TRUNG QUỐC: DỮ LIỆU GIỐNG NHƯ NHIÊN LIỆU CỦA SỰ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ
TRUNG QUỐC: DỮ LIỆU GIỐNG NHƯ NHIÊN LIỆU CỦA SỰ CHUYỂN ĐỔI KINH TẾ
Ở các nước phát triển, cuộc cách mạng kỹ thuật số đang định hình lại cấu trúc kinh tế bằng những “sự hủy diệt sáng tạo”, những thứ đang thách thức các tác nhân đã được thiết lập. Cách thức mà Uber đã “tấn công” vào ngành kinh doanh xe taxi là một nguyên mẫu về điều nói trên. Ngược lại, ở Trung Quốc, lĩnh vực kỹ thuật số không có tính đột phá đoạn tuyệt, nhưng tham gia vào công cuộc xây dựng một cơ sở hạ tầng tiêu dùng còn kém phát triển. Đó cũng là một công cụ quản lý “vốn xã hội” trong một nền văn hóa Nho giáo đánh giá cao các mối quan hệ cá nhân (guanxi) như là một vec-tơ của thành tựu viên mãn và cuộc sống hài hòa.
Việc xây dựng một cơ sở hạ tầng tiêu dùng
Thị trường trong nước được cấu trúc xung quanh những nền tảng trực tuyến tạo thuận lợi cho sự kết cặp (kết nối cung và cầu) cũng như tính dễ thích ứng của các giao dịch, từ khâu thanh toán cho đến các dịch vụ hậu cần, thông qua những cơ chế đánh giá về mặt xã hội. Xã hội tiêu dùng của Trung Quốc, vì thế về bản chất, mang tính kỹ thuật số vì nó chính là kết quả của kĩ thuật này.
Ngoài hoạt động kinh doanh trực tuyến, các tập đoàn Baidu, Alibaba, Tencent, hoặc Xiaomi, còn tấn công vào toàn bộ các cấu trúc hàng dọc của xã hội Trung Quốc: tài chính, y tế, ô tô, tính cơ động trong đô thị, truyền thông, giáo dục. Từ đó, các tập đoàn này đã trở thành những khối kết thực sự, nổi lên từ đại dương các dữ liệu khách hàng và các hiệu ứng của các mạng lưới khổng lồ.
Những con số về kỹ thuật số của Trung Quốc làm ta chóng mặt, ở đất nước có 700 triệu người sử dụng Internet này, tỷ lệ truy cập Internet chỉ là 50%, so với 84% tại Hoa Kỳ. Tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Doanh số bán lẻ trên Internet, trong giai đoạn từ 2012 tới 2015, đã tăng từ 6,3% lên 12, 9% trên tổng doanh số bán hàng. Từ nay đến năm 2020, 40% các giao dịch bán lẻ sẽ được thực hiện trên internet. Đối với hoạt động bán hàng trực tuyến trên từng chiếc điện thoại thông minh, dự kiến sẽ đạt tỷ lệ 73,8% vào năm 2018.
WeChat như là một giao diện đàm thoại hàng ngày
Dưới sự bảo vệ của một bức tường lửa khổng lồ (“Vạn lý tường thành lửa”) và những quy định có tính bảo hộ, các giao diện người dùng và các mô hình kinh doanh chưa từng có trên thế giới đã được phát triển. Trong quần đảo Galapagos kỹ thuật số, sinh vật lạ lùng nhất chắc chắn là ứng dụng di động WeChat. Với hơn 800 triệu người sử dụng, đó vừa là một công cụ tin nhắn tức thì, vừa là một mạng xã hội và là một nền tảng thương mại điện tử tích hợp việc thanh toán và các dịch vụ theo yêu cầu. Là con dao Thụy Sĩ [ý muốn nói đến tính đa năng vô cùng – ND] thực sự về kỹ thuật số, người ta có thể dành cả ngày truy cập trực tuyến mà không cần phải lang thang trên các trang mạng khác. Hơn cả sự đa dạng của các dịch vụ được cung cấp, chính sự tập hợp trong một ứng dụng di động duy nhất đã làm cho WeChat trở thành một giao diện độc nhất trên thế giới.
Tầm quan trọng của hiện tượng WeChat được giải thích bởi tính hàm súc của mối quan hệ xã hội trong nền văn hóa Nho giáo. Ngược lại với phương Tây, sự thành công “theo kiểu Trung Quốc” không nằm trong sự hoàn thành viên mãn của cá nhân (tháp nhu cầu của Maslow), mà nằm trong khả năng tạo ra các mối quan hệ và góp phần vào việc duy trì trật tự xã hội và kinh tế (Edwin C. Nevis). Vì thế, các mạng gây ảnh hưởng (guanxi) hình thành nên xương sống của hệ thống xã hội Trung Quốc. Trong một xã hội không có mạng lưới an sinh xã hội công cộng, chơi trò quan hệ đóng vai trò giảm xóc chống lại những cú sốc của cuộc sống. Vì vậy, WeChat, như con thoi dệt cửi, có mục tiêu là dệt ra tấm vải quan hệ [xã hội], hơn là quản lý hình ảnh về cái tôi của cá thể (ngược lại với Facebook hay Twitter).
Tạo ra một cơ sở dữ liệu các ý định
Bằng việc độc quyền hóa toàn bộ các chức năng sử dụng di động, WeChat đạt đến một độ tinh tế về các điểm của dữ liệu khách hàng, hình thành nên một nguồn vốn vô hình chưa từng có. Dần dần hình thành nên một cơ sở dữ liệu khổng lồ về những ham muốn, nhu cầu và cảm xúc của xã hội Trung Quốc, những thứ có thể được xem xét kỹ lưỡng, phân tích và khai thác để phục vụ cho các mục đích thương mại. “Cơ sở dữ liệu các ý định” này (một khái niệm được John Battelle giới thiệu) được cấu trúc thành bốn lĩnh vực chính và bốn tín hiệu:
• Câu hỏi: “Tôi muốn những gì”
• Đồ thị xã hội: “Tôi là ai/Tôi biết ai”
• Cập nhật địa vị cá nhân: “Tôi làm những gì/Những gì đang xảy ra”
• Truy cập [check-in]: “Tôi đang ở đâu”
Cơ sở dữ liệu các ý định là một nhiên liệu mới nuôi dưỡng các mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Từ nay, sự đổi mới sáng tạo sẽ dựa vào khả năng tăng cường sự tương tác với “tác nhân tiêu dùng” để tạo ra kinh nghiệm.
Một nền kinh tế kinh nghiệm
Trong bối cảnh này, lợi thế cạnh tranh đã chuyển về phía hạ nguồn của chuỗi giá trị: đó không còn là vấn đề tạo ra các hàng hóa hay dịch vụ mà là vấn đề thu thập, khai thác và tạo ra các quan hệ tương tác với khách hàng. Các chuỗi giá trị sẽ tự đồng bộ hóa với nhịp sống để cung cấp những dịch vụ được bối cảnh hóa. Không có nơi nào khác ngoài Trung Quốc, kỹ thuật số đã được định hướng khá mạnh theo yêu cầu cung cấp dịch vụ (O2O, Online To Offline – Từ trực tuyến đến ngoại tuyến): taxi, ăn uống, giặt là, dắt chó đi đạo, tất cả các dịch vụ được cung cấp chỉ bằng một cú nhấp chuột. Đó là khả năng nắm bắt và làm chủ kinh nghiệm khách hàng, thứ mà từ nay được đánh giá cao. Người ta nói đến “CRM về mặt xã hội"[*]. Trọng tâm là sự tham gia của khách hàng trong cuộc trò chuyện để tạo ra giá trị trong một môi trường tin cậy và minh bạch.
Giám đốc Marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là một chuyên gia về quản lý sự đổi mới, Bertrand Hartemann có niềm đam mê về các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ sự đổi mới có tính đoạn tuyệt của kỹ thuật số. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn mười năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Chine: la donnée comme carburant de la transformation économique, Asialyst, 22/11/2016.
[*] Quản trị quan hệ khách hàng: quản lý quan hệ khách hàng↩