7.1.21

Trích dịch: “Hoa Kỳ và nền dân chủ”

TRÍCH DỊCH: “HOA KỲ VÀ NỀN DÂN CHỦ”

Anne E. Deysine[*]


Anne E. Deysine
Cuộc tấn công được thực hiện vào tối thứ Tư ngày 6 tháng 1 chống lại Quốc hội ở Washington bởi những người ủng hộ Donald Trump đã tạo ra một cú sốc thực sự ở Hoa Kỳ. Quá trình chứng nhận bầu cử đã bị đình chỉ trước khi tiếp tục qua đêm, trong khi Donald Trump đã đảm bảo với những người ủng hộ mình vài giờ trước đó rằng ông “sẽ không bao giờ thừa nhận thất bại”. Mới cuối tuần trước, cú điện thoại của Donald Trump cho quan chức bầu cử Georgia là một hành vi vi phạm không biết lần thứ mấy luật pháp Hoa Kỳ của người được cho là người bảo đảm nó. Trong cuốn sách “Les États Unis et la démocratie (Hoa Kỳ và nền Dân chủ)”, được L'Harmattan xuất bản cách đây vài tháng, Anne Deysine, một chuyên gia về hệ thống luật pháp Hoa Kỳ, nhấn mạnh vào khái niệm trung tâm về sự ưu việt của luật pháp (chế độ pháp quyền/rule of law) và về sự xói mòn của các tiêu chuẩn, cả thành văn (Hiến pháp và luật) và bất thành văn, mà chúng ta đã thấy trong suốt nhiệm kỳ đang kết thúc. Có vẻ như các nhà lãnh đạo chính trị và các liên minh hiện hữu đóng một vai trò quan trọng như các nguyên lý hiến định. Họ có thể chọn quan niệm ngắn hạn của đảng phái và do đó góp phần làm xói mòn các tiêu chuẩn, điều mà đảng Cộng hòa hiện đang làm trong Quốc hội; hoặc, trong một thế giới lý tưởng, họ có thể dành ưu tiên cho tính lâu bền của các thể chế. Đó là những gì đang bị thách thức hiện nay. Trích dẫn.

____________________________________________________________________

Chế độ pháp quyền hay sự ưu việt của luật pháp

Khái niệm trung tâm “chế độ pháp quyền/Rule of law”, hay sự ưu việt của luật pháp nằm ở trung tâm của hệ thống (chính trị) Mỹ.

Albert V. Dicey (1835-1922)
Theo Albert Venn Dicey, người đã lý thuyết hóa nó, khái niệm này có ba khía cạnh đan xen: sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật; sự khuất phục của quyền lực chính trị, bao gồm cả quốc vương, trước luật pháp của đất nước; và ý tưởng rằng không ai, kể cả các nhà lãnh đạo, đứng trên các luật và luật pháp.

Sự soạn thảo các đạo luật, việc áp dụng chúng, mối quan hệ giữa các loại luật khác nhau cũng được luật pháp chi phối và một chính phủ, kể cả khi được bầu ra một cách dân chủ, không thể hành động một cách tùy tiện. Chính quyền phải tuân theo các luật hiện hành giống như các công dân khác; điều này là cần thiết để có được sự bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật; tương tự như vậy, không thể nhân hoặc pháp nhân nào có thể hưởng các đặc quyền mà không áp dụng các đặc quyền này cho người khác và không thể được miễn trừ các biện pháp trừng phạt, vốn sẽ được áp dụng bất kể giai cấp, địa vị hay quyền hạn của người bị chi phối bởi luật pháp.

Nguyên lý cơ bản của Chế độ Pháp quyền là sự cần thiết phải hạn chế quyền lực chính trị. Lúc đó luật pháp vốn “chiếm ưu thế” sẽ có sứ mệnh chống lại sự tùy tiện và bạo lực, đồng thời bảo vệ công dân chống lại những mưu toan áp bức của quyền lực và biểu tượng tối cao của nó là Nhà nước. Ở đây chúng ta thấy rằng nguyên tắc về sự ưu việt của luật pháp có một chiều hướng phản chính trị: thông qua sự sùng bái pháp quyền và sự kiểm soát của thẩm phán, sự ưu việt này muốn kiểm soát cả quyền lực chính trị, bao gồm cả quyền lực dân chủ.

[…]

Sự xói mòn các chuẩn mực theo Levitsky và Ziblatt

Daniel Ziblatt (1972-)

Steven Levitsky (1968-)
Hệ thống (chính trị) của Hoa Kỳ dựa trên các chuẩn mực hiến pháp và các chuẩn mực lập pháp, nhưng nó cũng dựa trên sự chấp nhận ngầm các chuẩn mực bất thành văn. Chính sự xói mòn của các chuẩn mực bất thành văn này, bắt đầu từ rất lâu trước nhiệm kỳ tổng thống Trump, đã tăng tốc trong suốt nhiệm kỳ này và đang thay đổi cơ chế vận hành và bản chất dân chủ của chế độ.

Hai nhà khoa học chính trị, Steven Levitsky và Daniel Ziblatt, coi điều mà họ gọi là sự xói mòn các chuẩn mực là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các nền dân chủ đương đại vốn không còn bị xóa đi sau một cuộc đảo chính hoặc một cuộc cách mạng và không sụp đổ dưới sự tấn công của chiến tranh hoặc dịch bệnh. Các chuẩn mực dần dần bị xói mòn mà gần như không thể nhận thấy. Chúng bị thối nát từ bên trong, bị đầu độc bởi các thực tiễn như sự phổ biến của sự “tham nhũng hợp pháp và bởi các nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực để thu lợi và lợi dụng chức vụ của họ để định hướng các quy tắc và làm biến chất quá trình dân chủ. Về mặt này, Trump vừa là triệu chứng vừa là nguyên nhân của những tệ nạn đang hoành hành nền dân chủ Mỹ. Nếu các nhà lãnh đạo chuyên quyền đóng góp vào sự phá hủy nền dân chủ, những kẻ thực sự đào huyệt cho nó là các đảng phái chính trị, các thành phần chính trị và những lựa chọn mà họ đưa ra khi đối đầu với loại nhà lãnh đạo mị dân và chuyên chế. Sự tồn vong hay sự diệt vong của các nền dân chủ tùy thuộc vào họ.

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa, để thúc đẩy lợi ích của mình và của các đại biểu dân cử của mình tại Hạ viện và Thượng viện, đã không có bất cứ sự kháng cự nào đối với các cuộc tấn công của Tổng thống hiện tại chống lại các thể chế mà chính họ đã tuyên thệ bảo vệ khi họ tuyên thệ nhậm chức. Sự hài lòng của lãnh đạo Cộng Hòa ở Thượng viện, ông McConnell thật sự biểu lộ khi ông tuyên bố rằng “2017 là năm tốt nhất đối với những người bảo thủ trong 30 năm của ông tại Thượng viện.” Hãy quên đi những lời xúc phạm của Tổng thống, những cuộc tấn công vào FBI, giới truyền thông, vào chính bản thân ông ta và vào Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Hãy quên đi những lời nói dối lặp đi lặp lại về sự gian lận bầu cử và nghe lén. Bởi vì những gì quan trọng là cuộc bỏ phiếu cắt giảm thuế, việc giải điều tiết toàn diện và bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ, những người được cho là không “làm luật”. Các thành viên của Quốc hội dường như yên tâm và cảm thấy không phạm lỗi khi các thành viên của cơ quan hành pháp đang kháng cự lại, đó là một sự biến chất khác của hệ thống.

Khi D. Trump muốn “đuổi về đất nước của họ” bốn dân cử “da màu” của Đảng Dân chủ, những người hoàn toàn là người Mỹ, khi một ngày sau đó, ông để đám đông tại một trong các cuộc họp tranh cử của mình hô vang “đuổi nó về nước!” khi nói về người dân cử thuộc đảng Dân chủ ở Hạ viện, người gốc Somalia và đã trở thành công dân Mỹ, đó là sự tiếp nối của một xu hướng đã có từ những năm 1980.

Justin Amash (1980-)
Sự im lặng của các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện là nghiêm trọng vì nó báo hiệu cho dư luận rằng cách phát biểu và thái độ này đã trở nên có thể chấp nhận được. Nếu giới lãnh đạo đảng Cộng hòa chống lại Tổng thống, điều đó có thể hạn chế sự thái quá, nhưng vì sợ hãi và hèn nhát, các đại biểu dân cử đã giữ im lặng và bình thường hóa sự tục tĩu được sử dụng hằng ngày. Thành viên Đảng Cộng hòa Justin Amash, người duy nhất ủng hộ việc luận tội Tổng thống và người đã rời đảng vào mùa hè năm 2019, đã can đảm khẳng định rằng phản ứng của cử tri là “hậu quả không thể tránh khỏi của sự mị dân của Tổng thống và kết luận “đây là cách những giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử của chúng ta bắt đầu”.

Các đại biểu dân cử khác của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện, ngoại trừ 4 người trong số họ (trong số 196 người), đã từ chối tham gia nghị quyết của Đảng Dân chủ lên án “hành vi phân biệt chủng tộc đã hợp pháp hóa và làm gia tăng nỗi sợ hãi và sự căm ghét những Người Mỹ mới và người da màu. Bằng sự im lặng của mình, họ góp phần làm xói mòn các chuẩn mực và còn thể hiện sự kém đạo đức và tinh thần trách nhiệm hơn cả các cử tri, những người với tỷ lệ 65% (45% trong số những người theo Đảng Cộng hòa) cho rằng việc đuổi những người Mỹ thuộc các thiểu số “về đất nước nguyên quán của họ” là phân biệt chủng tộc.

Đối với Levitsky và Ziblatt, các chuẩn mực bất thành văn, các quy tắc không chính thức và các quy ước là xương sống của nền dân chủ. Nhiều điều trong số này đặt cơ sở trên chủ nghĩa thực dụng và nhận thức rằng những gì tốt cho một đảng trong ngắn hạn có thể không tốt trong dài hạn. Bởi vì đa số thay đổi và những người chiếm đa số ngày nay một ngày nào đó sẽ ở trong thế đối lập. Theo Levitsky và Ziblatt, hai chuẩn mực cần thiết cho sự tồn tại của một nền dân chủ là sự khoan dung lẫn nhau/mutual toleration và sự độ lượng thể chế/institutional forbearance vốn đã bảo vệ hệ thống phanh và đối trọng và từ lâu đã được coi là đương nhiên và được thừa nhận. Khoan dung lẫn nhau là chấp nhận những ý kiến ​​khác và thừa nhận rằng bên đối lập không phải là kẻ thù. Sự độ lượng (hay sự khoan hồng) là sự pha trộn giữa ý tứ và sự tiết chế, đó là thái độ mà các chính trị gia nên thể hiện khi sử dụng các đặc quyền thể chế của họ.

Những chuẩn mực này, nền tảng cho nền dân chủ Mỹ trong phần lớn thế kỷ 20, đã bị xói mòn do sự lạm dụng các thực tiễn đã làm cho chức năng hoặc ý định nguyên thuỷ của chúng bị lệch hướng. Filibuster (Hành động cản trở việc thông qua một đạo luật ở Thượng Viện) là một ví dụ điển hình: đã có 385 hành vi này trong vòng 5 năm (từ 2007 đến 2012), một con số tương đương với con số trong 7 thập kỷ từ Thế chiến thứ nhất đến sự kết thúc của chính quyền Reagan.

Cũng như đối với tỷ lệ xác nhận các thẩm phán liên bang trong các tòa án phúc thẩm; trong khi 90% số ứng cử viên do Tổng thống đề xuất trong những năm 1980 đã được chấp thuận, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 50% trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Điều này có thể giải thích tại sao đảng Dân chủ, mong muốn chấm dứt sự cản trở này, đã sửa đổi các quy tắc về hành vi cản trở/filibuster đối với các vị trí của thẩm phán liên bang. Nhưng bằng cách ưu tiên cho ngắn hạn, đảng Dân chủ đã giúp D. Trump có được một cách khá dễ dàng, vì không bị cản trở, sự xác nhận của một số lượng kỷ lục thẩm phán phúc thẩm, 43 vị trong 30 tháng nhiệm kỳ của ông. Điều này gắn với ý kiến ​​liên quan rằng các nguyên tắc hiến pháp không thể làm tất cả mọi thứ vì một số quyền không được đề cập rõ ràng trong Hiến pháp và do đó không thể được Hiến pháp bảo vệ.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Les États-Unis et la démocratie, The Conversation, 6.01.2021, 20:22 CET Cập nhật 6 janvier 2021, 21:16 CET.

----

Bài có liên quan:



Chú thích:

[*] Giáo sư danh dự, luật gia và chuyên gia nghiên cứu về Hoa Kỳ, các vấn đề chính trị, xã hội và luật (Tối cao Pháp viện), Đại học Paris Nanterre – Đại học Paris Lumières

Print Friendly and PDF