CỘNG HÒA KHOA HỌC HAY ĐẾ CHẾ Ý
THỨC HỆ?
Noah Smith
|
Jim Tankersley |
Tờ Washington Post đã có một bài phóng sự dài [long story] của tác giả Jim Tankersley về nỗ lực của Charles Koch nhằm gây ảnh hưởng đến giới kinh tế học khi đóng góp những khoản tiền khổng lồ cho rất nhiều trường đại học. Dưới đây là một số trích đoạn:
Sự đóng góp của Koch đã thúc đẩy sự mở rộng của một nhánh nghiên cứu kinh tế gắn chặt với niềm tin cá nhân của ông về cách thức thị trường vận hành tốt nhất: với quyền tự do mạnh mẽ của cá nhân và sự can thiệp có giới hạn của chính phủ.
Niềm tin ấy đã gieo mầm cho các trung tâm nghiên cứu, các giáo sư và các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu về doanh nghiệp tự do, những người thường cung cấp nền tảng trí thức cho pháp chế nhằm làm giảm các quy định điều tiết và thuế...
|
Charles Koch ( 1935- ) |
Chỉ từ năm 2012 đến năm 2014, tổ chức từ thiện của ông, Quỹ Charles Koch, đã tặng 64 triệu US$ cho các chương trình nghiên cứu của đại học. Một hồ sơ nộp thuế từ năm 2013 liệt kê hơn 250 trường học, phòng ban hoặc chương trình đã nhận tài trợ từ quỹ, với số tiền từ vài ngàn US$ đến hơn 10 triệu US$ cho Đại học George Mason ở Fairfax, Va. Đối tượng nhận tài trợ là các trường cao đẳng giáo dục đại cương không có tiếng tăm, các trường đại học hàng đầu của bang và các trường thành viên thuộc hệ thống Ivy League.
Một số khoản tài trợ đã chảy vào các trung tâm nghiên cứu trong một học viện, chẳng hạn như trung tâm Mercatus [vì các ý tưởng định hướng thị trường – ND] tại Đại học George Mason và trung tâm Ed Snider Center for Enterprise and Markets [vì sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường] tại Đại học Maryland, tiến hành các nghiên cứu của họ dựa trên niềm tin cho rằng quyền tự do kinh tế – và sự can thiệp ít hơn của chính phủ – là chìa khóa để làm tăng sự thịnh vượng. Một số đại học cũng hậu thuẫn cho quan điểm của khoa tại các trường, như Đại học Clemson và Đại học bang Florida, từ lâu đã tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu giống như vậy...
Koch không còn đích thân xem xét các đơn xin tài trợ đó nữa – các nhân viên của quỹ tài trợ ông sẽ đảm nhận phần việc đó... Tuy nhiên, Koch đã xác lập một tập hợp các nguyên tắc để xác định ai sẽ nhận được tiền tài trợ của ông. Ông đánh giá cao những nhà nghiên cứu có các giá trị, mà theo cách ông gọi là, bắt rễ trong một triết lý kinh tế gắn liền với triết lý của ông – niềm tin cho rằng các quyền tự do kinh tế và cá nhân sẽ tạo ra những tiến bộ nhanh nhất về phúc lợi của con người.
Bài viết của báo Washington Post có tựa đề “Inside Charles Koch’s $200 million quest for a 'Republic of Science' [Bên trong yêu cầu của số tiền 200 triệu US$ của Charles Koch vì một 'nền Cộng hòa Khoa học']". Đây là một cái tựa quy chiếu về một bài viết của Michael Polanyi vào năm 1962 có tựa đề là "The Republic of Science: Its Political and Economic Theory [Cộng hòa Khoa học: Lý thuyết Chính trị và Kinh tế]". Trong bài viết này – mà Koch đã viện dẫn như là một bài có ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực của ông – Polanyi nói rằng từng đồng US$ nghiên cứu nên được rót cho những nhà khoa học nào có công trình được hậu thuẫn bởi sự đồng thuận của giới khoa học. Tankersley lạnh lùng lưu ý:
[Nỗ lực đóng góp của Koch] đặt ra câu hỏi là liệu Koch có trở thành, đối với các nhà nghiên cứu đại học, dạng tác lực méo mó mà Polanyi đã cảnh báo không.
Tại sao vậy.
Koch đang biến một nỗ lực bền bỉ, trị giá hàng nhiều trăm triệu US$ thành động lực để thúc đẩy giới kinh tế học hàn lâm hướng tới một ý thức hệ tự do vô chính phủ. Đó là một nền "Cộng hòa Khoa học" cũng tương tự như Bắc Hàn là nền "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".
Một cách để hiểu điều này là nhìn nó như một phản ứng tự vệ chống lại khuynh hướng can thiệp trong tư duy kinh tế. Trên nhiều vấn đề, các nhà kinh tế học hàn lâm giờ đây ít ủng hộ thị trường tự do hơn so với công chúng. Và các nhà kinh tế nổi tiếng nhất với công chúng hiện nay có xu hướng nghiêng về cánh tả hơn là cánh hữu – Hayek và Friedman đã nhường chỗ cho Piketty và Krugman. Vì vậy, chiến dịch tài trợ của Koch có thể là một nỗ lực của những người theo chủ nghĩa tự do triệt để nhằm ngăn chặn cơn thủy triều.
Một cách khác để hiểu điều đó là nhìn nó như một phản ứng tự vệ chống lại khuynh hướng theo cánh tả của giới học thuật. Nhiều ngành khoa học xã hội – nhân chủng học, nghiên cứu đô thị, tâm lý xã hội, và chắc chắn là có xã hội học – có vẻ đã bị ý thức hệ cánh tả hút hồn ở một mức độ lớn hơn việc kinh tế học đã từng bị chủ nghĩa tự do hút hồn, thậm chí trong những năm 1970 và 1980. Koch có thể đang sử dụng hàng trăm triệu US$ của ông để cố bảo vệ kinh tế học, như là một bức tường thành ngăn chặn sự hút hồn này của khoa học xã hội theo cánh tả.
Một diễn giải cuối cùng là Koch chỉ làm những gì mà Koch luôn làm – kiên định thúc đẩy tư tưởng tự do vô chính phủ trên thế giới bằng bất cứ phương tiện nào nhanh chóng nhất có thể.
Tuy nhiên, bất luận cách kiến giải nào, tôi không thích cách làm trên. Không giống như Koch, và không giống nhiều dạng khoa học xã hội cánh tả mà tôi đã có những cuộc tranh luận trong thời gian gần đây, tôi không tin rằng khoa học xã hội tự bản thân nó có tính ý thức hệ. Và tôi nghĩ rằng sự hiểu biết của chúng ta về thế giới sẽ bị chậm trễ khi con người cố làm ngập mọi ngõ ngách của học thuật bằng các nhà nghiên cứu mà người ta nghĩ rằng sẽ thúc đẩy một số tập hợp kết luận nào đó.
Tôi không có gì để nói hơn nữa, và đây là một trong những trích dẫn Feynman mà tôi yêu thích:
Trách nhiệm của chúng ta là làm những gì có thể, học hỏi những gì có thể, cải tiến các giải pháp và truyền bá chúng. Trách nhiệm của chúng ta là để cho các thế hệ tương lai được tự do. Trong sự hấp tấp trẻ trâu của nhân loại, chúng ta có thể phạm những sai lầm nghiêm trọng có thể làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong một thời gian dài. Chúng ta làm được điều này khi nói rằng chúng ta có được các câu trả lời ngay bây giờ, cho dù trẻ và dốt nát như chúng ta hiện nay. Nếu chúng ta đàn áp tất cả các cuộc thảo luận, tất cả các lời chỉ trích, tuyên bố rằng "Đây là câu trả lời, hỡi bạn bè của tôi; con người sẽ được cứu rỗi!" Chúng ta sẽ bắt nhân loại chịu đựng thêm nữa trong xiềng xích của quyền lực, bị giam hãm trong những giới hạn của trí tưởng tượng hiện tại của chúng ta. Điều này đã từng xảy ra rất nhiều lần trước đây.
Một nền "Cộng hòa Khoa học" đích thực sẽ phải tập trung vào việc tìm kiếm sự thật một cách cởi mở, chứ không phải vào sự thừa nhận một giáo điều đã được định trước.
Cập nhật
Không có ai trong số những người nhận tiền tài trợ hậu hĩnh nhất của Koch xuất hiện trong danh sách các khoa kinh tế hàn lâm có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ, theo tính toán của một nhánh nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis. Chỉ có một giáo sư làm việc tại một trong những trung tâm được Koch tài trợ nhiều nhất làm rạng rỡ một danh sách tương tự, liệt kê top 5% những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu được Koch tài trợ tạo ra một tác động rộng lớn hơn trong công chúng. Họ thường làm chứng trước các ủy ban do đảng Cộng hòa lãnh đạo trong Quốc hội. Công việc của họ thường là hướng dẫn các nhà lập pháp, đặc biệt là các nhà bảo thủ, ở cấp quốc gia trong việc soạn thảo luật, và họ đã cung cấp các nền tảng cho những ý kiến về mặt tư pháp có tác động đến nền kinh tế về các vấn đề như liệu chính phủ có nên can thiệp để ngăn chặn các công ty lớn sáp nhập lại không.
Có thể là Koch không muốn gây ảnh hưởng đến bản thân khoa học kinh tế bằng việc muốn khắc họa thành tố đưa ra cho công chúng của khoa học này. Kết quả cuối cùng có thể là có hai ngành kinh tế học – một ngành không thiên vị, đi tìm sự thật, chiếm phần trên của tháp ngà, ở trường MIT và ở các đại học Princeton và Stanford, nghiên cứu sâu về toán học và các công trình dựa trên dữ liệu trung thực và kỹ lưỡng, từ từ phát triển ra thông qua các kênh truyền thông truyền thống... và một ngành kinh tế học thứ hai trong các nhà trường được xếp hạng thấp hơn, nghiên cứu một phiên bản hơi bán chuyên nghiệp một chút của dạng vận động chính trị, đang được các viện chính sách bảo thủ thực hiện. Nhánh [kinh tế học] đầu sẽ tập hợp những bộ não giỏi nhất, có hiểu biết tốt nhất về thế giới thực, còn nhánh [kinh tế học] thứ hai sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn về mặt chính sách và tác động đến giới trí thức rộng lớn. Điều này khác với sự ràng buộc phục tùng của khoa học đối với ý thức hệ mà tôi đã hình dung, nhưng có vẻ nó cũng không phải là một viễn cảnh thích thú về tương lai.
Nhiều người nhận tài trợ của Koch đã phản pháo lên Twitter, nói rằng các hiệp hội và các viện chính sách cánh tả cũng tài trợ cho các quỹ nghiên cứu của các trường đại học. Tất nhiên, điều đó cũng làm tôi lo lắng – có lẽ đã đến lúc phải xây dựng một bộ quy tắc đạo đức chung về việc tài trợ cho kinh tế học. Nhưng điều làm tôi lo lắng nhiều hơn là khi A) việc tài trợ trở thành nguồn tài trợ chính cho toàn bộ các khoa nghiên cứu, B) đó là hàng trăm triệu US$ từ một nguồn tài trợ duy nhất, thì C) điều này dứt khoát là mang tính ý thức hệ, và D) điều này sẽ tác động đến việc đưa ra các quyết định tuyển dụng, theo đường lối ý thức hệ thay vì chỉ đơn giản tài trợ các công trình nghiên cứu của các giáo sư hiện hành.
Có rất nhiều thứ bẩn thỉu ở đó trong kinh tế học, nhưng nỗ lực của Koch có vẻ quá đồ sộ và mang tính quá ý thức hệ một cách không hối tiếc, đáng để chọn lựa. Số lượng, như lời của một trong những tác giả yêu thích của Koch, tự thân nó đã có phẩm chất.
|
Noah Smith |
Một nhà bình luận đã nói về tình hình tại Đại học Western Carolina. Tôi đã nhiều lần suy nghĩ về các khía cạnh của khoa học và vận động chính sách liên quan đến vấn đề này, nhưng giáo dục cũng có vẻ cũng quan trọng không kém.
GIỚI THIỆU TÁC GIẢ:
Noah Smith đã từng là giáo sư tài chính tại đại học SUNY Stony Brook, nghiên cứu sinh tiến sĩ về kinh tế học tại Đại học Michigan, biên tập viên hàn lâm tại Nhật Bản, và sinh viên ngành vật lý tại Đại học Stanford. Ông đang nghiên cứu công trình giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi tất cả các vấn đề của bạn đột nhiên biến mất. Đó chính là Noah.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch