CÉDRIC VILLANI: "TRÍ TUỆ NHÂN TẠO LÀ VẤN ĐỀ CỦA MỌI NGƯỜI"
Nhà toán học và nghị sĩ thuộc đảng LRM [La République en marche – Nền cộng hoà tiến bước] Cédric Villani đã được chính phủ giao một nhiệm vụ nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Ông phải hoàn thành bài báo cáo vào cuối năm nay.
Bài phỏng vấn của Morgane Tual
Trong thời gian dưới sáu tháng kể sau khi đệ trình bản báo cáo France IA [Trí tuệ nhân tạo của nước Pháp], vào cuối nhiệm kỳ của [tổng thống] François Hollande, chính phủ lại giao cho Cédric Villani một nhiệm vụ mới nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Vị dân biểu thuộc đảng LRM tại khu vực bầu cử số 5 của vùng Essonne, nhà toán học và là người được trao giải thưởng danh giá Fields, phải hoàn thành một bản báo cáo vào cuối năm nay. Ông đã trình bày cho báo LeMonde khái quát về sứ mệnh và tầm nhìn của ông đối với lĩnh vực này.
Nói một cách chính xác, ông đã được giao nhiệm vụ gì về trí tuệ nhân tạo?
Nhiệm vụ đó là vạch ra một lộ trình về trí tuệ nhân tạo cho chính phủ trong những năm tới. Chính phủ sẽ hành động theo những trục nào về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức, giáo dục...? Nói tóm lại, là mọi thứ. Với ý tưởng xem trí tuệ nhân tạo không phải là một lĩnh vực chuyên ngành, mà là một vấn đề của mọi người.
Marc Schoenauer (1957-) |
Đặc điểm của sứ mệnh này là nó nằm trong sự tiếp nối các báo cáo trước đây và đặc biệt là báo cáo France IA [Trí tuệ nhân tạo của nước Pháp]. Khi báo cáo này đặc biệt nhấn mạnh đến việc liệt kê, lập bản đồ, với một vài kiến nghị, thì báo cáo sắp tới phải còn đi xa hơn vào những kiến nghị rất cụ thể là đề xuất những hành động mà các bên phải thực hiện. Và vấn đề này được trình bày không chỉ ở quy mô của nước Pháp, mà còn ở quy mô của châu Âu.
Tất nhiên là không phải chỉ có một mình Villani tiến hành nhiệm vụ này, mà là cả một đội ngũ. Trước tiên tôi có được sự hỗ trợ của một chuyên gia về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Marc Schoenauer, giám đốc nghiên cứu của Viện INRIA [Institut National de Recherche en Informatique et en Automatique – Viện nghiên cứu Tin học và Tự động hóa Quốc gia], chủ tịch của Hiệp hội về Trí tuệ nhân tạo của Pháp và là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực này. Đây là một chuyên gia kỹ thuật để tôi tham chiếu. Tôi đoán sẽ có từ 100 đến 200 chuyên gia tư vấn.
Ông sẽ làm gì với các kết luận của báo cáo France IA [Trí tuệ nhân tạo của nước Pháp]? Đặc biệt là kinh phí của nó lên đến 1,5 tỷ euro, liệu kinh phí đó có được duy trì không?
Mọi thứ đều có thể xảy ra. Vai trò của chúng tôi là nói lên liệu kinh phí này có đủ không, có cần cắt giảm không, có cần tăng lên không. Công trình nghiên cứu France IA bị thúc ép về mặt thời gian và không thể phát triển xa hơn các dự án mở rộng và các hành động. Người điều phối báo cáo, Nathanaël Ackerman, sẽ làm việc chặt chẽ với công trình nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp xúc với ông ấy, và ông ấy rất phấn khởi.
Liệu ông đã có những ưu tiên gì cho các hoạt động của Pháp trong lĩnh vực này?
Vâng, có. Có một số lĩnh vực có rất nhiều điều được trông đợi, chẳng hạn như y tế, giao thông vận tải với vấn đề hóc búa về xe ô-tô tự hành, thếgiới kinh tế... Một thách thức rất quan trọng là làm thế nào để mọi người có thể hưởng lợi từ trí tuệ nhân tạo, để trí tuệ nhân tạo gắn với việc củng cố nền dân chủ, chứ không phải là điều ngược lại. Đã có một số ví dụ cho thấy, trong một số trường hợp, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể có tác động tàn phá về mặt kinh tế và hệ thống dân chủ.
Cathy O'Neil (1972-) |
Một tác phẩm gây ấn tượng mạnh nơi tôi là cuốn sách của Cathy O'Neil, Weapons of Math Destruction [Weapons of Math Destruction: How Big Data Increases Inequality and Threatens Democracy – Những vũ khí hủy diệt của Toán học: Dữ liệu lớn đã làm gia tăng bất bình đẳng và đe dọa nền dân chủ như thế nào] (2016, chưa có bản dịch), chỉ ra rằng các tập đoàn lớn đã hưởng lợi từ trí tuệ nhân tạo, dẫn đến những suy thoái xã hội, những sai sót, được sử dụng nhằm quảng cáo cho những mục đích không thể chấp nhận được...
Ngược lại, mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy các biện pháp bảo vệ để trí tuệ nhân tạo có lợi cho một cuộc sống có chất lượng tốt hơn. Nếu việc phân tích tự động các dữ liệu y tế dẫn đến việc phát hiện bệnh tốt hơn và chi phí điều trị ít tốn kém hơn, thì đó là điều tuyệt vời. Nếu điều nói trên dẫn đến việc các công ty bảo hiểm tiến hành áp dụng các mức giá khác nhau dựa trên những thông tin bí mật, theo đó những người mắc các chứng bệnh nghiêm trọng nhất phải trả phí ngày càng đắt hơn, thì tất nhiên đó không phải là điều chúng ta muốn.
Làm thế nào để nước Pháp có thể cạnh tranh với các tập đoàn khổng lồ như GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft), vốn đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và thu hút những chuyên gia giỏi nhất, đặc biệt là những chuyên gia Pháp? Vũ khí đáp lại của nước Pháp là gì?
Thứ nhất: chất lượng đào tạo cao. Chiến lược đào tạo của Pháp dựa vào lực lượng trong nước, trong khi chiến lược của Mỹ thì dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu người tài. Ngoài ra còn phải có một chương trình nghiên cứu có chất lượng cao, nước Pháp đi đầu trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cũng có những định chế như INRIA, CNRS [Centre National de la Recherche Scientifique – Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia của Pháp], những nhà nghiên cứu như Yann LeCun [chuyên gia lỗi lạc về các mạng thần kinh nhân tạo]...
Hiện tại, ông ta [Yann LeCun] đang làm việc cho Facebook!
Yann LeCun (1960-) |
Vâng! Tôi có biết những nhà nghiên cứu khác, những đồng nghiệp đã ra đi làm việc cho Facebook, Google... Đây sẽ là một trong những vấn đề lớn trong bản báo cáo. Đây không phải là vấn đề gây chiến với Facebook và những tập đoàn khác, đó là điều ngu xuẩn. Mà đây là vấn đề tìm hiểu làm thế nào để đạt được một sự cân bằng, một cách tiếp cận mang tính xây dựng có lợi cho mọi người. Để xem làm thế nào đảm bảo công trình nghiên cứu của chúng tôi không bị hút vào [các tập đoàn của nước ngoài].
Quay trở lại với các vũ khí đáp lại của Pháp, nước Pháp có thể còn nhiều vấn đề phải lo, nhưng nó vẫn là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất trên thế giới. Ách chủ bài khác của Pháp là tình hình chính trị hiện tại. Điều này có vẻ như tôi đang rao giảng cho xứ sở của tôi, vâng, có một chút. Chúng ta có một sự chuyển tiếp khá hơn nhiều về chính trị-khoa học, sau các cuộc bầu cử gần đây. Nhiều đồng nghiệp của tôi có cái văn hóa khoa học này. Một điều không có trước đây. Văn phòng quốc hội về công tác Đánh giá các lựa chọn khoa học và công nghệ (OPECST), mà tôi là chủ tịch, có thể tín nhiệm một số ít các nghị sĩ có động lực, có kiến thức về khoa học, và sẵn sàng làm cho mọi thứ chuyển động.
Ngược lại, những điểm yếu của nước Pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là gì?
Có một số khó khăn nhất định về việc tìm nguồn tài trợ, ở mức cần thiết cho các hoạt động đổi mới, cho các hoạt động khởi nghiệp – tất cả những gì tôi nói ra ở đây, cũng là nhận thức của tôi lúc này, nó có thể tiến triển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của tôi.
Ngoài ra còn có vấn đề về chủ quyền, một vấn đề mà toàn bộ châu Âu cũng quan tâm. Trong một thế giới bị thống trị về mặt kinh tế bởi những tập đoàn tin học khổng lồ, mà lúc này tất cả đều thuộc về người Mỹ, những tập đoàn đang mua lại một phần lớn các dự án đang phát triển, thì làm thế nào để chen chân vào? Cho đến nay, quốc gia duy nhất thành công trong việc đưa ra lời chào mua với mức giá cạnh tranh, đó là Trung Quốc. Giữa gã khổng lồ người Mỹ và gã khổng lồ người Trung Quốc, thì không gian nào còn lại cho nước Pháp, cho châu Âu?
Có một sự đồng thuận, đối với nhiều tác nhân, rằng không phải ở quy mô nước Pháp mà ta có thể làm cho các tập đoàn kinh tế khổng lồ nổi lên. Ở quy mô châu Âu thì thích đáng hơn, nhưng sẽ rất khó để các dự án lớn có thể nổi lên ở quy mô quốc tế, vì những lý do hết sức ngớ ngẩn về khác biệt ngôn ngữ, ngoài ra còn có những vấn đề khác về địa điểm, về việc ai sẽ là người lãnh đạo dự án... Nhưng nếu chúng ta gom chung lại tất cả các chuyên gia về những lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao của toàn bộ châu Âu thống nhất, thì không ai có thể cạnh tranh được.
Vấn đề tài chính sẽ là vấn đề mang tính quyết định đối với chiến lược của Pháp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Chúng ta sẽ tìm nguồn kinh phí cần thiết ở đâu?
Tôi chưa có ý tưởng rõ ràng về vấn đề này, đó là một vấn đề lớn. Có một vấn đề về phương tiện, và còn một vấn đề khác về tính linh hoạt của quá trình triển khai. Đối với một số dự án, châu Âu đã cho thấy khả năng tháo khoán những khoản tiền lớn phi thường, ngay cả đối với các dự án khoa học rất táo bạo, như Dự án về não người. Nhưng trong những điều kiện rất phức tạp, với những vấn đề rất đáng kể về quản trị.
Nếu so sánh các hệ thống của Mỹ với các hệ thống của Pháp hoặc của châu Âu, thì sự khác biệt không chỉ ở vấn đề kinh phí, mà còn ở tính đơn giản của quá trình triển khai. Ở đây, chúng ta phải thuyết phục vô số các tác nhân, lặp đi lặp lại nhiều vòng, cho dù là điều trần trước một hội đồng hoặc một ủy ban... Tại Hoa Kỳ, bạn có thể có những lộ trình đơn giản và có một người duy nhất để đưa ra quyết định. Đó cũng là một vấn đề tín nhiệm.
Trí tuệ nhân tạo là một chủ đề ngày càng được thảo luận nhiều trên trường quốc tế. Vào hôm đầu tháng [tháng 9 năm 2017], tổng thống Vladimir Putin [của Nga] đã phát biểu rằng “quốc gia nào đi đầu trong lĩnh vực [trí tuệ nhân tạo] này sẽ là quốc gia thống trị thế giới". Ông có suy nghĩ gì về phát biểu này?
Đó là một phát biểu rất hùng hồn. Trước tiên, phát biểu đó khiến tôi buồn khi nghe một trong những chính trị gia quyền lực nhất trên thế giới sử dụng cụm từ này, "thống trị thế giới". Nếu đó là mục đích, trong giới chính trị, thì quả thật là buồn. Thứ hai, phát biểu đó cho thấy sự kỳ vọng rất lớn vào các công nghệ mới đó. Vấn đề thống trị thế giới này, đã có một lúc, được sử dụng để chỉ bom nguyên tử.
Có đầy rẫy những kịch bản hư cấu về chính trị mà người ta có thể viết ra. Nhưng một nguyên lí khoa học không bao giờ giữ được bí mật, nhưng mà được lưu truyền. Đối với bom nguyên tử, người ta biết là có một số bí mật đã được chuyển giao từ phương Đông sang phương Tây, đặc biệt liên quan đến sự cân bằng của các cường quốc chính trị. Tôi chắc rằng về mặt công nghệ, nếu có một quốc gia làm bá chủ, thì sẽ có một số nhà nghiên cứu của quốc gia đó tìm cách để chuyển giao các công nghệ.
Liệu, theo điều mà Vladimir Putin có vẻ cố tin như vậy, chúng ta có đối mặt với một công nghệ mang tính quyết định lớn đến thế không? Liệu trí tuệ nhân tạo có một sức gây ảnh hưởng lớn đến thế không, trong nền kinh tế hoặc trong các lĩnh vực khác?
Đây là một câu hỏi mở. Điều mà tôi tin là trong những lĩnh vực mà người ta đã nói đến, thì có ít nhất một lĩnh vực sẽ được cách mạng hóa một cách đáng kể. Liệu đó có phải là chiếc xe ô-tô tự động không? Hay là lĩnh vực y tế? Hay là việc sáng tạo ra một mô hình kinh doanh mới?
Môi trường pháp lý cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc có hoặc không có chuyển biến lớn. Lịch sử thường chỉ ra rằng luật pháp thích ứng với công nghệ chứ không phải là điều ngược lại. Nhưng luật pháp có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ, thậm chí đến bạo lực hoặc khả năng của một cuộc cách mạng.
Elon Musk, ông chủ của tập đoàn Tesla, đã nhảy dựng lên với phát biểu của Vladimir Putinkhi cho rằng "việc các quốc gia chạy đua về ưu thế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba." Ông có suy nghĩ gì về phát biểu này?
Elon Musk (1971-) |
Tôi có ý kiến đối lập với Elon Musk. Tôi ngưỡng mộ khả năng phi thường của ông ấy để làm cho mọi thứ chuyển động. Tôi khâm phục khả năng nhìn xa trông rộng của ông ấy và tôi đánh giá cao thực tế ông ấy là một trong số ít những doanh nhân vĩ đại của Mỹ trong việc suy luận từ một định hướng vật lý. Điều đó mang lại cho ông ấy một sắc màu rất thú vị.
Nhưng về một số phần nào đó trong các phát biểu của ông ấy, đối với tôi nó có vẻ mang tính cuồng nhiệt. Đó là trường hợp của phát biểu nói trên. Tôi không nghi ngờ trí thông minh của ông ấy, nhưng tôi nghĩ đây là một chiến lược truyền thông có cân nhắc, giúp làm tăng thêm tiếng tăm xung quanh các dự án của ông ấy. Đó là điều cơ bản đối với mô hình kinh tế của ông ấy.
Ngoài các phát biểu của Elon Musk, chúng ta nên đặc biệt cảnh giác về những gì?
Về mặt kinh tế, đây là điều rất quan trọng. Có một sự lo ngại thực sự của người dân về việc trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế người lao động bằng xương bằng thịt. Cho đến lúc này, hoàn toàn đó không phải là những gì chúng ta thấy. Những quốc gia có nhiều robot nhất cũng là những quốc gia tạo ra được nhiều việc làm nhất – bởi vì đó là một phần của chiến lược và của hiệu quả kinh tế tổng thể.
Một số người sẽ nói với bạn rằng không có gì phải lo sợ, bởi vì sự liên minh giữa con người và máy móc sẽ tốt hơn con người và máy móc riêng lẻ. Điều này đúng, nhưng nó đòi hỏi phải học tập, và nó đòi hỏi phải chăm sóc quá trình quan hệ giữa con người và máy móc.
Morgane Tual
Nhà báo viết cho mục Pixels
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Cédric Villani: “L’intelligence artificielle est l’affaire de tout le monde”, Le Monde, 09.09.2017.