7.12.17

Bất ổn tiềm ẩn của bất bình đẳng



BẤT ỔN TIỀM ẨN CỦA BẤT BÌNH ĐẲNG
Kaushik Basu
Ngày nay, bất bình đẳng toàn cầu hiện ở mức độ bằng với mức ở thời điểm gần đây nhất là cuối thế kỷ 19 – và vẫn còn tiếp tục gia tăng. Khi các hậu quả tác động lên địa chính trị, gây xói mòn sự ổn định, điều cần thiết là phải tạo ra luật lệ mới, hệ thống phân phối lại, và hơn thế, các thỏa thuận toàn cầu cũng không còn là vấn đề đạo đức nữa, mà ngày càng là vấn đề mang tính sống còn.
New York - Ngày nay, bất bình đẳng toàn cầu hiện ở mức độ bằng với mức ở thời điểm gần đây nhất là cuối thế kỷ 19 – và xu hướng vẫn còn tiếp tục tăng. Tình trạng này ngày càng đi cùng với tâm trạng bị tước bỏ quyền lợi vốn nuôi dưỡng sự tha hoá và giận dữ, thậm chí là sản sinh ra tinh thần dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại. Khi mọi người đấu tranh để giữ miếng bánh ngày càng thu nhỏ của họ, nỗi lo lắng của họ đã mở ra tương lai chính trị cho những người cơ hội theo chủ nghĩa dân túy, gây nên các cú sốc tác động vào quá trình hình thành trật tự thế giới.
Khoảng cách giàu nghèo ngày nay vượt quá sức tưởng tượng. Oxfam đã quan sát thấy rằng 8 người giàu nhất thế giới đang sở hữu lượng của cải bằng với 3,6 tỷ người nghèo nhất. Như Thượng Nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders chỉ ra, gia đình Walton, người sở hữu Walmart, hiện sở hữu nhiều của cải hơn 42% người sống dưới đáy xã hội Mỹ.
Tôi có thể đưa ra so sánh gây sốc khác. Sử dụng cơ sở dữ liệu về thu nhập của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), tôi nhận thấy rằng tổng số của cải của 3 người giàu nhất thế giới vượt quá giá trị của cải toàn bộ dân chúng tại 3 nước: Angola, Burkina Faso, và Cộng hòa Dân chủ Congo – với dân số tổng cộng là 122 triệu người.
Chắc chắn rằng, tiến bộ lớn trong việc giảm nghèo cùng cực – theo định nghĩa là tiêu dùng ít hơn $1,9 một ngày – đã đạt được trong các thế kỷ gần đây. Năm 1981, 42% dân số thế giới sống trong tình cảnh nghèo cùng cực. Trước năm 2013 – năm mới nhất mà chúng tôi có dữ liệu đầy đủ - tỷ lệ đó đã giảm xuống dưới 11%. Có chứng cứ rời rạc cho thấy là tỷ lệ nghèo cùng cực hiện đang đứng ở mức trên 9% một chút.
Đây thật sự là một thành quả đáng chúc mừng. Nhưng công cuộc giảm nghèo của chúng ta còn lâu mới hoàn thành. Và, ngược với những gì công chúng vẫn tin, công việc này không thể chỉ làm tại các nước đang phát triển.
Angus Deaton (1945-)
Như Angus Deaton chỉ ra gần đây, nghèo cùng cực vẫn tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng tại cả các nước giàu. Ông ấy chỉ ra rằng: “Vài triệu người Mỹ da đen, da trắng và người gốc Tây Ban Nha hiện đang sống trong các hộ gia đình có thu nhập đầu người thấp hơn $2 một ngày”. Ông ấy lưu ý rằng, mức thu nhập đó là thách thức cho những đất nước có mức sinh hoạt cao hơn (bao gồm cả chi phí nhà ở), như Mỹ hơn là cho những nước như Ấn Độ.
Giới hạn này rất rõ ràng tại thành phố New York, nơi mà con số người vô gia cư thống kê được đã tăng từ 31.000 năm 2002 lên 63.000 ngày nay. (Con số thực tế, bao gồm cả những người chưa bao giờ có nhà cửa, cao hơn khoảng 5%). Xu hướng này tương ứng với mức tăng vọt của giá nhà: suốt thập kỷ trước, giá thuê nhà đã tăng nhanh hơn mức lương 3 lần.
Oái ăm hơn, người giàu thường trả ít hơn, trên mỗi đơn vị, đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Một ví dụ rõ ràng là dịch vụ bay. Nhờ những chương trình dành cho khách hàng bay thường xuyên, những người di chuyển giàu có sẽ trả ít hơn cho mỗi dặm họ bay thêm. Trong khi điều này có lý đối với các hãng hàng không, những người luôn muốn gia tăng lòng trung thành của khách bay thường xuyên, nó là một biểu hiện khác của việc được tưởng thưởng dựa trên mức độ giàu có trên thị trường.
Hiện tượng này cũng rõ ràng tại các nền kinh tế nghèo. Một nghiên cứu về các làng Ấn Độ cho thấy rằng người nghèo phải đối mặt với sự phân biệt giá một cách có hệ thống, điều này làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng. Thật sự thì, sửa đổi sự khác biệt về giá phải trả giữa người giàu và người nghèo sẽ cải thiện hệ số Gini (một thước đo phổ biến về sự bất bình đẳng) 12-23%.
Khushwant Singh (1915-2014)
Hơn nữa người giàu còn nhận được hàng loạt hàng hóa miễn phí. Để nêu một ví dụ không quan trọng, tôi sẽ nói về các cây bút, tôi không thể nhớ rõ thời điểm tôi mua cây bút lần cuối cùng. Chúng đơn giản là thường xuyên xuất hiện trên bàn làm việc của tôi, không được chú ý bởi những người ghé qua văn phòng của tôi. Chúng biến mất dần do ai đó tình cờ nhặt lấy xài. Gần đây, Khushwant Singh, một nhà báo Ấn Độ nổi tiếng, đã từng nói rằng ông ấy tham gia các hội nghị chỉ để thu thập giấy và bút.
Một ví dụ quan trọng hơn là thuế. Thay vì trả thuế nhiều nhất, những người giàu nhất thường có lợi thế từ những kẽ hở và khấu trừ thuế, thứ mà những người có thu nhập thấp hơn không có. Không cần phải vi phạm bất cứ luật lệ nào, người giàu có thể nhận được hình thức trợ cấp, số tiền này sẽ tạo ra tác động tích cực lớn hơn khi nó được phân phối cho những người nghèo nhất.
Ngoài những bất bình đẳng cụ thể, có những mất cân bằng ít hiển nhiên hơn, nhưng vẫn gây hậu quả tương tự. Trong bất cứ tình huống nào, về mặt pháp lý, nếu các quyền của một người không được luật hóa hoặc thậm chí là chỉ ra, thì kết quả thực hiện sẽ tùy vào thông lệ, mà thường thì quy tắc sẽ theo hướng có lợi cho người giàu. Công dân giàu không chỉ có thể bầu cử, họ còn ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử qua số tiền quyên góp và các cách thức khác. Với cách tiếp cận này, sự bất bình đẳng hơn về thu nhập còn làm suy yếu nền dân chủ.
Tất nhiên, trong bất cứ nền kinh tế vận hành suôn sẻ nào, một mức độ bất công nhất định là không thể tránh khỏi và thậm chí là cần thiết, để tạo nên động lực và sức mạnh cho nền kinh tế. Nhưng, ngày nay, khác biệt trong thu nhập và của cải trở nên trầm trọng và tồn tại qua nhiều thế hệ, khối tài sản và thừa kế từ gia đình có ảnh hưởng lớn lên tiềm năng kinh tế của một người nhiều hơn cả tài năng và công sức làm việc chăm chỉ của họ. Và điều này thể hiện ở cả hai chiều: không chỉ trẻ con từ gia đình giàu có sẽ có nhiều khả năng trở nên giàu có khi lớn lên, mà trẻ con ở các gia đình có người lớn từng là lao động trẻ em, sẽ lại có xu hướng trở thành lao động trẻ em.
Không một điều gì nói ở đây là lỗi của bất kỳ cá nhân riêng lẻ nào. Nhiều công dân giàu có đóng góp cho xã hội bằng cách tạo ra luật lệ và chơi theo luật đó. Vấn đề là, luật lệ thường nghiêng theo hướng có lợi cho họ. Nói cách khác, bất bình đẳng trong thu nhập bắt nguồn từ sai lầm mang tính hệ thống.
Kaushik Basu (1952-)
Trong xã hội toàn cầu hóa của chúng ta, cũng giống như đối với sự biến đổi khí hậu, không thể để cho thị trường và cộng đồng địa phương tự mình giải quyết vấn đề bất bình đẳng. Khi các hậu quả tác động lên địa chính trị, gây xói mòn sự ổn định, điều cần thiết là phải tạo ra luật lệ mới, hệ thống phân phối lại, và hơn thế, các thỏa thuận toàn cầu cũng không còn là vấn đề đạo đức nữa, mà ngày càng là vấn đề mang tính sống còn.
Tác giả: Kaushik Basu, nguyên Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Giáo sư Kinh tế học tại đại học Cornell và chuyên viên nghiên cứu cao cấp không thường trú tại học viện Brookings.
Bùi Thu Anh dịch
Nguồn:The Insecurity of Inequality”, Project Syndicate, Apr. 11, 2017.
Print Friendly and PDF