8.11.20

Nội chiến ám ảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ

NỘI CHIẾN ÁM ẢNH NƯỚC MỸ ĐANG BỊ CHIA RẼ

Valentine Faure

ĐIỀU TRA

Kể từ cuộc nội chiến, chưa bao giờ người Mỹ lại chia rẽ đến như vậy, không chỉ liên quan đến Donald Trump mà cả về quan niệm về quốc gia của họ và các giá trị của nó như những huyền thoại thời lập quốc, với những tầm nhìn đối chọi nhau về quá khứ cũng như tương lai.

Đài tưởng niệm “Talbot Boys” được dựng lên từ năm 1916 trên sân cỏ của tòa án Talbot, bên bờ đông của quận Maryland. Nó gợi nhớ đến 84 chiến sĩ của quận đã chiến đấu, năm mươi năm trước đây, để bảo vệ chế độ nô lệ, chống lại các chiến sĩ của Liên bang Miền Bắc. Sau vụ thảm sát George Floyd vào tháng năm, trong khi đang có vấn đề phá bỏ tượng đài, hội đồng quận đã bỏ phiếu với ba phiếu thuận, hai phiếu chống, để nguyên tượng đài nơi nó đã được dựng lên từ một trăm lẻ bốn năm nay. “Không có công lý, không có hòa bình!” là khẩu hiệu của những người chống đối.

Một sự việc của đời sống bình thường ở Mỹ đang làm cho cư dân của một cộng đồng nhỏ xung đột nhau về một câu chuyện đã xưa đến 150 năm. Hồi đó Hoa Kỳ suýt bị chia làm hai. Sự hợp nhất được tiến hành bằng sức mạnh. Nó có vững chắc không?

Thomas Jefferson (1743-1826)
Christophe Colomb (1451-1506)

Từ khi Trump đắc cử, những xung đột chung quanh ký ức dân tộc làm lộ rõ những vết thương còn mở. Dù người ta đánh nhau để duy trì những tượng đài của Liên minh Miền Nam hay để tiêu trừ những ký ức vinh danh Jefferson - Người Cha lập quốc có 600 nô lệ -, vinh danh Christophe Colomb hay những kẻ chinh phục khác đã tàn sát người da đỏ (Anh-Điêng - Indiens), thì lịch sử nước Mỹ cháy bỏng hận thù được nung nấu lại có vẻ bắt đầu bùng lên. Ngày nay nhà chính trị học David French đã viết: “Việc duy trì sự thống nhất của Hoa Kỳ (Hợp chủng quốc Mỹ châu) không được bảo đảm. Vào lúc này của lịch sử, không có một sức mạnh quan trọng nào về văn hóa, tôn giáo, chính trị hay xã hội tập hợp được người Mỹ nhiều hơn là chia rẽ họ.

David French (1969-)


Là cựu binh chiến tranh Irak, nhà luật học đầu tư nghiên cứu các vấn đề tự do tín ngưỡng, theo Công giáo, trước đây ông (David French) thành tâm theo đảng Cộng Hòa - chính ông đã nghĩ đến việc ứng cử làm đại biểu đảng Cộng Hòa - trước khi ông thấy mình trở thành “không có bộ lạc”, ông hầu như không còn nhận diện được đảng của ông nữa kể từ năm 2016. Chính từ quan điểm của người bỏ đảng mà ông quan sát sự tan rã của sự thống nhất quốc gia và hố sâu khổng lồ về ý thức hệ có thể đưa đến sự sụp đổ. Quyển sách mới nhất của ông, Divided We Fall (Chia rẽ, chúng ta sẽ chết) một phần của một loạt các tác phẩm được công bố trong năm nay phản ánh cảm nhận về tình trạng hỗn độn: Why We’re Polarized (Tại sao chúng ta bị phân cực) của Ezra Klein, một nhà phân tích chính trị rất có ảnh hưởng, Union: The Struggle to Forge the Story of United States Nationhood (Hợp nhất: Cuộc chiến đấu để xây dựng câu chuyện về căn tính quốc gia của Hoa Kỳ) của nhà viết tiểu luận Colin Woodard, Break It Up: Secession, Division, and the Secret History of America’s Imperfect Union (Phân hóa và tan rã: Ly khai, Chia rẽ và Lịch sử bí ẩn của Liên bang không hoàn hảo) của Richard Kreitner, phóng viên của tuần báo cánh tả The Nation, hay còn là American Secession: The Looming Threat of a National Breakup, (Ly khai của Mỹ: Mối đe dọa nhãn tiền của sự tan rã quốc gia) của nhà viết tiểu luận ủng hộ Trump F. H. Buckley… Một dạng học thuyết về sự sụp đổ quốc gia đang nhìn về cùng một thảm họa: sự chia rẽ.

“Chiến tranh văn hóa”


Lilliana Mason

Tình trạng phân cực cực đoan có lẽ là nhận định duy nhất được toàn bộ dân chúng chia sẻ. Hơn một phần tư người Mỹ đã chấm dứt tình bạn hay cắt đứt quan hệ với một thành viên trong gia đình họ từ khi Donald Trump đắc cử. Bởi vì những bất đồng không chỉ là chính trị. Năm 2008, trong quyển sách The Big Sort, nhà viết tiểu luận Bill Bishop đã xác nhận tình trạng tự cô lập của người Mỹ thành những cộng đồng thuần nhất về xã hội và chính trị. Thế là khi những người có cùng cảm nhận tập họp lại thì họ có xu hướng trở nên cực đoan hơn. Với Lilliana Mason, nữ giáo sư Đại học Maryland và tác giả của quyển sách Uncivil Agreement: How Politics Became Our Identity (2018), (Một thỏa thuận khiếm nhã: Chính trị đã trở thành căn tính của chúng ta như thế nào), căn tính chính trị chỉ còn đơn thuần là một thành phần của căn tính xã hội: nó trở thành một “đa căn tính” cho ta biết về “thiên hướng của một người, cũng như tín ngưỡng, chủng tộc, giới tính, nơi cư trú và hiệu tạp hóa yêu thích của người đó”. Tất cả đều là chính trị.

James Davison Hunter (1955-)
Pat Buchanan (1938-)

Thành ngữ “Những cuộc chiến tranh văn hóa” có nguồn gốc từ một quyển sách của nhà xã hội học James Davison Hunter công bố năm 1991. Những vấn đề liên quan đến các giá trị gia đình và tín ngưỡng, đến nữ quyền, quyền của người đồng tính, quyền có súng và phá thai đã định nghĩa trở lại nền chính trị của Mỹ. Ông đã đúc kết thành lý thuyết là trong tương lai những bất đồng gay gắt về những vấn đề nêu trên sẽ là then chốt của nền chính trị trong một quốc gia bị phân cực. Thành ngữ này được Pat Buchanan sử dụng lại và ông đã làm thành một bài diễn văn tại đại hội của đảng Cộng Hòa năm 1992: theo ông, Bill Clinton lúc đó là ứng cử viên tổng thống đang đe dọa nước Mỹ với một cuộc chiến tranh văn hóa khi ông này ủng hộ “phá thai theo yêu cầu, các quyền của người đồng tính, phân biệt đối xử chống lại các trường học tôn giáo, phụ nữ trong các đơn vị chiến đấu”. Ba mươi năm sau, phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen là quan trọng), biến đổi khí hậu, chính sách y tế công cộng, các quyền của người chuyển giới đã được nhận diện như những mặt trận mới trong cuộc chiến văn hóa.

Alan Abramowitz (1947-)

“Nói chung, người Mỹ có thể được xếp vào hai phe: những người cho rằng những thay đổi trong nửa thế kỷ qua đã có ảnh hưởng tích cực là chính lên cuộc sống của họ và xã hội Mỹ, và những người cho rằng những thay đổi này có ảnh hưởng tiêu cực là chính”, theo nhà chính trị học Alan Abramowitz. David French nói theo một cách khác: Cánh tả - vốn đang thống lĩnh truyền thông, giới hàn lâm và văn hóa của quần chúng - đã vô cùng hiệu quả khi xê dịch cửa sổ Overton”, cửa sổ này vốn xác định khuôn khổ của một diễn ngôn chấp nhận được về mặt chính trị đối với một chủ đề nhất định.

Ông viết tiếp: “Kết quả là những lực đẩy bìa phải của cửa sổ Overton trở nên mạnh đến nỗi chúng phá vỡ nó trên nhiều điểm. Không còn một cửa sổ duy nhất, mà là hai. Chúng tách xa nhau nhanh đến nỗi bây giờ khó đi vào những cuộc đối thoại với thiện chí, ngay cả những đối thoại sơ đẳng nhất về một vài vấn đề gay cấn nhất trong việc xác định nền chính trị Mỹ.”

Những vấn đề về khế ước xã hội, các phương tiện giáo dục trẻ em, quyền được mang vũ khí hay cấm mang vũ khí, lẫn những vấn đề nhập cư, quyền bầu cử, các quyền sinh sản của nữ giới, khoa học về khí hậu hay mang khẩu trang. Những cách nhìn mâu thuẫn nhau về tương lai và quá khứ.

Sự phân cực tiêu cực

Nước Mỹ đang là đối tượng của hiện tượng phân cực tiêu cực. Nói cách khác, sự tham gia vào một đảng phái chính trị là do ghét và sợ đảng đối thủ hơn do đồng tình với đường lối của đảng. Người Mỹ không những bị chia rẽ, mà họ còn có những huyễn tưởng về phần lớn những khác biệt của họ. Theo một bài báo trên Journal of Politics năm 2018, những người theo đảng Cộng Hòa nghĩ rằng 32% những người theo đảng Dân chủ là LGBT (đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới) (sự thực chỉ có 6%), một nửa là người da đen (sự thực là 24%) và 44% tham gia nghiệp đoàn (11%). Những người theo đảng Dân chủ nghĩ rằng 44% số người theo Cộng Hòa là từ 65 tuổi trở lên - con số thực là 21%.

David French cho rằng mỗi phe đều mang “niềm tin cháy bỏng rằng phe kia không chỉ muốn đối phương thất bại trong những trận chiến chính trị, mà còn mong muốn đối phương tồn tại trong một trạng thái lệ thuộc thường trực và nguy hiểm (ngay cả có thể chết)”. Trong vòng ba năm, số người Mỹ nói rằng họ tự thấy chính đáng khi dùng bạo lực để đạt các mục tiêu chính trị của họ đã tăng từ 8% lên hơn 33%, doanh số bán vũ khí năm nay đã đạt mức kỷ lục. Tình trạng chia rẽ rõ ràng này khơi lại tu từ học thời nội chiến. Vào đầu tháng 10, chính là ở Gettysburg, Pensylvania, chiến trường vào năm 1863 tượng trưng cho quốc gia bị chia rẽ, Joe Biden đã đọc một bài diễn văn so sánh nước Mỹ thời chiến tranh Nam-Bắc với tình trạng hiện tại: ông nói rằng, một lần nữa, đất nước đang trải qua một “cuộc chiến vì linh hồn quốc gia”. Hai tuần trước đó, chính là sự “vĩ đại” của tướng Lee - thủ lĩnh quân đội Miền Nam Hoa Kỳ - mà Trump đã chọn để tưởng niệm: “ông ta đã có thể thắng” nếu không có trận Gettysburg, Trump tỏ ra tiếc nuối.

“Cuộc nội chiến lạnh”

Thế là ngày nay Trump điều hành hai nước Mỹ thay vì một nước liên bang. Hơn nữa, ông thường tỏ ra là tổng thống của chỉ một phần nước Mỹ: phần ủng hộ ông. Khi tổng kết về đại dịch chẳng hạn, ông khoe khoang rằng: “Nếu các vị loại các tiểu bang xanh ra [dân chủ] thì tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở một mức mà không một ai trên thế giới có thể đạt được.” Loại các tiểu bang xanh? “Thường được xem là ít nghiêm túc hay hão huyền, học thuyết ly khai mới - trở lại với Liên minh Miền Nam Hoa Kỳ - bộc lộ những chia rẽ trong đời sống nước Mỹ mà có lẽ không ít nan giải hơn những chia rẽ đã dẫn tới cuộc nội chiến lần thứ nhất”, Richard Kreitner đã viết như vậy.

Năm 2018, 31% người Mỹ phỏng đoán rằng có thể xảy ra một cuộc nội chiến trong năm năm tới. Viễn cảnh này được giới truyền thông cực hữu khai thác, vừa để kích động sự sợ hãi về một cuộc chiến thắng của phe dân chủ và làn sóng “chống phát xít” giả định của họ, cũng vừa để đe dọa phe tự do. Trong một nghĩa hoàn toàn ít có tính hiếu chiến hơn, người ta nói đến “một cuộc nội chiến lạnh”. Thủ tục luận tội Trump, các thuyết âm mưu của phe cực hữu về Nhà Nước ngầm hay những cuộc biểu tình bạo động có khi được cả hai phe phân tích như những dấu hiệu bằng hành động của một cuộc nội chiến.

David Blight (1949-)

“Nội chiến giống như con rồng khổng lồ ngủ yên trong lịch sử của Mỹ, luôn sẵn sàng vươn dậy vào lúc chúng ta ít ngờ trước nhất và khạt ngọn lửa dữ dội vào chúng ta, nhà sử học uy tín David Blight đã viết trên The Guardian. Đất nước đa dạng nhất thế giới này vẫn còn là một thí nghiệm, và một lần nữa chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh chính trị làm cho chúng ta phải tự hỏi có phải chúng ta đang ở bên bờ của một dạng nội chiến mới không.”

Những yêu sách ly khai

Sau cuộc nội chiến, năm 1869, phúc quyết Texas v. White của Tòa án tối cao khẳng định rằng các tiểu bang không có quyền đơn phương ly khai. Nhưng không vì thế mà những toan tính ly khai biến mất. Năm 2012, khi Obama đắc cử, trang Web của Nhà Trắng đã nhận được những kiến nghị ly khai từ 50 tiểu bang; kiến nghị của bang Texas được ủng hộ nhiều nhất với 125.000 chữ ký. Sau chiến thắng của Trump là ý tưởng ly khai của California “Calexit”, một tiểu bang California độc lập (đa số cấp tiến không đồng tình với quốc gia về nhiều vấn đề của xã hội) bỗng nhiên thu hút được sự ủng hộ của công chúng.

Năm 2017, một cuộc thăm dò đã cho biết hơn 20% cư dân của Vermont nghĩ rằng tiểu bang phải tính đến việc “rời khỏi Hoa Kỳ trong hòa bình để trở thành một nước Cộng hòa độc lập như nó từng là trong thời gian từ 1777 đến 1791”. Những yêu sách ly khai đã diễn ra ngay trong hai tiểu bang cuối cùng gia nhập Hoa Kỳ là Alaska và Hawaï. Tồn tại những phong trào ly khai ở cấp vùng và thành phố. Những dự án ly khai chủng tộc như dự án Liên minh Miền Nam (South League project) mơ tưởng tái lập một Liên minh da trắng mới. Những đề nghị xuyên quốc gia như đề nghị về Cascadia, một nước Cộng hòa sinh học cấp tiến bao gồm phần phía Bắc của California, Oregon, tiểu bang Washington và các tỉnh British Columbia và Alberta của Canada.

Danh sách các phong trào ly khai năng động cũng bao gồm các dự án Cộng hòa người da đen, người Sioux và người Lakota… Cũng có những đề nghị phân chia Hoa Kỳ thành hai, năm, bảy, sáu, chín, 11, 12, 13 nước nhỏ. “Nghịch lý là sự chia rẽ là một trong những ý tưởng duy nhất thực sự mang tầm quốc gia, Richard Kreitner đã viết như vậy. Ly khai là kiểu cách mạng duy nhất mà người Mỹ chúng ta đã biết và là kiểu duy nhất mà chúng ta đã may mắn thấy được.”

Ám ảnh của chia rẽ

Richard Kreitner


Rốt cùng lại thì chính nước Mỹ được sinh ra từ một cuộc ly khai. Trong quyển sách lịch sử 400 năm của Mỹ, Break It Up: Secession, Division, and the Secret History of America’s Imperfect Union, Richard Kreitner khẳng định rằng những nền tảng của quốc gia đã luôn luôn yếu ớt: “Sự chia rẽ - khả năng là sụp đổ tất cả - là một nét nhất quán bị lẩn khuất xuyên suốt lịch sử của chúng ta, từ thời kỳ thuộc địa đến bước đầu của nền Cộng hòa và của chiến tranh Nam-Bắc và sau đó nữa xuyên qua thế kỷ Mỹ huyền thoại và cho đến giai đoạn bất ổn của chúng ta.” Huyền thoại về một quốc gia thống nhất chỉ có thế, là “một huyền thoại”. Mối đe dọa thường trực của chia rẽ phô bày sự mỏng manh của đoàn kết hơn là năng lực chống chọi của nó?

Colin Woodard (1968-)

“Trước chiến tranh [giành độc lập], một trong những lập luận chính chống lại sự ra đi của Đế quốc là căn tính chung của nước Anh là một trong những điều hiếm hoi tạo điều kiện cho các thuộc địa sống trong hòa bình, Colin Woodard đã viết trong tác phẩm Union: The Struggle to Forge the Story of United States Nationhood. Nếu một quốc gia có thể được mô tả như một nhóm dân cư có cùng chung một cảm nhận về văn hóa, lịch sử và sự thuộc về cộng đồng thì thực ra đã có nửa tá trong lòng “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” này”. Sau cuộc cách mạng Mỹ, ông đã nói, “giải pháp tùy tình thế” là tôn vinh chiến thắng chung chống lại người Anh, nhưng không đề cập đến những khác biệt cơ bản. 13 tiểu bang đầu tiên có gì chung? “Có thể chỉ ra rất rõ ràng cho mọi người là những địa phương độc lập riêng rẽ này, như những đô thị nhỏ của Hy Lạp, sẽ mãi mãi xung đột nhau và trong lâu dài sẽ trở thành những đồng minh và vệ tinh của các cường quốc châu Âu”, Jefferson đã viết như vậy vào lúc đó.

Romain Huret (1972-)

Romain Huret, nhà nghiên cứu lịch sử Hoa Kỳ và giám đốc đào tạo tại Trường cao học về khoa học xã hội (Ecole des hautes études en sciences sociales -EHESS- Paris) giải thích: “Những Người Cha lập quốc bị ám ảnh bởi sự chia rẽ. Họ lo lắng vì ý nghĩ liên bang bao gồm những tiểu bang với những hệ thống kinh tế và xã hội rất khác nhau, với những giá trị rất khác nhau và sẽ phải chấp nhận những chia rẽ rất sâu sắc. Hệ thống chính trị đã được sáng tạo để chống lại những chia rẽ này.” Hội nghị Hiến pháp năm 1787 đã được triệu tập để đáp trả lại khủng hoảng đang gia tăng này và đem lại một giải pháp tôn trọng pháp chế: một chính phủ liên bang mạnh hơn, bị hạn chế bởi những kiểm soát và các thế quân bình. “Mục đích là bảo đảm rằng không một khối dân cư nào - không một nền văn hóa địa phương nào - có thể áp đặt ý muốn của mình cho những nơi khác”, Colin Woodard đã viết như vậy.

Jeffrey Rosen, chủ tịch của Trung tâm Hiến pháp quốc gia, một tổ chức mời gọi những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ thảo luận về văn bản Hiến pháp vượt ra ngoài những logic về đảng phái, đã bình luận: “Điều đó giúp giải thích tại sao việc tôn thờ Hiến pháp đã tồn tại dai dẵng lâu dài như thế: ý niệm về “chúng ta, nhân dân” là rất mạnh. Trong thời buổi phân cực lớn này, ý tưởng duy nhất làm cho hai phe có thể đồng ý với nhau có thể là Hiến pháp tượng trưng cho những lý tưởng của người Mỹ, ông nói tiếp. Họ hoàn toàn không đồng ý với ý nghĩa của văn bản. Nhưng họ đồng ý với nhau rằng Hiến pháp là ngôi sao bắc cực của chúng ta.”

Một “cuộc chiến thứ tư cho Hiến pháp”

Amy Barrett (1972-)

Jeffrey Rosen (1964-)

Tuy nhiên, Jeffrey Rosen cho rằng đất nước đang trải qua “cuộc chiến thứ tư cho Hiến pháp”. Cả ba cuộc chiến đầu -Cách mạng, chiến tranh Nam-Bắc và chính sách Kinh tế mới (New Deal)- “đều đặt trọng tâm vào qui mô và tầm ảnh hưởng của chính quyền trung ương”. Cuộc chiến thứ tư “nêu lại ba cuộc chiến trước và đúc kết chế định duy nhất của Hiến pháp trong đời sống dân Mỹ với tư cách là một tài liệu duy nhất vừa chia rẽ vừa đoàn kết chúng ta”. Với sự xác nhận của quan tòa Amy Barrett, được Donald Trump đề bạt trong hoàn cảnh rất gay cấn, Jeffrey Rosen giải thích: Có sáu phiếu ở Tòa án tối cao để làm sống lại Hiến pháp với nghĩa nguyên thủy của nó”.

Chủ trương bảo vệ Hiến pháp nguyên thủy Mỹ (originalisme) là một lý thuyết triết học về hiến pháp đặc biệt được bảo vệ bởi quan tòa quá cố Antonin Scalia, người đỡ đầu rất bảo thủ cho Amy Barrett, cổ xúy cho việc diễn giải Hiến pháp theo đúng nghĩa của nó vào lúc nó trở thành luật. Như thế, Clarence Thomas, một quan tòa khác của Tòa án tối cao cùng lập trường bảo vệ hiến pháp cho rằng những quyết định quan trọng kể từ thời chính sách kinh tế mới đã phản lại ý nghĩa nguyên thủy của Hiến pháp và cần được hủy bỏ. Đối chọi lại, phe theo “chủ nghĩa hợp hiến sinh động” cho rằng ý nghĩa của văn bản phải thay đổi theo thời gian cùng với sự tiến hóa của xã hội.

Cuộc chiến thứ tư cho Hiến pháp có thể đi đến một loạt những quyết định đổi mới có khả năng hạn chế một cách đáng kể tầm ảnh hưởng của chính quyền trung ương, lần đầu tiên kể từ năm 1937. Romain Guret phân tích như sau: “Văn bản này có một giá trị thiêng liêng đối với một số người. Những người bảo thủ nghĩ rằng văn bản này thông minh một cách siêu phàm, mỗi chữ đều được cân nhắc. Nhưng người ta có thể diễn dịch theo hướng hoàn toàn ngược lại. Ví dụ như từ “welfare” (an sinh): Những Người Cha lập quốc đã hiểu từ “an sinh” như thế nào? Mời gọi đi vào hạnh phúc, theo nghĩa của những nhà Khai minh? Hay điều đó có nghĩa là quyền có bảo hiểm xã hội?

Đi tìm chính “nguồn gốc” của quốc gia

Jill Lepore (1966-)

Pap Ndiaye (1965-)

Nhà sử học Pap Ndiaye tóm tắt như sau: “Ta có thể nói rằng lịch sử nước Mỹ, việc giải thích cách mạng Mỹ, đã luôn luôn là một thế cờ chính trị. Lịch sử các tượng đài quân đội Miền Nam “được dựng lên giữa hai trận chiến tranh thế giới, thậm chí trong những năm 1950, đã luôn luôn bị tố cáo. Chưa bao giờ dân Mỹ gốc Phi châu đồng ý với việc dựng những tượng đài này, sự phản đối này đã có một lịch sử lâu dài. Các tượng của tướng Lee, đó là một thế kỷ đàn áp và tách biệt chủng tộc ở Miền Nam”. Những tượng đài này kể về một phả hệ của ý chí muốn khẳng định quyền lực của người da trắng. Những khuấy động và tranh luận chung quanh lịch sử nước Mỹ không chỉ là một sự “phá hủy lịch sử của chúng ta” như Donald Trump đã nêu ra, mà còn là dấu hiệu hiển nhiên của nhu cầu viết lại lịch sử của quốc gia không phải rời rạc từng phần và lừa phỉnh. Nhà sử học Jill Lepore đã viết trong This America: The Case for the Nation (2019) (Nước Mỹ này: Lập luận ủng hộ quốc gia) “Các quốc gia được những con người hợp thành, nhưng lịch sử đã đoàn kết họ (…). Kể từ một thế hệ nay, lịch sử nước Mỹ bị đảo lộn và quốc gia tan rã. Các quốc gia, để hiểu họ là ai, cần đồng ý với nhau về quá khứ của họ.”



“Có một cuộc tranh luận rất sôi động ở Mỹ về sự xác đáng của những nhà lập quốc”, Feffrey Rosen đã ghi nhận. Bên cánh tả, những người cấp tiến ủng hộ ý kiến cho rằng việc thành lập nước Mỹ đã không tránh được vết hoen ố là chế độ nô lệ, rằng những Người Cha lập quốc, khi họ tuyên bố bình đẳng thì chính họ có sở hữu nô lệ, và hầu hết chống lại quyền bình đẳng của phụ nữ, và nhất thiết phải nhấn mạnh đến sự bất toàn của lịch sử. Những người bảo thủ vặn lại rằng, những nhà lập quốc mặc dù có phản bội các nguyên tắc liên quan đến chế độ nô lệ, họ cũng đã tiếp nhận những lý tưởng của các nhà Khai minh và sử dụng chúng về sau để chấm dứt chế độ nô lệ. “Chừng nào nước Mỹ còn chính sách phân biệt chủng tộc thì sẽ còn ký ức về nội chiến chính trị”, David Blight đã viết như vậy vào năm 2001 trong tác phẩm Race and Reunion: The Civil War in American Memory. (Chủng tộc và sự hòa giải: Cuộc nội chiến trong ký ức của Mỹ)

Vậy nếu chứng chỉ khai sinh của nước Mỹ không phải là cuộc Cách mạng Mỹ, mà là khi những nô lệ đầu tiên đến Mỹ? Các nhà sử học đã thảo luận vấn đề này từ khi thời báo New York Times nêu ra, vào năm 2019, một dự án dài hơi mang tên “The 1619 Project”, chiếu theo thời điểm một chiếc tàu chở chừng hai chục người từ châu Phi cập bến bang Virginia. Hơn cả một tội tổ tông, sự kiện những nô lệ đầu tiên đến Mỹ tạo nên “chính nguồn gốc” của quốc gia, hành động đặt nền tảng cho một hệ thống đã nuôi dưỡng tất cả những gì làm nên nước Mỹ, của cải giàu có, phân biệt chủng tộc, hệ thống bầu cử, y tế, văn hóa…

Bret Stephens (1973-)

Nữ phóng viên có sáng kiến về dự án đã nhận giải Pulitzer. Ngày nay các nhà sử học yêu cầu rút lại giải thưởng, nhân danh “những sai lầm về sự kiện, những khái quát hóa có vẻ đánh lừa và những diễn giải khiên cưỡng” vốn đang là chỗ dựa cho dự án của bà. Ngay trên các cột báo của New York Times, phóng viên Bret Stephens phê phán dự án và cách nhìn “từ một nguyên nhân độc nhất” về lịch sử quốc gia. “Chẳng hạn như các ý tưởng hàm chứa trong tu chính án thứ nhất là như thế nào? Hay tinh thần phóng khoáng đã đem hàng triệu người nhập cư đến các nơi như Ellis Island? Hay tầm nhìn về thế giới được nêu rõ trong chương trình Marshall và cầu hàng không Berlin? (…) Phân biệt chủng tộc đối với người da đen có vị trí gì trong những điều làm ô danh nước Mỹ như hành động tàn bạo đối với người Mỹ Anh - Điêng, luật loại trừ người Hoa hay việc giam giữ người Mỹ gốc Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai?” Qua những cuộc đối thoại này, người ta tìm nguyên tắc giải thích, lý do tồn tại của của đất nước mà nay đã không còn một mình ngự trị trên thế giới cũng như không đủ tầm đạt tới những lý tưởng nền tảng của thời lập quốc. Có thể một ngày nào đó, những cuộc đối thoại này sẽ làm vang lên “những đồng thuận bí ẩn của ký ức” như Jefferson đã nói, những đồng thuận có sức mạnh kết nối quá khứ và hiện tại thành một tổng thể hài hòa.

__________________________________

Những cuộc nội chiến Mỹ

Vào năm 1607, trên lãnh thổ Tsenacommacah của người da đỏ, Jamestown, thuộc địa đầu tiên của người Anh được xây dựng. Sau một thế kỷ rưỡi tàn sát, bành trướng, du nhập nô lệ và thực dân mới, Tocqueville đã viết “chính ở đó mà những con người văn minh phải cố gắng xây dựng xã hội trên những nền tảng mới, bằng cách lần đầu tiên áp dụng những lý thuyết mà đến lúc đó họ chưa biết hay được biết là không thể áp dụng, họ sẽ bày ra cho thế giới một cảnh tượng mà lịch sử của quá khứ không hề chuẩn bị”.

1763-1787: cuộc cách mạng Mỹ

Kể từ năm 1763, một loạt bạo động đã đặt nền quân chủ nước Anh đối chọi với 13 thuộc địa của mình ở “Tân Thế giới”. Những nguyên nhân vừa liên quan đến thuế khóa, người Anh đã áp đặt những khoản thuế cho thuộc địa mà không hỏi ý kiến họ, vừa liên quan đến nhu cầu mở rộng về phía tây và nhu cầu độc lập chính trị của người Mỹ. Ngày 4 tháng bảy năm 1776, những người đại diện cho các thuộc địa thông qua “Bản tuyên ngôn nhất trí của 13 tiểu bang của Mỹ” đơn phương tuyên bố độc lập đối với triều đình Anh.

1787: Hiến pháp

Sau 8 năm chiến tranh, một hội nghị hiến pháp do George Washington chủ trì đã họp ở Philadelphia kéo dài bảy tháng. Lấy cảm hứng từ phong trào Khai minh, Hiến pháp thiết lập một chế độ công hòa liên bang dựa trên một sự phân quyền chặt chẽ. Những lời đầu tiên của ông, “Chúng ta, nhân dân của Hoa Kỳ” xây dựng hiến pháp của một quốc gia dựa trên toàn bộ nhân dân chứ không phải dựa trên một liên minh các tiểu bang. Hiến pháp khẳng định những quyền cơ bản - về tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc. Văn bản giao lại việc xác định những tiêu chuẩn của quyền bầu cử cho pháp chế của từng tiểu bang. Trong thực tế, chỉ các điền chủ có quyền bầu cử. Phụ nữ, những người nghèo, người da đen và người da đỏ Anh-Điêng bị loại ra khỏi đời sống chính trị.

1861-1865: chiến tranh Nam-Bắc

Abraham Lincoln (1809-1865)
Andrew Johnson (1808-1875)

Chiến tranh Nam-Bắc - hay nội chiến (người Mỹ gọi là Civil War) đối chọi các tiểu bang của Mỹ do Lincoln điều khiển và 11 tiểu bang miền Nam gọi là Liên minh Miền Nam đã ly khai sau khi Lincoln đắc cử. Miền Nam với sự trù phú chủ yếu dựa trên trồng trọt và xuất khẩu đường và bông vải cần có chế độ nô lệ. Miền Bắc, công nghiệp hóa, chủ trương bảo hộ rất mạnh mẽ và bãi bỏ chế độ nô lệ. Sau cuộc chiến đã gây ra 600.000 tử vong, Liên bang được cứu vãn, chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở Mỹ và vai trò của chính phủ liên bang được tăng cường. Nhưng trong thực tế, sau khi Lincoln bị ám sát và Andrew Johnson đắc cử tổng thống, Trump được so sánh nhiều với ông này, các tiểu bang Miền Nam có thể duy trì quyền định đoạt số phận của những nô lệ cũ. Các đạo luật Jim Crow tạo ra một chế độ tách biệt chủng tộc, ngăn cản các quyền đã đạt được sau chiến tranh Nam-Bắc. Chế độ tách biệt chủng tộc chấm dứt với Civil Rights Act (Đạo luật Dân quyền) được tổng thống Johnson công bố năm 1964.

__________________________________

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Voyage dans les Etats desunis d’Amérique, hantés par la guerre civile”, Le Monde, 30.10.2020.

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF