13.12.17

Hồ sơ Monsanto, chiến dịch có tổ chức để đầu độc dư luận xung quanh vụ việc glyphosate

“HỒ SƠ MONSANTO”, CHIẾN DỊCH CÓ TỔ CHỨC ĐỂ ĐẦU ĐỘC DƯ LUẬN XUNG QUANH VỤ VIỆC GLYPHOSATE

Báo “Le Monde” vạch trần cách thức tập đoàn hùng mạnh của Mỹ đã cho đăng những bài viết do các nhân viên của họ cùng viết và được các nhà khoa học ký tên để chống lại những thông tin tố cáo độc tính của chất glyphosate.
LE MONDE | 04.10.2017
Stéphane Foucart và Stéphane Horel
Một kho chứa những chai Roundup - glyphosate - ở Zarate, Argentina, tháng 5 năm 2014 ALVARO YBARRA ZAVALA / GETTY IMAGES
Các bản ghi nhớ mang tính chiến lược, các email, các hợp đồng bí mật... “Hồ sơ Monsanto” tiếp tục cung cấp những bí mật nhỏ và lớn. Sau tập một với các bài viết được đăng vào tháng 6 vừa qua, báo Le Monde đã một lần nữa tiếp tục lao vào điều tra hàng chục ngàn trang tài liệu nội bộ mà tập đoàn khổng lồ về hoá chất nông nghiệp đã buộc phải công bố công khai, tiếp theo sau các thủ tục tố tụng pháp lý ở Hoa Kỳ.
Ở Hoa Kỳ, Monsanto bị các nguyên đơn, ngày càng tăng nhiều, khởi kiện – giờ đây đã lên đến 3.500 người –, là những nạn nhân hoặc thân nhân của những nạn nhân đã chết vì chứng ung thư Non-Hodgkin, một dạng hiếm của ung thư máu, mà nguyên nhân được họ gán cho việc tiếp xúc với chất diệt cỏ glyphosate. Chất diệt cỏ này, được bán trên thị trường vào năm 1974, đặc biệt dưới tên gọi Roundup, đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất trên thế giới, vì là chất phụ trợ thiết yếu mà các loại hạt giống biến đổi gen chịu đựng được. Monsanto nhờ đó mà đã làm giàu. Nhưng với giá nào?
Trong đợt công khai hoá mới nhất về “hồ sơ Monsanto”, được giải mật vào mùa hè năm 2017, vén lên bức màn bí mật về một hoạt động mà cho đến giờ chưa từng được biết đến của công ty đa quốc gia: ghostwriting – theo nghĩa đen là “bài viết ma”.
Được coi như là một hình thức gian lận khoa học nghiêm trọng, cách làm này, đối với một công ty, quy lại là hành động như một “tác giả ma”: trong khi chính những nhân viên của công ty soạn thảo các bài viết và bài nghiên cứu, thì các nhà khoa học, không có bất kỳ mối quan hệ phụ thuộc nào với công ty, là những người đứng tên ký lên các bài ấy, và như vậy mang uy tín về sự nổi danh của mình vào các bài được đăng. Tất nhiên là các nhà khoa học này được trả thù lao cho dịch vụ “tẩy rửa” quý giá này các thông điệp của ngành công nghiệp. Trong vòng bảo mật lớn nhất, Monsanto đã sử dụng đến các chiến lược trên.

Các vụ xung đột lợi ích không được tiết lộ

Henry I. Miller (1947- )
Thử lấy trường hợp của nhà sinh học người Mỹ Henry Miller. Là nhà bút chiến làm việc toàn thời gian, ông là thành viên của Học viện Hoover, một think tank nổi tiếng có trụ sở đặt tại đại học có uy tín Stanford, và đã ký tên, nhiều lần trong mỗi tháng, các bài viết với giọng văn gay gắt, trên nhiều diễn đàn báo chí của Mỹ. Các báo Wall Street Journal  hoặc New York Times đã thường xuyên mở hẳn cột báo của họ cho những diễn ngôn của ông chống lại ngành nông nghiệp hữu cơ và cho những biện hộ của ông ngợi ca các sinh vật biến đổi gen (GMO) hoặc thuốc trừ sâu.
Phiên bản trực tuyến của tạp chí kinh tế Forbes cũng tiếp nhận các bài viết của ông. Nhưng vào tháng 8 năm 2017, chỉ trong một sớm một chiều, mà không có thông báo trước, toàn bộ hàng chục bài do Henry Miller ký tên đều biến mất khỏi trang web Forbes.com. Tất cả những cộng tác viên của Forbes.com đều ký một hợp đồng yêu cầu họ tiết lộ mọi xung đột lợi ích tiềm tàng và chỉ đăng những nguyên bản do họ viết mà thôi, theo lời giải thích của một phát ngôn viên của nhà xuất bản cho báo Le MondeKhi chúng tôi được thông tin là ông Miller đã vi phạm các điều khoản của hợp đồng này, chúng tôi đã loại bỏ tất cả các bài viết của ông ấy khỏi trang web của chúng tôi và chấm dứt mối quan hệ của chúng tôi với ông ấy.
Các tài liệu được giải mật đã chỉ ra điều đó một cách rõ ràng: một số bài viết của Henry Miller đã thực sự được dựng lên bởi một đội ngũ trong lòng... công ty Monsanto. Sự hợp tác giữa nhà khoa học với công ty, có vẻ như, đã khởi đầu vào tháng 2 năm 2015. Vào thời điểm đó, công ty đã chuẩn bị công tác quản lý một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra: Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư (IARC, International Agency for Research on Cancer) chuẩn bị đệ trình bản đánh giá về chất glyphosate. Monsanto biết rằng phán quyết của cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc này, dự kiến được công bố vào tháng sau, sẽ là một thảm họa cho công ty. Vào ngày 20 tháng 3 năm 2015, glyphosate sẽ được chính thức tuyên bố là chất gây độc, gây ung thư ở động vật và “có khả năng gây ung thư” ở con người.
Vì vậy, Monsanto quyết định châm ngòi cho cuộc phản kích. Một viên chức của công ty gạ gẫm Henry Miller, người đã viết bài về đề tài này: “Liệu ông có muốn viết tiếp về IARC, về quá trình hoạt động và về quyết định gây tranh cãi của cơ quan đó hay không? vị viên chức này hỏi ông qua email. Tôi có những thông tin cơ bản và tôi có thể cung cấp chúng nếu cần thiết.” ông Miller nhận lời, nhưng với điều kiện bài viết “xuất phát từ một bản nháp chất lượng cao”. Trong thực tế, bài viết được [vị viên chức đó] chuyển cho ông có vẻ là “có chất lượng cao”: bài này sẽ được đăng vào ngày 20 tháng 3, hầu như không chỉnh sửa gì, trên trang web của Forbes.
Cả ông Miller lẫn Học viện Hoover đều không không trả lời các yêu cầu của báo Le Monde. Về phía Monsanto, họ thừa nhận: “Các nhà khoa học của Monsanto chỉ đơn giản cung cấp phiên bản ban đầu của bài viết, mà Henry Miller đã biên tập và đăng tải. Các quan điểm và ý kiến được trình bày tại diễn đàn này đều thuộc về ông ấy.

Cách thực hành“ghostwriting [bài viết ma]”

Ví dụ về sự lừa dối hàng hoá này chỉ là một trong số những yếu tố khác. Chiến lược được Monsanto thực hiện không giới hạn trong việc thuyết phục công chúng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng lớn như Forbes. Nếu tin vào những cuộc trao đổi giữa các nhà độc tố học của tập đoàn khổng lồ về hoá chất nông nghiệp thì chiến lược này cũng đồng thời liên quan đến những bài viết khoa học theo đúng thể thức, được đăng trên các tạp chí học thuật. Như vậy, theo dòng tiến triển của “hồ sơ Monsanto” xuất hiện nhiều dấu hiệu gợi ý rằng công ty sử dụng bài viết ma, một cách thường xuyên.
Donna Farmer
Như trường hợp này, vào tháng 11 năm 2010, bà Donna Farmer, một trong các trưởng nhóm nghiên cứu độc tố học của công ty, đã gửi “46 trang đầu” của một bản thảo qua email. Người nhận email đang làm việc cho Exponent, một công ty tư vấn chuyên về các vấn đề khoa học, và ông này phải giám sát việc đăng bài viết đó trên một tạp chí khoa học. Bản thân bà Donna Farmer chỉ đơn thuần gạch bỏ tên mình khỏi danh sách các tác giả. Bài nghiên cứu này xuất hiện sau đó trên tạp chí Journal of Toxicology and Environmental Health, Part B [Nhật báo về độc tố học và y tế môi trường, Phần B]và để lại duy nhất có tên của các nhà tư vấn bên ngoài. Bài viết kết luận không tìm thấy nguy cơ của chất glyphosate cho sự phát triển của thai nhi và khả năng sinh sản.
Nếu việc thực hành bài viết ma được mọi người biết là phổ biến trong ngành dược phẩm, thì việc đọc “hồ sơ Monsanto”, từ nay, đặt ra câu hỏi về quy mô của nó trong ngành công nghiệp hóa chất và hoá chất nông nghiệp. Trong thực tế, nó có vẻ như gây ấn tượng lâu bền trong văn hóa của công ty, đến độ mà bản thân các nhân viên cũng sử dụng thuật ngữ vớ vẩn này, một cách liên tục và không giới hạn, trong các cuộc trao đổi thư từ nội bộ của họ.
Đặc biệt chính trên mặt trận khoa học mà Monsanto muốn châm ngòi cho cuộc phản kích chống lại phán quyết được IARC công bố. Một cách để tiến hành, như William Heydens, người phụ trách vấn đề an toàn các sản phẩm được quy định, viết cho các đồng nghiệp ở Monsanto vào tháng 2 năm 2015, là sẽ xông mạnh lên bằng cách để các chuyên gia từ mọi lĩnh vực quan trọng liên lụy vào” – một lựa chọn trị giá 250.000 US$ (220.000 euros), ông nói. Và một cách khác, “rẻ hơn/có khả năng được xem xét lớn hơn”, sẽ là “chỉ để những chuyên gia thuộc các lĩnh vực có tranh luận liên lụy vào (... ), và làm họ trở thành những tác giả ma cho những bài viết về sự phơi nhiễm và độc tính” – khả năng của một chất làm biến đổi DNA.

Các bài viết bị công ty sửa đổi một cách nặng nề

Monsanto giao nhiệm vụ cho Intertek, một công ty tư vấn, tập hợp một hội đồng khoảng mười lăm chuyên gia bên ngoài. Một số người làm việc trong giới hàn lâm, một số người khác làm chuyên gia tư vấn tư. Với các phương tiện tài chính, họ phải soạn thảo năm bài tổng hợp lớn các tài liệu khoa học liên quan đến từng lĩnh vực (độc tố học, dịch tễ học, các nghiên cứu trên động vật, v.v.. ) làm sáng tỏ những liên kết giữa ung thư và glyphosate. Được xuất bản vào tháng 9 năm 2016 trong một số đặc biệt của tạp chí Critical Reviews in Toxicology, năm bài viết – liệu điều này có gây ngạc nhiên không? – kết luận rằng glyphosate là chất không gây ung thư.
Tuy nguồn tài trợ của Monsanto được ghi rõ ở cuối mỗi bài viết, còn có một chú thích bổ sung nhỏ cung cấp đảm bảo cho tính chặt chẽ và độc lập của các bài viết: “Không có nhân viên nào của Monsanto và cũng chẳng có vị luật sư nào của công ty đã xem qua những bản thảo của hội đồng các chuyên gia trước khi những bản thảo này được đệ trình cho tạp chí.” Thế nhưng, không những các nhân viên của Monsanto đã “xem qua” các bài viết này, mà họ còn sửa đổi chúng một cách rất nặng nề, thậm chí có thể là viết trực tiếp các bài này. Trong mọi trường hợp, đó là kịch bản có vẻ như diễn ra đúng với các mốc thời gian của các cuộc trao đổi thư từ bí mật.
William Heydens 
Vào ngày 8 tháng 2 năm 2015, người phụ trách vấn đề an toàn sản phẩm, William Heydens, gửi cho công ty Intertek một bản của bài viết chính đã được chính bản thân ông sửa chữa. Ông đã thực hiện năm mươi sửa chữa và biên tập khác nhau. “Tôi đã xem qua toàn bộ tài liệu và tôi đã chỉ ra, theo ý kiến của tôi, nên giữ lại những vấn đề gì, có thể xóa bỏ những vấn đề gì và tôi cũng đã biên tập một chút, ông viết. Tôi cũng đã thêm vào bài viết một số đoạn.
Còn có những thông điệp nội bộ khác làm nổi bật sự can thiệp của Monsanto trong quá trình biên tập. Công ty muốn quyết định mọi thứ, cho đến cả thứ tự ký tên của các chuyên gia, qua đó cho thấy ai là người thực hiện phần lớn công việc. Công ty cũng muốn che giấu sự tham gia của một số chuyên gia được Intertek tuyển chọn.

Hào quang của tính độc lập

John Acquavella
Một cuộc trao đổi đặc biệt gay gắt đã diễn ra giữa William Heydens – cũng lại là ông ta – và một trong các nhà khoa học được Intertek tuyển chọn, John Acquavella. Monsanto biết khá rõ về ông Acquavella: ông này đã làm việc cho công ty [Monsanto] như là một nhà dịch tễ học trong mười lăm năm. Và chính vì ông Acquavella là một cựu nhân viên nên William Heydens không lường trước việc ông Acquavella xuất hiện như là một đồng tác giả của bài báo mà ông ấy đã góp phần viết – với mức thù lao là 20.700 US$ (18.300 euros), như hóa đơn của ông ta đã cho thấy.
Quyết tâm muốn tạo ra ánh hào quang cho tính độc lập của năm bài nghiên cứu là khốc liệt đến độ tên của các cựu cộng tác viên của Monsanto không được phép xuất hiện. Lời giải thích rất cứng rắn. “Tôi không thấy tên mình trong danh sách các tác giả”, John Acquavella cho biết sự ngạc nhiên của mình qua email. “Quyết định trong hệ thống thứ bậc của chúng tôi là không thể để ông đứng tên tác giả, William Heydens hồi âm, vì lý do ông đã làm việc cho Monsanto trong quá khứ”. “Tôi không nghĩ đó là điều tốt cho các chuyên gia trong hội đồng của tôi, John Acquavella vặn lại. Người ta gọi đó là bài viết ma và điều đó đi ngược với đạo đức.” Cuối cùng, ông Acquavella cũng đã thắng và ông được liệt kê như là đồng tác giả.
Vào tháng 2 năm 2015, cũng chính ông William Heydens này đã gợi ý cách thức tiến hành “ít tốn kém nhất”, ông đề xuất “tùy chọn thêm vào tên của [Helmut] Greim, [Larry] Kier và [David] Kirkland vào ấn bản, nhưng công ty sẽ duy trì chi phí ở mức thấp nhất bằng cách tự thân chúng ta sẽ viết bài, và họ sẽ chỉ việc biên tập và ghi họ tên của họ, có thể nói là như vậy”.
Helmut Greim (1935 - )
Giáo sư về hưu của Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), Helmut Greim, 82 tuổi, phủ nhận đã cho Monsanto mượn tên của mình. Nếu ông đã được trả thù lao, ông khẳng định với báo Le Monde, đó là vì ông đã làm một công việc có thực và với một số tiền hợp lý. “Tôi không thể mua cho tôi một chiếc Mercedes với số tiền đó,” ông nói đùa một cách tinh ranh. Về sự tham gia của ông trong hội đồng của Intertek, ông khẳng định đã được trả thù lao “nhiều hơn một chút” 3.000 euros, số tiền mà Monsanto đã trả cho ông cho một bài tổng hợp, được đăng vào đầu năm 2015 trên tạp chí Critical Reviews in Toxicology. Tuy nhiên, trong một bản ghi nhớ nội bộ, một nhà độc tố học của công ty khẳng định đã làm “tác giả ma cho bài tổng hợp năm 2015 của Greim”...

“Chuyện tếu về chiếc máy pha cà phê”

David Kirkland
David Kirkland, một trong ba chuyên gia nêu trên, một người Anh, 68 tuổi, là một nhà tư vấn tư, chuyên gia về độc tố học. “Tôi chưa bao giờ thực hành bài viết ma, ông nói với báo Le Monde. Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ để tên của mình xuất hiện trên một bài viết hoặc một bản thảo được viết bởi một ai đó mà tôi không biết hoặc một ai đó mà tôi biết nhưng không có cơ hội để kiểm tra tất cả các dữ liệu.” Đối với ông, cụm từ của William Heydens gợi ý chỉ cần đề tên của ông [vào bài viết sẵn] thuộc “chuyện tếu bên chiếc máy pha cà phê”.
Cũng giống như đối với ông Greim, ông Kirkland là người mà công ty biết khá rõ. Năm 2012, Monsanto đã nhờ ông giúp viết một bài tổng quan quan trọng về các tài liệu khoa học liên quan đến các thuộc tính độc tố học của chất glyphosate. “Thù lao tính theo ngày của tôi được tính trên cơ sở tám giờ làm việc, tức 1.400 Bảng Anh [1. 770 euros] mỗi ngày. Tôi nghĩ công việc đó chiếm tối đa là 10 ngày (tức 14.000 Bảng Anh [17.700 euros])”, ông viết, vào tháng 7 năm 2012, trong một email.
Thù lao có đắt một chút đối với người đối thoại với ông là David Saltmiras. Nhà độc tố học này của công ty Monsanto thấy đã phải “nhân đôi” số tiền trên hóa đơn; tuy nhiên, ông cho rằng danh tiếng của David Kirkland, được công nhận và “có uy tin cao”, “đáng để trả chi phí tăng them này”. Bài viết sẽ được đăng vào năm 2013 trên tạp chí Critical Reviews in Toxicology.
Ông Kirkland, từ đó, gắn với Monsanto hàng năm trên cơ sở một “hợp đồng chính” (“master contract”). Như ông đã giải thích cho Le Monde, dạng hợp đồng này cho phép công ty sử dụng chuyên môn của ông mà không bị tính phí theo giờ, như trường hợp của một luật sư. Tuy nhiên, các gói thù lao theo năm này, cũng có một mức trần, “ví dụ 10.000 US$ mỗi năm”, nếu cao hơn mức đó thì sẽ ký những phụ lục hợp đồng hoặc hợp đồng riêng biệt, như trường hợp tham gia vào hội đồng các chuyên gia của Intertek. Ông Kirkland đã từ chối tiết lộ trị giá của hợp đồng này.

Gắn kết với nhau bằng các “hợp đồng chính

Như thế có bao nhiêu nhà khoa học gắn kết với Monsanto, hoặc theo thời gian hoặc theo năm, bằng các “hợp đồng chính”? Tuy công ty không trả lời, thì, trong mọi trường hợp, có vẻ như công ty tập trung vào một số tên tuổi. Một số người thường xuyên xuất hiện trong các bài viết mà công ty tài trợ. Ví dụ, Gary Williams, giáo sư về bệnh học tại Đại học Y khoa New York (Hoa Kỳ), người xuất hiện như là đồng tác giả trong ba trong số năm bài viết của hội đồng Intertek. Ông thậm chí còn được nêu tên là tác giả đầu tiên của hai trong các số bài viết đó.
Giống như các ông Greim và Kirkland, Gary Williams đã cộng tác với Monsanto. Trong email nổi tiếng vào tháng 2 năm 2015, khi người phụ trách vấn đề an toàn sản phẩm buột miệng viết ra rằng các nhà khoa học “sẽ chỉ việc biên tập và ghi họ tên của mình, có thể nói như vậy”, ông nhắc đến một tiền lệ. “Hãy nhớ rằng đây là cách mà chúng ta đã quản lý bài viết của [Gary] Williams, [Robert] Kroes và [Ian] Munro vào năm 2000”.
Tuy nhiên, khi được báo Le Monde phỏng vấn, ông Williams khẳng định có viết phần bài thuộc phận sự của mình, nhưng cho biết không thể nói thay cho hai đồng tác giả của mình – các ông Kroe và Munro đã qua đời.
Monsanto cũng phủ nhận mọi bài viết ma và đề cập đến vài chữ trích từ một email duy nhất “bị đặt ngoài bối cảnh của nó”. Tuy nhiên, công ty cũng hưởng lợi đáng kể từ bài viết đó. Bài tổng hợp dài các nghiên cứu có sẵn này đã được trích dẫn hơn 300 lần trong các tài liệu khoa học. Nói tóm lại, bài tổng hợp này đã trở thành một tài liệu tham khảo. Bài tổng hợp kết luận... glyphosate không có nguy cơ [gây ung thư].
Các nhân viên Monsanto được dẫn trong bài viết đã không trả lời các yêu cầu của Le Monde hoặc chuyển các câu hỏi đó cho bộ phận dịch vụ truyền thông của công ty họ.
Sebastian, 14 tuổi, trong vòng tay của người dì, bên ngoài căn nhà của họ ở tỉnh Chaco vào tháng 11 năm 2012. Cháu bị mắc chứng não úng thủy và myelomeningocele. ALVARO YBARRA ZAVALA.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch




Print Friendly and PDF