16.1.21

Bạo lực ở Đồi Capitol và biểu tình ở Hồng Kông: sự tuyên truyền đến cùng của Trung Quốc

 BẠO LỰC Ở ĐỒI CAPITOL VÀ BIỂU TÌNH Ở HỒNG KÔNG: SỰ TUYÊN TRUYỀN ĐẾN CÙNG CỦA TRUNG QUỐC

David Bartel

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vào ngày 7 tháng 1 năm 2021 trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Khi các sự kiện tương tự [hành động bạo lực của những người ủng hộ Donald Trump ở Điện Capitol] diễn ra ở Hồng Kông, thì một số người Mỹ và truyền thông Mỹ đã phản ứng một cách khác.” (Nguồn: FT)

Phe đối lập đã bị tiêu diệt ở Hồng Kông. Hôm Thứ Tư, ngày 6 Tháng 1, cảnh sát đã bắt giữ 53 người chống đối Hồng Kông, trong đó có một số nhân vật nổi tiếng như Đồ Cẩn Thân [James To], Doãn Triệu Kiên [Andrew Wan] và Lâm Trác Diên [Lam Cheuk Ting], nhân danh luật an ninh quốc gia mới, hầu hết với cáo buộc “phản loạn”. Một luật sư người Mỹ nằm trong số những người bị bắt giữ, trong chiến dịch rộng lớn nhất được thực hiện theo luật hà khắc đó được Bắc Kinh áp đặt vào ngày 30 tháng 6 vừa qua. Cũng vào chính ngày 6 tháng 1 đó, Điện Capitol, thánh địa của nền dân chủ Mỹ, đã bị một đám đông cực đoan, bị kích động tột độ bởi Donald Trump, tràn vào để ngăn việc chứng nhận chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11, vốn được tất cả các cơ quan bầu cử ở Hoa Kỳ xác nhận. Trung Quốc, thông qua người phát ngôn bộ ngoại giao của mình, đã nhanh chóng đối chiếu với những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vào năm 2019.

Điều đó đã được dự liệu trước! Vào lúc mà cảnh sát Hồng Kông bắt giữ hơn 50 người, viện cớ họ có ý đồ lật đổ chính quyền Hồng Kông vào tháng 7 năm ngoái, bằng cách tổ chức một cuộc bỏ phiếu không được công nhận để đề cử các ứng cử viên Dân chủ cho cuộc bầu cử quốc hội, vốn đã bị hoãn lại vô thời hạn [sine die], vì lý do đại dịch Covid-19 (và có thể vì khả năng chiến thắng của phe Dân chủ), chính phủ Trung Quốc, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã dám so sánh những sự kiện ở Điện Capitol với hành động của những người biểu tình Hồng Kông tràn vào trụ sở của LegCo (Hội đồng Lập pháp), Quốc hội Hồng Kông, vào ngày 1 tháng 7 năm 2019.

Mức độ ác ý, và nụ cười của bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, tin chắc vào chiến thắng của mình, đã nói lên rất nhiều điều về sự dễ dàng của chính quyền Bắc Kinh trong việc vn dụng các tiêu chuẩn kép.

Nên nhớ rằng việc người biểu tình Hồng Kông tràn vào cơ quan LegCo đã diễn ra một cách ngẫu hứng, mà không có người lãnh đạo, không có một “kế hoạch ma quỷ”? Nó đã diễn ra sau nhiều tuần phản đối luật dẫn độ, một luật vốn không được soạn thảo kỹ lưỡng. Nếu sự kiện này thực sự đánh dấu một hình thái cực đoan hóa của một bộ phận giới trẻ Hồng Kông, thì đó là vì chính quyền Hồng Kông đã ngạo mạn bỏ ngoài tai tiếng nói của người dân, mà chỉ nghe theo Bắc Kinh.

Nên nhớ rằng những người biểu tình Hồng Kông, đeo mặt nạ, vì nhận thức được những rủi ro mà họ phải gánh chịu, đã hành động tức giận chống lại việc chính quyền - Trung Quốc và Hồng Kông - không tôn trọng tiếng nói lẫn chữ ký của họ?

Nên nhớ rằng sự tuyệt vọng của những người này khi nhìn thấy bị phản bội bởi những hứa hẹn [của chính quyền], lối sống của họ bị thay đổi mà không có một biện pháp pháp lý nào để được lắng nghe lẫn để tự vệ?

Carrie Lam (1957-)

Nancy Pelosi (1940-)
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga [Carrie Lam] và tay sai của bà, những người coi người biểu tình Hồng Kông là “kẻ thù của nhân dân,” hớn hở nhắc lại sự ủng hộ của bà Nancy Pelosi đối với những người biểu tình dân chủ Hồng Kông.

Sự hớn hở chống dân chủ của bà Tưởng Lệ Vân [Ann Chiang], một dân biểu ủng hộ Bắc Kinh ở LegCo, tuôn trào trong lời bình luận của bà ta: “Hôm nay, văn phòng của bà Pelosi cũng bị chiếm đóng. Cuối cùng thì các nhà lập pháp Mỹ cũng có thể trải nghiệm được hành động bạo lực dân chủ đó và hiểu được ý nghĩa của việc chiếm đóng quốc hội.”

Tính tự phụ và châm chọc trong các bình luận chỉ có một mục đích: bằng cách đưa hai sự kiện ra khỏi bối cảnh của chúng, và tập trung vào những điểm tương đồng hữu hình bề ngoài của đám đông giận dữ vì nhiều lý do khác nhau, và khi đối chiếu hai sự kiện một cách phi logic thì vấn đề là để làm mất uy tín đối thủ nhằm tiếp tục gièm pha, vu khống, lên án, chế nhạo, tố cáo, xúc phạm thể chế dân chủ như một hình thái chính quyền.

Cùng lúc đó, việc vẽ ra một sự so sánh giữa sự bùng phát của những người biểu tình chống lại chế độ độc tài lớn nhất thế giới một cách tuyệt vọng, với một đám đông người có vũ trang và tự tin tìm cách đảo ngược một cuộc bầu cử mà tất cả các định chế của một nền dân chủ lớn nhất thế giới đã hợp thức hóa, bắt nguồn từ một lập luận đơn giản, thậm chí quá đơn giản: mọi sự tranh cãi công khai đối với một quyết định chính trị, về bản chất, đều là luật của đám tiện dân.

Đây là nghệ thuật phi chính đáng hóa mọi yêu sách. Cho dù phương pháp này có thể quá đơn giản đến đâu, người ta có thể quan ngại rằng nó sẽ hiệu quả đối với một công chúng Trung Quốc vốn đã được nuôi dưỡng là các nền dân chủ trên thế giới có vô vàn khó khăn và được nhồi nhét đến cùng bởi những thành công liên tục của một Đảng Cộng sản vốn kiểm soát mọi thứ. Ai có hiểu thì ráng giữ mình.

David Bartel

David Bartel

Là nhà nghiên cứu độc lập, David Bartel sống ở Hồng Kông từ mười năm nay. Đỗ bằng tiến sĩ vào năm 2017 tại EHESS [Trường Cao học Khoa học Xã hội], luận án của ông viết về đề tài Phong trào Khai sáng của Trung Quốc trong thế kỷ XX và sự cấu hình lại đương đại của phong trào này. Ông đặc biệt quan tâm đến các liên kết giữa lịch sử, chính trị và ngôn ngữ. Sự kết hợp các diễn ngôn lý thuyết hậu hiện đại và hậu thuộc địa - ở Trung Quốc và các nơi khác - qua các thuật hùng biện mang tính dân tộc, và sự xóa bỏ văn hóa nhân danh văn hóa là những chủ đề trung tâm trong các nghiên cứu của ông.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Violences au Capitole et manifestations à Hong Kong: la propagande chinoise jusqu’à la lie, Asialyst, ngày 09/01/2021.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF