“HỒ SƠ MONSANTO”: CUỘC CHIẾN THÔNG TIN
Để cứu vãn glyphosate, Monsanto tấn công vào cơ quan phòng chống ung thư của Liên Hợp Quốc, cơ quan đã xếp sản phẩm hàng đầu của công ty vào loại các chất gây ung thư. Phần hai cuộc điều tra của chúng tôi.
LE MONDE | 19. 06. 2017
Stéphane Foucart và Stéphane Horel
Ở Argentina, nước sản xuất đậu nành lớn thứ 3 trên thế giới, việc sử dụng thuốc trừ sâu đang lan rộng, như ở các khu vực thuộc tỉnh Santiago del Estero. ALVARO YBARRA ZAVALA |
Doanh nghiệp đã hứa rằng glyphosate là chất “vô hại còn hơn cả muối ăn”, nhưng đó là trong quảng cáo. Glyphosate, chất diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trên hành tinh, là thành phần chính của sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, Roundup, mà dựa vào đó họ đã xây nên mô hình kinh tế, sự giàu có và danh tiếng của mình, được thương mại hóa từ hơn bốn mươi năm qua và đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất với sự phát triển của hạt giống biến đổi gen được gọi là “Roundup ready”, trong thực tế là chất gây ung thư.
Ngày 20 tháng 3 năm 2015, Monsanto lãnh đủ cú sốc. Vào ngày hôm đó, glyphosate bị Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư (IARC, International Agency for Research on Cancer) xem là chất gây độc (gây tổn hại đến DNA), một chất gây ung thư ở động vật và “có khả năng gây ung thư ” ở con người.
Hội thẩm đoàn: một nhóm mười bảy chuyên gia giàu kinh nghiệm thuộc mười một quốc tịch, được cơ quan chính thức này của Liên Hợp Quốc triệu tập. Tổ chức này chịu trách nhiệm kiểm kê các chất gây ung thư và các ý kiến của nó có thẩm quyền trong gần nửa thế kỷ qua. Do đó, sẽ không có nghi ngờ gì về số phận đối với những kết luận của họ về glyphosate, được công bố dưới hình thức một bản báo cáo, có tên là “Monograph 112 [Chuyên khảo 112]”.
Lời tuyên chiến
Tránh xa mọi sự chú ý, cơn giận dữ của tập đoàn Mỹ đã vượt Đại Tây Dương bằng đường cáp quang. Cùng ngày, một bức thư đậm mùi tuyên chiến được gởi đến Genève, Thụy Sĩ, cho ban lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, World Health Organization), cơ quan chủ quản của IARC.
Lá thư có tiêu đề là nhánh cây màu xanh lá nổi tiếng được đóng khung trong một hình chữ nhật màu cam: biểu trưng của Monsanto. “Chúng tôi hiểu rằng các thành viên của IARC đã cố tình bỏ qua hàng chục nghiên cứu và đánh giá theo quy định có sẵn một cách công khai ủng hộ kết luận cho rằng glyphosate không có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người”, theo lời cáo buộc của Philip Miller, phó chủ tịch của Monsanto phụ trách các vấn đề pháp lý.
Trong số những điểm mà ông tuyên bố muốn thảo luận trong một “lần gặp mặt khẩn cấp”, có các “biện pháp tức thì để sửa chữa lại công trình này và kết luận này, vốn đáng phản bác nhất”, những tiêu chí tuyển chọn các chuyên gia hoặc những “sổ sách kế toán, hiển thị tất cả những nguồn cung cấp tài chính có liên quan đến việc IARC phân loại glyphosate, trong đó có cả những nhà quyên góp”.
Các vai trò đã bị đảo ngược: nay sẽ là chính tổ chức quốc tế phải chịu trách nhiệm báo cáo cho doanh nghiệp. Vào mùa hè năm 2015, CropLife International – tổ chức vận động hành lang của ngành hoá chất nông nghiệp, mà Monsanto là thành viên – tiếp quản vụ bắt nạt dưới dạng thư từ. Những đòi hỏi can thiệp bất chính đang đua sức với những đe dọa ẩn mặt.
IARC, thành trì của tính độc lập và tính trung thực
Kurt Straif |
Ví dụ được chứng minh bằng tài liệu nhiều nhất cho đến nay liên quan đến những nguy hiểm của việc hút thuốc lá thụ động, được IARC đánh giá vào cuối năm 1990. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ đụng độ lớn với những tập đoàn khổng lồ về thuốc lá, cuộc giao tranh ít nhiều cũng có chừng mực. “Tôi làm việc cho IARC đã mười lăm năm và tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì đó trông giống như những gì đang xảy ra trong hai năm qua”, theo lời thổ lộ của Kurt Straif, trưởng nhóm phụ trách các chuyên khảo tại IARC.
Khó để cho rằng CIRC là một định chế gây tranh cãi, dễ bị thiên vị bởi quan điểm “chống lại ngành công nghiệp”, bị phản bác ngay trong chính cộng đồng khoa học. Đối với đại đa số các nhà khoa học từ giới hàn lâm, các chuyên gia về bệnh ung thư hoặc các nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng, thì cơ quan này là một pháo đài của tính độc lập và trung thực. “Tôi thành thật khó tưởng tượng được một cách khắt khe hơn và khách quan hơn để tiến hành các cuộc thẩm định khoa học tập thể”, theo lời của nhà dịch tễ học Marcel Goldberg, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Y học và Sức khỏe (INSERM, Institut National de la Santé et de la Recherche Médicale), người đã tham gia vào nhiều chuyên khảo.
Marcel Goldberg |
Trong số các cơ quan điều tiết có Cơ quan về An toàn Thực phẩm của châu Âu (EFSA, European Food Safety Authority). Vào mùa thu năm 2015, ý kiến của cơ quan chính thức này – chịu trách nhiệm đánh giá những rủi ro từ thuốc trừ sâu – về glyphosate được trông đợi rất nhiều. Đặc biệt, dựa vào những kết luận của họ, EU phải quyết định liệu có nên hay không gia hạn việc cấp phép cho glyphosate, trong thời hạn ít nhất là một thập kỷ. Vào tháng 11, Monsanto có thể thở phào. Ý kiến của EFSA mâu thuẫn với ý kiến của IARC: cơ quan này cho rằng glyphosate không phải là chất gây độc cũng chẳng phải là chất gây ung thư. Tuy nhiên, sự thở phào này mang tính ngắn hạn.
Loạt công kích chống lại nhà nghiên cứu độc tố
Christopher J. Portier |
Trong các giới hoạt động về sức khỏe môi trường, Christopher Portier là một nhân vật quan trọng. “Tôi đã đọc ở đâu đó rằng Chris Portier không có năng lực, và đó chắc chắn là điều lố bịch nhất mà tôi từng nghe, theo lời cười nhạo của Dana Loomis, phó giám đốc phụ trách các chuyên khảo của IARC. Chính ông ấy là người đã phát triển rất nhiều kỹ thuật phân tích được sử dụng ở khắp mọi nơi để giải thích những kết quả của các nghiên cứu về chất gây độc!” Ông Porter là một trong những nhà khoa học có hồ sơ lý lịch chuyên môn không dưới ba mươi trang.
Là tác giả của hơn 200 ấn phẩm khoa học, ông là Giám đốc phụ trách Y tế môi trường tại các Trung tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (CDC, Centers for Disease Control and Prevention), Giám đốc Cơ quan của Hoa Kì về các chất độc hại và đăng ký bệnh dịch, Phó Giám đốc Viện Quốc gia về Khoa học Y tế môi trường (NIEHS, National Institute of Environmental Health Sciences) và Chương trình quốc gia về khoa độc tố. “Đây là một quá trình nghề nghiệp độc đáo không thể chối cãi”, theo lời của Robert Barouki, giám đốc bộ phận nghiên cứu độc tố tại INSERM.
Robert Barouki (1957-) |
Vào ngày 18 tháng 4 năm 2016, hãng tin Reuters đã công bố một bài viết dài về IARC, được giới thiệu như là một cơ quan “bán tự trị” của WHO, thủ phạm tạo ra “sự lẫn lộn ở người tiêu dùng”. Bài viết gợi lên sự “lo ngại về những xung đột lợi ích tiềm tàng, liên quan đến một nhà tư vấn của cơ quan có quan hệ mật thiết với Quỹ Bảo vệ môi trường, một nhóm gây áp lực của Mỹ chống lại các thuốc trừ sâu”.
Đả kích và nặn óc viết bài
Bài của Reuters viết tiếp, “Các chỉ trích lập luận rằng IARC lý ra không nên cho phép nhà tư vấn đó tham gia vào công trình đánh giá chất glyphosate”. Chi tiết thú vị: hãng tin Reuters – hãng này đã từ chối trả lời các câu hỏi của Le Monde – đã để ba nhà khoa học phát biểu, những người chỉ trích thậm tệ định chế, mà không bao giờ đề cập đến việc cả ba nhà khoa học đó đều được mọi người biết đến là các nhà tư vấn cho ngành công nghiệp.
David Zaruk (1963-) |
Giáo sư Porter được luân phiên gọi là “chiến binh”, “con chuột”, “con quỷ”, “cỏ dại”, “lính đánh thuê”, và thậm chí là “đồ cặn bã”, đang “len lõi như một con sâu” trong quả trái cây là IARC. Về phần cơ quan này, họ được so sánh với một “lớp vỏ” mà người ta có thể thấy được “mủ” chảy ra khi “gãi” vào đó, khi mà nó bị “tiêm nhiễm bởi tính ngạo mạn”, “khoa học chiến đấu bị chính trị hóa” hay “thiên kiến chống ngành công nghiệp”.
Ông Zaruk cho biết ông đã có “ba lần liên lạc” với Monsanto, nhưng phủ nhận được trả tiền để viết bài. “Tôi đã không được trả một xu cho blog của tôi viết về glyphosate”, theo lời đảm bảo của ông trong một email gửi cho LeMonde. Vào tháng 4 năm 2017, ông còn xuất bản một bài công kích kịch liệt các tổ chức phi chính phủ (NGO), Christopher Portier và nhiều nhà báo, và minh họa bài viết đó bằng một bức ảnh của Đức quốc xã thiêu đốt các cuốn sách ở quảng trường Opernplatz tại Berlin, vào năm 1933.
Có thể được dễ dàng kiểm tra và vô hiệu hoá các ý vớ vẩn của ông Zaruk. Nhưng sự bảo lãnh về mặt báo chí của hãng tin có uy tín Reuters đã bật đèn xanh cho việc phổ biến các ý đó. Trong vòng vài tuần, những lời cáo buộc về xung đột lợi ích đó đã được kể lại và được trích dẫn trong các tờ báo như Times của London, The Australian, và ở Hoa Kỳ trong tạp chí National Review hoặc The Hill, dưới ngòi bút của Bruce Chassy, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Illinois được Monsanto tài trợ, như thấy được trong các tài liệu bảo mật được hiệp hội Quyền được biết của Hoa Kỳ (USRTK – US Right to Know) thu thập vào tháng 9 năm 2015.
Xung đột lợi ích
“Công trình”của ông Zaruk cũng đồng thời được trích dẫn trong tạp chí Forbes dưới ngòi bút của một nhà sinh học liên kết với Học viện Hoover, một viện chính sách ủng hộ Đảng Cộng hòa, mà người ta đã truy được vết tích trong các tài liệu đã được giải mật của các nhà sản xuất thuốc lá. Vào thời điểm đó, đương sự đề xuất công bố những bài viết hoặc được hưởng lợi từ những lần xuất hiện của mình trên các phương tiện truyền thông để “truyền thông về những rủi ro và khoa học”. Biểu giá từ 5.000 đến 15.000 USD.
Các cuộc công kích của blogger ở Brussels cũng được chuyển tiếp trên các trang web tuyên truyền nổi tiếng, như American Council on Science and Health [Hội đồng về Khoa học và Y tế của Mỹ] và Genetic Literacy Project [Dự án Nhận thức về Gen di truyền], do các chuyên gia truyền thông liên kết cùng với các ngành công nghiệp về thuốc trừ sâu và công nghệ sinh học đảm nhận. Vả lại, bài viết về Christopher Portier và CIRC được ký tên bởi Andrew Porterfield, người tự cho mình, một cách hết sức đơn giản, là “nhà tư vấn về truyền thông cho ngành công nghiệp về các công nghệ sinh học”.
Còn câu hỏi về những xung đột lợi ích của ông Portier thì sao? Liệu Quỹ Bảo vệ Môi trường, thông qua ông Portier, có tác động đến quyết định của IARC trong việc phân loại glyphosate “chất có nhiều khả năng gây ung thư” không? “Do sự liên kết của đương sự với quỹ này, ông Portier có tư cách là 'chuyên gia khách mời', theo lời giải thích của Kathryn Guyton, nữ khoa học gia của IARC phụ trách chuyên khảo 112. Điều này có nghĩa là nhóm công tác đã tiếp xúc với ông để được tư vấn, nhưng ông không tham gia vào quyết định phân loại chất glyphosate vào một hạng mục nhất định nào đó”. Thực tế là có xung đột lợi ích. Nhưng là ở những nơi khác.
Vào tháng 5 năm 2016, khi báo chí và giới blogger xôn xao những nghi ngờ về những thực hành sai trái tại IARC, đến lượt một nhóm chuyên gia khác của Liên Hợp Quốc đưa ra ý kiến của họ. Hội nghị chung về các dư lượng thuốc trừ sâu (JMPR), một nhóm hỗn hợp của WHO và Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp Quốc (FAO), một tổ chức chỉ đánh giá những rủi ro liên quan đến sự phơi nhiễm thực phẩm (chứ không phải qua sự hít thở, tiếp xúc qua da, v.v.), đã phục hồi cho glyphosate.
Gần một năm trước đó, một liên minh các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã cảnh báo WHO về các xung đột lợi ích trong nội bộ của JMPR. Trong thực tế, đã có ba trong số các thành viên của JMPR cộng tác với International Life Science Institute (ILSI, Viện quốc tế về Khoa học và Đời sống), một tổ chức vận động hành lang về khoa học, được tài trợ từ các tập đoàn sản xuất thực phẩm, công nghệ sinh học và hóa học. Từ các công ty Mars đến Bayer, Kellogg đến Monsanto.
“Các khẳng định nghiêm trọng”
Alan Boobis |
Angelo Moretto |
Thế mà, các chuyên gia của JMPR phải tuân thủ các quy tắc tương tự về tính độc lập– trong số những quy tắc nghiêm ngặt nhất trên thế giới – như các chuyên gia của IARC: các quy tắc của WHO. Do có thể ảnh hưởng đến uy tín và các quyết định của định chế nên một xung đột lợi ích hiển lộ cũng nghiêm trọng như một xung đột lợi ích được xác nhận. Tuy nhiên, khi được Le Monde phỏng vấn, WHO đảm bảo rằng “đã không có chuyên gia nào đang bị xung đột lợi ích ngăn cản họ tham gia vào JMPR”.
Hilal Elver |
Baskit Tuncak |
Hai vị chuyên gia đã viết trong báo cáo về quyền có lương thực là có những “khẳng định nghiêm trọng” về “việc các nhà công nghiệp” “mua chuộc” các nhà khoa học để xác thực các lập luận của họ”. Bản báo cáo, khi được đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào tháng 3 năm 2017, nhấn mạnh rằng “những nỗ lực của ngành công nghiệp thuốc trừ sâu đã cản trở các hoạt động cải cách và làm tê liệt các sáng kiến nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu trên toàn cầu.”
Việc làm mất uy tín cơ quan IARC, các chuyên gia trong nhóm công tác của tổ chức này, vấn đề chất lượng của công trình khoa học đã được thực hiện đều là những “nỗ lực” có tầm quan trọng chiến lược, thậm chí là sự cần thiết mang tính sống còn đối với Monsanto.
Các thủ tục pháp lý đang được tiến hành tại Hoa Kỳ
Đeo đuổi theo Monsanto, một số công ty luật của Mỹ đại diện cho các nạn nhân hoặc thân nhân của những nạn nhân đã chết vì chứng ung thư Non-Hodgkin (NHL), một dạng ung thư hiếm tấn công các bạch cầu, mà nguyên nhân được họ gán cho việc tiếp xúc với chất diệt cỏ glyphosate.
Timothy Litzenburg |
Các bản ghi nhớ bí mật, các bảng ghi những con số hoặc các chỉ thị nội bộ: tổng cộng, 10 triệu trang giấy trích xuất từ những thùng hồ sơ lưu trữ và từ các ổ đĩa trong các máy tính của Monsanto. Đây là số lượng tài liệu mà công ty buộc phải chuyển giao cho tòa án cho đến hôm nay. Tại Hoa Kỳ, thủ tục được gọi là “discovery” (“khám phá, phát hiện”) cho phép dạng bố ráp này trong các hồ sơ giấy tờ của đối phương.
Từ khối lượng các tài liệu “hồ sơ Monsanto” đã được scan, được tiết lộ một cách nhỏ giọt, lộ ra kế hoạch phản kích của công ty đa quốc gia. Như tài liệu PowerPoint này, đề ngày 11 tháng 3 năm 2015 và được đóng dấu “mật”, trình chiếu một loạt các slide về một chiến lược gây ảnh hưởng dưới hình thức các “dự án khoa học”. Đặc biệt trong tài liệu này còn gợi ý một sự “đánh giá toàn diện về khả năng gây ung thư” của chất glyphosate được tiến hành bởi những “nhà khoa học đáng tin cậy”, “nếu có thể thông qua công thức một hội đồng các chuyên gia”. Điều này sẽ được thực thi.
Vào tháng 9 năm 2016, một loạt sáu bài viết được đăng trên chuyên san khoa học Critical Reviews in Toxicology. Các bài viết này giải tội cho glyphosate. Nhưng sự xuất bản được công khai là dưới sự “bảo trợ và hậu thuẫn của Monsanto”, liệu điều ngược lại có khả dĩ không?
Tác giả các bài viết: mười sáu thành viên của “hội đồng các chuyên gia về glyphosate” mà Monsanto đã giao nhiệm vụ “xem xét lại chuyên khảo của IARC về chất glyphosate”. Việc tuyển dụng các chuyên gia đã được ủy thác cho Intertek, một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về tài liệu khoa học cho những doanh nghiệp gặp khó với các quy định của nhà nước hoặc với các vấn đề pháp lý liên quan đến các sản phẩm của mình. Đồng thời, Monsanto và các đồng minh của nó cũng sử dụng các dịch vụ của Exponent và Gradient, hai công ty khác chuyên “bảo vệ các sản phẩm”.
“Nhóm đặc nhiệm Glyphosate”
Trong tài liệu PowerPoint về quản trị khủng hoảng, cũng có đề cập đến việc xuất bản một bài viết về chính cơ quan IARC. “Cơ quan đó được thành lập như thế nào, hoạt động ra sao, hoạt động không tiến triển qua thời gian. Họ làm việc theo cách cổ xưa và từ nay là vô dụng.” Nhà khoa học được đề cập để viết bài này, từ đó, đã không hề xuất bản bất cứ bài nào về chủ đề trên.
Tuy nhiên, một bài viết tương ứng với tất cả các điểm theo các yêu cầu thù địch này xuất hiện vào tháng 10 năm 2016 trong một tạp chí không quan trọng. Hệ thống phân loại của IARC, “đã trở nên lỗi thời”, “không phục vụ lợi ích của khoa học mà cũng chẳng phục vụ lợi ích của xã hội”, mười tác giả đã viết. “Chính vì thế mà miếng thịt chế biến có thể được phân loại chung hạng mục với khí mù tạt.” Họ tiếp tục bắn phá, cách tiếp cận của CIRC là nguồn gốc của “các lo ngại về sức khỏe, chi phí kinh tế không cần thiết, sự mất mát các sản phẩm có lợi, sự ứng dụng các chiến lược y tế tốn kém hơn, sự chệch hướng trong công quỹ cho những nghiên cứu không cần thiết.”
Một giọng điệu rất khác thường đối với một chuyên san khoa học. Có thể bởi vì tạp chí Regulatory Toxicology and Pharmacology là một ấn phẩm hơi đặc biệt. Không những ban biên tập thừa thãi các nhà công nghiệp và chuyên gia tư vấn, mà trưởng ban biên tập, Gio Gori, còn là một nhân vật lịch sử trong ngành công nghiệp thuốc lá.
Thuộc sở hữu của tập đoàn quyền lực về xuất bản khoa học Elsevier, đây là tạp chí chính thức của một “hiệp hội” tự cho là bác học, theo International Society of Regulatory Toxicology & Pharmacology (ISRTP, Hiệp hội Khoa học Quốc tế về Quy định độc chất học và dược lý học). Không hề có một thông tin nào của họ trên Internet, và cả ông Gori, lẫn ISRTP và Elsevier đều không trả lời các câu hỏi của báo LeMonde, và người ta thậm chí không thể nhận diện được những người trách nhiệm. Càng không có thông tin về các nguồn tài trợ của họ. Tuy nhiên, lần cuối cùng mà ISRTP công bố danh sách các nhà bảo trợ của họ, vào năm 2008, họ đã liệt kê ra sáu nhà bảo trợ. Trong số đó có Monsanto.
Còn đối với mười tác giả các bài viết, thì có một số người đã từng làm việc hoặc đang làm việc cho tập đoàn Thụy Sĩ Syngenta, thành viên của “nhóm đặc nhiệm glyphosate” được các nhà sản xuất thành lập để thương mại hóa các sản phẩm trên cơ sở glyphosate. Một số người khác là các chuyên gia tư vấn tư nhân. Các chuyên gia tư vấn này, những nhà khoa học đang làm việc trong môi trường học thuật, tham gia vào các hoạt động của ILSI, một tổ chức vận động hành lang về khoa học. Trong số những người đó có: Samuel Cohen, giáo sư về ung thư học tại Đại học Nebraska, Alan Boobis, đồng chủ tịch của JMPR, và Angelo Moretto, báo cáo viên của JMPR... .
“Chiến lược gây sốc”
Ba người nói trên không dừng lại ở đó. Vài tháng sau, họ đăng trên Genetic Literacy Project [Dự án Nhận thức về Gen di truyền] – trang web tuyên truyền này đã chuyển tiếp các cuộc công kích cá nhân chống lại Christopher Portier – một bài viết kêu gọi, lần này, “hủy bỏ” IARC.
Cơ quan này [IARC] bị cáo buộc kích động nỗi ám ảnh “lo ngại hóa học” của công chúng. Nếu cơ quan này không được cải cách, họ viết, thì IARC “nên được xếp xó vào bảo tàng về sự điều tiết mà nó thuộc về, với các hiện vật lịch sử khác như chiếc ô-tô Ford đời Model T, chiếc máy bay cánh kép và chiếc điện thoại quay số”.
Trong giới khoa học, theo thông lệ, tác giả nào viết bản thảo đầu tiên của một bài báo, thì sẽ chịu trách nhiệm theo dõi việc hiệu chỉnh cho đến những sửa chữa cuối cùng. Vậy trong số ba người nói trên, ai là người đã viết hai bài báo này – một bài đăng trên chuyên san khoa học và bài kia, đăng trên trang web Genetic Literacy Project? “Tôi không nhớ”, Alan Boobis trả lời, khi được báo Le Monde đặt câu hỏi, người nêu lên một “quá trình biên tập lâu dài” và “tinh chỉnh suốt năm.”
Câu chuyện gợi lên “một chút về chiến lược gây sốc”, theo lời thừa nhận của ông Boobis. Một lý do để đăng bài trên trang web này ư? Ông Boobis thừa nhận rằng trang Genetic Literacy Project không nổi tiếng về tính chặt chẽ, nhưng giải thích rằng bài viết đã bị một chuyên san khoa học từ chối.
Lập luận của họ giống với lập luận của Monsanto và của các đồng minh của nó? “Bây giờ chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi mà mọi liên kết nhỏ nhất với ngành công nghiệp đều ngay lập tức được xem là bằng chứng về sự thiên lệch, tham nhũng, là nhân tố gây nhầm lẫn, bóp méo và còn không biết điều gì nữa”, ông Boobis đáp lại.
Liệu việc “hủy bỏ” IARC có phải là điều mà Monsanto mong muốn không? Trước các câu hỏi của báo Le Monde, công ty đã từ chối trả lời.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Monsanto papers”: la bataille de l’information, Le Monde, 02/06/2017.