2.11.16

Kinh tế học Hành vi không hiểu được Hạnh phúc



Kinh tế học Hành vi không hiểu được Hạnh phúc
Có nhiều thứ hơn, có ít lựa chọn hơn hay đang đánh lừa não chúng ta?
Terry Burnham
Điều gì sẽ làm bạn hạnh phúc hơn trong năm 2016?
Nếu có thể thay đổi một khía cạnh trong cuộc sống của mình trong năm 2016 thì điều gì sẽ làm bạn hạnh phúc nhất? Hãy tưởng tượng vào ngày 31/12/2016 bạn nhìn lại một năm 2016 đầy thỏa mãn. Điều đó sẽ là gì?
Kinh tế học chuẩn có một câu trả lời. Giai thoại mà Giáo sư Amartya Sen, một người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, kể lại cho tôi sau đây sẽ minh họa cho điều đó. Một ngày nọ khi đi ngang qua Quảng trường Harvard, Giáo sư Sen hỏi tôi rằng, "Anh sẽ làm gì khi nhìn thấy một người đang cố gắng dùng một cây kéo cùn để tự cắt ngón tay của mình?".
Phản ứng của tôi: ngăn ảnh tự cắt ngón tay mình, gọi cảnh sát giúp đỡ, v.v..
Amartya Sen (1933-)
Câu trả lời của giáo sư Sen là "Hãy đưa cho ảnh cây kéo bén hơn". Kinh tế học chuẩn (còn gọi là [Kinh tế học] "tân cổ điển") giả định rằng mọi người biết những gì mình muốn. Giáo sư Sen đã phê phán một số khía cạnh của kinh tế học tân cổ điển, bởi vậy cách hỏi (và trả lời) của thầy chính là thuật hùng biện được thiết kế nhằm [mục đích] giáo dục.
Hãy để chúng ta quay về với niềm hạnh phúc của mình trong năm 2016. Có phải bạn đã ngầm trả lời là có nhiều tiền hơn phải không?
Nhiều tiền, nhiều tiền hơn, nhiều tiền hơn nữa. Đồng ý, đồng ý, và thậm chí đồng ý hơn nữa. Nhiều tiền hơn sẽ khiến mọi thứ tốt hơn. Trả hết mấy hóa đơn [còn nợ], dỡ bỏ khỏi đôi vai [gánh nặng] con khỉ căng thẳng tài chính, có một kỳ nghỉ xứng đáng. Gửi một ít tiền cho mẹ. Vâng. Có nhiều tiền hơn.
Đối với câu trả lời ‘có nhiều tiền hơn’, kinh tế học tân cổ điển ‘lạy Chúa’. Kinh tế học chuẩn giả định rằng mọi người biết những gì họ muốn (có "sở thích ổn định") và biết làm thế nào để làm cho mình hạnh phúc ("tối đa hóa"). Vì vậy, cách để làm cho ai đó hạnh phúc hơn chính là tăng cơ hội của họ có nhiều tiền và nhiều thời gian hơn.
Chúng ta làm cho cư dân Quảng trường Harvard hạnh phúc hơn bằng cách giúp họ đạt được mục tiêu của mình, không phải bằng cách áp đặt những mục tiêu riêng của mình. Tương tự như vậy, tất cả những gì chúng ta phải làm để ai cũng hạnh phúc hơn chính là mang đến cho họ nhiều tiền hoặc nhiều thời gian hơn. Cá nhân họ sẽ có những lựa chọn tốt nhất cho riêng mình.

Richard Thaler (1945-)
Do đó, quy tắc của kinh tế học tân cổ điển đã rõ ràng. Có nhiều tiền hơn, có thuốc tốt hơn, có một suối nguồn tuổi trẻ. Kết thúc vấn đề.
Ngay khi bạn sẵn sàng định đoạt điều ước năm 2016 của mình vào một tờ vé số trúng thưởng, Giáo sư Richard Thaler vang giọng lên, "Chờ một chút!". Theo Thaler, kinh tế học tân cổ điển hoàn toàn sai lầm (bạn có thể đọc cuốn sách gần đây của ông “Hành xử lệch chuẩn” (‘Misbehaving’) hoặc xem buổi nói chuyện của ông tóm tắt nội dung của cuốn sách và sự nghiệp của mình).
Kinh tế học hành vi lập luận rằng kinh tế học tân cổ điển là sai. Những con người hiện thực (Real humans), trong ngôn ngữ của những nhà sáng lập kinh tế học hành vi Daniel Kahneman và Amos Tversky, thể hiện những thiên kiến và thuật tư nghiệm (biases and heuristics)[1], hoặc, theo cách nói thông thường, con người thì điên khùng.
Amos Tversky (1937-1996)
Daniel Kahneman (1934-)
Vì ích lợi của những mong muốn của bạn trong năm 2016, kinh tế học hành vi đưa ra 3 tuyên bố liên quan. Đầu tiên, con người không biết những gì khiến họ hạnh phúc. Thứ hai, ít lựa chọn đôi khi còn tốt hơn nhiều lựa chọn. Thứ ba, có nhiều tiền hơn thì cũng chẳng thể làm bạn hạnh phúc hơn.
Một thời khắc quyết định trong đời sống trí tuệ của Richard Thaler liên quan đến một chén hạt điều. Thaler từng làm chủ một bữa tiệc phục vụ món khai vị là hạt điều. Những vị khách của ông ngấu nghiến nhai chúng; họ ăn nhiều đến mức Thaler lo họ sẽ no bụng trước bữa tối. Ông đành cất đi số hạt còn lại. Kết quả? Họ cảm ơn ông.
Hạt điều thì có ảnh hưởng gì đến kinh tế học?
Kinh tế học tân cổ điển cho rằng con người lúc nào cũng hạnh phúc hơn khi chọn ăn hạt điều. Như vậy, những vị khách của Thaler đáng lẽ đã không hài lòng khi ông hạn chế lựa chọn của họ.
Có lẽ, Thaler đã nhận ra, kinh tế học chuẩn thật là ​​sai lm khi gi định con người luôn ti đa hóa mt cách duy lý. Nếu điu này đúng, có lẽ một người nào đó ở quảng trường Harvard cố gắng dùng chiếc kéo cùn để làm tay mình bị thương đáng lẽ nên hạnh phúc với mấy ngón tay hơn là không có chuyện gì xảy ra.
Phải chăng càng có nhiều tiền thì sẽ càng hạnh phúc?
Platon (429-347)
Tôi cảm nhận chắc chắn rằng điều đó đúng với tôi. Tuy nhiên, có một cuộc tranh luận học thuật lớn về chủ đề này, và kết quả (gần như đã xác định đứt điểm) là đối với hầu hết chúng ta, dù có thêm tiền đi nữa thì cũng chẳng có bất kì sự thay đổi nào về [mức độ] hạnh phúc.
"Sự giàu có đẻ ra xa hoa, lười biếng; sự nghèo đói sinh ra bủn xỉn, ác độc; và cả hai đều dẫn đến sự không hài lòng", Platon đã viết như thế cách đây hơn 2.000 năm. Quan điểm phức hợp của Platon về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc chính là một bản tóm lược đúng đắn về lĩnh vực này ngày nay.
Do đó, khi tiền không phải là chìa khóa của hạnh phúc thì câu trả lời có thể là gì trong năm 2016?
Kinh tế học đã sa lầy trong cuộc phân tranh huynh đệ tương tàn giữa trường phái tân cổ điển và trường phái hành vi, nên không thể giúp ích được gì.
Quan điểm của thuyết Darwin cho rằng ‘hạnh phúc là một công cụ hướng dẫn hành vi hướng theo thành tựu tiến hóa (evolutionary success). Góc nhìn này có giúp ích được gì không?
Charles Darwin (1809-1882)
Cho phép tôi trực tiếp đi vào câu trả lời mang tính tư biện (speculative) của mình. Nhiều khả năng, hoạt động tay chân sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn thay vì tiền. Nếu đó là thật, thì tại sao cá nhân tôi hay chúng ta vẫn thường muốn nằm ườn trên sô-pha thay vì chạy ma-ra-tông.
Sự tư biện (speculation) của tôi chính là chúng ta được thiết lập để có được niềm vui từ các hoạt động dẫn dắt đến thành tựu tiến hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với cấu trúc não hạnh phúc của ta chính là mối quan hệ giữa hành vi và thành tựu tiến hóa, không chỉ đối với ta, mà còn đối với ông bà tổ tiên mình.
Tôi xin được tiếp tục “sự-tích” [hiểu theo nghĩa câu chuyện chưa được/thể kiểm chứng] (just-so story)[2] của mình bằng việc khẳng định rằng ở thời kì tiến hóa rất gần đây thôi, con người vẫn thường xuyên bị đói và hoạt động tay chân rất nhiều. Tổ tiên ta đáng lẽ nên tận hưởng một ngày ngồi trên sô-pha ăn đồ ăn giàu ca-lo. So với chúng ta [hiện giờ], họ có cường độ hoạt động rất cao, lượng ca-lo thấp hơn, và ít tài sản hơn.
Ý tưởng "không tương xứng” (‘mismatch’) [được hiểu] là trong khi thế giới thay đổi rất nhanh thì gien và bộ não của chúng ta lại không như thế. Do đó, sở thích của ta vẫn phản ánh thế giới của ông bà tổ tiên mình. Vì thế, ta nghĩ rằng có nhiều tiền hơn thì sẽ làm cho bản thân hạnh phúc hơn, bởi [cũng như thời xưa] khi có nhiều nguồn lực hơn sẽ khiến cho ông bà ta đạt được thành tựu tiến hóa lớn hơn. Tương tự như thế, chúng ta được xây dựng [với đặc điểm] tiết kiệm năng lượng bởi [như thời xưa] tổ tiên ta có thể trạng tiêu thụ ít ca-lo.
Tóm lại, chúng ta thích ăn và ngủ vì những điều đó cũng đã từng tốt cho ông bà tổ tiên mình.
Phản ứng của bạn về cách tiếp cận [vấn đề] “đàn bà và đàn ông thời tiền sử” trong năm 2016 là gì?
Voltaire (1694-1778)
Gottfried Leibniz (1646-1716)
Có lẽ bạn đang nghĩ như Voltaire, "Mọi thứ không thể là gì khác hơn chính nó ... tất cả mọi thứ đều được tạo ra với mục đích tốt nhất. Mũi ta được tạo ra để mang kính, do đó, ta có mắt kính. Chân rõ ràng là để cho quần ống chẽn, và chúng ta mặc chúng." (Thực ra, ở đây Voltaire chế giễu ý tưởng của triết gia Đức thế kỷ XVII Gottfried Leibniz, người được biết đến với sự lạc quan của mình và lập luận rằng ‘thế giới của chúng ta là một trong thế giới tốt đẹp nhất có thể có được’.)
Chúng ta có xu hướng yêu tiền bởi [như lúc xưa] tài nguyên là quý đối với tổ tiên ta, và nhiều người trong chúng ta ghét tập thể dục vô ích bởi [cũng như lúc xưa] nó có hại đối với ông bà tổ tiên mình. Nếu không có bằng chứng, thì điều này có thể bị phê phán như là một “sự-tích” mà thôi. Stephen Jay Gould và Richard Lewontin đã phê phán tư tưởng tiến hóa vào năm 1979 trong bài báo nổi tiếng của họ, Mắt cửa[3] San Marcos (The Spandrels San Marcos) và trong đó bao gồm luôn cả phần của Voltaire ở trên.
Phản ứng trước bài phê phán của Gould và Lewontin là gì?
Richard Lewontin (1929-)
Stephen J. Gould (1941-2002)
Vâng, tệ nhất, sự giải thích của tôi về người tiền sử là [một] “sự-tích”.
Một “sự-tích” [thời hiện đại] của người này cũng chính là câu chuyện ‘xin tài trợ NSF[4]’ của người khác. Có rất nhiều học giả làm việc chăm chỉ để thay đổi các giả thuyết tiến hóa sang lý thuyết có thể kiểm chứng được, nhưng, vào năm 2015, các phương pháp này không được xem xét toàn diện. Do đó, tôi sẽ hỗ trợ chi nhiều tiền hơn để xem xét các giả thuyết tiến hóa của 20 - 100 năm tới.
Giải pháp của chúng ta trong năm 2016 thì như thế nào? Phải chăng chúng ta có thể phải chờ đợi trong nhiều thập kỷ nữa?
Không, chúng ta phải quyết định ngay từ bây giờ. Dưới đây là 3 sự lựa chọn khả dĩ cho năm 2016.
1. Kinh tế học tân cổ điển. Theo đuổi đồng đô la toàn năng.
2. Kinh tế học hành vi. Đừng tự che mắt mình nữa. Đi nghiêng ngả ngại ngùng.
3. Kinh tế học tiến hóa. Tập luyện nhiều hơn. Bạn thông minh hơn bộ não của mình.
Giới thiệu tác giả:
Terry Burnham là một nhà kinh tế học, chuyên nghiên cứu nền tảng sinh học và tiến hóa của hành vi con người. Ông là Phó Giáo sư tại đại học Chapman. Có thể theo dõi ông trên Twitter: @TerenceBurnham.
Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Nguồn: Behavioral Economics Doesn’t Understand Happiness, evonomics, 25 December 2015.




[1] Heuristics (tạm dịch: Tư nghiệm) là những quy tắc chỉ đạo tư duy sử dụng kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. (người dịch - ND)

[2] Just-so story (tạm dịch: “Sự-tích” [hiểu theo nghĩa câu chuyện chưa được/thể kiểm chứng]) là một thuật ngữ được sử dụng trong nhân chủng học, sinh học và khoa học xã hội. Nó mô tả một câu chuyện giải thích chưa thể/được kiểm chứng và chứng minh của một thực hành văn hóa hay một đặc điểm sinh học hay hành vi của con người hoặc các con vật khác. Việc sử dụng thuật ngữ này là một lời chỉ trích ngầm nhằm nhắc người nghe về bản chất hư cấu cơ bản và chưa thể chứng minh về một sự giải thích [về nguồn gốc] như thế. Những câu chuyện như thế là phổ biến trong dân gian và thần thoại. (ND)

[3] Mắt cửa là ô tam giác giữa vòm và khung cửa. (ND)

[4] NSF: The National Science Foundation - Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. (ND)

Print Friendly and PDF