cảnh nào". Bóng chày đã tiến hóa từ các trò chơi đã có trước nó. Tương tự, Adam Smith đã không phát minh ra chủ nghĩa tư bản vào năm 1776 với cuốn The Wealth of Nations (Của cải của các dân tộc). Ông đã viết về những thay đổi đã diễn ra trong nhiều thế kỷ trong các nền kinh tế của châu Âu mà ông đã quan sát được; đáng kể nhất là sự phân công lao động và sự cải tiến có hiệu quả và chất lượng sản xuất.
Tương tự, chúng ta không thể đơn giản phát minh ra một hệ thống mới để thay thế chủ nghĩa tư bản. Bất cứ hình thái thương mại và trao đổi nào được chọn đều phải tiến hóa từ hình thái tại thời điểm hiện tại. Đơn giản là không có cách nào khác.

Stephen Jay Gould (1941-2002)
Nhưng không giống như cách ngôn của Adam Smith về người hàng thịt, người làm thức uống hay người làm bánh, những người cung cấp bữa ăn tối của chúng ta nhưng không liên kết rõ với lợi ích cá nhân của họ và nhu cầu của chúng ta, một thách thức đặc biệt khó khăn của sự biến đổi khí hậu là hiện tượng này phá vỡ mối liên kết giữa hành động và kết quả một cách sâu sắc. Một người hay một doanh nghiệp không thể hiểu được sự biến đổi khí hậu thông qua kinh nghiệm trực tiếp. Chúng ta không thể cảm nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên; chúng ta không thể thấy, ngửi hoặc nếm các loại khí nhà kính; và chúng ta không thể liên kết một sự bất thường thời tiết riêng lẻ với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Một đánh giá thực vấn đề đòi hỏi một sự thông hiểu về các hệ thống với quy mô lớn thông qua các mô hình "dữ liệu lớn". Hơn nữa, kiến ​​thức về các mô hình này và việc đánh giá cách thức các mô hình này vận hành đòi hỏi phải có một kiến ​​thức khoa học sâu sắc về các hệ thống động phức tạp và cách thức mà các vòng phản hồi trong hệ thống khí hậu, sự chậm trễ về thời gian, sự tích lũy và sự phi tuyến vận hành trong các mô hình này. Vì thế, sự tiến hóa của chủ nghĩa tư bản để giải quyết sự biến đổi khí hậu phải, bằng nhiều cách, dựa trên sự tin cậy, niềm tin và sự tin tưởng vào các bên liên quan ngoài sự trao đổi thương mại bình thường. Để đến được với sự lặp lại kế tiếp của thể chế từ nhiều thế kỷ này, chúng ta phải hình dung thị trường thông qua tất cả các cấu thành tạo điều kiện cho việc thiết lập các quy tắc; các doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự, các nhà khoa học và những người khác.
Vai trò đang lên của doanh nghiệp trong xã hội
Cuối cùng, các giải pháp cho sự biến đổi khí hậu phải xuất phát từ thị trường và đặc biệt hơn, từ doanh nghiệp. Thị trường là thể chế quyền lực nhất trên trái đất, và doanh nghiệp là thực thể quyền lực nhất bên trong đó. Doanh nghiệp tạo ra hàng hóa và dịch vụ mà chúng ta cần: quần áo mà chúng ta mặc, thực phẩm mà chúng ta ăn, các hình thái di động mà chúng ta sử dụng và các tòa nhà mà chúng ta sống và làm việc trong đó.
Andrew Hoffman (1961-)
Các doanh nghiệp có thể vượt khỏi biên giới của quốc gia và sở hữu các nguồn lực vượt quá nguồn lực của nhiều nước. Bạn có thể kêu than về thực tế đó, nhưng đó là một thực tế. Nếu doanh nghiệp không lãnh đạo cách thức hướng tới những giải pháp cho một thế giới phi carbon, thì sẽ không có giải pháp nào cả.
Chủ nghĩa tư bản có thể, quả thực nó phải, tiến hóa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Điều này không thể xảy ra bằng cách hoặc tẩy sạch thể chế đang tồn tại hoặc dựa vào tính rộng lượng của một thị trường tự do kinh doanh. Nó đòi hỏi phải có những nhà lãnh đạo có quan tâm tạo ra một thị trường có cấu trúc chu đáo.
Giáo sư Holcim (US) về Doanh nghiệp Bền vững, Đại học Michigan
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Capitalism must evolve to solve the climate crisis, The Conversation, September 17, 2015
Print Friendly and PDF