20.1.21

Một chủ nghĩa Trump không có Donald Trump?

 MỘT CHỦ NGHĨA TRUMP KHÔNG CÓ DONALD TRUMP

Jerome Karabel[*]

Felipe Jesus Consalvos. - “Hypnotic America” (Nước Mỹ bị thôi miên), 1920-1960. Courtesy the Gallery of Everything, London

Sau nhiều ngày hồi hộp chờ đợi, ông Joseph (“Joe”) Biden cuối cùng đã thắng ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng chiến thắng gập ghềnh này không đáng giá bằng sự loại bỏ vĩnh viễn mà phe Dân chủ đã khát khao mong muốn. Thực vậy, cuộc bầu cử đã tỏ ra khá thảm hại đối với họ. Mặc dù đã quyên góp được món tiền kếch sù để tài trợ cho chiến dịch bầu cử (1,5 tỷ đô la chỉ trong ba tháng, từ tháng bảy đến tháng chín[1]), phe Dân chủ đã không chiếm lại được Thượng Viện, họ đã mất một số ghế ở Hạ Viện và không đạt được đa số trong các cơ quan lập pháp Nhà nước là những cơ quan nắm quyền hành rất lớn trong hệ thống liên bang của Mỹ.

Sự thật không mấy dễ chịu là nếu không có đại dịch Covid-19 và hậu quả là thảm họa kinh tế - tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến mức cao nhất 14,7% vào tháng tư, một mức cao chưa hề có kể từ những năm 1930 -, Ông Trump đã có nhiều thuận lợi để được đắc cử lại. Trong bốn năm dân chúng Mỹ đã hứng chịu vô số lời dối trá của tổng thống, những rối rắm của ông trong khủng hoảng đại dịch, nhiều khiêu khích của ông, họ vẫn đáp lại ông bằng ít nhất 73,7 triệu lá phiếu[2], nhiều hơn tất cả các ứng viên Đảng Cộng hòa trong lịch sử.

Vào tháng hai năm 2020, kinh tế còn tốt. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất (3,5%), lạm phát dưới 2,3%, và vào quý cuối cùng của năm 2019, tổng sản phẩm thô nội địa (GDP) đã gia tăng với nhịp độ vững chắc 2,4% (so với cùng quý năm trước). Sự năng động này, kết hợp với tình trạng không có chiến tranh qui mô lớn - vào thời kỳ mà chủ nghĩa biệt lập đang thống lĩnh công luận - và với lợi thế của một ứng viên đương nhiệm, đã khiến nhiều nhà nghiên cứu chính trị và kinh tế dự đoán chiến thắng của ông Trump[3]. Và nếu như tình hình y tế và kinh tế cuối cùng đã tác hại đến những cơ may của ông, thì quang cảnh chính trị Mỹ cũng không vì thế mà dứt bỏ chủ nghĩa Trump.

Nhân vật này duy trì được hàng chục triệu người ủng hộ tận tụy và nhiệt tình, cũng như nhiều tổ chức bảo thủ như Club for Growth (Câu lạc bộ vì sự tăng trưởng, chống lại thuế khóa và tái phân phối) hay Family Research Council -Hội đồng nghiên cứu về gia đình - (một nhóm theo giáo phái Phúc âm chống lại việc phá thai, ly dị, các quyền của người đồng tính…), cũng như nhiều cơ quan truyền thông, như Fox News hay Breitbart News. Mặt khác, những yếu tố đã tạo thuận lợi cho thành công của ông Trump năm 2016 vẫn luôn còn đó: chống lại người nhập cư trong một đất nước đã trải qua biến đổi nhân khẩu sâu sắc nhất từ một thế kỷ nay, kỳ thị chủng tộc gay gắt, thái độ bề trên ban ơn của giới tinh hoa có học đối với những tầng lớp bình dân và cảm giác từ nay khá phổ biến là toàn cầu hóa phục vụ cho những lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia và những tầng lớp thượng lưu, gây thiệt hại cho đa số.

John Judis (1941-)

Chủ nghĩa Trump nằm trong một sự nổi loạn “dân túy” toàn cầu chống lại giới tinh hoa chính trị, kinh tế và văn hóa, đặc biệt là từ những người có cuộc sống bị xáo trộn bởi toàn cầu hóa và phi công nghiệp hóa. Như quan sát của John Judis, chủ nghĩa dân túy phái hữu” có xu hướng bành trướng khi các đảng phái đa số không biết đến hay giảm nhẹ những vấn đề thực[4]. Như vậy, phe dân chủ mang một trách nhiệm nặng nề trong sự ra đời và củng cố của chủ nghĩa Trump. Sự ủng hộ của ông William Clinton đối với Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (Alena), có hiệu lực từ ngày 1 tháng giêng năm 1994, và những áp lực mà nguyên tổng thống đã thực hiện để tạo thuận lợi cho sự gia nhập của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại thế giới (OMC-WTO) đã là một quả đấm khốc liệt đối với thị trường lao động Mỹ. Theo một ước lượng của Economic Policy Institute (Viện Chính sách kinh tế), sự gia nhập của Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới đã làm mất 2,4 triệu việc làm trong công nghiệp chế biến của Mỹ[5].

David Autor (1967-)

Timothy Geithner (1961-)

Ông Barack Obama cũng không làm gì hơn để cho thấy Đảng Dân chủ quan tâm đến số phận của những tầng lớp bình dân: Ông đã đề bạt vào vị trí bộ trưởng tài chính một người gần gũi với Phố Wall (ông Timothy Geithner); ông đã không muốn truy tố các chủ ngân hàng về trách nhiệm của họ đối với khủng hoảng tài chính năm 2008 và ông cũng không biết cách bảo vệ hàng triệu người Mỹ lúc đó đã mất chỗ ở và tiền hưu trí. Cách đây bốn năm, phe Dân chủ đã trả giá rất đắt cho sự cuồng nhiệt của họ đối với mậu dịch tự do. Theo một nghiên cứu do David Autor điều hành[6], một nhà kinh tế học của Massachusetts Institute of Technology (MIT - Viện Công nghệ Massachusetts), những việc làm bị mất do sự phát triển thương mại Trung Quốc có lẽ đã cung cấp thêm cho ông Trump vài điểm bảo đảm thành công của ông tại các tiểu bang công nghiệp Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, có tính chất quyết định cho chiến thắng của ông năm 2016.

Về phương diện lịch sử, Đảng Dân chủ được xem như “đảng của những người lao động” từ lâu đã trải nghiệm tình trạng sự ủng hộ của các tầng lớp bình dân bị xói mòn, đặc biệt là trong số những người tự xưng là “người da trắng”. Xu hướng này đã được tái khẳng định năm 2020. Theo những thăm dò mới đây kết quả các thùng phiếu tiếp cận được (đọc “Họ đã bầu cho ai?), ông Trump đã nhận được phiếu của 67% các cử tri da trắng không có bằng cấp (so với 32% cho ông Biden). Ngoài ra ông rất được những người da trắng thuộc giáo phái Phúc âm ủng hộ (76% số phiếu) và cư dân các vùng nông thôn (57%). Những hạt bầu cử nghèo nhất nước ở đó phe bảo thủ bắt đầu cắm rễ vào năm 2000, từ nay có xu hướng bầu cho phe Cộng hòa, trong khi 44 trong số 50 hạt giàu nhất - và toàn bộ mười hạt giàu nhất - hiện tại bầu cho phe Dân chủ. Sự đảo ngược các tương quan giữa tầng lớp xã hội và xu hướng chính trị tạo nên một mảnh đất trù phú cho sự nổi dậy của chủ nghĩa Trump không có Trump. Nếu không có một sự thay đổi phương hướng triệt để của phe Dân chủ, những người nghèo nhất có lẽ sẽ tiếp tục hướng về phe Cộng hòa, vì phe này có sẵn một danh sách các lý do được viện dẫn để giải thích các vấn đề của họ: người nhập cư, người da đen, người nước ngoài, giới “tinh hoa”…

Jeffrey Flake (1962-)

Marshall Sanford (1960-)

Ta không nên lầm lẫn: Đảng Cộng hòa đã trở thành một đảng cực hữu, về nhiều mặt cũng hung bạo như những chính thể độc đoán hiện đang cai trị Hung-Ga-Ri hay Thổ Nhĩ Kỳ. Vì những người chống đối bị tước quyền (thượng nghị sĩ Arizona Jeffrey Flake (2013-2019), đại biểu của bang Nam Carolina Marshall (“Mark”) Sanford (2013-2019)… - từ nay đảng nằm trong tay những người theo chủ nghĩa Trump, và có lẽ còn như vậy trong một tương lai gần. Nguy hiểm do “chủ nghĩa dân túy cánh hữu” ở Mỹ còn quan trọng hơn tại nhiều nước châu Âu, ở đó hệ thống đại diện theo tỷ lệ thường xếp các đảng cực hữu ra ngoài rìa của trò chơi chính trị - cho dù tồn tại những ngoại lệ -, như ở Hà Lan (Đảng Vì tự do chỉ thu được 13% số phiếu tại cuộc bầu quốc hội năm 2017, hay ở Tây Ban Nha (đảng Vox đạt tỷ lệ cao nhất là 15% tại cuộc tổng tuyển cử năm 2019). Những người ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ kim soát một trong hai đảng chính, và hệ thống bầu cử một vòng đơn danh theo đa số là một trở ngại to lớn cho sự xuất hiện của các đảng phái khác. Như vậy, khuôn khổ đã được thiết lập cho sự xuất hiện của một người mị dân còn nguy hiểm hơn Trump. Hãy tưởng tượng sức hút to lớn của một Ronald Reagan kết hợp với sự thông minh và kỷ luật của một Obama…

Joe Biden (1942-)
Mitch McConnell (1942-)

Ông Biden lên nắm chính quyền trong một đất nước bị phân cực, với Covid đang làm cho chênh lệch xã hội gay gắt thêm. Theo bộ lao động, hiện nay nước Mỹ đang trải qua cơn khủng hoảng kinh tế không đồng đều nhất trong lịch sử nước này, sự phát triển của việc làm từ xa tạo thuận lợi rõ ràng cho những người có bằng cấp nhiều nhất. Vào lúc cao điểm của khủng hoảng, tỷ lệ mất việc làm lương thấp cao gấp 8 lần tỷ lệ mất các việc làm có lương cao. Những nhân viên ăn lương hay lao động độc lập có bằng đại học có thể làm việc tại nhà nhiều gấp bốn lần, theo tỷ lệ, những lao động không có bằng đại học[7]. Trong thời gian này, những người Mỹ khá giả nhất còn thu được tiền đầy túi. Từ ngày 18 tháng ba là ngày đầu cách ly đến ngày 20 tháng 10, tài sản của 643 tỷ phú đếm được của nước này đã tăng thêm 931 tỷ đô la, bằng một phần ba của toàn bộ tài sản của họ. Ông Biden sẽ phải đặc biệt chịu ơn những người siêu giàu này, với những biếu tặng 100.000 đô la hoặc hơn nữa, họ đã nâng lên 200 triệu đô la trong sáu tháng cho chiến dịch tranh cử của ông. Những trung tâm quyền lực tài chính quan trọng của nước Mỹ - Phố Wall, Silicon Valley, Hollywood, các quỹ đầu tư - thừa nhận Biden là một tổng thống không có nguy cơ đe dọa lợi ích của họ.

Bernie Sanders (1941-)
Elizabeth Warren (1949-)

Được dẫn dắt bởi cánh hữu ở Thượng Viện, có khả năng thượng nghị sĩ cứng rắn Mitchell McConnell của bang Kentucky tiếp tục làm chủ tịch, Biden sẽ gặp khó khăn lớn nhất khi muốn thực hiện một biện pháp nào đó của chương trình của ông. Ngoài ra, ông còn chịu những áp lực từ cánh tả trong đảng của ông, đứng đầu là ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren. Một tình cảnh như vậy sẽ gây khó khăn cho cả những người lãnh đạo quyết tâm nhất. Vậy đối với “Joe ngái ngủ” thì sao[8] Chưa kể là tổng thống mới cũng phải khác với các chính sách của ông Obama mà ông đã tận tụy phục vụ với tư cách phó tổng thống và những chính sách này đã đưa đến sự nổi lên của Trump và phong trào của ông ta. Về điều này ông phải từ bỏ lập trường thận trọng ở giữa vốn đã ghi dấu trong suốt sự nghiệp của ông, bằng cách thực hiện một bước ngoặt triệt để, cùng với đảng của ông.

Sự chuyển hướng này có thể có hình thức như thế nào? Môt chiến lược phổ biến bao gồm khuyến khích đánh thuế vào các lợi tức quá cao, đặc biệt nhắm đến những người đã giàu lên trong đại dịch - theo cùng mạch của chế độ thuế khóa được thiết lập sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Kế hoạch phục hồi mà chắc hn chính quyền Biden sẽ cố gắng để được thông qua sẽ không hướng đến những doanh nghiệp lớn (như kế hoạch của ông Obama năm 2009), mà hướng đến những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng: lao động có lương thấp, người thất nhiệp và doanh nghiệp nhỏ. Ông Biden cũng có thể đề nghị một cách tổ chức thực sự bảo vệ hàng triệu người thuê nhà và tiểu chủ bị đe dọa trục xuất ngay trong mùa đại dịch.

Tất nhiên, Thượng Viện với phe Cộng hòa đa số sẽ không tán thành những biện pháp nêu trên. Nhưng, nếu kiên trì bảo vệ chúng, phe Dân chủ sẽ bày tỏ công khai và mạnh mẽ sự tái cam kết của họ đối với các tầng lớp bình dân, trong tinh thần của Chính sách Kinh tế mới (New Deal) của Franklin Delano Roosevelt. Điều này sẽ giúp họ đứng vững trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022, với tư cách là một mô hình đối chọi với chủ trương bất động của phe Cộng hòa. Đó sẽ là cách tốt nhất để ngăn chặn sự trở lại của một dạng chủ nghĩa Trump mới, còn độc hại hơn chủ nghĩa Trump nguyên thủy.

Jerome Karabel

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Un trumpisme sans Donald Trump”, Le Monde diplomatique, tháng 12.2020

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Giáo sư Xã hội học tại Đại học California tại Berkeley.

[1] Rebecca R. Ruiz et Rachel Shorey, “Democrats see a cash surge, with a $1.5 billion ActBlue haul” (Phe Dân chủ thấy một đợt sóng tiền mặt, với 1,5 tỷ đô la do tổ chức phi chính phủ ActBlue thu được), The New York Times, 16/10/2020.

[2] Số liệu ngày 20/11/2020.

[3] Cf. Jeff Cox, “Trump is on his way to an easy win in 2020, according to Moody’s accurate election model” (Trump đang trên đà chiến thắng dễ dàng năm 2020, theo mô hình thăm dò bầu cử chính xác Moody), CNBC, 15/10/2019.

[4] John B. Judis, The Populist Explosion: How the Great Recession Transformed American and European Politics (Sự bùng nổ của phái dân túy: Cuộc đại suy thoái đã biến đổi các chính sách của Mỹ và châu Âu như thế nào), Columbia Global Reports, New York, 2016.

[5] Robert E. Scott, “US-China trade deficits cost millions of jobs, with losses in every state and in all but one congressional district” (Những thất thu trong thương mại Mỹ-Trung Quốc làm mất hàng triệu việc làm trong tất cả các tiểu bang và tất cả các hạt bầu cử ngoại trừ một hạt), Economic Policy Institute, Washington, DC, 18/12/2014.

[6] David Autor, David Dorn, Gordon Hanson et Kaveh Majlesi, “Importing political polarization? The electoral consequences of rising trade exposure” (Nhập cảng phân cực chính trị? Những hậu quả về bầu cử của sự gia tăng mối nguy hiểm của thương mại), American Economic Review, vol. 110, n° 10, Nashville, 10/2020.

[7] Heather Long, Andrew Van Dam, Alyssa Fowers et Leslie Shapiro, “The Covid-19 recession is the most unequal in modern US history” (Suy thoái do Civid-19 là suy thoái không đồng đều nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ), The Washington Post, 30/09/2020.

[8] “Joe l’endormi” (Joe ngái ngủ), một trong những biệt danh lố bịch mà Trump gán cho đối thủ dân chủ.

Print Friendly and PDF